Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

' 2 màu áo, một tâm hồn " / T. Vấn [ i.e. Trương Văn Vấn 19 xx -- / Mỹ ] -- trích: T.VẤN & Bạn Hữu -- 5/7/ 2022

 

T.Vấn: Hai màu áo, một tâm hồn.

Share on facebook
 
Share on twitter
 
Share on whatsapp
 
Share on email
 
Share on print
clip_image002

(Nhân dịp Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 2022, tôi đưa bài viết cũ từ 2006 lên trang nhất của TV&BH, như một lời nhắc nhở đến các con tôi và các bạn cùng trang lứa gốc Việt, với hy vọng chúng sẽ đọc và hiểu hơn những gì thế hệ cha anh kỳ vọng nơi chúng. T.Vấn)

■ Gởi một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam

● . . . Vì non xanh nước biếc vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vì dân vẫn là cái gốc trên đó mồ mả cha ông làng quán họ hàng lề thói tập tục tồn tại, và cũng từ đó những chế độ cầm quyền ra đời, nên cuộc ra đi nào cũng phải chứa cái mầm của sự trở về. (T.Vấn – Trở về hay ra Đi?)

1.

Hôm Lễ Chiến Sĩ Trận Vong Hoa Kỳ (Memorial Day) cuối tháng 5 vừa qua, thấy tôi hì hục bắc thang treo lên hai bên cửa nhà hai lá cờ, một bên là lá cờ Mỹ, và bên kia là lá cờ Việt Nam, đứa con gái nhỏ của tôi buột miệng hỏi tôi đại ý Bố ơi, tại sao nhà mình lại treo hai lá cờ, trong khi tất cả những nhà khác trong khu vực chung quanh, có nhà không treo cờ, có nhà chỉ treo một lá cờ Mỹ, riêng nhà mình lại có cả cờ Việt Nam nữa? Tôi cố tìm lời lẽ thật bình dị, dễ hiểu, lâu lâu phải chêm vào một số từ tiếng Mỹ để phụ giải thích cho con tôi hiểu rằng, vì mình là người Việt Nam sống trên đất Mỹ, có nghĩa là mình vẫn còn một tổ quốc khác để nhớ về trong những dịp lễ lậy có tính cách quốc gia như ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong, tức ngày tưởng nhớ đến những người con đất nước đã bỏ mình để bảo vệ tổ quốc, những chiến sĩ đã nằm xuống cho lý tưởng tự do, dân chủ, độc lập và quyền được sống như một con người bình đẳng của dân tộc. Lá cờ Mỹ là dành nhớ đến những người đã chết dưới lá cờ này để ngày nay chúng ta có được một mảnh đất tự do, thịnh vượng dung chứa hơn hai triệu người Việt Nam. Những người chết dưới lá cờ Mỹ không phải chỉ bao gồm những công dân Mỹ, mà còn có cả những người đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả các thanh niên Việt Nam, họ đã chiến đấu và hy sinh cho tổ quốc thứ hai của họ. Lá cờ Việt Nam là để nhớ đến những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh, đang hy sinh để bảo vệ tổ quốc Việt Nam, cho người Việt Nam được sống tự do trong một đất nước dân chủ, độc lập và mọi người được nhìn nhận bình đẳng với tư cách một con người.

Và vì thế, việc treo hai lá cờ trong những ngày lễ lớn, dù người Việt Nam ấy hiện sinh sống bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới, là một cử chỉ nhớ về cội nguồn, nhớ về nơi từ đó mình được sinh ra (hay cha mẹ mình được sinh ra), từ đó mình (hay cha mẹ mình) bước chân ra đi và đó cũng sẽ là nơi mình sẽ trở về, như đứa con trở về nhà cha mẹ. Và đồng thời cũng là một cử chỉ đầy tính cách văn hóa, trọng nghĩa thủy chung, ăn trái nhớ kẻ trồng cây của người Việt Nam.

Hai màu cờ, nhưng vẫn chỉ một tâm hồn, một con người.

Đời một con người, từ lúc được sinh ra cho đến lúc chết đi, có nhiều dấu mốc năm tháng, không thể quên, không muốn quên. Thí dụ như ngày sinh, được ghi nghiêm túc trên trang sổ hộ tịch, được cha mẹ bạn bè thầy cô nhớ đến hàng năm. Một dân tộc, hay một quốc gia, cũng có đời sống riêng như của một con người. Ngày thành lập nước, hay còn gọi là ngày Quốc Khánh, cũng được ghi trang trọng trong những trang Hiến Pháp. Và hàng năm, các con dân trong nước, vẫn làm lễ kỷ niệm. Đó là sinh hoạt cao nhất về văn hóa của một dân tộc. Do đó, những ngày Lễ Quốc Gia hàng năm, không chỉ là dịp mọi người nghỉ ngơi, đi lại thăm viếng gặp gỡ gia đình bạn bè, mà trên hết, và trước hết, mọi người có dịp suy nghĩ về quá khứ của dân tộc, trong đó có quá khứ cá nhân mình. Không ai có thể tự tách mình ra khỏi dòng sống dân tộc. Vận nước nổi trôi sẽ kéo theo những mảnh đời trôi nổi. Vận nước điêu linh sẽ kéo theo những hậu quả đau đớn, chia lìa, chết chóc cho muôn dân trăm họ.

T quc như chiếc thuyn.

Và nhân dân như nhng người đi trên chiếc thuyy.

2.

Ngày 4 tháng 7 hàng năm là Lễ Độc Lập (Independence Day) của Hoa Kỳ, mảnh đất đang dung chứa hơn hai triệu người Việt Nam sống xa quê hương từ hơn 30 năm nay. Trên mảnh đất rộng lớn này với một khoảng thời gian là 30 năm, cộng đồng Việt Nam đã bám rễ, trưởng thành và sinh sôi về mọi mặt đời sống. Trong đó, mặt quan trọng nhất là hình thành nên một thế hệ người Việt thứ hai xinh xắn, giỏi giang, học thức và thành đạt, theo cả hai nghĩa xã hội lẫn con người. Để đạt được thành quả này, sau chỉ 30 năm đặt chân lên xứ người, giá trị truyền thống Việt Nam đã đóng một vai trò không nhỏ. Đó là nền tảng gia đình luôn hỗ trợ, dìu dắt con em mình cho đến ngày chúng thực sự đủ cứng cáp mà bước vào đời. Chính người Mỹ bản xứ cũng đã nhận định, bí quyết cho mọi thành công vượt bậc của tuổi trẻ Việt nam di dân nằm ở ngay chính trong gia đình mà chúng vừa bước ra. Về phương diện này, người Mỹ phải nhìn vào các sắc dân tị nạn Châu Á mà rút ra những bài học về giá trị gia đình (family values).

Với thế hệ thứ nhất, vốn mang tâm thức lưu vong, hay nói cách khác, sống nơi xứ người nhưng cõi lòng vẫn hướng về quê nhà cũ, thì hình ảnh lá cờ Việt Nam là hình ảnh thiêng liêng không thể thiếu, dù nằm sâu trong tâm khảm hay biểu lộ ra bên ngoài trong những dịp lễ lậy hội hè. Nó là tấm căn cước về nguồn gốc của một cộng đồng, một quần thể, là quyển gia phả truyền từ đời nọ sang đời kia. Trong khi đó, hình ảnh lá cờ Mỹ (hay nước định cư) mang ít nhiều tính luân lý, tính ước lệ và tính nghi thức đối với thế hệ này. Điều dễ hiểu, quá nửa đời người họ đã sống, chiến đấu, hy sinh, đổ máu cho lá cờ quê nhà thứ nhất. Còn lá cờ của quê hương thứ hai, chưa đủ yếu tố thực tiễn và thời gian để đi vào máu tủy của thế hệ này.

Với thế hệ thứ hai, ngược lại, mang tâm thức băn khoăn về chính mình. Sinh ra (hay chí ít, trưởng thành) trên mảnh đất không phải là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của cha mẹ, họ lớn lên, đi học, chơi đùa, nói cùng ngôn ngữ với lũ trẻ người bản xứ, hấp thụ văn hóa người bản xứ, và từ đó, cư xử như người bản xứ. Nhưng khi về đến mái nhà cha mẹ, họ phải thích nghi với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Dần dà, khi những khác biệt ấy ngày càng trở nên đối chọi nhau, họ đã có lúc tự hỏi mình là người Việt Nam hay là người Mỹ?  mình sinh ra ở nước Mỹ nhưng thực ra, mình từ đâu đến? Tất nhiên, trong thực tế, vấn đề không đến nỗi trầm trọng như nhiều nhà tâm lý học lo sợ. Với sự giúp đỡ của gia đình, và đạo đức chị bảo em vâng , em ngã chị nâng, họ cũng đã vượt qua những giai đoạn khủng hoảng ấy một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đối với họ, cái hình ảnh về một quê nhà của tổ tiên, mà biểu trưng là lá cờ Việt Nam, không thể nào có được chỗ đứng vững chắc và thiêng liêng như chỗ đứng trong lòng thế hệ thứ nhất. Ngược lại, lá cờ Mỹ, hình ảnh quê hương hiện họ đang sinh sống, lại chiếm một chỗ đáng kể trong lòng họ, như với bao người dân bản xứ khác. Thực tế ấy là hợp lý, hợp tình và dễ hiểu.

Làm sao những người trẻ Việt Nam sinh ra, trưởng thành ngoài đất nước, lại có thể có được cái cảm giác nổi da gà khi đứng nghiêm trang nhìn về lá quốc kỳ Việt Nam nếu chúng chưa từng bao giờ có những cơ hội gần gủi, nhìn, nghe, sờ, mó, cảm và hiểu được thế nào là cuộc sống Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.

3.

Nhưng cây có cội, nước có nguồn. Dù hình ảnh lá cờ Việt Nam chỉ chiếm vị trí thứ hai trong tâm hồn những người trẻ Việt Nam sinh ra, lớn lên ở hải ngoại, nó vẫn là cái nền trên đó, một con người xác định nguồn gốc của mình (kể cả người bản xứ, họ vẫn phân biệt các sắc tộc di dân theo cách gọi Vietnamese-American, hay Korean-American, Chinese-American v..v..), từ đó, xác định cho mình những trách vụ xã hội khác, liên quan đến mảnh đất còn lưu giữ mồ mả cha ông mình, còn có những người thân thuộc mà họ gọi bằng chú, bác, cô, dì, cậu, mợ, anh chị em họ (cousins) sinh sống, còn có những dấu tích khó quên của một thời chiến tranh binh lửa tù ngục mà cha anh họ đã từng trải qua, đã từng phấn đấu để ngày nay gây dựng cho họ một vị trí khiến người bản xứ cũng phải ganh tị, thèm thuồng.

Vì thế, đối với những người trẻ Việt Nam trưởng thành nơi hải ngoại, những ngày lễ Quốc Gia lớn như ngày Lễ Độc Lập 4 tháng 7 của Hoa Kỳ, ngoài những chiêm nghiệm cần thiết về quá khứ quốc gia mình đang sinh sống, còn cần phải có cả những suy nghĩ liên quan đến quá khứ quốc gia mà cha mẹ mình từ đó ra đi.

4.

Trong lịch sử 30 năm người Việt định cư trên đất Mỹ, đã có hàng ngàn người trẻ thành đạt, vươn tới những vị trí chính trị, xã hội đáng kể trong mọi tổ chức dân sự cũng như chính quyền vì những đóng góp hữu hiệu và to lớn cho sự giàu mạnh của mảnh đất họ đang sinh sống. Có người được bổ nhậm vào các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, các chức vụ cố vấn quan trọng trong guồng máy hành pháp, tư pháp và kể cả lập pháp. Có người đã được bầu vào những chức vụ dân cử, địa phương cũng như liên bang, góp phần nêu tiếng nói cộng đồng mình trong sinh hoạt dân chủ trưởng thành và lâu đời. Có người tình nguyện tham gia quân đội, tình nguyện cầm súng chiến đấu cho nước Mỹ và có người đã bỏ mình vì tổ quốc thứ hai của họ. Có người, bằng tài năng và sự tháo vát, đã nhanh chóng tạo được một chỗ đứng trang trọng trong các sinh hoạt văn hóa, thể thao, nghệ thuật v..v.. Và ngoài ra, còn hàng chục ngàn những chuyên viên trung cấp, cao cấp có mặt trong mọi lãnh vực hoạt động kinh tế, khoa học, giáo dục, quân sự của guồng máy một xã hội văn minh nhất, tiên tiến nhất thế giới.

Trong số những người trẻ đầy tài năng và đáng ngưỡng mộ ấy, có không ít người luôn ý thức mình là một người Việt Nam, mình có trách vụ với cộng đồng từ đó mình hiện hữu và thành đạt, xa hơn nữa, họ còn nhìn về nguồn gốc quê hương ở tít tắp bên kia bờ đại dương, với những mơ ước một ngày góp bàn tay đem lại cơm no, áo ấm, và cả dân chủ, dân quyền cho những người đồng bào chưa một lần biết mặt ấy.

Ngày lễ Lao Động (Labor Day) 2004, tại thành phố Baghdad, thủ đô của Iraq, một người trẻ Việt Nam 32 tuổi tình nguyện phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, đã dựng trước doanh trại mình trú đóng lá cờ Việt Nam, với mục đích mà theo như anh nói “dù là một quân nhân Hoa Kỳ đã phục vụ 7 năm trong quân ngũ, tôi vẫn không quên nguồn gốc Việt Nam của mình. Tôi muốn góp phần của mình trong cuộc chiến đấu cho tự do của tất cả mọi dân tộc.“, và anh cũng không quên “nhân danh cá nhân tôi, và tất cả các quân nhân Mỹ gốc Việt đang tham dự vào cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, tôi sẽ không bao giờ bỏ mất di sản Việt Nam và nguyện sẽ theo bước chân cha anh chúng tôi tiếp tục chiến đấu cho Tự Do và Dân Chủ . . .”.

Một người trẻ khác, đến Mỹ năm mới 10 tuổi với người cha còn kẹt lại trong các Trại cải tạo ở Việt Nam, anh đã trưởng thành trong những hồi ức về người cha mình, một sĩ quan phi công cấp bực Trung Tá trong Quân Đội VNCH. Tốt nghiệp Đại Học, anh tình nguyện theo học trường sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng phi công trực thăng của binh chủng lừng danh này. Anh xuất ngũ với cấp bậc Thiếu Tá Trừ Bị. Ngoài những hoạt động với một công ty dịch vụ y tế do anh thành lập, thì giờ còn lại anh dùng để viết sách, viết báo với những đề tài về chiến tranh Việt Nam, về những gốc rễ đã khiến anh đi theo bước chân người cha dù là ở một đất nước thanh bình như nước Mỹ. Tháng 5 năm 2005, anh đã xuất bản một quyển sách nói về cuộc hành trình của anh từ những ngày thơ ấu ở quê nhà cho đến lúc anh trở thành người sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ. Trên bìa quyển sách, anh đặt trang trọng tấm ảnh của anh trong bộ quân phục sĩ quan đứng cạnh người cha đã trải gần hết đời mình trong chiến tranh, trong tù đày. Quyển sách nhanh chóng có tên trong danh sách Best sellers và chinh phục dư luận cả Việt lẫn Mỹ. Đó là bằng chứng tuyệt đẹp về sự trân trọng của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh, dù họ giỏi giang hơn và thành đạt hơn, nhất là về tấm lòng luôn hướng về cội rễ tổ tiên.

5.

Tôi không biết, với thế hệ thứ hai Việt Nam ở hải ngoại, sẽ là một gánh nặng quá sức hay một cơ hội tuyệt vời thách đố bản lĩnh của họ trước nhiệm vụ kép, vừa cố gắng vươn lên trong xã hội xứ người, vừa cố gắng bảo tồn bản sắc dân tộc truyền thống để khi thời cơ thuận tiện, họ sẽ trang bị đủ cho mình một tấm lòng với đất nước quê hương mà sẵn lòng đem tài năng về phục vụ .

Để sẵn sàng cho con em mình đối đầu với nhiệm vụ kép đầy khó khăn ấy, thế hệ thứ nhất phải chuẩn bị chúng ngay từ bây giờ. Trước khi quá muộn.

Và ngày lễ, như ngày lễ Độc Lập 4 tháng 7, phải là dịp để chiêm nghiệm những bài học của cả hai dân tộc. Nếu không, cái căn cước chúng ta mang theo từ quê nhà sẽ có nguy cơ mờ dần rồi mất hẳn một khi thế hệ thứ nhất xuôi tay nằm xuống. 


© T.Vấn 2006 -2022


=============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét