Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

" chung quanh quyển THI NHÂN VIỆT NAM ( 1932- 1941 ) "/ Hồng Diệu -- trích https://cannd.com.vn> ( 14/ 09/ 2019 )

 THẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN

luc luong cong an nhan dan

Chung quanh quyển Thi nhân Việt Nam (1932-1941)

HỒNG DIỆU


08:30 14/09/2019


  • 1.

Bây giờ thì khó mà tìm được bản in lần thứ nhất quyển sách này. Nhưng theo trí nhớ của tôi, cũng như xác nhận trong bộ "Hoài Thanh toàn tập", Nhà xuất bản Văn học 1998, thì tên đầy đủ là như trên, xin nhấn mạnh một lần nữa: "Thi nhân Việt Nam (1932-1941)".

Nhưng gần 80 năm nay, kể từ khi quyển sách ra đời, tôi thấy có đến gần 95% các nhà nghiên cứu và phê bình và cả nhiều người đọc, khi nhắc đến tên quyển sách này chắc là để cho gọn, chỉ thấy nói và viết có "Thi nhân Việt Nam". Thậm chí, có mấy Nhà xuất bản in lại quyển sách cũng chỉ ghi bốn chữ "Thi nhân Việt Nam" cụt lủn!

Tôi nghĩ như thế thật không ổn. Các tác giả không đặt cho sách mình cái tên cộc lốc như vậy. Những con số ở cuối tên sách xác định phạm vi mà các tác giả khảo sát. Nó hẹp hơn hẳn so với bốn chữ đầu. Chỉ cần đọc tên sách, người ta đã biết các tác giả viết về thi nhân Việt Nam ở thời kỳ nào.

Vì vậy, về phần tôi, những khi nói đến tên quyển sách, nếu chỉ một lần, tôi sẽ ghi đầy đủ là "Thi nhân Việt Nam (1932-1941)". Nếu nói nhiều lần (trong một bài) thì lần đầu, tôi ghi đầy đủ tên sách; từ lần thứ hai trở đi, để cho khỏi dài dòng, sẽ ghi "Thi nhân Việt Nam...". Ba dấu chấm thay cho những chữ số ở tên sách.

Tôi "kiến nghị" nên làm như thế cho hợp lý, mỗi khi nói đến tên quyển sách này.

- nhà nghiên cứu phê bình Hoài Thanh [. i.e. Nguyễn Đức Nguyên 1909- 1982 Hanoi]  thời kỳ viết “Thi nhân Việt Nam 1932-1941”.

2

. "Thi nhân Việt Nam..." đã được tái bản nhiều lần, sau lần in đầu vào năm 1942. Lần nào, phía trên cùng của bìa sách và trang đầu sách cũng ghi tên tác giả: Hoài Thanh - Hoài Chân. Những dòng cuối cùng của quyển sách này ngay từ lần in đầu, cũng được viết một cách... vui và hóm:

"Bạn sẽ lấy làm lạ sao tác giả hai người mà lại cứ xưng tôi. Sự thực thì hai người cũng như một. Không có ý nào, lời nào là của riêng ai. Nhưng bây giờ quyển sách đã hết thiệt rồi, tôi lại biến thành chúng tôi, và chúng tôi xin ký cả hai tên cho đúng:

         Hoài Thanh và Hoài Chân"

Như vậy, không nghi ngờ gì cả, "Thi nhân Việt Nam..." là của Hoài Thanh và Hoài Chân.

Trên sách báo rất lâu nay, tôi thấy không ít nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà văn, nhà báo... chỉ ghi mỗi tên Hoài Thanh khi trích dẫn những đoạn văn trong quyển sách, hoặc khi nhắc đến tác giả quyển sách.

Mấy chục năm trước, có lần tôi đã hỏi Hoài Chân, là em ruột Hoài Thanh và là một trong hai tác giả "Thi nhân Việt Nam..." chung quanh chuyện này. Ông tỏ vẻ buồn, nhưng chắc là ngại, không nói thẳng ra, mà cho biết, quyển sách in đầu năm 1942, nhưng được hai anh em ông chuẩn bị từ mười năm trước. Nó thể hiện sự say mê đối với Thơ mới và ý hợp tâm đầu của hai anh em ông. Trước khi tuyển chọn thơ cũng như viết những lời bình luận để đăng báo in vào sách, hai người đều bàn bạc kỹ với nhau. Hoài Thanh và Hoài Chân còn trao đổi thư từ với nhiều nhà thơ, tìm gặp không ít nhà thơ, và chính Hoài Chân đã từ Huế ra Bắc gặp một số nhà thơ khác. Khi thông qua kiểm duyệt, Hoài Chân đã phải khéo léo lắm việc xuất bản mới thuận buồm xuôi gió và quyển sách mới có diện mạo như sách đã in (lược bớt một đôi chỗ do phòng kiểm duyệt của Pháp).

Có điều, đọc "Thi nhân Việt Nam..." sẽ thấy văn phong từ đầu đến cuối là của Hoài Thanh, không lẫn với bất cứ ai khác, kể cả Hoài Chân (mà Hoài Chân xưa nay đều viết ít). Vì vậy, nếu kể công lao trong việc cho ra đời quyển sách này thì có thể nói Hoài Thanh nhiều hơn Hoài Chân.

Có lần, cũng đã lâu lâu, trên một tờ báo, tôi đã đề nghị, để thể hiện rõ điều này và để cho sòng phẳng, khi dẫn những gì trong "Thi nhân Việt Nam...", nên ghi tác giả là Hoài Thanh (và Hoài Chân). Hoài Chân để trong dấu ngoặc đơn.

Tôi thấy trên báo chí có nhà nghiên cứu đã hưởng ứng đề nghị này của tôi, và viết như vậy.

Tuy nhiên, hưởng ứng hay không hưởng ứng, theo tôi, các nhà nghiên cứu nhất thiết phải lưu ý đến Hoài Chân khi nói bất cứ điều gì về "Thi nhân Việt Nam...".

3. Bút danh của nhà phê bình Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên) có nghĩa là gì? Trong quyển "Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam (1932-1941)", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1995, có hai cách giải thích khác nhau.

Một: Bài "Kỷ niệm về anh Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam" của nhà nghiên cứu Hoài Chân viết: "Hoài Thanh là tưởng nhớ thầy Thanh, một trong những người sáng lập đảng Tân Việt" (tr.202).

Hai: Bài "Hồi ức về Hoài Thanh" của nhà thơ Huy Cận viết: "Tên khai sinh của anh là Nguyễn Đức Nguyên, nhưng anh lại đặt tên văn học của mình là Hoài Thanh, chắc là với cái nghĩa nhớ tiếng, nhớ tiếng mẹ đẻ là nỗi niềm chung của chúng tôi lúc đó" (tr 209).

Nếu chỉ căn cứ vào nghĩa Hán Việt ở bút danh Hoài Thanh thì cả hai cách giải thích đều đúng, cho dù chúng khác hẳn nhau. Nhưng với hai cách giải thích trên, rõ ràng cách giải thích của Hoài Chân đáng tin cậy hơn: ông là em ruột của Hoài Thanh, đồng tác giả quyển "Thi nhân Việt Nam...", chắc chắn hiểu anh mình hơn hẳn những người khác.

(Tôi tiếc là đã mấy lần gặp nhà nghiên cứu Hoài Chân mà không hỏi bút danh của ông có nghĩa gì).

Vì không phải ai cũng đọc cả hai bài trên, và không phải không có người tin lời giải thích của nhà thơ Huy Cận, cho nên, phải chăng, những người làm sách, gặp trường hợp này, cần có lời chú (thường in ở cuối trang) để tỏ rõ chính kiến của mình, hoặc là cho ai đúng ai sai, hoặc là phân vân, chưa khẳng định?

Tôi nghĩ không nên để trong cùng một quyển sách mà có tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" như trên.

4. Trong quyển sách "Nhà thơ và cuộc sống", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1998, khi nhắc đến quyển "Thi nhân Việt Nam...", nhà thơ Đào Xuân Quý có viết:

"Trong lời mở đầu tập Thi nhân Việt Nam, anh Hoài Thanh khi nói về Xuân Diệu có viết: "Với nghệ thuật tinh vi học được của Baudelaire, anh đã diễn tả được lòng ham sống bồng bột trong thơ De Noailles và trong văn Gide". Nói như vậy, hóa ra Xuân Diệu và nhiều nhà thơ khác nữa trong giai đoạn này, theo anh Hoài Thanh, không có cái gì của mình cả: Tất cả đều là vay mượn, từ nghệ thuật đến tâm hồn, tình cảm! Sao lại có thể như thế được nhỉ" (tr.38).

Đoạn văn này cũng thấy in lại trong "Tuyển tập Đào Xuân Quý", Nhà xuất bản Văn học, 2002, tr 468.

Đúng là cách viết phê bình của một... nhà thơ (tất nhiên không phải tất cả các nhà thơ, khi viết phê bình đều viết như thế)! Chỉ có mấy dòng mà tập trung những phiến diện, sơ suất, lỏng lẻo... Nhà thơ đã không lưu ý rằng:

Một: Các tác giả quyển "Thi nhân Việt Nam..." chỉ nói đến "lòng ham sống bồng bột" thôi, không nói đến những thứ khác.

Hai: Các tác giả chỉ nói về nhà thơ Xuân Diệu thôi, không thể "hóa ra Xuân Diệu và nhiều nhà thơ" nào khác nữa "trong giai đoạn này".

Ba: Các tác giả không hề nói các nhà thơ trong giai đoạn này "không có cái gì của mình cả", "tất cả đều là vay mượn" như nhà thơ Đào Xuân Quý nghĩ.

Tất nhiên, "Thi nhân Việt Nam..." không phải là một quyển sách hoàn hảo, toàn bích. (Mấy khi có được một quyển sách hoàn hảo, toàn bích)! Nhưng nếu nhà thơ Đào Xuân Quý có phát hiện những bất cập của quyển sách (như đã nêu) thì phải tìm dẫn chứng có sức thuyết phục ở những chỗ khác, chứ không phải ở đoạn văn mà anh đề cập.

Có khá nhiều chỗ vô tình phản bác nhà thơ Đào Xuân Quý, nhưng hãy chỉ đọc một đoạn dưới đây trong "Lời nói đầu" quyển "Thi nhân Việt Nam..." mà nhà thơ Đào Xuân Quý đề cập - một đoạn văn rất có thể Hoài Thanh (và Hoài Chân) đã mượn hình thức diễn đạt của người khác:

"Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.

Từ người này sang người khác sự cách biệt rõ ràng...".

Các tác giả "Thi nhân Việt Nam..." không hề cho rằng "Xuân Diệu và nhiều nhà thơ khác nữa trong giai đoạn này... không có cái gì của riêng mình cả" như nhà thơ Đào Xuân Quý đã tưởng tượng ra và phàn nàn.

Hồng Diệu

==============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét