Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

đọc thêm (6) : " Hoàng Hôn Cuối Cùng của Vợ Chồng Vũ Ngọc Phan "/ Lưu Khánh Thơ ( Hà Nội ) -- trích : cand.com.vn>

 H THẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN

luc luong cong an nhan dan

Hoàng hôn cuối cùng của vợ chồng Vũ Ngọc Phan

LƯU KHÁNH THƠ


11:26 11/12/2018à

  • Trong cuộc sống đời thường, lớp người hậu sinh chúng tôi thường gọi Vũ Ngọc Phan là "bác Phan", và tất cả chúng tôi đều biết, bác có một tình yêu tha thiết nồng nàn với người vợ của mình, nữ sĩ Hằng Phương. Tình yêu ấy, trước sau như một đều tuân thủ nguyên tắc: tương kính như tân! 




Ít người để ý nữ sĩ Hằng Phương chính là trưởng nữ của Cụ Sở - Cuồng Lê Dư - một nhà chí sĩ đã từng bôn ba nhiều năm ở Trung Quốc, Nhật Bản, là cháu gọi cụ Phan Khôi là cậu ruột. 

Thuở nhỏ, Hằng Phương được học chữ Hán kĩ lưỡng, sau đó bà chuyển sang học chữ Pháp, vốn sinh trưởng trong một gia đình thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh, lại là con gái của một nhà thâm nho, nên bà rất thấu hiểu Nho học. 

Bà đã từng diễn thuyết tại Hội Truyền bá Quốc - ngữ, cộng tác trong phần thi văn với các báo Phụ nữ tân văn, Hà Nội tân văn, Ngày nay, Đàn bà, Tri tân…

Bài thơ đầu tay của Hằng Phương ra đời năm 1929, cùng với một số bài thơ khác đăng trên các báo đương thời đã sớm đưa tên tuổi bà nổi tiếng và trở thành một nhà thơ nữ quen thuộc. Hồn thơ Hằng Phương mang nặng tình quê, luôn hướng vọng về đồng nội, về nơi sinh ra và trưởng thành của mình. 

Có lẽ trước Hằng Phương, chưa ai diễn tả được tâm trạng xao xuyến, bồi hồi của một người con gái lần đầu đi theo tiếng gọi của tình yêu với rất nhiều yêu thương trao gửi nhưng vẫn không nguôi nỗi niềm hoài nhớ cảnh xưa, chốn cũ.

Bài thơ Lòng quê (tặng Vũ Ngọc Phan) có thể coi là một dấu ấn đậm nét, tiêu biểu cho giọng điệu thơ Hằng Phương:

Xưa kia em ở bên trời
Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi,
Mặc cho ngày tháng trôi đi
Tóc mây nào biết có khi bạc đầu!

Chim non ở chốn rừng sâu,
Quanh mình chỉ thấy một màu xanh xanh.
Bình minh buổi ấy gặp anh
Rủ em ra chốn đô thành xa khơi.

Yêu anh, em hoá yêu đời,
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao.
Anh đưa em đến vườn đào,
Màu tươi, sắc thắm, em nào dám chê.

Nhưng em luống nặng lòng quê,
Nhớ thương cảnh cũ bốn bề núi non.
Nhớ làng nhớ xóm con con,
Nhớ hương cây quế chon von trên đồi;

Bạn xưa, nhớ yến tha mồi,
Cành xưa, em đỗ trong hồi còn thơ...
Ðường xa, ngoảnh lại ngẩn ngơ,
Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh...

Vũ Ngọc Phan quen biết Hằng Phương khi ông trọ học tại nhà một người bà con ở phố Phạm Phú Thứ (nay là Nguyễn Quang Bích) Hà Nội. 

Ngay lần đầu gặp gỡ, ông đã bị vẻ xinh đẹp giản dị của cô gái xứ Quảng hút hồn và đã nuôi ý định hỏi cô làm vợ. Vượt qua sự ngăn cản của cả hai bên gia đình, Vũ Ngọc Phan và Hằng Phương đã quyết tâm đến với nhau. Và bài thơ Lòng quê như một chỉ dấu quan trọng cho mối tình sắt son của họ. 

 - vợ chồng Vũ Ngọc Phan thời trẻ.

Trong hơn 60 năm lao động viết văn của Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Hằng Phương luôn là nguồn cổ vũ lớn lao. 

Bác Phan rất tuân thủ quan niệm "tương kính như tân", chia sẻ với bác gái mọi điều lớn nhỏ trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường. Nhiều người còn nhớ hình ảnh bác Phan đi đón vợ mỗi khi bác gái đi mua gạo theo tiêu chuẩn tem phiếu thời bao cấp. Hai bác sóng đôi bên nhau trên hè phố, bác Phan dắt chiếc xe đạp chở bao gạo phía sau.

Bác Phan từng kể lại: "Từ ngày để ý đến cô láng giềng, tôi hay nghĩ vẩn vơ, đọc sách hay làm bài không tập trung được như trước. Hình ảnh cô láng giềng cứ hiện lên trang sách, trang giấy của tôi. Gặp cô mấy lần ngoài đường, sát mặt nhau, tôi cũng không dám ngỏ với cô một lần. Tôi chỉ đọc tình cảm của cô trên đôi mắt tuyệt đẹp, nhìn tôi như tự đáy lòng. 

Về phần mình, lòng nao nao, nhưng cũng không dám viết thư, chỉ viết thầm kín không biết bao dòng yêu đương trong đầu óc mình những lúc thao thức đêm khuya… 

Vào những năm của thập kỷ 20, con người Việt Nam còn bị kỷ cương phong kiến đè nặng. Một lời nói, một vài dòng gửi cho người mình yêu là "con nhà gia giáo" cũng bị người ta qui mình là phường vô hạnh!... 

Vào năm 1926, hồi hai vợ chồng tôi mới lấy nhau, tôi rất ham đọc những sách nói về Cách mạng tư sản Pháp. Những nhân vật nổi tiếng trong cuộc cách mạng như Danton, Marat, Robespierre, Camille, Desmoulin M Roland... tôi thường kể cuộc đời và những hoạt động của họ cho Hằng Phương nghe. 

Cuộc đời của họ thật ngắn ngủi, nhưng những hoạt động của họ thật phi thường, muôn đời nhân dân Pháp vẫn nhớ. Đường lối của họ có thể khác nhau, nhưng người nào cũng đều nhằm mục đích là tiêu diệt chế độ phong kiến, giành tự do bình đẳng cho toàn dân… 

Tôi còn kể cho Hằng Phương nghe nhiều nhân vật phi thường khác nữa; đêm hôm trước họ còn nằm trong cánh tay người yêu, sáng tinh mơ hôm sau, người ta đã xông vào phòng bắt họ và dẫn lên đoạn đầu đài. Chỉ vì muốn phá tan xiềng xích của chế độ phong kiến mà biết bao mối tình thắm thiết đã bị cắt đứt. 

Những truyện ấy, tôi đã kể cho Hằng Phương nghe trong những đêm ánh trăng vằng vặc chiếu vào phòng qua cửa sổ ngôi nhà cổ của thầy mẹ tôi ở Thái Hà. Hằng Phương thích nghe tôi kể chuyện, cũng như tôi thích nghe cô nói với một giọng nhẹ nhàng êm dịu, về Khổng, Mạnh, Lão, Trang, theo lối giảng của cụ nghè Ngô (tức ông nghè Ngô Đức Kế, thầy dạy của Hằng Phương)... 

Sau khi rời ghế nhà trường, tôi quyết định chọn nghề viết. Một số bà con cô bác lấy làm lạ; họ yên trí là tôi học lấy bằng cấp là để "đi làm", nghĩa là đi làm công chức, chứ đi viết báo, viết văn thì có cần gì bằng cấp. 

Riêng Hằng Phương, người bạn đời của tôi, lại rất đồng ý về sự chọn nghề của tôi. Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ, nghề này tha hồ tự do, muốn nghỉ, muốn đi chơi, muốn làm việc đều tự ý mình, không có gì bó buộc cả, miễn là làm sao cho đủ ăn là được… Tôi đã làm việc được liên tục là nhờ có Hằng Phương đảm đang hết mọi việc trong nhà. 

Tôi làm việc trong phòng một mình trên gác từ 6h sáng đến 1h trưa, chiều từ 2h chiều đến 6h, tối từ 8h đến 11h. Thường thì vào buổi tối tôi đọc các tác phẩm, tìm tư liệu và đọc báo. Làm luôn hai tuần lễ, rồi nghỉ ba ngày. Nghỉ để làm vườn và cùng Hằng Phương đi chơi hoặc đi xem xi-nê. Cô là người theo dõi điện ảnh, chọn những phim hay để hai vợ chồng cùng đi xem". 

Rồi ông kết luận: "Bởi vậy, ngày 30 tháng 8 năm 1942, khi quyển I Nhà văn hiện đại ra đời tôi chọn quyển giấy đỏ lụa đẹp nhất tặng Hằng Phương với dòng đề tặng: "Tặng Hằng Phương tập phê bình thứ nhất của tôi, để ghi tạc sự đồng tâm đồng chí của đôi ta". - "Mùa thu năm Nhâm ngọ".

Năm 1961, nhà thơ Hằng Phương bị u dạ con phải nằm bệnh viện 108, các con bận bịu công tác, hằng ngày bác Phan tận tụy ra vào bệnh viện chăm nom săn sóc vợ chu đáo tận tình.

Nhà thơ Hằng Phương ghi trong nhật ký của mình: "Nghĩ đến chết, tôi chẳng sợ gì cả, ai cũng phải chết một lần thôi, nhưng rất thương người còn sống trên đời đau khổ. Các con tôi đã lớn, hầu hết có thể tự lập. Chỉ có một người đau khổ nhất là anh Phan. Hai vợ chồng đã ở với nhau gần 40 năm, nay bỗng chốc mất nhau đau đớn biết chừng nào!... Sáng nay, anh đem áo rét vào cho mình, trông anh lo lắng, xanh xao cả người, thật tội nghiệp!". 

Nhà văn Vũ Ngọc Phan bắt đầu viết hồi ký vào năm 80 tuổi. Ở trang đầu của tập hồi kí viết tay, ông có ghi lại mấy dòng: "Bắt đầu viết tháng 5-1982. Mới viết được vài chục trang thì Hằng Phương đau nặng, nên phải ngừng".

Nhà thơ Hằng Phương mất vào tháng 2/1983. Sau khi vợ mất được 2 tháng, ông nén đau thương để viết tiếp tập hồi kí Những năm tháng ấy. Ông nói với các con mình: "Cha chạy đua với thời gian". Trong tập hồi kí, những trang ông viết về vợ thắm thiết tình yêu thương vô hạn của ông.

GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng - con trai ông kể lại: Mẹ tôi mất được hơn 3 năm, chúng tôi chuyển phần mộ mẹ lên đồi Thanh Tước ngoại thành Hà Nội, nơi để phần mộ tổ tiên. Tôi nhớ buổi trưa hôm ấy, sau khi từ nghĩa trang về nhà, thấy cha ngồi im lặng trước bàn thờ mẹ khói hương nghi ngút. Bằng một giọng nghiêm trang, cha hỏi tôi: "Bên cạnh mẹ còn chỗ không?". Tôi ngập ngừng một lát, rồi thưa: "Dạ, thưa còn". Cha tôi có vẻ hài lòng. 

Ngày nay trên sườn đồi Thanh Tước, hai ngôi mộ cha mẹ nằm cạnh nhau, hướng về phía tây, về cõi vĩnh hằng của bầu trời. Nơi ấy ngàn năm rực sáng những buổi hoàng hôn tuyệt vời mà cha mẹ chúng tôi đã từng ngắm, khi bên nhau qua những năm tháng trên cuộc đời này.

Văn chương là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ

Vũ Ngọc Phan là nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà văn. 

Bộ sách nổi tiếng nhất của ông - Nhà văn hiện đại, với chân dung và sự nghiệp của 19 tác giả, bao quát trên 30 năm hoạt động của một thời kì rất sôi động với sự phát triển mau lẹ khác thường. Những thao tác cần thiết cho việc biên soạn bộ sách này thực sự công phu, tỉ mỉ, là sự tuân thủ những kỉ luật nghiêm khắc của lao động khoa học. 

Ông từng kể về quá trình viết bộ sách này: "Từ tháng 12/1938 đến cuối tháng giêng năm 1940 thì tôi viết xong lượt đầu, tất cả 1.650 trang trên giấy học trò. Tư liệu dùng vào bộ sách lấy ở sổ tay, tôi có trên 50 sổ tay ghi về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, lịch sử Việt Nam…Đến tháng 12/1942 viết xong lượt thứ 2, đã sửa và bổ sung". 

Vũ Ngọc Phan đã nhận định rất sâu sắc về các giá trị của văn chương và di sản tinh thần của nền văn hóa dân tộc trong Kết luận của bộ Nhà văn hiện đại: "Văn chương tuy không bổ ích trực tiếp cho người đời như cơm gạo, nhưng nó chính là một thứ đồ ăn về đường tinh thần của một dân tộc văn minh: nó chính là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ, biết nhận xét và luôn luôn có cái hy vọng chen vai thích cánh với những dân tộc hùng cường trên thế giới. Một dân tộc không biết trọng văn chương của mình chỉ có thể là một dân tộc man di hay sắp đến ngày diệt vong".

PGS.TS Lưu Khánh Thơ

====================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét