Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

đọc thêm: " 2 mẹ con nổi tiếng nhất ' làng văn " / Trần Hoàng Thiên Kim -- nguồn : báo Công an nhân dân

 HẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN

luc luong cong an nhan dan

Hai mẹ con nổi tiếng nhất làng văn

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM 


11:12 02/11/2017
Trước khi gặp nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, tôi đã đọc nhiều trang văn của chị, những câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương và nỗi khát khao kiếm tìm hạnh phúc, tuổi trẻ. Những tập truyện ngắn và tiểu thuyết như "Cát đợi", "Hậu thiên đường", "Thành phố đi vắng"... cũng đã giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín. Bây giờ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã lên chức bà nội, là một người đủ đầy danh vọng, tiền tài...


Chị vẫn xinh đẹp và nồng ấm như thế, trong những trang văn và trong cuộc đời. Ở tuổi này, hồi ức về quá khứ, chị vẫn bảo, trong sự trưởng thành của mình, chị phải cảm ơn mẹ, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, người mà chị vẫn nói vui là "siêu nhân" vì những điều bà làm được cho bản thân mình, cho gia đình, cho con cháu thực sự là lớn lao. Nó đã ảnh hưởng đến những suy nghĩ và cách sống của chị sau này như một sự cố nhiên bởi chị gắn bó với mẹ, từ ngày bà sinh ra chị, và cho đến tận hơi thở cuối cùng khi bà từ giã cõi đời này...

Trong làng văn, có lẽ ít có cặp đôi mẹ và con gái nào lại có sự tiếp nối tuyệt vời giữa câu chuyện văn chương và câu chuyện cuộc đời như nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và con gái, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Nữ nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa IV), Tổng Biên tập Tạp chí Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhà văn Ngọc Tú (ngoài cùng bên phải) cùng con gái Thu Huệ và hai cháu ngoại

Bà từng đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 1962 với truyện ngắn "Một đứa trẻ"; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Hạt mùa sau"; Giải B Văn học công nhân 1998 với tiểu thuyết "Hai người con và những con sóng"; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (năm 2001). Theo nhà văn Hồ Anh Thái, bà là người đã sống hết mình và hết mình cả cho những trang viết trong những năm tuổi trẻ. Một nhà văn viết khỏe, hàng vạn trang sách như vậy phải là một người rất khỏe về trí não mới có thể “cày cuốc” lâu bền trên những trang viết.

Ngoài ra bà còn cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết gần 500 trang. Những tập kịch bản phim truyền hình nhiều tập như "Cỏ lồng vực"; "Ảo ảnh trắng"; "Câu chuyện dưới tán lá rợp"... uy hiếp bất cứ ai dám bảo bà chỉ dồi dào sức sáng tạo ở trước tuổi năm mươi.

Nhắc về mẹ, gương mặt nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ  sáng hẳn lên. Trong ký ức về mẹ, đối với chị là cả một phần đời đẹp đẽ và tuyệt vời. Chị bảo rằng, mẹ chị sinh ra và lớn lên ở ngõ chợ Khâm Thiên - Hà Nội.

Thế nhưng, cô gái Hà Nội da trắng mắt nâu nói năng nhỏ nhẹ ấy lại ẩn chứa trong mình một nghị lực và tố chất của một nhà văn là thói quen quan sát và lao vào thực tế. Học xong Sư phạm, không làm việc tại Hà Nội thuận đủ đường, lại xung phong về Sơn Tây dạy học. Những năm tháng tuổi trẻ của bà gắn bó với mảnh đất và con người nơi này.

Bà sống cùng những người nông dân đôn hậu, chăm chỉ. Họ dạy bà đan rổ rá, làm ruộng và chia sẻ muôn vàn câu chuyện và những thân phận. Yêu nông thôn và những người nông dân, sau này, khi quay về Hà Nội, bà vẫn thường xuyên đi thực tế, cho nên, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú thấm đẫm tinh thần đó, và làm nên tên tuổi của bà.

Nhà văn Balzac đã từng nói: "Hạnh phúc của người mẹ giống như đèn hiệu, soi sáng tương lai nhưng cũng phản chiếu lên quá khứ trong vỏ ngoài của những ký ức yêu thương". Với nhà văn Thu Huệ, chị thường nhớ lại mẹ chị đã trải qua những khó khăn như thế nào, qua những cuộc chiến ra sao.

Thời bao cấp khó khăn kiểu khác, thời bình kiểu khác, nhưng bà vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm lớn, để thấy rằng những khó khăn của mình bây giờ không thể gọi là khó khăn, nên phải vượt qua là điều đương nhiên.

Sau này, khi chị làm quản lý, mỗi lần gặp những "nhân vật" đa nhân cách, chị hay nhớ lại những lần xung khắc với mẹ, bởi thời nào chả có người đa nhân cách. Mỗi khi chị phản ứng: "Mẹ, sao ông này, bà kia xấu với mẹ, mà mẹ luôn tốt với họ và không hề nói cho họ biết là mẹ biết hết những gì họ làm với mẹ?”. Mẹ chị chỉ cười nhẹ, nói đúng một câu: "Khi nào bằng tuổi mẹ, Huệ sẽ hiểu!".

Và chị thì thầm với chính mình "Mẹ lại đúng rồi!". Người ta vẫn bảo rằng, các nữ nhà văn thường lấy câu chuyện của mình đưa vào trang viết. Bởi vì phụ nữ viết văn thường đa cảm, và câu chuyện nào chạm đến lòng mình thì trải nó ra trên trang viết. Nhưng, dường như điều này không đúng với hai mẹ con nhà văn Thu Huệ.

Chị chia sẻ: "Đến bây giờ, gần như mẹ và tôi đều hiếm khi đưa nguyên mẫu hay hình ảnh gia đình vào chuyện. Có chăng loáng thoáng đâu đó là những kỷ niệm đẹp hay buồn nếu nó gắn với đời sống của những nhân vật. Nhớ nhất truyện "Còn lại một vầng trăng" tôi bị ám ảnh về bố.

Ngày ấy, bố tôi bệnh và nằm viện khá lâu. Tôi và mẹ dọn hẳn vào bệnh viện sống để cả nhà vui vẻ và thuận chăm bố. Đêm trung thu, bạn bè tôi tổ chức gặp nhau phá cỗ. Ngày ấy, thanh niên sống hồn nhiên trong sáng, phá cỗ đêm trăng là mấy quả bưởi, đĩa hồng ngâm và nước chanh gì đó.

Lũ bạn đến viện thăm bố tôi và có xin phép cho tôi đi chơi, bố vui lắm, bảo con cứ thoải mái chơi với các bạn. Bọn tôi hôm ấy gảy đàn guitar, hát hò tưng bừng đến khoảng 10 giờ. Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước, 10 giờ tối đường vắng lắm. Và trăng hình như cũng tròn sáng hơn bây giờ.

Đứa nào cũng tiếc nếu tan cuộc sớm với cảm giác chẳng bao giờ thấy trăng tròn và sáng thế. Về đến bệnh viện thì cổng khóa, lũ bạn dựng xe đạp xong công kênh nhau cho tôi nhảy qua hàng rào để vào. Lúc đấy, bố vẫn thức, thấy tôi, bố mừng hỏi con vui không, tôi bảo bọn con vui lắm, rồi mang phần về chia cho bố mẹ ăn.

Khi bố ngủ rồi, hai mẹ con ra nhà ăn tập thể của bệnh viện kê ghế ngủ, mẹ trách: "Đi chơi khuya quá, bố lo, trằn trọc ngóng ra cửa sổ suốt". Sau này, bố mất, cứ mỗi trung thu là tôi khóc và hiểu rằng, tháng nào trăng chả tròn và sáng, sao ngày ấy mình lại để bố lo lắng? Và tôi đã viết "Còn lại một vầng trăng" như một kỷ niệm với bố mình".

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú  có tiểu thuyết "Huệ" (xuất bản năm 1964) in hai năm trước khi sinh nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Không hẳn đó là tiểu thuyết bà viết cho con gái, nhưng Huệ là cái tên mà bà yêu thích và có lẽ là sự chuẩn bị trước của bà cho cái tên và sự thành danh của con gái yêu sau này.

Nhà văn Thu Huệ khi được hỏi đến điều này, chị đã cười rất vui: "Có lẽ mẹ tôi yêu cái tên đó, nên có hai “tác phẩm” quý giá nhất của bà, một là văn chương, hai là con gái bà đều lấy tên Huệ. Sau này, mẹ tôi có kể nhiều về thời đi dạy ở Sơn Tây, nhất là khi các học trò của bà tới thăm cô giáo. Riêng về tôi, có vẻ mẹ không bao giờ đặt ra những kỳ vọng lớn phải thế này thế kia mà bố kỳ vọng ở tôi nhiều hơn, nhưng rất tiếc là ông mất quá sớm, khi tôi mới 18 tuổi. Nhưng mẹ là người cưng chiều và yêu thương tôi vô bờ bến, dù bên ngoài, mẹ có vẻ nghiêm khắc và lạnh lùng.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Do bố làm xuất bản và mẹ là nhà văn nên tôi gần gũi với sách từ nhỏ. Riêng với tác phẩm của mẹ, tôi đọc khi vào cấp 2. Một phần do bản thảo (truyện ngắn và tiểu thuyết) của mẹ, tôi là người đánh máy từ bản viết tay.

Ngày ấy, không chỉ gia đình tôi mà mọi người đọc sách nhiều. Những tác phẩm dày vài trăm trang, chữ nhỏ giấy vàng, ngốn ngấu rất nhanh hết. Bảo sao số lượng sách thời đó tính bằng vạn bản, không phải con số nghìn nhỏ bé như bây giờ.

Tôi không phải là đứa trẻ chăm học và giỏi tất cả các môn, nhưng rất chăm viết nhật ký. Viết xong tìm chỗ giấu vì không muốn ai đọc. Nhà tôi có thói quen viết cho nhau mỗi ngày, và viết riêng. Tôi không nghĩ mình sẽ thành nhà văn, mà đơn giản, chỉ là bản năng quan sát, rồi viết những mẩu ngắn cho riêng mình.

Đặc biệt là bố mẹ không bao giờ hướng tôi sau này làm gì, hay phải trở thành nhà văn. Có lẽ văn chương đã ngấm vào tôi từ những ngày bé xíu khi tôi được mẹ cho đến cơ quan, trại sáng tác, gặp gỡ các cô bác nhà văn nhà thơ lớn. Ai cũng quá quen với danh xưng “cái Huệ con gái ông Chánh bà Tú này!” nên sau này, tôi luôn là “cái Huệ” trong mắt mọi người.

Ngay như bây giờ, tôi đã lên chức bà nội, nhưng thế hệ những nhà văn đi trước mỗi khi gặp, đều gọi tôi là con gái, cháu gái với giọng rất tình cảm như mấy chục năm qua vẫn thế. Nhiều cô chú còn cười “Ngày xưa cô/ chú bế mày vẹo cả tay đấy”.

Trong nhà tôi gần như không bao giờ bàn chuyện văn chương. Có thể do tôi lập gia đình sớm, có con sớm, lại vào đúng những năm miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đang thời bao cấp quá khó khăn.

Để tồn tại cuộc sống của một công chức như mẹ, một sinh viên mới ra trường chưa đi làm như tôi và một thằng cu con là cả một vấn đề. Mẹ lại bận đi công tác, rồi việc cơ quan, nên tối về quay quanh thằng cháu ngoại ngày ấy khóc oe óe do cúp điện từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều, nước hứng từng xô, bánh xà phòng Liên Xô phải xát tiết kiệm... Không có khoảng trống nào cho văn chương cả.

Sau này, khi tôi đi làm, viết văn, và nhận nhiều giải thưởng, chưa bao giờ thấy mẹ góp ý về câu cú văn chương của tôi, là phải viết thế này hay thế kia, trong khi chính mẹ là một biên tập viên kỳ cựu của Báo Văn nghệ và Tạp chí Tác phẩm mới, sau đổi tên là Tạp chí Nhà văn.

Với tôi, viết văn là được sống thêm một cuộc đời, với thế giới của riêng mình, do mình sắp đặt nhưng lại bị chính những nhân vật kéo mình đi. Tôi chỉ thấy được, thấy mình may mắn và không mất gì khi viết văn”.

Người ta vẫn bảo rằng, người mẹ có khả năng nghe được cả những điều người con mình không nói và người ta cũng bảo rằng, tình yêu của mẹ dành cho con không giống bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Nó không biết đến luật lệ, không có ranh giới...

Qua cách nói chuyện của chị Thu Huệ về mẹ, tôi biết rằng bà là người phụ nữ thông minh, dù là người viết văn nhưng bà khá rạch ròi giữa công việc và cuộc đời. Bà đã mạnh mẽ cùng Thu Huệ vượt qua những bão táp cuộc đời. Bà làm nên sự nghiệp giữa một đời sống mà đàn bà bao giờ cũng phải làm nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn để có kết quả ít hơn.

Bà đi bên con gái Thu Huệ suốt những năm tháng dài, ôm chị những khi chống chếnh hay cười rung bụng khi khoe chuyện vui. Và những ký ức về mẹ luôn là điểm tựa để nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ tiếp tục con đường dài phía trước...

Trần Hoàng Thiên Kim

================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét