7. MỤC SƯ PHẠM VĂN NĂM
Mấy ngày nay tôi trăn trở nhiều khi muốn viết về Người Đi Trước Tôi là Cố Mục sư Phạm văn Năm và Bà, hình ảnh vị Thầy với gương mặt hiền hòa, mép miệng hơi co giật khi nói chuyện, đặc biệt là nói lắp nhẹ, và không thể quên được giọng cười ‘khà khà’ thân thiện của Mục sư Năm. Tôi cũng đã đọc vài lần quyển Dâng Trọn Cuộc Đời (Hồi Ký 55 năm phục vụ Chúa của Cố Mục sư Phạm văn Năm) do Bà xuất bản ngày 25 tháng 2 năm 1995.
Như Bà đã viết trong Lời Phi Lộ quyển Dâng Trọn Cuộc Đời,
“… Nội dung hồi ký “Dâng Trọn Cuộc Đời” này không có ý phô trương thành quả hay đề cao cá nhân người quá cố. Nhưng chỉ với mục đích ghi lại những ơn phước lớn lao, những việc lạ lùng mà Chúa đã đồng công với đầy tớ Ngài, trải qua 55 năm trong công trường thuộc linh vẫn vững bước đồng hành với Chúa, dù có những gian lao thách thức nhưng Chúa là Đấng thành tín, Ngài luôn nâng đỡ, an ủi, vỗ về, giải cứu khỏi sa vào chước cám dỗ của ma quỉ, chu toàn nhiệm vụ đến cuối cùng…”, và trong Lời Nói Đầu quyển Hồi ký, Bà viết, “Nói đến sự dâng mình hầu việc Chúa thì không ai nghĩ rằng mình có thể là người hoàn toàn nên mới được đặc ân phục vụ Chúa. Nhưng sự hầu việc Chúa, dấn thân vào con đường thuộc linh phải là người được ơn kêu gọi từ Đức Chúa Trời… Chúng tôi cảm biết mình là một đầy tớ hèn mọn của Chúa , không có gì để đáng ghi lại…”[16]
Cũng về chiếc xe cũ kỹ của Mục sư Phạm văn Năm. Có lần Ban Giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện họp vào buổi tối. Một số anh em sinh viên trong Viện hè nhau lén đẩy chiếc xe của Mục sư Năm vòng ra sau Viện. Khi họp Ban Giáo sư xong, các Giáo sư ra về, Mục sư Năm bước ra không thấy chiếc xe, ông dáo dác tìm rồi nói lớn: ‘Mấy thầy trả lại xe cho tôi về. Tôi biết mấy thầy giấu xe của tôi chớ không ai’. Mấy anh em lại hì hục đẩy chiếc xe lên trả lại, Mục sư Năm nói: ‘Tôi biết mà. Nó cũ mèm ai thèm lấy’, kèm theo giọng cười khà khà khi chiếc xe ra về, chẳng có la rầy, chẳng có phiền hà. Mục sư Năm biết đó là trò vui của mấy học trò rắn mắt. Tôi muốn thuật lại để nhớ đến Vị Thầy sống giản dị, thân cận với học trò, dù có nhiều người đùa nghịch dễ giận.
Mục sư phụ trách dạy môn Chứng Đạo, môn Thánh Kinh Thông Lãm, cũng dạy môn Hình Bóng, nhưng không hiểu sao đến niên khóa 1967-1968, Viện lại bỏ môn học nầy. Nói đến môn Thánh Kinh Thông Lãm, tôi nhớ những ngày lần đầu tiên bước chân vào Khóa Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại Vĩnh Long. Khóa học chỉ một tháng, vừa khai giảng thì Mục sư Năm là một trong các vị Giáo sư của Khóa học đã ra lịnh tất cả các Khóa sinh Khóa học phải đọc xong toàn bộ Kinh thánh trong Khóa học. Thế là các Khóa sinh chúng tôi đọc Kinh thánh ngày đêm. Đến khi vào Thánh Kinh Thần Học Viện năm thứ nhất, vừa khai giảng xong thì gặp lại Vị Giáo sư vui tính chưa kịp nói gì thì nghe lịnh: Phải đọc xong Kinh thánh trong vòng một tuần! Thế là chúng tôi năm thứ nhất cố sức đọc bất kể ở đâu, khi đang làm gì, hễ có chút giờ rảnh thì đọc. Tôi không biết và cũng không nghe có ai bị phạt vì không đọc hết Kinh thánh theo lịnh của Mục sư Năm không, nhưng nhờ những cái lịnh khó thi hành đó mà chúng tôi dù muốn dù không đã đọc suốt Kinh thánh ít nhất hai lần.
Một điều phải nói đến môn học Chứng Đạo mà Mục sư Phạm văn Năm đã dạy chúng tôi. Nội dung môn học không có gì mới, trái lại có một điều ‘cũ’ tối cần mà lại bị những thế hệ đi sau bỏ quên hay bỏ qua (?), đó là Phép Lịch Sự Chứng Đạo. Tôi nói điều nầy vì từ khi được Mục sư Giáo sư dạy cho đến tận bây giờ ngồi viết lại những kỷ niệm của Vị Thầy Yêu Mến, tôi thật chưa nghe chưa thấy ai dạy Phép Lịch Sự nầy.
Phép Lịch Sự Chứng Đạo mà Mục sư Giáo sư Năm dạy chúng tôi theo những bước:
1. Gõ cửa trước khi vào.
2. Đang khi chờ mở cửa, không nhìn vào nhà qua khe cửa hoặc lỗ khóa.
3. Chờ mời vào.
4. Chờ mời ngồi
5. Lựa chỗ ngồi
6. Phải biết lúc ra về.
7. Cần quay lại chào một lần và chỉ một lần trước khi rời nhà.
Có lẽ tại cái thời Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn đã chìm vào quá khứ, nên tôi chưa nghe ai dạy chứng đạo mà dạy Lễ Phép Chứng Đạo. Mới đây, có người thế hệ đi sau gởi điện thư (Email) cho tôi với nội dung nói đến một người đi sau chê trách Phương Pháp Truyền Giảng Cũ sẽ không kết quả, nhưng không biết cái cũ từ xa xưa có gì cần đổi mới, tôi không nghe nói cái Lễ khi Giảng Dạy, cái Lễ khi Chứng Đạo. Tiếc lắm thay!
Một kỷ niệm khác với Mục sư Phạm văn Năm. Sau khi tôi rời Hội thánh của Chúa tại Bến Cát (Bình Dương) về Sàigòn tạm chở bổ nhiệm nơi mới. Một hôm tôi được Mục sư Năm kêu ra Văn phòng Truyền Thanh Truyền Hình của Tổng Liên Hội tại số 155 đường Trần Hưng Đạo, Quận 1 – Sàigòn. Lúc ấy là Mùa Hè năm 1972, và Mục sư Năm không còn dạy ở Thánh Kinh Thần Học Viện, ông về Sàigòn giữ chức vụ Tổng Thơ Ký Ủy Ban Truyền Đạo Sâu Rộng Trung Ương kiêm Trưởng Ban Truyền Thanh Truyền Hình của Tổng Liên Hội. Mục sư Năm nói rằng ông muốn tôi về làm Trưởng Phòng Hành Chánh Ban Truyền Thanh Truyền Hình, Mục sư Nguyễn Lâm Hương hiện là Trưởng Phòng Kỹ thuật. Công việc của tôi là soạn chương trình phát thanh và phát hình, đồng thời trả lời thư thính giả và phụ trách Lớp Kinh thánh Hàm Thụ của Ban. Mục sư Năm biết vợ chồng tôi đang ở tạm nơi nhà của bà gia tôi, ông cho phép tôi đi tìm thuê nhà khoảng 15 ngàn một tháng. Điều Mục sư Năm yêu cầu tôi là làm một đơn xin Tổng Liên Hội cho về phụ trách công việc trên, lý do là hiện có một Truyền đạo được một vị Mục sư trong Tổng Liên Hội giới thiệu cho Mục sư Năm, nhưng ông không đồng ý. Tôi phải cảm ơn Mục sư Năm nhớ đến tôi, nhưng cho phép tôi không làm đơn, tôi thưa với Thầy tôi: ‘Mục sư Giáo sư dạy con và biết con có khả năng về tiếp Mục sư thì cho con làm; nếu con làm đơn mà mai sau con không làm trọn trách nhiệm thì mọi người sẽ trách Mục sư’. Không biết chuyện gì xảy ra sau đó, chỉ biết là Tổng Liên Hội đã cử một vị mục sư cao niên sắp hưu hạ về giữ công việc nầy.
Rồi đến ngày Chúa cho Tổng Liên Hội chấp thuận đề nghị của Địa Hạt Đông Nam Bộ thẩm vấn sát hạch tấn phong chức vụ Mục sư cho tôi cùng với 4 Truyền đạo khác. Buổi sáng ngày thẩm vấn, mỗi người trong năm Truyền đạo chúng tôi giảng mỗi người 15 phút. Buổi chiều, chúng tôi có mặt tại Văn phòng Địa Hạt Đông Nam Bộ số 633 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2), quận 10 – Sàigòn. Ban Thẩm Vấn gồm bảy Vị Mục sư cao niên ngồi bên ngoài, còn năm Truyền đạo chúng tôi ngồi trong phòng nhỏ phía ngoài nhưng có thể nghe được những gì xảy ra nơi Ban Thẩm Vấn. Hai Truyền đạo được thẩm vấn trước mỗi người kéo dài không dưới một tiếng rưỡi đến gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi ngồi trong phòng nghe không rõ các Vị Thẩm Vấn Viên hỏi gì nhưng nghe la rầy nhiều hơn. Chúng tôi đã run rồi mà nghe hai người bạn được thẩm vấn trước bị la rầy, làm chúng tôi lại lo sợ hơn. Tôi là người thứ ba được gọi ra. Thật bất ngờ, tôi vừa ngồi xuống thì Mục sư Năm đã kéo chiếc ghế có bánh xe đến sát bên tôi, ông quàng tay qua vai tôi và hỏi nhanh dồn dập: ‘Hôm nay thầy có đọc Kinh thánh không? Sách gì? Đoạn nào và câu nào?’ Thật lòng là tôi cũng giật mình chưa kịp phân định chuyện gì, chỉ biết cảm ơn Chúa là Ngài đã cho tôi bình tĩnh lạ để trả lời ngay câu hỏi của Vị Giáo sư từng dạy môn Thánh Kinh Thông Lãm cho tôi. Nghe tôi nói sách, đoạn, câu xong, Mục sư Năm lại hỏi tiếp liền: ‘Câu đó nói gì?’ Tiếp theo, Mục sư Năm cất giọng cười ‘khà khà’ cố hữu không lẫn vào ai được.
Nói đến Mục sư Phạm văn Năm mà không nói đến Bà thì là một sự thiếu sót không thể tha thứ. Tôi đã gặp Bà Mục sư Phạm văn Năm tại Thánh Kinh Tiểu Học Đường Vĩnh Long, khi được ngồi học môn “Tám Cột Trụ của Sự Cứu Rỗi” do Bà dạy. Bà có một giọng nói với âm hưởng rõ và sắc khiến Khóa sinh khó ngủ gục trong môn Thần học khô khan, thỉnh thoảng Bà chen vào tiếng cười thoải mái nên Khóa sinh vui lây và tự nhiên có sự kính mến.
Khi vào Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang, tôi lại có cơ hội gặp Bà mỗi khi vào Thư viện của Viện. Bà Mục sư Năm được Ban Giáo sư Viện giao trách nhiệm là Quản Thủ Thư Viện với vài chục ngàn quyển sách, vì Bà đã được Tổng Liên Hội cử đi học môn Quản Thủ Thư Viện tại Ấn Độ. Sau khi Bà học xong trở về nước, chúng tôi được nghe Bà thuật lại những việc không ngờ trong sinh hoạt của người Ấn Độ. Bà cho biết vì đa số người Ấn Độ theo Ấn Độ giáo thờ con bò cái làm nữ thần, nên họ rất tôn quý con bò cái (tôi nghĩ buồn cho con bò đực giống như người đàn ông ở nước Mỹ chỉ được đứng hạng 5 sau trẻ con, người già, phụ nữ và con chó – TTS)
. Sự tôn trọng đó được thể hiện như khi bò cái đi lang thang ngoài chợ ăn rau quả hay vật gi của ai thì người đó không dám đuổi mà còn vui mừng; mỗi khi con bò cái ị ra phân thì họ giành nhau hốt lấy trét lên mình, hứng nước tiểu của con bò cái rửa mặt, coi là vinh dự. Đặc biệt vì Bà Mục sư là phụ nữ nên được nghe những câu chuyện về số phận bị khinh khi của người phụ nữ tại Ấn Độ, họ rất quý con trai nhưng lại khinh khi con gái. Do đó, có Bà Pandita Ramabai, một phụ nữ Ấn Độ tin Chúa Jêsus Christ đã bị gia đình bên chồng và gia đình ruột thịt từ bỏ, Bà Ramabai đã đứng lên thành lập những cơ sở từ thiện cứu giúp những phụ nữ bị xã hội Ấn Độ ruồng bỏ. Chúng ta hãy đọc bài làm chứng của Bà Ramabai mà Bà Mục sư Phạm văn Năm dịch: “Trong khi tra cứu kinh Dharma Shastras, tôi (bà Ramabai – TTS) biết được đôi điều trước kia tôi chưa hề nghe đến và hầu hết mọi sự đều tỏ ra mâu thuẫn. Điều gì trong sách nầy tôn trọng thì sách kia lại nói là bất công. Khi đọc sách Mahabharata tôi thấy chép như vầy: “Mỗi tập kinh Veda đều khác nhau”. Kinh Smrities tức là luật pháp thánh cũng không giống nhau nữa. Chỗ bí ẩn đó là sự mầu nhiệm của tôn giáo: “Chỉ nên noi theo các bậc vĩ nhân”. Tôi đã thấy rõ nhiều sự thật, nhưng chỉ có 2 điều mà tất cả các sách đều nói đến – kinh Dharma Shastras là những bản Thánh nhạc, những bài văn thi, những thầy giảng kinh thuộc hàng cao cấp quí phái đồng ý - rằng “hễ là phụ nữ thì dầu thuộc trong từng lớp nào trong xã hội, thượng lưu hay hạ đẳng cũng đều xấu cả, hết sức xấu xa, xấu hơn ma quỉ nữa; họ bất khiết, giả dối nên không thể thành Moksha như nam giới. Họ chỉ có hy vọng được phóng thích khỏi tiền căn ấy bằng cách đầu thai nhiều kiếp, hằng triệu kiếp, chịu đau khổ không thể tả và phải thờ lạy chồng họ. Người chồng là một vị thần riêng của phụ nữ, ngoài ra họ không có phép thờ thần nào khác, vị thần ấy có thể là một đại phạm nhơn xấu xa nhứt mang nhiều án phạt nhưng NGƯỜI ẤY VẪN LÀ VỊ THẦN CỦA NÀNG và nàng buộc phải thờ lạy người. Nàng không hy vọng được nhận vào Svarga, là chỗ ở của các vị thần thánh nếu không làm vui lòng chồng. Còn giả như nàng làm đẹp lòng chồng trong mọi sự, nàng sẽ được nhận vào đó như một kẻ nô lệ của chồng, ở đó người vợ sẽ hầu hạ thần ấy và sẽ ở trong số các vợ mà vị thần ấy biếu cho chồng, tùy theo công đức của vợ.
Muốn đạt đến đời sống cao hơn để thi hành trọn nghĩa vụ đạo đức hầu trở thành Moksha, họ phải được đầu thai làm người nam thuộc hàng thượng lưu trí thức, để học kinh Veda và kinh Vedanta, cùng hiểu rõ sự thật về Bà-la-môn và sự tổng hợp của đạo ấy. Có điều lạ của tôn giáo nầy là nếu người đờn bà muốn đạt đến bực Moksha, người ấy phải bỏ tất cả ý mình để thờ lạy chồng cách hết lòng, chỉ thờ lạy chồng mà thôi không được ham thích gì trong đời ngoài việc làm tôi mọi cho chồng trọn đời. Phụ nữ không được học kinh Veda và Vedanta nên không biết gì về các kinh ấy, và vì thế chẳng biết rõ thần Bà-la-môn, thì cũng không được hưởng gì trong đạo ấy cả, lẽ dĩ nhiên không một người nữ nào được đạt đến Moksha”.[17]
Cảm ơn Chúa những năm học tại Thánh Kinh Thần Học Viện, Bà Mục sư Năm gọi tôi đến và giao cho tôi công việc vẽ số thư mục trên gáy sách và xếp sách vào đúng vị trí trên kệ. Công việc được bà trả mỗi giờ là 20 đồng, nhờ đó tôi vừa có dịp đọc sách vừa có tiền để đóng học phí như Viện qui định. Công việc của Bà Mục sư Năm nhìn thì không có gì quan trọng, nhưng thực chất đòi hỏi phải kiên nhẫn đọc bao nhiêu là sách, dĩ nhiên không cần phải đọc toàn bộ quyển sách, nhưng phải nắm bắt sách đó thuộc loại nào để đánh mã số thư mục. Những sách Việt ngữ trong Thư Viện rất ít, ngoài những sách giải nghĩa Kinh thánh và sách tham khảo có trong Hội thánh chung, đa phần là tạp chí, tuần báo ngoài xã hội. Phần còn lại chiếm độ 90 phần trăm là tiếng Anh, một ít là Pháp ngữ. Bà nói với tôi: Thư viện thường được các ân nhân nước ngoài tặng sách, nhưng những sách từ Đức đến đều loại bỏ vì nơi quốc gia đó quan niệm Thần học tự do quá, không nên cho lên kệ. Chỉ rất tiếc là các Sinh viên của Viện ít người quan tâm đến đọc sách nên ít vào mượn, thêm một khiếm khuyết nữa là vốn ngoại ngữ của đa số các sinh viên trong Viện yếu kém mà sách ngoại ngữ thì lại chiếm đa số.
Chúa ban cho Bà Mục sư ân tứ về ngoại ngữ, ngoài tiếng người dân tộc cao nguyên mà ông bà Mục sư từng phụ trách việc truyền giáo cho họ (tiếng Kơ Ho), Anh ngữ, Bà cũng được học về tiếng Hi-bá-lai, do đó Bà đã viết một loạt bài về Sự Dạy Dỗ Thuộc Linh từ Mẫu Tự Hi-bá-lai, đã đăng một số bài trên Thánh Kinh Nguyệt San của Hội thánh Tin Lành Việt Nam
.
Sau cùng Ông Bà Mục sư rời khỏi nước trước biến cố 30-4-1975. Tôi muốn trích vài đoạn do chính ông bà ghi lại biến cố đó trong quyển “Dâng Trọn Cuộc Đời”, hồi ký 55 năm phục vụ Chúa mà Bà đã cho ra mắt tại California ngày 25 tháng 2 năm 1995:
Sau cùng Ông Bà Mục sư rời khỏi nước trước biến cố 30-4-1975. Tôi muốn trích vài đoạn do chính ông bà ghi lại biến cố đó trong quyển “Dâng Trọn Cuộc Đời”, hồi ký 55 năm phục vụ Chúa mà Bà đã cho ra mắt tại California ngày 25 tháng 2 năm 1995:
“Ngày 25 tháng 3 năm 1975, con trai thứ 7 của chúng tôi là Phạm Quang Khiêm, phi công máy bay vận tải C.130 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đến văn phòng (Văn phòng làm việc của Mục sư Năm tại Trụ sở Tổng Liên Hội số 155 Trần Hưng Đạo quận 1 – Sàigòn – TTS) nói với chúng tôi rằng nó định đưa gia đình ra nước ngoài bằng máy bay, hỏi chúng tôi có đi không? Chúng tôi nghe nói như vậy thì giựt mình, không biết có biến cố gì xảy ra đây? (Lúc đó Ban Mê Thuột đã mất, Nha Trang, Đà Nẵng đồng bào di tản vào Sàigòn quá nhiều. Một số các Mục sư Truyền Đạo từ miền Trung và Trung Bắc vào lánh nạn quá đông. Họ ở rải rác trong các Hội thánh vùng Thủ Đô). Khi đó, có vài tín hữu tại văn phòng nên chúng tôi không nói gì cả, chỉ nói rằng nếu có đi thì chỉ đi vòng vòng thôi. Trong trí chúng tôi lại nghĩ rằng chắc chánh phủ ngầm ra lịnh như vậy, chớ nếu có thông báo chính thức thì máy bay đâu đủ để chở tất cả quân nhân và gia đình? Tuy nghe vậy, nhưng vài hôm sau cũng không chú ý đến nữa, về nhà cứ cầu nguyện tùy theo ý Chúa và sự dẫn dắt của Ngài, thời cuộc ra sao thì ra, chúng tôi không biết lo hay chuẩn bị gì hết.
(Bỏ bớt một đoạn)
Từ đây, ba anh nó (đều là phi công) lo tinh toán để ra đi… Chúng đi Honda lên Long Thành xem xét một sân bay nhà binh bỏ hoang tìm địa điểm để máy bay có thể đáp xuống rước gia đình và thân nhân mà không bị phát hiện. Chúng hoạch định chương trình đồng thời cũng dò la xem coi ngày nào có máy bay đi công tác mà có thể lấy đi được. Phần lớn quân nhân ai cũng muốn lấy máy bay đưa gia đình ra ngoại quốc, nhưng không ai dám thực hiện, vì nghĩ rằng nếu ra đi mà nước Việt Nam mất thì không có gì đáng ngại, ngược lại, nếu Việt Nam không mất thì tất nhiên cả đám sẽ bị dẫn độ về để trị tội.
Phần chúng tôi chẳng hay biết về mưu đồ của chúng nó…
Sáng sớm ngày thứ 5, tức là ngày 3-4-1975, chúng tôi nhóm cầu nguyện nơi nhà thờ Bàn Cờ, chúng tôi không nghe ai nói gì về sự di tản cả. Đến 9 giờ chúng tôi vẫn đến văn phòng làm việc…
Chúng tôi làm việc đến 1 giờ trưa,… thì Sophie (con gái của Mục sư Năm – TTS) cho hay là Khiêm đến nói với nó rằng chiều nay lối 2 giờ sẽ tập trung nơi nhà ông bà Trần Phương (nhạc gia của Khiêm, tức là sui gia của chúng tôi) để lên Long Thành, máy bay sẽ đáp tại đó rước đi. Chúng tôi nghe qua rất bàng hoàng, không biết liệu làm sao đây… Khi ngồi vào bàn ăn cũng không thể ăn nổi nửa chén cơm, lật đật chạy về nhà quơ vội vài bộ đồ, bỏ vào trong bao vải, tôi xách cái cặp da bỏ quyển Kinh thánh và cái Radio nhỏ vào. Nhà tôi mở tủ áo lấy vài chiếc áo dài cũ, lấy cho tôi 2 bộ đồ ngủ, nhưng vì vội vã nên lấy quần nầy, áo kia, không đúng bộ gì cả. Còn phần nhà tôi thì mở tủ thấy cái hộp đựng phim có một ít tiền Thụy Sĩ mà lúc trước bà đi Thụy Sĩ mang về. Bà cầm cái ống nhựa lúc lắc vài cái rồi quăng trở lại tủ (số tiền nếu mang theo thì độ cũng được 10 đôla, 30 quan Thụy Sĩ) Bà chụp lấy cái hộp đựng tăm xỉa răng mà bà đã mua mấy ngày trước đó. Bà mang theo bó tăm xỉa răng mà bỏ lại 10 đôla!... Chúng tôi vội vã mang đồ đạc lên xe Renaul nhỏ chạy vào nhà ông bà Trần Phương. Đến nơi đã thấy có nhiều người tại đó…
Đúng 4 giờ chiều ngày 3-4-1975, nhận được điện thoại Khiêm gọi về từ phi trường cho biết phải lên đường ngay. Tất cả 6, 7 chiếc xe hơi đủ cỡ, đủ loại đều chuẩn bị lên đường, tổng cộng 53 người… 3 người trong phi hành đoàn là những bạn hữu… cộng là 56 người…Trước giờ khởi hành tất cả đều họp lại cầu nguyện, xin Chúa dẫn dắt vì đi như ông Áp-ra-ham, đi mà không biết mình đi đâu! Tôi cầu nguyện, ai nấy đều thổn thức, không biết lần ra đi cách táo bạo nầy sẽ ra sao? Có bị dẫn độ về không vì lúc ấy Sàigòn vẫn còn rộn rịp. Nếu bị bắt, bị dẫn độ thì sẽ bị hình phạt như thế nào! Nét lo âu hiện rõ trên nét mặt mỗi người. Dầu vậy cũng cương quyết ra đi vì tình hình ngày càng bi đát, giặc đến nơi rồi sẽ chạy đi đâu nếu không ra khỏi nước? Các con chúng tôi nói rằng: “Nếu Ba Má không đi thì chúng con cũng phải đánh liều ra đi,…” vì vậy chúng tôi cũng phải buộc lòng ra đi, mà ra đi rất sớm thì hậu quả sẽ khó lường được đến mức độ nào!
Đoàn xe khởi hành nhắm sân bay Long Thành trực chỉ. Khi gần đến thấy có chiếc máy bay C.130 bay lượn trên vòm trời, mọi người đều hồi hộp không biết có phải là máy bay đến đón mình hay không! Khi vào đến sân bay thì máy bay đã đáp xuống rồi! Máy vẫn nổ, bụi bay mù mịt. Ai nấy lật đật xuống xe, tuôn đồ đạc vào trong máy bay. Khi hầu hết người lên máy bay thì thấy có một xe Jeep nhà binh chở 5 anh lính Biệt động quân từ đâu chạy đến. Nhà tôi còn đứng dưới đất, 2 tay xách 2 gói quần áo, cất tiếng kêu lớn: “Mình ơi! lính tới rồi kia kìa!” và nhà tôi muốn lui bước trở lại xe. Nhưng Minh là con trai lớn của chúng tôi chạy lại giựt 2 gói đồ và nói: “Má lên máy bay lẹ đi, ai nấy đều lên hết rồi sao má còn đứng đây?” Vừa nói nó vừa kéo nhà tôi lên máy bay. Khi nhà tôi đi từ phía sau ra chưa tới phía trước thì máy bay vụt cất cánh, nhà tôi té nhào xuống sàn máy bay rồi nằm luôn không ngồi dậy nữa! Tôi dòm lại phía sau thấy có một nhân viên phi hành đoàn, tai mang ống nghe, hai tay vịn vào vai hai anh lính Biệt động quân nói gì đó không biết. Tôi hỏi con tôi tại sao nhân viên kia không đi? Nó nói vì anh ấy còn vợ con ở nhà nên anh ta không đi. Anh ấy nói cho mấy anh lính biết là có một tấn rưỡi gạo từ máy bay thả xuống để các anh nầy mang về và dặn họ đến tối hãy báo cho Bộ Tư Lịnh biết là có chiếc máy bay C.130 đã rời khỏi nước….
Máy bay đã bay xa khỏi Sàigòn…
Với bao nhiêu lời dị nghị không phải về việc ra đi mà là ‘cách’ ra đi của Ông Bà Mục sư Năm, tôi trích ghi lại với tinh thần của một người Á-Đông là “Tôn Sư Trọng Đạo”, tôi nhớ có người nói: ‘Đời tôi để lịch sử xử’.[18]
Ms. TRẦN THÁI SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét