CUỘC ĐỜI LƯU VONG CỦA NHÀ VĂN
DUYÊN ANH
Hôm nay, mở e-mail, tôi thấy một bài, tựa đề 20 năm nhà văn Duyên Anh lìa cõi tạm. Tôi ngồi lặng người, để mặc cho bao nhiêu ký ức về Duyên Anh chợt dồn dập trở về.
Tôi còn nhớ như in, chiều ngày 30 tháng chạp năm Bính Tý, từ Luân Đôn tôi bàng hoàng nhận được tin Duyên Anh qua đời ở Paris ngày hôm trước. Tính theo dương lịch thì là ngày 6/2/1997.
Tang lễ cử hành 10 giờ sáng 14/2/1997, hỏa thiêu lúc 14 giờ cùng ngày. Cuối cùng, tôi đi tới quyết định phải kể lại những điều tôi biết về Duyên Anh, để giúp những người ái mộ nhà văn hiểu rõ hơn về anh, đồng thời đính chính những hiểu lầm của người đời, do vô tình hay cố ý.
Ngay khi Duyên Anh sống trên đảo Pulau Bidong chờ được sang Pháp sum họp với vợ con, anh đã liên lạc với tôi ở Luân Đôn. Và cũng vào thời gian này, rắc rối đã xảy ra. Hồi đó, có người kể lại với tôi rằng một số người trên đảo nghe nói là Duyên Anh làm ăng ten khi đi tù cộng sản, nên họ dọa đánh.
Cũng trong thời gian này, con gái Duyên Anh là Vũ Nguyễn Thiên Hương gửi cho tôi và giáo sư Patrick Honey bản thảo hai truyện “Đồi Fanta”,
và “Một người Nga ở Sài Gòn”. Tôi thấy trong “Đồi Fanta” tác giả mượn lời mấy đứa trẻ bụi đời để chửi các nhân vật lãnh đạo cũ của VNCH như Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, hoặc nhà văn Mai Thảo.
Tôi dùng bút chì đánh dấu những chỗ đó rồi chú thích đề nghị Duyên Anh bỏ các đoạn đó đi, với lý do chúng chỉ làm rẻ tác phẩm mà thôi. Sau đó tôi cảm động và ngạc nhiên khi thấy Duyên Anh nghe theo lời khuyên mà bỏ những đoạn văn đó. Tôi mừng vì nghĩ rằng môt con người cao ngạo và bướng bỉnh như Duyên Anh mà bây giờ biết “tu tỉnh” và biết nghe lời khuyên hợp lý rồi chăng ?
Nhưng không lâu sau thì chứng nào vẫn tật nấy khiến tạo ra biết bao nhiêu là hệ lụy. Tuy nhiên, trong mối giao tình suốt gần hai thập niên 1980, 90, đã có những lần Duyên Anh chịu lắng nghe tôi.
Có thể nói rằng Duyên Anh mang một cuộc sống nội tâm nhiều dằn vặt. Phải chăng điều này tạo ra một Duyên Anh bề ngoài khinh mạn, bướng bỉnh, phá phách ? Có những chuyện riêng tư dường như Duyên Anh chỉ giữ kín trong lòng không hề thố lộ với ai, kể cả người bạn thân nhất, từng gắn bó với Duyên Anh từ thời trai trẻ hàn vi hồi mới di cư, từng hi sinh rất nhiều cho Duyên Anh cả về vật chất lẫn tinh thần, là Đặng Xuân Côn. (Đặng Xuân Côn lớn tuổi hơn Duyên Anh nhưng lấy cô em vợ Duyên Anh, cô Minh).
Đây là ví dụ cho thấy tình thân giữa hai người bạn, và sự hi sinh của Đặng Xuân Côn dành cho Duyên Anh như thế nào: Hồi hai người còn nghèo, với đồng lương thư ký và chỉ đi làm bằng chiếc xe mô bi lét cọc cạch, mà Đặng Xuân Côn dám mua chiếc xe Vespa mới toanh đầu đời cho Duyên Anh.
Và ba lần vợ Duyên Anh đi sanh, thì chính Đặng Xuân Côn là người vào bảo sanh viện trông nom săn sóc sản phụ và hài nhi, khiến cho các bác sĩ và y tá cứ tưởng Đặng Xuân Côn là cha mấy đứa trẻ !
Tôi nghĩ rằng hệ lụy đeo đẳng cuộc đời Duyên Anh có lẽ từ khi Duyên Anh kết hôn. Duyên Anh theo đạo Phật trong khi vợ theo đạo Chúa. Song hình như Duyên Anh cũng không quan tâm chuyện tôn giáo.
Nguyễn Ngọc Phương – vợ Duyên Anh – là con nhà đại điền chủ miền Nam Nguyễn Ngọc Đề, em phó tổng thống thời Đệ Nhất Cộng Hòa Nguyễn Ngọc Thơ. Ở Long Xuyên có con kinh gọi là kinh Ông Đề, chính do cha vợ Duyên Anh cho đào để đem nước vô giúp dân làm ruộng. Dù lấy vợ nhà giàu và có thế lực nhưng Duyên Anh hầu như không nhờ nhà vợ gì cả, vì mẹ ruột Ngọc Phương mất sớm, và ba chị em gái gặp bà dì ghẻ khắc nghiệt.
Tuy vậy cũng khó tránh được “lời ong tiếng ve” và chính Duyên Anh sau này có viết mấy lần về thái độ xem thường của cậu em vợ, để rồi khi đã có danh vọng thì Duyên Anh “tuyết hận” (chữ của Duyên Anh)
Sau này nhờ có dịp tiếp xúc nhiều nên tôi được biết khá rõ về tính tình của vợ Duyên Anh. Chính vì giữa hai vợ chồng không có được mối quan hệ hòa thuận kẻ tung người hứng, hiểu nhau, thông cảm cho nhau, nên gia đình thỉnh thoảng xảy ra cảnh bất hòa.
Theo ông Trần Kim Tuyến, hồi những năm trước 1975, cứ trung bình khoảng 2, 3 tháng, vợ Duyên Anh lại đến khóc lóc nhờ ông và linh mục Thiên Hổ (Nguyễn Quang Lãm, báo Xây Dựng) đi tìm Duyên Anh vì anh chàng cãi nhau với vợ, đã bỏ nhà đi biệt.
Hai vị niên trưởng lại phải cho người đi dò la tin tức Duyên Anh, rồi khuyên nhủ hắn về với gia đình. Đã đành vợ chồng nhà nào cũng đôi khi có chuyện mà người ta gọi là “bát đĩa có khi xô”. Nhưng với Duyên Anh hình như tình trạng này không phải chỉ xảy ra “thỉnh thoảng”.
Sau này, khi đã lâm cảnh mất nước, mất nhà, thân đi tù đi tội, thế mà cũng vẫn còn cảnh xào xáo lục đục. Lắm khi tôi cứ giả thiết : nếu Duyên Anh lấy một người vợ tính tình nhu mì, biết cách chìu chồng, biết nhẫn nhịn chịu đựng, thì có lẽ Duyên Anh đã không gây gổ và có cuộc sống gia đình thật hạnh phúc. Duyên Anh ham bạn, rồi khi có sẵn đồng tiền thì lại ham chơi vung vít.
Khi sống cuộc đời tị nạn ở Paris, không còn tiền để vung vít nữa, nhưng tính ham bạn vẫn còn. Cộng thêm hoàn cảnh sống gò bó cả tinh thần lẫn vật chất, nên càng thèm bạn và chỉ còn cách tìm sự khuây khỏa bằng ly rượu. Bởi vậy, trong một lá thư gửi cho tôi hồi cuối năm 1987 trước khi bỏ Paris sang Hoa Kỳ, Duyên Anh thổ lộ tâm sự với tôi, còn bình thường không hề hé môi.
Trước đó không lâu, Duyên Anh tỏ ra buồn và cô đơn vì cuộc sống ở Paris không thích hợp với mình, nên đã làm bài thơ Lưu đầy gồm 100 câu gửi tặng tôi. Hiểu rõ tâm trạng Duyên Anh, tôi đã viết trả lời bằng bốn câu có giọng hơi trách móc như sau:
“Đến được đây ta ở lại đây
Có ai vui kiếp sống lưu đầy
Sao vội quên câu “sông có khúc…”
Địa ngục, thiên đàng, ai tỉnh say ?”
Viết như vậy, nhưng tôi biết rất rõ rằng Paris không phải nơi có thể cầm chân Duyên Anh được. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cho Duyên Anh biết rằng đất Mỹ cũng chưa hẳn sẽ là nơi thích hợp với anh. Bởi vì bây giờ thời thế đã đổi khác. Những người bạn mà anh tưởng có thể chia bùi xẻ ngọt, những người trước kia đã nhờ vả anh hoặc tỏ ra hào sảng với anh; tất cả bây giờ đã đổi khác rồi. Sẽ khó trông mong gì ở họ. Có kẻ gặp vận may trở nên khá giả, nhưng họ làm mặt xa lạ chứ không nồng nhiệt với anh.
Có những người còn tình nghĩa nhưng lâm cảnh “ốc chưa mang nổi mình ốc làm sao mang cọc cho rêu”. Tôi cũng nhắc nhở Duyên Anh rằng nếu vẫn cứ muốn đi Mỹ thì phải rất thận trọng. Vì đất Mỹ vốn có lối sống rất bạo động, mà bằng cách ăn nói, viết lách đụng chạm, gây thù oán với nhiều người của Duyên Anh thì khó tránh được tai họa.
Nhưng sau khi đọc hai lá thư cuối cùng của Duyên Anh viết từ Paris, tôi mới hiểu rõ thêm những nguyên nhân thúc đẩy Duyên Anh có quyết định dứt khoát. Trước nhất là sự việc liên quan đến buổi ra mắt 3 băng cassette nhạc do Duyên Anh thực hiện. Trước đó một thời gian Duyên Anh viết cho tôi, nói rằng cần tiền để làm việc này. May mắn là một mạnh thường quân giúp một khoản lớn, một vài anh em khác ủng hộ những món nhỏ. Và Duyên Anh ngỏ ý “vay” tôi một khoản nhỏ, hứa bán xong cassette sẽ trả ngay. Tôi đã gửi “ủng hộ, chứ không vay mượn gì cả”.
Chẳng ngờ, khi buổi ra mắt băng nhạc được tổ chức khá xôm tụ với hi vọng tràn trề của Duyên Anh, thì bất ngờ vợ Duyên Anh ập đến phá đám. Bởi vì vị mạnh thưnh là một phụ nữ.
Người này tôi đã biết, và khoảng nửa năm trước đã mời tôi cùng Duyên Anh về nhà ăn cơm. Đây là một phụ nữ đã có hai con gái học trung học và đại học ở Mỹ. “Bị” mời thì tôi đến, nhưng tôi không tỏ ý kiến tán thành hay phản đối mối liên hệ này của Duyên Anh.
Vì tôi nghĩ bạn tôi đã quá khôn ngoan từng trải và nhiều tài hoa do đó đi đến đâu cũng có rất nhiều người mến mộ. Đó là chuyện… bình thường. Còn tôi “tài hèn trí đoản”, nên chỉ biết an phận mà thôi. Vì vụ đánh ghen bất ngờ đó mà Duyên Anh và vị mạnh thường quân được bằng hữu đưa vội ra cửa sau, biến mất; còn quan khách cứ tự động giải tán trong sững sờ.
Sau đó, vợ Duyên Anh tịch thu hết băng nhạc, cho nên không ai mua được, và chỉ một số rất nhỏ bạn thân của Duyên Anh có được các băng nhạc đó mà thôi. Sau vụ này Duyên Anh viết thư cho tôi.
Tất nhiên, không khí gia đình Duyên Anh càng kém vui hơn. Có lẽ sự dằn vặt của vợ đã khiến cho Duyên Anh đi đến quyết định dứt khoát là bỏ gia đình, bỏ Paris để đi Mỹ, mặc dù chưa có quốc tịch Pháp, mà cũng chẳng có một thứ bảo hiểm nào cả, trong đó bảo hiểm du lịch là tối quan trọng.
Chính vì vậy mà khi bị hành hung ngày 30/4/1988, Duyên Anh lâm vào tình trạng rất bi đát. Trong lá thư cuối viết từ Paris, Duyên Anh tỏ cho tôi biết quyết định dứt khoát. Hình như khi sang Mỹ, Duyên Anh đến ở với gia đình Đặng Xuân Côn một thời gian ngắn, rồi đi gặp một số bạn cũ và mới, rồi cũng viết cho một hai tờ báo (hồi đó báo chí Việt Nam ở hải ngoại còn phôi thai lắm). Và dĩ nhiên, Duyên Anh cũng đả kích vung vít khá nhiều người. Đụng chạm lớn nhất có lẽ là với mặt trận Hoàng Cơ Minh mà nghe nói hồi đó đang phát triển mạnh lắm.
Những hệ lụy do Duyên Anh tạo ra khiến đưa đến vụ hành hung thô bạo. Tôi thương và buồn cho Duyên Anh. Không lâu sau khi Duyên Anh đến Paris từ Pulau Bidong, tôi đã sang ngay để phỏng vấn và tường thuật trên BBC.
Còn nhớ, tôi đã chỉ mặt Duyên Anh mà bảo : “Thôi nhé. Từ nay hãy chôn bỏ những thằng Thương Sinh, Bếp Nhỏ, Thập Nguyện v.v… mà chỉ giữ lại thằng Duyên Anh nhé ! Để cho người ta thương và tránh gây thù chuốc oán. Vả lại, viết lách và làm báo ngoài này rất khác với trong nước như cách các ông quen làm trước 1975”.
Khi đó, Duyên Anh đã cười, trả lời, “Tôi hứa với ông và thề sẽ chỉ giữ lại một thằng Duyên Anh thôi”. Và vợ Duyên Anh đã đúng khi nói : “Anh Duyên Anh thề cá trê chui ống !”
Những huyền thoại quanh vụ Duyên Anh bị hành hung
Đã 29 năm rồi, kể từ cái ngày định mệnh 30/4/1988, ngày nhà văn Duyên Anh bị đánh suýt vong mạng. Lúc đó là 5 giờ sáng giờ Luân Đôn. Chuông điện thoại reo, tôi ngạc nhiên bật dậy khỏi giường và lẩm bẩm, “Ai gọi sớm thế !” Đầu dây bên kia, tiếng vợ Duyên Anh khóc và kể rằng chồng bị người ta đánh hôn mê bất tỉnh, chắc là chết mất !
Tôi sững sờ, hỏi xem tình trạng Duyên Anh ra sao. Chị Ngọc Phương vẫn mếu máo, bảo, “Đưa vào nhà thương, nhưng vì anh Duyên Anh không có giấy tờ, không có bảo hiểm, nên chúng nó vất nằm một xó như con chó, không biết gì cả. Anh làm ơn gọi ngay cho bệnh viện, bảo lãnh cho anh Duyên Anh, thì họa may họ mới chữa cho. Anh làm ngay đi !”
Tôi hỏi tên bệnh viện, số điện thoại, và tên bác sĩ trực hôm đó. Vợ Duyên Anh cho mọi chi tiết. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ được ông bác sĩ hôm đó có tên Fernandez (?) nên đoán ông ta gốc Mễ. Tôi gọi ngay, xin nói chuyện với ông ta, xưng tên họ, là senior producer trong đài BBC London, cho số điện thoại sở cũng như nhà riêng, kèm theo địa chỉ.
Tôi cho biết Duyên Anh là một nhà văn nổi tiếng của VNCH, từ Paris sang Mỹ chơi, chứ không phải một tên vô gia cư. Và tôi thay mặt gia đình Duyên Anh, hứa sẽ thanh toán mọi phí tổn của bệnh viện. Sau đó, tôi gọi luôn đại diện Pen Club International ở Mỹ, nói cho biết sự thể, và đề nghị họ cũng gọi cho bệnh viện để giới thiệu thân thế và sự nghiệp Duyên Anh.
Tôi lại gọi đại diện Secours Catholique của Pháp (một tổ chức thiện nguyện Công giáo) yêu cầu họ làm tương tự. Rồi sau được biết là Đặng Xuân Côn và con trai lớn của Duyên Anh là Vũ Nguyễn Thiên Chương đã từ Texas bay sang ngay để săn sóc cho Duyên Anh và lo mọi thủ tục giấy tờ.
Tôi yên tâm vì Đặng Xuân Côn và Thiên Chương đã có mặt ngay bên cạnh Duyên Anh. Rồi được biết là sau một thời gian chữa trị trong bệnh viện, Duyên Anh được cho về. Một mạnh thường quân dấu tên (sau này nghe nói là Bùi Bỉnh Bân), đã bí mật đem Duyên Anh về tiếp tục săn sóc.
Theo gia đình Duyên Anh thì người này phải giữ hoàn toàn bí mật, vì vào thời điểm đó người Việt tị nạn sống ở Mỹ rất hoang mang sau vụ Duyên Anh bị hành hung. Trước đó đã thỉnh thoảng có người bị khủng bố hoặc sát hại vì bày tỏ thái độ chính trị.
Vợ con Duyên Anh còn sợ rằng kẻ thù sẽ tiếp tục truy tìm để làm cho Duyên Anh chết luôn hầu bịt miệng. Cơ quan FBI gặp bế tắc vì cộng đồng người Việt tại Orange County không có ai dám hợp tác để giúp cho cuộc điều tra truy tìm hung thủ. Người ta sợ và hèn!
Trong khi đó, lại không thiếu những tin đồn, những lời rỉ tai trong quần chúng cũng như trong giới cầm bút về tình trạng sức khỏe của Duyên Anh. Những người bạn tốt muốn tìm hiểu sự thực cũng mù tịt, trong khi có người tung tin là Duyên Anh đã về Pháp rồi.
Thậm chí có một vài ông trong giới cầm bút còn tuyên bố (như thật) rằng tổng thống Mỹ ra lệnh dùng một chuyến bay riêng để đưa Duyên Anh về Pháp, có nhân viên FBI đi theo bảo vệ ! Ông khác lại nói rằng tổng thống Pháp ra lệnh đem một máy bay đặc biệt sang đưa Duyên Anh về Pháp.
Ấy thế mà người Việt mình quả thật quá dễ tính, cứ tin là có thật. Nực cười nhất là cho đến tận ngày nay mà vẫn còn có nhiều người tin như vậy ! Vậy sự thật ra sao ? Sự thật là sau một thời gian chờ đợi cho Duyên Anh phục sức để có thể ngồi máy bay về Pháp, tổ chức thiện nguyện Secours Catholique của Pháp gửi tặng 2 vé máy bay. Một cho Duyên Anh và một cho một người thân đi theo săn sóc. Chỉ có vậy thôi.
Và từ đó, tại Paris, mỗi tuần Duyên Anh phải vào bệnh viện mấy lần để cho bác sĩ theo dõi sức khỏe, rồi được cho tập vận động nhẹ nhàng, nếu không thì sẽ bị bại liệt luôn. Thế rồi, với thời gian, với việc tập vận động, lần lần Duyên Anh sử dụng được tay trái và chân trái.
50 tác phẩm của Duyên Anh xuất bản trước năm 1975
Nghĩa là nửa người bên trái phục hồi tuy không mạnh như xưa, còn nửa bên phải vẫn liệt. Tôi lại luôn luôn gọi qua Paris khích lệ để Duyên Anh đừng nản chí. Tôi thường nhắc Duyên Anh về một thí dụ mà chính Duyên Anh đã viết trong truyện của mình về tấm gương nghị lực và ý chí phấn đấu không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, đó là con gọng vó, một loài nhện nước chân dài lêu khêu trông như những gọng của cái vó đánh cá.
Trong một đoạn văn, Duyên Anh tả con gọng vó đứng trên một dòng nước chảy xiết. Nó bị dòng nước cuốn xuôi, nhưng không chịu thua. Nó gắng hết sức vượt lên, ngược dòng. Rất nhiều lần nó bị cuốn xuôi, nhưng nó nhất định không chịu khuất phục, lại vượt lên ngược dòng. Và tôi đã nhắc Duyên Anh hình ảnh con gọng vó để cho Duyên Anh lên tinh thần, khắc phục nghịch cảnh.
Duyên Anh hứa với tôi sẽ làm như con gọng vó. Qủa nhiên, một thời gian sau, Duyên Anh đã viết bằng tay trái khá nhanh, tuy không đẹp được như ngày xưa viết bằng tay phải. Ngày xưa Duyên Anh nổi tiếng viết khá nhanh, chữ nhỏ li ti như con kiến, và rất đều, thẳng tắp. Bây giờ viết tay trái không nhanh và đẹp bằng, nhưng chữ cũng nhỏ và đều đặn.
Họa vô đơn chí
Duyên Anh bị hành hung 30/4/1988, còn đang thời kỳ phục hồi sức lực và gặm nhấm đau thương thì thảm họa lại bất ngờ chụp xuống đầu anh một lần nữa. Đó là sự mất đi đứa con gái duy nhất mà Duyên Anh rất thương vì cháu rất thông minh lanh lợi : Vũ Nguyễn Thiên Hương cùng chồng tử nạn trong chuyến máy bay trở về, sau chuyến đầu tiên về thăm quê nội làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chồng của Thiên Hương là David McAree, một thanh niên hiền lành gốc Tô Cách Lan. David nói tiếng Việt khá giỏi và trước kia có thời gian làm cho đài BBC.
Khoảng gần cuối năm 1988, một hôm vợ Duyên Anh gọi điện thoại than phiền với tôi rằng con gái muốn đem chồng về thăm quê nội, nhưng chị không muốn. Chị cố thuyết phục và ngăn cản, nhưng nó vẫn giữ ý định. Cuối cùng, chị nói, “Tao bảo mày không nghe, mày cứ đi, nếu mày có rớt máy bay mày chết, tao cũng không thương đâu !” Tôi kêu lên, “Sao chị ăn nói gì kỳ cục vậy ? Nói gở như vậy, nếu rủi có chuyện gì xảy ra thì chị sẽ ân hận suốt đời đấy !”
Rồi vì bận rộn công việc, tôi cũng quên chuyện đó. Cho tới một hôm, em trai của Thiên Hương là Thiên Sơn gọi điện thoại sang báo tin, “Bác ơi ! Chị Hương cháu tử nạn máy bay rồi ! Bố cháu bảo cháu báo tin cho hai bác”. Tôi như bị điện giật, sửng người đi một lát mới hỏi, “Sao ? Còn thằng David ? Bố cháu nay ra sao ?” Sơn đáp : “Cả anh David cũng chết luôn. Bố cháu chỉ ngồi yên, không nói gì”
Thì ra, vợ chồng cháu Hương về Việt Nam, ghé về quê nội thăm họ hàng. Ở chơi ít ngày, David còn nhảy xuống tắm ở ao làng, cả làng ra xem. Không ngờ trên chuyến bay đến Bangkok trước khi về Pháp thì máy bay đâm xuống ruộng lúa khi gần tới thủ đô Thái Lan làm 76 người thiệt mạng.
Bà mẹ góa của David McAree xin đem hài cốt của con trai và con dâu về chôn trong hai ngôi mộ cạnh nhau gần nhà ở Tô Cách Lan.
Một thời gian sau, vợ chồng Duyên Anh được Thiên Chương là con trai lớn cùng Đặng Xuân Côn từ Mỹ sang, đưa đi thăm mộ Thiên Hương ở Tô Cách Lan. Họ ghé nhà tôi ở Luân Đôn làm trạm nghỉ chân ít ngày.
Vợ Duyên Anh không ngớt cằn nhằn chồng tại sao để cho bà sui gia giành lãnh hết tiền bồi thường của hãng hàng không. Phần Duyên Anh chỉ nói, “Cái mạng con mình đã mất rồi, còn chẳng giữ được, tranh giành tiền bạc để làm gì ?”
Những tháng năm cuối đời
Bị tàn tật, chỉ sử dụng có nửa người bên trái, lại bị thêm thảm họa mất con gái, Duyên Anh như chết lịm hẳn đi. Nay trong mắt người vợ, Duyên Anh mất giá hẳn. Cho nên Duyên Anh lại càng phải nghe những lời cằn nhằn vốn đã quá quen thuộc. Tôi không ngạc nhiên khi thấy Duyên Anh rất muốn thoát khỏi không khí tù túng của gia đình.
Thỉnh thoảng Duyên Anh sang ở với tôi ít ngày. Trong những dịp như thế, tôi lại đưa lên thành phố Cambridge cho anh thăm ông Trần Kim Tuyến và nhà văn lão thành Lãng Nhân Phùng Tất Đắc.
Những lúc như thế, Duyên Anh vui lắm, cứ như cá gặp nước. Tuy nhiên, tôi vì bận công việc nên khó thu xếp thời giờ để luôn luôn giúp bạn vui. Ngay như ở Paris, không dễ gì để Duyên Anh có thể đi đây đi đó gặp gỡ bạn bè. Họa hoằn mới nhờ được người đem xe đến chở đi. Và người có lòng tốt cũng lại ngại ngùng không muốn làm phật lòng bà Duyên Anh.
Hình như bà không muốn chồng đàn đúm, vui vẻ với bạn bè. Ngày xưa Duyên Anh còn khỏe mạnh, sẵn tiền bạc, danh vọng, thì có lý do chính đáng để bà giữ chồng vì sợ tính nết trăng hoa của chồng đã đành. Nhưng nay Duyên Anh đã tàn phế, thất thế, không tiền bạc, mà bà cũng không muốn cho chồng ra ngoài.
Khoảng giữa năm 1995, chẳng hiểu vì sao, Duyên Anh phải kéo lê cái va li nhỏ, được bà đầm hàng xóm kêu giùm cái xe taxi, để đến tá túc ở nhà bà Bích Thuận. Rồi bà Bích Thuận bị vợ Duyên Anh gọi điện thoại dùng lời lẽ khá bất nhã.
May quá, dịp đó bác sĩ Tuyến đang có mặt ở Paris, liền mua vé máy bay cho Duyên Anh sang Luân Đôn, định đến ở nhà tôi. Nhưng lại gặp rủi, là vì đúng ngày hôm sau tôi phải lên đường đi Việt Nam công tác sáu tuần lễ. Nên Duyên Anh phải lên Cambridge ở 3 tuần với bác sĩ Tuyến. Sau đó ông lại mua vé cho Duyên Anh sang Mỹ.
Sang California, Duyên Anh được một số đàn em cưu mang : ở với Vũ Trung Hiền một thời gian, rồi Nguyễn Kim Dung đón về ở một thời gian. Trong những năm này, có lần Duyên Anh trở về Paris để lấy quốc tịch Pháp. Nghe nói cũng thời gian này, FBI cử nhân viên sang Paris gặp Duyên Anh, cho biết họ đã tìm ra kẻ hành hung Duyên Anh trước kia.
Nếu Duyên Anh muốn thì khởi tố, họ sẽ bắt và đưa hung thủ ra tòa. Nhưng Duyên Anh trả lời rằng anh không muốn làm gì nữa. Người Mỹ làm việc quá chậm, còn anh thì đã cảm thấy chán hết mọi chuyện rồi. Thôi hãy bỏ đi ! Cho nên vụ án này chìm và bị quên luôn !
Không phải tới năm đó Duyên Anh mới “bỏ qua” vụ án. Năm 1991 Duyên Anh sang nhà tôi. Tôi đã phỏng vấn để phát trên đài BBC. Khi được hỏi về vụ bị hành hung, Duyên Anh trả lời không còn thù hận gì những kẻ hành hung mình. Duyên Anh bảo họ cứ sống thản nhiên, đừng lo ngại. Theo anh, có thể người ta nghĩ rằng anh đã sợ. Nhưng ai muốn nghĩ sao tùy ý.
Điều xót xa đau đớn cho Duyên Anh là trong những tháng năm cuối đời, khi đã thất thế, thân thể tàn tật, chỉ có thể sử dụng được tay trái và chân trái, nói năng cũng chậm chạp, đầu óc không còn minh mẫn như xưa, nên lắm khi cần phải có người giúp đỡ trong các sinh hoạt hàng ngày.
Vốn là người nhiều nghị lực và tự ái, Duyên Anh cố gắng, không muốn nhờ vả ai cả. Ngay trong gia đình đã thiếu đi tình thương yêu và sự an ủi săn sóc của một người vợ hiền. Cứ nhìn cảnh Duyên Anh ngồi ăn cũng đủ thấy hoàn cảnh bi đát của anh. Thường thường, Duyên Anh thích được ăn cơm để trong cái tô lớn, có chan canh, để có thể dùng tay trái xúc bằng muỗng mà ăn. Gặp những món ăn cứng, thái miếng to, hay phải gắp bằng đũa thì chịu chết !
Đã vậy, còn bị đổ vãi ngoài ý muốn. Có khi chỉ vì một sự bất ưng ý nào đó, tô cơm đang ăn bị lấy đi, đem đổ vào thùng rác! Cho nên, đã từ lâu rồi, Duyên Anh chỉ muốn vùi đầu vào ly rượu để quên đời, quên sầu tủi.
Tiểu sử nhà văn Duyên Anh (1935-1997)
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ.
Ông sinh ngày 16/8/1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội. Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề : bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo.
Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy…. viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.
Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như : Xây dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc…
Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình.
Các tác phẩm mổi tiếng phải kể đến “Ðiệu ru nước mắt”, “Luật hè phố”, “Dzũng ÐaKao”, “Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang”, “Nặng nợ giang hồ”, “Bồn Lừa”…
Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975,ngày 8/4/1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo. Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11/1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như “Đồi Fanta”, “Một Người Nga ở Sài Gòn”. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc. Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.
Ngày 6/2/1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.
VĨNH PHÚC
( Senior Producer Đài BBC/ Luân Đôn)
-------------------------
Hồng Anh st
---------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét