Nếu tôi phải làm một tuyển tập những truyện ngắn hay nhất ở hải ngoại sau năm 1975, trong số các tác phẩm được chọn, nhất định phải có truyện ngắn “Tự truyện một người vô tích sự” của Nguyễn Xuân Hoàng. Đó là một cuốn tiểu thuyết được nén lại thành một truyện ngắn. Nó rất cô đọng và vì cô đọng nên vô cùng mạnh mẽ. Nó là một thứ bonsai. Lại là thứ bonsai không có hoa, thậm chí, không có lá. Chỉ có cành thôi. Cành, xương xẩu và gai góc, đâm tua tủa nhưng nhìn chung, lại theo một trật tự khá hài hoà. Không những hay, đó là một trong những truyện ngắn tiêu biểu; ngay trong nhan đề, đã thâu tóm được hai yếu tố vốn là đặc trưng nổi bật nhất trong phong cách của Nguyễn Xuân Hoàng: “tự truyện” và “vô tích sự”.
Theo tôi, mọi tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng, từ truyện dài đến truyện ngắn, đều bàng bạc tính chất tự truyện. Đã đành tính chất tự truyện, với những mức độ nhiều ít khác nhau, rất dễ tìm thấy ở hầu hết các tác giả văn xuôi, nhưng có lẽ ít có ở đâu, nó lại nhiều và đậm đặc như ở Nguyễn Xuân Hoàng. Ở phương diện này, Nguyễn Xuân Hoàng rất gần với Mai Thảo: Các nhân vật nam trong tác phẩm của cả hai thường là những người đàn ông đẹp trai, hào hoa và đào hoa. Chỉ khác một điểm: bao quanh các nhân vật ấy, ở Mai Thảo, là một không khí thấp thoáng màu sắc lãng mạn chủ nghĩa, với những tình yêu nhiều say đắm; ở Nguyễn Xuân Hoàng, lại có chút hiện sinh chủ nghĩa, lúc nào cũng xa cách, chán nản, dửng dưng, nói chung, “vô tích sự”.
Trong tiểu thuyết truyền thống, các nhân vật thường theo đuổi một cái gì đó hay ít nhất cũng làm một cái gì đó, một cách lý thú hay dằn vặt khổ sở. Ngay cả Chí Phèo cũng làm một cái gì đó, chẳng hạn, đòi nợ và ăn vạ; sau đó, cũng theo đuổi một cái gì đó, chẳng hạn, tình yêu với Thị Nở; và một ước mơ, ước mơ làm một người lương thiện. Ngay anh Bốn Thôi trong truyện của Võ Phiến, tuy bị bệnh bất lực, cũng không ngớt theo đuổi mùi hương của phụ nữ, hết cưới người vợ này đến cưới người vợ khác để lại nhìn cảnh hết người này đến người khác lần lượt ra đi hoặc, nếu không, cũng ngoại tình. Nhân vật các nhà văn khác, bao gồm hầu hết các nhà văn hiện thực, và nhất là, hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì lúc nào cũng hùng hục tranh đấu và phản – tranh đấu.
Còn nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng? Thường, họ chẳng làm gì cả. Họ có nghề nghiệp, có tiền bạc, có điều kiện để đi cà phê, đi nhảy đầm, đi du lịch, nhưng dường như họ chẳng gắn bó gì với công việc của họ. Họ là thường là những trí thức hay trăn trở về thời cuộc nhưng dường như họ không bao giờ có được một lựa chọn nào thật dứt khoát. Họ sống lãng đãng, bềnh bồng bên trên dòng chảy của thời cuộc nhưng không bao giờ cố tình bơi ngược hay lặn sâu xuống đáy. Họ hay triết lý nhưng hầu hết đều chỉ triết lý vặt, không theo đuổi hay say mê bất cứ một hệ thống tư tưởng nào. Họ có nhiều tình nhân, thường ăn nằm với các tình nhân ấy, nhưng cũng không thực sự tha thiết lắm. Họ, nói theo chữ của Nguyễn Xuân Hoàng, như những “người đi trên mây”. Tất cả đều phù phiếm. Phù phiếm từ cảm xúc đến ý nghĩ và hành động. Không có gì thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội hay văn hoá. Mọi thứ đều lơ mơ, phất phơ.
Ngay trong sổ tay thường đăng trên tạp chí Văn trước đây, Nguyễn Xuân Hoàng cũng chỉ quan tâm đến những điều có vẻ như khá phù phiếm. Sổ tay là một hình thức bút ký. Bút ký vốn là một thể loại mang tính báo chí, và với tư cách báo chí, nó gắn liền với thời sự; mà bản chất của thời sự là sự kiện, là biến cố. Sổ tay của Nguyễn Xuân Hoàng lại rất ít biến cố. Chúng toàn là những chuyện hết sức bâng quơ và vu vơ. Đọc các bài gọi là sổ tay ấy, chúng ta không mấy khi thấy bức tranh mang tính xã hội học của văn học. Chúng ta thường chỉ bắt gặp một số cảm nghĩ thoáng hiện nhẹ nhàng. Chúng không phải là những tư tưởng lớn, đã đành. Chúng cũng không liên thông được với một hệ thống tư tưởng lớn nào cả. Chúng lửng lơ. Chúng chơi vơi. Chúng hoàn toàn có tính phù phiếm.
Ở trên, tôi cố tình lặp đi lặp lại chữ “phù phiếm” nhiều lần. Nhưng xin đừng lẫn lộn tính phù phiếm với sự hời hợt. Hời hợt liên quan đến tầm tư duy trong khi phù phiếm liên quan đến ý nghĩa văn hoá. Hời hợt là một khuyết điểm trong khi phù phiếm là một chọn lựa; trước hết, đó là sự lựa chọn một thế đứng: ngoại cuộc; sau nữa, một cách sống: hờ hững; cuối cùng, một giọng điệu: lạnh nhạt. Hai chọn lựa đầu có thể tìm thấy ở khá đông trí thức ở miền Nam trước 1975. Nhưng, ít nhất trong giới cầm bút, không có mấy người đi tiếp đến chọn lựa thứ ba. Nguyễn Xuân Hoàng là một trong số ít ấy. Bằng một giọng văn cố tình tiết chế cảm xúc, ông biến sự phù phiếm từ một trạng thái sống thành một phong cách văn học, ở đó, tính chất phù phiếm bỗng dưng có sức nặng của sự khái quát: Nó thể hiện được tâm trạng của một thế hệ bất lực trước vô số các xung đột dữ dội hầu hết đều vượt ra ngoài tầm nhận thức và kiểm soát của họ. Trong ý nghĩa đó, tính chất phù phiếm, ở Nguyễn Xuân Hoàng, là một phát hiện; trước hết, đó là một phát hiện mang tính lịch sử: nhận diện đặc điểm tâm lý của một thời đại, sau nữa, một phát hiện mang tính mỹ học: biến phù phiếm trở thành một cái đẹp: cái đẹp của sự phù phiếm. Giống cái đẹp của mây. Hay, đúng hơn, của khói.
Sau này, khi bao nhiêu sóng gió của thời cuộc lắng xuống, bình thản hơn, nhìn lại giai đoạn 1954-75 cũng như sau đó, biết đâu người ta sẽ thấy không phải chỉ có những “mùa lũ” hay những “mùa biển động” như những nhan đề hai bộ trường thiên tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác mà còn có, bên cạnh đó, những khoảng trống, rất rộng, thuộc về thế giới của những “người đi trên mây”. Lúc nào cũng phất phơ, lơ mơ. Và lửng lơ.
Như khói.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Theo tôi, mọi tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng, từ truyện dài đến truyện ngắn, đều bàng bạc tính chất tự truyện. Đã đành tính chất tự truyện, với những mức độ nhiều ít khác nhau, rất dễ tìm thấy ở hầu hết các tác giả văn xuôi, nhưng có lẽ ít có ở đâu, nó lại nhiều và đậm đặc như ở Nguyễn Xuân Hoàng. Ở phương diện này, Nguyễn Xuân Hoàng rất gần với Mai Thảo: Các nhân vật nam trong tác phẩm của cả hai thường là những người đàn ông đẹp trai, hào hoa và đào hoa. Chỉ khác một điểm: bao quanh các nhân vật ấy, ở Mai Thảo, là một không khí thấp thoáng màu sắc lãng mạn chủ nghĩa, với những tình yêu nhiều say đắm; ở Nguyễn Xuân Hoàng, lại có chút hiện sinh chủ nghĩa, lúc nào cũng xa cách, chán nản, dửng dưng, nói chung, “vô tích sự”.
Trong tiểu thuyết truyền thống, các nhân vật thường theo đuổi một cái gì đó hay ít nhất cũng làm một cái gì đó, một cách lý thú hay dằn vặt khổ sở. Ngay cả Chí Phèo cũng làm một cái gì đó, chẳng hạn, đòi nợ và ăn vạ; sau đó, cũng theo đuổi một cái gì đó, chẳng hạn, tình yêu với Thị Nở; và một ước mơ, ước mơ làm một người lương thiện. Ngay anh Bốn Thôi trong truyện của Võ Phiến, tuy bị bệnh bất lực, cũng không ngớt theo đuổi mùi hương của phụ nữ, hết cưới người vợ này đến cưới người vợ khác để lại nhìn cảnh hết người này đến người khác lần lượt ra đi hoặc, nếu không, cũng ngoại tình. Nhân vật các nhà văn khác, bao gồm hầu hết các nhà văn hiện thực, và nhất là, hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì lúc nào cũng hùng hục tranh đấu và phản – tranh đấu.
Còn nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng? Thường, họ chẳng làm gì cả. Họ có nghề nghiệp, có tiền bạc, có điều kiện để đi cà phê, đi nhảy đầm, đi du lịch, nhưng dường như họ chẳng gắn bó gì với công việc của họ. Họ là thường là những trí thức hay trăn trở về thời cuộc nhưng dường như họ không bao giờ có được một lựa chọn nào thật dứt khoát. Họ sống lãng đãng, bềnh bồng bên trên dòng chảy của thời cuộc nhưng không bao giờ cố tình bơi ngược hay lặn sâu xuống đáy. Họ hay triết lý nhưng hầu hết đều chỉ triết lý vặt, không theo đuổi hay say mê bất cứ một hệ thống tư tưởng nào. Họ có nhiều tình nhân, thường ăn nằm với các tình nhân ấy, nhưng cũng không thực sự tha thiết lắm. Họ, nói theo chữ của Nguyễn Xuân Hoàng, như những “người đi trên mây”. Tất cả đều phù phiếm. Phù phiếm từ cảm xúc đến ý nghĩ và hành động. Không có gì thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội hay văn hoá. Mọi thứ đều lơ mơ, phất phơ.
Ngay trong sổ tay thường đăng trên tạp chí Văn trước đây, Nguyễn Xuân Hoàng cũng chỉ quan tâm đến những điều có vẻ như khá phù phiếm. Sổ tay là một hình thức bút ký. Bút ký vốn là một thể loại mang tính báo chí, và với tư cách báo chí, nó gắn liền với thời sự; mà bản chất của thời sự là sự kiện, là biến cố. Sổ tay của Nguyễn Xuân Hoàng lại rất ít biến cố. Chúng toàn là những chuyện hết sức bâng quơ và vu vơ. Đọc các bài gọi là sổ tay ấy, chúng ta không mấy khi thấy bức tranh mang tính xã hội học của văn học. Chúng ta thường chỉ bắt gặp một số cảm nghĩ thoáng hiện nhẹ nhàng. Chúng không phải là những tư tưởng lớn, đã đành. Chúng cũng không liên thông được với một hệ thống tư tưởng lớn nào cả. Chúng lửng lơ. Chúng chơi vơi. Chúng hoàn toàn có tính phù phiếm.
Ở trên, tôi cố tình lặp đi lặp lại chữ “phù phiếm” nhiều lần. Nhưng xin đừng lẫn lộn tính phù phiếm với sự hời hợt. Hời hợt liên quan đến tầm tư duy trong khi phù phiếm liên quan đến ý nghĩa văn hoá. Hời hợt là một khuyết điểm trong khi phù phiếm là một chọn lựa; trước hết, đó là sự lựa chọn một thế đứng: ngoại cuộc; sau nữa, một cách sống: hờ hững; cuối cùng, một giọng điệu: lạnh nhạt. Hai chọn lựa đầu có thể tìm thấy ở khá đông trí thức ở miền Nam trước 1975. Nhưng, ít nhất trong giới cầm bút, không có mấy người đi tiếp đến chọn lựa thứ ba. Nguyễn Xuân Hoàng là một trong số ít ấy. Bằng một giọng văn cố tình tiết chế cảm xúc, ông biến sự phù phiếm từ một trạng thái sống thành một phong cách văn học, ở đó, tính chất phù phiếm bỗng dưng có sức nặng của sự khái quát: Nó thể hiện được tâm trạng của một thế hệ bất lực trước vô số các xung đột dữ dội hầu hết đều vượt ra ngoài tầm nhận thức và kiểm soát của họ. Trong ý nghĩa đó, tính chất phù phiếm, ở Nguyễn Xuân Hoàng, là một phát hiện; trước hết, đó là một phát hiện mang tính lịch sử: nhận diện đặc điểm tâm lý của một thời đại, sau nữa, một phát hiện mang tính mỹ học: biến phù phiếm trở thành một cái đẹp: cái đẹp của sự phù phiếm. Giống cái đẹp của mây. Hay, đúng hơn, của khói.
Sau này, khi bao nhiêu sóng gió của thời cuộc lắng xuống, bình thản hơn, nhìn lại giai đoạn 1954-75 cũng như sau đó, biết đâu người ta sẽ thấy không phải chỉ có những “mùa lũ” hay những “mùa biển động” như những nhan đề hai bộ trường thiên tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác mà còn có, bên cạnh đó, những khoảng trống, rất rộng, thuộc về thế giới của những “người đi trên mây”. Lúc nào cũng phất phơ, lơ mơ. Và lửng lơ.
Như khói.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét