CÁM ƠN BÔNG GIẤY VẪN NHỚ ĐẾN TÔI (Phần 3- Hết). (BÀI KHAI BÚT ĐẦU NĂM NHÂM THÂN).Hộp thư đến
CÁM ƠN BÔNG GIẤY VẪN NHỚ ĐẾN TÔI (Phần 3- Hết).
(BÀI KHAI BÚT ĐẦU NĂM NHÂM THÂN) [ Nhâm DẦN ] (Tâm Bút TTBG) [] (Gửi riêng anh Thế Phong, Sàigòn).
Một kỷ niệm quý: Một buổi chiều muộn, đang ngồi Café Tùng, bỗng nghe cô học trò Mỹ Vân nói: “Cô về Dalat, nhà ai cô cũng ghé, chỉ mỗi nhà em cô không thèm ghé.” Thế là quay qua hai anh Thế Phong & Đông Sơn, tôi hỏi: “Mình đi Phi Nôm các anh hả?” Cả đám rụp rụp hưởng ứng, mặc áo mưa vào người, đeo ba lô lên vai, rời Café Tùng, năm chiếc xe gắn máy cùng đổ đèo Prenn trong cơn mưa tầm tã, những hạt nước quất mạnh vào mặt. -Anh Thế Phong chở anh Đông Sơn. -Mỹ Vân đèo tôi. -Nguyễn Công Quang chở Âu Cơ, bé Nga. -Nguyễn Thuần đèo bé Hà. -Chú Thương người Dân Tộc chở Sao Sao.
Đến giữa đèo Prenn, xe anh Thế Phong bỗng chậm lại. Các xe kia ghì tốc độ, chờ. Tới nhà vợ chồng Mỹ Vân, anh Thế Phong thú nhận với Nguyễn Công Quang: “Đang xuống đèo bỗng khám phá ra cái thắng bị đứt. Vậy là chân lết, tay ghìm cho xe khỏi rơi xuống hố.”
Ai nấy hú vía! Riêng tôi rất hối hận. Đồng thời thấy thương hai anh nhiều hơn. Đã đành cái tánh bốc đồng của tôi “bay như chim, thấy đó rồi mất đó!” (lời Quang và nhiều khách café Tùng nhận định); đã đành mấy đứa nhỏ ham vui, ưa phiêu lưu mạo hiểm; đã đành nhà vợ chồng Mỹ Vân ở Phi Nôm phải về Phi Nôm, thì cuộc lên đường rõ ràng có lý. Nhưng còn hai anh đã lớn tuổi, từ Sàigòn lên, làm sao không ngần ngại suy nghĩ một giây trước khi quyết định đổ đèo trong mưa gió? Hỏi, rồi tự đáp: “Tất cả đều khởi nguồn từ tấm lòng quý mến, muốn đem nỗi vui cho đứa-em-nhà-văn-cá-chất-ngông-
Về sau, đám văn nghệ Sàigòn nghe chuyện, rất “nể” hai anh và cũng “mơ ước” được một lần phiêu lưu như vậy.
Ân tình, với tôi cũng là thế! * * * */ (Kỷ niệm) Đau đớn: Anh may mắn hơn tôi, có một mái nhà be bé xinh xinh nơi một con ngõ ở khu Tân Định, có người vợ hiền lành với những đứa con khỏe mạnh. (Căn nhà, nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại từng tìm đến, chỉ riêng mẹ con tôi được hân hạnh mời ngủ lại một tối trong phòng viết đầy sách của anh.) May mắn thêm cho anh là những ngày Tết hôm nay, anh được sống trong bầu không khí ấm áp của quê hương, chẳng buồn tênh giá buốt như ở Mỹ... Vậy mà, không hiểu sao tôi cứ nghĩ là anh đang buồn lắm, cô đơn lắm; vẫn “khổ tới già” như lời nhận định về nét chữ anh viết? Những người bạn thân đều đã ra đi, kẻ xa xôi chân trời, kẻ bước đi không về, chẳng mang valise (quay lại)... Đồng thời, cũng không biết tại sao cứ nghĩ anh “kém may mắn hơn tôi” nhiều lắm trong cuộc sống CS với quá nhiều điều “trông thấy mà lòng đau đớn”. Nước mắt người mẹ thực tế (như tôi) không đủ sức mạnh làm kết nối tình thương giữa những đứa con mang lòng thù hận. Còn vòng tay bà mẹ Quê Hương thì xa vời vợi, làm sao đem được nỗi ấm cho những đứa con Miền Nam hẩm hiu thân phận, chôn giấu đau khổ tủi nhục dưới đáy sâu tâm tưởng từ ngày 30 tháng Tư 1975?
Anh ở lại trong xứ sở CS mấy mươi năm, hiểu CS từ Hà Nội 1954 hiểu đi, làm sao anh KHÔNG BIẾT mọi điều “tôi không biết”?
Trong giòng máu truyền đời (khởi từ bà mẹ Âu Cơ 50 con lên núi, 50 con xuống biển) đã có tính CHIA RẼ và ĐỐ KỴ. Nói sơ sơ trong giới viết lách Miền Nam thời đại tôi sống, từ trong nước ra tới hải ngoại, đủ thấy, (khoan nói tới lịch sử, chủ nghĩa, chính thể hay ý thức hệ). Với một đội ngũ hùng hậu những tên tuổi văn-thi sĩ tôi đưa ở phần Nhì, nếu không vì hai cái tính RẤT XẤU đó, lò này lò kia, báo này báo nọ, phe này nhóm khác... mà biết quý trọng nhau, chân thành nể phục nhau, ngồi lại với nhau để cùng nhau viết lách thì nền văn học Miền Nam VN hai thập niên 1950-1970 trở thành không thua gì nền văn chương Pháp có nhà xuất bản lừng danh Gallimard, hậu thân nhiều đời của lòng yêu văn chương, mong tìm kiếm và kết hợp tài năng KHỞI PHÁT TỪ ý hướng hai nhà văn trẻ Alain-Fournier và Jacques Rivière đầu thế kỷ 20.
Không trách được cái Tôi của nhà văn trong một nước nhược tiểu đạn bom liên tục! Nền văn chương hoàng kim nước Nga cuối thế kỷ 18 với vô số tên tuổi rất lớn, cũng xảy ra điều ấy. + Púshkin xuất thân từ “lò” quan cách triều đình, Gogol phải “dựa” vào Púshkin mới được tiến thân được; + Tolstoi và Tourguenie vẫn tự xem mình là “nhà văn quý tộc”, + Dostoievski, (về sau là Makxim Gogol) từ “lò nghèo khổ” hiện ra!
Dù vậy, tài năng vẫn là tài năng dẫu có ở “lò’ nào “chui ra” chăng nữa. Tài năng PHẢI NÊN ĐƯỢC kẻ khác công nhận. Chỉ lòng yêu Văn chương Nghệ thuật “thứ thiệt” có trong máu mới sở hữu sự công nhận đó. + Tolstoi vẫn rất ngưỡng mộ Dostoievski cùng thời, + Púshkin vẫn rất ưu ái Gogol đi sau. + Còn bên Tây, Balzac lừng danh là thế, vẫn là bạn thiết của Georges Sand chưa nổi tiếng.
Riêng LÒNG ĐỐ KỴ (kiểu Tourguenie, Belínski bên Nga đối với Dostoievski; kiểu các họa sĩ phái Ấn Tượng Paris đối với Van Gogh) mới là điều rất đáng chê trách và... thật tiếc! Tiếc bao nhiêu cho sự đố kỵ trở thành sức mạnh tiến thân của những con người tài năng thì lại bấy nhiêu làm tàn lụi kẻ mang tính đố kỵ! Nói “tiếc” là như thế. Từ nhỏ tôi đã thấm nhuần hai câu ca dao mẹ dạy: “Ở đời Trời hại mới hư Còn con người hại chỉ như phấn nhồi” (cho mình thêm đẹp!)
*/ Viết tới đây không thể không thêm vào lời khen tặng dành cho giám đốc NXB Văn Nghệ T/P HCM dạo 2006 đó: -Sau cuộc thương thuyết in ấn bất thành, tuần lễ tiếp, đang ngồi ở Café Tùng Dalat, tôi nhận cú phone của Nguyễn Đức Bình từ Sàigòn gọi lên. Trong câu chuyện thân tình rất văn chương kéo dài hơn 2 tiếng (tôi phải đi ra ngoài, tránh tiếng nhạc ồn ào trong quán), đề cập đoản văn Thương Tội Đời Nhau, Bình nói: “Chị ở Miền Nam thì chị yêu một anh Nhảy Dù là đúng. Còn như ở Miền Bắc, có thể anh Thuận Văn Chàng là một anh Bộ đội được chị yêu thì sao? Tình yêu là của trái tim, không ai có thể bắt bẻ!”
+ Về Nước Chảy Qua Cầu: “Em là người trong nước mà đọc NCQC đã thấy se lòng, huống hồ các độc giả hải ngoại đọc, chắc phải khóc!”
+ Về Một Truyện Dài Không Có Tên và Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau: “Bây giờ người ta bỏ rơi tác phẩm, cô lập chị, nhưng em tin rằng mai sau những quyển ấy sẽ sống hoài trong văn học VN.”
Cái nhìn của một anh có bằng Tiến Sĩ hay Cao Học Sử (lời chị Lê Duyên, bạn anh Thế Phong, từng làm việc trong NXB Văn Nghệ T/P HCM) có khác! Tôi ghi nhận và nể trọng. * * * Mùa Tết Nguyên Đán 2014 về Sàigòn, qua Cư Xá Thanh Đa thăm anh Đông Sơn đang bệnh nặng, nghe anh kể: “Thế Phong buồn con cái, đem bán ve chai hết những cuốn sách trong nhà!” Lòng tôi ngơ ngẩn! (Những cuốn sách sắp lớp thứ tự làm ấm căn phòng viết tôi từng được mời ngủ lại.)
Anh Thế Phong nhìn ra nỗi cô đơn của tôi thì gọi anh Nguyễn Đắc Sơn bên Houston bảo chia xẻ. Còn tôi nhìn ra nỗi đau lòng của anh, chẳng dám gọi hỏi thăm. Với một nhà văn yêu chữ nghĩa, sống chết suốt đời với các đứa con tinh thần, ban cho chúng sự nhìn thấy ánh mặt trời cách này cách khác, dù dưới chế độ Miền Nam hay CS, thì chuyện PHẢI BÁN CON đúng là chuyện đau như cắt ruột. Hơn nữa, “bán ve chai!”, nguyên nhân không khỏi khởi sinh từ nỗi chán chường tột độ? (Tôi không dám nghĩ...) * * *
MAI MỐT ANH VỀ (Thơ Thế Phong, in trong tập Nếu Anh Có Em Là Vợ, NXB Văn Học 1996). []
Buổi anh ra đi anh bảo rằng mai mốt anh về anh nhớ Sàigòn từ giây phút ấy biết nói sao vì anh đã ra đi!
Chiều hiu quạnh vầng mặt trời đỏ ối tựa chiếc ly anh vẫn uống champagne từ từ chết ở ven bờ biển ai tiễn đưa, hay là sóng biển, gió cồn?
Ngoài kia heo hút Hòn Rùa, Phú Quốc anh nhớ đến cuộc đời phong ba gió lốc của kiếp nhà văn mai mốt người sẽ tắt như chiều nay mặt trời đỏ quắc thêm lần cuối cùng chói sáng thế gian
Và trên tay anh đang đọc cuộc đời như Mozart chết nấm mồ tàn lụi vào chiều mưa mà vợ người trở lại không hay gió mờ hiu hắt vì sao em biết? thân người thành đất hồn người còn vang dội như chiều nay mặt trời sắp tắt để rồi ngày mai bắt gặp tỏa sáng cho loài người
Anh nhớ đến người Van Gogh chết trên tay còn tô nét bút “Le champ aux blés”
Mai mốt anh về anh kể lại cho em nghe cuộc đời bi đát của người Tản Đà đến khi chết còn vẳng lại dư âm buổi sinh thời mật đắng toan bán cả Trời!
Anh đọc, anh viết một triệu bài thơ ca tụng Dostoievski, Gorki bởi người an ủi anh trong giờ tàn lụi, khổ hạnh anh còn muốn sống cho trọn vẹn kiếp làm người sao nỡ khóc than
Anh lại cúi đầu muôn lần sùng bái Chu Thần xa kinh kỳ về miền hoang dại, gõ đầu con trẻ “Một thầy, một cô, một chó cái Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”.
Mai mốt anh về anh kể cho em nghe buổi chiều nay anh đang nhỏ lệ khóc người xưa hát lại khúc “Tài tử đa cùng”.
Em ơi! mai mốt anh về em nhé nói làm sao cho hết những chiều gần chết của mặt trời những chiều tàn lụi của cuộc đời và làm mới mặt trời. []
Những con chữ đơn giản mà thật là thơ! Khẩu khí bi tráng, lôi cuốn; không ủy mị, tầm thường, nông cạn! (Người phương Bắc làm sao hiểu nổi?!) Bài thơ làm ra ở thuở sống nào của anh, tôi không biết. Sáng Ba Mươi Tết Nhâm Thân ở San Jose, đột nhiên tìm thấy trên kệ, giở đúng ngay bài đó. Ở trang nhất tập thơ ghi chữ ký anh “Tặng TTBG, Sàigòn tháng 4, 2007”.
Đọc, mà nghe chan hòa xúc cảm.
Đây thật đúng là anh Thế Phong tôi từng quý mến. Một Thế Phong văn-chương-thi-ca- Miền-Nam tôi vẫn ngờ ngợ cảm nhận trong những mùa hè đi uống café với RIÊNG anh (không có sự hiện diện của các người cầm bút phe kia).
Muốn biết Thế Phong là ai thì nên đọc những lời thơ bi tráng phía trước (hay là toàn thi tập Nếu Anh Có Em Là Vợ).
Bài đọc xong, buồn quá, không muốn đọc tiếp các bài khác (sợ bật khóc trong buổi Ba Mươi hiu quạnh!) Trái tim u hoài, tưởng như từ thuở nào trước đó, anh Thế Phong đã NHÌN THẤU và VIẾT XUỐNG GIÙM tâm sự sâu kín bây giờ của đứa em nhà văn, người sống đời đất khách xa xôi. * * * Buổi sáng Ba Mươi thức dậy, gọi về Nha Trang cho Diễm Châu & Diêu Cự, nghe Cự nói: “Năm nay khai bút hay khai nhạc, chị nhớ viết cái gì cho vui vui nghe.” Tôi cười: “Em ơi, Văn là Người, Âm nhạc là Người!”
Phần kết Cảm Ơn Bông Giấy Vẫn Nhớ Đến Tôi dùng làm bài khai bút đầu năm, có muốn ghi các kỷ niệm vui với anh Thế Phong cũng không thoát được giọng văn trầm trầm u uẩn. Sao hơn được? Nghĩa tình Văn Chương kết từ năm 1998 với anh vẫn là món quà lớn trong đời tôi từng được nhận. Bấy nhiêu đã đủ làm ấm căn nhà đầy các linh hồn Những-Người-Cổ-Đại trong buổi sáng cuối năm. Tôi cảm ơn anh. * * *
[*/ Note 1: Bây giờ mới biết tại sao anh Thế Phong yêu các bài Tài Hoa Mệnh Bạc tôi viết. Bởi, chính anh cũng là một kẻ “Tài hoa giữa chợ chẳng ai hay!” như sinh thời của các bậc tài hoa trong bộ bốn tập, tôi đã xuất bản.]
[*/ Note 2: Sáng Ba Mươi, nhận lời chúc từ anh Uyên Thao ở Virginia: TVân ơi, Không thể nắm tay cùng đón chào Năm Mới nên đành chỉ gửi TVân một ước mong là LUÔN VỮNG BƯỚC TRÊN NẺO ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN suốt những tháng ngày đang tới và sẽ tới. UThao
Nghĩ, giá lời chúc nhận đúng vào mồng Một Tết thì hay biết mấy! (Tôi rất tin ngày Mồng Một). Nhưng dù Ba Mươi hay Mồng Một thì tôi biết lời cầu mong của một đàn anh thế hệ trước vẫn là hiệu nghiệm: “Ngày nào tôi còn sống là ngày đó tôi còn không bẻ cong cây viết và vẫn duy trì cung cách đối xử trân trọng với những đứa con tinh thần, với Văn Chương.”
+ Nghĩ thêm: Chắc suốt năm Nhâm Thân, trong tôi sẽ xảy ra hiện tượng: “Cái gì cũng TIẾC và cái gì cũng QUYẾT TÂM thực hiện đến hơi thở mong manh cuối.”]
Hết! []
Trần Thị Bông Giấy. (San Jose, đầu năm Nhâm Dần, khuya thứ Ba, Feb. 1, 2022.) [] l |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét