Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

' khai bút đầu năm Nhâm Ngọ [ DẦN ] 2022 "/ Vương Trùng Dương ( Calif., ) -- source : t.vấn & bạn hữu

 Vương Trùng Dương: Khai Bút Đầu Năm Nhâm Ngọ

[ DẦN ]  2022

clip_image002

Khi màn đêm tan dần và ánh sáng ló dạng xua tan bóng đêm cho bầu trời trong sáng mang lại niềm vui cho mọi người. Cuộc đời cũng vậy, sau những ngày đau buồn, mất mát trôi qua, cuộc sống trở lại bình thường… đón chào ngày mới.

“Những người bạn thật sự giống như những bông hoa hướng dương rực rỡ không bao giờ phai nhạt, thậm chí vượt qua cả khoảng cách và thời gian” – Marie Williams Johnston

“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc số đông, đó là lương tâm con người” – Nelle Harper Lee

Tôi thích hoa hướng dương nên quyển Ngẫm Chuyện Nhân Sinh ấn hành năm 2004 để Hướng Dương xuất bản.

Hoa hướng dương luôn hướng về ánh sáng mặt trời cũng như tâm hồn con người hướng thiện, trái tim trong sáng sẽ được đón nhận thiện cảm của tha nhân.

Trong những ngày cận Tết Nhâm Dần 2022, gia đình tôi rất buồn: Nhạc Mẫu qua đời ở Nha Trang, con cháu không về được để tiễn biệt lần cuối, vợ chồng đứa con gái út và 3 cháu ngoại bị nhiễm Omicron nên không còn lòng dạ nào để đón Tết. Chỉ biết với phương pháp chữa trị đơn giản: xông lá và uống Tylenol + Vitamin C… cầu may khỏi bệnh. Ngôi nhà có 5 phòng để sống cô lập, tội nhất cháu nhỏ mới 10 tuổi. Người thân đến thăm chỉ được nhìn qua cửa gương để an ủi cho nhau! Tuy không tin mê tín dị đoan nhưng vì óc tò mó nên tôi nghiên cứu về Tử Vi, Phong Thủy… đôi khi cũng thấy điều hợp lý. Và, lần nầy tôi cũng không ngờ nhờ sự cầu nguyện, vì tùy theo đức tin của mỗi người nên tế nhị không viết ra nhưng lại nhiệm màu như vậy. Đôi khi con người rơi vào cảnh vô vọng, tùy theo đức tin đề cầu nguyện, một phần vì lý do tâm lý, một phần ảnh hưởng đến tâm linh… nên hữu hiệu. Tôi đã đọc nhiều bài và đã nghe nhưng “bán tín bán nghi”, lần nầy là chứng nhân qua lời con gái.

Cụ Bà ra đi ở tuổi 100, hưởng đại thọ để về với Cụ Ông nơi suối vàng an giấc nghìn thu. Hơn một tuần lễ trôi qua, gia đình con gái đã khỏi bệnh, đứa cháu ngoại đang học lớp 12 được tiếp tục thi cử giữa học kỳ để có cơ hội vào đại học. Ước mong của cháu được vào UCI (University of California Irvine) vì vừa gần nhà và coi như quen thuộc (3 đứa con và 2 con dâu đã xuất thân nơi này) nhưng bây giờ học phí cao quá, cha mẹ phải lo.

Ở xứ sở nầy, một là giàu có, hai là nghèo khi con cái vào University, còn giai cấp trung lưu phải “oằn lưng gánh nợ”! Ngày trước, bố mẹ mới định cư, thuộc diện “khố rách áo ôm” nên không tốn đồng nào. Bố mẹ chỉ chia sẻ với con như lời người xưa “Một kho vàng không bằng một nang chữ” nên chỉ khuyên bảo con đáp ứng giấc mơ của cháu.

Trước đây, tôi có viết sơ qua về hệ thống giáo dục của Mỹ ở bậc tiểu học và trung hoc. Tuy không trải qua trường lớp nhưng làm “bác tài” năm nầy qua năm nọ cho các cháu nội, ngoại nên cũng ca được “sáu câu vọng cổ”. Từ bậc Tiểu Học 5 năm (Elementary School) đến bậc Trung Học 7 năm (High School). Ở High School tùy theo Học Khu (School District) có (Middle School từ lớp 6 đến lớp 8 và Junior High School từ lớp 6 đến lớp 9) và Senior High School (sau Middle School hay Junior High School) học sinh vào lớp 1 đến lớp 12 thẳng một mạch, không bị rào cản thi cử. Hiện nay qua internet, phụ huynh liên lạc trực tiếp với thầy cô để theo dõi việc học của con cái.

Nói riêng ở California, nếu vào College (đại học cộng đồng) thì thẳng cánh cò bay, vào CSU (California State University) hơi khó và vào UC (University of California) công lập càng ngày càng khó khăn, ngoài điểm GPA – Grade Point Average, còn tính (SAT và ACT, năm 2022 vài UC bãi bỏ) còn phải tham gia các môn thể thao của nhà trường.

Trong những năm qua hệ thống UC đã phát hiện chuyện gian lận môn thể dục để có cơ hội nhập học. Điển hình năm 2020 nữ diễn viên điện ảnh bị kết án 2 tháng tù giam và phải nộp phạt 150.000 USD vì tham gia vào vụ bê bối, giúp 2 con gái của của bà đã tham gia vào môn thể thao để được vào UCLA.

Tham gia vào môn thể thao ở Senior High School mỗi ngày 2 tiếng sau giờ học với nam sinh thì dễ thích nghi nhưng với nữ sinh cũng cam go và cửa ải…

Nghĩ lại thế hệ chúng tôi thời VNCH việc học quá nhiêu khê và đầy thử thách vì ảnh hưởng của nền giáo dục của Pháp. Chỉ biết học và học, có mảnh bằng thì nộp đơn thi tuyển vào các đại học vào ngành nghề chuyên môn.

Chương Trình Giáo Dục VNCH thời VNCH giữa thập niên 50-60 gồm hai bậc: Tiểu Học 5 năm, gồm Lớp Năm, Tư, Ba, Nhì và Nhất, cuối Lớp Nhất có kỳ thi lấy Văn Bằng Tiểu Học. Trung Học 7 năm gồm hai cấp Trung Học Đệ Nhất Cấp với 4 năm (Đệ Thất, Lục, Ngủ và Tứ), cuối năm Đệ Tứ thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (trước kia gọi là Thành Chung, Diplôme) niên khóa 1966-1967 bãi bỏ, Trung Học Đệ Nhị Cấp gồm 3 lớp Đệ Tam, Nhị và Nhất. Cuối lớp Đệ Nhị phải qua kỳ thi Tú Tài I, học sinh phải đỗ Tú Tài I (Chứng Chỉ Tú Tài Phần Thứ Nhất) mới được tiếp tục lên Đệ Nhất để thi Tú Tài II (Chứng Chỉ Tú Tài Phần Thứ Hai còn gọi Tú Tài Toàn Phần).

Thời điểm đó thi vào Đệ Thất ở trung học công lập với tỷ số chỉ 20 đến 30%, chỉ có ở tỉnh, thành và các quận nên có nhiều trường tư, hầu hết ở thành phố. Nhiều học sinh ở quê phải chỉ mới 11, 12 tuổi phải xa gia đình để ở trọ ăn học. Nền giáo dục hà khắc nầy nên có câu “học tài thi phận”, thi Tú Tài I, ban C và D ít bị rủi ro nhưng ban A và B, với Toán, Lý, Hóa chỉ sai con số, sai công thức… thì đi đong, tỷ số đỗ dưới 10%. Rớt Tú Tài I bị nhập ngũ phải đeo cánh gà. Qua ải Tú Tài I, học sinh mới cảm thấy chân trời ló dạng… Sau nầy mới có vài quy định thay đổi.

Việc học từ chương trong đất nước nghèo khó và chiến tranh qua các lần thi cử cam go đã thui chột tuổi trẻ con nhà nghèo, ở chốn thôn quê không có cơ hội tiến thân trên bước đường học vấn. Được vào đại học thì đuối sức, phải cố gắng nhiều để vượt qua.

Trong khi đó, 12 năm qua hai bậc tiểu học và trung học ở Mỹ thông qua rất dễ dàng nên vào đại học mới là môi trường phát triển đầu óc, trí tuệ. Hầu hết là trường công, phụ huynh có thu nhập thấp, học sinh được ăn miễn phí vào bữa trưa của nhà trường. Đây là sự công bằng và nhân bản của đất nước văn minh với nền giáo dục khai phóng.

Với người Việt tỵ nan, trên đường đời ít khi được bằng phẳng, trơn tru… vượt qua nỗi khó để mong tìm hạnh phúc. Thi hào Nguyễn Du đã viết: “Kể bao xiết nỗi thảm sầu. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nên ai đã trải qua cảnh đoạn trường mới chiêm nghiệm và ý nghĩa của cuộc đời còn lại.

Trong những ngày đau buồn vừa qua vào tháng Chạp năm Tân Sửu, tôi đã viết những dòng tâm tình và được quý thân hữu, bạn văn, đồng môn, đồng nghiệp gần xa…, các người thân trong đại gia đình ở Việt Nam đã chân tình chia sẻ với nhau, mang lại niềm an ủi không thể nào quên. Rất cảm kích.

Trong tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ “Mình Lại Soi Mình”, xét lại bản thân trong suốt cuộc đời, không làm điều ác, dù viết lách nhưng không gây khổ đau, thương tổn cho người khác, không bán rẻ lương tâm để tạo nên nghiệp chướng. Đó là hình ảnh đáng trân quý, với tôi rất vô giá, và tự hứa với bản thân sẽ tâm nguyện cho đến cuối cuộc đời.

Danh vọng, địa vị rồi cũng qua đi như lời thi hào Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong giới văn nghệ sỹ, công quyền… những khuôn mặt có tài nổi tiếng từ thời VNCH, ở hải ngoại nhưng thiếu tấm lòng trong sáng đã làm hoen ố, chôn vùi theo thời gian và bị người đời khinh bỉ vì vậy lời thơ cụ Nguyễn Du nói lên ý nghĩa trong cuộc sống để làm tấm gương.

Theo thông lệ, gia đình 3 đứa con ở gần bố mẹ, hằng năm đúng 10 giờ sáng ngày Mồng Một Tết, con, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đến cùng nhau mừng tuổi và “lì xì”, chụp hình lưu niệm, nhưng năm nay, đúng vào Thứ Ba, các cháu nội ngoại vẫn đi học và tôi đã báo tin cho biết không nên tụ tập đông, chia nhau ghé thăm trong ngày.

Sau năm 1975, gia đình tôi đã trải qua những cái Tết cô đơn, vợ con không đủ gạo để ăn thì với thịt, bánh, mứt… chỉ là “hoang tưởng”. Hầu như tâm trạng của người tù và người vợ lính thời điểm đó đều mang nỗi đau như những dòng thơ Xuân của Chế Lan Viên trong tập Điêu Tàn năm 1937:

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Ðem chi Xuân đến gợi thêm sầu?

– Với tôi, tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”

Tình yêu thương của cha mẹ với con cái bao la và công bình nhưng cũng có vài trường hợp ngoại lệ… Tháng 5/1975 tôi vào tù, tháng 8/1975 con gái út ra đời dưới ngôi sao xấu, cả mẹ và con bị sao quả tạ trong hoàn cảnh tận cùng! Bao năm lao tù, con gái không có điều kiện theo mẹ đi thăm nuôi nên bố con không thấy mặt nhau, rất đau lòng và nhớ thương!

Mỹ là là đất nước cơ hội, dễ hội nhập và tiến thân cho tuổi trẻ, cũng như những gia đình người Việt tỵ nạn, điển hình như gia đình được đi diện H.O đã thoát ra từ vùng tối tăm để được hưởng ánh sáng mặt trời, cây cỏ khô trên vùng đất khô cằn được trổ hoa, xanh tốt trong khung trời tự do bao la.

Sống trên xứ người từ năm 1990, nay còn giữ được phong tục tập quán ngày xưa nơi quê nhà, gia đạo bình yên cũng là điều may mắn và hạnh phúc nên không đòi hỏi gì hơn. Ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ đã viết “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” nên ở tuổi già xa cố hương, cảm nhận được lời đó để không còn bon chen với đời. Tết đến tuy không có câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo (năm nay) nhưng vẫn có “thịt mỡ dưa hành… bánh chưng xanh” cũng là niềm an ủi, hạnh phúc.

Tất cả sẽ trôi qua và đến ngày nào đó sẽ trở về với cát bụi. Chỉ có trái tim, tấm lòng thành chân chính, đạo hạnh… may ra còn gởi lại trong lòng người thân.

Pam Stewart quan niệm: “Nếu là hoa, tôi sẽ là hoa hướng dương, để luôn hướng về phía mặt trời, quay lưng lại với bóng tối. Đứng ngay thẳng và kiêu hãnh ngay cả với đài hoa nặng hạt”. Hoa hướng dương trong dân gian còn gọi là hoa mặt trời. Hoa như trái tim hướng về Chân, Thiện, Mỹ.

Vào thời điểm nầy trong những năm về trước, tôi viết các bài về Xuân cho đồng nghiệp nhưng nay không còn bụng dạ để cảm hứng viết lách. Câu nói của Winston Churchill rất chí lý: “Chúng ta không có quyền năng đoán trước được vận mệnh của mình” nên chỉ cầu mong như lời cầu chúc cho nhau “Vạn Sự Như Ý”.

Cuộc sống ước mong như câu đối tết của tiền nhân:

“Niên niên như ý xuân

Tuế tuế bình an nhật”

Ngày trước triết gia Blaise Pascal cho rằng “Le Moi est haissable” (Cái tôi đáng ghét) không phải là chân lý mà có nhiều trường hợp đề cập đến cái tôi để chia sẻ với nhau gần, xa trong cùng cảnh ngộ cũng đáng trân quý. Nhân dịp đầu năm Nhâm Dần, viết vài dòng khơi bút ngày Xuân.

 

Little Saigon, Giao Thừa Tân Sửu – Nhâm Dần

Vương Trùng Dương



================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ