T.Vấn: Thời Gian và Con Người
Người ngồi im bóng . . . – Tranh: Thanh Châu
Lội qua dòng suối tâm linh cạn
Hát lại bài ca tuyệt mệnh trời
Ôi thôi sương tuyết pha màu tóc
Một nửa hồn tan- một nửa trôi.
(Ngọc Phi)
Cuối của một ngày, cuối của một năm, cuối của một đời người. Dấu chấm hết lạnh lùng và ác nghiệt. Chẳng còn vài ngày nữa, con số cuối cùng của năm cũ sẽ hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho con số đầu tiên của năm mới. Một vòng quay mới bắt đầu.
Đêm Wichita rùng mình ớn lạnh. Trận tuyết đầu mùa phủ kín những thảm cỏ mới tháng trước còn xanh mướt, bây giờ đã vàng úa. Thời gian đến rồi đi, rồi lại quay về. Những con đường khuya lại một lần nữa nhảy múa dưới ánh sáng rực rỡ của mùa Lễ hội lớn nhất trong năm. Giáng Sinh và Năm Mới. Bài hát quen thuộc lại vang lên. Dẫu cho đã có những người biến mất khỏi mặt đất này không ai hay, không ai bận tâm tới. Thời gian và con người đuổi theo nhau. Mỗi năm qua đi, thời gian tự làm già chính mình bằng những con số. Con người cũng vậy, nhưng sẽ đến lúc chúng ta không thể tiếp tục làm già mình thêm được nữa.
Tôi đã nhìn thấy cái vô lý của đời sống. Cùng lúc, tôi cảm được cả cái vô lý của sự chết.
Trong Huyền Thoại cổ Hy Lạp, anh chàng Người tội nghiệp ngày ngày lăn tảng đá từ dưới chân núi lên đến đỉnh núi, rồi lại từ đỉnh núi lăn xuống chân núi. Cứ thế ngày này qua ngày nọ, cho đến một hôm, anh ta nhận ra được sự vô lý trong công việc hàng ngày của mình. Kể từ lúc ấy, anh ta biết thế nào là đau khổ . . .
Những ngày cuối của một năm, trong hơn 60 năm của cuộc đời mình, tôi đã có những lúc ước gì mình chỉ là một sự sống sinh vật. Không cảm, không nghĩ, không vui, không buồn. Để không sợ hãi nhìn mỗi năm qua đi thấy mình gần hơn vực thẳm tối đen của cái giới hạn đời người. Hằng đêm, ra khỏi sở trên con đường quen thuộc trở về nhà, tôi đã quen với bóng tối tĩnh lặng trong mười một tháng. Đến tháng thứ mười hai, tôi cũng đã quen với cái rực rỡ của hàng nghìn, hàng trăm nghìn những bóng đèn nhỏ li ti nhấp nháy giữa màu trắng của tuyết, màu đen của đêm. Trong khoang xe ấm áp, điệu nhạc quen thuộc lại vang lên, cùng với tiếng chuông nhà thờ, tiếng phong linh leng keng trong gió. Cái nghịch lý – thậm chí vô lý – là cùng một lúc, tôi khao khát mình sẽ tồn tại mãi mãi, thiên nhiên tồn tại mãi mãi, để mỗi năm, cứ vào dịp tháng mười hai, tôi lại được đi trên những con đường rực rỡ hoa đèn, lại được nghe điệu nhạc quen thuộc. Mặt khác, giống như anh chàng Người tội nghiệp kia, tôi sợ hãi khi mỗi sáng mai thức dậy, thấy một ngày nữa sắp tới cũng giống y hệt ngày hôm qua; khi đến giây phút cuối cùng của một năm, thấy năm mới sắp đến không có gì hứa hẹn sẽ khác năm cũ, ngoại trừ tóc trên đầu sẽ bạc hơn, những cuộc thăm viếng phòng mạch y sĩ sẽ thường xuyên hơn, và quỹ thời gian còn lại sẽ nhỏ hơn.
Dạo trước, nhân dịp về Dallas tham dự một buổi ra mắt sách, tôi gặp lại một người bạn vong niên. Ông bây giờ đã vượt qua con số thất thập cổ lai hy. Chúng tôi nhìn nhau và nhận ra được cái khủng khiếp của dấu ấn thời gian. Mới năm trước tôi gặp ông ở Sacramento, California. Bây giờ gặp lại, tưởng thời gian cách biệt phải là vài năm. Dẫu cho bây giờ ông bạn già của tôi, ngoài công việc thơ phú hội hè, còn có thêm mảnh vườn nho nhỏ để giải khuây mỗi khi nhớ đến anh chàng lăn tảng đá của thần thoại Hy lạp; còn có dăm đứa cháu nhỏ để ông cháu vui đùa mỗi khi giật mình liếc thấy bóng mình qua gương. Nói cách khác, ông chưa đến nỗi phải mường tượng về một buổi sáng nào đó, không còn thức dậy được nữa, mắt nhắm lại mà thấy bóng mình cô đơn đi về phía quạnh hiu của cõi trời. Ở đó, thời gian không là vô tận, không gian không là bao la, vì không còn con người để đóng khung những khái niệm ấy. Ở đó, không có tháng mười hai, tháng cuối cùng trong một năm, để những hoài niệm trở mình, để những hối tiếc được dịp đay nghiến, để những than van lên tiếng về một đất trời thay đổi nhanh như những vó ngựa qua cửa sổ.
Tôi chưa già như người bạn vong niên của mình, nhưng giữa bao la của bầu trời mùa Đông xám xịt, tôi hình như đã cảm thấy cái vô lý của sự chết.
Đêm hôm trời đổ trận tuyết đầu mùa xuống thành phố, các đài truyền hình địa phương nhanh chóng đưa tin về những tai nạn xe cộ xảy ra, nguyên nhân do đường xá trơn trợt. Có vài người chết và một số vào bệnh viện .
Sự sống biến mất thật dễ dàng. Tệ hại hơn nữa, hình như chẳng mấy ai bận tâm đến những người lặng lẽ ra khỏi đời vào một đêm tuyết trắng mở đầu cho tháng lễ hội tưng bừng trong một năm nữa sắp đi qua ấy, ngoại trừ những người thân của họ. Trong khi đó, cũng ở thành phố bé nhỏ này mấy tháng trước đây, một con mèo hoang đi lang thang rồi bị kẹt trên một thành cầu xa lộ, đã khiến Sở Cảnh Sát, cả Sở Cứu Hỏa lẫn Sở Thú Y phải huy động một lực lượng đáng kể để giải cứu con vật, khiến một đoạn đường bị kẹt xe hàng tiếng đồng hồ vào ngay giờ cao điểm của buổi sáng. Dẫu sao đó cũng là một sinh vật, dù sinh vật ấy là một con mèo hoang. Tôi cố nghĩ như vậy để tìm sự an ủi cho chính mình, nhưng cái liên tưởng rồi đây sẽ còn nhiều những sự sống lặng lẽ biến mất ngay trong khoảnh khắc tưng bừng nhất của ngày lễ hội thiêng liêng giữa sự vô tâm của nhân quần bạc bẽo chung quanh khiến tôi không hiểu nổi một sự nghịch lý tồn tại dai dẳng hàng ngàn năm.
Vòng tử sinh của vạn vật quay tròn đều đặn vô tri vô giác. Từ thuở tạo thiên lập địa đến nay nó chưa hề biết đến ngưng nghỉ. Cũng tương tự như thế là vòng thời gian, cả thời gian của đất trời lẫn thời gian của con người. Sự khác biệt chỉ ở chỗ, vòng thời gian của đất trời thì liên tu bất tận, còn vòng thời gian của con người không vượt quá khỏi trăm năm. Vì thế, ở mỗi thời điểm đánh dấu cái ngắn ngủi của chặng đường còn lại, người ta hay cảm hoài. Cái cảm hoài của một buổi chiều cuối năm đứng giữa mênh mông của đất trời cật vấn chính mình về cái vô lý của sự sống và sự chết. Cái cảm hoài khi nhìn những tờ lịch cuối mong manh như chiếc lá úa mùa thu chực chờ rơi rụng giữa thinh không mà không biết đêm nay có trận tuyết nào đổ xuống vùi chôn xác lá giữa sự thờ ơ của thế nhân.
Cuối của một ngày, cuối của một năm, cuối của một đời người. Dấu chấm hết lạnh lùng và ác nghiệt. Chẳng còn vài ngày nữa, con số cuối cùng của năm cũ sẽ hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho con số đầu tiên của năm mới. Một vòng quay mới bắt đầu.
Hơn hai trăm năm trước, con người hữu hạn Nguyễn Du đã từng đứng giữa cái bao la của sông nước mà lên tiếng hỏi người đời sau:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Không biết 300 năm sau, ai sẽ là người khóc Tố Như – ngoại hiệu của Nguyễn Du)
Ích gì những giọt nước mắt, phải không Tiên sinh? Dẫu cho có người nào đó để rơi trên mộ Tiên Sinh đôi hàng lệ nhỏ, thì tấm thân xác 300 năm của Tiên Sinh nay đã là cát bụi, cũng chẳng có phép lạ nào đem nó về lại được trần gian. Mà không có một thân xác để hiện hữu, thì dẫu một biển nước mắt cũng “cầm bằng như không biết mà thôi“. Phải không, thưa cụ Tố Như?■
T.Vấn
(Sửa lại lần cuối – 12/2021)
(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)
==================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét