"nữ sĩ Cao Mỵ Nhân [ 1939- ] ra mắt thi phẩm' Nhịp Tim Thơ '" / Văn Lan -- trích : www.nguoi-viet.com>
Tuesday, May 10, 2022
Nữ sĩ Cao Mỵ Nhân ra mắt thi phẩm ‘Nhịp Tim Thơ’
Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Chiều thơ nhạc ra mắt thi phẩm “Nhịp Tim Thơ” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân được tổ chức lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Hai tại, Trung Tâm Văn Hóa Minh Ðức, Westminster.
Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, trong phòng hội ấm cúng, buổi ra mắt có sự tham dự của giới thi hữu, những bạn bè lâu không gặp, và những người yêu thơ đến thưởng thức một chương trình thật phong phú trong sự giao hòa giữa thơ nhạc và trái tim rung động của người thưởng lãm.
Mở đầu chương trình, Giáo Sư Trần Mạnh Chi, đại diện nhóm Nhân Ảnh Tân Văn và ban tổ chức, nói đôi lời khai mạc.
Ông nói: “Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn có hoài bão là tạo một môi trường cho mọi giới văn nghệ sĩ có một sinh hoạt chung ở hải ngoại, trong những năm vừa qua, và nhận được sự ủng hộ đáng khích lệ từ mọi giới. Nhân dịp hôm nay ra mắt tập thơ ‘Nhịp Tim Thơ’ của nhà thơ Cao Mỵ Nhân, xin hân hoan chào đón tất cả thi hữu đến tham dự.”
Giáo Sư Dương Ngọc Sum được mời nói về thân thế và sự nghiệp nhà thơ Cao Mỵ Nhân.
Ông cho biết: “Ðể nói về một đề tài như thế này phải cần một quyển sách mới đầy đủ. Tuy năm nay đã quá thất thập cổ lai hy, nhà thơ vẫn tiếp tục hoạt động như thuở còn son trẻ.”
Ông cho biết nữ sĩ Cao Mỵ Nhân, tên thật cũng là bút hiệu, sinh tại Chapa, Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt Nam. Di cư vào Nam, cựu nữ sinh Trưng Vương. Cán sự xã hội Caritas. Cấp bậc sau cùng là thiếu tá QLVNCH.
“Vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc đời của dân tộc Việt Nam chia làm hai giai đoạn: Trước 1975 là giai đoạn no ấm, xây dựng tương lai, hưởng tự do hạnh phúc, và nếu có thi hành những nghĩa vụ thì đó là bổn phận công dân. Giai đoạn sau 1975 là sự sụp đổ, tất cả xáo trộn, không còn do chúng ta tự quyết định được. Cuộc đời nhà thơ Cao Mỵ Nhân cũng nằm trong nghiệt ngã đó,” giáo sư nói tiếp.
Ông thêm: “Sau 1975, Cao Mỵ Nhân cùng chung số phận với quân dân cán chính miền Nam, bị tù đày. Nhưng với ý chí mãnh liệt, bà đã đứng lên tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình cho đến ngày hôm nay.”
Tiếp theo, Giáo Sư Trần Huy Bích đưa ra một vài nhận định tiêu biểu: “Cao Mỵ Nhân làm thơ rất sớm, từ năm 13 tuổi, hơn 60 năm trước đây. Thơ của bà rất đẹp, hồn thơ dạt dào. Từ tình yêu lứa đôi đến quê hương đất nước. Về thơ tình yêu, lời thơ thật chân tình, ‘Ðừng viết bài thơ nào cả; Thơ tình thì phải… vô ngôn; Dẫu cho lệ rơi ướt má; Vẫn anh ngự trị tâm hồn.’ Trong bài ‘Nhịp Tim Thơ’ thì ‘Nhịp tim thơ thoắt nổi trôi; Em ngăn chẳng được bồi hồi, đong đưa; Lững lờ tiếng đập tim thưa; Tư dưng tình chuyển gió mưa mê cuồng.’”
Trong bài “Sau Lưng,” với những ẩn chứa nội tâm sâu thẳm, có đoạn “Sau lưng ta có ai đây; Muôn phương chiến hữu tháng ngày lưu vong; Trở về tạ lỗi non sông; Kính yêu tổ quốc mênh mông đất trời,” để rồi bừng lên một niềm tin mãnh liệt: “Sau lưng tan cuộc não nề; Bao nhiêu âm hưởng lê thê vô vàn; Giờ về khai hội Việt Nam; Chỉ toàn một sắc cờ vàng tung bay.”
Nữ sĩ Cao Mỵ Nhân nói rằng để nói về bà thì tất cả mọi người đã nói hết rồi, giờ bà chỉ còn có một chữ tình, xin đọc bài thơ “Tình Tuyệt Vọng,” do Khái Hưng dịch từ bài “Sonnet d’Avers” để tặng mọi người.
Sau giây phút hân hoan, mọi người cùng nhau chúc tụng và tặng hoa nhà thơ Cao Mỵ Nhân, chụp cùng bà một bức hình kỷ niệm nhân ngày ra mắt tập thơ. Cũng trong dịp này, bà ký tặng tập thơ “Nhịp Tim Thơ” cho các thi hữu và người đến tham dự.
Ðể nói về tác phẩm “Nhịp Tim Thơ,” nhà thơ Luân Hoán trong phần mở viết: “Thơ Cao Mỵ Nhân bây giờ là những nhịp điệu của trái tim, của tâm tình, của tỏ tình, của thất tình. Nhân tình của nhà thơ không chỉ là vóc dáng cân đo có trọng lượng, mà bao gồm những gì cỏ hoa có thể mọc được, chim cá muông thú có thể sinh tồn. Hơn thế nữa cõi sống hiển linh ấy, còn ấm áp tâm hồn của một chế độ giàu có thương yêu, tự do công bình. Chị Cao Mỵ Nhân chưa mất người tình sờ nắm, hôn hít được. Nhưng chị đang tạm vĩnh biệt với những người yêu dấu kia, đó là một sự thật. Trong mỗi nhịp bồi hồi của dòng thơ, nỗi nhớ thương luôn được trang trọng và chân tình tỏ bày. Ðây là một sự thành công rất đẹp trong thi phẩm mới nhất của nhà thơ Cao Mỵ Nhân.”
Với một bút lực dồi dào và tình yêu thơ bất tận, nhà thơ Cao Mỵ Nhân cho ra đời những áng văn, thơ như: Hoa Sao (1959); Thơ Mỵ (1961); Chốn Bụi Hồng (1994); Thơ Mỵ (1997); Áo Màu Xanh (1999); Ðưa Người Tình Ði Tu (2001); Lãng Ðãng Vào Thu (2001); Sau Cuộc Chiến (2003); Quán Thơ Tháng Ngày Còn Lại (2009); Nhịp Tim Thơ (2016).
Tác phẩm “Nhịp Tim Thơ,” dày với 153 trang, do Nhân Ảnh ấn hành năm 2016, có những bài từ những vần thơ bốn chữ, đến điệu ngũ ngôn, cho đến thể lục bát, từ những tình yêu người, yêu đời cho đến tình quê hương đất nước, đều bàng bạc một tình yêu vô cùng, tất cả đều xuất phát từ một nhịp tim thơ bất tận.
Buổi ra mắt tập thơ có sự hiện diện của cựu Chánh Án Nguyễn Trọng Nho và phu nhân, Giáo Sư Vân Bằng; nhà thơ Thái Tú Hạp và phu nhân, bà Ái Cầm; nhạc sĩ Tuấn Khanh và phu nhân; nhà báo Phạm Quốc Bảo; nhà văn Nguyễn Quang và phu nhân, nhà thơ Minh Ðức Hoài Trinh; nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân; cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH; Giáo Sư Nguyễn Bá Thảo; ông bà cựu Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu; họa sĩ Lưu Anh Tuấn; Giáo Sư Lữ Bá Diệp; Giáo Sư Quyên Di, và nhiều văn nhân thi sĩ, cùng nhiều ca nhạc sĩ thân hữu giúp vui trong chương trình văn nghệ
nguồn: nguoi-viet.com>
===============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ