Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

đọc thêm (3) : " nhà văn phải sống thế nào để duy trì sự viết. "/ Hữu Việt phỏng vấn -- nguồn: Nhân Dân ( hàng tháng)

 

Nhà văn phải sống thế nào để duy trì sự viết


HỮU VIỆT
phỏng vấn
Thứ Hai, 06-07-2020, 13:37

Nhà văn Hồ Anh Thái từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hai nhiệm kỳ (2000 - 2010) và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (2005 - 2010). Ông đã xuất bản hơn 40 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, sách đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước.

Là nhà ngoại giao, Hồ Anh Thái từng làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ, được bổ nhiệm làm Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran và Indonesia. Là Tiến sĩ văn hóa phương Đông, Hồ Anh Thái đã thỉnh giảng ở Đại học Washington và một số đại học nước ngoài.

Ông sống tương đối khép kín, ít xuất hiện trước đám đông và khá kiệm lời. Đây là buổi trò chuyện hiếm hoi của ông với Nhân Dân hằng tháng.

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Nhiều người đọc trong đó có tôi thường tự hỏi, ông đang ở đâu, làm gì mà hiếm khi thấy xuất hiện tại các kỳ cuộc của giới văn nghệ. Sự bí ẩn này là thói quen, bản tính hay là cố ý... bí ẩn?

Nhà văn Hồ Anh Thái (HAT): Thời của mạng xã hội thật ra là thời của văn phòng ảo đấy. Không cần văn phòng, không cần tụ tập, ta ngồi làm việc với cái máy tính là hoàn toàn có thể tương tác với đồng nghiệp và mọi người. Nhìn lại thì tự thấy, chỉ riêng về công tác, tôi toàn phải làm những việc trái với tính cách mình: làm ngoại giao và quản lý Hội Nhà văn. Cứ phải xuất hiện trên diễn đàn, cứ phải ra trước đám đông. Những lúc ấy, thú thật là tôi thầm ước: giá mà bây giờ được ngồi nhà, không phải đóng bộ, được đọc sách, được nghe nhạc (chèo), được xem phim (Mỹ)...

HV: Ông đã làm công tác ngoại giao từ khi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao cho tới lúc về hưu. Có sự tương thông hoặc xung đột nào giữa nhà văn và nhà ngoại giao không?

HAT: Chắc rằng không làm ngoại giao thì tôi vẫn viết, nhưng sẽ là một nhà văn khác. Sự kết hợp hai nghề ấy, tôi cho là cần thiết, chứ không loại trừ nhau. Tuy nhiên, tôi luôn duy trì được nguyên tắc: giữa đồng nghiệp ngoại giao, tôi không nói chuyện văn chương, còn giữa đồng nghiệp văn chương thì không nói chuyện ngoại giao.

HV: Nhiều bạn văn thán phục ông là người có “con mắt xanh”, “anh hùng đoán giữa trần ai”, qua việc làm “bà đỡ” cho nhiều tác giả vô danh; không chỉ đưa tác phẩm của họ đến với công chúng một cách chững chạc mà còn đoạt nhiều giải thưởng văn học lớn.

HAT: Tôi là “thực khách” tham lam. Người ăn nhiều chắc sẽ phân biệt được đâu là món ngon. Người đọc nhiều cũng vậy. Do sự tích lũy và cả do bản năng nghề nghiệp, chỉ đọc vài trang truyện ngắn, vài chục trang tiểu thuyết là biết ngay bản thảo có hứa hẹn hay không. Nhân duyên khiến tôi gặp được Tấm ván phóng dao của Mạc Can, Năm mười mười lăm hai mươi của Nguyễn Vĩnh Nguyên; Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí, Bến vô thường của Nguyễn Danh Lam, thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Sóng biển rì rào của Trương Anh Quốc, Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh, Vợ Đông chồng Tây của Kiều Bích Hương, Thức dậy lúc ba giờ sáng của Phạm Thị Thanh Mai, Cõng nhau trong một cõi người của Hoàng Công Danh... Nói là nhờ “nhân duyên” bởi vì gặp được tác phẩm mình thích, tức là mình được thưởng thức. Nhưng cũng phải nói thêm, tôi chỉ trực tiếp biên tập, viết lời giới thiệu, giúp các tác giả gửi bài cho báo chí và nhà xuất bản, thường chỉ là bản thảo đầu tay. Có lý do đấy: dường như khi họ còn chập chững bước đi đầu tiên thì mới cần mình đưa tay ra đỡ. Còn khi họ đã cứng cáp chạy đường dài thì mình nên lùi ra bên lề, để cho họ được tự đi, đi tiếp được đến đâu là tùy nội lực của họ.

HV: Với cá nhân tôi thì điều này rất đáng trọng. Ông đọc văn, chứ không “đọc” tác giả, còn khi đánh giá tác phẩm ông khách quan, không vì quan hệ cá nhân hay lý do nào khác miễn là thấy nó xứng đáng. Do đâu có sự “xả thân” ấy?

HAT: Vẫn là chuyện thực khách nhé. Thưởng thức món ngon một mình thì bớt ngon mất một nửa. Phải làm cho mọi người biết để cùng thưởng thức với mình chứ. Thế thì cái việc tuyên truyền giới thiệu ấy có khi trước hết là... vì mình. Nói cho chính xác thì bỗng dưng ở đâu gửi đến một bản thảo, đọc vào thấy hay luôn thì mừng lắm. Biên tập từng chữ từng câu mà đồng cảm như chính tác phẩm của mình. Có những trường hợp rất thú vị. Tôi dành ra hai tháng để xử lý bản thảo Tấm ván phóng dao của Mạc Can. Văn ông dùng rất nhiều phương ngữ Nam Bộ, đặc biệt là bất chấp ngữ pháp. Có những chỗ chưa sáng sủa cần phải được chấm phẩy lại và thay đổi cấu trúc câu. Nhưng có rất nhiều chỗ phải để yên, giữ nguyên vẹn thứ văn rườm rà cà kê của ông, vượt lên trên cả ngữ pháp. Đấy là cái đặc sắc mà chỉ Mạc Can mới có, chỉ thế nó mới ra hồn cốt một vùng đất và mới ra dòng ý thức lan man không đầu, không cuối của tác giả. Bất kể có người nghĩ khác về văn Mạc Can thì tôi vẫn thấy mình đã biên tập đúng và phải viết thế thì mới ra một Mạc Can độc đáo mà người đọc được thưởng thức hôm nay.

HV: Bên cạnh viết, ông còn dịch và chủ biên nhiều cuốn sách quý, điều ít thấy hoặc ít người sáng tác làm được...

HAT: Nhân anh nhắc thì tôi cũng nhớ lại. Tôi từng làm đồng chủ biên và trực tiếp tham gia dịch nhiều truyện trong những hợp tuyển bằng tiếng Anh in ở Mỹ như The Other Side of Heaven (Phía bên kia góc trời), tập hợp tác phẩm của 20 nhà văn Mỹ và 20 nhà văn Việt Nam; Love after War (Tình yêu sau chiến tranh), truyện ngắn của 45 nhà văn Việt Nam, một hợp tuyển đồ sộ được báo San Francisco Chronicle bình chọn vào danh sách 100 cuốn sách hay của năm. Cũng chỉ vì thích mà làm thôi.

HV: Ông còn được gọi là một “mọt sách”. Đọc nhiều hẳn phải có một “kỹ năng” nào đó để không mất thì giờ vào những cuốn sách nhàm chán, ngược lại luôn gặp được những cuốn sách hay?

HAT: Với tôi một ngày không đọc như một ngày phải nhịn ăn. Bận đến mấy thì đêm cũng đọc hai tiếng. Mỗi tuần đọc được một cuốn sách, có tuần hai cuốn, mỗi năm có 52 tuần thì đọc được khoảng 70 cuốn. Mình có thông tin thì lọc ra được sách đáng đọc trong cả biển sách. Sách có kiểu hay về tư liệu, về nội dung, có kiểu hay về cấu trúc, về ngôn ngữ... tất cả đều có cái “ngon” của nó.

HV: Một ngày làm việc của Hồ Anh Thái diễn ra như thế nào?

HAT: Văn ôn võ luyện. Văn mà bẵng đi nhiều ngày không viết thì khi quay lại chữ nghĩa sẽ bỏ đi đâu mất. Luyện bút thường xuyên thì bất cứ khi nào ngồi vào bàn là ta đủ kỹ năng để huy động cảm hứng đến. Người thần bí hóa nghề văn, tự cho rằng thần thánh mượn tay mình để viết, thì thường ngồi chờ cảm hứng đến, mà thụ động ngồi chờ thì rất ít khi nó đến, chắc chắn là thế. Tôi phải làm nhiều việc một lúc, việc lại phải theo giờ công sở, nên chỉ có thể viết sau giờ làm việc hoặc ngày nghỉ cuối tuần nếu không ba-lô lên đường rong ruổi. Phải tranh thủ thời gian như vậy nên tôi có thể viết được ở nơi yên tĩnh lẫn nơi ồn ào hoặc đêm hôm khuya sớm hoặc nhìn bất cứ cái gì cũng... ra truyện. Thời gian biểu thì: sáng dậy sớm tập tành, ngồi viết từ 8 giờ sáng đến 17 giờ, tôi tin vào sự miệt mài của con kiến: tha lâu cũng đầy tổ. Buổi tối xem một bộ phim mất hai tiếng, rồi đọc sách hai tiếng. Mọi việc đều là thích mà làm chứ không chịu áp lực của bất cứ ai.

HV: Ông là người chọn bạn rất kỹ. Tuy không quảng giao, nhưng tôi biết ông có một nhóm bạn chơi với nhau từ lâu và rất gắn bó. Đâu là cơ sở cho mối quan hệ lâu bền giữa các nhà văn?

HAT: Bạn thân trước hết phải... không điên không hâm, vì cái nghề này người ta thường bị giời hành - ngẩn ngơ và đầy ảo tưởng. Phải thành thật mộc mạc vì nghề này người ta phải diễn nhiều trong văn, ra ngoài đời vẫn còn quán tính diễn tiếp. Vài tiêu chuẩn này coi là đùa cho vui cũng được nhé. Còn sự thật thì... tôi thường tránh đám đông nhậu nhẹt chuyện trò không cho mình thêm một ly thức tỉnh nào. Cánh viết văn thường tự cho rằng sau khi đã mệt mỏi với cái bàn viết, mình phải được quyền xả hơi thả lỏng bằng cách tập hợp một nhóm người hầu rượu và hầu chuyện mình. Tôi thì không thích hầu ai và cũng tránh để ai phải hầu mình. Bạn bè tôi rất ít thôi, gặp nhau thì không mượn chén diễn trò và cũng tránh mang đến cho nhau toàn chuyện tầm phào.

HV: Ông thích nhất nhà văn thế giới nào và nhà văn Việt Nam nào?

HAT: Tôi không cầu kỳ về ẩm thực, nhưng hay ví văn chương với ẩm thực và bản thân mình là một “thực khách tham lam”: tôi thích nhiều lắm, đặc biệt thích những nhà văn kích hoạt được sự thông minh tiềm ẩn bên trong người đọc.

HV: Nếu được gọi ra điều quan trọng nhất với người cầm bút, ông sẽ nói gì?

HAT: Một trong những “chiều chiều” tôi được ngồi uống bia với bác Tô Hoài, nhân nói về một nhà văn hô hào rất nhiều trên các diễn đàn, bác Tô Hoài bảo: Cái mất của bạn ấy là không viết được nữa. Ta có thể diễn nôm câu ấy thế này: điều quan trọng nhất với nhà văn là anh sống thế nào để luôn có thể duy trì được cái sự viết chứ không phải là sống để mà không viết được nữa.

HỮU VIỆT (thực hiện)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ