Bài TỰA cho tập thơ Cao Mỵ Nhân
VÕ THẠNH VĂN
Nhà thơ Cao Mỵ Nhân
Viết là một cái nghiệp (thi nghiệp, văn nghiệp, sáng nghiệp). Goethe: “Viết là bận rộn tâm thức” (Gotz von Berlichinggen). Tâm thức là thức nghiệp. Sáng tạo là đắn đo, tư lường. Suy tư là đi thẳng vào thức nghiệp. Vùng vẫy trong thức nghiệp là nghiệp chướng. Không thoát khỏi nghiệp chướng là nghiệp dĩ, nghiệp dư, nghiệp trái. “Trái tim em muộn sầu / Suốt đêm dài tưởng nhớ / Ôi trái tim nhiệm mầu / Chắt chiu cuộc tình lỡ” (CMN, Trái Tim Vui). Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ vào nghiệp lực. Nghiệp lực ảnh hưởng nhiều ít bởi nghiệp nhân, nghiệp duyên. Đi vào chánh nghiệp: hạnh phúc. Sa vào tà nghiệp, oan nghiệp: đau khổ. “Đường tình xa tít mù khơi / Người tình rồi sẽ ngủ vùi trong thơ...” (CMN, Trăm Năm Nụ Cười). Đau khổ là hoả nghiệp. Đó là điều tất yếu. Đó là hệ luận nhân quả.
Cao Mỵ Nhân đã viết, đã sáng tác, đã sáng tạo. Cao Mỵ Nhân làm thơ rất sớm, đủ mọi thể loại, từ những thập niên 60. Cao Mỵ Nhân viết liên tục, không mỏi mệt, không ngừng nghỉ. “Không gian nào huyễn ảo / Ủ xác bướm trong thơ...” (CMN, Tồn Tại). Thơ Cao Mỵ Nhân như nước chảy, như mây trôi, như hành vân, như lưu thuỷ. Nước chảy từ trái tim, mây trôi từ khối óc, hành vân từ tài hoa khắc cốt, lưu thuỷ từ máu huyết cha ông. “Tịnh ngôn hoa cõi vô minh / Nở trên thân phận người tình huyễn hư / Anh tìm trong cuộc lãng du / Dáng em mờ ảo cũng vừa trăm năm..." (CMN, Tịnh Ngôn Hoa). Thơ là tất cả. Thi nhân đích thực không sống vì thơ, nhưng, sống cho thơ. Một nghệ thuật vị nghệ thuật. Đối với Cao Mỵ Nhân, làm thơ là một thi trái. Viết là trả nợ con tim.
Ngòi bút Cao Mỵ Nhân đã thành danh từ đấy. Ngòi bút tài hoa trác lạc ấy không màu mè, không làm duyên, không điệu hạnh, không se sua, không phe nhóm, không tự kỷ, không cao ngạo, không bon chen, không khoác lác. “Suốt ngày canh nhịp tim sai / Nghe như có tiếng thở dài trong thơ" (CMN, Tim Và Anh). Thơ Cao Mỵ Nhân bình dị, tự nhiên, thân ái, gần gũi, tha thiết, vì người, vì đời, vì tình yêu. Tình yêu thiên thiên, non nước, tha nhân đã là nguồn mạch thi hứng. “Phải thật tình yêu rừng / Mới cuốc núi trồng hoa / Phải thật tình yêu người / Mới thích thú làm thơ...” (CMN, Quên Mau Quá Khứ). Quintilian: “Điều hoàn hão nhất của một tác phẩm là sự gói ghém, phong kín.” Nghĩa là ý tại ngôn ngoại. Nghĩa là thi nhân xử dụng hư bút. Điều quan trọng là điều chưa (hoặc không) nói ra. Bởi tất cả những thứ ấy đã đúc kết thành phong cách thi nhân.
Riêng trong lãnh vực thơ thì thi ngôn, thi ngữ, thi cách, thi vần, thi luật, thi pháp… là những điều mà bất cứ người làm thơ nào (kể cả bọn thi nô) cũng có thể có và mài dũa được. Nhưng, điều khác nhau giữa những người làm thơ là cái thi hứng, thi tứ, thi liệu, thi tố… “Trăng hạ tuần buồn lắm / Mầu nhạt như lòng ai / Em đầy hồn mê đắm / Thương sắc hoa tàn phai... // Nơi rặng núi mùa xuân / Có hoa phù dung trắng / Dưới trăng, người bâng khuâng / Thơ em càng hoang vắng" (CMN, Quên Một Mùa Xuân). Tất cả những điều nầy tạo ra thi vị đặc thù của bậc thi nhân. Đó là phong thái riêng của một ngòi bút. Đó là cái mà người Pháp gọi là style (cung cách, phong cách… Style c’est l’home). Đó là bút pháp riêng tư. Tất cả những yếu tố riêng tư trên đã tạo thành dáng dấp tao nhân và tâm tình mặc khách của Cao Mỵ Nhân.
John Ruskin: “Tác phẩm được sáng tạo bởi những tâm hồn nhạy bén và cao thượng.” Horace (Ars Poetica): “Thơ là người thầy đầu tiên của nhân loại.” Đức Vạn Thế Sư Biểu lại nói: “Bất học thi, vô dĩ ngôn.” (Không học thơ, không có lời để nói). [Bài học Khổng Tử đã dạy Bá Ngư]. Bởi thi ca là nguồn cảm hứng đầy thần lực đem lại sức mạnh tinh thần và ý chí nuôi dưỡng nhân tính và là nguồn gốc của mọi sáng tạo.
“Căn nhà cũ đã bao lần mở cửa
Còn bao lần đổ vỡ với hoang liêu
Người đến đây tuổi tác xót xa nhiều
Men tường xám đi tìm khung kỷ niệm
Đàn dơi vỗ cánh bay không dấu diếm
Một bàn tay dang dở chép thơ tình
Tên một người chưa kịp nhớ đã quên
Và khi đó, nắng xanh ngời ma quái
Hồn liêu trai đã nhuộm màu môi tái
Mắt ai nhìn hoảng hốt ánh đam mê
Trăm lần đi, căn nhà cũ, lại trông về
Vì vẫn có một bàn tay đón đợi...”
(CMN, Trông Về).
Hưng ư thi là thế.
Montaigne (Essay I): “Làm thơ dễ hơn hiểu thơ.” Người Việt biết làm thơ, dĩ nhiên, nhưng lại càng hiểu thơ hơn dân tộc nào khác. “Ôi, cuộc sống này rất mến yêu / Tại sao Thượng Đế chẳng nuông chiều / Cho ta suy gẫm về ân sủng / Một chút nơi Ngài, thật hắt hiu” (CMN, Tiếng Đập Của Trái Tim). Hãy nhìn vào gia tài khổng lồ của kho tàng ca dao, tục ngữ, phong dao, đồng dao… của dân tộc qua bao niên đại, chúng ta sẽ thấy được ưu việt về làm thơ và hiểu thơ của dòng máu Việt tộc từ cha ông chúng ta. Cha ông chúng ta đã dựng nước, giữ nước, chống xâm lăng, xây đắp xã hội, giáo dục con cháu… bằng thơ. Thậm chí người Mẹ Việt Nam ru con cũng bằng thơ. “Từ đi, nắng chiếu vườn xưa / Giờ về, ngại cảnh gió mưa điêu tàn" (CMN, Hạ Buồn). Wordsworth (Preface to The Lyrical Ballads): “Thơ là đá tảng chống đỡ cho nhân loại.” Người dân Việt có hiểu thơ thì thơ văn mới trường tồn. Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn.”
Một học giả tây phương, Règles Douglas, sau khi đọc Truyện Kiều và Ca Dao dân gian của chúng ta, đã tuyên bố: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thi sĩ.” Quả thật như thế. Nếu dân tộc Trung Hoa là dân tộc mưu sĩ, dân tộc Nhật Bản là dân tộc hiệp sĩ, dân tộc Ấn Độ là dân tộc đạo sĩ, dân tộc Hy Lạp là dân tộc lực sĩ… thì dân tộc Việt Nam chắc chắn phải là dân tộc thi sĩ.
“Kiếp xưa ta có gặp nhau
Vội vàng quá, khiến quên câu giã từ
Bây giờ bỗng thấy trong mơ
Bóng anh đang thả lưới tơ êm đềm
Em theo sương khói đi tìm
Từ nguồn xưa tới những miền nước xa
Từng cơn lũ lụt phong ba
Lưới tơ anh vẫn thả ra cuối trời
Theo anh tưởng trọn đường đời
Trái tim e cũng cạn lời nỉ non
Núi cao, biển rộng, lòng son
Nhớ thương triều cạn, mỏi mòn hướng đi
Kiếp xưa chưa có từ ly
Đời nay chia biệt cả khi xum vầy
Thế là tình cũng phủ mây
Bóng anh thấp thoáng nhưng đầy hồn em...”
(CMN, Từ Tiền Kiếp).
Cao Mỵ Nhân thừa hưởng dòng máu thi sĩ chính thống, từ nòi giống, từ cha ông, từ tim phổi. Bởi đó, Cao Mỵ Nhân hẳn có thi cốt, vì, thơ chảy trong huyết quản, trong từng tế bào của thi nhân.
Cao Mỵ Nhân làm thơ để phụng hiến, qua đức khiêm hạ và lòng nhân ái. Các thi nhân và triết gia hữu thần (như: Dante, Allston, Schlegel, Heine, Willis, Bulwer, Joubert, Delsarte, Schopenhauer, Schiller, Anna Jameson, J. Brown, Lessing, Emerson, H. James, Blaikie, JG. Holland, Henry Martyn, Rochefoucauld, Burke, Robertson, Goldsmith, Shakespeare, OW. Homes, Young…và nhiều nhiều nữa) đều đồng ý: “Mục đích tối thượng của thi ca là để xiển dương thiên nhiên và tình người.” Hãy đọc nguyên bài thơ sau đây:
“Phải thật tình yêu rừng
“Mới cuốc núi trồng hoa
“Phải thật tình yêu người
“Mới thích thú làm thơ...
“Tại sao người làm thinh
“Nhìn hoa từ đá nở
“Nụ hoa vàng thật xinh
“Sao người như sầu khổ
“Người tìm gì trong hoa
“Phải một bài thơ nhỏ
“Hay cuộc tình trôi qua
“Đã khát khao nỗi nhớ
“Phải thật tình yêu người
“Như rừng thương đá vỡ
“Phải thật tình yêu đời
“Mới quên mau quá khứ...
(CMN, Quên Mau Quá Khứ).
Cao Mỵ Nhân làm thơ từ tuổi mười lăm mười ba. Thi nhân làm thơ suốt một đoạn đường dài thăng trầm của cuộc đời, của vinh nhục tổ quốc, của máu xương phục vụ quê hương, của đường dài lưu vong biệt xứ. “Trái Tim sầu muộn / Thương nhớ hong khô / Cuộc tình trừu tượng / Đam mê hồn thơ // Em vẫn mộng mơ / Sao anh lặng lẽ / Ta cùng bơ vơ / Bên trời dâu bể" (CMN, Trái Tim Trừu Tượng). Cao Mỵ Nhân vẫn đang làm thơ. Nghĩa là, vẫn rút ruột, vẫn vắt nặn ưu tư, vẫn đêm thao thức trắng, vẫn ngày quằn quại nỗi bi thống cho kiếp nhân sinh “linh ư vạn vật” của kiếp người. “Nhưng trái tim em / Suốt đời tươi mát / Mà sao tia nhìn / Nhạt nhoà nước mắt" (CMN, Trái Tim Trừu Tượng). Và thơ còn chảy mãi từ trái tim bén nhạy nỗi đời của thi nhân. Kiếp tằm nhả tơ. Kiếp ong mữa mật. Nghiệp thi nhân chỉ biết làm thơ. Xuân tầm đáo tử ty phương tận. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Longfellow (A Psalm of Life): “Thời gian rồi sẽ trôi qua, nhưng thi ca vẫn trường tồn miên viễn.”
Võ Thạnh Văn
Phù Hư am, Sacramento, CA
Tháng 8/2016.
===================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét