Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

" Hồ Trường An. giọ ng Nam, hồn Việt "/ Thuỵ Khuê ( Paris ) -- source: https://vanviet.info>

 

Hồ Trường An, giọng Nam, hồn Việt

Thụy Khuê

Image result for "Bảy sắc cầu vồng" Gió Văn "Hồ Trường An"

Tháng 11 năm 2008, Hồ Trường An bị đứt mạch máu não, bị liệt nửa người, phải ngừng sáng tác nhưng ông vẫn tập đánh máy lại và tiếp tục viết biên khảo.

Tháng 11 năm 2019, Hồ Trường An bị nhiễm trùng phổi, phải nằm bệnh viện gần hai tháng. Đầu tháng giêng 2020, mới được về nhà, nhưng không còn sức để bình phục trở lại.

Cho đến những ngày cuối, Hồ Trường An vẫn thiết tha, không ngừng suy tư và bàn bạc về các tác giả trong văn học miền Nam và hải ngoại, ông vẫn mong một ngày đất nước sẽ thống nhất trong văn học và trong lòng người.

TK

Hồ Trường An là một trong những nhà văn nền móng của văn học hải ngoại, cùng với Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Võ Đình, Kiệt Tấn; trẻ hơn có Đỗ Kh. và Trần Vũ.

Nhưng Hồ Trường An đã không được đánh giá đúng mức, thậm chí còn bị coi thường, với những biệt hiệu như nhà văn miệt vườn, bà già trầu… mới nghe tưởng là tôn vinh, thực ra, ẩn dấu một sự kỳ thị ngầm có ý chê bai tiếng Nam quê mùa, lại được Hồ Trường An kể lể dài dòng như đàn bà con gái.

Tên thật là Nguyễn Viết Quang, Hồ Trường An là bút hiệu chính, ông còn ký những tên khác: Đào Huy Đán, Đinh Xuân Thu, Đông Phương Bảo Ngọc, Hồ Bảo Ngọc, Người Sông Tiền, Nguyễn Thị Cỏ May, Đoàn Hồng Yến và Đặng Thị Thanh Nguyệt.

Hồ Trường An có nghiã là họ Hồ ở chợ Trường An (gần chợ Vĩnh Long). Và họ Hồ này “phải là” con cháu Hồ Biểu Chánh.

Hồ Trường An sinh ngày 11/11/1938 tại xóm Thiềng Đức, làng Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình có truyền thống văn học.

Cha là nhà thơ Mặc Khải (tên thật là Nguyễn Viết Khải), tác giả hai tập thơ nổi tiếng Sông Nước Cổ Chiên  Phấn Nội Hương Đồng. Cô là thi sĩ Phương Đài, tác giả hai tập thơ Đất mẹ và Hiến lễ mùa thơ. Cả hai đều hoạt động cho cách mạng Việt minh. Mẹ là bà Hà Thị Cang.

Gia đình chỉ có hai chị em, cách nhau một tuổi. Chị, Nguyễn Thị Băng Lĩnh tức Nguyễn Thị Thụy Vũ, là một trong ba nhà văn nữ có giá trị hàng đầu của văn học miền Nam, cùng với Nguyễn Thị Hoàng và Túy Hồng.

Thủa nhỏ, Hồ Trường An học trường tiểu học Thiềng Đức; trung học cấp một, trường Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long); cấp hai, trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), rồi Chu Văn An (Sài Gòn). Lên đại học, theo ngành dược.

Năm 1967, đang học năm thứ 2 Đại học Dược khoa, bị gọi động viên, khoá 26, trường Võ Bị Thủ Đức. Ra trường, làm Trưởng ban chính trị chi khu Tri Tâm, rồi chi khu Lái Thiêu (Bình Dương). Sau đó, là sĩ quan báo chí của Sư đoàn 5 Bộ Binh, rồi Quân Đoàn III, tham gia tích cực sinh hoạt văn nghệ, cộng tác với nhiều tờ báo xuất bản tại Sài Gòn như: Tranh Thủ, Tiền Tuyến, Tiền Phong, Tin Sách, Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu thuyết Tuần San, Bút Hoa, Minh Tinh, Vấn Đề, Văn Học…

Sau ngày 30/4/1975, nhờ gia đình thuộc thành phần cách mạng, Hồ Trường An không bị đi học tập cải tạo, chỉ phải học khoá “Bồi dưỡng chính trị”, rồi được bổ làm việc ở Thư viện Quốc gia.

Năm 1977, ông sang Pháp theo diện bảo lãnh.

Tại hải ngoại, ông làm tổng thư ký toà soạn các tập san Quê Mẹ (Pháp), Làng Văn (Canada), và cộng tác thường xuyên với những tạp chí Bút Lửa, Lạc Hồng, Viên Giác, Hồn Nước, Lửa Việt, Nắng Mới, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Gió Văn và Hợp Lưu.

Hồ Trường An là người đồng tính bẩm sinh, nhưng bị cha mẹ buộc phải cưới vợ, sinh được ba con, rồi gia đình tan vỡ. Vết thương bỏ vợ con, một mình đi Pháp, đã theo ông suốt đời như một dằn vặt khôn nguôi.

Sang Pháp, ba năm sau, 1980, Hồ Trường An gặp Bernard Detrez, trở thành bạn đường, sống chung ở Troyes, một thành phố phiá đông bắc Paris. Những năm đầu ngụ ở số 5 rue Auguste Renoir, sau dời đến địa chỉ 32 D Mail des Charmilles.

Bernard Detrez không những đã tận tình ủng hộ, nâng đỡ tinh thần, khi Hồ gặp những bước khó khăn, những sự phỉ báng, của một số không ít quần chúng cộng đồng hủ lậu, chống đối đồng tính, mà Bernard còn trách nhiệm chuyện áo cơm, để Hồ rảnh tay, suốt ngày cầm bút ghi trên giấy, rồi gõ máy tính, làm văn, mặc dù không hiểu được Hồ đã viết gì trong đống sách đồ sộ ấy. Bernard còn tận tâm săn sóc người bạn đường bị liệt trong 12 năm trời.

Hồ Trường An qua đời ngày 27/1/2020, ở Troyes, Pháp.

Tác phẩm đã in

Hồ Trường An đã in khoảng 60 tác phẩm ở hải ngoại, gồm: 22 truyện dài, 12 tập truyện ngắn, 22 tác phẩm biên khảo và 2 tập thơ.

Truyện dài: Lớp sóng phế hưng (Phong Trào Thanh Niên Hành Động, Paris, 1983, Cành Nam, Hoa Kỳ, 1985), Phấn bướm (Việt Publications, Toronto, 1986), Hợp Lưu (Văn Nghệ, Cali, 1987), Nửa chợ nửa quê (Nam Á, Paris, 1987), Đêm chong đèn (Văn Khoa, Cali 1988), Lúa tiêu ruộng biền (Trung Tâm Phật Giáo VN tại Đức, 1989), Ngát hương mật ong (Văn Lang, Canada, 1989), Còn tuôn mạch đời (Nam Á, Paris, 1990), Lối bướm đường hương (Đại Nam, Cali, 1991), Tình trong nhung lụa, Đại Nam, Cail, 1991), Ngát thơm hoa bưởi bông trà (Nam Á, 1992), Tình đẹp đất Long Hồ (Đại Nam, Cali, 1993), Trang trại thần tiên (Đại Nam,1993), Vùng thôn trang diễm ảo (Đại Nam, 1994), Chân trời mộng đẹp (Đại Nam, 1995), Thủa sen hồng phượng thắm (Đại Nam,1995), Bãi gió cồn trăng (Làng Văn, 1995), Bóng đèn tà nguyệt (Minh Văn,Virginia,1995), Mùa thục nữ vu quy (Cành Nam, Virginia, 1998), Tình sen ý huệ (Tân Văn, Nhật Bản,1999), Hiền như nắng mới (Văn Khoa, Cali, 2001), Chiếc quạt Tôn nữ (Tân Văn, 2002), Màn nhung đã khép (Tân Văn, 2003), Đàn trăng quạt bướm (Làng Văn, 2005), Trở lại bến Thùy Dương (Làng Văn 2009). Tập truyện: Tạp Chủng (Làng Văn, 1991), Chuyện Quê Nam (Làng Văn,1991), Hội Rẫy Vườn Sông Rạch (Miệt Vườn, 1992), Chuyện miệt vườn (Đại Nam,1992), Đồng không mông quạnh (Đại Nam, 1994), Gả thiếp về vườn (Làng Văn,1994), Đêm xanh huyền hoặc (LàngVăn,1994), Chuyện ma đất tân bồi (Đại Nam, 1998), Tập truyện ma (Tân Văn, 2001), Quà ngon đất quê Nam (Tân Văn 2003), Trăng xanh bên trời Huế (Làng 2009), Truyền kỳ trên Nam (Làng Văn, Canada, 2009).

Ký sự, bút khảo, bút ký: Giai thoại hồng (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1989), Thông điệp hồng (Trung Tâm Phật Giáo Việt Nam tại Đức, 1990), Cõi ký ức trăng xanh (Làng Văn1991), Chân trời lam ngọc, hai cuốn: I (1993), II (1995) do Minh Văn xuất bản, Sàn gỗ màn nhung (Đại Nam,1996), Cảo thơm (Minh Văn1998), Theo chân những tiếng hát (1998), Tác phẩm đẹp của bạn (2000), Chân dung những tiếng hát, ba tập: I (2000), II (2001), III (2003) do Tân Văn xuất bản, Lai láng dòng phù sa (Hoa Ô Môi, 2001), Thập thúy tầm phương (Hoa Ô Môi, 2001), Chân dung 10 nhà văn nữ (Tân Văn, 2002), Tập Diễm ngưng huy (Hoa Ô Môi 2003), Bảy sắc cầu vồng (Gió Văn, 2004), Giai thoại văn chương (Cỏ Thơm, 2006), Náo nức hội trăng rằm (Cỏ Thơm, (2007), Thắp nắng bên trời (Văn Học, 2007), Quê Nam một cõi (Hoa Ô Môi, 2007), Giữa đất trời giao hưởng (Gió Văn, 2008), Núi cao vực thẳm (Tiếng Quê Hương, 2010), Ảnh trường kịch giới (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đômg Hoa Kỳ. 2012), Trên nẻo đường nắng tới (Gió Văn, 2013), Cảo thơm lần giở (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2015).

Thơ: Thiên đường tìm lại (Nhận Thức, 2002) và Vườn cau quê ngoại (Cỏ Thơm, 2003).

*

Là một trong những nhà văn sáng tác sung mãn nhất và có địa bàn hoạt động rộng nhất ở hải ngoại, Hồ Trường An viết văn, phê bình, biên khảo, dựng chân dung nghệ thuật và làm thơ. Số lượng sách của ông rất lớn, trên dưóới 60 tác phẩm, có lẽ lớn nhất trong những người cầm bút ở ngoài nước. Ông đã tạo cho văn học hải ngoại một chiều kích riêng biệt của miền Nam qua ngôn ngữ, môi trường và phong tục.

Hồ Trường An bắt đầu sáng tác từ thập niên sáu mươi, nhưng lúc đầu chỉ lác đác; vì là nhà báo quân đội, đi phỏng vấn nhiều hơn viết văn, nên chưa nổi tiếng ở trong nước.

Bài thơ đầu in trên tạp chí Bách Khoa số 141 (15/11/1962) có tên Bãi biển chiều, sáng tác thời trung học, có những câu:

Cây héo tóc, gục đầu buồn mặc tưởng

Thu muộn màng rắc gió nhẹ muôn nơi

Vừa tỉnh giấc, thủy triều vừa thấp xuống

Muôn sao mờ ném ánh lửa ma trơi…

Những lời thơ học sinh thời ấy đã ló vài hình ảnh siêu thực (cây héo tóc, ánh lửa ma trơi) và ý thơ phảng phất chất Đinh Hùng.

Rồi ngừng.

Bốn năm sau, có truyện ngắn Buổi tối êm đềm đăng trên Bách Khoa số 223 và 224 (14/4 và 1/5/66). Sau đó, thêm vài truyện ngắn và thơ nữa, được in trên Bách Khoa, nhưng những sáng tác này chưa có cá tính đặc biệt, chưa gây ấn tượng.

Tóm lại, trước 1975, Hồ Trường An mới là chỉ là một nhà báo trẻ, là em ruột nhà văn danh tiếng Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Khi ra hải ngoại, Hồ Trường An mới thực phát triển phong cách văn chương của riêng mình.

Phong cách này hình thành từ sự tổng hợp ảnh hưởng ba nhà văn tiền bối: Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Vương Hồng Sển.

Hồ Biểu Chánh là nhà văn tiên phong, đã khai phá tiểu thuyết hiện đại bằng tiếng Nam đầy hình ảnh và âm nhạc, đã xây dựng toàn bộ xã hội miền Nam trong tiểu thuyết.

Bình Nguyên Lộc, đã khai phá truyện ngắn hiện đại, tìm về nguồn cội cuộc di dân từ Bắc xuống Nam và triển khai hai yếu tố chính đất và nước như thủy tổ của sự sống. Bình Nguyên Lộc thể hiện sự giao lưu văn hoá thời kỳ chia đôi đất nước: giao lưu trong giọng văn, và giao lưu trong lịch sử Nam tiến: ông đem chất Bắc vùi xuống đất Nam, nở thành toàn bộ hệ thống văn phong và tư tưởng Bình Nguyên Lộc. Ông là một trong ba khuôn mặt lớn của văn học miền Nam thời bấy giờ: Bình Nguyên Lộc đại diện vùng Đồng Nai, Biên Hoà; Mai Thảo đại diện Hà Nội và Võ Phiến, đại diện vùng Bình Định.

Vương Hồng Sển là nhà biên khảo, đã tìm hiểu gốc gác những nhân vật, những thành phố, những tên đường, của vùng Sài Gòn-Lục tỉnh. Ông dựng lại sinh hoạt tuồng tích, kịch trường miền Nam, kể những giai thoại vùng Sài Gòn, lục tỉnh. Ông thể hiện tinh thần biên khảo bình dân, dí dỏm, trái với tinh thần biên khảo bác học nghiêm túc, thường thấy ở các học giả Bắc.

Tác phẩm Hồ Trường An có những đặc điểm của ba tác giả kể trên, từ tiểu thuyết đến biên khảo. Ảnh hưởng này là tự nhiên hay qua rèn luyện tư tưởng? Không rõ. Nhưng dù gì chăng nữa thì đây không phải là sự bắt chước, mà là căn cước ADN của Hồ Trường An, làm ông trở thành một trong những nhà văn, nhà biên khảo, đại diện cho nền văn hoá sông hồ của vùng đất mới.

Nhờ bản chất riêng tư: thích đọc và yêu văn chương từ bé, thích gần gụi văn nghệ sĩ, đam mê âm nhạc kim cổ, yêu sông nước, yêu sự vận chuyển thương hồ; nhờ hai năm học dược, giúp ông có kiến thức uyên bác về cây cỏ, sinh vật, tôm cá, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Lại nhờ tính chất độc đáo của người đồng tính, gần với nữ tính, khiến ông có sự nhạy cảm lạ lùng mà người dị tính không thể có được.

Cái tên “bà già trầu” mà người ta gọi đùa, chế giễu, gắn bó với miếng trầu, với hũ mắm, này, đã được người ta gọi tên ra, nhưng chính những người đặt tên cũng chưa hiểu hết nội dung tác phẩm của Hồ Trường An. Bởi nếu phân tích sâu xa hơn, thì bà già trầu chính là cái chất Hồ Trường An, mà trong đó yếu tố nam nữ là chủ chốt, tôi muốn nói: nam như Nam Việt, Nam bộ, và nữ như tính nữ của người đồng tính. Và đó mới là tinh chất Hồ Trường An. Chỉ có một. Độc đáo. Nó ghép hai yếu tố khác nhau: nam như tiếng Nam, giọng Nam và nữ như giọng người đồng tính.

Bởi vì ở hải ngoại, nhiều người khác cũng viết văn giọng Nam như thế, nhưng không ai có được sự độc đáo này.

Bởi vì Hồ Trường An rất sành sỏi về tất cả những gì thuộc địa hạt đàn bà con gái, như màu sắc phấn son, cách màu điểm, cách ăn nói. Ông thạo tâm lý phụ nữ, rành việc bếp núc, biết đủ cách chế biến, nêm nấu các món ăn như một bà nội trợ cừ khôi. Óc quan sát tỷ mỷ khiến ông nhìn thấy màu chì tô mắt, màu son móng tay, thậm chí cả đường kim mũi chỉ trên áo quần người phụ nữ. Như thể Hồ Trường An trời sinh đã một phần là gái!

Hồ lại thích chuyện “đàn đúm”, “đấu láo”, nhưng sự đàn đúm ở đây không trở thành nói xấu, mà luôn luôn có tính chất giai thoại văn học.Với trí nhớ lạ lùng, Hồ Trường An gần như ghi được hết những sự kiện đã xảy ra trong đời sống văn học ở miền Nam, trở thành một bộ từ điển sống cho những ai muốn tìm hiểu thêm về khiá cạnh con người của các nhà văn mà ông đã gặp khi còn là nhà báo trẻ.

Nhưng tất cả những kiến thức và phong thái đó cũng chưa tạo nên nhà văn, nếu không có tài năng và phần sâu xa nhất trong bản chất con người, ở ông, là lòng nhân hậu.

Toàn bộ tác phẩm Hồ Trường An toát lên sự thành thật và lòng nhân hậu đó.

Nhờ tính nhân hậu và lòng trung thực mà những chân dung văn học và chân dung nghệ sĩ của Hồ Trường An có giá trị vượt trội các tác giả khác, bởi vì ông không ác, ông nhìn con người với đôi mắt nhân đạo nhưng không tô hồng. Ông kể cả cái xấu của họ ra, nhưng với một giọng tử tế, trung thực, không gièm pha, ác ý.

Hồ Trường An đã pha trộn được cả hai khiá cạnh bình dân và bác học trong tác phẩm của mình, với những nét thật thà nhân hậu của các tác giả lớn miền Nam.

Không gian tiểu thuyết của ông nằm trong lòng đồng bằng sông Cửu Long, trên quỹ đạo cắt ngang miền lục tỉnh, lấy Vĩnh Long, quê cha, làm trung tâm, tiến sang đông tới Mỹ Tho, Gò Công, Rừng Sát, Tân An, tiến về tây tới Cần Thơ, Rạch Giá. Đó là những vùng ông đã sống thời niên thiếu và sau này lớn lên đi lính, hành quân. Ngoài kiến thức sâu rộng thu góp trong sách vở ông còn tích luỹ kinh nghiệm sống. Với óc quan sát kỹ lưỡng và một trí nhớ phi thường, Hồ Trường An đã nắm chắc những chi tiết địa lý, hình thế, cây cỏ, gia đình, làng xóm, nên khi ông đưa con người vào trong những khung cảnh ấy, họ tạo thành một quần thể bà con, bạn bè, tất cả đều ăn khớp với nhau. Tiểu thuyết của Hồ Trường An mênh mông, nhưng khi đọc bất cứ tác phẩm nào của ông, ta cũng thấy “thân thuộc” vì tác giả đã truyền được cả linh hồn đất đai, sông nước, cây cỏ và con người miền lục tỉnh vào con chữ.

Lớp sóng phế hưng

Tiểu thuyết Lớp sóng phế hưng là tác phẩm đầu tiên và chủ yếu của Hồ Trường An, ra đời năm 1983, năm năm sau khi ông tới Pháp, được Phong trào Thanh niên Hành động Xã hội, ở Paris in ronéo offset, 500 bản, phát không, như loại sách truyên truyền do một kẻ “vô danh” viết ra. Thoáng là hết ngay. Ít lâu sau, Hồ Trường An nổi tiếng như “sóng cồn” với biệt danh “bà già trầu”. Chuyện gì đã xảy ra?

Trước hết, tác giả viết theo truyền thống nói truyện của người Nam. Cần nhắc lại rằng: trong văn chương, từ Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên) đến Hồ Biểu Chánh, người Nam có truyền thống nói thơnói truyện, khác với lối thuật truyện của người Bắc, thuộc truyền thống văn. Nhờ lối nói truyện này, nên sau khi Lớp sóng phế hưng ra đời, Hồ Trường An đã được người đọc đặt ngay tên là bà già trầu (bà già quê mùa, ăn trầu, kể chuyện con cà con kê). Tức là người ta đã nhận thấy sự khác biệt giữa văn nói và văn viết, nhưng người ta lại đánh đồng cách viết với con người.

Ngoài ra, thập niên 80, người di tản vừa bị bứt ra khỏi đất nước cội nguồn trong những hoàn cảnh bi đát, họ còn đang bơ vơ hoảng loạn, Lớp sóng phế hưng đã dựng lại cho họ một mái tranh, một lũy tre, cho họ nghe lại tiếng nước chảy dưới ghe, trong rạch, dọn cho họ bữa cơm cá kho, dưa muối, mắm cà… họ được ngửi mùi thân của gia đình, đất mẹ, họ nghe được tiếng chửi, tưởng như vĩnh biệt, từ khi bỏ xứ.

Lớp sóng phế hưng lấy bối cảnh là Hóc Hỏa, Rạch Giá, vùng quê mùa, cận biển. Ở nơi thôn cùng thuỷ tận ấy, tác giả đưa ta vào gia đình bà Bếp Luông, mẹ goá.

Bếp là chức hạ sĩ trong lính khố xanh (thời Tây). Còn Luông, tiếng Nam, nghiã là Long (vì người miền Nam kỵ huý tên vua Gia Long). Dân miền Cực Nam gọi vua Gia Long là vua Gia Luông. Luông theo từ điển còn có nghiã là luộc. Qua cái tên này, ta đã thấy sự uyên bác về chữ của Hồ Truòng An. Bà Bếp Luông có năm con. Hai trai: Hai Cường, Út Biên và ba gái: Ba Kiểm, Tư Diễm, Năm Nhan.

Truyện mở đầu như sau:

Vừa đi chợ Vàm Xáng về, bà Bếp Luông liền hỏi ngay đứa con trai út của mình:

– Tụi nó đi đâu hết rồi?

Út Biên đang vót cần câu nghe mẹ hỏi, liền nói:

– Anh Hai đi vô Sóc Thổ, chị ba chở khoai mỡ ra cầu đúc Cái Xình, chị Tư đi ăn đám giỗ ở nhà bà Bảy Hương, chị Năm đi nhổ bồn bồn về làm dưa.

Bà Bếp Luông lột chiếc khăn rằn, vớ cái quạt mo cau quạt phành phạch, ong óng chửi:

- Mồ tổ cha lũ con ăn hại. Thằng lớn thì vào Sóc để ve mấy con đầu gà đít vịt, hai đứa con gái lớn mượn cớ đi đây đi đó để bẹo dạng bẹo hình với tụi con trai. Người ta có phước đẻ con nhờ con cậy, còn tui nghiệp dày đức mỏng, đẻ ba thứ sấu bắt hùm tha, chằn ăn trăn quấn. Phải dè, tui đẻ ra hột gà hột vịt, luộc ăn còn bổ ích hơn… (Lớp sóng phế hưng, Tủ Sách Cành Nam, 1988, t. 15).

Mấy dòng đầu tiên này đã gồm thâu gần đủ những yếu tố chính trong văn chương Hồ Trường An.

Tưởng tượng một người Bắc (lần đầu tiên vào Nam sau 1975) đọc được những dòng này, sẽ tưởng mình lạc vào một “nước” khác. Bởi thứ tiếng này lạ lắm, lạ từ chữ đến thành ngữ, cả cách chửi cũng không giống ai. Đoạn văn trên toát ra ba tính chất:

1- Lối viết nói truyện: Út Biên không kể mà nói, nói gọn mà rành: anh Hai vô Sóc Thổ, chị Ba chở khoai mỡ ra cầu đúcchị Tư đi ăn giỗ… chị Năm đi nhổ bồn bồn về làm dưa, theo đúng trình tự trên dưới một lèo và còn cho biết cả chi tiết nữa, hệt như Nguyễn Du nói:

Này chồng, này mẹ, này cha

Này là em ruột này là em dâu.

Lối nói truyện này không chỉ để… nói mà còn là một kỹ thuật mô tả, lời Út Biên coi bộ còn hay hơn lời… Nguyễn Du, bởi vì, không những nó chỉ rõ vị trí của bốn anh chị, mà còn vạch ra tính cách của họ: chỉ có chị Năm làm việc (đi nhổ bồn bồn làm dưa), còn ba đứa lớn chỉ tào lao, mượn cớ đi chơi (anh hai vô Sóc Thổ tán gái, chị Ba ra cầu đúc ưỡn ẹo liếc trai, chị Tư đi ăn giỗ…).

2- Thứ đến những chi tiết. Hồ Trường An có lối viết chi tiết trên một người và chi tiết trên nhiều người. Trích đoạn trên đây là chi tiết trên nhiều người: bà Bếp Luông đội khăn rằn. Biên vót cần câu, Ba chở khoai mỡ, Năm nhổ bồn bồn… Những chi tiết này không nằm chết khô, mà chúng quẫy động, chúng tươi rói, nhờ âm thanh tiếng Nam, nhờ sự thô lậu trong tên gọi và nhờ sự lạ lùng trong thành ngữ, đó là loại chi tiết tạo chuyển động: Sóc Thổ, Cái Xình, khăn rằn, bồn bồn, quạt phành phạch, ong óng chửi, mấy con đầu gà đít vịt, bẹo dạng bẹo hình, sấu bắt hùm tha, chằn ăn trăn quấn… tôi gọi là chi tiết chuyển động do Hồ Trường An sáng tạo, và ta sẽ thấy ở dưới, do ảnh hưởng của Hồ Biểu Chánh.

Loại chi tiết thứ hai, dùng để tạo hình và màu sắc, Hồ Trường An viết:

Dì Bảy Phụng Hảo bới đầu, mặc áo bà ba bằng lụa trắng thêu hoa xanh nước biển ở cổ và ở lai, mặc quần mỹ a đen dệt nổi bông cúc, lưng cặp bằng nhiễu xanh màu đọt chuối, chơn dì đi guốc sơn đen quai nhung… Hai chiếc vòng ngọc thạch xanh biếc trên cườm tay no nưỡng và nuột nà… Tai dì đeo bông mù u bằng vàng…” (Còn tuôn mạch đời, Nam Á, Paris, 1990, t. 27).

Kỹ thuật này Hồ Trường An học của Hồ Biểu Chánh, và không chỉ có mình Hồ Trường An, Võ Phiến cũng học Hồ Biểu Chánh, nhưng người ta lại coi Võ Phiến là ông tổ của sự “chẻ sợi tóc làm hai”. Thực ra Hồ Biểu Chánh mới thực là “ông tổ”, bởi từ thập niên 20 của thế kỷ trước, ông đã viết:

Tú Phan trở ra mình mặc một cái áo tố xanh, bộng thêu chỉ bạc, lót lãnh màu hường, trong lại mặc thêm áo trắng dài, bâu ủi cứng mà nút lại cài chặt, nên cổ day qua day lại coi không được thong thả, quần nhiễu Bắc thảo mới may chưa mặc lần nào, mà bởi tại không ủi nên có mấy lằn ngang coi không được thẳng thắn. Giày bót chinh vàng cũng còn mới chưa mang lần nào nên đi trên gạch bông muốn trợt lại kêu tiếng trèo treo. Khăn đen bịt thật khéo, song vì lớp nhiều quá nên chần vần một đống trên đầu coi không được thanh bai cho lắm.” (Hồ Biểu Chánh, Nhơn tình ấm lạnh, 1925, t. 20).

Chỉ với mấy dòng, Hồ Biểu Chánh đã tạo được một cảnh phim sinh động, với nhân vật Tú Phan đầy đủ màu sắc, y phục, cử chỉ, phong thái… Kỹ thuật viết của Hồ Biểu Chánh, tôi gọi là kỹ thuật hội họa và điện ảnh, vì nó cho người đọc không những nhìn thấy ngay một bức tranh có âm thanh và chuyển động trước mắt, mà nếu là một đạo diễn, thì bạn có thể dựng ngay một cảnh phim. Kỹ thuật viết chi tiết này Võ Phiến học trước, kế đến Hồ Trường An. Cho nên không những Hồ Hữu Tường ngày trước đã bái phục nghệ thuật Hồ Biểu Chánh mà cả những nhà văn avant-garde lớp sau như Dương Nghiễm Mậu cũng tôn Hồ Biểu Chánh làm thầy và Hồ Trường An đã mượn họ của của ông làm bút hiệu.

3- Ba là cách chửi: Bà Bếp Luông thường bắt đầu câu nói bằng lời chửi.

Lời chửi ở đây chuyên chở tâm hồn bà. Bà chửi có ngành có ngọn, có vần có điệu, nhưng bà chửi rất khác, chửi độc đáo, không giống ai. Ở đây ta thấy rõ: chửi lối Nam khác hẳn chửi lối Bắc, cách ví von lối Nam cũng hoàn toàn khác với lối Bắc.

Ví dụ cặp vợ chồng Duyện trong Nhà Nghèo của Tô Hoài chửi nhau:

- Mày đẻ lắm thì mày nuôi nhiều…

- Ối ông cả bà lớn ơi! A bấy lâu tôi nằm với… chó đấy a(Nhà nghèo, t. 13)

Hay anh Duyện chửi vợ:

Ừ, ông chửi cha con què đấy” (t. 13)

Hoặc chị Duyện chửi con:

Gái ơi! Cha đẻ mẹ con chết dẫm, ngã xuống ao xuống chuôm nào rồi!” (t. 10).

Lời chửi của vợ chồng Duyện diễn tả sự thù hằn cay độc, đốp chát, ăn miếng trả miếng, trong tiếng chửi có tiếng rủa, kể cả chửi con.

Còn bà Bếp Luông chửi để “giáo dục”, chửi “có văn hoá”, bà chửi con:

Đồ ôn dịch, làm biếng nhớt thây, hết ăn tới ngủ, rồi đi ve gái, rồi đi cờ bạc, nhậu nhẹt. Thay vì mầy khai thác thêm sở rẫy trồng khóm, trồng khoai lang, khoai mì, khoai từ giúp đỡ má mầy thì mầy cứ đánh lừa đánh đảo, hết ngủ trưa, rồi đi chơi bời (…) Mầy là anh lớn, là chim đầu đàn, không làm gương cho lũ em. Mầy mà đi phá hoại trinh tiết đàn bà con gái ở vùng nầy thì lũ em gái mầy sẽ trả quả, nghe chưa đồ ôn hoàng dịch lệ? (t. 17)

Sau lời chửi, bà Bếp Luông thường thêm lời răn:

Tao rầy là để trừ hao nghe chưa con đĩ thúi. Mầy mà vừa thấy trai là cười híp mắt; không răn mầy trước sao được? Thôi đi tắm rửa đi. Má có nấu canh chua và kho cá bống cho chị em mầy đó. Còn mấy con lươn, mầy muốn ăn món lươn um hay lươn xào sả ớt?” (t. 21).

Chính những câu cuối: má có nấu canh chua… đã diễn tả nhân cách và tình thương bao la của bà. Mà không chỉ đối với con, với cả “kẻ thù” là mụ Thím Bảy Cá Trê, bà cũng vậy. Mụ hàng xóm này suốt ngày chửi đổng, moi móc cái xấu nhà bà, nhưng khi “nó” sốt nặng bà lật đật qua cho thuốc ngay. Vậy, sự chửi ở bà Bếp Luông là sự sống, nó bao trùm triết lý nhân quần của bà; khi Bếp Luông không còn chửi là bà không muốn sống nữa, sự bất hạnh đã trùm kín tâm hồn bà.

Bếp Luông không độc quyền món chửi, Sáu Quyên cũng thạo lắm.

Đây là màn Hai Cường “tỏ tình” với Sáu Quyên, hai anh chị, mỗi người ở một bên sông:

- Đừng có thách. Tui mà qua được, tui hun chị một cái thiệt mùi, nói cho chị biết trước.

Sáu Quyên rít lên:

– Mầy dám nói vậy hả thằng Thiên Lôi? Qua đây mặc sức mà bồng, mà hun. Mầy mà không qua thì tao vác dao qua liền (t. 29).

Một lối tỏ tình rùng rợn quá cỡ, thuộc “trường phái Cô Quờn”. Nhưng chỉ ít lâu sau họ “bồng bế” nhau trốn đi thật, vì Sáu Quyên lớn tuổi hơn Hai Cường và đã có một đời chồng, không bà mẹ nào chấp nhận một sự “bại hoại gia phong” như vậy. Lời chửi ở Sáu Quyên là lời ưng thuận Hai Cường, thằng ôn dịch kém tuổi mình mà dám chơi trèo, và là lời âu yếm, trá hình, bọc vỏ chửi rủa để “che mắt thế gian”.

Trong vùng đất mới này, phong cảnh cũng hoàn toàn không giống các miền khác: “Hai bên ven rạch, đám dừa nước, đám lác, đám sậy đen thẫm. Những cây cau, cây dừa vươn lên cao, những tầu lá vẽ nên nét thủy mạc tua tủa. Năm Nhan bước qua cầu khỉ cong vòng. Dòng rạch lấp loáng, thiêm thiếp như say trăng. Chiếc xuồng câu tôm thắp đèn tán chai leo lét, mờ ẩn trong đám lá dừa” (t. 34).

Không những sông nước miền Nam khác hẳn Bắc và Trung, mà cả tên gọi sự vật cũng không giống: rạch, xuồng, dừa nước, đám lác, đám sậy, cầu khỉ, đèn tán chai leo lét… Nếu Trần Dần, Phạm Thị Hoài là những nhà văn Bắc giàu tiếng Bắc nhất, thì Hồ Trường An là nhà văn Nam giàu tiếng Nam nhất. Giả sử chúng ta ghép hai kho tiếng lại với nhau, thì tiếng Việt giàu thêm bao nhiêu? Vậy mà có thời, một nhà văn Bắc đã ra lệnh: không được viết cơm chiên, phải viết cơm rang. Sự “chuẩn hoá” tiếng nói, chỉ là sự ngông cuồng và ngu độn.

Tóm lại, Lớp sóng phế hưng thể hiện toàn bộ giá trị và phong cách văn chương Hồ Trường An: Với ngôn ngữ miền Nam, Hồ Trường An đã xây dựng được một thế giới khác, một nước khác trong lòng nước Việt.

Chủ trương hoà hợp giống người

Đặc điểm thứ hai của Hồ Trường An là chủ trương hoà hợp những giống người.

Người Việt và người Hoa, trong Tạp chủng. Người Việt và người Pháp trong Hợp Lưu, Còn tuôn mạch đời, v.v.

Tiểu thuyết Hợp Lưu ra đời trước, được đăng từng kỳ trên tạp chí Văn của Mai Thảo ở Cali, trước khi in thành sách năm 1987, mô tả đời sống của vài cặp vợ chồng Pháp Việt, ở Troyes, họ là những người Việt trung lưu, thành thị, có học, hội nhập dễ dàng với đời sống Pháp, Hợp Lưu mang tính chất tạp chủng, không những tạp chủng Pháp-Việt mà còn tạp chủng giới tính.

Mai Thảo luôn luôn bảo vệ tác phẩm và nhà văn, nên trong thời điểm cộng đồng di tản còn khá hủ lậu, nhắm mắt kết án đồng tính là bệnh hoạn cần “chữa” cho khỏi hoặc khai trừ; nhưng Mai Thảo vẫn cho đăng trên tạp chí Văn và dĩ nhiên Hồ Trường An bị kết án nặng nề, nhận được bao nhiêu lời sỉ nhục, nên khi in thành sách nhiều năm sau, ông đã phải tự kiểm duyệt.

Quan niệm hoà hợp giống người hay tạp chủng Hồ Trường An đã chịu ảnh hưởng từ Bình Nguyên Lộc. Tạp chủng đi đôi di dân trong cuộc Nam tiến của dân tộc ta. Gia đình thằng Cộc trong Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, đổ bộ xuống vùng đất Ô Heo, ba đời nhà nó đã phải đánh nhau với thiên nhiên, chiến thắng rừng tràm mọc dọc bờ nước để làm ra đất. Và đó chính là gốc gác nguồn cội của dân tộc ta ở phiá Nam, dựng nên từ đất và nước.

Tạp chủng bắt nguồn từ sự di dân, như Bếp Luông từ Cái Răng (Cần Thơ) vì trốn nợ, cùng vợ bơi xuồng ba lá theo con kinh Bảy Ngàn xuống tận vùng Hóc Hoả (Rạch Giá), trong Lớp sóng phế hưng. Như gia đình bốn chị em Phương Tần, Lệ Phỉ, Diễm Lăng, Mỹ Cần (giống Bốn cô con gái Dr March của Alcott) từ quê Vĩnh Long lên ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) lập nghiệp, trong Phấn Bướm. Những người di dân này khai thác vùng đất khỉ ho cò gáy, hoặc nửa quê nửa tỉnh, xây dựng nên toàn bộ miền Nam, và khi di dân họ gặp vấn đề tạp chủng, hay họ phải tạp chủng. Hồ Trường An đã tổng hợp tài tình tình hai vấn đề này trong tập truyện ngắn Tạp chủng (1991) và tiểu thuyết Còn tuôn mạch đời (1990). Và những tiểu thuyết khác của ông mở rộng hai chủ đề này để đi vào các ngõ ngách khác của cuộc sống.

Tạp Chủng viết về những con người “bèo bọt” sống trên trục ngang: Rừng Sát (Cần Giờ) -Trung Lương (Mỹ Tho) – Vĩnh Long – Hóc Hoả (Rạch Giá). Ông bà Nhưn Giáp (trong truyện Bèo Bọt) sau một đời thương hồ trên khắp nẻo sông ngòi, tuổi già mệt mỏi, “Chồn cáo có hang chim có tổ/Con người không có chỗ gối đầu muốn tìm một chỗ để trụ, để gối đầu, nhưng không nơi nào có thể trụ được, kể cả quê cũ là làng Đạo Thạnh ở Ngã Ba Trung Lương. Họ đành tiếp tục cuộc sống không nhà, chấp nhận lấy tâm làm quê hươngBèo bọt là một truyện ngắn sâu sắc, âm thầm bộc lộ triết lý đạo Phật một cách tế nhị và cay đắng.

Chị Lìn trong truyện Tạp Chủng là một trong những nhân vật thành công nhất của Hồ Trường An, tương tự như bà Điếc của Nguyễn Thị Thụy Vũ hay Người điên dưới chân sườn Tam Đảo của Mai Thảo, là những nhân vật ta không thể quên được một khi đã đọc.

Lìn “mới sinh ra đã ngu khờ câm đíếc nhưng “thần sắc rạng rỡ như gươngLìn lai Hoa-Việt, không biết đọc không biết viết, Lìn là sản phẩm “tồi tệ” nhất của cái xã hội phi nhân và kỳ thị: Tàu không lấy Việt, Việt không lấy Tàu.

Lìn hoàn toàn sống theo bản năng, cái bản năng ấy không biết phân biệt xấu tốt, theo nghĩa Luân Lý Giáo Khoa Thư. Lìn sống theo đòi hỏi của xác thịt và sự dẫn dắt của lương tri, hai đặc phẩm của riêng chị, không cần giáo huấn và cũng không thể giáo dục. Rồi Lìn chửa hoang. Lìn chết vì vượt cạn. Ai nấy thở phào. Số phận Lìn không khác gì số phận Vá, con chó ghẻ, bị “thuỷ táng”: “Nó không dẫy dụa gì hết, chỉ ngoắc đuôi. “Ùm” một tiếng, con chó và cái bị đựng cục đá quăng vào nước. Sóng lấp xấp tràn tới xoá mọi dấu vết. Hình ảnh ghê tởm đã bị con sông chôn vùi… Sau buổi thuỷ táng đó tôi bị trúng gióTác phẩm chống lại mọi sự kỳ thị vô nhân, bằng một giọng văn nhẹ nhàng giản dị, ngây thơ gần như vô tâm, vô cảm, khiến sự tàn khốc càng thêm tàn khốc, sự độc ác càng độc ác thêm.

Tạp chủng là một trong những tập truyện ngắn hay nhất mà văn học hải ngoại có được và đưa Hồ Trường An lên địa vị những nhà văn nhân bản hàng đầu.

Còn tuôn mạch đời

Tiểu thuyết Còn tuôn mạch đời viết về đời sống của những người trong Foyer Sonacotra, ở Troyes, một trại tạm cư dành cho những người có quốc tịch Pháp “hồi hương”. Tác phẩm đạt mức độ tạp chủng trong một chiều hướng sâu xa khác: bởi những nhân vật đã có sẵn sự tạp chủng trong mình: hoặc họ có thân nhân người Pháp, hoặc họ là “me Tây” thời trước, hoặc họ là con lai, tất cả thuộc thành phần bị treo “tòn teng giữa hai dân tộc. Ngòi bút Hồ Trường An vẫy vùng như cá gặp nước, tự nhiên, duyên dáng, trào phúng, chua xót, ông vẽ những chân dung độc đáo của dì Bảy Phụng Hảo, tướng mạo giống hệt cô Bảy Phùng Há được ông tây Rồng Xanh (Ronsin) mê như lậm bùa, vậy mà vẫn tha thiết nhớ người chồng đã khuất, xưa làm thợ nguội ở hãng Ba Son. Thằng Sơn ghét độc chuyện đờn bà trang điểm, vậy mà khi nhìn con Marie-Hélène son phấn, nó lại thấy ngồ ngộ, tự hỏi: “Chắc mình mê lậm mê lú con đầm này rồiCon Tú Vân cứ tưởng mình sành sỏi, dụ khị thằng lỏi Jean-Philippe hôn mình, chừng nó hôn thiệt, mới hay “thằng hổ bôn này thạo việc quá chớ”. Marguerite Thọ, lai tây, ở Sài Gòn không ai thèm ngó, sang đây, đi xi-nê coi phim Tây với Mông Đĩ (Mondy), tây tà thứ thiệt đẹp trai quá cỡ, lại tha thiết nhớ đến những buổi coi phim Ấn Độ bên nhà, có những “bà già trầu mê man theo dõi tình tiết cuốn phim, miệng chóc chách nhai trầu không ngớt, thỉnh thoảng nâng chiếc khăn rằn vắt ở vai lên lau nước cốt ở bên mép, đôi mắt ướt nhèm xúc động, còn thím mặc áo bà ba vừa coi hát vừa xi con đái trong rạpSự nhớ nhà của Marguerite Thọ thiệt tình “ác dữ”. Và đó là chân giá trị của tác phẩm. Hồ Trường An được người Việt hải ngoại đọc “bắt ghiền” bởi ông đã đụng được tới đáy sâu của tâm hồn họ.

Giai thoại hồng và Theo chân những tiếng hát

Không chỉ là nhà văn, Hồ Trường An còn là nhà biên khảo. Nhưng sự biên khảo của ông thông thoáng, lối Vương Hồng Sển, tức là rất xa tính học thuật mà gần tính giai thoại, tuy vậy không phải là thiếu chính xác. Hai tác phẩm chính đã vẽ nên sinh hoạt văn học và sinh hoạt âm nhạc, kịch trường, điện ảnh của miền Nam là Giai thoại hồng (1989) và Theo chân những tiếng hát (1998).

Giai thoại hồng (1989) tiêu biểu cho thể loại chân dung văn học. Tác phẩm dẫn người đọc trở lại một quá khứ vừa gần mà cũng đã rất xa, với 31 tên tuổi, từ Phương Đài, Mộng Tuyết, Tuệ Mai, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Minh Đức Hoài Trinh, thuộc thế hệ trước đến Tuý Hồng, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nhã Ca, thuộc thế hệ sau. Là ký giả, là cháu nữ sĩ Phương Đài, là em nhà văn Thụy Vũ, Hồ Trường An đã có dịp tiếp xúc rộng trong giới văn nghệ. Với trí nhớ đặc biệt, ông đã làm sống lại, những khuôn mặt, không chỉ văn chương, mà cả con người trong đời sống hàng ngày, đặt họ vào khung cảnh chung của sinh văn hoạt văn học miền Nam 1954-1975, bằng cái nhìn bình đẳng và nhân hậu. Như kính chiếu hậu vào cuộc đời họ, ông giúp những người nghiên cứu văn học có những chi tiết đáng tin cậy về đời tư, về tác phẩm, về cách sáng tác, về sắc diện và phong cách của 31 nhà văn mà ông đề cập. Bảy năm sau, ông cho ra đời tác phẩm Sàn gỗ màn nhung (1996), rồi Theo chân những tiếng hát (1998), và ba tập Chân dung những tiếng hát (2000-2003). Sau khi bị tai biến mạch máu não, ông còn viết thêm một cuốn nữa về đề tài này là Ảnh trường kịch giới (2012).

Tất cả những sách này gộp lại là một bộ toàn thư về thế giới kịch trường và điện ảnh, vẫn trong chiều hướng kể lại sinh hoạt văn nghệ và vẽ chân dung nghệ sĩ. Tuy Hồ Trường An khiêm nhường nói rằng đây không phải là sách biên khảo, nhưng cố gắng của ông thật đáng khâm phục. Những hoạt cảnh và chân dung nghệ sĩ ông viết trong sách, vẫn với trí nhớ phi thường, khiến cho những ai viết về tài này, không thể bỏ qua mà không tra cứu. Về phương diện này có lẽ Hồ Trường An còn giàu hơn cả Vương Hồng Sển.

Tóm lại, toàn bộ những sách Hồ Trường An viết về tân nhạc, kịch nghệ, điện ảnh, sẽ góp phần dựng nền móng cho sự nghiên cứu về nghệ thuật trình diễn ở miền Nam sau này.

Paris, tháng 2/2020

THUỴ KHUÊ

[ i.e. Vũ Thị Tuệ 1944 -      ]


=============



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ