Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

đọc thêm (3) " tạp chí VĂN số cuối cùng ( 26/ 03/ 1975) & Mục Lục toàn bộ tạp chí VĂN "/ Huy Vespa sưu tập / huyvespa@gmail.com ) / -- trích: //huyvespa.blogspot.com>

 Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Tạp chí Văn số cuối cùng (26/03/1975) & Mục Lục Toàn Bộ Văn

Image may contain: 1 person


tháng tư tôi đến rừng chưa khóc
mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
có môi chưa nói lời gian dối
và mắt chưa buồn như mộ bia

tháng tư nao nức chiều quên tắt
chim bảo cây cành hãy lắng nghe
bước chân ai dưới tàng phong úa
mà tiếng giầy rơi như suối reo

tháng tư khao khát, đêm vô tận
tôi với người riêng một góc trời
làm sao em biết trăng không lạnh
và cánh chim nào không bỏ tôi ?

tháng tư hư ảo người đâu biết
cảnh tượng hồn tôi : một khán đài
với bao chiêng, trống, bao cờ xí
tôi đón em về tự biển khơi

tháng tư xe ngựa về ngang phố
đôi mắt nào treo mỗi góc đường
đêm ai tóc phủ mềm nhung lụa
tôi với người chung một bến sông

tháng tư nắng ủ hoa công chúa
riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi
làm sao em biết khi xa bạn
tôi cũng như chiều : tôi mồ côi ?

tháng tư chăn gối nồng son phấn
đêm với ngày trong một tấm gương
thịt xương đã trộn, như sông núi
tôi với người, ai mang vết thương ?

tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
mắt ai rồi sẽ như bia mộ
ngựa có về qua cũng thiếu đôi !

tháng tư người nhắc làm chi nữa
cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
trống, chiêng, cờ xí như cơn mộng
mưa đã chờ tôi. mưa...đã...mưa

mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây ?
góc phố đèn treo đôi mắt bão
ai nhớ ngàn năm một ngón tay ?

(DTL)
[ DU TỬ LÊ] 

Tháng Tư - "thịt xương đã trộn, như sông núi/ tôi với người, ai mang vết thương ?"!!! 
Những câu chuyện sách vở, qua cơn trầm luân, qua điêu tàn “phần thư” còn được mở ra, nơi đó, những linh hồn đang còn muốn nói, nơi đó - những câu chuyện “ai giải oan ai sử nợ này…”(*) còn vướng vất mãi không thôi…

Nước mắt trước cơn mưa, đã vô tình, đã điềm-báo, đã oan-khiên, http://huyvespa.blogspot.com/2017/02/nuoc-mat-truoc-con-muahay-nhung-tap-chi.html và hơn thế, những siêu nhiên cũng như một điềm chẳng lành…

 “Còn 1 điềm báo trước lúc chính quyền SaiGon thất thủ: Tại bãi biển Ninh Chư quê hương của Nguyễn Văn Thiệu hiện hữu 2 vật thể sừng sững trên biển: Hòn Đao & Mặt Quỷ theo nhà địa lí học ( Thầy Địa Lí) Lê Bá Hoà: Khi nào Hòn Đao chém Mặt Quỷ thì chế độ Đệ II CH mất!!! Thực vậy khi xảy ra hiện tượng thiên nhiên: Cây (hòn) Đao ngã & chém theo hướng vào mặt quỷ chính quyền thời bấy giờ cố gắng trục vớt để đẩy cây đao đứng trụ vững giữa biển trời nhưng mọi nỗ lực khoa học công nghệ, máy móc trục vớt đều vô vọng!!! Và kết quả tất yếu như chúng ta đã , đang & sẽ gánh chịu thế hệ 1000 năm cũng chẳng nhiều gì cho lắm!!! Còn nữa trước đó là đàn bướm hàng triệu, triệu con bay tràn về Vườn hoa Phan Thiết đầu tháng 2/1975!!!” (Comment trên facebook)

Những dự báo rùng mình khi VĂN số cuối cùng (ra ngày 26/3/1975) là chủ đề…VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI)
Trong (những) số cuối cùng, đáng chú ý là những bài dạng NHẬT KÝ của MAI THẢO , những “kỷ niệm” rời, những “dấu ấn” hiu hắt “buồn vào hồn không tên” kéo dài từ Tết đến những ngày “gần cuối”vớimột phong cách rất mai-thảo … Đọc và hình dung ra dánh dấp của một văn sĩ nhỏ nhẹ
Số cuối cùng, trang cuối, giới thiệu những tập sách sẽ ra mắt, với dự án NHẬT KÝ MAI THẢO - Quyển sách dang dở và sau này, một cách nào đó, được nối tiếp bằng SỔ TAY MAI THẢO trên VĂN hải ngoại …
Và trước khi xem lại toàn bộ số VĂN cuối cùng này, cùng đọc lại một kỷ niệm buồn giữa nhà văn Viên Linh và thư ký toà soạn tạp chí Văn – Trần Phong Giao (**), một kỷ niệm xót xa giữa hai người nặng nghiệp với văn chương, hai nhân chứng của 20 năm huy hoàng một nền văn chương khai phóng và nhân bản, câu chuyện về một thân phận bất hạnh sau cơn hồng thuỷ - cũng là câu chuyện bất hạnh của những cái đẹp , của sách vở miền Nam không may đã cùng vào cuộc tử sinh trong cơn hồng thuỷ – Câu chuyện đã làm lòng tôi khẽ nhói lên một nỗi sầu dao cứa … và trong những kỷ niệm rời này, xác quyết một điều : “…Người ta quí sách cũ không hẳn vì nó hiếm, nó ít ra đã ghi dấu và mang trong lòng những tờ giấy mong manh những thần thức tinh hoa của một thời đại đã mất…” : 
“Có một hôm đang làm việc tại tòa soạn trong khu báo chí ở Little Saigon, một người đàn ông bước vào hỏi tên tôi, và vào đề ngay: “Nghe nói ông muốn mua sách báo cũ miền Nam, tôi có nguyên bộ tạp chí Văn, không thiếu số nào vì tất cả đã đóng gáy mạ chữ vàng, ông có muốn mua không?” Câu trả lời là có, và kinh nghiệm dạy rằng cần phải để xem người bán muốn bán đến độ nào, người bán là dân trong nghề văn nghề báo hay dân mại bản.
Tôi từng chưng hửng khi cách đó khoảng năm năm, một người ở Houston liên lạc về chuyện báo cũ, chủ đề là bộ Bách Khoa, và nói giá một cách rất hăng hái: phải 15,000 Mỹ kim mới bán. Bách Khoa có hai đời chủ nhiệm, sống được khoảng 18 năm, từ 1957 tới 1963 tên Bách Khoa, chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang, thư ký tòa soạn Lê Ngộ Châu, từ 1964 tới 1975 phải đổi tên là Bách Khoa thời đại, vì ông Huỳnh là người của chế độ cũ, mà chế độ đó vừa bị lật đổ hồi 1 tháng 11 năm trước, nên ông Châu lên làm chủ nhiệm, sống thêm 11 năm nữa. Báo ra hai kỳ một tháng, nếu không “sốt tê” (nhảy) một số nào, số chót phải là 432, nhưng chắc chắn không tới con số bụ bẫm toàn vẹn đó, thiếu hụt đâu khoảng vài ba chục số. Thời Việt Nam Cộng Hòa, các tạp chí bán ra khoảng thập niên 60 trung bình, đổ đồng là 30 đồng một số, đầu thập niên 70 giá lên đến 200 đồng một số, đại khái so với Mỹ kim mỗi số báo chỉ giá vài chục xu, mà đòi bán 15,000 Mk bộ Bách Khoa khoảng 400 số, thì quá đáng, cho dù đã đóng bìa cứng mạ chữ vàng đi nữa. Bách Khoa như cái tên, bài viết có từ khoa học quân sự kinh tế chính trị đến văn học nghệ thuật, mình chuyên về có một môn, mua tờ báo có tới 5 môn, là mình không dùng tới 4 môn kia, phí quá.
Nhưng đó là một vụ lẻ loi. Người đàn ông tới tòa soạn tờ báo kiếm tôi muốn bán bộ tạp chí Văn 245 số đã đóng thành 42 tập. Ðương nhiên là tạp chí Văn đối với người viết văn đáng quí hơn là tạp chí Bách Khoa. Người bán không chịu ra giá. Hỏi nhiều lần anh cũng không nói. Người bán không nói giá, người mua không biết đâu mà tính, nhưng cứ khả năng mình, tôi nói sẽ biếu anh nguyên bộ Khởi Hành trị giá lúc ấy khoảng 300 Mỹ kim, cộng thêm 1500 Mỹ kim tiền mặt, anh nhìn tôi lặng lẽ đi ra. Khoảng vài chục thước, anh quay lại nói: “Tôi nợ credit card sát ván rồi, nên mới phải bán bộ báo Văn.” Hỏi anh bộ báo của chính anh mua rồi mang từ Việt Nam qua hay của ai, anh nói khi còn ở Việt Nam, anh chỉ mua tiểu thuyết đọc, chứ không mua tạp chí.

Nhưng một hôm vào cái ngõ ở khu Tân Ðịnh, thấy một ông mập mạp cởi trần đang ngồi bán mấy thứ lặt vặt trước nhà, anh hỏi mua sách, thì ông nói có bộ báo Văn, có mua thì ông bán. Ông mang ra cho xem mới thấy ở gáy tập báo nào cũng có tên chủ nhân mạ chữ vàng in nổi trên cái bìa simili màu xanh xám: Trần Phong Giao. Tôi im lặng nhưng lòng trĩu nặng, đó là thư ký tòa soạn tạp chí Văn, đó là bạn tôi, đó là người mang hết tinh hoa kiến thức của mình gầy dựng nên tờ báo văn chương có nhiều năm bán chạy nhất ở miền Nam. Năm 1975 từ Virginia tôi gửi thư về địa chỉ ở Tân Ðịnh cho bạn, nhưng thư bị trả về, bên ngoài phong bì có nét bút gạch chéo sỗ sàng, và mấy chữ “không có ở đây.” Người bán sách cũ nói thêm anh không định mua bộ báo, chỉ khi biết người đó là Trần Phong Giao, người làm ra bộ báo, anh mới mua, để giúp ông, vì đoán chừng ông đang cùng quẫn ở thành phố bị giặc đỏ hoành hành. Anh chỉ thích mua tiểu thuyết, không thích báo bao nhiêu.
Suy nghĩ tới lui: nợ credit card hết mức rồi thì chắc là 5,000 Mk, bỏ ra số tiền ấy để mua bộ báo cũ, nhà thơ nghèo không kham nổi. Người bán sách báo cũ nghĩ sao, cho tôi số điện thoại và số nhà ở Los Angeles rồi mới quay đi. Hẳn anh hy vọng biết đâu tôi có thể đổi ý. Quả là cách đây vài ba năm tôi có kiếm anh, vì có một hai bạn đọc tri âm muốn mua bộ báo đó tặng lại tôi, song anh không còn ở chỗ cũ.
Trong vài chục năm nay mua sách báo cũ, thư viện của tôi đã không còn chỗ chứa, nay đang phải làm danh sách để bán bớt đi một nửa, khoảng gần một ngàn cuốn. Sách chồng chất quá cao, lên tới sát trần nhà, kê thêm tủ để chứa sách thành ra lối ra vào không đủ tiêu chuẩn 36” bề rộng, nhân viên chữa lửa đã từng cho chủ nhân cái hạn hai tuần để kê lại. Thế mà gần đây có chàng còn muốn bán rẻ cho tôi 20 cuốn báo Sáng Tạo (không đủ bộ 31 cuốn) đòi có 20 Mk một tờ. Bộ Thời Tập 23 cuốn có đủ, giá mua 500 Mk. Bộ Nghệ Thuật Mai Thảo chủ nhiệm, Viên Linh thư ký tòa soạn, 57 cuốn thiếu 5 cuốn, 500 Mk cộng thêm 25 Mk tiền gửi đi sau khi báo được mang từ Tuy Hòa qua San José, từ San José mang xuống Westminster. Bộ Khởi Hành xuất bản trong nước, 156 số từ 1969 tới 1973 ở Sài Gòn, là bộ báo cũ người viết bài này quí nhất, chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng, nhạc sĩ đại tá chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, thư ký tòa soạn Viên Linh, tờ báo tôi được trao toàn quyền thực hiện, suốt bốn năm tờ báo hiện diện người chủ nhiệm ít nói, nghiêm nghị mà cởi mở, không bao giờ đến tòa soạn.
Nếu phải mua lại bộ báo quí giá ấy, không biết làm sao người ta có thể kham nổi. Nó quí vì nhiều lý do, tờ báo đã khám phá ra nhiều tài năng mới, sau này nổi tiếng, tờ báo đã được sự cộng tác của hầu hết các tác giả danh tiếng nhất Việt Nam, mà sau một năm có mặt, đã in tên tất cả các tác giả ra ngoài bìa. Chủ nhân bộ báo anh L. Ð. đã tặng không cho tôi với lời thư giản dị: như là báo tôi làm ra, thì anh tặng lại tôi bản chính, chỉ cần gửi lại cho anh một bản photocopy là được rồi. Ðiều ấy đã đáng ca ngợi, nhưng điều đáng kính phục nhất là khi biết tôi đang tục bản tờ báo cũ ở California, thì tờ Khởi Hành bộ cũ của gia đình anh, anh mua từng số khi phục vụ trong quân ngũ, lúc ở Tây Ninh khi ở Sài Gòn, còn để trong thùng sắt, cái thùng còn chôn trong vườn nhà. Khi anh chị qua được Hoa Kỳ, mẹ anh vẫn ở trong ngôi nhà đó.
Cách đây khoảng mười lăm năm, lúc tình hình còn khó khăn, Chị L. Ð. đã về Sài Gòn, và mang hơn một trăm số báo đó bằng máy bay qua Hoa Kỳ, để rồi anh chị đóng thùng, gửi qua bưu điện cho tôi. Không bao giờ tôi có thể quên gia đình anh chị, nhất là mẹ anh đã tích cực bảo tồn các di sản văn hóa của người quốc gia, dù vẫn sống trong gông cùm cộng sản. Khi những dòng này được viết ra, người trong nước vừa lập ra một hội nhà văn mới, mà ngay lá thư thông báo đã dùng mấy tiếng “văn học đô thị miền Nam” để ngụ ý đó là “văn học miền Nam.” Ðiều đó ngay lập tức vô hình trung đã cảnh báo rằng văn học của miền Nam, sách báo cũ của miền Nam, là di sản càng ngày càng quí, đến nay họ vẫn sợ hay đã quá quen phải tránh nói đến nó, chưa dám nhắc đến nó một cách bình thường. Người ta quí sách cũ không hẳn vì nó hiếm, nó ít ra đã ghi dấu và mang trong lòng những tờ giấy mong manh những thần thức tinh hoa của một thời đại đã mất”(**)

(*) Ai giải oan ai sử nợ này http://www.gio-o.com/LamHaoDung/LamHaoDungAiGiaiOan.htm
(**) Những tờ báo cũ miền Nam http://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/Nhung-to-bao-cu-mien-Nam-1249/

huyvespa@gmail.com

Phụ Lục : MỤC LỤC TẠP CHÍ VĂN (tổng hợp từ sachxua, từ anh Nguyễn Ngọc Hoài Nam, từ http://giaocam.saigonline.com/HuongXuaVanNDV/VanNDVMain.php )




Năm thứ nhất 1964:

#1 - Tuyển tập Thơ Văn
#2 - Đặc biệt về Albert Camus
#3 - Giai phẩm Xuân Giáp Thìn - Tuyển tập Thơ Văn
#4 - Tuyển tập Thơ Văn
#5 - Những tiếng nói mới trong văn học
#6 - Tuyển tập Thơ Văn - Những cây bút trẻ
#7 - Đọc văn Stefan Zweig
#8 - Tuyển tập Thơ Văn
#9 - Đọc văn Alberto Movaria
#10 - Văn hóa Phật giáo
#11 - Những cây bút trẻ đang lên
#12 - Đọc văn Guy de Maupassant
#13 - Thơ văn nữ lưu
#14 - Tưởng niệm Nhất Linh
#15 - Tưởng niệm Tagore
#16 - Tuyển tập thơ văn - Đêm tóc rối của Dương Nghiễm Mậu
#17 - Đặc biệt: Jean-Paul Sartre
#18 - Thơ văn có lửa
#19 - André Maurois tự thuật
#20 - Tuyển tập Thơ Văn
#21 - Đọc văn André Malraux
#22 - Tưởng niệm Khái Hưng
#23 - Đọc thơ Jacques Prevert
#24 - Đọc văn Marie Noel

Năm thứ hai 1965:

#25 - Số đặc biệt Đệ Nhất chu niên - Albert Camus
#26 & 27 - Giai phẩm Xuân Ất Tỵ
#28 - Tuyển tập Thơ Văn
#29 - Tưởng niệm Lê Văn Trương
#30 - Đọc văn John Steinbeck
#31 - Tuyển tập Thơ Văn
#32 - Một tác giả: Erskine. Một tác phẩm: Kinh nghiệm đời văn
#33 - Đọc văn Lâm Ngữ Đường
$34 - Truy niệm Triều Sơn
#35 - Tản Đà
#36 - Tưởng niệm Thạch Lam
#37 - Đọc văn William Faulkner
#38 - Tuyển tập Thơ Văn
#39 - Tìm hiểu Franz Kafka
#40 - Tuyển tập Thơ Văn
#41 - Đọc văn Ernest Hemingway
#42 - Hà Nội, quê hương trong trí nhớ
#43 - 200 năm Nguyễn Du
#44 - 200 năm Nguyễn Du
#45 - Giới thiệu Francoise Sagan
#46 - Tuyển tập Thơ Văn
#47 - Giải Nobel Văn chương 1965
#48 - Kỷ niệm Đệ Nhị chu niên - Đọc văn Saint-Exupéry

Năm thứ ba 1966:
#49 & 50 - Giai phẩm Xuân Bính Ngọ
#51 - Đọc văn Somerset Maugham
#52 - Tuyển tập Thơ Văn
#53 - Đọc văn Anton Chekhov
#54 - Tuyển tập Thơ Văn
#55 - Đọc văn Luigi Pirandello
#56 - Tuyển tập Thơ Văn
#57 - Đọc văn Shintaro Ishihara
#58 - Tuyển tập Thơ Văn
#59 - Đọc văn Graham Greene
#60 - Tản Đà, Thạch Lam, Nguyễn Bính
#61 - Đọc văn Richard Wright
#62 - Tuyển tập Thơ Văn
#63 - Tuyển truyện Đại Hàn
#64 - Tưởng niệm Bích Khê
#65 - Đọc văn John Updike
#66 - Tuyển tập Thơ Văn
#67 - Tưởng niệm Vũ Trọng Phụng
#68 - Đọc văn Quỳnh Dao
#69 - Tuyển tập Thơ Văn
#70 - Đọc văn Hermann Hesse
#71 - Tuyển tập Thơ Văn
#72 - Mùa giải thưởng Văn chương

Năm thứ tư 1967:
#73 & 74 - Tưởng niệm Hàn Mặc Tử
#75 & 76 - Giai phẩm Xuân Đinh Mùi
#77 - Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập)
#78 - Đọc Simone de Beauvoir, nữ văn sĩ thời danh Pháp
#79 - Tuyển tập Thơ Văn
#80 - Tưởng niệm Hồ Biểu Chánh
#81 - Đọc văn Tennessee Williams, kịch tác gia lẫy lừng Hoa Kỳ
#82 - Nắng Hè (Tuyển tập)
#83 - Đọc văn Boris Pasternak, văn hào Nga, giải Nobel Văn chương 1958
#84 - Tuyển tập Thơ Văn
#85 - Đọc văn Marcel Proust, nhà văn kinh điển lớn của Pháp
#86 - Viết về Thơ
#87 - Tuyển tập Thơ Văn
#88 - Đọc văn Erskine Caldwell, tiểu thuyết gia thời danh Hoa Kỳ
#89 - Mây mùa Thu (Tuyển tập)
#90 - Tưởng niệm Hồ Thích, tư tưởng gia Trung Hoa
#91 - Thương nhớ Đinh Hùng
#92 - Tuyển tập Thơ Văn
#93 - Viết về Hội họa
#94 – Đọc văn André Gide, giải Văn chương Nobel 1947
#95 - Mưa cuối mùa (Tuyển tập)
#96 - Đọc Thomas Mann, văn hào Đức, giải Nobel Văn chương 1929 (số Giáng Sinh)

Năm thứ năm 1968:

#97 - Giới thiệu Eugene Evtouchenko, thi sĩ thời danh Nga-sô
#98 & 99 - Giai phẩm Xuân Mậu Thân
#100 & 101 - Viết trong khói lửa (Tuyển tập)
#102 - Mịt mờ thức mây (Tuyển tập)
#103 - Tưởng niệm Carlson McCullers, nữ văn sĩ danh tiếng Hoa-kỳ
#104 - Trên vai Việt Nam (Tuyển tập)
#105 - Đọc truyện Quách Lương Huệ, nữ văn sĩ thời danh Trung-hoa
#106 - Mảnh vụn trong hồn người (Tuyển tập)
#107 & 108 - Tưởng niệm Hoàng Đạo
#109 - Giới thiệu M.A. Asturias, nhà văn Guatemala, giải Nobel Văn chương 1967
#110 - Ngày trở lại Huế (Tuyển tập)
#111 - Mồng Một tháng Tám (Tuyển tập)
#112 - Giỗ đầu Đinh Hùng
#113 - Giới thiệu Bertolt Brecht, kịch tác gia bậc nhất nước Đức
#114 - Những cây bút trẻ (Tuyển tập)
#115 - Mở mắt nhìn quê hương (Tuyển tập)
#116 - Giới thiệu Norman Mailer, nhà văn nổi loạn xứ Hoa-kỳ
#117 - Thương nhớ Tchya Đái Đức Tuấn
#118 - Lối về chợ Trúc (Tuyển tập)
#119 - Tưởng niệm André Maurois, nhà văn lớn nước Pháp
#120 - Đêm Bethléem (Tuyển tập Giáng sinh)



Năm thứ sáu 1969:


#121 - Kỷ niệm Đệ Ngũ chu niên. Casey Calvert, nhà văn xứ Cuba
#122 - Mùa đông trong trí nhớ (Tuyển tập). Kawabata, nhà văn Nhật giải Nobel 1968
#123 & 124 - Giai phẩm Xuân Kỷ Dậu
#125 - Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập)
#126 - Như nước trong nguồn (Tuyển tập). Stefan Zweig, nhà văn Đức
#127 - Đầu mùa nắng lửa (Tuyển tập). Jakov Lind, nhà văn Đức
#128 - Số đặc biệt: Léon Tolstoi, văn hào Nga
#129 - Thương nhớ Y Uyên
#130 - Mặt trời tháng Tư (Tuyển tập). A. Solzhenitsyn, nhà văn Nga
#131 - Lệ đá đêm sâu (Tuyển tập). G.C. Infante, nhà văn xứ Cuba
#132 - Phượng trong thành nội (Tuyển tập)
#133 - Về nhánh sông xưa (Tuyển tập). Klaus Rochter, nhà văn Đức
#134 - Sầu xưa chín rụng (Tuyển tập). I.B. Singer, nhà văn Do-thái
#135 - Tuyển tập văn mới
#136 - Trên ngọn sầu đông (Tuyển tập)
#137 - Người đàn bà thành Prague
#138 - Những cây bút trẻ (Tuyển tập)
#139 - Nói với mùa thu (Tuyển tập). Tiber Déry, nhà văn Hung-gia-lợi
#140 - Số đặc biệt: Kawataba Yasunari
#141 - Phiến đá chưa mòn (Tuyển tập). John Cheever, nhà văn Hoa-kỳ
#142 - Đường bay của nghệ thuật (họa và thơ)
#143 - Mưa khóc tan mùa (Tuyển tập). Rafael Steinberg, nhà văn Hoa-kỳ
#144 - Bình an dưới thế, số đặc biệt Giáng sinh


Năm thứ bảy 1970:

#145 - Tưởng niệm Đông Hồ
#146 & 147 - Giai phẩm Xuân Canh Tuất
#148 - Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập trẻ)
#149 - Tuyển tập Thơ Văn
#150 - Số đặc biệt: Vũ Hoàng Chương
#151 - Tuyển tập Thơ Văn. Bernard Malamud, nhà văn Hoa-kỳ
#152 - Số đặc biệt: Jean-Paul Sartre (Pháp)
#153 - Trong nỗi buồn vàng (Tuyển tập trẻ)
#154 - Số đặc biệt: Mừng Phật đản 2514
#155 - Tuyển tập Thơ Văn. Irwin Shaw, nhà văn Hoa-kỳ
#156 - Số đặc biệt: Hoài niệm Nhất Linh
#157 - Số đặc biệt: Simone de Beauvoir (Pháp)
#158 - Mưa chưa dứt hạt (Tuyển tập trẻ)
#159 - Số đặc biệt: Hoài niệm Tchya Đái Đức Tuấn
#160 - Tuyển tập Thơ Văn. Dylan Thomas, nhà văn Anh-cát-lợi
#161 - Số đặc biệt: thi sĩ Quách Tấn
#162 - Tuyển truyện Á châu
#163 - Tuyển tập Thơ Văn. Alexander Solzhenitsyn, nhà văn Nga-sô
#164 - Đi giữa mùa Thu (tuyển tập trẻ)
#165 - Tuyển truyện Phi Châu da đen
#166 - Tuyển tập Thơ Văn. Irwin Shaw, nhà văn Hoa-kỳ
#167 - Tuyển tập Thơ Văn. Akutagawa Ryunosuke, nhà văn Nhật-bản
#168 - Tiếng hát lên trời, tuyển tập. Số đặc biệt mùa Giáng sinh

Năm thứ tám 1971:

#169 - Tưởng niệm Phạm Duy Tốn
#170 & 171 - Giai phẩm Xuân Tân Hợi
#172 - Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập trẻ)
#173 - Tuyển truyện "Gió Đông" của các nhà văn Á châu (tập 2)
#174 - Tuyển tập Thơ Văn
#175 - Số đặc biệt: Viết về Tản Đà
#176 - Bóng tối vây quanh (Tuyển tập trẻ)
#177 - Tuyển tập Thơ Văn
#178 - Tuyển truyện Nga-la-tư
#179 - Số đặc biệt: Viết về Hàn Mặc Tử
#180 - Tuyển tập Thơ Văn. Alexis Tolstoi, nhà văn Nga
#181 - Khi mùa mưa tới (Tuyển tập trẻ)
#182 - Tuyển tập Thơ Văn. Slawomir Mrozeki, kịch tác gia Ba-lan
#183 - Tuyển tập Thơ Văn. Sata Ineko, nữ văn sĩ Nhật-bản
#184 - Tuyển truyện Hung-gia-lợi
#185 - Tuyển tập Thơ Văn
#186 - Tưởng niệm Đông Hồ
#187 - Tuyển tập các tác giả trẻ
#188 – Tuyển tâp thơ văn
#189 – Viết về Nguyễn Bính
#190 – Thư chủ nhiệm gửi thân hữu và bạn đọc (15/11/1971)
#191 – Nhà văn Nhật Naoya Shiga, Pablo Neruda Nobel 71 (1/12/1971) rất đẹp
#192 – Số đặc biệt Giáng Sinh 1971 (15/12/1971)

Năm thứ chín 1972:
#193 Kỷ niệm đệ nhất bát chu niên
#194-195 – Giai phẩm xuân Nhâm Tý (1/2/1972)
#196 – Số đặc biệt đầu năm (15/2/1972)
#197 – Số đặc biệt Sáu nhà văn trẻ (1/3/1972)
#198 – Số đặc biệt về thơ (15/3/1972)
#199 – Số đặc biệt về hội họa
#202 – Sáu nhà văn trẻ (15/5/1972)
#203 – Tuyển truyện Ý Đại lợi
#204 – Tùy bút, Bút ký, Hồi ký
#205-210

CÁC SỐ GIAI PHẨM VĂN:

1)   Giai phẩm Văn 1 :   Ngày 28/9/1972
2)   Các nhà văn châu Mỹ La Tinh:   13/10
3)   Tuyển tập thơ văn: 26/10
4) Giai phẩm Fédor Dostoievsky (11/72)
5)   Quỳnh Dao/H.Boll: 27/11
6)   Giáng Sinh 72: 12/12
7)   Xuân Quý Sửu 73: 10/01/1973
8)   TT Thơ văn Tân niên: 15/01
9)   Nhà thơ Hồ Dzếnh:   12/02             
10)   TT Thơ văn:    24/02
11)   Văn chương trong thời bình:    16/3
12)   Rainer Rilke/ Franks Kafka: 31/3
13)   Tưởng niệm Doãn Dân:  17/4
14)   Tuyển tập tháng năm:   02/5
15)   Đặc biệt nhà thơ Bùi Giáng: 18/5
16)   Hiện tượng sách dịch:    8/6
17)   Tháng sáu mùa hạ: 25/6
18)   Năm nhà văn nữ Việt Nam: 13/7
19)   Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều:  30/7
20)   Tuyển tập tháng 8: 16/8
21)   Số đặc biệt văn hào Stendhal:   1/9
22)   Vũ Khắc Khoan:      24/9
23)   Tuyển tập tháng 10:   12/10
24)   Thanh Tâm Tuyển:  9/11
25)   /11
26)   Giáng Sinh 73 và Patrick White Nobel 73:   1/12
27)   /12
28)   /1/1974
29)   Giai phẩm Xuân Giáp Dần (7/1/1974)
30)   Tuyển tập đầu năm Giáp Dần :   1/2
31)   /2
32)   Số đặc biệt nhà văn Võ Hồng:    15/3
33)   Tuyển tập tháng 3:     23/3
34)   3 nhà văn Hoa Kỳ:    18/4
35)   /4
36)   Tám Người Tên Tuổi : 1/5
37)   Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên… : 16/5
38)   Tuyển tập thơ văn:   8/6
39)   Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh:   25/6
40)   Rimbaud:    15/7
41)   /7
42)   Tiểu thuyết và văn chương Võ Phiến:   1/8
43)   Ba Nhà Thơ Tiền Chiến:   20 /8
44)   Cung Oán Ngâm Khúc :    7/9
45)   Trần Văn Khê:     30/9
46)   Tuyển Tập Thơ Văn :  1/10
47)   Chương trình quốc văn lớp 12:   19/10
48)   Vấn Đề Văn Học :  15/11
49)   /11
50)   Những bài thơ tình Việt Nam hay nhất :    5/12
51)   Giáng Sinh năm 74:     23/12
52)   /1/ 1975
53)   Xuân Ất Mão:     24/1
54)   Văn chương nữ giới:   14/2
55)   /2
56)   Triển Vọng mới năm 1975:  4/3
57)   Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại:    26/3

SÁCH PHỔ THÔNG DO VĂN XB:

Tháng 01-66: Tuổi nước độc, truyện dài Dương Nghiễm Mậu
Tháng 02-66: Bay đêm, truyện dài Saint-Exupéry, Lê Huy Oanh dịch
Tháng 03-66: Con yêu con ghét, tập truyện Nguyễn Mạnh Côn
Tháng 04-66: Thân phận con người, Akutagawa Ryunosuke, Diễm Châu dịch
Tháng 05-66: Viên đạn đồng chữ nổi, truyện dài Mai Thảo
Tháng 06-66: Chân dung Nhất Linh, hồi ký của 8 tác giả
Tháng 07-66: Chân dung nàng thơ, truyện Robert Nathan, Hoàng Ưng & Trần Phong Giao dịch
Tháng 08-66: Phấn đấu, truyện Dương Nghiễm Mậu
Tháng 09-66: Mặt trời mù, Curzio Malaparte, Bửu Ý dịch (Chuột nhắm)
Tháng 10-66: Thị trấn miền Đông, tân truyện Viên Linh
Tháng 11-66: Hồi ký viết dưới hầm, Fyodor Dostoyevsky, Thạch Chương dịch
Tháng 12-66: Ngôi trường đi xuống, truyện Vũ Hạnh
Tháng 01-67: Chuyến thư miền Nam, Saint-Exupéry, Nhã Điển d. (mục chân)
Tháng 01-67: Chị em Hải, truyện Nguyễn Đình Toàn
Tháng 02-67: Bóng tối thời con gái, truyện Nhã Ca
Tháng 02-67: Của chuột và người, John Steinbeck, H.N. Khôi & N.P. Bửu Tập dịch
Tháng 03-67: Một cái chết rất dịu dàng, Simone de Beauvoir, Vũ Đình Lưu dịch
Tháng 04-67: Khuôn mặt, tập truyện Thanh Tâm Tuyền
Tháng 05-67: Một kiếp giang hồ, truyện Hermann Hesse, Võ Toàn dịch
Tháng 06-67: Mưa không ướt đất, tập truyện Trùng Dương
Tháng 07-67: Thời nhỏ trong gia đình Luvers, truyện Boris Pasternak, Mặc Đỗ dịch
Tháng 08-67: Ngày qua bóng tối, Nguyễn Thị Hoàng
Tháng 09-67: Tâm cảnh 1, truyện André Maurois, Mặc Đỗ dịch
Tháng 10-67: Tâm cảnh 2, truyện André Maurois, Mặc Đỗ dịch
Tháng 11-67: Gia đình tôi, tập truyện Duy Lam
Tháng 12-67:
Tháng 01-68: Người về đầu non, truyện Võ Hồng
Tháng 02-68: Vỡ mộng, truyện André Gide, Bửu Ý dịch

(Mục lục các số giai phẩm - Bình quân 2 số/1 tháng . Những chỗ trống là chưa xác định được. Như vậy có khoảng 57 số giai phẩm)




                                                   web counters

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét