Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

đọc thêm (1) : " bên ông nguyễn Khoa Điềm " / Xuân Ba ( Hà Nội) -- trí ch: https://tienphong.vn> -- (13- 02- 2021)

 

Bên ông Nguyễn Khoa Điềm


XUÂN BA
TP - Nghe oai! Oách? Bên một nhân vật khổng lồ thứ 16 (chữ của nhà thơ Thanh Thảo, ý chỉ một thành viên Bộ Chính trị của những năm đầu 2000)? Nhưng những suy đoán cùng suy diễn đều trật lấc. Số là tại Đại hội Nhà văn X, được ngồi bên nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Đại biểu Đoàn Thừa Thiên – Huế, lại là vị trí ở hàng ghế cuối của Hội trường khách sạn La Thành.

Thấy cứ tội nghiệp cho những săm soi tò mò cùng tọc mạch về các kỳ Đại hội nhà văn nước nhà. Nào soi cung cách tham luận (chứ chả phải nội dung) rồi hình thức bầu bán về những lộn xộn ồn ào… Nhưng nói ngay có thế mới là thứ riêng có của cái hội văn bút. Chứ cứ lấy sự nghiêm cẩn hay hành chánh khô khẳng, chết cứng của các kỳ đại hội ngành này hội nọ mà suy mà soi thì hơi bị tội nghiệp cho các nhà văn lẫn người soi và suy vậy? Đơn giản, những văn nhân ấy mà, có cái thói, cái tật mãn tính kinh niên và nhu cầu cố hữu là thường toe toét, vồ vập tay bắt mặt mừng lúc gặp thường nữa là lại ở cuộc tụ lớn như đại hội? Bởi họ đã biết nhau hoặc từng đọc của nhau… Vậy nên cần lắm cái sự thông cảm lẫn thể tất cho những sự ồn ào cùng lộn xộn ấy!

Việc chia lô phân khu tỉnh thành, khối cơ quan với cánh văn bút chả quan trọng gì! Họ hồn nhiên đi lại, tự do thông thương trong Hội trường, ngay trong lúc nghị trình đang diễn ra? Như tôi đang ghé bên nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vì chỗ ngồi bên ông không rõ của đại biểu nào vắng khuyết hoặc chắc cũng đang làm cái việc thông thương nào đó?

Chừng như nhận ra cái người vừa sà xuống bên là người ông ký giấy cấp Thẻ Hội viên Hội Nhà văn năm 1999, nhà thơ chìa tay ngay, chúc mừng Thanh Hóa có tân Hoa hậu nhá!

Nội lực khá vượng từ lòng bàn tay ấm và săn chắc đang truyền đi thông điệp tốt lành ở tuổi gần bát tuần của nhà thơ.

Xứ Thanh với ông có lẽ cũng nhiều duyên? Năm xa ấy, ông kín đáo vô Thanh rẽ vào Gia Miêu Ngoại trang trồng cây đa ở đình làng, nơi phát tích nhà Nguyễn. Ông Phạm Minh Đoan, Chủ tịch tỉnh lần ấy ngỏ với tôi là ông Điềm (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị) có nói nhỏ mà nói trước với ông Đoan rằng, trồng cây là việc riêng nên chớ tuyên truyền gì! Thời điểm ấy, đình Gia Miêu, nơi lưu dấu tích 9 chúa 13 vua Nguyễn để đổ nát quá. Ông là hậu duệ là con cháu nhà Nguyễn nên thấy động lòng. Sau cánh lãnh đạo tỉnh mới hoảng thêm  động thái ấy của ông Điềm. Cứ như một sự nhắc nhở ngầm rằng địa phương phải làm tốt việc bảo quản giữ gìn di tích cấp quốc gia?

Bên ông Nguyễn Khoa Điềm ảnh 1Öng Nguyễn Khoa Điềm

Lại nữa, một thời gian dài, phần mộ bà nội (Đạm Phương nữ sĩ) và người cha là Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) từng nằm ở đất Triệu Sơn. Mãi vài chục năm sau mới đưa vô Huế.

…Ông Điềm trí nhớ khá bền. Ông đương nhắc đến cái đoạn gặp ở nhà Đồng Đức Bốn, mau hè, rứa mà mười mấy năm rồi…

Lần ấy mấy anh em viết đang tụ ở nhà nhà thơ Đồng Đức Bốn ở quê Hải Phòng. Khi ấy, Bốn mới vướng u (K) phổi. Một chiếc xe đen xịch ngay cửa. Vợ chồng ông Nguyễn Khoa Điềm nhân chủ nhật về quê tổ Hải Dương tiện đường ghé. Cuộc chuyện bữa ấy không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Văn hóa tư tưởng T.Ư mà là nhà thơ, thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm tác giả của Mặt đường khát vọng với các văn nhân thi sĩ tỉnh Đông khá xôm tụ. Vẻ như cái không khí bi lụy tại gia con bệnh trọng nó cũng mau chóng thuyên giảm đi nhiều?

Ủy viên Bộ Chính trị, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cười hóm hỉnh đọc tặng thi sĩ Đồng Đức Bốn bài thơ ngắn trong đó tôi nhớ hai câu:

Bạn giờ đóng gạch nơi nao/ Văn chương lấm láp vêu vao mặt người.

Sau này, có người viết băn khoăn cứ như cật vấn ông Nguyễn Khoa Điềm rằng tại sao ông lại thân với Đồng Đức Bốn? Đại loại một người viết bình thường, cũng mới nổi thôi mà. Khi ấy lại có điều ra tiếng vào không hay gì đó về Bốn. Ông Điềm cười, vì Đồng Đức Bốn là một nhà thơ nhiều tài nên lắm tật!

Dẫn ra cái slogan trên trang nhất Báo Văn Nghệ, Vì Tổ quốc vì CNXH. Chất giọng ông trở nên nhiệt thành, răng không vì con người hỉ? Hình như ta mải mốt điều gì đó và lãng đi sứ mệnh vì con người, hướng tới thân phận con người?

Có lẽ đã cố hữu và thường trực tự bao giờ cái nhìn người nhẹ nhõm ấy? Và cái chất ấy hình như đã cắt nghĩa đã giải mã khi ông xoa tay hân hoan thời điểm về hưu trong một bài thơ trên Báo Văn Nghệ?

Bây giờ lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, các vi-dit, nắm đấm mi-cro/Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường/Một mình một ba-lô và xe đạp/Mặt trời đánh nhịp về tám hướng/Từ giã cà-vạt, giày đen, lời trịnh trọng/Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ/Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép/Thế giới thật rộng những ngả đường độ lượng/Cho anh làm mới cuộc đời mình…

Bài thơ viết năm 2006. Và đến tận bây giờ, nhiều người vẫn coi đó là một dạng tuyên ngôn của ông khi về hưu?

Ghi chép những gì cần ghi chép! Và nữa, làm mới cuộc đời mình? Có một lúc, tôi vồ vập, hấp tấp bật ngỏ cái câu hỏi là tiến độ đã đến đâu cuốn hồi ký ấy rồi? Chả là một dạo nghe cánh Huế kháo nhau, ông Nguyễn Khoa Điềm đang viết hồi ký!

Bên ông Nguyễn Khoa Điềm ảnh 2Ông Nguyễn Khoa Điềm (bìa phải)

Hồi ký? Tại sao không? Tầm cỡ trên cả thượng thư, từng can dự vào bao sự kiện quốc gia. Các thang trật những là Thứ trưởng rồi Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị… Ngồn ngộn, chất chồng những nỗi chung niềm riêng? Những giăng mắc các loại quan hệ này khác? Mà cội nguồn của thứ hồi ký ấy có thể là khởi đầu xuất xứ từ người bà nội, nữ sĩ Đạm Phương, con gái vị hoàng tử con vua Minh Mạng. Những năm hai mươi của thế kỷ XX, bà được biết đến như một phụ nữ có học thức uyên thâm, có tinh thần dân tộc, ý thức xã hội, một nhà giáo dục có uy tín.

Bà từng là chỗ tâm giao tin cẩn của chí sĩ Phan Bội Châu. Bà được cụ Phan tin tưởng thay mặt cụ đọc bài văn tế Phan Chu Trinh trong lễ truy điệu tổ chức tại Huế năm 1926. Từng viết báo Nam Phong, Hữu Thanh, làm thơ, viết tiểu thuyết và nhiều công trình về giáo dục phụ nữ, trẻ em. Can trường trước Chánh mật thám Trung Kỳ lần bà bị  bắt giam hơn hai tháng.

Thừa hưởng tâm hồn và tính cách của  bà, con cái bà đều trưởng thành. Người con gái đầu là Nguyễn Khoa Diệu Nhơn là một trong những phụ nữ đậu cao đẳng tiểu học đầu tiên ở Huế. Người con trai vừa dạy học ở Quốc học Huế vừa tham gia Cứu tế đỏ, tổ chức quần chúng của Đảng bị phát hiện rồi bị thực dân Pháp tra tấn đến chết. Người con trai thứ là Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) theo kháng chiến trở thành nhà lý luận và phê bình văn nghệ Mác xít Việt Nam đầu tiên…

Rồi cái đoạn ông bị giam ở nhà lao Thừa Phủ… Rồi đâu là sự thật và những đồn thổi vô cớ khi tôn tạo Đàn Nam Giao?

Và thế nào lại chả rành rẽ thêm cái câu cứ như một sự tuyên xưng nếu không có cuộc kháng chiến này thì tôi không làm thơ và trở thành nhà thơ nữa chứ?

Nhưng cái cười kín đáo lặng lẽ của ông khiến tôi nghi nghi rồi chưng hửng! Ông lắc đầu: Có mô, người ta nói rứa thôi. Hồi ký à? Khó lắm.

Khi nghe thêm cái khó mà ông bộc bạch của việc viết hồi ký… Cảm giác như ông có vẻ như chưa vượt thoát lời nguyền rằng, bập vào cái khoản hồi ký là nan giải? Và cách chi cũng vướng phải cái tôi trong mớ bòng bong của sự đụng chạm? Và bao nhiêu thứ nhạy cảm khác mà những sự kiện, những chuyện còn vướng cái băng keo chưa giải mật?

Tỷ như chất giọng khẽ khàng của ông đang nói về thân phụ Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, nhà lý luận nhà phê bình văn nghệ Mác xít Hải Triều. Rằng ông cụ một trong những người tiên phong phổ biến chủ nghĩa Mác vào Việt Nam. Nhưng ông con đang nói, nếu có điều kiện, cụ sẽ có cái cách làm mới chủ nghĩa Mác theo kiểu Việt Nam?

Tôi giật mình nghĩ đến câu thơ ông viết, những ngả đường độ lượng… Có phải cái thời của Hải Triều ấy đang thiếu, đang vắng đi những sự độ lượng, thông cảm lẫn khoan dung?

Bên ông Nguyễn Khoa Điềm ảnh 3Tác giả cùng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (bìa phải)

Thêm nữa cánh đồng văn với thể loại hồi ký bây giờ, nhất là những nhân vật quan trọng, khó mà trồi lên những thứ mầm đại loại như vậy?

Tự khi nào một ông viết đã sà xuống bên. Là chỗ quen biết nên tuôn ra một thôi một hồi: Này, anh Điềm ơi! Người ta vẫn nói đến điều bất hạnh là đàn bà không có nhan sắc nhà văn không có tài? Ông anh thử hóa giải cái mệnh đề rằng loay hoay mãi mà chúng ta vẫn chưa có tác phẩm xứng đáng với thời đại, với dân tộc?

Hay là tình trạng già hóa hội Nhà văn diễn ra quá lâu rồi? Anh xem các hội viên ngồi đây tuổi trung bình trên 70. Chả ai dám nói họ không có tài, không uyên bác! Nhưng phần lớn đã bị chính cuộc sống đẩy lại phía sau. Sự uyên bác của họ không đủ để giải mã và phản ánh hiện thực đời sống! Không thấu hiểu tâm lý thưởng thức của công chúng, không nắm được xu hướng và các giá trị hiện đại mà thế giới đang hướng đến để tạo nên những tác phẩm có tiếng vang…

Ông Điềm cười (để ý hình như dạo ni và đến đại hội này, khí chất ông như thanh thoát và cái cười vẻ như nhiều hơn? Thoáng nhớ chuyện Thanh Thảo năm đã xa. Lần ấy nghệ sĩ Trà Giang  phàn nàn là sao thấy ông Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm rất ít khi… cười? Lần gặp ở Huế khi ông Điềm đã về hưu, lại có mặt chị Trà Giang, Thanh Thảo cười, không phải đâu chị ơi… Không tin bữa nay chị coi. Bữa gặp đó Trà Giang phải công nhận với Thanh Thảo là ông Điềm chỉ cười cái… đáng cười! Tất nhiên là thêm cái khả năng chọc cười xuất sắc của nhà thơ Thanh Thảo).

Này cái chuyện của ông có thể tổ chức ra được cả một hội thảo đấy- đến đây chất giọng ông Điềm thoắt chùng xuống. Từ ngữ như cũng thưa hơn.

 Ông đang dẫn ra cái slogan trên trang nhất Báo Văn Nghệ, Vì Tổ quốc vì CNXH. Chất giọng ông trở nên nhiệt thành, răng không vì con người hỉ? Hình như ta mải mốt điều gì đó và lãng đi sứ mệnh vì con người, hướng tới thân phận con người?

Chợt ngờ ngợ khi nhớ ai đó đã nói thế này… Có người viết, người ta phải đọc giữa hai hàng chữ, giữa các con chữ? Lại nữa có người nói mà người nghe phải dịch từ tiếng Việt ra… tiếng Việt?

Lại ai đó chất giọng tin cẩn, gấp gáp nhỏ to với ông Điềm về ông Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh. Cố nghe thì thấy ông ấy đang tố cái được lẫn cái dở của ông Thỉnh… Mà thứ hay và dở ấy đều là những chuyện cũ!

 Loáng thoáng chất giọng ừ hữ của ông Điềm nghe như ẩn cái cười trong đó, biết đâu khóa tới, Ban chấp hành mới sẽ mời nhà thơ Hữu Thỉnh làm cố vấn? Để dùng hết cái hay như ông vừa nói chẳng hạn? (Tưởng ông Điềm nói vui nhưng quả là ngày mai, BCH mới mời Hữu Thỉnh làm cố vấn thật!).

…Câu chuyện trở lại  ngày nghỉ hưu, ông thồ một xe tải sách từ Hà Nội vô Huế. Về ngôi nhà xưa thơ mộng ở khu Vườn Chuối. Ba trận lụt bão đã phá tan tành khu vườn chuối. Phải tính cách trồng thứ cây chi cho hiệu quả. Ông đi đánh mấy con dao rựa và mấy cái kéo chuyên làm vườn thật bén. Thế là suốt ngày loay hoay lẩn mẩn ngoài vườn.

Hình như mỗi một văn tài nào đó, trong hoàn cảnh dẫu ngặt nghèo, người ta tìm được cái cách riêng? Nhớ thêm anh cán bộ chiến khu Nguyễn Khoa Điềm, từ chiến trường Thừa Thiên Huế gửi ra Hà Nội bó bản thảo của trường ca Mặt đường khát vọng. Tất nhiên có sự liên tài lẫn mắt xanh của những người biên tập coi sóc Báo Văn Nghệ khi ấy. Ít lâu, Mặt đường khát vọng xuất hiện trình làng một thể tài, một giọng điệu riêng. Khoan hẵng nói sự tự tin nhưng dám chắc nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phần nào hào sảng cái cách mình đang sở hữu  khi thể hiện một trường ca có sức sống lâu bền ấy?

Với tốc độ xe đạp chầm chậm xuyên và vòng kinh thành Huế, sự chầm chậm ấy lại là thứ mau lẹ khi ông trở lại việc làm dân? Bận bịu, lui cui với việc làm vườn nhưng ông không quên thơ. Nguyễn Khoa Điềm rất nhanh việc trở lại với thơ ca. Hồi mới về hưu, trong buổi ngồi với các nhà thơ của Trung tâm William Joiner (Hoa Kỳ) ở Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế, ông không nói suông, mà tự tin lẫn thành thực khi giang hai tay ra. “Thời điểm này sứ mệnh của thơ lớn lao hơn bao giờ hết. Thơ phải góp sức làm giàu tâm hồn”.

Dường như ông vẫn tiếp tục cái mạch tự tin từ những năm đầu 70 ấy khi hào sảng với Mặt đường khát vọng?

 Có thể ông đang là người hạnh phúc, sung sướng khi được làm cái việc mình yêu thích? Là đương làm mới mình trong thơ, với thơ. Chẳng phải tắt hẳn mà chỉ ghìm bớt, hãm bớt những hoan ca những hoành tráng khi giơ tay gõ lên từng cánh cửa/thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào/ Ta nghẹn ngào hai tiếng Việt Nam ơi cũng là một kiểu hướng nội?

Và cũng là cái cách làm mới mình vậy?

Vị trí hàng ghế cuối Hội trường chỗ khuất của ông như đồng lõa, như dắt dây những văn nhân những người viết cứ thi thoảng sà xuống bên ông. Và có một tẹo, tôi thoáng thấy có người kéo áo nhắc lại lời mời của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư vừa mới đến dự đại hội là kính mời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lên hàng ghế gần Đoàn chủ tịch! 

Với tốc độ xe đạp chầm chậm xuyên và vòng kinh thành Huế, sự chầm chậm ấy lại là thứ mau lẹ khi ông trở lại việc làm dân? Bận bịu, lui cui với việc làm vườn nhưng ông không quên thơ. Nguyễn Khoa Điềm rất nhanh việc trở lại với thơ ca.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ