Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

đọc thêm (2) : " một vị ngọt không thường "/ Ý Nhi [ i.e. hoàng thị ý nhi 1944 - / tphcm ] -- trích : www.nguoidothi.net.vn>

 

Một vị ngọt không thường

Ý NHI

  08:48 | Thứ hai, 30/04/2018 0
Gặp gỡ, quen biết rồi thân thiết với Ngô Thị Kim Cúc đã trên dưới 40 năm. Vậy mà, nhiều khi tôi không sao “ráp” được hình ảnh người phụ nữ điệu đà ,“in fashion” từ chiếc áo, đôi giày, đến màu son, kiểu tóc với giọng văn giàu trải nghiệm, giàu suy nghiệm. Dường để giải tỏa phần nào nỗi băn khoăn, có lần, tôi thử hỏi về tựa đề có phần khác lạ của một tác phẩm của chị: "Ngọt như cà phê". Nhà văn đã cười mà rằng: "Ngọt răng được. Nghề văn cũng đắng ngắt như cà phê vậy". Không hiểu sao, câu trả lời ấy lại khiến tôi nhớ tới một truyện ngắn Ngô Thị Kim Cúc viết cách đây gần 40 năm: "Vị ngọt hòa bình" - một vị ngọt chứa chất nhiều lo âu, ray rứt, đắn đo. Phải chăng, Ngọt hay Vị ngọt trong tác phẩm của Ngô Thị Kim Cúc là một biệt vị và văn chương của chị vốn chứa nhiều ẩn tự?

    (*) Ngọt như cà phê

    Bao gồm những bài điểm sách và những bài phỏng vấn nhiều nhà văn, nhà thơ mà Ngô Thị Kim Cúc quan tâm, trong khoảng thời gian chị làm biên tập viên mảng văn hóa - văn nghệ tại báo Tuổi trẻ và báoThanh Niên.

    Có thể nói, đây là những gương mặt đã để lại dấu ấn nhất định cho một giai đoạn văn học. Qua họ, Ngô Thị Kim Cúc không chỉ phác họa chân dung của mỗi cá nhân mà còn dựng nên diện mạo của nền văn học Việt Nam đương đại. Chị đã có sự lựa chọn đầy ý thức và một cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm cẩn.

    Câu hỏi, theo tôi, là điều quan trọng nhất cho một cuộc phỏng vấn. Chỉ khi các câu hỏi được đặt ra với sự hiểu biết, với tinh thần trách nhiệm mới mong nhận được câu trả lời sâu sắc, hấp dẫn, mới có thể khai mở cảm hứng của người được phỏng vấn. Có được sự tương tác này hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Chìa khóa cho sự thành công của chị chính là việc nhìn thấy được “dòng chảy bên dưới… âm thầm, câm nín, cam chịu… đang chuyển đổi một cách mãnh liệt”, nhìn thấy “sự tự do nội tâm của các nhà văn đủ sức vượt qua rào cản bên trong và bên ngoài họ”.  

    Với một cách nhìn nhận như vậy, dường như dưới ngòi bút Ngô Thị Kim Cúc, không có gì, không có ai bị lãng quên.

    Từ Chuyện kể năm 2000, Rừng xưa xanh lá (Bùi Ngọc Tấn), Thơ Dương Tường đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng. Từ Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, Những công trình khảo cứu công phu của Lại Nguyên Ân đến Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập, Cõi người rung chuông tận thế, Người đứng một chân của Hồ Anh Thái. Từ Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan, Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương đến  Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian của Nguyễn Danh Lam, Khi người ta trẻ của Phan Thị vàng Anh…

    Từ  các bản dịch Rừng, Đàn bà, Điên loạn (J. Dourness) của Nguyên Ngọc, Cái trống thiếc (G.Grass) của Dương Tường,  Báu vật của đời, Đàn hương hình (Mạc Ngôn) của Trần Đình Hiến, tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh của Vĩnh Quyền  (Debris of Debris: Mảnh vỡ của mảnh vỡ)… đến Những giải thưởng văn học có giá trị của Hội Nhà văn Hà Nội, thú “chơi” Thơ  (Lịch thơ, triển lãm thơ…) của Nguyễn Duy , mối bận tâm Tây Nguyên của Nguyên Ngọc, những nhận định sắc sảo của Nguyễn Khải về các tác phẩm văn xuôi đoạt giải vào năm 1991…

    Với một cách nhìn nhận như vậy, mỗi cuộc phỏng vấn được thực hiện như một tìm kiếm, một phát hiện, một nhận thức, ở những khía cạnh khác nhau, những tầng nấc khác nhau.

    Với Bùi Ngọc Tấn, đó là suy nghĩ vừa sáng suốt vừa đau đớn về cái giá rất đắt “ai cũng phải trả bằng cả cuộc đời mình” mà mỗi nhà văn phải gánh chịu, là điều kiện tiên quyết cho sáng tạo nghệ thuật “sự tự do nội tâm tuyệt đối”. Với Dương Tường, đó là suy nghĩ về “Nụ cười chua cay được trí tưởng tượng phức tạp kiểu Đức phát triển” trong một thế kỷ “bất chấp mọi đau buồn và thống khổ, chắc chắn sẽ bị hậu thế coi là thế kỷ ít nước mắt nhất” khi chuyển dịch tác phẩm Cái trống thiếc. là niềm xác tín “Tôi đứng về phe nước mắt”. Với Nguyên Ngọc, đó là “Được gặp Tây Nguyên là điều may mắn lớn nhất đời tôi. Không có cuộc gặp gỡ ấy, hầu như chắc chắn tôi không bao giờ là nhà văn… Tôi đã gặp một nền văn hóa kỳ lạ sẽ quyết định cả cuộc đời tôi”

    Với Dương Hướng, đó là những trang viết về  cuộc chiến tranh khác “chiến tranh của người làng mình, ngay cả sau khi có hòa bình, ngay cả bây giờ”. Với Bảo Ninh , đó là mong muốn làm cho “quá khứ trở nên minh bạch” (quá khứ chiến tranh/YN)  bởi “cái quá khứ ấy và  những nhân vật ấy bị méo mó đã quá nhiều năm rồi trong văn học” , là tâm trạng bất lực “khi chưa đụng được tới cốt lõi của thời ấy”. Với Nguyễn Bình Phương, đó là dù viết truyện ngắn hay tiểu thuyết “câu đầu tiên của tôi bao giờ cũng là một câu thơ, hoặc ít ra cũng mang tư duy của thơ” và “một nền văn học phát triển là nền văn họctrong đó liên tục có những tác phẩm vi phạm nguyên tắc truyền thống và nhà văn của nền văn học đó, đôi khi phải biết nổi cáu với chính dân tộc mình”…  

    Rồi Vĩnh Quyền “Tại sao nhà văn Việt Nam không trực tiếp kể chuyện Việt Nam cho người đọc thế giới” (bằng ngoại ngữ/YN), “sống sót trong chiến tranh là một chuyện/ sống hạnh phúc thời hậu chiến là một chuyện khác”Rồi Nguyễn Quang Lập “với tôi hiện giờ, thân phận con người Việt Nam, bất kể họ ở đâu, làm gì, vào thời điểm nào của lịch sử cũng đều đáng lưu tâm... Giờ tôi lại hiểu ra, nếu con người bị đày đọa thì dù ở trong hay ngoài cuộc chiến, bi kịch cũng chẳng có gì khác cả… Nhưng xét toàn bộ những gì tôi đã viết và những gì tôi theo đuổi thì tôi là một kẻ thất bại, thất bại thảm hại”Rồi Nguyễn Danh Lam “Đọc các nhà văn tầm thế giới, đặc biệt là tiểu luận văn học của họ, tôi thấy đường tiếp cận đỉnh cao còn dằng dặc nhưng dẫu sao chúng ta cũng đang bước… mà bước mãi thì cũng đến lúc có được thành quả, cho dù phải mất nhiều thế hệ”

    Và Hồ Anh Thái với lời cảnh báo qua tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế : Con người phải biết sợ cái ác, nhất là cái-ác-không-tự-biết, cái ác ngay trong chính bản thân mỗi người, cái ác được ngụy trang bằng việc tự đặt mình cao hơn, tự ban cho mình cái quyền phán xét và trừng phạt kẻ khác. “Khi một tác phẩm hay, nó sẽ biện hộ cho cả đề tài, phương pháp lẫn ngôn ngữ được sử dụng…”. Và Phan Thị Vàng Anh “tôi sẵn sàng đổi hết những truyện ngắn kỹ thuật của mình bây giờ lấy một truyện ngây ngô như Con trộm ngày xưa, theo quan niệm thông thường thì người đàn bà là một chỗ dựa cho con đồng thời phải biết dựa vào chồng. Còn theo quan niệm của tôi thì khác”Và, Nguyễn Ngọc Thuần “Trong văn chương, tôi có cái thú câu mồi nhỏ. Tôi thích chi tiết”, “… Tôi học theo người xưa, đọc một cuốn sách thì phải chôm lấy một điều gì đó, không chôm được nhiều thì cũng ráng chôm được ít. Tôi không sợ ảnh hưởng, chỉ sợ mình không đủ khả năng để chịu ảnh hưởng từ họ”Và Nguyễn Duy “chả có cái gì thay cho thơ cả… Thơ chìm trong những việc tôi làm như là viết văn xuôi, làm lịch, chụp ảnh”, “Hệ thống truyền thông gà mờ và lươn lẹo thì thể chế xã hội bệnh hoạn, mạt!...”.

    Có thể coi tựa đề cuốn sách là một thách đố. Chỉ những ai thấu hiểu số phận chìm nổi của nhà văn, thấu hiểu những tai ương rình rập họ, thấu hiểu những cam go của họ khi tìm đường, khi lựa chọn một thể tài, một cách biểu hiện và cả một thái độ sống,.. mới có thể tìm ra vị ngọt trong cái nghề đắng ngắt này. Cà phê có thể ngọt, nếu bạn biết cách uống.

    (*) Từ Tiềm sinh đến Thú quý

    Tôi hơi tiếc khi Vị ngọt hòa bình không được Ngô Thị Kim Cúc chọn trong tuyển tập mới của chị (Truyện ngắn chọn lọc/NXB Hội Nhà Văn/2017). Đây là truyện ngắn hay và khá tiêu biểu cho một đặc điểm văn chương Ngô Thị Kim Cúc mà tôi lưu tâm. Đó là một mạch nguồn sâu lắng ẩn sau giọng kể từ tốn, chậm rãi, đôi khi như bình thản của nhà văn. Độ chênh giữa giọng kể và các sự kiện, các số phận, các cảnh huống đã tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ riêng biệt, mang dấu ấn Ngô Thị Kim Cúc.

    Vị ngọt hòa bình  xoay quanh cuộc sống của Lam, nhân vật nữ chính - người từng tham gia phong trào tranh đấu của học sinh - sinh viên Sài Gòn. Trong hòa bình, dù được sống đầy đủ, an nhàn trong sự bảo bọc của người chồng, Lam vẫn có cảm giác mình: “Già đi nhiều, ngày càng buồn thêm, như thể đang lụi tàn”. Cuộc viếng thăm bất ngờ của Kha, người cô từng trọng nể và yêu thương càng khiến Lam cảm nhận sâu thêm sự tẻ nhạt của cuộc sống hiện tại. Thanh - chồng Lam, người trước kia đứng bên lề cuộc chiến, nay vừa loay hoay trong cuộc mưu sinh vừa loay hoay trong suy nghĩ ra đi hay ở lại. Kha - thần tượng của Lam thì đang mang trong cơ thể những vết thương chiến tranh và trong tâm hồn nỗi luyến tiếc một tình yêu đẹp: “Anh nhớ mãi Hà Lam mặc áo dài lụa vàng đứng hát ở sân trường Văn khoa… Khói lựu đạn cay mịt mù mà Lam vẫn hát”. Cơ hồ chỉ thấy vị đắng. Vị ngọt ẩn trong vẻ thơ ngây của bé Hòa Bình, trong những ý nghĩ của Lam về Kha, trong  niềm yêu thương vợ con của Thanh, trong sự độ lượng của Kha…

    Câu chuyện diễn ra giữa một không gian hẹp (phòng khách của gia đình Lam trong cuộc trò chuyện Kha - Lam và phòng ngủ, trong cuộc trò chuyện giữa Lam - Thanh).  Các nhân vật đều thấp giọng. Những suy nghĩ được giữ kín. Không có sự biến, không có nút thắt, không có cao trào… Mọi thứ đều đều, chầm chậm, âm âm… khiến  nồng độ bên ngoài được hạ thấp đáng kể. Chính sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong - ngoài, giữa tâm trạng và những lời thoại trong câu chuyện  đã tạo nên bầu khí ngột ngạt, khó thoát ra, dù có một happy end.

    Có phải, hiệu ứng thẩm mỹ của một truyện ngắn nằm ở chính bầu khí được nhà văn tạo nên?

    Người ta thường cho rằng, để có được một giọng kể, nhà văn phải có được sự trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm nghề nghiệp, sự tìm kiếm, học hỏi...  Nhưng theo tôi, tư chất là điều quan trọng hơn cả.

    Ngô Thị Kim Cúc, ngay từ những truyện ngắn đầu tay, ở độ tuổi hai mươi đã có một giọng kể riêng.  

    Tiềm sinh in trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1972, khi tác giả còn ngồi trên giảng đường Đại học. Tiềm sinh là câu chuyện của một nữ sinh từ Sài Gòn về Đà Nẵng ăn tết cùng gia đình. Với độ dài đáng kể (của một truyện ngắn), Thu, nhân vật chính lần lượt liệt kê những sự kiện xảy ra trong dịp Tết. Từ khi máy bay đáp xuống phi trường cho đến chuyến xích lô về nhà. Từ cảnh gặp gỡ cha mẹ chị em cho đến cảnh đi chợ Tết. Từ việc xúm xít cùng nhau làm bánh mứt, lau dọn bàn thơ, bày biện tủ bàn đến việc đi dạo phố chiều 28 Tết, đi lễ chùa cùng mẹ chiều mồng 3. Từ cuộc chuyện trò với người bạn cùng chuyến bay, với những người tình cờ gặp ngoài phố đến bức thư viết vào ngày đầu năm cho người bạn trai đang du học...  Nhưng, đàng sau những sự việc ấy còn một mạch nguồn  khác âm thầm dẫn dắt người đọc - những cảnh trí của một thành phố thời chiến.

    Đó là khu chợ dù nhộn nhịp “không giấu được vẻ gượng gạo rất khó tả”, đó là lối vào nhà lạ hoắc với “những dãy nhà lầu mới mọc lên, vênh váo”, đó là “cành mai nho nhỏ được cha cắt tỉa cho vừa mắt”, đó là “giàn hoa héo xàu, buông thõng những dây leo mỏi mệt” trước tòa thị chính, đó là Sơn Chà trở thành cấm địa với “những giàn ra đađặt trên đỉnh núi”, là Cổ viện Chàm với “rất nhiều kẽm gai giăng kín lối ra vào”, đó là “phố xá đã mất hẳn cái sinh khí một ngày cận tết”, đó là “một khu tân lập nằm ngay giữa một nghĩa địa rộng lớn”, là “một khu phố bị thiêu rụi”, là “ngôi chùa bị sụp hẳn một bên”…  

    Mạch Người dường như yên ả thì mạch Cảnh trí lại nhiều xao động. Hai mạch đan xen trong giọng kể chậm rãi, kỹ lưỡng, đã tạo nên bầu khí của những tình cảm lẫn lộn vui-buồn-hân hoan-day dứt-lo âu-chờ đợi…

    Người ta thường cho rằng, để có được một giọng kể, nhà văn phải có được sự trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm nghề nghiệp, sự tìm kiếm, học hỏi... Nhưng theo tôi, tư chất là điều quan trọng hơn cả.

    Những bậc cao niên ở tạp chí Bách Khoa đã nhìn thấy “tiềm sinh” của một cây bút trẻ. Sự nhìn nhận của họ đã góp phần tạo nên một văn nghiệp, mặc dù Ngô Thị Kim Cúc cho rằng chị không chọn nghề mà nghề đã chọn chị.

    Trong vòng 40 năm, Ngô Thị Kim Cúc đã cho xuất bản hàng chục tác phẩm với những thể loại khác nhau: Vị ngọt hòa bình (tập truyện/ NXB Phụ Nữ/1981), Sắc biển (Ttập truyện/ NXB Phụ Nữ/1985), Tam Giang thứ ba (Truyện ký/NXB Thanh Niên//1985), Vết cháy (tập truyện/ Hội Văn học Nghệ Thuật Quảng Nam - Đà Nẵng/1985), Dòng sông buổi chiều (tập truyện/ NXB Đà Nẵng/1988), Những người uống trà (NXB Trẻ/1994), Những biền dâu sống lại(tập bút ký/NXB Đà Nẵng/1995), Thảm cỏ trên trời (tập truyện /NXB Công an Nhân dân/1996), Ngọt như cà phê (bài báo văn học//NXB Văn Nghệ/2010), Truyện ngắn chọn lọc (NXB Hội Nhà Văn/2017)…

    Dù ở thể loại nào thì cái nhìn của Ngô Thị Kim Cúc, trước hết, vẫn là cái nhìn của một nhà văn. Ví như trong việc điểm sách trên báo ngày. Chỉ có một nhà văn mới có thể đọc kỹ và giới thiệu những tác phẩm như Cái trống thiếc, Rừng, đàn bà, điên loạn, Cõi người rung chuông tận thế, Những mảnh đời đen trắng, Bến vô thường, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ… Những bài viết này vượt qua giới hạn của các bài điểm sách để đến gần với những bài phê bình nghiêm túc. Một thời gian, tôi đã mua sách theo các bài điểm sách sâu sắc và tinh tế của Ngô Thị Kim Cúc.

    Nhưng xem ra, truyện ngắn vẫn dành được sự ưu ái hơn cả. Sáu tập truyện ngắn đã ra đời gần như liên tục. Tôi hình dung, trên chặng đường dài này, mỗi tập truyện là một bước đi nhọc nhằn mà đầy hứng khởi của nhà văn. Tập truyện Những người uống trà đã đạt tới độ chín của một quá trình. Không phải tự nhiên khi nhà văn chọn 10 trên 16 truyện từ tập truyện này cho tuyển tập vừa xuất bản của mình.

    Bạn đồng môn và Tiềm sinh viết trước 1975, Những người uống trà viết vào năm 1983 có chung giọng kể tôi từng phát hiện và yêu thích. Có thể nói, Những người uống trà là “đỉnh” của giọng kể này.

    Một căn phòng tập thể rộng không đầy 10 mét vuông với “một cái giường cá nhân bằng gỗ mộc. Một cái tủ nhỏ để đựng quần áo cũng bằng gỗ xấu nhưng có đánh qua một lớp vec-ni mỏng. Một cái bàn viết nhỏ có hai ghế tựa…”. Trong căn phòng ấy có chủ nhà và hai người khách đang “thu cả chân lên chiếc giường đã được trải thêm một chăn bông cũ bọc vải xanh sậm… Họ đều trầm ngâm như nhau, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn sang phía ấm nước đang đặt trên rề-sô, vẻ chờ đợi. Chờ đợi một cách thư thái và kiên nhẫn. Khi làn khói trắng bắt đầu vọt ra ở vòi ấm, vẻ chờ đợi trên mặt họ chuyển ngay thành háo hức”. 

    Rồi người chủ nhà “thong thả rời chỗ”, bắt đầu những công việc tỉ mỉ, cẩn trọng, có phần bí hiểm của việc pha một ấm trà. Xong xuôi “họ lại thu tay vào áo, ngồi lặng yên như đang định thần như để chăm chú lắng nghe từng âm thanh không thể nhận được bằng tai đang vọng ra từ chiếc ấm nhỏ bằng đất nung đỏ… và hình như thứ nước màu vàng xanh đẹp đẽ kia đã chuyển từ đầu lưỡi vào người họ một cảm giác tinh lọc, sáng rỡ, làm cả người họ nóng hẳn lên như có một luồng khinh khoái đang chảy lẫn cùng với máu”.

    Dành thời gian để miêu tả kỹ lưỡng khung cảnh đơn sơ và những nhân vật vô danh lặng lẽ (xoay quanh việc pha một ấm trà) là sự chuẩn bị hữu lý cho câu chuyện sắp diễn ra - một câu chuyện không có chi ồn ào, to tát nhưng chất chứa nhiều dằn vặt, nghĩ ngợi. Đó là nỗi băn khoăn của người đàn ông chủ nhà vì đã không giúp đỡ một người đi nhờ xe giữa đêm khuya lạnh giá, khiến “đầu tôi cứ lấn vấn mãi các ông ạ, cứ thấy ân hận, khổ tâm thế nào ấy”. Đó là câu chuyện về sự bất lực trước thói vô cảm của mấy thanh niên “há hốc mồm cười hô hố” khi nhìn cảnh một bà cụ bị mất cắp tại bến tàu.

    Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc (trái) và tác giả.-- ảnh: TLNV

    Hai sự việc ấy là đề tài được ba người đàn ông “mổ xẻ” trong lúc nhâm nhi chén trà nóng. Họ gần như thì thầm khi phân giải sự phải, quấy của hai câu chuyện: Mình có sai không, sai ở đâu. Mình có ích kỷ không, có vô cảm không, vì sao mình bất an, nếu sự việc xảy ra một lần nữa, mình nên xử sự ra sao…

    Xen giữa các câu đối thoại thấp giọng là những động tác không gây tiếng động như thêm trà vào ấm, chuyên nước ra chén, rút một điếu thuốc, nhắp một ngụm trà… Cuộc sống gần như ngưng đọng, lắng mãi xuống. Trong thoáng chốc, sự xuất hiện bất ngờ của người khách thứ ba- một chàng trai trẻ, làm cho bầu khí trở nên sôi nổi, nhộn nhạo. Nhưng khi hắn ra đi, rồi hai người bạn tâm giao cũng ra về, mọi việc lại trở nên nặng nề hơn với chủ nhà.

    Là người duy nhất biết được sự hèn hạ, đê tiện của gã trai trẻ (ẩn sau vẻ thạo đời, suồng sã) nhưng ông đã không thể/ không dám nói ra trước mặt mọi người. Sự nể sợ không rõ lý do ấy khiến ông rơi vào một tâm trạng gần như tuyệt vọng. “Chủ nhà trở vào ngồi ở mép giường, nhìn xuống và nghĩ ngợi. Những chiếc chén không để ngửa trên khay, bã trà và nước thừa đầy đến hai phẩn ba chiếc cốc lớn… Anh đốt một điếu thuốc rồi đứng lên đi đi lại lại trongkhoảng diện tích nhỏ hẹp của căn phòng, trán cau lại… trong anh tràn đầy một cảm giác bất ổn, cảm giác của một người ngay thẳng bỗng dưng trở thành kẻ phạm tội…”. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh người chủ nhà trầm ngâm nhìn vào lòng chén trà “đến tận đáy chén, và bất ngờ, anh nghe thấy mình nói với cái gương mặt mờ mờ hiện ratrong lòng chén: Nếu mình cứ ngập ngừng mãi thế thì mình cũng chẳng hơn gì nó”.

    Những người uống trà là một truyện ngắn toàn bích. Độ chênh giữa giọng kể và tâm trạng bị nén chặt của nhân vật tạo nên một bùng nổ âm thầm... Nó xứng đáng đánh dấu cho một giai đoạn của truyện ngắn Ngô Thị Kim Cúc. Chính xác hơn, Những người uống trà là gạch nối quan trọng giữa hai giai đoạn. Những người uống trà đã bắt đầu bước vào cái “mạch” những vấn đề xã hội và những nhân vật của truyện ngắn này là mẫu nhân vật đàn ông trí thức do dự, dễ bị lung lạc, không có khả năng hành động (* ) sẽ được khai thác kỹ ở những truyện ngắn giai đoạn sau. Mặt khác, đến lúc này, nghệ thuật biểu đạt, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của chị đã đạt tới một độ sâu đáng ghi nhận.

    Rượu tiễn, Bài hát chim nhồng xanh, Cầu vồng đen, Quà tặng, Không thời gian, Biến tấu, Thú quý… là một giai đoạn khác. Được viết vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, các truyện ngắn này mang đậm hơi thở của một xã hội đang biến động. Mạch văn nhanh, gấp, các sự kiện và khuôn mặt nhân vật được phơi bày dưới ánh sáng gắt. Sự thay đổi này phần nào giống với nhà văn cùng trang lứa Lê Minh Khuê. Lê Minh Khuê đã chuyển hẳn sang một giọng kể khác, một cách tiếp cận hiện thức khác, với những tác phẩm được viết ra từ cuối những năm tám mươi về sau. Đó là một thay đổi có ý thức của các nhà văn.

    Trong một lần trả lời phỏng vấn, Lê Minh Khuê đã nói về sự thay đổi này“Đời sống tiền bạc đã đánh thức bản năng, đã khơi dậy dục vọng. Không thể viết lãng mạn nữa. Điều đó là có thực, là không thể tránh… Tôi phải sống với nó. Phải viết về nó" (Hôm qua Hôm nay/Tạp chí Nghệ Thuật mới/9/2012).

    Phần lớn các truyện của Ngô Thị Kim Cúc giai đoạn này là những câu chuyện về tình yêu. Phải chăng đây là một lựa chọn? Tình yêu, tình vợ chồng là nơi có thể bộc lộ rõ nhất một tính cách. Sự gần gũi, sự đối mặt hàng ngày khiến cho mỗi người không thể tránh né, không thể che giấu những gì thuộc về bản chất của mình. Qua các truyện ngắn này, người đọc nhận ra thứ độc dược của thời thế ngấm sâu vào từng mối tình, từng cảnh huống.  

    Sự ngờ vực len lỏi vào gần như tất cả các mối quan hệ: giữa Nàng và Trịnh (Quà tặng), giữa Như và Anh (Cầu vồng đen), giữa Giang và Hà (Biến tấu), giữa Anh và Nàng (Bài hát chim nhồng xanh)...

    Trong mỗi căn phòng, trong mỗi ngôi nhà, các nhân vật của Ngô Thị Kim Cúc sống giữa lo âu, dằn vặt, nghi ngại, thậm chí tuyệt vọng.

    Bắt đầu bằng tình yêu, bằng sự cảm phục tài năng của Giang - một họa sĩ nhưng những ngày vui thật ngắn ngủi. Giang nổi tiếng và lao vào kiếm tiền, rồi ngày càng sa đọa, bê tha. Nhiều lần, Giang cố thoát khỏi những cạm bẫy, nhiều lần Hà muốn tha thứ nhưng Giang đã xuống quá thấp, thấp đến nỗi không thể gượng lại. Họ bắt đầu những cãi cọ, sỉ vả nhau: “Em chưa từng thấy ai quái gở như anh/ Anh chưa từng thấy ai thô bạo như em…Cô không phải là đàn bà/ Vì anh có phải là ông đâu…Đâu có bỏ đi dễ dàng như ở quán trọ thế được/ Anh cũng đâu có coi đây là tổ ấm của một gia đình…”. Rồi, trong cơn giận dữ, Giang đã xé nát những bức tranh anh vẽ trong thời gian hạnh phúc, bằng tình yêu nghệ thuật và tình yêu lứa đôi: “Cô tiếc chớ gì. Nó là của tôi, không phải của cô đâu. Tiền không cả đấy. Nhưng tôi chẳng cần đâu, cũng như tôi không cần cô vậy” Và Hà đã ra đi dù chưa biết nơi đến (Biến tấu).

    Như (Cầu vồng đen) là người phụ nữ của tình yêu. Cô yêu và luôn ý thức tìm mọi cách để “sở hữu” người mình yêu. Cô sửa sang nhà cửa, chăm lo bếp núc, cô “cảnh giác” với những mối quan hệ cũ của anh, cô muốn có con như một sự ràng buộc vững chắc… Nhưng có một điều cô không hiểu và vì thế mà mối tình của họ tan vỡ. Đó là những dằn vặt của một nhà báo muốn được làm nghề đàng hoàng, là khao khát tự do: “Tự do. Đúng là thứ anh đang cần. Nhưng không phải do em ban cho đâu. Không người nào được đặt mình cao hơn nó”.

    Cuộc chung sống bất đắc dĩ giữa Anh và Nàng, một nhân viên kỹ thuật ở phòng khám và một người phụ nữ héo úa sau những cuộc hôn nhân thất bại (Bài hát chim nhồng xanh) lại diễn ra một cách khác. Không có tình yêu, lại nghèo khó, mỗi ngày sống của họ trôi qua trong gắng gượng. Cả đứa con cũng không đem lại niềm vui. Lời hát ru con từng khiến anh cảm động giờ đã trở nên buồn thảm, rời rã, thậm chí khiến anh bực bõ. Để cứu vãn, Nàng đã chọn một phương cách thật bi thảm: nàng nói dối rằng phải phục vụ một lão già giàu có, trong khi thực tế, nàng vào một nhà chứa, có con nhồng ra rả nói những câu quái gở, thô tục…

    Câu chuyện kết thúc khi anh nhìn người vợ nằm ngủ trong tư thế hớ hênh rồi thốt lên câu chửi  “Đồ đĩ”. “Từ trong thâm tâm, anh biết mình là người thua cuộc. Anh đã bị mài mòn đến mức có thể chấp nhận tất cả”.

    Mối tình đẹp nhất, say đắm nhất, mãnh liệt nhất chinh là mối tình của hai nhân vật trong Không thời gian. Họ quen nhau trong một tình cảnh ngặt nghèo. Anh phải chăm sóc người cha loạn trí vì rượu chè, luôn đói ăn. Cô phải chăm nom đứa em gái sống thực vật vì uống thuốc tự tử sau mối tình bất hạnh. “Mỗi tuần có một lần nàng được bay lên vào tối chủ nhật, khi đến với anh… Nàng mặc sức cho anh vuốt ve âu yếm, hưởng thụ cơn mê say cuồng nhiệt từ anh, nhập vào nỗi điên rồ hạnh phúc chỉ có ở những người tin chắc rằng tình yêu của mình là duy nhất… Họ cứ đứng ôm nhau như thế, tìm lại thân thể người yêu và thân thể mình sau một tuần thất lạc…”.

    Tình yêu, đó là thứ duy nhất giúp họ vượt qua cuộc sống cực nhọc, cay đắng của những người nghèo khó đang lâm vào cảnh khốn cùng. Nhưng Tình yêu đã bị giết chết một thảm khốc: Người cha điên loạn đốt nhà, chết trong lửa và chàng trai bị thương nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện. Giờ đây “Nỗi buồn của nàng còn lớn hơn tất cả những tháng ngày vừa qua cộng lại”.

    Đối mặt với sự khốc liệt, tàn nhẫn của cuộc sống là một thách thức mới, cũng có thể nói là một sự trưởng thành với Ngô Thị Kim Cúc, mà, Không thời gian là một ví dụ. Nhưng có lẽ, Thú quý mới là truyện ngắn được đẩy đến cùng của sự đối mặt này.

    Côn là kẻ nuôi dạy và mua bán khỉ.Với lũ khỉ, Côn “đã dựng lên một xã hội người bộc lộ tất cả sự khôi hài thảm hại”. Để lũ khỉ có hình hài kỳ quặc, Côn cho chúng nhịn đói nhịn khát, Côn bắt lũ khỉ con phải rời vú mẹ sớm và dạy chúng làm trò. Côn cho chúng ăn mặc giống người rồi phong cho chúng những danh hiệu như giáo sư, triết gia, nữ ca sĩ, hoa hậu…  Và đem chúng ra chợ. Cuộc mua bán diễn ra thật nhộn nhịp. Kẻ rao giá, người mặc cả, kẻ chào mời, người chê bai… Thứ tiền tệ trao đổi là những đồng đô la…

    Côn không ngờ trò kinh doanh quái lạ của mình đã đẩy đứa con duy nhất đến tai họa. Đứa bé bắt chước những trò độc ác của người cha: nó lân la ngoài chuồng khỉ, nhử kẹo, nhử chuối cho lũ khỉ rồi đánh đập chúng khi chúng thò tay xin ăn. Kết cục, nó phải chịu sự trả thù của lũ khỉ. Nó bị lũ khỉ trói trên cây, nhét đầy lá vào miệng, may là chưa làm tổn hại tính mạng nó… Nhưng sau vụ đó, đứa trẻ trở nên điên loạn, suốt ngày gào khóc, đòi mua khỉ về để nó tiếp tục hành hạ…

    Truyện viết vào năm 1994. Mươi năm về trước hẳn không thể có truyện ngắn Thú quý - một truyện ngắn chỉ có thể ra đời trong bối cảnh xã hội “đời sống tiền bạc đã đánh thức bản năng, đã khơi dậy dục vọng”, theo cách nói của Lê Minh Khuê. Mặt khác, truyện là bằng cớ cho một bút pháp già dặn, vững vàng, sau mấy mươi năm cầm bút.

    16 truyện cho Truyện ngắn chọn lọc (2017) là sự khắt khe với chính mình của Ngô Thị Kim Cúc. Quá ít so với những gì chị có.  

    Tôi mong có một tuyển tập dày dặn của chị với nhiều truyện ngắn, với những bút ký văn học chân xác, giàu xúc cảm và những bài phỏng vấn, những bài điểm sách tiêu biểu. Nhưng dường như Ngô Thị Kim Cúc không bận tâm về điều này. Chị đang bận rộn với trang facebook của mình-  một trang báo luôn được các nhà văn, nhà báo, luật sư, các nhà khoa học tìm đến.

    Trong lời nói đầu của Ngọt như cà phê, Ngô Thị Kim Cúc cho rằng, tài năng của nhà văn “có lẽ bao gồm cả thái độ và nghệ thuật sống”. Trong thực tế. Ngô Thị Kim Cúc đã bỏ hẳn hai chữ “có lẽ”. Trên trang nhà của chị, những vấn đề thời sự lớn luôn hiện diện với một thái độ rõ ràng, dứt khoát bên cạnh những sự kiện văn học, những bài viết giới thiệu tác phẩm, tác giả có giá trị và… những bức ảnh tuyệt đẹp của chủ trang và do chủ trang bấm máy, với chiếc máy ảnh chuyên dụng của một nhà báo.

    Ý Nhi

    ___________________

    (*) Loại nhân vật đàn ông trí thức trong truyện ngắn Ngô Thị Kim Cúc có thể làm nên một chuyên luận thú vị. 



    ============



    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét