Trương văn Vấn – Nguyễn thị Kim Oanh
Rất xúc động khi nhận tin buồn, hiền thê của niên đệ Trương Văn Vấn: Nguyễn Thị Kim Oanh, qua đời ngày 24/1/2022 tại Texas, thọ 68 tuổi.
Đoạn cuối lời vĩnh biệt của T.Vấn với hiền thê:
“Thôi chia tay, và nếu là mãi mãi
Xin một lần được mãi mãi chia tay”
(T.Vấn)
Mượn tựa đề của văn hào Boris Pasternak qua bản dịch “Vĩnh Biệt Tình Em” chia sẻ cùng niên đệ.
Ca sĩ Lệ Thu qua đời vào Thứ Sáu, 15/1/2021 tại Orange County, tôi viết bài Lệ Thu, Chim Oanh Về Cõi Thiên Thu (18/1) vì Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh. Đúng hai năm sau, người yêu của niên đệ Trương Tâm Vấn (Nguyễn Thị Kim Oanh) bỏ lại mùa Xuân nơi trần thế!
Chim oanh là loài chim nhỏ, có giọng hót cao, trong trẻo, véo von và cuốn hút. Cũng như chim sơn ca và họa mi, bởi giọng hót và dáng xinh xinh nên từ xưa được nhiều người ưa chuộng và nuôi làm cảnh.
Chim oanh biểu tượng cho mùa Xuân nên vào dịp Xuân về có tiếng hót chim oanh mang đến niềm vui cho mọi người.
Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) nguyên tác của Ðặng Trần Côn (1715-1745) có câu:
“Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục, oanh già
Ý nhi lại hót trước nhà líu lo”
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)
“Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai”
(Kiều – Nguyễn Du 1766-1820).
Trong thơ Đường ngày xưa, tiêu biểu qua hai bài thơ:
Lưu Oanh của Lý Thương Ẩn
“Lưu oanh phiêu đãng phục sâm si,
Độ mạch lâm lưu bất tự trì.
Xảo chuyển khởi năng vô bổn ý,
Lương thần vị tất hữu giai kỳ.
Phong triêu dạ lộ âm tình lý,
Vạn hộ thiên môn khai bế thì.
Tằng khổ thương xuân bât nhẫn khán,
Phụng thành hà xứ hữu hoa chi”.
Bản dịch Chim Oanh Lưu Lạc của Lam Điền:
“Oanh vàng lưu lạc mấy truân chuyên,
Cuối bãi đầu sông chịu luỵ phiền.
Hót giọng líu lo là ngụ ý,
Sống đời thịnh trị chắc chi yên.
Sương chiều gió sớm bao mưa nắng,
Vạn cửa trăm sân những xóm giềng.
Từng khổ thương xuân nghe ngán ngại,
Phồn hoa liệu có chỗ dành riêng?”
(Lam Điền)
Bài thơ Điền Viên Lạc Kỳ của Vương Duy
“Đào hồng phục hàm túc vũ
Liễu lục cánh đới triêu yên
Hoa lạc gia đồng vị tảo
Oanh đề sơn khách do miên”
Dịch nghĩa:
Hoa đào nén mình trong đêm mưa.
Liễu xanh bao phủ làn sương khói
Hoa rơi khiến người nhà phải quét,
Chim oanh hót gọi núi còn ngủ đông.
Bài thơ Fare thee Well của thi hào Anh Lord Byron (1788 – 1824) khá dài. T.Vấn trích hai câu thơ đầu trong dòng cuối bài viết:
“Fare thee well! and if for ever,
Still for ever, fare thee well”
Trong bài thơ nầy viết cho người tình vĩnh viễn ra đi cũng như trái tim của niên đệ với hiền thê, mối tình trải qua bao đắng cay, ngọt bùi… nay chia cách nghìn trùng:
“Vĩnh biệt em, và thế là mãi mãi
Mãi đến muôn đời, ta vĩnh biệt nhau!
… Những trái tim yêu thương đã bị chia cắt
Dĩ nhiên là trái tim của em vẫn còn lại
Trái tim anh cũng vậy, dù nó đớn đau và rỉ máu
Và có ý nghĩ vẫn luôn luôn khiến anh cảm thấy đau đớn
Có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ được gặp lại nhau!
… Và bốn câu thơ cuối như nỗi khổ đau của T.Vấn
Vĩnh biệt em, thế là đã chia ly
Mình đã rời xa sau bao ngày gần gũi
Trái tim đã chai sạn, bơ vơ, tàn héo
Và hơn thế, tim anh đã chết rồi”.
(Lord Byron)
Qua những dòng viết của chị Kim Oanh với cuộc tình Trương Tâm Vấn:
“Như nhiều người trai cùng lứa tuổi lúc ấy, anh chọn đời binh nghiệp và theo học Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị tại Đà Lạt.
… Lúc ấy, chúng tôi coi nhau như anh em, vì mẹ tôi nhận anh làm con nuôi sau ngày mẹ anh mất. Và rồi cuộc đời của tôi và anh đi về hai hướng khác nhau. Tôi tung tăng với tà áo dài kiêu sa của những nữ sinh Gia Long. Còn anh, khoác trên người bộ quân phục vừa hùng, vừa đẹp, vừa trí thức mà tôi đã có dịp trầm trồ ngày anh và các bạn từ Đà Lạt về Sài Gòn tham dự lễ Diễn Hành nhân ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1972. Một hôm, với bộ quân phục dạo phố thật đẹp mắt, anh đã ghé nhà thăm bố mẹ tôi và các em…
Thế rồi, 30 tháng Tư Đen ập đến. Anh trở về Sài Gòn xác xơ và buồn bã. Chúng tôi vẫn rủ nhau ra phố mua sách chui và vào quán cóc bên đường uống cà phê với tư cách anh em. Trước ngày anh đi trình diện cải tạo một ngày, mẹ tôi đưa cho tôi túi lương khô và bảo tôi đem đến cho anh. Lúc này anh đang ở tạm nhà một người bạn thân tại khu cư xá Lữ Gia và vẫn nặng trĩu trên vai cuộc tình với KMT.
… Năm tháng trôi mau. Anh trong lao tù ôm ấp nhiều kỷ niệm với người tình Đà Lạt mộng mơ và mong ngày trở về để xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân. Còn tôi, bắt đầu một phần đời mới. Vì những bất an của cuộc sống những ngày sau khi Cộng sản chiếm đóng miền Nam, tôi vội vã chọn thân phận đàn bà năm 23 tuổi. Tôi bước chân vào một nơi mà định mệnh khắc nghiệt đang chờ sẵn. Tôi đã trải qua nhiều đắng cay, tủi nhục, nước mắt. Những nỗi xót xa này tôi đã trải dài trên nhiều trang thư gởi đến anh, để mong nghe ở anh một lời khuyên tha thiết…
… Vào một ngày cuối năm 1983, anh được tha về. Nỗi vui mừng khi gặp lại anh không sao kể xiết. Anh vừa đen vừa ốm. Tôi vừa gầy vừa héo. Chúng tôi đã mặc tình tâm sự. Trăm nỗi sầu được trải dài trong nhau…
… Anh không ham giàu sang hay bất cứ thứ gì khác. Anh đang yêu thương một cô em gái rất đáng tội nghiệp. Từ sau đó, tôi đã trở thành người tình bất diệt trong tim anh. Qua bao cảnh đoạn trường, nào là áp lực của những người thân chung quanh anh, nào là sự tấn công tình cảm của các cô gái. Đã có lúc tôi nghĩ tôi muốn xa rời anh. Tôi thực sự chán nản tột cùng. Lúc ấy trong sở tôi làm việc cũng có không ít những gã đàn ông si tình theo đuổi tôi. Cũng có kẻ thật giàu, cũng có người đầy địa vị. Những ý tưởng này như đang giằng co, cấu xé tôi. Lúc tôi sắp sửa bị đánh gục, thì anh chợt xuất hiện. Anh đến với sự tức giận tột cùng vì ghen. Từng chiếc ly nhỏ bị anh ném mạnh vào góc bếp bể tan trước mặt tôi. Tôi thức tỉnh và hối hận vì tiếng thủy tinh vỡ. Anh đã yêu tôi nhiều hơn tôi tưởng. Anh đã đánh đổi tất cả để có tôi.
… Sau đó, chúng tôi đã âm thầm đưa nhau ra ủy ban phường làm tờ giấy kết hôn, chính thức cho tôi một chỗ bên cạnh anh đi định cư ở Mỹ – và quan trọng hơn – cho tôi được gia nhập gia đình Nàng Dâu Nguyễn Trãi. Trước ngày qua Mỹ khoảng một tháng, được sự cho phép của bố mẹ tôi, chúng tôi đã tự ý đứng ra in thiệp và tổ chức một buổi lễ cưới đơn giản với sự tham dự của hơn 100 bạn bè (không có một người lớn nào của cả hai họ)…
Cuối cùng, chúng tôi cũng được tắm (mưa) chung và sẽ tắm chung cho đến ngày cuối cuộc đời mà không cần bố mẹ cho phép”.
(Kim Oanh)
Nhưng! Những dòng chữ vẫn còn đó mà chị đã “bỏ” người yêu một thời lang bạt để về bên kia thế giới để lại nỗi đau ngút ngàn của T.Vấn “Vĩnh Biệt Tình Em”!
Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, tôi sống trong nỗi buồn vô tận: Nhạc Mẫu qua đời tại Nha Trang, con cháu không về nhìn mặt lần cuối, vợ chồng đứa con gái út và 3 đứa cháu ngoại bị nhiễm Omicron, nay rể và cháu ngoại được qua khỏi.
Nhận tin buồn của niên đệ nhưng tôi không còn bụng dạ nào để chia sẻ cho nhau!
Vấn ơi! Hãy cố gắng sống còn với tất cả tấm lòng chân chính và nhân ái.
Niên trưởng không biết viết gì hơn với niên đệ. Cầu nguyện linh hồn Nguyễn Thị Kim Oanh được yên nghĩ nơi Cõi Vĩnh Hằng.
Little Saigon, Jan 28, 2022
Vương Trùng Dương
==================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét