đọc thêm : "nhà thơ Vân Long viết để" Sống nhiều hơn một đời"/ Hiền Đỗ -- trích: https:vnexpress.net/
Nhà thơ Vân Long viết để 'Sống nhiều hơn một đời'.
Chiều 25/6, tại thư viện Đông Tây, Hà Nội diễn ra buổi giới thiệu hai cuốn sách mới của nhà thơ Vân Long, “Tuyển thơ Vân Long” và bút ký “Sống nhiều hơn một đời”.
Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng văn đã đến dự, chúc mừng nhà thơ Vân Long, như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Đặng Thân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Văn Giá…
Nhà thơ Vân Long sinh năm 1934, đã ngoài 80 nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Ông từng làm chuyên viên biên tập thơ của NXB Hội nhà văn, nguyên chủ tịch Hội đồng thơ của Hội nhà văn Hà Nội khóa X, và đã xuất bản gần 30 đầu sách ở nhiều thể loại như: thơ, chân dung - bút ký nhân vật, bình thơ, biên soạn sách. Ông nhận được nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1986 - 1990), Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội (2001- 2001), hai lần đoạt giải thưởng Ủy ban Toàn quốc các hiệp hội Văn học Nghệ thuật (năm 2000 và năm 2010).
Làm thơ từ năm 20 tuổi, công việc chính là sáng tác và biên tập thơ trong suốt 60 năm qua, cho đến nay, nhà thơ Vân Long vẫn tiếp tục sáng tác, gắn bó với thơ. “Tuyển thơ Vân Long” tập hợp những bài thơ hay, đặc sắc nhất của ông. Đó là những tác phẩm từ tập thơ đầu tiên (Tia nắng), là những bài thơ ông làm khi tham gia nhóm thơ Hải Phòng, sau này được giải thưởng Văn học Công nhân 5 năm (1975-1980), là những bài thơ hay được tuyển chọn từ các tập thơ xuất bản trước đây như “Vào thu”, “Khối hình câm”, “Dưới lá xanh”…
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét khi cầm “Tuyển thơ Vân Long”, ông thấy cả một chặng đường thơ dài - một chặng đường thơ không mệt mỏi, một hành trình thơ sánh bước cùng nhiều thế hệ với những nỗ lực sáng tạo. Nếu như làng thơ có những tác giả xuất hiện sáng chói như sao băng rồi vụt tắt, thì cũng có những nhà thơ xuất hiện lặng lẽ như ngôi sao nhỏ nhấp nháy bên trời, rồi ngày càng tỏa sáng. Vân Long là một nhà thơ lặng lẽ như thế. Ông lặng lẽ viết, lặng lẽ sáng tạo, và lặng lẽ tỏa sáng.
Bên cạnh sáng tác và biên tập thơ, Vân Long còn là người viết báo, viết chân dung, viết tiểu luận văn chương. Ký chân dung là một mảng yêu thích của Vân Long, và ông có một cách tiếp cận cùng giọng điệu riêng biệt khi sáng tác với thể loại này. Trước khi có “Sống nhiều hơn một đời”, Vân Long đã xuất bản tới tám cuốn bút ký - chân dung nhân vật. Ông cho biết thơ là những gì viết ra từ cảm xúc bay bổng của ông, vì thế, để cân bằng cuộc sống, ông viết ký chân dung.
Các bài ký chân dung của lão nhà thơ Vân Long không đi theo cách thông thường là kể về thành tích, sự nghiệp, hoặc nét tính cách nổi bật nhất của nhân vật, mà ông thường chọn những góc nhìn ấn tượng nhất của ông về nhân vật để viết. Ví dụ, khi viết về nhà văn Sơn Tùng, ông không khai thác khía cạnh tài năng, cái hay, cái đẹp trong văn Sơn Tùng, mà ông chọn viết về Sơn Tùng như một anh hùng khi tự chữa lành bệnh hiểm, tự vượt qua khó khăn để viết văn.
Đọc bút ký chân dung nhân vật của Vân Long, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hết lời ca ngợi: “Đọc Những gương mặt - những trang đời, Những người rót biển vào chai… của Vân Long, tôi khâm phục đến sững sờ, và kêu lên trong lòng: Ô hay, sao cuộc đời còn có những con người đẹp đẽ đến thế, trong trắng đến thế, vĩ đại đến thế! Và ngòi bút Vân Long sao mà khéo léo, sao mà xúc động đến thế!”. Trong “Sống nhiều hơn một đời”, tác giả Vân Long đã dựng nên rất nhiều chân dung nhân vật nổi tiếng với nhiều góc nhìn riêng ít người biết tới. Tuy nhiên, những bài viết về các nhà khoa học để lại ấn tượng sâu sắc hơn cả. Chân dung của họ dưới ngòi bút Vân Long khiến người đọc suy nghĩ, khâm phục hơn những người trí thức dấn thân ở thời đại ngày nay.
Bằng những tác phẩm đã ra mắt độc giả, những công việc âm thầm của người biên tập, ở tuổi đáng ra là nghỉ hưu vui vầy cùng con cháu, tác giả Vân Long với hồn thơ mãi xanh vẫn tiếp tục sáng tác, tiếp tục làm việc. Khối công việc mà ông đang làm, mà bằng chứng là hai cuốn sách mới xuất bản cho thấy lão nhà thơ Vân Long không chỉ âm thầm, miệt mài mang lại nhiều tác phẩm hay, mà ông đúng là người “viết nhiều hơn một người”.
Hiền Đỗ
=============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ