Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

bai đáng đọc " Đời Phi Công/ Toàn Phong- Nguyễn Xuân Vinh (1930- 2022) "/ Giao Chỉ ( San Jose) -- trích www.vantholacviet ( Mỹ)

 Phương Hoa – July 24, 2022

VINH DANH HỌC- GIẢ NGUYỄN XUÂN VINH                  (1930-2022)

Thiên tài giã biệt kiếp nhân sinh

Tổ-Quốc Không-Gian giữ vẹn tình

Thông thái, uyên thâm vừa khuất bóng

Hào hoa, phong nhã đã tan hình

Nam Tào mở sổ nhìn thương tiếc

Bắc Đẩu quay lưng muốn hoãn đình

Hãnh diện ngôi sao dòng Lạc-Việt

Vinh Danh Học Giả Nguyễn Xuân Vinh!

DUY ANH – 07/24/2022

***

CÁC BÀI HỌA

Thương Tiếc Giáo Sư Tiến Sĩ NGUYỄN XUÂN VINH 

       (1930 – 2022)

Thương tiếc Giáo Sư…dạy học sinh 

Không Gian Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh

Không Quân Đại Tá từng Tư Lệnh 

Quân Lực Phi Đoàn thuở chiến chinh 

Công đức Phương Nam nguồn nước Việt 

Tinh hoa nòi giống vốn Thiên Đình 

Tự hào Tổ quốc nhà khoa học…

Tạ thế thời danh Tiến Sĩ Vinh…!

Mai Xuân Thanh 

  July 24, 2022

*

GÃY CÁNH SẮT

*

Giáo Sư Toán Học đông môn sinh

Khoa Học Gia : ông Tiến Sĩ Vinh

Tư Lệnh một thời Không Lực mạnh

Nasa ngàn thủa, dấu trường chinh

Apolo 11 còn vang tiếng

Quỹ tích văn chương vẫn nổi đình

Chim sắt nghiêng trời, thôi gãy cánh

Việt Nam danh tiếng Nguyễn Xuân Vinh…

   Los Angeles  24 – 7 – 2022

            CAO MỴ NHÂN 

*

   QUẢ THẬT VINH

*

Khoa học gia tiến sỹ Nguyễn Vinh 

Xuân thời danh tiếng lắm môn sinh 

Không quân Đại tá bao lừng lẫy 

Nổi bậc nhân tài chiến quốc chinh 

Toán học Nasa Người định hướng 

Đường bay quỹ đạo đến cung đình 

Đa năng xuất chúng vẻ vang Việt 

Con Lạc cháu Hồng quả thật vinh …

                     Yên Hà 

                   25/7/2022


B

 Đời Phi Công

 tại San Jose 2005


GIAO CHỈ

(Vũ Văn Lộc)


i Tạp Văn này viết năm 2005, nhân dịp tác giả Toàn Phong tái bản Đời Phi công tại San Jose. Thứ bẩy ngày 20 tháng 9-2008 cũng tại San Jose phi công Nguyễn Xuân Vinh, tiễn đưa bác gái tức là cô Phượng yêu về nơi yên nghỉ cuối cùng. Ngày hôm nay trong tháng 7 -2022 kỷ niệm di cư 54 các ông bạn tôi từ đại tá Thường, đại tá Ước, đại tá Vinh chẳng còn ai. Tôi không viết chuyện dâu bể 2022 nên gửi bằng hữu câu chuyện cũ. Phải chi mà viết được tuổi 20 ngây ngô thiếu úy vui biết bao nhiêu. Viết về quý ông hay viết về mình. Tôi với trời bơ vơ…


 Tuổi hoa niên cùng mặc áo chinh y                             

 Lòng mở rộng giữa dòng đời ấm áp                 

 Chín mươi năm, kiếp người như gió thoảng                       

Chiều cô đơn về chậm hồn cao niên.

Trân trọng!

Giao Chỉ – San Jose tháng 7-2022



(San Jose 2005) 

Cuối tuần trước, thị xã tráng lệ San Jose mở cửa chào đón phái đoàn cao niên Việt Nam với lá cờ quốc gia bên cạnh quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc.  Tuần vừa qua là đêm nhạc tiền chiến với các bài ca của nhiều nhạc sĩ một thời đã ra đi nhưng còn để lại những di sản văn hóa tuyệt vời.

Và tuần này đến lượt nhà văn Toàn Phong một thời vang bóng giới thiệu tác phẩm Đời Phi Công tái bản lần thứ Sáu.  Trong số các Best Sellers xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1960 đến nay, khó có tác phẩm nào mà được in lại đến sáu lần.

Nhân dịp này, chúng tôi xin trình bày những cảm nghĩ và những kỷ niệm của tuổi trẻ, của quân ngũ liên quan đến bằng hữu không quân, chuyện văn chương bay bổng, và những ước mơ thời niên thiếu.

Mùa thu năm 1951, khi chàng thanh niên Nam Định Nguyễn Xuân Vinh nhập ngũ khóa sĩ quan trừ bị thì tôi vẫn còn là cậu học sinh trung học Nguyễn Khuyến, Nam Định.  Phải chờ đến 1952 tôi mới lên học Hà Nội. 

Nhớ lúc đi vòng bờ hồ Hoàn Kiếm gặp một ông trung úy không quân Việt Nam.  Cặp lon vàng trên cầu vai có cánh chim.  Trên ngực áo đeo phù hiệu cánh bay của phi công.  Mặt mũi trẻ trung, miệng cười như hoa nở.  Chàng không đi với một người đẹp mà có ba bốn cô bên cạnh.  Cuộc đời không quân vui vẻ vô cùng.

Anh chàng phi công hào hoa như vậy, có vẻ như các người đẹp 36 phố phường muốn chấm ai cũng được.  Hình ảnh của anh phi công năm xưa in vào trong đầu tôi như một thần tượng, sẽ chẳng bao giờ quên.  Những ước mơ có ngày trở thành Pilot.  Chẳng biết anh chàng sĩ quan hào hoa phong nhã đó là ông đại tá Ước bây giờ ở Nam Cali hay ông đại tá Vinh hiện nay ở Bắc Cali.

Tháng 3-1954, tôi có giấy gọi vào Đà Lạt.  Dự trù sẽ ra sĩ quan rồi xin chuyển qua không quân cũng chưa muộn.  Nghĩ rằng mình vào học trường Liên Quân, sau khóa căn bản rồi qua không quân học nghề bay hay sang hải quân để sau này có ngày làm quan ba tàu thủy.  Đời còn dài, không đi đâu mà vội.  Nào ngờ, ra trường đổi về tiểu đoàn bộ binh, bị tống xuống tận đáy mũi Cà Mau đóng đồn Cái Nước.  Giấc mộng viết văn và bay bổng xẹp dần như bong bóng nước. 

Trong đời chúng ta đã từng có biết bao nhiêu mộng ước tuổi thanh xuân.  Nhiều giấc mộng không thành sự thực.  Hôm nay nhân dịp niên trưởng Nguyễn Xuân Vinh ra mắt Đời Phi Công, cuộc đời của một giấc mơ thành sự thực, tôi xin kể về giấc mơ không thành của riêng mình.

Số là lúc đóng đồn Cái Nước, bên cạnh bộ tư lệnh tiền phương của chiến dịch Tự Do có một sân bay dành cho phi cơ quan sát.  Bên kia sông là hàng quán có cô hàng bán cà phê, mấy ông sĩ quan bộ binh vẫn tà tà ghé lại thả lời ong bướm.  Chưa anh nào được người đẹp lưu ý.

Một buổi có anh bạn học Nguyễn Khyến của tôi là Pilot Nguyễn Khắc Huề hạ cạnh L-19 ghé vào tán tỉnh.  Nhờ bộ đồ bay với cả một khung trời mây trắng yểm trợ, ông Pilot quê Nam Định đã làm cho cô hàng cà phê ngơ ngẩn cả tháng dài.  Dường như hai bên lại còn viết cả thư tình.

Mấy anh sĩ quan bộ binh chúng tôi hết sức phiền lòng.  Ai nấy đều trù ếm là anh tài xế máy bay sẽ đi mãi không trở về.  Không ngờ, lời đùa nhảm đã thành sự thật.  Pilot Huề cùng học Nguyễn Khuyến với tôi, đã không tìm thấy xác rơi trong một phi vụ.  Nhưng đó là chuyện sau này. 

Ngày xưa, vào thời kỳ cuối thập niên 50, những ngày tháng dài ở tiền đồn thuở thanh bình cho phép tôi chìm đắm vào “Cõi Người Ta” của một thần tượng văn học Pháp là Saint Exupéry.

Quả thực nhà văn hào phi công đã viết ra tác phẩm Terre des Hommes cùng một lượt với các danh tác phiên dịch ra Việt ngữ như Hoàng Tử Nhỏ (Le Petit Prince), Bay Đêm (Vol de Nuit), Phi Công Thời Chiến (Pilote de Guerre), Đưa Thư Về Miền Nam (Courrier Sud).  Chắc hẳn không phải riêng chúng tôi mà hầu như cả thế hệ thanh niên miền Nam vào đầu thập niên 60 nếu chịu hảnh hưởng văn hóa Pháp đều mê thần tượng là tay phi công mở đường cho cả văn học lẫn phi trình vượt Đại Tây Dương.

Ngay từ năm 1926, Saint Exupery đã trở thành Pilot khai phá các đường bay mới từ Đông sang Tây, Nam Mỹ, Phi Châu.  Ông là nhà văn và đồng thời lại là một phi công thời chiến được người Pháp tôn thờ ngang với Victo Hugo về văn chương và nổi danh ngang với Charles de Gaules về chính trị.

Sau này, khi những thanh niên Việt Nam trẻ tuổi vào các trường không quân Pháp học bay thì câu chuyện về chuyến bay cuối cùng của Saint Exupéry đã trở thành huyền thoại lịch sử của nghề bay.

Trước khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt 1945, nhà văn hào phi công đã lái chiếc P-38 của Không Lực Hoa Kỳ trong phi vụ cuối cùng và được ghi là mất tích.

Người Pháp với truyền thống lãng mạn đã lưu truyền giả thuyết máy bay bị hư và phi công đã làm một thao tác ngoạn mục cuối cùng là đâm thẳng đầu xuống biển với một tốc độ thật cao để đi vào huyền sử.

Cũng vào thời kỳ đó, phía mặt trận phương Đông ở Á châu, những phi công còn lại của phi đội Thần Phong Nhật Bản thực hiện chuyến bay cuối cùng về phía mặt trời lặn. 

Sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, mỗi máy bay của đội Thần Phong đổ nửa bình xăng bay theo đội hình để khi hết xăng sẽ đâm xuống biển.  Máy bay của vị tư lệnh Thần Phong đổ đầy bình xăng sẽ còn đủ nhiên liệu bay xa hơn, kéo dài hơn cái chết chậm chạp đợi chờ, trong một chuyến bay cô đơn.

Hãy tưởng tượng các phi công chào nhau lần cuối, nhìn thấy máy bay tư lệnh cô đơn phía trước, xa xa là mặt trời lặn.  Cả phi đoàn kẻ trước người sau, đâm đầu xuống biển xanh.

Những Pilot của Thần Phong để lại các thi phẩm tuyệt mệnh trước khi bay vào cõi chết ở chân trời.  Các bài thơ hùng tráng được viết trên các giải lụa treo trên ngọn cây hai bên phi đạo.

Từ Âu châu đến Á châu, văn chương của người phi công, văn chương của thế giới bay bổng trong thời chiến vẫn là những tiếng gọi hồn xúc động làm cho cả thế hệ thanh niên phải nghẹn ngào.  Đó chính là hoàn cảnh khi tác phẩm Đời Phi Công của Toàn Phong ra đời tại Sài Gòn năm 1960.

Vào thời kỳ đó, vị đại tá tư lệnh không quân Việt Nam 28 tuổi đôi khi còn đến các trường dạy toán và giảng Kiều ở Sài Gòn.  Hình bóng của một sĩ quan dường như văn võ toàn tài làm cho thanh niên ai cũng đều muốn vào không quân và thiếu nữ ai cũng muốn trở thành cô Phượng.

“Dấu chàng theo lớp mây đưa,

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.”

Tác phẩm Đời Phi Công là các đoản văn dưới hình thức những lá thư của người chiến binh gửi về cho người yêu ở quê nhà.  Bắt đầu kể về chuyến đi Pháp học nghề bay.  Các giây phút huấn luyện, các ngày thao dượt, tốt nghiệp và tiếp theo là các sinh hoạt quân ngũ kể cho em gái hậu phương.

Vào thời đó, những lá thư bình dị và chân thực của tác giả đã làm rung động độc giả miền Nam. Phát hành năm 1960 thì năm sau, 1961 được giải thưởng văn chương toàn quốc, vị tư lệnh không quân trở thành nhà văn có tác phẩm danh tiếng nhất.

Rất tiếc sau đó tác giả đã từ giã quân đội để bước vào khoa học nên không có cơ hội đi xa hơn trên cả hai lãnh vực mà thực sự thập niên 60 chỉ mới bắt đầu.

Cuộc chiến Việt Nam của thập niên 70 sau này mới thực sự là giai đoạn thử lửa với biết bao nhiêu phi công ra đi không hẹn ngày về.  Biết bao nhiêu vận tải, thám thính, khu trục và trực thăng.  Mỗi con tàu đều là cỗ quan tài bay.  Những lần đi thực sự không ai tìm xác rơi. 

Thời kỳ 60 là giai đoạn của Pilot thời bình.  Việc bay bổng và tình yêu như mây trời lãng đãng.  Văn chương và bay bổng mới chỉ là môn thể thao nhẹ nhàng giao duyên với cuộc đời.  Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Trong phạm vi văn học, khi những ngày vui của năm 60 đã qua rồi.  Văn học của 70 bước qua Giải khăn xô cho Huế, Đêm nghe tiếng đại bác, Mùa hè đỏ lửa, Dựa lưng nỗi chết.  Văn chương chữ nghĩa của những năm đất nước đau thương trên chiến trường tồi tệ sau này không còn giây phút nhẹ nhàng như thư gửi cho cô Phượng xinh đẹp, hiền lành, không biết uống cà phê.

Những cô em gái hậu phương sau cô Phượng đã trở thành góa phụ qua các địa danh quen thuộc như Bình Giả, Pleime, Chu Pao, Tân Cảnh.  Biết bao nhiêu người yêu của Pilot đã đội khăn tang để cho vị tư lệnh sau cùng phải sáng tác một tác phẩm tràn ngập đắng cay mang tựa đề là Chết Non.  Trong đó ông viết toàn chuyện tang gia nửa đường đứt gánh của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Tác giả là trung tướng Trần Văn Minh, vị tư lệnh cuối cùng của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, từng chỉ huy cả ngàn phi cơ Việt Nam nhưng sau cùng đã phải quá giang tàu bay Mỹ trong chuyến bay vội vã lúc tan hàng.

“Cho hay muôn sự tại trời.”

Tất cả cũng là do định mệnh an bài.

“Bắt phong trần phải phong trần.

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Tháng 5-2005, gia đình tôi có dịp đến chơi nhà đại tá Vũ Văn Ước.  Nhìn tấm hình ông phi công mặc đồ bay.  Xem hình ông không quân thời kỳ lấy vợ Hà Nội.  Thấy mặt quen quen.  Dường như hơn 50 năm về trước, lúc tôi còn đi học ông đã là trung úy tàu bay.  Pilot Vũ Văn Ước đẹp trai, ăn nói duyên dáng, đàn bà con gái hàng Ngang, hàng Đào ông đều quen hết.  Còn bà chị ngồi đây có phải là người đẹp Hà Nội ngày xưa”  Có phải là bà tư lệnh giữa chốn ba quân thuở trước”  Sao bây giờ bà hiền như thế”  Chị Ước ngày nay ngồi trên xe lăn, nhưng vẫn mãi mãi là người đẹp Hà Nội của Vũ Văn Ước.

Ngày xưa chị Ước có một người anh là Phạm Văn Thường, bỏ nhà tha hương từ nhỏ.  Ông đi Tây làm lính viễn chinh.  Rồi trở về Sài Gòn đeo lon đại tá QLVNCH.  Khi Pilot Ước lấy cô em đem vào Tân Sơn Nhất thì ông anh Phạm Văn Thường ở Tổng Tham Mưu.  Đôi khi hai ông đại tá không quân và bộ binh bắt tay nhau mà không hề biết là có liên hệ gia đình gần gũi như thế.  Anh trai thì tưởng cô em còn ở lại Hà Nội.  Cô em thì tưởng anh trai mất xác bên Tây. 

Sau 30 tháng 4 gia đình ông Ước chạy qua Westminster.  Ông Phạm Văn Thường kẹt lại đi tù cải tạo.  Rồi ông vượt biên qua làm chúa đảo Bidong.  Rồi ông cũng qua Westminster.  Ở cùng một thành phố suốt bao năm mà anh em không biết nhau. 

Khi ông Thường chết, gần như tứ cố vô thân.  Chúng tôi đi xuống miền Nam tổ chức đám tang.  Ma chay xong đăng báo rềng rang.  Ông Pilot Vũ Văn ước đọc báo thấy tên Phạm Văn Thường sao giống tên họ của vợ tức là người yêu bé nhỏ Hà Nội.  Hỏi thăm ông Giao Chỉ mới té ra đây chính là ông anh lưu lạc giang hồ.  Thất lạc bao nhiêu năm cho đến chết vẫn chưa gặp nhau.  Dù rằng trước 75 cùng ở Sài Gòn.  Sau 75 cùng ở Westminster. 

Chúng tôi tuy ít tuổi hơn ông Pilot đại tá Ước, nhưng lại là bạn của ông anh vợ đã qua đời.  Bà Ước sai ông chồng đãi ăn đâu ra đấy.  Chị Ước bị đau, tay chân hạn chế.  Ông Ước chứng tỏ là một tay tề gia xuất sắc nhất của Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Công việc nội trợ một tay ông đảm đang nếu kể ra có thể làm tất cả các đấng cao niên của tập thể quân đội mất tinh thần.

Vũ Văn Ước cũng là một tay văn học và bay bổng rất có giá.  Ông là phi công thời chiến thứ thiệt.  Chỉ vì bay nhiều quá nên dù có làm tư lệnh nhưng cứ gần lên tướng thì lại được cho đi làm tư lệnh chỗ khác.  Không quân nổi tiếng hào hoa nên thường có nhiều cuộc tình duyên ngoài vòng trật tự.  Nhưng đó không phải là Vũ Văn Ước lúc về chiều.  Và giọng ca vàng Vũ Văn Ước nếu không lên tư lệnh thì đã có thể sang ngang để song ca với Sĩ Phú.

Và người thứ nhì có điểm rất cao là không quân Nguyễn Xuân Vinh.  Con người may mắn một đời, ước mơ gì thì trời cho thứ đó.  Ông muốn là tư lệnh tàu bay thì ông lên ghế lãnh đạo không quân.  Ông muốn làm giáo sư thì thế giới dành cho ông ghế hàn lâm toán học.  Ông muốn yêu cô Phượng suốt đời thì ông bà sẽ làm lễ mừng 50 năm.

Ông cũng có một cô em gái là thi sĩ nổi danh ở Hải Phòng.  Cô em vất vả một đời vì có ông anh là tư lệnh không quân “Ngụy.”  Anh em còn sống cả nhưng chưa bao giờ gặp lại nhau.  Có thể không bao giờ.

Hôm thứ Bảy vừa qua, chúng tôi đi dự đám cưới con bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải.  Ông bác sĩ quân y của chiến trường quân khu I xếp anh em chúng tôi ngồi một bàn.  Ngay cạnh bàn của trung tướng tư lệnh Hoàng Xuân Lãm. 

Tình cờ bàn của chúng tôi lại có đến 4 gia đình gốc Nam Định.  Ông bác sĩ Quý Đài xuất thân Nam Định.  Bác sĩ Ngọc Khôi là dân Bến Thóc.  Còn tôi nhà ở Phố Hàng Rượu.  Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh của chúng tôi cũng khai là dân Nam Định.  Ông hãnh diện đọc lại cả tên tổng, tên làng, tên xóm. 

Trong giây phút rung động, người thanh niên Nam Định đã từng một thời ngang dọc, đã từng theo ánh tinh cầu của đời phi công.  Đã mang danh vọng số 1 của Không Quân Việt Nam, trải qua các bục thuyết trình của bao nhiêu giảng đường đại học, ngồi bên đám bạn già nhắc lại các danh hiệu làng quê xóm cũ.  Bên cạnh ông vẫn là cô Phượng của Hà Nội ngày xưa.  Trên chuyến bay đêm của phi cơ quân sự.  Trên các chuyến đi thuyết trình dạy học bằng của phi cơ dân sự, trước sau 50 năm vẫn chỉ có một cô Phượng của tình yêu chung thủy.

Bà Nguyễn Xuân Vinh hiện đau yếu đi lại rất khó khăn.  Và chính ông Vinh cũng đã bị tuổi già theo đuổi.  Nhưng ông vẫn chăm sóc nâng đỡ cho bà từng mỗi giây phút.  Khi ngồi xuống, lúc đứng lên.  Giữa tiệc cưới ồn ào nhộn nhịp, hai ông bà ngồi yên lặng.  Lâu lâu một vài học trò hay thân hữu ghé bên cạnh hỏi thăm.

Khi nhạc khiêu vũ của tiệc cưới bắt đầu, ông bà kiếu từ ra về.  Vẫn đi bên nhau với những bước chân ngắn và chậm.

Ông bà cùng đi ra khỏi tiệc vui.  Đi về chân trời thật xa với “Cõi Người Ta” trong văn chương và bay bổng.

Với Nguyễn Xuân Vinh, một thanh niên quê Nam Định, 75 tuổi, bao nhiêu khoa bảng chức tước rồi thì cũng chỉ là phù vân.

“Với mây che trên đầu và nắng trên vai.”  Ông Vinh và bà Phượng đi bộ quanh khu Village ở Evergreen, San Jose.  Ông bà đi từng bước rất chậm, và 50 năm mãi mãi bên nhau.

Những người như Vũ Văn Ước và Nguyễn Xuân Vinh, ai bảo là không quân không chung thủy.  Còn những anh chàng lãng từ không quân khác, dù có bay bốn phương trời thì sau cùng cũng sẽ về đi bộ với người yêu cũ.  Nếu phải đẩy xe lăn thì cuộc tình lại càng đằm thắm.

Giờ đây, bà ngồi cho tôi đẩy hay tôi đẩy, bà ngồi.  Nếu thật sang thì hai ta đi hai xe cơ giới bấm nút loại F5-E, có Radar dẫn đường chỉ lối.

Giao Chỉ 

San Jose 





=================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét