Nhà thơ Tố Hữu và những bài thơ đi cùng đất nước
Thơ anh hào hùng thúc giục mà vẫn thủ thỉ tâm tình nên có sức truyền cảm, dễ nhớ, dễ thuộc, do đó đã tác động đến cuộc đời nhiều người, ở những bước ngoặt quan trọng, khi phải chọn lựa hướng đi.
Nhà thơ Tố Hữu và vợ. |
Dẫu làm thơ chỉ là “nghề tay trái”
Anh (nhà thơ Tố Hữu – BTV) vẫn thường nói làm thơ là nghề tay trái của anh vì thời gian anh dành cho thơ không nhiều. Nhưng trong thực tế ảnh hưởng của thơ anh đôi khi đã vượt xa ý muốn chủ quan của anh. Thơ anh hào hùng thúc giục mà vẫn thủ thỉ tâm tình nên có sức truyền cảm, dễ nhớ, dễ thuộc, do đó đã tác động đến cuộc đời nhiều người, ở những bước ngoặt quan trọng, khi phải chọn lựa hướng đi.
Đối với anh, làm thơ không phải để tiêu khiển, càng không phải ham danh vị, mà là để phục vụ lý tưởng cách mạng mà anh đã chọn. Anh khao khát được sáng tác như một nhu cầu bức xúc bản năng. Càng sống lâu với anh, tôi càng nhận ra cốt cách thi nhân của anh. Với trái tim tràn đầy tình yêu, một tâm hồn nhạy cảm, bao dung; tính tình lại dịu dàng trầm mặc; lại sinh ra trong một gia đình trí thức nho học vốn rất yêu và biết nhiều thơ ca dân gian của xứ Huế thơ mộng, nên anh trở thành nhà thơ trữ tình là điều dễ hiểu. Nhà thơ đó có may mắn sống trong một đất nước sôi sục cao trào cách mạng thời kỳ Mặt trận Bình dân, lại được tiếp cận với nhiều nhà cộng sản cách mạng kiên trung và tài năng, nên anh sớm đi vào con đường Cách mạng và trở thành nhà thơ của Cách mạng - điều này lâu nay các nhà lý luận văn học đã nói nhiều. Sống gần anh lâu, được biết hoàn cảnh ra đời và ý từ nhiều bài thơ, tôi chỉ xin chia sẻ một đôi cảm nhận của tôi, tuy còn rất đơn sơ.
Ở đây điều đáng lưu ý nhất là: mỗi lần đất nước có sự kiện lớn, bao giờ anh cũng có những bài thơ khó quên. Có lẽ vì chính anh là người trong cuộc, cùng tham gia tạo nên sự kiện đó. Anh viết bài “Huế tháng Tám”, khi anh là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế:
“. . . Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ
Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác”
Bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”- được ra ngay sau những ngày toàn quân và toàn dân dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ. “Ta đi tới” và “Việt Bắc” – là những bài thơ tự tuôn chảy trong anh từ niềm vui, niềm tự hào khôn tả của những ngày cùng Trung ương Đảng và Bác trở lại thủ đô sau chín năm kháng chiến. Rồi cuộc chiến tranh ác liệt 20 năm ở miền Nam, trong đó có quê hương anh. Đất nước bị chia cắt đã khơi dậy trong lòng anh biết bao cảm xúc vừa da diết vừa nóng bỏng trong một loạt bài thơ về miền Nam, về quê hương.
Thơ anh qua các thời kỳ là sự khích lệ cổ vũ không nhỏ quần chúng đứng lên đấu tranh. Ngoài những bài thơ yêu nước đậm chất sử thi, thơ anh còn là sự chia sẻ, cảm thông những số phận, những cuộc đời đau khổ, không chỉ nói lên lòng trắc ẩn mà còn giáo dục, vạch ra lối đi, dìu dắt quần chúng tham gia cách mạng. Năm 2000, khi cùng anh về thăm quê, tôi rất xúc động khi anh dẫn tôi tìm về nơi anh đã từng sống cùng chú Quýt, ông già đầy tớ, chị vú em, những nhân vật thật của những bài thơ “Đi đi em”, “Lão đầy tớ”, “Vú em” và những bài “Mồ côi”, “Hai đứa bé”, “Tiếng hát sông Hương”, “Hồn chiến sĩ”. . . Đó là một gian phụ trong nhà của một người công chức giàu tại đường Chợ Cống, nơi anh làm gia sư cho con nhà chủ để có tiền đi học.
Anh ghi vào nhật ký câu của La Bruyère “Tất cả những gì liên quan đến con người không hề xa lạ đối với tôi”. Và ngay cả những lời cuối cùng anh để lại cho đời cũng không ngoài tâm niệm “Sống là cho” ấy. Ngoài ý nghĩa lớn của từ “cho” là hy sinh cả cuộc sống ấm no yên ổn thường tình, hy sinh tình yêu, thậm chí cả tính mạng khi cần, để dấn thân vào con đường cách mạng, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, thì có một nghĩa đen mà anh làm thực sự. Trước kia, khi đất nước còn nghèo, anh sẵn sàng nhường quần áo tốt của mình cho những người bạn cần hơn. Bạn bè ốm đau, anh nhắc tôi giúp tiền, tìm thuốc men tới biếu. Tiền nhuận bút của anh tuy không nhiều, nhưng chúng tôi gắng góp cho một số địa phương (làng Hanh Cù quê mẹ Tơm và huyện Hoằng Hóa để xây trạm xá, góp cho xã Khánh Cư tỉnh Ninh Bình xây dựng một trường tiểu học.
Bác Hồ cùng với nhà thơ Tố Hữu về thăm Pác Bó (1961)--. (ảnh: TL). |
Tụng ca với trọn vẹn tình yêu
Gắn liền với vận mệnh của Đất nước là những chiến sĩ cách mạng, những nhân cách lớn mà anh kính nể. Đi vào thơ anh trước hết là hình tượng Bác Hồ. Anh đã rất thật khi viết: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” hay:
“Ta bên Người, người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”
…
Ngoài những bài thơ hoàn chỉnh về Bác, như bài “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng Năm”, “Bác ơi”, “Theo chân Bác”… trong rất nhiều bài thơ khác, hình ảnh Bác Hồ luôn được anh liên tưởng tới.
Tôi còn nhớ bài “Bác ơi”, anh làm chỉ trong một buổi chiều và đêm 2-9-1969. Lúc Bác mất, vì biết anh Tố Hữu đang mệt nặng nên Trung ương không báo sớm cho anh tin buồn. Mãi gần trưa anh Xuân Thủy mới đến báo tin Bác đã ra đi. Tháng 9-1969, anh Tố Hữu ốm nặng phải nằm bệnh viện Việt - Xô cả tháng. Đến gần trưa hôm 2-9 có lệnh đưa xe vào bệnh viện đón anh. Tôi ngạc nhiên vì biết anh vẫn còn sốt cao. Tôi cho cháu Hoa (chị Thanh Hoa, con gái trưởng của nhà thơ – BTV) đi theo xe vào đón ba. Một lúc thì xe về. Nhưng anh lại đi ngay vào Phủ Chủ tịch bất chấp sức còn yếu. Trở về nhà trưa hôm đó, nước mắt lưng tròng, anh không nói gì, đi thẳng vào phòng mình, khóa trái cửa lại. Tôi rất lo cho tim và huyết áp của anh. Một lúc không cầm lòng được, tôi khẽ gọi cửa xin vào đem khăn mặt và nước uống cho anh. Thấy tôi, anh nghẹn ngào: “Em ơi, Bác đi rồi!”.
Tôi lặng im bên cạnh anh, vò khăn mặt vào chậu nước ấm, và rót nước đưa cho anh. Được một lúc lâu, anh hơi bình tâm lại, bảo tôi: “Em ra lo cơm nước cho cả nhà đi!”.
Tôi hiểu là anh muốn ngồi một mình để viết, nên đành lui ra. Trưa đến anh không ăn uống gì, hối hả viết bài “Bác ơi”, vừa viết vừa lau nước mắt:
“Suốt mấy đêm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa”.
Bài “Bác ơi” được anh trực tiếp đọc và được truyền đi trên đài phát thanh đúng hôm cả nước khóc tiễn đưa Bác. Những ngày tháng 9 năm ấy là những ngày nặng nề đối với anh và cả gia đình tôi.
Đến bài “Theo chân Bác”, anh cũng sáng tác trong một hoàn cảnh éo le. Cuối năm 1969 anh lại bị ốm nặng, hàng tháng phải chịu một cơn sốt cao, thường kéo dài 10 ngày, không thuốc gì chặn được. Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương nghi anh bị ung thư máu và quyết định gửi sang chữa bệnh ở Liên Xô. Sau một thời gian kiểm tra, bạn không tìm ra nguyên nhân. Một giáo sư chuyên khoa về ung thư thử cho anh dùng mội loại thuốc (có tên là Lekeran) và tuyên bố một cách không tin tưởng rằng: anh phải chung sống lâu dài với loại thuốc này. Khi đó, anh bàn với tôi: “Thuốc này không chắc đã trúng, quỹ thời gian còn lại của anh có lẽ không còn nhiều. Anh phải làm một cái gì có ích”.
Thế là chúng tôi lén dọn dẹp một phòng xép nhỏ độ 3m2, chỗ chứa dụng cụ y tế phục vụ riêng cho phòng cách ly của anh, để làm nơi anh viết. Sở dĩ phải lén, vì các bác sĩ cấm anh làm việc. Phòng cách ly nơi anh và tôi ở là một căn nhà nhỏ nằm cách biệt giữa rừng thông. Vì là giữa mùa đông nên xung quanh và mái nhà phủ một lớp tuyết dày trắng xóa. Đồ đạc trong nhà chỉ có một chiếc vô tuyến đen trắng. Cả ngày anh và tôi chỉ xem được một chút đá bóng và thỉnh thoảng một vài chương trình ca múa nhạc. Tin tức không xem được vì không biết tiếng Nga. Anh hối hả viết trong khoảng thời gian giữa hai cơn sốt. Mỗi lần anh viết xong một đoạn lại gần như kiệt sức, phải nhờ tôi chép sạch lại cho anh. Tuy anh không nói ra, nhưng tôi có cảm tưởng, anh viết bài thơ này vội vã như bài thơ cuối của anh. Sau này anh thú nhận: trong ý nghĩa của đầu đề bài thơ “Theo chân Bác”, còn có một nghĩa ngầm là có lẽ anh cũng có thể sắp “ra đi”. May sao, một tháng sau cơn sốt định kỳ không tái phát. Coi như anh khỏi bệnh. Thật là một điều kỳ diệu. Kỳ lạ ngay cả đối với các bác sĩ của bạn. Nghe tin anh khỏe lại, đồng chí Leonid Brezhnev-Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó nhờ đồng chí Voronin cán bộ Ban Đối ngoại đem tặng anh một thùng rượu vang trắng và trứng cá đen để ăn mừng và tặng tôi một miếng lụa hoa màu tím.
Nhưng cảm động hơn là những người bạn văn Liên Xô, vốn quen biết anh Tố Hữu từ trước, hay tin anh khỏe lại cũng rất mừng. Tôi nhớ có một tối, đã khoảng chín giờ đêm, hai nhà văn Evgeny Dolmatovsky và Marian Tkachov đem xe ô tô đón chúng tôi đến chơi với gia đình nhà văn Konstantin Simonov tại căn nhà nghỉ cuối tuần ở ngoại ô Moskva. Xe chạy qua một đoạn đường dài dưới nhiệt độ -230C trong rừng trắng tuyết. Ngôi nhà làm bằng gỗ thông ghép. Vừa bước vào nhà, chúng tôi cảm thấy ấm hẳn lên. Ấm vì hơi lửa và vì vòng tay bè bạn thân yêu. Vừa hàn huyên, vừa ăn thịt cừu nướng thơm lừng. Trong khi trò chuyện, anh Tố Hữu ngâm bài thơ “Đợi anh về”. Simonov cảm động nói: “Cảm ơn anh đã dịch bài thơ rất hay. Nó đã biến thành bài thơ của anh rồi!”
Simonov tuy không hiểu tiếng Việt, nhưng có lẽ nghe nhạc điệu của bài thơ dịch mà cảm nhận được chăng? Sau này Simonov tặng anh một bài thơ, trong đó có đoạn: “Thơ tôi sẽ ngủ yên rồi, Chết trong bản dịch tuyệt vời của anh”…
Viết xong bài “Theo chân Bác”, anh tâm sự với tôi: “Anh có hai niềm vui, một là khỏi bệnh, hai là viết được một trường ca về Bác. Những tưởng lần này ra đi theo Bác, thế mà lại làm được một việc có ích”
Trong nhà tôi, những chỗ trang trọng nhất anh đều treo ảnh Bác: trên tường phòng khách, phòng làm việc, cả dưới mặt kính bàn giấy của anh. Hình ảnh Bác ngồi đọc báo ngoài vườn, Bác hút thuốc lá, Bác ra mặt trận, Bác tiếp văn nghệ sĩ và anh hùng chiến sĩ, v.v… đâu đâu anh cũng như thấy được ở bên Bác.
Dưới ảnh Bác là ảnh đồng chí Lê Duẩn cũng được trang trọng treo trong phòng làm việc của anh.
Anh Tố Hữu thường nói với tôi: “Đồng chí Lê Duẩn là người đầu tiên đưa anh vào con đường cách mạng. Anh là một cán bộ lão thành từng trải từ lúc mới thành lập Đảng. Anh am hiểu phong trào và cán bộ của cả ba miền Đất nước. Không những thế, anh là một nhà chiến lược thông tuệ và tài năng của Đảng. Nhân cách cao đẹp của người cộng sản kiên trung như anh đáng cho ta học tập noi theo”. Nhớ đến anh Lê Duẩn, anh Tố Hữu thường gợi lại câu tâm huyết giáo dục đạo đức cán bộ đảng viên: “Mỗi ngày ta nên vào Đảng một lần”.
Khi anh Lê Duẩn mất, anh đã viết tặng một bài thơ dài “Nhớ về anh”. Nhưng không hiểu sao bài thơ đưa in ở Hà Nội rất khó khăn, anh phải đem in ở nhà xuất bản Đà Nẵng hàng vạn bản và gửi tặng nhiều nơi. Trong bài thơ “Mười tám thôn Vườn Trầu”, anh viết sau khi đi thăm huyện Hóc Môn, nơi địch đã giết năm đồng chí Ủy viên Trung ương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, anh nhắc đến anh Lê Duẩn, người đã đến Hóc Môn lúc đó để họp: “Lê Duẩn ẩn thiên tài”.
Nhiều lần được nghe nói chuyện, đôi lần được tiếp xúc với anh Lê Duẩn, tôi nhận ra giữa anh Lê Duẩn và anh Tố Hữu thật sự có một sự đồng điệu về lối suy nghĩ linh hoạt, khả năng nhậy bén khi đánh giá tình hình, tính quyết đoán trong công việc, và cả tính tình nhân hậu của người cộng sản.
Một người nữa mà anh Tố Hữu thương yêu, trân trọng là anh Nguyễn Chí Thanh. Hai anh cùng chung một quê là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà hai anh ở hai làng sát gần nhau, anh Thanh ở Niêm Phò, anh Tố Hữu ở Phù Lai, cách nhau một cái cầu đá nhỏ vắt qua một nhánh hẹp của con sông Bồ. Một thời gian sau giải phóng, dân xã đã xây dựng lại cây cầu đá thành cầu xi măng và đặt tên là cầu Thanh Hữu.
Tình bạn của hai anh bắt đầu cũng thật ngộ nghĩnh. Khi mới được giác ngộ, có lần về làng, nghe đồn có anh nông dân tên Vịnh khí khái, dám đấu tranh với cường hào, anh Tố Hữu nảy ra ý định sang tuyên truyền cách mạng. Thấy anh Tố Hữu là một thanh niên học sinh thành phố còn trẻ măng, anh Thanh chưa tin, liền trả lời bâng quơ: “Mình có làm chi mô. Chỉ thấy người làng ta than sưu cao thuế nặng thì mình cũng đi theo đòi giảm sưu thuế thôi”.
Anh Tố Hữu buồn thất vọng ra về. Đến năm 1939, khi anh Tố Hữu bị bắt vào lao Thừa Phủ, gặp lại anh Thanh và được tổ chức bên ngoài giới thiệu anh Thanh là Bí thư tỉnh ủy, mới vỡ lẽ ra anh Thanh trước kia đã là cán bộ cốt cán của Đảng bộ Thừa Thiên rồi. Từ trong lao Thừa Phủ hai anh gắn bó với nhau, anh Thanh làm Bí thư, anh Tố Hữu làm Phó bí thư chi bộ nhà tù.
Trong tù, mỗi lần đấu tranh chống khủng bố, tù nhân (như vụ chống giết hại cụ Tiết, vụ hành hạ anh Lê Chưởng), địch đem dùi cui đến đánh đập, và xịt vòi rồng xối nước dữ dội vào người tù, thì anh Thanh lại đứng ra và động viên những đồng chí to lớn khỏe mạnh đứng hàng đầu che chở cho những đồng chí yếu ớt như anh Tố Hữu. Trong khám Thừa Phủ, nhớ đồng quê, nhớ quê hương anh đã viết tặng anh Thanh (tên thật là Vịnh) bài “Nhớ đồng”.
Sau mỗi lần tranh đấu, địch chia rẽ, phân tán tù nhân đi các nhà tù khác, không hiểu sao hai anh vẫn được đi với nhau. Đến khi cách mạng thắng lợi, ra tù, hai anh trở về Thừa Thiên, lại cùng ở trong xứ ủy Trung kỳ, anh Thanh là Bí thư xứ ủy, anh Tố Hữu là Phó. Rồi các anh cùng hoạt động với nhau ở khu bốn, ở Trung ương tại Việt Bắc, tại Hà Nội, một “quan võ”, một “quan văn” nhưng thực sự là một đôi bạn tâm giao thân thiết. Những dịp gặp nhau, hai anh trao đổi không chỉ chuyện công tác mà còn chuyện quê hương, chuyện nhân tình thế thái. Anh Thanh cũng là người rất yêu thơ Tố Hữu và là một trong những “nhà phê bình thơ” chân thành của anh.
Năm 1963 khi anh Nguyễn Chí Thanh được Trung ương cử vào Nam phụ trách Trung ương Cục, anh Tố Hữu làm bài thơ “Tiễn đưa” tặng anh Thanh:
...Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng,
mộng chiến trường
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn ngàn trang giấy
luận văn chương”…
Những câu thơ đó cũng chính là nguyện vọng của anh muốn trực tiếp được vào Nam công tác.
Năm 1967, khi ở miền Nam ra báo cáo với Bộ Chính trị, để chuẩn bị cho chiến dịch 1968, anh Thanh đến thăm chúng tôi. Anh vỗ vai anh Tố Hữu: “Mi làm nhiều thơ hay vào, ở rừng chiến khu, nằm võng nghe Châu Loan ngâm thơ Tố Hữu, tau mát ruột lắm”
.
Trước hôm trở về Nam, anh Thanh đến thăm anh Tố Hữu và tâm sự rất lâu. Ai ngờ ba giờ sáng hôm sau, điện thoại réo, báo tin anh Nguyễn Chí Thanh bị nhồi máu cơ tim khó cứu chữa. Anh Tố Hữu tức tốc chạy vào bệnh viện thì anh Thanh đã được đưa vào phòng mổ tim và không biết gì nữa. Anh Thanh ra đi, với anh Tố Hữu có lẽ đau đớn như mất một người anh ruột. Anh viết bài thơ viếng:
Một Con Người
...Cứ nghĩ như anh vẫn sống hoài
Mặt hiền như ruộng lúa, nương khoai
Hai con mắt đỏ bừng như lửa
Cái miệng cười tươi sáng dặm dài
Ở đâu nghèo đói gọi xung phong
Lon nước mo cơm lội khắp đồng
Ở đâu tiền tuyến kêu anh đến
Vượt núi băng rừng, lại tiến công!
Ôi! Sống như Anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc, một Con Người!
Thanh ơi! Anh mất rồi chăng đấy?
Cứ thấy như Anh nở miệng cười!
Còn biết bao nhiêu “tâm hồn đẹp” đã vào thơ anh. Không chỉ những đồng chí lãnh tụ tiêu biểu, tài năng, đức độ mà anh quý trọng, anh còn viết nhiều về những con người anh hùng trong quần chúng nhân dân. Để viết về những con người đẹp nhất đó, anh có thói quen, nói đúng hơn là một nguyên tắc, là phải tiếp cận nhân vật. Anh nói: “Thơ bằng hành động điển hình, tránh trừu tượng; làm sao cho thơ được quần chúng hiểu, yêu mến”. Anh luôn tìm cách gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe tâm tư mỗi con người.
Những tấm gương anh hùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Thị Lý, mẹ Suốt, mẹ Diệm, Hồ Giáo, đội nữ dân quân Hàm Rồng, đơn vị pháo cao xạ nữ Quảng Bình…đều là nguồn cảm hứng cho thơ sau khi anh được gặp. Năm 1962, sau khi đi làm việc với Tỉnh ủy Hưng Yên anh về thăm quê anh hùng thủy lợi Phạm Thị Vách, mắt thấy tai nghe về nỗi khổ “sống ngâm da, chết ngâm xương”, quanh năm thiếu đói của người nông dân vùng chiêm trũng, anh đã viết bài “Giữa ngày xuân”. Anh ghi trong sổ tay công tác: “Hãy chân thật như mảnh đất, như những con người bình thường mà vĩ đại này. Để những đau khổ, dũng cảm của con người tự nói lên. Chớ kêu gào thêm. Chớ thêm son phấn. Hãy giản dị, rất giản dị, như tất cả những sự thật vĩ đại, như nhân dân lao động vĩ đại. Nhưng đừng tầm thường, dễ dãi trong cảm xúc nghệ thuật. Và hãy tươi, tươi như sự sống, không chút cứng nhắc. Qua tất cả, trong tất cả, hãy toát lên lòng yêu cuộc sống, yêu con người, yêu Đất nước Việt Nam đẹp đẽ của ta. Làm sao cho thấm vào lòng người, chói sáng trước mắt mọi người hình ảnh lớn lao của người con gái anh hùng”…
Khi đi công tác tại vùng mỏ Quảng Ninh về, anh ghi trong nhật ký: “Đời sống của công nhân đầy gian khổ, anh dũng, phải sống trong đó mà sáng tạo. Đó là công bằng. Đó là nhân phẩm”. Nhiều ý thơ, câu thơ về người thợ mỏ còn dang dở sau đó. Nhưng có lẽ anh không có thì giờ viết tiếp bởi công tác khẩn cấp hàng ngày kéo anh đi.
Như thế đấy, những số phận chìm nổi của con người, những tình huống thăng trầm của Đất nước, những tấm gương chiến đấu hy sinh cho sự tồn vong của Tổ quốc đều là những nguồn cảm hứng vô tận của thơ Anh
VŨ THỊ THANH
=================
…
Theo daidoanket.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét