" truyện ngắn đáng đọc ' MỐI TÌNH DANG DỞ / Phạm Thành Châu " / source : BBC -- trích : trang Văn học Nghệ thuật Phạm Cao Hoàng ( Mỹ )
FRIDAY, MAY 13, 2022
2428. PHẠM THÀNH CHÂU Truyện ngắn MỐI TÌNH DANG DỞ
Người ta bảo “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” nghĩa là yêu nhau mà tiến đến hôn nhân, ăn đời ở kiếp với nhau sẽ không còn đẹp nữa. Tôi không triết lý về vấn đề đó, nhưng tôi thắc mắc hoài về một chuyện tình của bạn tôi mà đã hơn chục năm, tôi không hiểu sao lại dang dở? Đến khi gặp hắn, nghe hắn kể, mới hiểu rõ và cũng đồng ý là hắn xử sự đúng, gặp trường hợp tôi, cũng phải làm như thế mà thôi.
Chuyện như thế nầy.
Tôi có thằng bạn tên Lo, Lê văn Lo, còn tôi tên Nguyễn văn Lo, học chung trường, chung lớp, ngồi cạnh nhau từ tiểu học cho đến trung học, ở chung cùng một nhà trọ vì chúng tôi đều ở quê lên tỉnh học. Đến năm đệ tam hắn học ban B, tức là ban toán, còn tôi ban C là ban văn chương, chẳng phải tôi văn chương chữ nghĩa gì mà vì tôi dốt toán. Năm đệ tứ mà tôi đủ điểm lên đệ tam là một chuyện lạ vì chưa bao giờ bài toán của tôi vượt con số năm trên mười. Năm điểm đó là nhờ hắn cho tôi chép, gọi là “cọp dê”. Nghĩ đến môn toán, bây giờ tôi vẫn còn sợ, sợ luôn cả thầy cô dạy toán, nhìn vào thời khóa biểu, thấy chữ toán, đại số là tôi mất tinh thần. Có lẽ đầu tôi toàn óc trâu nên tôi ngu quá!
Tôi vào trường trung học công lập cũng nhờ thằng Lo cho “cọp dê” bài thi vì cùng tên nên ngồi gần nhau. Lúc nào tôi cũng bám chặc thằng bạn cứu tinh đó.
Sở dĩ tôi dài dòng về cái dốt của tôi, cái đau khổ của tôi khi phải cắp sách đến trường là để nói lên công ơn to lớn của bạn tôi giúp đỡ tôi trên đường học vấn. Tuy nhiên bạn tôi lúc nào cũng nhã nhặn, không lên mặt, kiêu căng, có khi còn bị tôi bắt nạt nữa. Hắn tên Lo thì tôi gọi là ki ki Lo (ở Việt Nam, ngày xưa, người ta thường đặt tên con chó là ki ki), còn tôi thì xưng là Robert Taylor (tài tử phim cô bồi) để phân biệt, vậy mà hắn chịu nhận tên đó. Chúng tôi đều là dân thôn quê lên tỉnh học. Gia đình tôi ở Bàn Thạch, cách Hội An một chuyến đò ngang, còn hắn ở Cống Ông Đá, trên đường đi Vĩnh Điện độ năm bảy cây số. Năm đệ tam chúng tôi tìm được một nhà trọ thật lý tưởng, gần nhà thờ Đạo. Nhà gạch, mái ngói, chủ cất thêm phía trước một nhà tranh nữa, thoáng mát, sạch sẽ cho bốn đứa trọ học. Mỗi góc nhà có một cửa sổ, một bàn học, một ghế bố, một đèn dầu. Tối lại chủ nhà đóng cửa, chia cách bọn tôi phía trước, muốn làm gì tùy ý, miễn đừng ồn quá. Việc ăn uống cũng dễ chịu, đóng một ít tiền thức ăn và chi phí dầu đèn, còn gạo thì góp mỗi đứa vài chục ký lô, chủ nấu hết phần gạo nên hôm nào cũng còn cơm thừa để nuôi heo, đây là mối lợi mà chủ nhà coi như bỏ ống. Sau nhà nuôi hai con heo nái, một năm mấy lứa heo con mập tròn, khách giành đặt cọc trước khi heo được sinh ra. Dĩ nhiên phải là tay nuôi heo giỏi mới được như thế. Bà chủ thuộc người có học, đối xử lịch sự, tử tế. Bà có hai cô con gái, cô lớn tên Lan, cô em tên Ngọc.
Năm chúng tôi học đệ nhất, là năm xảy ra chuyện tôi kể sau đây thì cô Lan được mười bảy tuổi, học đệ nhị trường Bồ Đề, là trường tư thục. Trước đó, khi chúng tôi đến trọ học thì cô Lan chỉ mười ba, trông như con mèo ướt, chân tay khẳng khiu, đầu tóc rối nùi, quần áo xốc xếch, bọn tôi tuy chỉ lớn hơn vài tuổi nhưng vẫn coi khinh, ở trường có khối gì người đẹp để ngắm nghía, chọc ghẹo. Đột nhiên đến năm mười sáu tuổi, cô đẹp hẳn ra, đến độ sau kỳ nghỉ hè, mới thấy, tưởng cô nào lạ. Cô nổi bật những khi đi học về với chiếc áo dài trắng, dáng đi dịu dàng, môi hồng và nụ cười thật tươi, hiền lành. Mỗi chiều, chúng tôi đi học về sớm hơn ít phút, thường rủ nhau ra trước ngỏ, xem “em Lan tan trường về”. Đúng là yểu điệu thục nữ, cô ăn đứt bạn đồng hành. Từ đó bạn bè thường đến thăm chúng tôi luôn, đứa nào đến cũng nói chuyện huyên thiên nhưng mắt dòm chừng nhà trong, hy vọng được thấy người đẹp, có đứa còn định đến trọ, không còn chỗ, chúng tìm trọ nhà gần đó, mơ làm Kim Trọng. Nhưng đời nào được vậy “Thừa trong nhà mới ra bề ngoài” chứ. Lẽ nào bốn đứa chúng tôi không lọt được mắt xanh cô đứa nào sao?
Gì chứ môn say mê người đẹp thì tôi hạng nhất, nhưng vì xấu trai lại học dở nên tôi chỉ yêu đơn phương. Tôi biết có tỏ tình cũng vô ích, cô Lan cũng biết lựa chọn, sao cho vừa ý mình mà lại vui lòng mẹ. Cô chọn thằng bạn tôi, thằng ki ki Lo, đã đẹp trai còn học giỏi nhất trường. Năm nào, trước khi nghỉ hè hắn cũng lãnh nhiều phần thưởng "danh dự". Phần thưởng học sinh giỏi toàn trường, phần thưởng học sinh giỏi nhất lớp, phần thưởng sinh hoạt hiệu đoàn...hắn lãnh trọn. Tôi thường phụ giúp hắn mang phần thưởng về, hãnh diện được là bạn của thằng học giỏi, đôi khi còn vênh mặt lên vì biết nhiều em tưởng chính tôi được phần thưởng.
Hình như cô Lan yêu hắn từ năm đầu mới đến trọ kia. Cô cứ bám lấy anh Ki Ki Lo mà hỏi bài, đòi dẫn đi chơi. Khi cô trổ mã, tụi tôi ngắm nghía, suýt soa thì hắn vẫn chẳng để ý đến. Đam mê của hắn là học bài, học võ, đá banh. Cô Lan trao quả tim cho hắn mà hắn cứ tảng lờ, bà chủ cũng có ý vun vào, buổi tối thường sai cô Lan đem chè cho hắn còn tụi tôi thì cô giúp việc mang lên. Cô giúp việc tên Liễu. Nghe tên tưởng yểu điệu, dịu dàng lắm, sự thực thì cô mập nu, người tròn như củ khoai, mặt cũng tròn, da trắng, đôi mắt híp, khi cười thì nhắm tít lại. Cô gọi bà chủ bằng cô, tính tình giống con trai, hễ bà chủ vắng nhà là cô đến chọc ghẹo chúng tôi, rồi rượt đuổi, xô đẩy nhau, la hét om sòm, khi bị đuổi cùng đường, cô thường co rúm người lại và rú lên một cách thích thú. Cô Lan thì ngược lại, tính tình đằm thắm, ít nói, không bao giờ thấy sai sót, ở chung một nhà suốt ba năm, chúng tôi thân nhau nhưng lúc nào cũng nể nang, kính trọng cô chứ không xuề xòa như với cô Liễu.
Giống như những chuyện tình trong cải lương, tôi yêu cô Lan, cô Lan yêu thằng Ki Ki Lo. Thấy cô thường nhìn hắn một cách triều mến, tôi cứ cầu cho cô ban cho tôi một phần mười sự triều mến đó chắc tôi sướng mê người rồi, vậy mà hắn chẳng hay biết, đến nổi tôi phải bảo hắn “Em Lan kết mầy rồi đó”, hắn ngạc nhiên “Thật hả?” Rồi hắn bắt đầu yêu cô ta.
Thứ tình yêu của hắn cũng lạ, chỉ đi quá tình bạn một chút, thân mật, chiều chuộng như với cô em út trong nhà. Tôi tưởng yêu nhau phải ôm nhau, hôn hít... rồi sẽ giận lẫy, dỗ dành nhau. Nhưng tôi chẳng thấy gì xảy ra cả! Mỗi khi chúng tôi rủ nhau đi ăn quà rong, thằng Ki Ki chở cô Lan, cô cũng chỉ vịn tay ở yên xe chứ không ôm eo hắn. Có điều chúng xây mối tình bằng loại bê tông cốt sắt, mỗi ngày mỗi củng cố, tô bồi, yên lặng mà chắc ăn kiểu “Dù cho sông cạn núi mòn” nhưng chúng nó sẽ là vợ chồng trăm phần trăm. Mẹ cô Lan, dĩ nhiên hài lòng, có thằng rể tương lai học giỏi, đứng đắn như thế, con gái mình chắc chắn sẽ hạnh phúc.
Chúng tôi học đệ nhất, cô Lan học đệ nhị. Ai cũng vùi đầu học, thức khuya dậy sớm, cố kiếm mãnh bằng cho cha mẹ vui lòng mà mình cũng rộng đường tiến thân. Chúng tôi học đến gần khuya thì đi ngủ, thằng Ki Ki Lo thường ngồi đến ba giờ sáng mà vẫn tỉnh táo. Không biết cô Lan học đến mấy giờ vì tối đến là nhà chính đóng cửa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trước khi đóng cửa, cô Lan thường ngồi với hắn dưới hiên nhà chuyện trò một lúc. Giống như đôi chim bồ câu, điềm đạm, trong trắng, lý tưởng.
Chúng tôi đã nhận được giấy báo ngày giờ, địa điểm lều chõng ra cố đô Huế ứng thí. Riêng cô Lan thì thi tú tài một ở Đà Nẵng. Chúng tôi rủ nhau cùng đi một lượt cho vui. Ấy vậy mà đột nhiên, một buổi sáng thức dậy, không thấy thằng bạn Ki Ki Lo của tôi đâu cả. Chiếc ghế bố, bàn học trống trơn. Mùng mền, sách vở...những gì của hắn đều biến mất. Chúng tôi ngạc nhiên vì có đi đâu hắn cũng báo cho biết chứ? Cả nhà, kể cả cô Lan cũng không biết hắn đi đâu. Tiền cơm tháng, tiền trọ còn nửa tháng nữa mới hết. Nếu không có miếng giấy nhỏ hắn để trên bàn học của tôi thì tôi cho rằng hắn đã bị người Hỏa Tinh bắt lên dĩa bay để nghiên cứu không chừng. Miếng giấy chỉ vỏn vẹn câu “Nhường lại mầy những gì của tao”. Tôi yên lặng tìm xem hắn để lại gì? Chỉ có cái bàn chải và cây kem đánh răng ngoài hồ nước, một đôi dép nhật đứt quai, hết! Tôi biết hắn không có ý đó. Và tôi mừng rơn khi nghĩ rằng hắn muốn nói đến cô Lan, không phải để hi vọng mà để được chiêm ngưỡng và yêu thầm cô mà không bị mặc cảm chơi xấu bạn. Tôi cũng không cho ai biết về mảnh giấy đó, cũng không dại gì đưa cho cô Lan xem để “Chiếu theo sự ủy quyền” mà đón nhận quả tim cô được. Hắn biết tôi yêu cô Lan nên mới viết như thế. Nhưng vì sao hắn phải bỏ cả người yêu trốn đi? Hay là hắn bị bịnh nan y? Không đúng, vì hắn khỏe như trâu. Hay là hắn theo một bóng hồng nào khác? Tôi cũng không tin nhưng sẽ dùng giả thiết đó để trục xuất bóng hình hắn ra khỏi quả tim cô Lan. Phần cô Lan, lúc đầu còn bình tĩnh vì tưởng đã vô tình làm điều gì cho hắn tự ái, giận bỏ đi, thế nào cũng quay về hoặc sẽ có lá thư, nhưng mấy hôm sau, cô bắt đầu mất tinh thần, cứ theo hỏi tôi đủ điều, vì tôi là bạn thân nhất của hắn, nhưng tôi cũng đâu biết gì hơn cô. Cô nhờ tôi đến nhà hắn tìm. Tôi chỉ nghe hắn nói nhà ở cống Ông Đá, đường lên Vĩnh Điện. Tôi cũng đi nhưng chẳng dại gì mà cố gắng, dù biết chắc hắn đã về nhà rồi, nếu không, người nhà hắn đã đi tìm, vì mỗi cuối tuần hắn đều về nhà.
Tôi ra Huế thi tú tài hai, hôm thi vấn đáp, tôi đi ngang qua trường Quốc Học, thấy hắn trong sân trường, tôi gọi nhưng hắn ra dấu đã đến giờ vào lớp nên tôi đi luôn. Vì khác ban học tôi thi ở trường Đồng Khánh. Thực tâm tôi không muốn gặp, khi về rủi cô Lan hỏi, phải kể lại, khác gì gợi lại hình bóng xưa trong tim cô, không có lợi cho tôi. Hắn quyết tâm bỏ cô thì tôi có quyền hi vọng. Sau kỳ thi, hỏi thăm bạn bè, nghe nói hắn đậu hạng ưu, chứng tỏ hắn không bị xáo trộn tinh thần. Cô Lan cũng nghe người khác nói về hắn, nhưng cô làm như không quan tâm. Có lẽ cô bị chạm tự ái. Lặng lẽ bỏ rơi cô không một lời là một sự xúc phạm nặng nề, khó tha thứ.
Đậu tú tài hai, tôi thi vào trường sư phạm ban Sử Địa. Như đã nói, tôi kém thông minh nhưng trí nhớ không đến nổi tệ, loại trí nhớ không biết suy luận. Trong việc học sử, địa tôi không thua ai. Thế nên bốn năm học trên đại học sư phạm là bốn năm tôi thích thú nhất, học hành không còn là ác mộng mà là một đam mê của tôi. Thời gian đó cô Lan vào học sư phạm Qui Nhơn. Chúng tôi thường viết thư thăm nhau. Không rõ cô đã nguôi ngoai mối tình ngày trước chưa, nhưng tôi không bao giờ dám tỏ tình. Chỉ cần nhìn nét chữ trên lá thư của cô là tôi hạnh phúc, vui thích lắm rồi, tuy chỉ nói chuyện mưa nắng vớ vẩn, hỏi thăm nhau mà thôi. Sau khi tốt nghiệp, tôi về dạy trường Trần Quí Cáp, Hội An là nơi trước đây tôi là học sinh, cô Lan thì dạy ở trường tiểu học gần đó. Đúng ra, bạn bè, quen thân từ lâu tôi có đủ điều kiện để tỏ tấm chân tình của tôi với cô, nhưng tôi quá xấu trai nên còn ngần ngại.
Trong khi tôi âm thầm, đau khổ cho mối tình câm thì tôi nhận được tín hiệu từ cô Lan. Mỗi khi gặp nhau, cô nhìn tôi trìu mến, thứ trìu mến mà cô đã dành cho thằng bạn tôi trước kia, đôi khi cô còn mời tôi ghé nhà “Bà già cứ hỏi thăm anh” Nhà cô vẫn thế, vẫn nuôi trọ bốn cậu học sinh phía trước, vẫn hai con heo nái với cô Liễu mập tròn. Gia đình đối xử thân tình, nhất là cô Lan, đôi khi còn đòi tôi dẫn đi ăn quà rong, xem xi nê. Nhưng tại sao cô lại chọn tôi trong khi biết bao anh chàng khác đẹp trai, hào hao phong nhã hơn tôi đang đeo đuổi cô? Hóa ra tôi đi dạy và được tiếng khen mà không hay biết. Nguyên nhân môn Sử Địa là môn ruột của tôi, đi học, tôi giỏi hơn thầy thì đi dạy, tôi sá gì “ba cái lẻ tẻ”. Buổi sáng tôi lững thững cùng lũ học trò đến trường, hai tay không như người đi dạo phố. Đến lớp tôi nói cho học trò ghi, mạch lạc, súc tích, rõ ràng. Hễ cùng một bài học thì lớp nào cũng giống nhau không sai dấu phẩy. Bài tôi cho rất ngắn, nhưng tôi thường kể những câu chuyện lịch sử liên hệ đến bài học nên học trò rất thích lại dễ nhớ. Bốn cậu học trò trọ học cộng với cô em ngày nào cũng suýt soa “Thầy Lo dạy hay quá, giỏi quá!”, cứ tuyên truyền nhồi sọ kiểu đó khiến cô Lan thấy tôi nổi bật, thế là cô đưa bàn tay ra. Tôi chẳng dại gì mà không quì xuống cầm lấy.
Cũng vì cái trí nhớ máy móc đó mà tôi mất việc khi việt cộng vào chiếm miền Nam. Tôi không chấp nhận chuyện đấu tranh giai cấp trong lịch sử. Thời xưa, người nào làm giặc (cách mạng) cũng đều lợi dụng sự đói khổ của dân chúng để nổi lên để làm vua "Thế thiên hành đạo" chứ có ai đấu tranh cho giai cấp công nhân, nông dân bao giờ? Chiếm được ngai vàng, họ là thiên tử, tiếp tục ngồi trên đầu thiên hạ, sống xa hoa như những đời vua trước. Chế độ độc tài, phong kiến nào cũng giống nhau.
Cũng may tôi chỉ bị đuổi dạy chứ chưa bị đi cải tạo. Vợ tôi thì bị chuyển lên núi dạy. Lúc đó bà già vợ tôi mới ra tay. Bà cho vàng để chúng tôi vượt biên.
Gian truân của chuyến đi thì mỗi người một cách, nhưng đến xứ Mỹ mọi người đều phải cày như trâu, phải tiết kiệm để cứu trợ bên nhà. Có điều kỳ lạ là nơi đất nước mênh mông nầy, tôi lại gặp thằng Lo, người bạn thân thiết thuở nào. Hôm đó đang lang thang trước chợ Phước Lộc Thọ, tiểu bang Cali., tôi bỗng thấy hắn đi cùng một cô gái. Tôi mừng quá cỡ, hắn cũng mừng, chúng tôi vào một quán cà phê. Hắn giới thiệu cô gái là bạn, rồi ân cần dặn cô ta mua đủ thứ vật phẩm thịt, cá, rau cỏ...Khi cô đi rồi, hắn bảo tôi.
- Phải dặn nhiều thứ như vậy mình mới có thì giờ nói chuyện cho vui.
- Bồ hay bà xã?
- Cả hai. Trên nguyên tắc tao là chồng cô ấy, nhưng thực tế tao chưa xơ múi gì.
- Mầy bao giờ cũng nửa chừng xuân!
Tôi thả lửng để dọ dẫm hắn về câu chuyện cách đây gần hai mươi năm, nhưng hắn chẳng để ý. Tôi hỏi.
- Sau tú tài hai mầy đi đâu?
- Tao đi Võ Bị Đà Lạt. Tao có nghe mầy học sư phạm Huế.
- Sao chẳng thư từ gì cả? Còn vụ cô nầy ra sao?
- Đại khái như thế nầy. Sau năm bảy lăm tao đi tù, về Sài Gòn tao đạp xích lô. Rồi có vụ đi Mỹ, tao không có tiền hối lộ, nên bỏ thí đó. Có thằng bạn giới thiệu gia đình cô nầy, họ lo hết mọi thủ tục, giấy tờ, chi tiền lo lót...với điều kiện nhận cô nầy làm vợ. Gia đình cô nầy giàu lắm, đã chuyển của cải qua đây, chỉ chờ cô ta qua khuyếch trương cơ sở làm ăn. Mẹ cô có giao kết trước là đến Mỹ là tan hàng, đường ai nấy đi. Hôm đến phi trường ở Mỹ, có người cậu của cô ta ra đón về. Chỉ mấy hôm sau là cô nằn nặc đòi đi tìm tao. Gặp tao cô nói “Anh là chồng em, sao anh bỏ em?!” Tao giải thích cho cô biết là nhiệm vụ tao đến đây là hết. Tao đã hứa với gia đình cô là không đụng chạm gì đến cô cả. Cô khóc và nhất định đòi theo tao. Tao đã nói không làm gì cô ta là tao không làm gì cả! Vậy mà cô vẫn không chịu, cứ bắt tao làm chồng. Mầy thấy tức cười chưa? Tao chỉ còn cách là, mỗi buổi sáng tao đến nhà người cậu cô, đón cô đi học tiếng Anh, học xong, tao và cô về nhà tao ăn cơm, đi chơi lòng vòng đến chiều tao đưa cô về nhà người cậu. Ngoài nhìn vào, tưởng tụi tao là vợ chồng nhưng tao vẫn giữ cho cô còn nguyên vẹn. Cô có vẻ hài lòng và hình như muốn chờ một lúc nào đó tao chịu thua cô.
Tôi ngạc nhiên.
- Mầy có gì bất thường về chuyện đó, phải không?
Hắn cười.
- Làm gì có! Nhưng tao đã hứa là tao giữ lời.
Tôi cố tình kéo hắn vào vụ hắn bỏ cô Lan mà đi không một lời từ biệt.
- Không phải chỉ một vụ nầy, vụ em Lan, mầy cũng thế!
Hắn có vẻ hơi ngượng định nói lảng sang chuyện khác, nhưng tôi đâu có bỏ qua. Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu người vẫn thắc mắc chuyện hắn đã làm.
- Bây giờ mầy nói thật cho tao biết, thời còn ở Hội An, tại sao mầy bỏ em Lan đi biệt, không một lời giải thích, ít ra cũng cho tao biết chứ!
Hắn nhìn tôi ngạc nhiên.
- Ủa, chứ bà mẹ cô Lan không nói gì sao?
- Tao chẳng biết gì, chính em Lan cũng chẳng biết gì, coi bộ giận mầy dữ lắm.
- Bây giờ chồng con rồi, lâu quá rồi, giận hờn chi nữa.
- Nhưng mầy phải nói thực cho tao rõ chứ!
Hắn cười nhưng không lộ vẻ vui hay buồn.
- Tao đã kể chuyện nầy nhiều lần cho nhiều người nghe, người nào cũng đồng ý với tao cách giải quyết như thế là thích hợp nhất. Để xem mầy sẽ xử sự ra sao? Mầy nhớ con Liễu không? Cháu bà chủ nhà đấy. Đúng là con “ngựa rượt”, vì nó mà tao hư sự. Thời còn trọ ở đó, mỗi lần dọn cơm là con Liễu cứ tựa cái bụng vào cùi chỏ tay tao. Ủa, mầy cũng bị hả? Rốt cuộc đứa nào cũng được thưởng thức cảm giác cái bụng mềm mềm của nó. Dĩ nhiên, bọn học trò đâu dám để yên, phải tránh nhưng lại thích. Có lẽ bà chủ nhà cũng biết nên buổi tối bắt Lan đem chè cho tao, sợ tao bị con Liễu quyến rủ.
Khuya nào học bài, lúc một giờ, tụi bây đi ngủ thì tao ra tập thể dục một lát rồi vô học tiếp. Một lần, tao đang phì phò thở thì nghe tiếng gọi nho nhỏ, tao đi tìm, hóa ra con Liễu trong phòng gọi ra. Mầy còn nhớ phòng nó ngủ có cửa sổ mở ra phía hồ nước mưa đó. Tao đến vịn tay ở song cửa hỏi nó có chuyện gì? Nó thì thầm chuyện linh tinh, khó ngủ, trời nóng quá...Rồi bỗng nó cầm lấy tay tao áp lên má nó. Mầy thấy con mèo dụi đầu, dụi cổ vào tay chủ ra sao thì nó làm y hệt, rồi nó quì lên giường, tay tao ngang tầm vai, tầm ngực nó. Lúc đầu tao sợ, nhưng giữa đêm khuya vắng vẻ, có ai biết đâu, nên tao bạo dạn dần. Khuya nào nó cũng chờ tao, kiểu “Thiếp trong song cửa, chàng ngoài chân mây (?)”, tao cứ quờ quạng thoải mái, đến khi đầu óc tỉnh táo, tao vào học tiếp. Riết rồi thành thói quen, nó lại thường nằm sát cửa, khi ngủ hay thức đều thế, để tao dễ thò tay vào, sờ soạn được nhiều nơi.
Cho đến một đêm, - cái đêm mà tao cuốn gói, tuyệt tích giang hồ - trời tối thui, không trăng sao, đèn đóm gì ráo, mà lại nóng kinh khủng. Theo thói quen, tao lò dò đến cửa sổ phòng nó, thò tay vào quờ quạng.
Lúc đầu tao đã ngờ ngợ rồi. Sao ngực nó nhỏ mà nhão nhẹt? Tao nắén nắn cái đùi, thấy cả xương chứ không nung núc thịt như mọi khi! Đột nhiên, tao nghe một tiếng thét “Ai?” rồi có bàn tay chộp lấy tay tao. Tao rụt nhanh tay lại.
Mầy biết tiếng của ai không? Của bà chủ nhà, mẹ của Lan. Thì ra trời nóng quá, bà ta vào phòng con Liễu ngủ cho mát vì có cửa sổ, lại nằm sát cửa mới chết chứ! Tao mò nhằm bà ta!
PHẠM THÀNH CHÂU
source : BBC / Tiếng Việt
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 15:24 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ