Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

" Quách Thoại, Giữa Lòng Cuộc Đời "/ Nguyễn Mạnh Trinh ( chết) / Mỹ -- trích : Người Tình Hư Vô

 


Quách Thoại, Giữa Lòng Cuộc Đời


 Nguyễn Mạnh Trinh





giualongcuocdoiSlide1

(Tác phẩm Giữa Lòng Cuộc Đời và chân dung nhà văn Quách Thoại qua góc nhìn Đinh Cường)

Một tập thơ, hai phận số. Giữa Lòng Cuộc Đời, ấn bản đầu tiên do nhà xuất bản của tạp chí Văn Nghệ in vào đầu thập niên 60. Hơn 60 năm sau, cũng tập thơ ấy lại được tái bản ở hải ngoại bởi nhà xuất bản Tiếng Quê Hương năm nay, 2014. Quách Thoại, một thi sĩ một đời thống khổ, làm thơ như một chứng nhân của thời thế và thơ chỉ được in sau khi đã từ trần. Ông chết rất trẻ khi vừa 27 tuổi và khi còn sinh tiền đã làm những câu thơ như tiên đoán số phận của mình:

“Mặt trời mọc

Mặt trời mọc

Rưng rưng màu hoa gạo

Lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo

Thì hồn tôi phảng phất chốn trăng sao

Để nhìn các anh

Như vừa gặp buổi hôm nào

Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo

còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo.”

Nhà văn Nguyễn Đức Sơn tức thi sĩ Sao Trên Rừng đã viết trên tạp chí Văn Nghệ 6 năm sau ngày Quách Thoại từ trần: “Quách Thoại là thi sĩ. Tôi nói gì về Quách Thoại? Ngày Quách Thoại chết đi là ngày tâm hồn tôi cũng vừa lớn. Một tuần sau khi Quách Thoại chết, tôi bỏ học lang thang, làm như mình là bạn thân và đồng lứa của chàng thi sĩ khổ đau kia cũng không bằng.” Và có một đêm thương xót đến vô cùng, anh chàng độc giả vô danh kia đã viết ra một trong những bài thơ đầu tiên trong đời chàng:

Tưởng Niệm Quách Thoại.

Tôi sắp tìm anh anh đi đâu

Sương vây chiều kín nghĩa trang sầu

Từ đây thôi muôn đời xa cách

Hai cõi ai làm thơ bắc cầu

Tôi sắp tìm anh anh đi đâu

Trăng sao vằng vặc sóng cao đầu

Đêm xưa tôi mãi nằm thao thức

Không biết trời kia có nhiệm mầu

Ai đã từng đau niềm sinh diệt

Mà cõi lòng không thương mến anh

Đôi bài thơ ngắn mà tha thiết

Một kiếp buồn cảm chuyện mong manh

Không biết từ đâu ta đến đây

Mang mang trời thẳm đất xanh đầy

Lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ

sống điêu linh và chết đọa đầy

Uất nghẹn vì đời đang dang dở

Sao vội đưa anh lên xe tang

Trăm năm một chuyến về thiên cổ

Tuế nguyệt buồn lay chút bụi vàng.

Theo tiểu sử thì nhà thơ Quách Thoại tên thật là Đoàn Thoại là con trai thứ ba trong gia đình có 6 anh chị em mà người cha là một công chức cao cấp. Người anh lớn là Đoàn Ân, nha sĩ. Anh kế là Đoàn Tường tức nhà văn Lý Hoàng Phong, chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ. Quách Thoại sinh năm 1930 tại Huế, khi 6 tuổi đã phải qua sống tại gia đình một người bác hiếm con yêu cầu và chỉ trở về sống trong gia đình khi 10 tuổi.

Năm 1948 khi vừa 18 tuổi, ông rời Huế vào Sài Gòn tham gia sinh hoạt báo chí và văn nghệ. Ông sáng tác văn xuôi và làm thơ nhưng đời sống rất bấp bênh và thiếu thốn. Ông bị mắc bệnh lao, một bệnh coi như vô phương cứu chữa vào thời kỳ ấy. Thành ra, hoàn cảnh đã đẩy ông vào một tâm trạng não nề, sinh kế khó khăn, Nhưng, ông cũng vẫn hăng hái sáng tác và đã hoàn thành 3 tập bản thảo thơ: Những Bài Thơ Tình Đầu Tiên, Giữa Lòng Cuộc Đời, Cờ Dân Chủ. Có lúc ông dự tính chọn cuộc sống tu hành, đi tu học để hành đạo. Đó cũng chính là lúc bệnh tình trở nên trầm trọng và phải vào viện bài lao ở nhà thương Hồng Bàng chữa trị. Tại đây, trong giây phút cuối trước khi lìa trần ông bày tỏ ý nguyện được rửa tội để trở thành con chiên của Chúa. Ông từ trần ngày 7 tháng 11 năm 1957.

Năm Quách Thoại 18 tuổi ông vào Sài Gòn chủ trương báo Nguồn Sống và cộng tác với các nhật báo Đoàn kết, Làm Dân. Năm 1955 viết cho báo Việt Chính của đại tá Cao Đài Hồ Hán Sơn, báo Người Việt của nhóm Người Việt của Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, và tạp chí Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo. Thơ của ông đăng rải rác trên các báo do ông chủ trương hoặc cộng tác nhưng chưa xuất bản được tập thơ nào.

Quách Thoại là một nhà thơ được kể là đứng trong nhóm Người Việt khi Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền chủ trương Lửa Việt, Người Việt. Về sau khi Người Việt đình bản thì ông cộng tác với tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo.

Nhà văn Thế Phong trong “Hàn Mặc Tử Quách Thoại, cuộc đời rướm máu- nhà thơ siêu thoát” có nhận xét: “Thơ ông có mạch sống của lề lối cảm nghĩ độc đáo, nhạc điệu tân kỳ, hồn thơ truyền cảm. Tình yêu đất nước, tình yêu đồng loại, cả hai hòa đồng tìm vẻ đẹp cho triết lý nhân sinh tiến bộ. Có thể nói là một loại thơ triết học của Tchernychevski’ égoisme raisonnable”. Ở Thoại tuy cuộc sống vô vàn cay độc; bệnh lao hành hạ, sinh kế eo sèo, lý tưởng chưa giải nghĩa rộng lớn. Tác giả chưa bao giờ thỏa mãn nên tâm trạng luôn luôn bị ray rứt. Cuộc sống vật chất khổ não, cuộc sống tinh thần khắc khoải, nhưng Quách Thoại khóc mình hơn là khóc thời thế. Khóc mình bao giờ cũng bình thản và coi thường cuộc sống nghèo khổ hàng ngày”

Thế Phong là một người bạn thân và cũng là một người sinh hoạt văn học chung với Quách Thoại nên theo tôi những điều ông nhận xét có nhiều điều khả tín.

Thật là đặc biệt bởi một tập thơ đã được tái bản sau nửa thế kỷ là Giữa Lòng Cuộc đời của nhà thơ Quách Thoại. Ở bản in đầu tiên có số phận khác và ở cuốn tái bản có phận số khác. Chúng ta có thể lý giải về hiện tượng này không?

Đúng, đây là một hiện tượng văn học đúng nghĩa. Thơ không bao giờ chết non dù tác giả của nó yểu tử. Phận số của Giữa Lòng Cuộc đời thật truân chuyên và đa đoan. Khi còn sống, nhà thơ đã được bạn bè thân hữu hứa hẹn sẽ in cho một tập thơ mà đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa được nhìn thấy tác phẩm đứa con ruột của mình. Khi từ trần, dù nhiều bạn bè hứa hẹn, nhưng mãi đến sáu năm sau, tập thơ Giữa Lòng Cuộc Đời mới được người anh ruột của thi sĩ là nhà thơ Lý Hoàng Phong cho xuất bản. Tập thơ được coi là một di sản quý báu của một thi sĩ đúng nghĩa, với những bài thơ phản ánh được nỗi niềm thiết tha của tuổi trẻ Việt Nam sống trong một thời thế nhiều truân chuyên cay nghiệt.

Năm chục năm sau, thời thế Việt Nam với những biến chuyển xoay vần đến chóng mặt. Hai mươi năm văn học miền Nam đã bị chế độ cai trị Cộng sản bôi xóa hủy diệt. Sách vở bị cấm bị đốt. Văn nghệ sĩ bị cầm tù đầy ải. Cả nước trở thành một trại tù. Những chiến dịch đốt sách, bắt bớ giam cầm văn nghệ sĩ được thi hành liên tục và tàn bạo nhưng vẫn không bôi xóa được một nền văn học đã có nhiều đóng góp to lớn cho văn hóa Việt Nam. Năm nay, thơ Quách Thoại Giữa Lòng Cuộc Đời được in lại. Thơ chân chính vẫn không bị hủy diệt. Và nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đã làm cho tuổi thọ của thơ Quách Thoại tăng lên vạn lần coi như muôn tuổi. Thơ vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn là những nhịp thở khôn nguôi của nhân loại.

Có một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Quách Thoại được truyền tụng rất nhiều là Như Băng Trường Tình.

Bài thơ Như Băng Trường Tình khá dài gồm 89 câu thơ là một bài thơ tình mà chính thi sĩ cũng rất đắc ý. Những câu đầu tiên ông viết lúc còn sống ở thành phố Huế của sông Hương núi Ngự nhưng đến tháng 5 năm 1956 trong một trận ốm nặng tưởng chết ở khách sạn Đại Nam Lầu ở đường Hàm Nghi thì được sửa chữa lại để hoàn thành. Ông bị ho lao thời kỳ thứ ba, nhưng vẫn sáng tác hăng hái dù đang nằm trên giường bệnh. Khi bạn bè thân hữu đến thăm, ông đưa ra khoe bài thơ Cờ Dân Chủ và tập bản thảo đang đánh máy dở dang nhan đề là “Hợp Tấu”. Những bài thơ này như những di sản cuối đời và phản ánh được một chân dung rất là đa diện và phong phú của một tâm hồn thi sĩ mẫn cảm. Không chỉ là đơn giản thơ tình mà còn là những nỗi niềm của một người có nhiều suy tư lắng đọng về tôn giáo, về xã hội…

Bài thơ mô tả mối tình đơn phương của chính thi sĩ với một cô gái có đạo gốc và tin tưởng và ngưỡng mộ Đức Chúa Trời đến độ tuyệt đối. Nàng ở trong nhà Chung, còn chàng thi sĩ chờ đợi hết năm này tới tháng khác và than khóc cho mối tình của mình đầy trắc trở tai ương. “Như Băng Như Băng vì đâu mà lệ ứa/ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta/ một linh hồn lạc lõng giữa bao la/ một tình yêu chưa một lần trao gửi”. Tâm trạng thi sĩ rất phức tạp, một phía thì không theo Cơ Đốc Giáo nhưng trong mâu thuẫn vẫn tin rằng tôn giáo ấy sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, cho nàng để cùng nhau chung con thuyền tình ái đến bến sông Trăng. Thơ phản ánh những nỗi niềm mâu thuẫn giữa chính mình, giữa đời, giữa Đạo là sự ám ảnh ray rứt biểu lộ trong từng câu từng chữ. Trường ca “Như Băng Trường Tình” là những câu, những dòng của con tim uất nghẹn của tâm tình bối rối giữa những điều đối chọi nhau, của người khác đạo yêu người có đạo. Nhưng, thơ vẫn là tình yêu cao cả, đôn hậu, chẳng theo đạo nàng mà cũng chẳng bỏ hương vị tình yêu đê mê dù phải qua những nỗi hoang mang để hòa đồng cùng nỗi niềm của nhân loại và xã hội.

“Ta đã ngạt thở bởi mùi hương xa vắng

Hương thiên đang vừa thoảng bến trần gian

Ta đê mê cảm động đến mơ màng

Nghe mầu nhiệm thấm nhuần trong mẫn cảm

Nghe sống lại trong hồn ta ảm đạm

Một tình yêu thánh thoát quá diệu huyền

Ôi mắt em trời mơ mộng còn nguyên

Cho ta gửi mối tình ta trinh bạch

Cho ta hôn bàn chân em ngọc thạch

Dẫm trên đường khổ hạnh chốn tu hành

Ôi! Giáo đường nở kín đóa xuân xanh

Hoa cao quí tắm mình trong tuyết ngọc

Như Băng ơi! Vì sao ta thầm khóc

Nghĩ thương em hồn ngưỡng mộ Chúa Trời”

Từ tật bệnh đến hoàn cảnh nhọc nhằn sinh kế, thi sĩ đành ôm một mối tình đơn phương nín lặng. Tình yêu không ngỏ được, thành những chất chứa não lòng. Rồi một lúc, như sóng trào ra ngọn bút, thành những câu thơ biểu hiện tâm tình. Thơ có lúc như một nỗi niềm vô vọng. Ngày mai, của người mình yêu, của Như Băng thánh nữ có còn không trong nỗi lo chung của tâm cảm nhân loại. Thi sĩ lo rằng nàng thơ sẽ chết đi giữa bốn bức tường của Nhà Chung, thân tuyết trinh sẽ vữa tan thành tro bụi. Thi sĩ cũng cám cảnh phận mình trong cõi sống của một đời vô vọng.

“Như Băng em! Xin ngó nẻo Thiên Đàng

để nguy hiểm ta sống đời Địa Ngục

ta chỉ sợ rồi đây nơi nhà Phúc

máu tai ương sẽ vấy tấm thân em

lưỡi dao người sẽ xẻ gót chân sen

em sẽ chết dập bàn tay ngà ngọc

rồi ta khóc đến tan tành trí óc

Như Băng ơi! Nào em hiểu gì đâu?

Đã từng đêm ta nguyện với ta cầu

Lòng tự hỏi vì đâu lòng khổ lụy

Mà hương thơm còn mãi đến ngàn sau…”

Đoạn cuối của Như Băng Trường Tình là một lời cám cảnh của con người trước nỗi suy vi của nhân loại. Dù tình yêu vẫn làm đời sống thăng hoa hơn:

“Em hát đi cho ta hết giựt mình

em cầu nguyện để ta còn tin tưởng

ta nhìn em qua niềm mơ ảo tưởng

phủ màn sương mộng ảnh xuống che em

ta muốn lấy hoa kết lại thành rèm

để vây phủ đời em trong cõi sống

để nguyên vẹn ta nhìn em vững chống

lái con thuyền tình ái đến sông Trăng

để tình ta còn đẹp tựa sông Hằng

Để Như Băng còn mãi thế Như Băng

Mà hôm nay ta lại khóc than rằng

Xin chầm chậm hoàng hôn đừng vội lặn

Ôi! Đau thương loài người xin hữu hạn”

Không phải chỉ có thơ tình đau thương cô độc mà thơ Quách Thoại còn có những bài thơ mô tả cuộc sống của bản thân mình. Có những giọt lệ xót thương cho mình, nhưng chỉ là phần ít so với những giọt lệ khóc cho thời thế, cho cuộc nhân sinh chung. Ông đã viết về cuộc sống mình ra sao?

Trong tập thơ giữa Lòng Cuộc Đời có những bài thơ viết về cuộc sống chật vật đầy những cay đắng như “Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo”, “Chiếc Áo”, “Sau khi cháy nhà”, “Tôi viết bài thơ xuôi”.

Bài “Sau khi cháy nhà” tả lại tâm tư của ông khi cả tài sản của mình cũng như những người khác cư ngụ ở Xóm Cỏ bị cháy rụi. ông chân thành kể lại tâm tư của mình sau khi bị trắng tay. Tâm trạng bình thản, chịu đựng và vẫn tin tưởng vào sự tốt đẹp của cuộc sống:

“tôi viết bài thơ hôm nay

một bài thơ sau khi cháy nhà

sau khi đời trắng hai tay

ấy thế mà tôi vẫn viết được

tưởng chừng như không có gì chua cay

thác nắng mùa xuân vẫn chảy

những bông hoa lung lay

triều đại vừa qua đổ gãy

vũ trụ chỉ có nghĩa ngày nay

có kể gì tôi ăn mày

có kể gì anh bệnh hoạn

những người chết đi là… chết đi”

Trong hoàn cảnh khốn quẫn tột cùng ấy, thi sĩ vẫn còn mơ mộng, một giấc mơ bình dị

“Và đến đêm nay

tôi ao ước rằng tôi ngủ kỹ

một giấc mơ không ác mộng sầu bi

một giấc ngủ của con người bình dị

(ở dưới gầm cầu, trên ghế đá, đường đi)

Một giấc ngủ

Và không nhớ lại một tí gì”

Một bài thơ nổi tiếng khác mà Qúach Thoại đã viết về tôn giáo. Có lúc như ở trong “Như Băng Trường Tình” ông ẩn dụ rằng con người tin tưởng vào tôn giáo nhưng tôn giáo không cứu vớt con người ra khỏi vòng khổ não được mà chỉ trong lòng tin để có thể gắng gượng sống với đời, sau khi tâm hồn bị sa sút mệt mỏi. Nhưng trong thơ ông cũng cầu nguyện Chúa Phật với hy vọng cuối cùng để bản ngã thú vật bớt đi cho nhân tính con người được phục hồi. Và ông cũng lên tiếng chống lại chủ trương vô thần của Công sản trong bài Khẩu Cung:

“thôi các ông đừng đánh tôi nữa

để rồi tôi xin khai rõ

à tôi có nhớ cái bà Phước đó

cái bà thường hay mặc áo thụng trắng

và đi đôi giầy đen

với lại ngồi đâu một mình

thường hay đan len

và trong câu chuyện thường hay ngợi khen Đức Chúa Trời

lúc tôi đứng trước mặt bà ta

thì bà ta quỳ xuống chắp tay cầu nguyện

Tôi hét lớn “con mẹ này nói gì huyên thuyên”

và tôi đâm một nhát dao xiên”

Bài “Cờ Dân Chủ” là một bài thơ đã đi trước thời thế của chúng ta hôm nay. Tác giả làm bài thơ này trong những ngày lâm trọng bịnh. Bài thơ như một khúc hoan ca, của những lá cờ phất phới của một ngày hội lớn của dân tộc, của những ngày tự do dân chủ:

“Ta ngưỡng mộ hôm nay trời lý tưởng

ngát màu xanh xanh thẳm của quê hương

rực bình minh rạng rỡ ánh thiên đường

đêm gục chết theo với thời quá khứ

ta bước tới nắng tương lai đầy ứ

phố lớn cười đại lộ hát nghênh ngang

xã hôi đi về vũ trụ rộn ràng

nhà mới dựng gỗ ngói còn thơm lắm

ai mới kẻ chữ Việt Nam tươi thắm

lên trên tường, trên bảng với trên tim

trên linh hồn giữa náo động trong im lìm.

Tình yêu nước chao ôi là sâu kín

Là đậm đà như trái cây muồi chín

Là thiết tha như tình ái người yêu

Ta bước lên đau khổ ngã nghiêng xiêu

Hạnh phúc dựng theo những làng xóm mới”

Giữa Lòng Cuộc Đời còn có nhiều bài thơ tuyệt vời độc đáo khác, như “Trăng Thiếu Phụ”, như “Phạm Văn Thông”, như “Ta Úp Mặt”, như “Sáng Sài Gòn”.

Quách Thoại chết trẻ nhưng thơ ông sống mãi với thời gian. Từ trước sau 3 năm ngày ông từ trần, Tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 5 của tháng 11 năm 1969 đã có chủ đề “Những kỷ niệm với Quách Thoại” với những bài viết của Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Hồ Nam, Ngọc Dũng, Lý Hoàng Phong, Mai Thảo. Tạp chí Văn Nghệ số 24 tháng 6-7 năm 1963 cũng có chủ đề Nhận Định về Quách Thoại với bài viết của Nguyễn Đức Sơn, Xuân Trường, Lý Hoàng Phong. Đặc biệt có một nhận định độc đáo trên nhật báo Đen của Đỗ Quý Toàn: “Quách Thoại là một nhà thơ thiên tài của dân tộc tôi”. Đọc thơ Giữa Lòng Cuộc Đời từ hai ấn bản in cách nhau đến nửa thế kỷ, chúng ta có cảm nghĩ gì? Và có thấy câu than của cụ Tiên Điền Nguyễn Du có chính xác không? Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nguyễn Mạnh Trinh

(Nguồn: http://vietluan.com.au/thong-tin-quach-thoai)


============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ