Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

đọc thêm (2) : "về nhà văn, dịch giả TRẦN PHONG GIAO[ 1932- 2005 Saigon ] "-- ( tựa bài của Bt) / Viên Linh [ i.e. Nguyễn Nam 1938- / Mỹ ] -- trích: https://nguoi-viet.com>

 


Sách dịch và Trần Phong Giao (1932-2005)


Viên Linh


Các nhà văn nhà thơ, các nhạc sĩ họa sĩ ở miền Nam trong khoảng 1954-1975 sau này đã được nói đến luôn luôn, được nói đến rất nhiều, không những ở hải ngoại mà còn ở trong nước, nhất là ở miền Bắc trong những năm gần đây. Các nhà phê bình có tiếng đề cập văn học miền Nam từ lâu, gần đây là lớp trẻ hơn, không những viết bài, còn do những bài viết ấy, tạo thêm ảnh hưởng thu mua sách quý từ miền Nam giai đoạn 54-75 trong giới đọc sách trong nước. Sách miền Nam in ra nhiều, nhưng nhiều là bao nhiêu thì ít ai biết rõ. Hãy chỉ tìm hiểu một vụ thôi, chúng ta sẽ hình dung thêm rõ hơn, đó là vụ “Hội thảo về hiện trạng và chiều hướng phát triển sách tại Việt Nam [Miền Nam] do Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam Cộng Hòa tổ chức tại Sài Gòn vào tháng 9, 1972.”








Nhà văn, dịch giả Trần Phong Giao (1932-2005).


Một viên chức cao cấp của Sở Phối Hợp Nghệ Thuật (tên văn hoa của sở kiểm duyệt) báo cáo: “Căn cứ vào số giấy phép cho xuất bản sách do Bộ Thông Tin chúng tôi cấp ra hàng năm, mỗi năm có khoảng 3000 giấy phép đã ký.” (1) Giả dụ báo cáo trên là đúng, thì trong 20 năm, các nhà văn ở Sài gòn đã sản xuất 3,000 x 20 = 60,000 nghìn sáng tác phẩm Việt Ngữ, nếu sáng tác phẩm ấy in trọn trong 1 cuốn, nhưng những bộ truyện kiếm hiệp chẳng hạn, mỗi bộ dài tới 7, 8 cuốn, số sách sẽ là trăm ngàn cuốn, ấy là chưa kể sách in lậu, sách tái bản không thèm xin phép lại (nếu cái bìa không thay đổi), và chưa kể sách ngoại ngữ nhập cảng. Năm 1971, nói theo một tỷ lệ so sánh tương đương, cứ 1 cuốn sách Việt ngữ được in ra, thì có 10 cuốn sách ngoại ngữ được nhập cảng, vậy 3,000 giấy phép xuất bản sách ký ra, tương đương với 30,000 cuốn sách nhập cảng vào! Vẫn theo tài liệu trên của Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa.


Bây giờ ta hãy xem việc dịch sách diễn ra như thế nào. Nhà văn Bình Nguyên Lộc nói: “Theo tôi thì phong trào dịch thuật – đã bắt đầu từ trước – sẽ tiếp tục tiến mạnh vào năm 1973 này. Kế đó là sự lui bước kín đáo của ngành xuất bản, vì họ phải mua giấy với giá chợ đen, mà chợ đen giấy năm nay thì quá tàn nhẫn. Tuy sách cứ tiếp tục ra đời là nhờ sách đang in, lúc chưa có chợ đen. Ðã trót làm, người ta phải hoàn thành công việc.” (2)


Dịch giả Nguyễn Hiến Lê phát biểu: “Ở nước ta cũng như ở các nước khác, chỉ hạng trung lưu (công chức, quân nhân, tiểu thương) là đọc sách, hạng giàu không có thì giờ đọc, hạng nghèo không có tiền mua, mà hạng trung lưu bây giờ lo chạy gạo đủ mệt rồi; do đó, nạn cho thuê sách năm nay tăng lên mạnh; tôi nghe nói trong nước đã có tới 2,000 nhà cho thuê tiểu thuyết, sách nhi đồng,… (*) và lúc này đương mọc thêm nhiều nhà nữa; cũng do đó, và do thêm đồng bạc mất giá đều đều, nên một số nhà xuất bản phải áp dụng chính sách ăn xổi, thấy một cuốn best seller nào ở Pháp, Mỹ thì gởi mua liền bằng đường hàng không, rồi chia ba chia bốn cho ba bốn người cùng dịch, nội trong nửa tháng xong, để in liền, kẻo nhà khác ra trước mất. Loại sách đó không có giá trị nghệ thuật, nhưng truyện nào cũng hấp dẫn, hy vọng bán được vài ngàn cho các nhà cho thuê sách và một số độc giả dễ tính, kể ra cũng tạm sống được.” (2)


Bài này không bàn rộng hơn vấn đề sách dịch. Trước hết chúng ta kiểm điểm từng dịch giả một, nói về một dịch giả và những tác phẩm ông (hay bà) dịch giả ấy đã dịch, chúng ta sẽ có một thoáng nhìn về văn học miền Nam và trình độ độc giả Việt Nam so với các giai đoạn khác. Ðầu tiên xin nói về Trần Phong Giao, dịch giả những cuốn sách văn chương triết thuyết thời đại, mất cách đây đúng 10 năm: 2005.


Nhà văn Trần Phong Giao (1932-2005), tên khai sinh là Trần Ðình Tĩnh, bút hiệu Thư Trung, Mõ Làng Văn, Trần Phong, sinh tại Nam Ðịnh, xuất hiện trong làng văn đầu thập niên ’60 vừa với sáng tác, Ngồi Lại Bên Cầu, Nửa Ðêm Thức Giấc 1964, vừa với các dịch phẩm: Sứ Mệnh Văn Nghệ Hiện Ðại, dịch bài diễn văn Discours de Suède đọc trong dịp lãnh giải Nobel văn chương của Albert Camus, dày 126 trang, Giao Ðiểm xuất bản năm 1963. Các sách dịch khác: Lưu Ðày và Quê Nhà, dịch L’Exile et le Royaume của Albert Camus, Guồng Máy, dịch L’ Engrenage, Chết Không Mồ Mả dịch Morts sans Sépulture và Sự Ðã Rồi dịch Les Jeux sont Faits đều của Jean-Paul Sartre. Ấn phẩm của ông phần lớn do Giao Ðiểm, tên nhà xuất bản của riêng ông, in và phát hành. Ông từng làm quản thủ thư viện tại một đại học tư, Cửu Long; mất ngày 13 tháng 4, 2005 tại Sài Gòn.


Mặc dù đã in một tập truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết, song Trần Phong Giao không nổi tiếng nhờ sự sáng tác. Sự việc khiến ông được nói đến, thậm chí có thể được ghi nhận vào sự nghiệp báo chí, đó là vai trò thư ký tòa soạn của ông, trước hết là với bán nguyệt san Văn, số 1 ra vào ngày 1 tháng 1 năm 1964, và tập san Văn Uyển, có tính đặc san, tham luận trong khi Văn nổi bật về mặt sáng tác. Ông được nhắc nhở nhiều khi đưa tên tuổi Y Uyên ra ánh sáng, liên tục và trân trọng, với những tập truyện ngắn, mặc dù có thể ông không phải người đầu tiên mà trở thành người số 1 trong vai trò này khi liên tục in sách cho Y Uyên, cổ võ Y Uyên, thậm chí còn trực tiếp vận động để đưa nhà văn sáng giá nhất viết về chiến tranh Việt Nam về miền đất lành hơn, nhưng một viên đạn hay một miểng mìn đã kết thúc sự nghiệp hứa hẹn ấy tháng 1 năm 1969. Làm thư ký tòa soạn một tạp chí văn chương hay trông coi một nhà xuất bản mà không đưa được ra ánh sáng một tài năng xuất sắc nào, một ngòi bút sáng giá nào, thì anh đã không làm nổi vai trò đó một cách tốt đẹp, chỉ khả dĩ dùng được. Phải có một nhận định sắc nét, nếu cần đầy góc cạnh, người thư ký tòa soạn mới làm được cái điều mà nghề nghiệp đòi hỏi: đưa tờ báo tới chỗ thành công, ngoại giả anh chỉ là kẻ thừa kế công trình của người đi trước. Trần Phong Giao đã thành công lớn với vai trò thư ký tòa soạn bán nguyệt san Văn, liên tiếp 8 năm, cho đến khi xung đột với ông chủ nhiệm bỏ vốn. Anh không được cảm tình của nhiều người, điều ấy hầu như rõ ràng, và điều ấy tự nó phơi bày một giá trị của dịch giả “Sự Ðã Rồi.” Làm thư ký tòa soạn, anh trực tiếp đương đầu với cả vài chục người mỗi tuần, vài trăm người mỗi tháng, hoặc đối mặt hoặc qua thư từ điện thoại, mà anh được lòng tất cả mọi người thì hóa ra anh có sở trường của người mại bản, giao tế, chứ không ở sự đánh giá văn chương, các giá trị chữ nghĩa, tinh thần và liên hệ tác giả độc giả, nơi hoan nghênh các cá biệt, coi nhẹ sự đồng phục.


Những năm giữa thập niên 70, sau khi Trần Phong Giao phải rời tờ Văn, anh gặp tôi thường hơn ở tòa soạn tạp chí Thời Tập, nhà in Phúc Hưng của cô em gái tôi và tôi ở trong Chợ Lớn, tôi đã mời anh làm chủ bút cho Thời Tập, nhưng cuối cùng vì bận rộn với việc mưu sinh khác (làm quản thủ thư viện một đại học tư, Cửu Long), anh chỉ nhận một mục thường xuyên (Giải Ðáp Thắc Mắc Văn Học – ký bút hiệu Thư Trung), và đứng tên trong Bộ Biên Tập, bên cạnh các tên tuổi khác như Thạch Trung Giả, Tuệ Sỹ, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Nhật Duật, Ðỗ Khánh Hoan. Một hôm Trần Phong Giao làm tôi ngạc nhiên: anh đưa tôi bài viết nhan đề “Thư Ngỏ Gửi Viên Linh.” Hóa ra thư ngỏ đó nói tới khá nhiều mặt liên hệ tới việc làm một tạp chí văn chương ở Sài gòn. Lá thư đăng lên, giới cầm bút biết được nhiều chuyện bên trong bên ngoài làng văn làng báo miền Nam. Trong thư Trần Phong Giao chính thức nói đến công việc anh làm tờ tạp chí Văn:


“- Từ tay trắng, với rất nhiều công khó, tôi đã dựng nên một tạp chí văn chương tự lực [tạp chí Văn] mà sống lâu hơn cả trong quá trình sinh hoạt báo chí nước ta. Tôi không có tài, chỉ có chút công. Hơn hai năm nay tôi không viết báo, không làm báo, vì tuân theo một nguyên tắc do chính tôi đặt để cho cuộc sống.


“Từ nay, nếu thỉnh thoảng tôi có giúp cho Thời Tập một đóng góp nho nhỏ, ấy là vì tôi biết rõ anh bạn Viên Linh đã và đang làm báo một mình, cô đơn và thiếu thốn. – Rất có thể, rồi ta tôi cũng sẽ làm báo trở lại. Nhưng đó là chuyện về sau. Chuyện chỉ xảy ra trong trường hợp nếu tôi bị đói quá, nếu tôi thấy cần đền đáp tình người tri kỷ, nếu tôi, tự làm lấy báo của riêng mình hoặc nếu gặp được người biết cách đãi ngộ tốt với các cộng tác viên…[…] Bạn Viên Linh, Ngày hai bữa cơm rau, nếu không được ‘vỗ bụng no bình bịch’ thì cũng đỡ chạy xuôi chạy ngược, lo đôn lo đáo, thì giờ rảnh rang, học thêm ít chữ nghĩa thánh hiền cho mình bớt ngu. Ðêm đêm chong đèn, dịch văn. Dịch xong, cuốn nào in được thì cho in. Gặp khó, đem cất kỹ vào ngăn tủ… chờ thời. Ðược làm những việc mà mình ưa thích há chẳng đủ là niềm hạnh phúc của kiếp nhân sinh, chao ôi, cái kiếp nhân sinh dẫy đầy hệ lụy!” (3)
 



Chú thích


1. Tài liệu Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa in năm 1971.


2. Trả lời Viên Linh phỏng vấn về “Một năm văn học nghệ thuật sau Hiệp định Ngưng bắn và Vãn hồi Hòa bình Paris 1.1973.” Thời Tập số 1, Sài Gòn, tháng 12, 1973.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét