" gặp gỡ và phỏng vấn nữ sĩ NGUYỄN THỊ NGỌC DU NG " / Hồ Trường An [ 1938- 2020 / Strasbourg ] -- trích: www.vietbang.com> -- (04-08- 2006)
GẶP GỠ VÀ PHỎNG VẤN NỮ SĨ NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG HỒ TRƯỜNG AN | |||||
Tôi vốn thích văn chương viết về quê hương đất nước và văn chương viết về hồi ký. Tôi thích phong tục tập quán và văn minh Nước Trung Hoa. Có lẽ phong tục tập quán của Nước Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn minh tập quán của đất nước có diện tích vĩ đại trên bàn đồ thế giới này chăng? Cho nên khi đọc quyển hồi ký Les Mondes Que J'ai Connus của Nữ Sĩ Pearl S. Buck tôi rất thống khoái. Bà nữ sĩ người Mỹ này sống một phần ba cuộc đời trên đất Nước Trung Hoa. Sự nghiệp văn chương vĩ đại của bà cùng Giải Nobel Văn Chương dành cho bà vào năm 1939 là ở công trình khai thác tập quán và phong tục của đất Nước Trung Hoa mà nơi ấy thân phụ của bà mang cả gia đình (trong đó có bà) đến truyền giáo Tin Lành. Tôi chưa bao giờ ra khỏi Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhưng ai cấm tôi mơ Miền Bắc từ thuở biết đọc tiểu thuyết. Nơi ấy có bốn mùa xuân hạ thu đông, có mưa phùn, có hoa đào, chim sơn ca, chim họa mi, có hoa sữa... Ðó là những đặc sản của Quê Bắc chúng ta qua nhiều tác phẩm văn chương của Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, của các Nhà Văn Trần Tiêu, Tô Hoài, Mạnh Phú Tứ, Nguyễn Công Hoan... vào Thời Tiền Chiến và nhất là các tác phẩm (tiểu thuyết cũng như biên khảo) của Toan Ánh sau thời kỳ Nam Bắc chia đôi v.v... Tôi thèm ăn gạo Tám Thơm, nhãn Hưng Yên, dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Ðầm Sét, cá diếc, trái sấu, trái muỗm, trái nhót, trái hồng bì, chim ngói, mắm rươi qua hai cuốn Món Ngon Hà Nội và Thương Nhớ Mười Hai củaVũ Bằng. Lại còn thắng cảnh Hà Nội, Lạng Sơn, Ðồ Sơn, Sầm Sơn. Hai bãi biển Ðồ Sơn và Sầm Sơn này đã được Hoàng Ngọc Phách (qua cuốn Tố Tâm) và Khái Hưng (qua hai cuốn Trống Mái và Băn Khoăn) khai thác nữa chi! Ðấy, từ 12 tuổi tôi đã mơ Miền Bắc qua sách vở. Người ơi, những giấc mơ trên trang sách bao giờ mà chẳng lộng lẫy, chẳng hào hứng, hả người? Nhưng khi ra hải ngoại, hầu như chẳng ai viết về Miền Bắc, trừ những thi tập của Thi Sĩ Lê Ngọc Hồ. Tôi đợi chờ một cây bút gốc Bắc Kỳ nào đã từng di cư vào Nam vào thuở hoa niên của tôi có thể ôn lại dĩ vãng để viết về Hà Nội, viết về Miền Bắc. Nhưng sự chờ đợi đó như nàng cô phụ đợi người chồng lãng tử đã bỏ nhà ra đi, không còn gửi về một bóng chim tăm cá, rồi bặt tin biệt tức trải qua bao năm rộng tháng dài. Thế rồi vào năm 1995, tình cờ đọc trong chương mục sách ốc của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ, tôi chợt thấy giới thiệu cuốn Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội. Có phải đây là quyển hồi ký với công trình thắp sáng thời hoa niên rực rỡ lẫn tuổi thanh xuân mộng ảo có biết bao kỷ niệm tươi thắm của tác giả hay chăng? Có phải đây là quyển tự truyện với những vận sự có thật như mảnh gương trong sáng trộn lẫn những đợt khói mơ màng phiêu diễu của óc tưởng tượng hay chăng? Nhưng tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung là ai? Một khuôn mặt chính khách phụ nữ? Một khuôn mặt trong các bộ môn nghệ thuật? Hay đây là một ái nữ của một nhân vật xênh xang trong chiếc cẩm bào, ngực đeo thẻ ngà và tay cầm hốt ngà vào thời xa xưa? Hoặc đây là một phu nhân của một ông tai to mặt lớn trong guồng máy hành chánh ở Miền Nam vào hai Thời Kỳ Cộng Hòa? Nhưng mà không. Ðây là người vợ cũ một nhà văn lừng lẫy và sau đó là đương kim phu nhân của một nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ. Ở hình bìa sau của quyển Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội, tôi nhận thấy qua tấm ảnh màu, tác giả dùng màu xanh để phục sức và trang sức: áo màu bích lục chen hoa sậm màu thúy lục thúy lam, hoa tai nạm viên bảo thạch trong suốt màu bích ngọc (hoặc có thể là hai viên bích ngọc cũng không chừng). Người trong ảnh có cặp mặt hơi nhỏ, nhưng cái nhìn long lanh và bao la vời vợi. Nụ cười chị tươi sáng dưới lớp son màu hồng đào. Hàm răng chị ngắn gọn, đều đặn như hạt lựu và bóng lộn như hạt trân châu. Một người bạn hàng xóm có lần bảo tôi: - Răng ngắn thì bền chắc và lâu rụng. Lại đẹp nữa. Nguyễn Thị Ngọc Dung, một tên tuổi mới trong cõi văn chương Việt Nam vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ! Trong tấm ảnh chụp chung với Nữ Sĩ Cao Mỵ Nhân in ở bìa sau quyển Áo Màu Xanh (của Cao Mỵ Nhân), chị mặc áo xanh màu “saphir” (màu thúy ngọc/màu ngọc phí thúy) rất tươi sáng, rất hợp với màu trắng của chiếc quần xa-tanh tuyết nhung. Và nếu chị Ngọc Dung hợp với những màu xanh thì chị cũng hợp với màu vàng. Cứ xem tấm ảnh chị mặc áo màu hoàng yến đeo kiềng trơn bằng vàng trong tấm ảnh in trên bìa sau cuốn Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương thì rõ. Chiếc áo vàng như sóng sánh nắng ban mai làm chị rạng ngời vẻ mệnh phụ Xứ Huế hơn, cao sang thanh thoát hơn. Qua trung gian chị Trương Anh Thụy, một thành viên của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ, tôi được làm quen vói chị Nguyễn Thị Ngọc Dung. Chị nhờ tôi viết bài Bạt cho quyển Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương và mời tôi cộng tác với Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm. Từ đó, cả hai liên lạc nhau qua những bức thư đánh máy ký tên trên giấy trắng nõn như lông cánh thiên nga, trong các cuộc điện đàm khá dài. Cả hai phương tiện đàm đạo đều ăm ắp những giai thoại, những huyền thoại, luôn cả những truyền kỳ trong giới văn nghệ sĩ kim cổ Ðông Tây. Thường là những huyền thoại hấp dẫn như tình tiết trong các pho thiên phương dạ đàm Xứ Ba Tư. Thường là những giai thoại sống động như trên những trang giấy ngọc cốt của quyển Úc Viên Thi Thoại của nhà thơ Ðông Hồ. Và những truyền kỳ thì hư lẫn thực, giả lẫn chân pha trộn vào nhau như những vóc gấm dệt chỉ tơ cùng với kim tuyến hoặc ngân tuyến. Gặp những đoạn hào hứng, chị cười dòn dã và trong sáng như những mảnh vỡ của pha lê. Chị hỏi bằng giọng ngờ vực: - Thế à anh? Thật hả anh? Than ôi, trong truyền kỳ và huyền thoại, vận sự có thật chỉ là một nhúm gạo móng chim đem nấu một nồi cháo, chỉ là một thìa nhỏ bột huỳnh tinh khuấy thành một soong hồ bột mà thôi! Năm 1998, tôi qua Virginia ra mắt quyển Theo Chân Những Tiếng Hát do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ xuất bản. Lúc đó, bên Pháp vào mùa Ðông. Ngọn gió từ Bắc Cực thổi xuống cộng với ngọn gió vùng hoang dã Tây-bá-lợi-á thổi qua làm xứ Pháp lạnh cóng. Nhưng vùng Virginia thì vào gần cuối thu. Lớp lá vàng, lá màu cam, lá đỏ rơi rụng để cây cối trong rừng, trong rú, trên sườn đồi trơ cành xương xẩu. Tôi có dịp gặp chị Ngọc Dung, ảnh sao người vậy. Chị duyên dáng, lúc nào cũng cười điềm đạm. Nhìn chị, tôi cảm nhận ngay đây là một ý chí to lớn và cứng rắn trong một thể xác nhỏ nhắn mảnh mai. Tiềm lực và ý chí của chị như những hòn than ngún lửa hoài hoài dưới lớp tro mỏng, chỉ có dịp thuận tiện là khêu bừng bừng ngọn lửa thắp sáng, làm ấm áp căn bếp trong tiết hàn nhuận mùa đông. Mà quả vậy, tôi đoán không lầm: sau này dù bận việc nội trợ, chị vẫn vừa viết lách vừa chăm sóc Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm khi anh Lưu Nguyễn Ðạt tạm tách rời để chăm lo cho Tạp Chí Tư Tưởng Việt. Kỳ viếng D.C. vào năm 1998 đó, chị đãi tôi bữa cơm tối với 3 cặp uyên ương: anh Nguyễn Huy Long & chị Trương Anh Thụy, anh Lưu Nguyễn Ðạt & chị Phùng thị Hạnh, anh Phó Hồng Hà & chị Thúy Diệm, lại thêm có chị Quỳnh Anh, anh Hà Bỉnh Trung. Món canh chua đậu bắp ở tiệm Việt Royale ngon tuyệt vời. Món sò xào tương đen rất lạ miệng. Nhưng nó là cái hướng để cho các nghệ sĩ ở Washington, D. C. đãi tôi liên tiếp vào các ngày hôm sau. Canh chua và sò xào tương đen! Ơi là canh chua và sò xào tương đen! Nếu không phải là người đang mắc chứng cảm cúm như tôi, đương sự sẽ rùng mình luôn! Sau đó, mọi người kéo đến anh chị Ðạt & Hạnh, dùng trà, ăn tàu hủ chan nước đường đặc sánh và thơm ngát mùi gừng. Và lại có cả tiết mục văn nghệ bỏ túi. Chị Ngọc Dung hát bài “Suối Mơ” của Văn Cao. Tiếng hát sáng lồng lộng của chị, sáng và ấm áp như ánh nắng, chứ không sáng lạnh lẽo như ánh trăng. Cũng kỳ đó, chị Ngọc Dung đến nhà chị Trương Anh Thụy dự tiệc khoản đãi các thân hữu sau buổi ra mắt Theo Chân Những Tiếng Hát. Và trong bữa tiệc do vợ chồng Võ Sư Hồ Bửu khoản đãi tôi, chị cũng có mặt. Vào dịp Tết dương lịch năm 1999, chị gửi cho tôi một băng cassette những bài chị hát. Phải nói là chị chọn những bản có giá trị nghệ thuật hợp với cảm quan của tôi như bản “Ðàn Chim Việt” của Văn Cao, “Nỗi Lòng” và “Chiều Vàng” của Nguyễn Văn Khánh, “Dư Âm” của Nguyễn Văn Tý, “Biệt Ly” của Doãn Mẫn, “Nửa Hồn Thương Ðau” của Phạm Ðình Chương v.v. Theo tôi nghĩ, chị chỉ chọn toàn những ca khúc sang trọng, quí phái để hát. Giọng hát của chị Ngọc Dung nồng ấm, có vẻ chuyên nghiệp được máy karaoke tô điểm phần nhạc đệm với phần hòa âm tuyệt hảo nên càng tăng thêm âm sắc quyến rũ. Ðây là giọng hát ấm áp và nồng nàn như băng phiến, ở chót đuôi lóe lên âm vang thanh thanh và lảnh lót. Khi xuống trầm, giọng chị khàn và ấm nồng như quế, khi lên cao giọng chị ngọt như mật ong và sáng như pha lê, như gương báu. Có lúc giọng chị khoan thai dịu nhẹ như dòng sông chảy êm đềm dưới nắng. Giọng không điệu đà, không chơi fantaisie bừa bãi. Một giọng đơn giản như giọng của nữ danh ca Mộc Lan trước năm 1975 mà tôi nghĩ đó là giọng mệnh phụ. Cái lảnh lót lúc lên cao làm tôi nghĩ đó là những đợt gió chướng nổi lên xôn xao vào mùa Tết mát dịu. Và cái khàn khàn làm cho giọng chị thêm gợi cảm như mang âm hưởng tiếng đại hồ cầm. Từ khi con chim ý nhi Ngọc Dung cất giọng líu lo trong các lớp của trường nữ trung học Trưng Vương đã được cố giáo sư Thẩm Oánh vốn là một nhạc sĩ tiền phong phải quan tâm chú ý. Giọng ấy sao mà mỏng, thanh và ngân vang từ các thanh đới dẻo mềm và buồng phổi tươi non thoát ra. Rồi đó, sau nửa thế kỷ trôi qua, thầy trò gặp lại nơi chốn Hoa Ðô (Washington, D.C.), tiếng hát ấy vẫn mỏng và thanh như thuở nào. Nhưng nó đượm thêm âm sắc khào khào và ấm cúng như khói nhang bạch đàn và nồng nàn như trầm hương bách hợp được đốt trong ngày rằm nguyên tiêu, khi bóng trăng tròn đầu tiên của một năm mới hiện trên nền trời lấp lánh sao. Tiếng hát đó khi ra hải ngoại được Cố Nhạc Sĩ Nhật Bằng uốn nắn thêm phần kỹ thuật để cất lên trong những cuộc tiếp tân hay trong các bữa dạ yến rộn ràng bằng hữu liên tài và sành điệu. Văn chương, âm nhạc, hội họa vốn là ba sở thích rất bền bỉ đối với chị Ngọc Dung. Dù năm tháng trôi qua, dù mùa đông cuộc đời có tới hay không tới, chị vẫn bền lòng đeo đuổi chúng. Cả ba như ba cây cảnh không sợ tiết mạnh đông buốt giá. Nhánh thanh tùng vẫn phớt nhẹ một lớp tuyết nhung mỏng như phấn rắc. Lá thúy trúc được tráng một lớp băng mỏng lấp lánh ánh pha lê. Hoa hồng mai đỏ như son tươi rọi ánh mây hồng trên lớp giá cứng như gương. Băng nhạc của chị là món quà quý cho bạn bè trong dịp Tết Kỷ Mão. Nội cái việc chị chọn nhạc phẩm để trình bày, người nghe cũng biết chị có khiếu thưởng ngoạn cao. Tôi tự hứa sẽ viết một bài về giọng hát này. Năm 2001, tôi lại làm cuộc Mỹ du với 3 giai đoạn hành trình. Ở giai đoạn thứ nhất tôi ghé thăm các văn hữu ở Washington, D.C. và ăn Tất Niên tại nhà anh Lưu Nguyễn Ðạt có xen một buổi văn nghệ hào hứng. Kỳ đó, chị Ngọc Dung bị bịnh cúm, nhưng vẫn tươi cười thanh lịch trong chiếc áo tơ lụa màu xanh đặc biệt cùng màu với khăn phu-la. Màu xanh này thắm rực hơn màu bích ngọc, óng ả hơn màu ngọc thạch hoàng gia. Ðúng là màu xanh lông chim công, rất hòa hợp với tảng hoa màu hồng quế in trên khăn phu-la, với màu son hồng hạnh tô trên môi. Bởi đang lúc xanh xao vì bệnh, lại phải dự dạ hội nên chị mới tô son thắm đậm như thế, chứ thường nhật chị dùng màu son hồng đào tươi sáng mà thôi. Giai đoạn thứ hai, tôi đi California ra mắt hai cuốn sách Tập Truyện Ma (tập truyện), Chân Dung Những Tiếng Hát II (ký sự văn học nghệ thuật) và ở chơi tại Quận Cam 10 ngày. Sau đó, tôi trở về Virginia ra mắt cuốn bút khảo Tác Phẩm Ðẹp Của Bạn. Người đón tôi tại phi trường là chị Ngọc Dung. Chị lại đưa tôi dùng cơm với anh Lưu Nguyễn Ðạt và chị Phùng thị Hạnh trước khi tôi theo cặp Ðạt & Hạnh về biệt thất của họ ở thành phố Fairfax, Virginia. Cũng vẫn món canh chua đậu bắp bất hủ. Cũng vẫn món sò xào tương hột đen. Và có thêm vài món thịnh soạn nữa. Hôm ra mắt sách, chị Ngọc Dung mặc áo màu tía pha xám; đó là màu rượu vang Côte du Rhône hơi tái rất trang nhã có thêu một tảng hoa trắng chen loáng thoáng hoa đỏ lá xanh phía trước. Chị dùng sưu bộ trân châu gồm đôi hoa tai và hai xâu chuỗi đeo cổ để trang sức. Chị ăn mặc trang điểm không gượng nhẹ mà cũng chẳng mạnh tay, cốt lấy cái sáng mát và tươi thắm cho nhân diện vóc dáng của mình. Theo tôi, chị mặc quốc phục đẹp hơn Âu phục vì chỉ có cái áo dài cổ truyền mới làm vóc dáng chị thon thả và mềm mại. Sau đó, một tuần, người đưa tôi ra phi trường để tôi trở về Pháp cũng chính là chị Ngoc Dung, nhưng lại có thêm phu quân chị vốn là nhà cựu ngoại giao, Ông Robert Senser đã từng làm việc tại Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Từ tiệm bún ốc ở Falls Church, chị đưa tôi đến viếng nhà chị ở thành phố Reston để yết kiến đấng trượng phu của chị chỉ trong vòng năm phút, trước khi cả ba cùng ra phi trường. Nhà chị có nhiều món ngoạn hảo và vài tấm tranh sơn dầu của Nguyễn Trung. Tôi chưa kịp quan sát thì chị giục tôi ra xe kẻo không sẽ đến phi trường trễ nải. Hôm đó, trên đoạn đường đến nhà chị, tôi có bảo chị: - Hồi mới lớn, bọn bạn bè chúng tôi ưa thói thời thượng, kiểu cách. Ði đâu tụi tôi cũng mang kè kè theo mấy cuốn sách của Ông Albert Camus hay vài cuốn sách của ông Jean Paul Sartre, dù tụi tôi chưa đọc nổi một câu. Nghĩ lại, sao tôi mắc cỡ đến rùng rợn! Chị Ngọc Dung bảo: - Giờ đây tụi mình lại thích đọc sách viết về quê hương đất nước. Chúng mình cũng chẳng cần tìm hiểu mấy ông ấy viết những gì, viết ra sao? Chúng mình đâu còn nhỏ dại gì mà tìm hiểu những điều không cần thiết cho văn chương mình. Hồi mới lớn, tôi thích xem xi-nê hơn. Bốn năm trôi qua. Tạp Chí Cỏ Thơm và Cơ Sở Xuất Bản Cỏ Thơm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, dù vận nước bên quê nhà hãy còn cau mặt với tang thương. Trên sóng lớp phế hưng, tấm lòng yêu tha thiết văn chương cùng ý chí sắt đá đã hướng dẫn chị Nguyễn Thị Ngọc Dung sáng tác thêm tập truyện Một Thoáng Mây Bay (2001) sau thi tập Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời (1999). Cơ Sở Cỏ Thơm tới nay đã xuất bản gần 30 tác phẩm đủ loại (thơ, văn xuôi, biên khảo, bút ký). Chị đã hoàn tất quyển bút ký Non Nước Ðá Vàng, nhưng chưa xuất bản. Nhờ óc quan sát tinh nhuệ, nhờ niềm rung cảm sâu sắc nên lối viết bút ký của chị rất tươi, rất hứng khởi không kém lối viết bút ký của nữ sĩ Minh Quân qua cuốn Trời Âu Qua Mắt Việt hay của Nguyễn Hiến Lê qua cuốn Bảy Ngày Trong Ðồng Tháp Mười. Năm ngoái (2004), sau chuyến về Việt Nam ăn Tết, chị còn cho tôi biết: - Tôi đang viết bút ký về chuyến về thăm Việt Nam đây, anh ạ. Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương của Nguyễn Thị Ngọc Dung là hai tác phẩn ăn khách, phải tái bản hai lần, đã đủ sức đưa tác giả lên một cương vị sáng sủa trên văn đàn. Ðọc hai tác phẩm đầu tay này, chúng ta bắt gặp sức sống thấm nhuần các mạch văn và chảy cuồn cuộn vào tâm hồn độc giả. Chị viết văn bằng kinh nghiệm sống chứ không bằng tài liệu chết chóc và khô cứng. Chị không nhồi nhét những vấn đề lớn lao như tôn giáo, xã hội chính trị, luôn cả thời sự nóng hổi hay các khoa học nhân văn khác vào văn chương. Chị chân thành và khiêm tốn, biết gì viết nấy, không làm dáng trí thức. Chị khác với những kẻ thời thượng kiểu cách (les snobs) khác, họ dám dùng bốn chân ngắn ngủn của con thằn lăn ôm cái cột nhà to tát, viết toàn chuyện trên trời dưới biển bao la và không tưởng trên các chương sách tràng giang đại hải, làm độc giả mệt khờ khạo ngất ngư. Còn chị chỉ viết những vấn đề tuy tầm thường mà gần gũi với tâm tình mình, không quờ quạng nắm bắt những ảo ảnh trí thức phù du. Vào thời buổi này, thiên hạ hay đưa các vấn đề khoa học nhân văn to tát vào văn chương. Nhưng coi chừng đó. Nếu họ không xử dụng chúng đúng đắn, sắp đặt chúng đúng chỗ, không biến hóa chúng thành ngôn ngữ văn chương đúng lúc thì những vấn đề to tát đó chẳng những không làm cho tác phẩm không trở thành một văn phẩm vĩ đại, mà còn làm cho văn chương đương sự trở nên kệch cỡm, biến tác giả trở thành ngông nghênh, kẻ khoe khoang kiến thức một cách lố bịch. Văn chương cần sự sống hồn nhiên, lai láng, dồi dào. Nó rất kỵ những tài liệu khô khan, chết chóc, không gây rung cảm cho độc giả. Nó phải là một sinh vật ngập tràn nhựa sống. Những vấn đề chính trị, tôn giáo, xã hội v. v... nếu không được tác giả giúp chúng khoác lấy cái ngôn ngữ văn chương, nếu đương sự không dùng chúng để dựng nên những hoạt cách kết hợp bằng những nét tạo hình thì tác phẩm sẽ hỏng to, hỏng nặng một cách thê thảm! Và nếu chúng cứ bị tác giả lạm dụng bừa bãi tức nhiên đương sự làm cho tác phẩm mình nếu không biến thành cái xác thối tha hư vữa thì cũng thành cái xác ướp cứng đơ lạnh ngắt. Ðọc xong PhượngVẫn Nở Bên Trời Hà Nội và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, chúng ta mới biết Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ tinh tế là dường nào khi chọn nó để xuất bản. Và chắc không nhiều thì ít các bạn độc giả khi đọc xong hai quyển này sẽ cảm thấy cái hơi mát phơi phới cùng dư âm ngọt lịm từ quyển sách thấm sang tâm hồn và trái tim mình. HỒ TRƯỜNG AN ============ |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ