' nhà văn Hồ Trường An [ i.e. Nguyễn Viết Quang 1938- 2020 / Strasbourg ] "/ Mặc Lâm -- trích RFA / Đài Á Châu Tự Do >
Nhà văn Hồ Trường An
2010.10.16
Ông tốt nghiệp Khóa 26 (1968) Trường Bộ Binh Sĩ Quan Thủ Đức. Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu tỉnh Bình Dương từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó phục vụ tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 cho tới tháng 4/75. Hiện cư ngụ tại Troyes, Pháp.
Ông viết truyện ngắn, thơ, điểm sách, viết tạp ghi. Và sau này ông viết các bài nhận định về kịch ảnh, tân nhạc. Hồ Trường An cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến...
Sự nghiệp sáng tác của Hồ Trường An khó thể nói là khiêm nhường, với 22 truyện dài, 10 tập truyện, 16 bút khảo, ký sự, bút ký và 3 tập thơ được xuất bản, đó là chưa kể những bài viết rời ông cộng tác với các tạp chí trong nước và hải ngoại suốt gần 50 năm cầm bút.
Lãng mạn miệt vườn
Văn phong Hồ Trường An gần gũi với những cây bút miền nam nổi tiếng từ Hồ Biểu Chánh tới Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và cả Lê Xuyên. Người đọc ông có thể tìm thấy cái hương vị miền Nam đậm đặc trong từng hơi thở của nhân vật nhưng người đọc cũng dễ dàng phát hiện ra cái sâu thẳm hơn trong Hồ Trường An bởi tính chất lãng mạn của một ngòi bút bật ra quá nhiều tỉ mẩn của một cô con gái dính liền với thôn dã.
Là một người đồng tính, Hồ Trường An không hề có ý định che giấu giới tính của mình; văn chương của ông như sợi lụa mỏng manh nhưng dai dẳng cột chặt người đọc từ trang này sang trang khác qua những lời kể dông dài nhưng quyến rũ về các câu chuyện của một thời xa xưa, lúc đồng bằng sông Cửu trong giai đoạn hình thành.
Hồ Trường An làm cho nhiều người đọc say sưa bởi tính chi li tỉ mẩn của ông qua từng trang sách. Tả về người đàn bà hay bất cứ điều gì có liên quan đến công dung ngôn hạnh là chừng như rồng gặp nước, ông không biết dừng và chính tính chất đặc biệt này đã giúp ông đứng riêng một cõi.
“Cô Hai Phụng vóc mình dong dỏng, nước da ngăm đen nhưng tóc cô mềm và nhuyễn, dợn sóng trước trán, mắt cô ướt rượt, nụ cười cô có duyên phô hàm răng trắng muốt như hột dưa leo. Cô mặn mòi xinh đẹp lắm. Hễ cô liếc tên trai làng nào thì tên đó bủn rủn mới có một, nhưng khi cô cười thì hắn bàng hoàng tới mười.
Ý là cô chỉ mới biết đọc biết viết, cô lại không biết đọc tiểu thuyết, không mấy khi được coi hát bội, hát cải lương, nhưng cách nói chuyện của cô vừa nhõng nhẽo vừa mơn trớn làm tự ái đờn ông được vuốt ve. Rốt cuộc hắn sướng rơn cả người, hồn phách tâm trí hắn bị cô hớp hết vô cái miệng xạo đía của cô.”
Khi viết về đồng quê hay những kỷ niệm trong gia đình, văn phong Hồ Trường An lại rẽ qua một hướng khác, thâm trầm và sâu lắng hẳn. Hồ Trường An làm người đọc cảm nhận được hương vị quê hương một cách rõ rệt như đang nhấm nháp và sờ mó chúng. Có lẽ đây là thế mạnh của ông, biết dằn một chút muối trong nồi canh quê để người thưởng thức tự cảm nhận cái đậm đà mà họ đã đánh rơi trên suốt quãng đường gió bụi.
“Ngoại tôi không nấu canh mồng tơi suông đâu. Bà cũng hái rất nhiều lá mồng tơi, rồi cùng với rau tập tàng, rau bồ ngót, rau cải trời, rau dịu để nấu canh tôm. Những con tôm he được ngắt đầu, bóc vỏ, bỏ đuôi, rút gân máu, đem quết nhuyễn và tra thêm tiêu, hành lá, nước mắm... rồi vo từng cục tròn tròn, dẹp dẹp thả vào nồi nước sôi, trước khi bỏ rau mồng tơi và rau khác vào. Canh rau do đó, thật ngọt, được múc vào những chiếc tô sành sản xuất từ Lái Thiêu, với một nét họa phóng bút bằng tay.
Chúng tôi nghỉ học. Tìm được tập giấy trắng và ngòi viết lá tre cũ, tôi hái trái mồng tơi pha chế thành mực tím chép những bài hát nổi tiếng đương thời. Trên nền giấy ố vàng, những hàng chữ gò gẫm, sắc nét và lối trình bày sạch sẽ cũng làm cho tập giấy có vẻ ngoạn mục riêng.
Rồi chúng tôi bỏ Ngã Ba Trung Lương, về Vĩnh Long sống nhờ ông nội chúng tôi. Chung quanh nhà, chúng tôi rào giậu mồng tơi, trồng bồ ngót, cao kỷ, bạc hà, cây lá giấm. Mâm cơm quê nội có bát dĩa sang trọng, nhưng thức ăn rất đạm bạc.
Việt Minh đã sung công hết ruộng đất của ông nội tôi. Sản nghiệp của ông dần dần khánh kiệt. Với tài chế biến khéo léo, má tôi làm những món đạm bạc nhưng ngon lành và tinh khiết: canh rau nấu bột ngọt, cá cơm kho tương ăn với dưa leo và rau thơm, cá linh, cá rô kho sả ớt, con ruốc chấy tóp mỡ... Giậu mồng tơi quê nội đã giúp cho mẹ con tôi chịu đựng cái nghèo trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh suốt chín năm.”
Viết phê bình, tiểu luận
Hồ Trường An không những sáng tác truyện dài, truyện ngắn hay tiểu thuyết…mà ông còn phê bình, viết tiểu luận văn chương và tiểu sử của những ngòi bút nữ nhân mà ông mến mộ. Hãy đọc một đoạn ông viết về Hồ Biểu Chánh:
“Cái ngôn ngữ dí dỏm, chót chét trong văn phong của Hồ Biểu Chánh thường làm cho chúng ta bật cười một cách thống khoái, dù cụ có cằn nhằn chì chiết nhân tình thế thái đi nữa. Chúng ta cảm nhận ngay sự thành khẩn của cụ. Chúng ta vụt cảm thấy tận đáy sâu của ngôn ngữ cụ, tận cái thiết tha của tình ý cụ có một hấp lực kỳ đặc, không dễ gì tìm gặp ở bút pháp kẻ khác….”
Nói về Bình Nguyên Lộc Hồ Trường An thân tình hơn, do đó có phần âu yếm:
“Văn chương Bình Nguyên lộc nồng nàn tình yêu quê cha đất mẹ. Đôi khi cái nồng nàn đó lên tới mức độ sôi nổi nên anh không làm chủ được ngòi bút của mình. Do đó văn chương ấy trở nên bộc tuệch, trống trải, cường điệu, bộc lộ cá tính Nam Kỳ.
Cái bộc lộ ấy chưa chắc là cái khuyết điểm hay nhược điểm gì. Trái lại, nó làm cho sự diễn đạt tình ý của anh thêm minh bạch, thêm tươi rói và cực kỳ quyến rũ. Anh để mặc cho tâm sự mình phơi bày hở hang, trần truồng, không ngụy trang, không úp mở. Độc giả đa số không cần ở văn chương anh cái mánh khóe tiềm ẩn hay cái phong niêm tinh xảo để làm cho sự diễn tả được hàm súc và ý nhị. Họ chỉ cần tấm lòng tươi son bền sắt của anh đối với quê hương của anh.”
Còn Sơn Nam thì sao, hãy nghe ông phê bình mà như một lời trần tình cho người bạn nối khố:
“Quan niệm về nghệ thuật của Sơn Nam vẫn là quan niệm vừa sâu sắc vừa dí dỏm như quan niệm của Võ Phiến. Anh không phải là nhà văn tư tưởng. Nhưng văn chương anh rất cận nhân tình, gây lý thú bất ngờ cho người đọc qua những lời khề khà của một bợm nhậu hào sảng trong lúc rượu vào lời ra. Nhưng coi chừng đó, những lời theo hơi men tuôn ra từ cửa miệng anh thường làm chúng ta nghĩ ngợi.”
Lê Xuyên thì Hồ Trường An tỏ ra dè sẻn hơn khi viết:
“Lê Xuyên không viết văn dài dòng: không cần tả cảnh, tả người, tả vật, tả tâm trạng, tức là không tả những cái mà giới bình dân cho là lòng vòng không hợp với khiếu thưởng ngoạn của lớp độc giả với lòng dạ rổng rang, suông thẳng như ống nứa ống tre. Anh thích kể chuyện, ưa cho các nhân vật của mình chuyện trò vòng vo Tam Quốc, cằn nhằn dai dẳng, cà khịa rỉ rả, cãi lẫy tưng bừng, có khi chửi bới huyên náo. Anh không cần viết văn đâu.”
Hồ Trường An nói về những cây viết này:
“Anh Bình Nguyên Lộc thì ảnh ham đào sâu vào tâm trạng, tâm lý tâm linh của mình, tới khi đụng tới đồng tính luyến ái thì ảnh không biết. Ông Sơn Nam thì chỉ viết phong tục xã hội miệt vườn thì, ảnh không cần viết tâm lý của nhân vật ra sao. Lê Xuyên cũng vậy.”
Mãn nguyện với giới tính
Mặc dù được nhiều người công nhận ngòi viết Hồ Trường An tập trung vào đồng quê và những mẩu chuyện trữ tình lãng mạn của miệt vườn, nơi những chàng trai cô gái chân chất tỏ bày tình cảm của mình hồn nhiên như cọng lúa….thế nhưng phía sau cái mềm mại ấy là những bùng vỡ của tâm trạng, của giới tính, của khác biệt đôi khi khó thể phân bày.
Mặc dù cuồn cuộn và hừng hực như nham thạch, nhưng tâm trạng ấy phải bị đè xuống, dấu đi chỉ còn lại chút dư âm của cuộc tình đồng tính. Hồ Trường An kể về tác phẩm “Hợp Lưu” của mình, tác phẩm hiếm hoi viết hẳn về đồng tính luyến ái của ông:
“Người đầu tiên mà viết về đồng tính luyến ái là một người bạn của tôi tên là Đỗ Quế Lâm viết cuốn “Vết hằn rướm máu” nhưng cũng nói tới một chút thôi.
Nguyễn Văn Trọng viết : “L’Enfer Rouge et mon amour”” tức là “Hỏa ngục đỏ và người tình của tôi” sáng tác bằng tiếng Pháp rồi tự dịch ra tiếng Việt nhưng mà nói cũng qua loa vậy thôi không tả những cuộc làm tình tỉ mỉ được.
Anh Thảo trong lúc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Văn bị người ta chửi dữ lắm. Những cú điện thoại, thơ rơi… nhưng tôi chỉ viết những khía cạnh tổng quát của một cuộc làm tình chứ đâu tả cái sex ra làm sao… không có! Chỉ tả nàng và chàng khỏa thân với nhau tạo ra những cảnh đẹp gặp nhau giữa hoàng hôn, hay dưới ánh trăng thanh rồi chỉ nói sơ qua hai người trần truồng với nhau cùng với hình ảnh thơ mộng vô trong đó chứ không phải để trắng trợn tục tĩu đâu.”
Nhà thơ
Hồ Trường An còn có hai tập thơ, và khi làm thơ, Hồ Trường An chắt lọc từng chữ từng ý. Cũng mặn mòi và thấm đẫm chất quê nhưng trong thơ Hồ Trường An người đọc nhận ra một mảng cảm nhận khác.
Trong bài thơ “Vườn cau quê ngoại” tác giả phải ky cóp kỷ niệm nhiều lắm, phải thương nhớ mảnh đất cố cựu một cách sâu nặng lắm mới cho chúng ta những cụm từ tuyệt đẹp mà chỉ người miệt vườn mới thấm, mới chia sẻ được nỗi thương nhớ quê nhà qua tàu cau bẹ chuối…
Đêm qua vườn ngoại tàu cau rụng
Vàng ố loang từng bẹ lá khô
Mo xám quắt queo bao cữ nắng
Hồn xanh phai lạt giữa mơ hồ.
Thềm vắng, xế nay ngồi vót chổi
Ngoại đưa cần mẫn chiếc dao dâu
Chừng nghe tiếng chổi khua sàn sạt
Quét rụng niềm vui tự thuở đầu.
Sống lá từng tàu cau chuốt mỏng
Dẻo mềm lạt buộc chổi tinh khôi
Ngoại từ xanh tóc nay đầu bạc
Vót chổi bao năm một chỗ ngồi.
Đêm qua bão rớt, bông cau rụng
Mai mốt buồng cau thưa trái non
Vững mạnh nọc trầu bên mé nước
Dài giây, tủa rễ, lá xanh rờn.
Từ hình ảnh của cây cối thân yêu sau vườn, Hồ Trường An chừng như muốn bật khóc khi gió chiều se lạnh, cái lạnh quê nhà tràn tới trong khi tác giả tha hương đã làm hồn vía của ông trở thành lạc lỏng cô đơn biết chừng nào…
Nắng tắt, hiên ngoài se sắt lạnh
Gió chiều quét sạch lớp mây giăng
Ngoại đưa đẩy chổi trên sân vắng
Quét lá, làm sao quét ánh trăng?
Làm sao quét nỗi buồn giăng mắc?
Đèn lửa đêm dài chong hắt hiu
Cau sấy ba canh, than cháy đỏ
Làm sao hong ráo lệ bao chiều?
Vườn cau quê ngoại thời niên thiếu
Ươm giữa hồn thơ nét đẹp buồn
Ký ức tháng ngày rung bóng lá
Thơm hương cau tỏa dưới trăng sương.
Vườn cau hòa tiếng tim châu thổ
Dựng mộ bia sau mái miếu đường
Có bóng ma người bao thuở trước
Suốt đời bám riết đất quê hương.
Hồ Trường An có thể chưa trở thành một cây viết ngang ngửa với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, nhưng chắc chắn rằng ông đứng hẳn ra một cõi với văn phong và sự trăn trở dữ dội của một ngòi viết đồng tính gần như duy nhất của Việt Nam.
Trong suốt 50 năm cầm bút, ông luôn hãnh diện nhận mình là một người đồng tính luyến ái, vừa hãnh diện vừa ngại ngùng và đôi khi rụt rè, nhưng bất cứ khi nào nói đến bốn chữ “đồng tính luyến ái” thì chừng như giọng của ông cất cao hơn, hoàn toàn mãn nguyện đối với những gì thượng đế ban cho mình.
Đây cũng là một điểm đặc sắc nữa của Hồ Trường An, một người cầm bút hiếm hoi trong cộng đồng người đồng tính
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ