Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

đọc thêm (1) : " một nén nhang cho nhà văn Văn Quang [ i.e. Nguyễn Quang Tuyến 1933 - 2022 ] "/ Ngô Thị Kim Cúc / tphcm ] -- trích: http://vanviet.info>

 

Một nén nhang cho nhà văn Văn Quang

Ngô Thị Kim Cúc

image

Những bức ảnh được chụp vào buổi sáng ngày thứ năm 12 tháng 5/2016 khi một nhóm nhà văn tới thăm anh Văn Quang tại nhà riêng ở cư xá Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Có lẽ đó là những chân dung rất hiếm hoi của nhà văn Văn Quang với đồng nghiệp sau 1975, bởi anh hầu như không còn tham gia bất cứ sinh hoạt văn hóa văn nghệ đông người nào.

Anh đã rất vui tiếp đón bạn, trong căn hộ nhỏ nhưng gọn gàng, xinh xắn từ bàn tay chăm chút của người vợ sau cùng. Căn hộ thuộc một khu cư xá xây trước 1975, chủ nhà không ngăn vách mà chỉ phân định khu vực sử dụng qua việc bài trí đồ gỗ. Ngoài cùng là bộ xa lông tiếp khách, kế đó là bàn ăn, trong cùng là giường ngủ, ở đuôi giường là bàn-làm-việc của anh Văn Quang, nơi anh vẫn ngồi với chiếc máy tính. Theo lời chị Ngân, thì trừ giờ ăn và ngủ, thời gian trong ngày của anh thường chỉ để dán mắt vào màn hình, có lẽ do anh luôn muốn biết nhiều nhứt về cuộc sống khi không thể tự mình ra ngoài.

Trên tường ngoài những hình trang trí còn treo mấy chân dung của anh, trong đó có hai tác phẩm hội họa, một của Đinh Cường với dòng chữ “Văn Quang/cafe NT Diệu 26.7.2001” và một của Trịnh Cung với dòng chữ “Văn Quang nhìn bởi Trịnh Cung – những ngày từ bệnh viện Chợ Rẫy về – mắt còn nhìn chưa rõ – Sg tháng 6.2001”.

Chị Ngân vợ anh, vốn là bạn vong niên của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, và chính chị Thụy Vũ đã mai mối để anh Văn Quang và chị Ngân nên duyên chồng vợ. Trong những tháng năm cuối đời, các con đều đang ở nước ngoài, cuộc sống của anh Văn Quang hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của người vợ nhỏ hơn anh hai mươi tuổi.

Chị Thụy Vũ mỗi lần từ Lộc Ninh về Sài Gòn đều tạm trú tại nhà anh Văn Quang, lấy ghế xa lông làm giường ngủ. Tới bệnh viện nhận thuốc chữa ung thư, chỉnh sửa máy nghe dùng cho người điếc, thăm thú bạn bè…, chị đều nhờ chị Ngân đi cùng. Ngay cả khi toàn bộ tác phẩm trước 1975 được tái bản, chị Ngân cũng là “trợ lý” lo tất cả mọi việc, từ nhuận bút, sách tặng cho chị Thụy Vũ. Chị Ngân hay nói đùa: “Đã có sẵn ông cha già trong nhà, lại còn khuyến mãi thêm bà má già để được hầu hạ”.

Chị kể, có lần chị đi chợ, nhờ chị Thụy Vũ trông chừng anh Văn Quang, lúc anh Văn Quang đang rất ốm yếu, chỉ còn hơn ba mươi ký. Khi trở về, chị thấy anh Văn Quang đang nằm chèo queo dưới đất ngay bên giường ngủ, còn chị Thụy Vũ thì ngồi chống gậy trên xa lông, ngóng mặt ra cửa. Nguồn cơn là bởi lúc đó chị Thụy Vũ cũng mới gãy chân chưa lành, đi đứng lẩy bẩy phải chống gậy, nên thấy anh Văn Quang ngã khi bước xuống giường mà không dám liều mạng nhào tới đỡ, sợ mình cũng sụm bà chè thành một cục hai người.

Khi còn đang gõ máy, chính anh Văn Quang là người đã viết bài đầu tiên đăng trên một tờ báo hải ngoại, kể về cuộc sống rất khó khăn của năm mẹ con chị Thụy Vũ, trong đó có bé gái sống đời thực vật do bị té ngã khi còn nhỏ. Từ bài báo của anh, những người quen biết cũ đang ở nước ngoài đã tìm cách giúp đỡ mẹ con chị Thụy Vũ vượt qua nghịch cảnh. Chị Thụy Vũ luôn nhắc đi nhắc lại một cách tâm huyết: “Đâu ngờ chính đứa con bất hạnh nhứt, đứa con tưởng chỉ đem lại xui xẻo khổ cực cho cả nhà lại là đứa đem tiền về nuôi cả gia đình”.

Mỗi lần chị Thụy Vũ về Sài Gòn, ghé thăm chị, tôi lại có dịp chuyện trò với anh Văn Quang. Tôi kể anh nghe chuyện chị tôi đã mua cuốn tiểu thuyết Chân trời tím in lần đầu năm 1964 của anh, mà tôi còn nhớ rõ bìa sách rất đẹp. Lúc đó tôi chưa đọc vì còn nhỏ, lớn hơn chút nữa tôi mới đọc và còn coi cả phim được thực hiện từ tiểu thuyết này. Anh rất vui, kết bạn FB với tôi và cho tôi link để vào đọc lại tiểu thuyết Chân trời tím, coi phim Chân trời tím trên mạng.

FB của anh lấy tên thật là Nguyễn Quang Tuyến hầu như chẳng mấy khi post thông tin, chắc chỉ dùng để đọc/theo dõi thông tin từ những người khác.

Những năm gần đây, anh càng ngày càng yếu, như một ngọn đèn sắp cạn hết dầu. Anh không chịu ăn, có lẽ do hệ thống tiêu hóa không còn muốn làm việc, nên trọng lượng chỉ còn ba mươi ký. Những khi gặp mặt, tôi nửa đùa nửa thật bảo anh: “Anh ráng ăn cho khỏe để còn sống với chị Ngân, không được bỏ chị Ngân lại một mình”. Anh chỉ nhìn tôi với vẻ mặt buồn, không nói gì…

Nói thì nói vậy, nhìn anh thì biết ngày chia tay cũng chẳng còn xa. Gần đây, sức khỏe chị Ngân cũng xấu đi, chị phải nhờ đứa cháu dưới quê lên chăm sóc anh. Đứa cháu buổi tối ngủ trên xa lông, nên chị Thụy Vũ không còn ghé lưu trú ở nhà anh chị vì không cón chỗ ngủ. Hai năm dịch dã căng thẳng, những người già yếu như anh Văn Quang càng cô đơn vì bản thân không thể ra khỏi nhà, cũng chẳng mấy người ghé thăm vì sợ mang virus tới chỗ anh.

Có lẽ anh đã cố gắng tới tận ngày cuối cùng/giây phút cuối cùng, tới những giọt dầu/giọt sống cuối cùng…

Buổi sáng ngày 16/3/2022, chị Ý Nhi Tử Diệp và anh Dũng Hoàng đã đi viếng anh ở chùa Vĩnh Nghiêm, còn tôi lục trong máy tính, tìm những bức ảnh sáu năm trước, viết những dòng này, như một nén nhang tâm thành của một người đọc, người cầm bút thế hệ sau, với tất cả nỗi tíếc thương dành cho một người cầm bút, là một mảnh ghép nhỏ đã góp phần tạo nên diện mạo chung của văn chương nghệ thuật miền Nam/văn chương nghệ thuật Sài-Gòn-xưa/Sài Gòn cũ…

Nguyện cầu cho nhà văn Văn Quang sớm tìm được chốn-an-vui ở cõi Vĩnh hằng…

………………………………………

*Nhà văn Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình.

Ông tốt nghiệp Trường Bộ binh Thủ Đức, làm báo quân đội và cuối cùng là quản đốc Đài Phát thanh Quân đội của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1987, sau 12 năm “học tập cải tạo”, ông không đi Mỹ theo diện HO mà ở lại Sài Gòn, cộng tác với những tờ báo, cơ quan xuất bản hải ngoại với loạt phóng sự Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ Sự, Lên đời…

Tác phẩm văn chương nổi trội nhứt của ông là tiểu thuyết Chân trời tím, được Thái Lai xuất bản tại Sài Gòn 1964 (năm 2004 được Tủ sách Tiếng Quê hương tái bản tại Hoa Kỳ).

Tác phẩm đã được dựng thành phim bởi đạo diễn Lê Hoàng Hoa với hai diễn viên chính là Hùng Cường, Kim Vui.

Nhạc phim là các bài hát Nửa hồn thương đau và Người đi qua đời tôi của Phạm Đình Chương do Thái Thanh hát.

Phim đã được ba giải vàng Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 1971, trong đó có giải Nữ tài tử chính xuất sắc nhất cho Kim Vui.

Phim còn đoạt Giải nhất về Nghệ thuật tại Liên hoan phim Á châu, Đài Bắc – 1971 (Best Artistic Expression Award from the Asian Film Festival)

 

1.DSC_0020 - Copy - Sao chép

Nhà văn Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến và một vật bất-ly-thân: điện thoại di động…

2.DSC_0001 - Copy - Sao chép

Những người khách sáng tháng 5/2016

Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Thái, Ý Nhi Tử DiệpKim Cúc Ngô Thị (trái qua)

Nguyễn Khắc Nhân, ban thư ký tòa soạn nhựt báo Tiền Tuyến và chủ nhà Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến, cựu quản đốc Đài Phát thanh Quân đội Sài Gòn (trái qua)

3.DSC_0003 - Copy - Sao chép

Các anh chị Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Khắc Nhân, Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến, Ý Nhi Tử Diệp, chị Ngân

4.DSC_0048 - Sao chép

Các anh chị Văn Quang Nguyễn Quang TuyếnNguyễn Viện, Nguyễn Quốc Thái, Ý Nhi Tử Diệp, Nguyễn Khắc Nhân

(từ trái qua)

5.DSC0193 - Sao chép

Hai người bạn vong niên: nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ và chị Ngân, hiền nội của nhà văn Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến, ở NXB Hội Nhà văn, mừng tác phẩm của chị Thụy Vũ được tái bản toàn bộ

(trái qua)

6.DSC_0005 - Copy - Sao chép

Các anh Nguyễn Khắc Nhân, Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Thái

(từ trái qua)

7.DSC_0065 - Sao chép

Các anh Nguyễn Khắc Nhân, Nguyễn Viện, Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến

(trái qua)

9.DSC_0060 - Sao chép

Nhà văn Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến

Sau lưng anh là giường ngủ, và ở đuôi giường là bàn viết của anh

11.DSC_0074 - Sao chép

Chân dung Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến qua nét vẽ Đinh Cường với dòng chữ "Văn Quang- Cafe NTDiệu 26.7.2001

10.DSC_0078 - Sao chép

Chân dung Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến qua nét vẽ của Trịnh Cung với dòng chữ “Văn Quang nhìn bởi Trịnh Cung – những ngày từ bệnh viện Chợ Rẫy về – mắt còn nhìn chưa rõ – Sg tháng 6.2001”

AVATAR

Avatar của FB Nguyễn Quang Tuyến



========================



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét