Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

" ông NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG & Nhà Sách Khai Trí "/ nhiều tác giả -- trích : https://trieuxuan.info>

 

ÔNG NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG & NHÀ SÁCH KHAI TRÍ

Nhiều tác giả

  • Thứ ba, 17:44 Ngày 22/09/2020
  • Vĩnh biệt ông Khai Trí - người mê sách

    Ông luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dù lớn hay nhỏ trong nội ô Sài Gòn: dự triển lãm tranh, giao lưu thơ ca, nói chuyện chuyên đề... Đến lặng lẽ và về âm thầm, tuy nhiên sự có mặt của ông đủ làm cho không khí hứng khởi thêm. Nhưng từ hôm nay, bóng dáng quen thuộc ấy không còn nữa...

    Người Sài Gòn gọi ông là "ông Khai Trí" (theo tên nhà sách - nhà xuất bản do ông làm chủ). Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam.

    "Ông Khai Trí" tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.

    Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách. 3 hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.

    Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo... Những điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó nhà sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu.

    Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản sách với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú. Một thú chơi đặc biệt của ông Trương nữa là sưu tầm sách báo (chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975). Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị. Riêng trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam...

    Con người có niềm đam mê mãnh liệt với sách báo ấy đã không còn nữa. Ông ra đi lúc 5h15 ngày 11/3, linh cữu hiện quàn tại nhà riêng (237 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM), lễ động quan lúc 6h ngày 14/3, hỏa táng tại Bình Dương. Nguyện vọng của gia đình là gửi tiền phúng điếu vào quỹ từ thiện thành phố.

    Thanhnien.vn Thứ bảy, 12/3/2005, 10:56 (GMT+7)

    *

    Nhà sách Khai Trí là một cơ sở thương mại lớn bán sách ở Sài Gòn từ năm 1952 đến 1975. Tiệm sách này cũng đóng góp trong một số hoạt động văn hóa, đáng kể nhất là việc xuất bản Tập san Sử Địa với sự hợp tác của nhiều văn sĩ và chuyên gia của Viện Đại học Sài Gòn.

    Nhà sách Khai trí được thành lập năm 1952 do doanh nhân Nguyễn Hùng Trương khởi lập, tọa lạc ở số 62 trên Đại lộ Bonard, Sài Gòn. Con đường này sau năm 1954 đổi tên thành Đại lộ Lê Lợi.

    Ngoài hoạt động chính là tiệm sách lớn, nhà sách Khai Trí còn sưu tầm nhiều sách báo ngoại ngữ cũng như các bản thảo bằng tiếng Việt của các soạn giả nổi tiếng như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í. Bắt đầu từ năm 1971, Khai Trí cũng bắt đầu ra sách riêng, chủ yếu là sách Thiếu nhi. Điển hình là tuần báo Thiếu nhi do nhà văn Nhật Tiến chủ trương. Khai Trí cũng hỗ trợ một số cơ quan truyền thông khác như tờ báo Sống do Chu Tử chủ nhiệm. Nhà sách Khai Trí còn bảo trợ cho Tập san Sử Địa, một tập san nghiên cứu uy tín do giáo sư Nguyễn Nhã điều hành.

    Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, năm 1976 dưới chính quyền mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong đợt "cải tạo văn hóa", cơ sở Khai Trí bị truất hữu và tịch thu. Kho sách 60 tấn bị tiêu hủy. Chủ nhân Nguyễn Hùng Trương thì bị bắt trong chiến dịch Tháng Tư 1976 và đưa đi tù cải tạo vì tội "biệt kích văn nghệ". Hiệu sách Khai Trí đổi tên thành nhà sách Sài Gòn và Fahasa.

    Năm 1991 Nguyễn Hùng Trương được xuất cảnh sang Hoa Kỳ đoàn tụ nhưng đến năm 1996 thì trở về Việt Nam sống. Ông cố xin lại một phần sở hữu từ trước năm 1975 nhưng không thành. Ông mất ngày 11 Tháng Ba năm 2005, thọ 80 tuổi.

    wikipedia

    Ông Nguyễn Hùng Trương và nhà sách Khai Trí

    Khi đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 sau Hiệp Ðịnh Geneve (20/7/1954), nhà sách Khai Trí đã có mặt tại Sài Gòn từ hai năm trước đó. Tôi di cư sớm hơn, vào Ðà Lạt năm 1953 và trong những chuyến về chơi thủ đô, nhà sách Khai Trí là một trong những địa điểm tôi thường lui tới để thỏa mãn tính tò mò, tìm hiểu về thế giới sách vở tại đây.

    Dạo đó, mỗi chiều cuối tuần người Sài Gòn thường rủ nhau đi “bát phố” Bonard, hết đi lên rồi lại đi xuống, suốt con đường từ Quốc Hội (sau này đổi là Nhà Hát Lớn) đến chợ Bến Thành. Kể từ thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, Bonard được đổi tên thành Lê Lợi. Ðặc biệt con đường này chỉ đông người phía bên phải theo hướng từ tòa nhà Quốc Hội đi đến cuối đường là chợ Bến Thành.

    Ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương với kho sách của ông, ở những năm cuối đời.

    Ðường Lê Lợi đông người “bát phố” vì trên suốt con đường có nhiều địa chỉ nổi tiếng… Nhà hàng Givral nằm ngay góc Catinat (đường Tự Do, sau 1975 đổi là Ðồng Khởi) và Bonard. Nơi này được mệnh danh là “Khu tứ giác Eden” gồm Passage Eden có rạp ciné Eden của gia đình họ Huỳnh Phú, đầu kia của tứ giác là nhà hàng Givral (góc Tự Do và Lê Lợi)…

    Khu tứ giác này ngày nay đã biến mất hình dạng, để lại cho những người Sài Gòn xưa nhiều nuối tiếc. Kiến trúc “hiện đại” đã làm mất đi những đường nét cổ kính từ thời Pháp thuộc của Sài Gòn. Vẫn biết cuộc sống là luôn thay đổi nhưng ở một chừng mực nào đó thì vẫn còn đọng lại đâu đây những nuối tiếc, hoài cổ.

    Rồi sau này, năm 1962, có rạp Rex, “rạp cinê đầu tiên có máy lạnh,” có “thang cuốn” của tỷ phú Ưng Thi được khai trương theo mô hình rạp Rex tại Paris. Rex nằm ngay ngã tư Lê Lợi-Nguyễn Huệ lúc nào cũng dập dìu “tài tử giai nhân” đi xem phim hoặc không tiền thì đi… nhìn người ta xem phim!

    Xuống đến ngã tư Lê Lợi-Pasteur có tiệm kem Mai Hương, ngày nay là kem Bạch Ðằng. Ðây là địa chỉ dừng chân của những người trung lưu, không đủ tiền ngồi Givral vốn dành cho giai cấp thượng lưu, “quý tộc,” kể cả những trai thanh gái lịch con nhà giàu.

    Ði thêm vài bước nữa là đến tiệm sách Khai Trí, giang sơn của giới “mọt sách” bình dân; vì nếu “trí thức” hơn, người ta ghé vào nhà sách Xuân Thu trên đường Catinat (Tự Do). Xuân Thu có gắn máy lạnh và chuyên bán sách báo nhập từ nước ngoài với giá cao, và dĩ nhiên chỉ dành cho giới “quý tộc.”

    Lần đầu tiên nghe đến tên Khai Trí không hiểu sao tôi lại nghĩ ngay đến Hội Khai Trí Tiến Ðức ngày xưa tại Hà Nội (1). Nhà sách ở Sài Gòn cũng như hội đoàn ngoài Hà Nội đã cùng một mục đích “khai tâm mở trí” cho người Việt thời Pháp thuộc cũng như thời VNCH.

    Ðường Lê Lợi cũng có thể gọi tên là con đường “văn hóa” vì ngay cạnh Khai Trí (số 60-62 Lê Lợi), còn có nhiều nhà sách khác như Dân Trí, Thanh Tuân và Phúc Thành nằm chen vai thích cánh bên nhau. Tuy cùng cạnh tranh trên đường Lê Lợi nhưng Khai Trí vẫn nổi bật vì chiếm hẳn hai căn nhà bề thế; hơn nữa việc nổi tiếng còn do tài lèo lái và quản lý của người chủ. Ðó là ông Nguyễn Hùng Trương nhưng người ta ít biết đến tên ông mà chỉ gọi là: “Ông Khai Trí.”

    Người ta nói ông Khai Trí khởi nghiệp buôn bán “sách vở” bằng 1 chiếc xe đẩy, hình như trước cổng trường Chasseloup Laubat đường Hồng Thập Tự, nay là trường Lê Quý Ðôn, đường Nguyễn Thị Minh Khai. Trong cuộc phỏng vấn của Phan Hoàng tại Sài Gòn được đăng trên báo Tiền Phong năm 2001 mang tựa đề “Vua sách Khai Trí” trở lại TP Hồ Chí Minh,” ông Nguyễn Hùng Trương kể lại thời kỳ khởi nghiệp trên bước đường kinh doanh sách của mình:”Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã mê sách hơn mọi thứ khác. Càng lớn lên thì niềm đam mê sách càng tăng. Tôi nhớ một ngày nọ có mấy anh bạn đồng môn đến nhờ tôi mua giùm năm cuốn sách về văn học Pháp. Tôi cũng đang cần một cuốn để lưu, nên gởi thư cho nhà xuất bản xin mua sáu cuốn. Ông giám đốc nhà xuất bản gởi thư hồi âm rằng, nếu tôi mua từ mười cuốn trở lên thì sẽ được trừ 30% giá bìa. Nhẩm tính tôi thấy nếu mua luôn mười cuốn thì số tiền chẳng hơn sáu cuốn chưa chiết khấu là bao, nên mượn tiền gởi mua đủ. Nhận sách, tôi đưa mấy anh bạn năm cuốn, tôi lưu một cuốn, còn bốn cuốn đem ký gởi. Khoảng ba ngày sau tôi ra thăm chừng, không ngờ sách đã bán hết, ông chủ tiệm trả tiền và nói rằng nếu có sách gì cần bán thì cứ đem đến ký gởi… Từ đó, tôi nảy ra ý định tìm các loại sách báo có giá trị, quý hiếm đặt mua ngay tại cơ sở rồi mang ra hiệu sách ký gởi. Rồi khi để dành được số tiền kha khá tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện mở nhà sách. Năm 1952, sau một thời gian chuẩn bị vốn liếng và mặt bằng, tôi đã khai trương nhà sách Khai Trí.”

    Tài sản quý giá nhất của ông Khai Trí là sách báo. Sài Gòn khi đó có khoảng ba mươi tờ nhật báo, hàng chục tuần báo và nguyệt san, bán nguyệt san. Ông tìm mua hết và đóng bìa cứng để lưu trữ. Ðặc biệt hơn cả, ông sưu tập được bộ Paris Match của Pháp từ số 1 cho đến ngày 30 tháng 4, 1975, trong đó có nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh của Pháp ở Ðông Dương.

    Tập san Sử Ðịa số cuối cùng.

    Ngoài ra, kho lưu trữ của ông còn 4,000 trang bản thảo từ điển tiếng Việt và gần 300 bản thảo sách nằm trong kế hoạch in thì bị “nửa đường đứt gánh.”Theo lời ông, thật đáng tiếc là kho sách báo ấy hiện bị thất lạc gần hết. Ông nói, tại Mỹ, bộ tạp chí Paris Match nếu còn giữ được thì giá không dưới nửa triệu đô-la.

    Cũng từ trong nước, nhà văn quá cố Nguyễn Thụy Long, tác giả cuốn tiểu thuyết Loan Mắt Nhung, đã viết về ông Nguyễn Hùng Trương như sau: “Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước quản lý, nay mang tên Phahasa của nhà nước. Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ. Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954.

    Nhiều vị học giả, nhiều nhà văn nhà thơ, tất cả đều quí mến ông. Có vị nói với tôi, “Ông Khai Trí không khen được thì thôi, chớ có gì đâu để mà nói xấu, để chê bai.” Ðúng vậy, ông Khai Trí là người làm sách, làm văn hóa, kinh doanh mặt hàng ấy, nhưng không thể coi ông là hàng “đầu nậu” xuất bản sách, trái lại rất trân trọng, vì tư cách của ông, con người vừa khiêm nhượng vừa tốt lành của ông.

    Khai Trí là nhà sách bán lẻ nhưng cái tên Khai Trí còn xuất hiện như một nhà xuất bản, nhà phát hành và đồng thời là nhà xuất nhập cảng sách.Ngoài việc xuất bản sách,ông còn chủ trương in tuần báo Thiếu nhi (Chủ nhiệm: Nguyễn Hùng Trương, Chủ biên: Nhật Tiến) rồi tập san Sử Ðịa (2) do Nguyễn Nhã làm Chủ biên. Ông tâm sự với Phan Hoàng: “Trong tất cả các loại sách, tôi đặc biệt nặng lòng với sách Thiếu nhi.Từ năm 1971 tới 1975, tôi chọn lọc xuất bản 300 đầu sách trong bộ Tuổi thơ dành riêng cho các cháu nhỏ.Bên cạnh đó, tôi còn xuất bản tuần báo Thiếu nhi với sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo có uy tín và tâm huyết với trẻ em. Ðây là công việc mà tôi thích thú nhất!”

    Trên diễn đàn Talawas, tác giả Làng Ðậu bày tỏ lòng tri ân và thành kính với người đã góp công không nhỏ giáo dục và đào tạo một thế hệ Thiếu nhi tại miền Nam với “tuần báo giải trí và giáo dục Thiếu nhi” như đã ghi trên bìa mỗi số: “Về hình thức, trang bìa và trang cuối của tờ Thiếu nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kỹ thuật tiến bộ (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ. Trang bìa thường in hình vẽ của họa sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau. Có lẽ bức tranh tôi thích nhất là bức Ông đồ, bức tranh này sau đó cũng đã được lên khung trong một bộ tem dưới cái tên cúng cơm của họa sĩ Vi-Vi: Võ Hùng Kiệt.

    Nếu như trang đầu của tờ báo là một sự trang trọng cần thiết thì trang cuối, ngược lại, đem lại cho độc giả vô vàn thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện của Walt Disney… Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên có chất lượng cao về nội dung giáo dục. Họa sĩ Vi-Vi cũng có góp phần vẽ minh họa một số truyện tranh Việt Nam.

    Tờ Thiếu nhi không bao giờ bị khô khan bởi vì nó luôn có các kỳ thi “đố vui có thưởng,” các chuyện cười do độc giả gửi tới cũng như các bài thơ, văn, nhạc, họa của nhiều tác giả, cả già lẫn trẻ. Mục “Truyện cổ tích” cũng thu hút người đọc bằng các truyện của Tô Hoài, Nhật Tiến và nhiều cây bút cừ khôi khác. Ðặc biệt thú vị là hai mục: “Trả lời thắc mắc” và “Tay ngọc bên bếp hồng.”

    Cũng xin nhắc lại vài câu thuộc loại “hoa thơm cỏ lạ” được giới thiệu trong vô vàn danh ngôn mà tờ Thiếu nhi đã cho phổ biến trên mặt báo: “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan” (Ðức Phật), “Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghĩa thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi) hay “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”… Làng Ðậu, “độc giả nhí ngày đó,” viết: “Tiền lời của nhà sách khi bán các mặt sách khác đã được đem qua để bù lỗ cho tờ Thiếu nhi. Có lẽ riêng đối với tôi, một thằng bé đen đủi không quen biết, ông đã hành sử ‘bù lỗ nhiều hơn’; khi tôi hỏi mua 3 tờ Thiếu nhi vì không đủ tiền mua nhiều, thì đã được ông cho thêm mấy tờ mà tôi muốn.”

    Ðối với độc giả người lớn, ông Khai Trí “bảo trợ” tập san Sử Ðịa của một nhóm giáo sư và sinh viên trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc năm 1966 và số cuối cùng năm 1975 mang chủ đề “Ðặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa,” một đề tài nóng bỏng sau sự kiện ngày 19 tháng 1, 1974, Hải Quân Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracells) khi ấy đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.

    Tập san Sử Ðịa phát hành 3 tháng một kỳ, ra được tổng cộng 29 số báo cho đến ngày Sài Gòn thất thủ năm 1975. Ðây là nguồn tài liệu phong phú trong việc khảo cứu, sưu tầm về sử ký và địa lý Việt Nam. Tác giả những bài viết trên tập san Sử Ðịa là những nhân vật nổi tiếng của miền Nam như Hoàng Xuân Hãn, Phan Khoang, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í…

    Khai Trí còn là một nhà xuất bản chuyên in tự điển của miền Nam. Nếu nhà xuất bản Thời Thế in cuốn Việt Nam Tân Từ Ðiển của Thanh Nghị dầy 1069 trang thì Khai Trí đã phát hành một loạt từ điển như Pháp Việt Tự Ðiển của Ðào Ðăng Vỹ với độ dầy lên đến 1276 trang; Anh Việt-Việt Anh Từ Ðiển của Nguyễn Văn Khôn…

    Thậm chí có những cuốn tự điển rất cần cho việc nghiên cứu nhưng lại khó tiêu thụ trên thị trường nhưng Khai Trí vẫn mạnh dạn xuất bản, chẳng hạn như bộ Hán Việt Từ Ðiển của Thiều Chửu hay Hán Việt Tân Từ Ðiển của Nguyễn Quốc Hùng.

    Nguyên tắc của kinh doanh nói chung là nhắm vào tiền lãi thu về nhưng một nhà kinh doanh có “tâm” hay có “đạo đức kinh doanh” là biết dung hòa giữa một bên là “lợi nhuận” và phía bên kia là “lợi ích” của xã hội. Ông Nguyễn Hùng Trương là nhà kinh doanh biết kết hợp cả hai cái “lợi” để đóng góp cho nền văn hóa của miền Nam. Ông còn giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn bằng cách mua tác phẩm của họ, dù chưa in nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ theo kiểu “tiền trao cháo múc.” Ngoài ra, ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn, chẳng hạn như tờ nhật báo Sống của Chu Tử.

    Theo Kaviti, ông Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Ðức, nhưng cũng có người nói ông sinh tại Biên Hòa. Thời thơ ấu của ông rất cơ cực, thường nhịn ăn sáng và dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên trung học ông vào trường Petrus Ký với một chiếc xe đạp cũ.

    Báo Thanh Niên viết về ông Khai Trí: “Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam.”

    Trong những ngày đầu Sài Gòn đổi chủ, có người thấy ông chủ Khai Trí trải tấm nylon lớn trên vỉa hè ngay trước cửa nhà sách Khai Trí để bán nốt các số báo Thiếu nhi còn sót lại. Tờ Thiếu nhi vốn là báo khổ to, nhưng đến gần 1975 thì nó đã co nhỏ và thu bé mình lại, chỉ còn như một cuốn sổ tay mỏng lét nhưng vẫn giữ nguyên tôn chỉ và mục đích.

    Năm 1976, chính quyền mới mở đợt “cải tạo văn hóa” tiếp theo sau đợt cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền.” Nhà sách Khai Trí bị truất hữu và tịch thu, kho sách 60 tấn bị tiêu hủy. Chủ nhân Nguyễn Hùng Trương bị bắt trong chiến dịch tháng 4, 1976 và đưa đi cải tạo tại trại Z30C Hàm Tân vì tội “biệt kích văn nghệ.”

    Một số nhân vật khác trong ngành phát hành sách báo như ông Nguyễn Văn Chà, chủ nhân nhà tổng phát hành Nam Cường, ông Tư Bôn (Paul) chủ nhân cơ sở phát hành Thống Nhất rồi ông chủ các nhà phát hành Ðồng Nai, Ðộc Lập cũng cùng chung số phận vì đã hoạt động trong lãnh vực sách báo “văn chương đồi trụy”…

    Năm 1991, ông Khai Trí xuất cảnh sang Hoa Kỳ để đoàn tụ cùng gia đình. Theo nhà văn Nhật Tiến, ông Nguyễn Hùng Trương dự định mở lại nhà Khai Trí, nhưng điều trớ trêu là hầu hết các tác phẩm của Khai Trí đã “được” một số nhà xuất bản hải ngoại in lại mà không hề nghĩ đến chuyện… bản quyền!

    Theo Phạm Phú Minh, một điểm khó khăn nữa là ông Khai Trí vừa thiếu vốn lại thiếu cả nhân lực để gây dựng lại nhà xuất bản tại Mỹ: “Ông Võ Thắng Tiết, giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ ở Nam California, đã tiếp xúc nhiều với ông Khai Trí thời gian ông mới qua Mỹ, cho biết rằng các con của ông Khai Trí nói thẳng rằng họ có thể góp ít vốn cho ông theo khả năng của họ, nhưng hoàn toàn không thể giúp được gì ông, vì ai cũng có công việc cả rồi, không thể nào bỏ việc để cùng cha phiêu lưu theo giấc mộng của ông.”

    Hình như ông Khai Trí có gặp ông Nguyễn Tấn Ðời để bàn việc góp vốn cho chương trình văn hóa nhưng không đạt được kết quả. Ông Võ Thắng Tiết cho biết, trong số sách vở ông Khai Trí đã chuyển được sang Mỹ có nhiều thứ rất giá trị, như bộ sưu tập đầy đủ của báo Tri Tân và báo Nam Phong, tập san Sử Ðịa thời VNCH cũng không thiếu một số nào, tất cả sắp xếp rất ngăn nắp và khoa học.

    Sau năm năm sống tại Mỹ, ông Nguyễn Hùng Trương biết rõ là mình chẳng làm được những gì mong ước cho nên năm 1996 ông Khai Trí về lại Việt Nam để sống luôn tại đây. Nghe nói nhà nước Việt Nam có chủ trương trả lại nhà cửa đã tịch thu năm 1975, ông về nước với đề nghị nhà nước trả lại các cơ sở cho ông; và ông sẽ cùng nhà nước thực hiện các nhà sách tân tiến theo lối Mỹ, trong đó có gian uống cà phê xem sách, có gian Thiếu nhi để các em thoải mái tìm tòi…

    Nhưng những gì ông “nghe nói” đã không đúng với thực tế. Nhà sách Khai Trí của ông đã thành nhà sách quốc doanh Sài Gòn. Nhà khác của ông thì bị chia chác cho cán bộ đã 20 năm qua, họ bán đi bán lại nhiều lần, giá cả càng ngày càng cao. Cuối cùng người ta “cho lại” một phòng trong một căn nhà cũ của ông; và ông sống ở đó, cho đến ngày qua đời, với giấc mộng lớn không bao giờ thực hiện.

    Con người có niềm đam mê mãnh liệt với sách báo ấy đã ra đi lúc 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3, 2005, linh cữu quàn tại nhà riêng số 237 Ðiện biên Phủ (đường Phan Thanh Giản cũ). Nguyện vọng của gia đình là tiền phúng điếu sẽ tặng cho quỹ từ thiện thành phố.

    Lúc còn sinh thời ông Nguyễn Hùng Trương đã có lần chán nản khi được hỏi bao giờ người ta trả lại nhà sách Khai Trí cho ông.Câu trả lời của ông là.. “năm 3000”! Chẳng khác nào khi diễn tả một chuyện không bao giờ có thể xảy ra, người Sài Gòn thường nói chờ đến… “Tết Congo”!

    08-07- 2014

    Nguyễn Ngọc Chính

    ___

    (1) Hội Khai Trí Tiến Ðức, còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt nguyên tên tiếng Pháp của hội l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (1919-1945). Hội Khai Trí Tiến Ðức được thành lập ngày 2 tháng 5, 1919, với học giả Phạm Quỳnh làm tổng thư ký, cử nhân Hoàng Huân Trung làm hội trưởng. Những nhân vật khác có tên tuổi cũng đứng tên trong hội là Tổng Ðốc Hà Ðông Hoàng Trọng Phu (con trai của Kinh Lược Ðại Thần Hoàng Cao Khải) và Thượng Thư Bộ Binh kiêm Bộ Học Thân Trọng Huề (người mà vua Bảo Ðại gọi là cậu). Ngoài ra Louis Marty, chánh sở Liêm Phóng và Nha Chính Trị Ðông Dương cũng đứng tên trong hội. Năm 1922, hội mua được căn nhà ở phố Hàng Trống, Hà Nội, ngay phía Tây bờ hồ Gươm để làm hội quán. Hoạt động của hội có những mốc lịch sử đáng kể như “Giải thưởng văn chương năm 1925” (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Ðồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật), truy niệm thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học, v.v… Có những cuộc trao đổi không kém gay cấn về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính quyền Bảo hộ của người Pháp đã diễn ra tại hội quán, tuy chủ ý của hội là văn hóa chứ không phải chính trị. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, hội bị giải tán vì bị cho là “công cụ thống trị tinh thần và nô dịch văn hóa của thực dân.”

    (2) Về Tập San Sử Ðịa, xem thêm các bài viết: Báo chí thời VNCH

    (3) http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/bao-chi-thoi-vnch-3.html

    “Tập san Sử Ðịa với chủ đề Hoàng Sa-Trường Sa:http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/tap-san-su-ia-voi-chu-e-hoang-sa-truong.html;

    Nhà văn Nguyễn Thụy Long (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Loan mắt nhung" , một cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 cũng hết lời ca ngợi) có viết một bài nhan đề " Vĩnh biệt ông Khai Trí " , trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau 1975:

    " Ông Khai Trí, Nguyễn hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Ðức, Gia Ðịnh, mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hóa 1976 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước quản lý, nay mang tên Phahasa của nhà nước. Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.

    Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Nhiều vị học giả, nhiều nhà văn nhà thơ, tất cả đều quí mến ông. Có vị nói với tôi, " Ông Khai Trí không khen được thì thôi, chớ có gì đâu để mà nói xấu, để chê bai". Ðúng vậy, ông Khai Trí là người làm sách, làm văn hóa, kinh doanh mặt hàng ấy, nhưng không thể coi ông là hàng " đầu nậu " xuất bản sách, trái lại rất trân trọng, vì tư cách của ông, con người vừa khiêm nhượng vừa tốt lành của ông.

    ...Ngoài việc xuất bản sách, ông Khai Trí còn chủ trương in một tuần báo Thiếu nhi, giao cho nhà văn Nhật Tiến trông coi, tờ tuần báo Thiếu nhi nội dung rất lành mạnh, rồi tập san Sử Ðịa do Nguyễn Nhã trông coi, toàn là những sách báo bổ ích thời ấy. Ông Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.

    ..Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Phahasa. Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi ?

    Ông cười chua chát: Phải đến năm 3000 thì may ra…

    Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội để cả những điều không có để lập công.

    Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phan thanh Giản cũ) tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài gòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia xẻ sự thương tiếc với gia đình ông.

    ...Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách Khai Trí. Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau.

    Xin chia buồn cùng gia đình ông" – Nguyễn Thụy Long.

    *

    Ông Khai Trí của ‘Sài Gòn, một thời vang bóng’

    Trịnh Thanh Thủy: Những thông tin về ông Khai Trí trong bài này hoàn toàn là do anh Nguyễn Hùng Tâm -con trai ông Khai trí - kể. Người viết chỉ ghi lại các thông tin từ anh Hùng Tâm.

    Cách đây 13 năm khi nghe tin ông chủ nhà sách Khai Trí Nguyễn Hùng Trương mất đi, giới yêu sách Sài Gòn ai cũng bùi ngùi thương mến. Ngày 4 tháng 11, 2018 vừa qua, người vợ đầu ấp tay gối của ông Khai Trí cũng đã mãn phần theo gót ông về cõi tịnh, cùng ông an giấc ngàn thu. Cụ bà Phùng Thị Bông hưởng thọ 89 tuổi, mất tại Little Sài Gòn vào cuối mùa thu.

    Tôi đến viếng tang lễ của cụ bà và gặp gỡ những người thân của đại gia đình họ Nguyễn. Những tấm ảnh slide show chiếu trên màn hình nhà tang lễ đã ghi lại những kỷ niệm đẹp của gia đình và cụ ông, cụ bà như một nhắc nhở ân cần đến hình bóng của kẻ ra đi.

    Tôi được dịp trò chuyện với người con trai thứ của cụ là anh Nguyễn Hùng Tâm và tỏ lòng ngưỡng mộ cụ ông Khai Trí cùng đức độ của cụ khi còn sinh thời. Tiếng vang thơm ngát về lòng yêu thiếu nhi và mối tình gắn bó của cụ với sách vở đã khiến tôi quý trọng con người cụ dù tôi chưa gặp cụ bao giờ.

    Dù đang có tang chế anh Hùng Tâm vẫn vui vẻ nghe tôi trò chuyện và hỏi han về những kỷ niệm đẹp còn lưu dấu của song thân anh, hai người đã khuất. Anh kể:

    - Đối với cha tôi, những điều tôi trân trọng, lưu giữ trong trí, mến quí và yêu nhất là những giờ phút cuối của cụ. Trong 2 tấm hình chụp ông cụ trên giường, tôi thấy lúc nào quanh ông cũng tràn đầy sách vở. Hình ông cụ ngồi có một cái võng vắt ngang, sách vở cũng đầy giường tủ. Cụ luôn luôn miệt mài cùng sách vở kể cả những phút lâm chung.

    Đối với mẹ tôi, bà là người vợ lúc nào cũng tận tụy với chồng kể cả từ những ngày ban đầu mới thành lập nhà sách Khai Trí. Thuở hàn vi, dẫu không có người làm phụ giúp, bà vẫn hết lòng cùng chồng gánh vác những khó khăn, gian khổ buổi đầu. Những cuốn sách nào có giá trị cha tôi lúc nào cũng đưa cho bà đọc để có cùng một chí hướng với chồng và cùng tạo dựng sự nghiệp.

    Anh Nguyễn Hùng Tâm nguyên là chủ nhân và hiệu trưởng của một trường đại học "TTL College" ở San Jose, CA. Anh tâm sự, sở dĩ anh mở trường đại học kỹ thuật này là do dòng máu văn hoá Việt Nam của cha anh để lại. Do đó anh muốn thành lập một trường chuyên môn dạy nghề hầu giúp cho người Việt hải ngoại có một cái nghề để sinh sống không những cho bản thân mà có thể giúp đỡ gia đình nữa. Ngoài ra anh còn muốn giúp cho những người Việt mới định cư và những người muốn thăng tiến nghề nghiệp có được một trình độ cao hơn. Các giáo sư trong trường đều là người Việt Nam.

    Khi chụp hình tang lễ, tôi nhận ra gia đình cụ Khai Trí là một đại gia đình như đa số các gia đình Việt Nam với nhiều người con. Tôì trộm nghĩ đây có lẽ là lý do cụ rất yêu thiếu nhi và bỏ nhiều tâm huyết vào việc mở mang trí tuệ cho các thế hệ măng non Việt Nam trước năm 1975. Để trả lời câu hỏi của tôi về tình yêu thiếu nhi, anh Hùng Tâm cho biết:

    - Lúc đương thời, ông cụ luôn có chí hướng muốn tiến lên mãi và muốn làm cái gì đó cho thế hệ mai sau. Quan trọng nhất là thế hệ thiếu nhi nên cụ bỏ ra rất nhiều thì giờ vào thế hệ này. Cụ đã để một gian hàng sách thiếu nhi cho những đứa trẻ vào đọc mà không cần phải mua. Khi cụ thấy các em đứng đọc trông thật tội nghiệp, cụ cho lập một hàng ghế để các em ngồi đọc thoải mái từ sáng tới chiều. Những em nào không có tiền mua sách, có thể đến gặp cụ, cụ viết cho một tấm thiếp có tên cụ, giống như một tấm chi phiếu. Lúc nào cần sách cứ tới gặp nhân viên, họ sẽ đưa sách đem về nhà mà không cần phải trả tiền. Trên con đường tiến xa hơn nữa, nguyên thủy nhà sách Khai Trí có hai căn, cụ đã mua thêm hai căn sát bên với mục đích nối liền 4 căn với nhau để có diện tích rộng gấp hai nhà sách cũ. Với dự án xây lầu cao hơn, cụ dành một tầng cho sách tiếng Việt, 1 tầng cho sách ngoại quốc và 1 tầng cho sách thiếu nhi. Ước vọng của ông cụ không chỉ có thế, cụ còn có chương trình thành lập bộ sách "Encyclopedia" cho Việt Nam. Cụ thấy các quốc gia khác có, tại sao Việt Nam chưa có. Cụ đang chuẩn bị để thành lập với những người cộng tác và họ sẽ được cụ trả lương ngồi viết cho đến khi bộ sách hoàn tất. Tuy nhiên những ước mơ của cụ đã bị ngưng vào năm 1975.

    Ông Bà Khai Trí năm 1983.

    Nghe anh Hùng Tâm kể, tôi cảm thấy sững sờ và kính phục cụ Khai Trí với nhiệt tâm và công sức của chỉ một cá nhân mà vẫn muốn thực hiện những dự án lớn lao như Encyclopedia. Anh Hùng Tâm kể tiếp:

    Sau năm 1975, cha tôi bị đi tù. Khi ở trại cải tạo về, ông lại có ý định trở lại với ngành sách vở. Ông đã bỏ ra thì giờ, tiền bạc, đi tìm mua lại những sách cũ đã bị thất lạc, bị tịch thu hay thất thoát ra ngoài đem về cất giữ. Lúc nhận được giấy bảo lãnh qua Mỹ, ông đã có trong tay trên 3000 cuốn sách thuộc nhiều loại khác nhau. Ông đã cố gắng chuyển số sách ấy ra hải ngoại với mục đích mang tiếng Việt ra hải ngoại cho người Việt. Ra đến hải ngoại ông đi thăm tất cả các tiệm sách ở đây và nhận ra 90% số sách ông mang qua đều đã được tái, xuất bản và đang bày bán. Ông vô cùng thất vọng, vì cảm thấy không còn làm gì được nữa đành phải trở về lại Việt Nam. Lần này, ông đi mua tất cả những cuốn sách được xuất bản ở hải ngoại sau 75 trong kỳ vọng đem về cho dân trong nước có cơ hội được đọc sách hải ngoại. Tuy nhiên khi về đến Việt Nam, ông bị chận lại và bị bắt bỏ tù lần nữa. Tất cả số sách ông mang về bị tịch thu và ông vào tù với tội danh "mang văn hoá đồi trụy vào trong nước".

    Vào những giờ phút bất lực cùng cực, ông vẫn chưa chịu thua, ông tiếp tục tự mình soạn ra những cuốn sách để lại cho hậu thế. Đó là cuốn "Thơ tình Việt Nam và thế giới". Ông tập trung những lá thư tình của Việt Nam và thế giới, Bắc, Trung, Nam về để soạn thảo. Ông muốn nói lên một điều là thơ tình hay tình yêu không phân biệt quốc gia hay cộng sản. Ông đã yêu cầu được in và xuất bản tại Sài Gòn. Buổi ra mắt sách được tổ chức tại Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn vào dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn...  Trong ngày ra mắt sách, ông đã yêu cầu không có chào cờ cộng sản và những người lên lãnh giải cho cuốn sách ấy là những người đã từng ngồi tù trong trại cải tạo. Mục đích ông muốn cho họ thấy, là họ làm việc có chính nghĩa và trong đất cộng sản họ vẫn được quyền lãnh quyển sách được trao giải đó. Đây là việc làm đáng giá và đáng ghi nhớ ở Việt Nam, tại quốc gia cộng sản không có tự do mà ông cụ vẫn làm, mà làm được. Đằng sau cuốn sách có ghi tên ông, chủ nhà sách Khai Trí soạn và xuất bản.

    Ngoài ra còn một việc làm thứ hai mà ông đã làm được ở Việt Nam là đi đòi tiền bản quyền cho một số tác giả viết trước 1975 mặc dù các tác giả đã xuất ngoại, nhưng ông vẫn đòi được. Ông đã gởi tiền đòi được qua cho tôi ở hải ngoại và tôi cầm tiền trao lại cho các tác giả ấy.

    Câu chuyện anh Hùng Tâm kể về cụ Khai Trí làm tôi vô cùng xúc động. Không biết tỏ nỗi cảm phục nào hơn, tôi chỉ biết thắp nén huơng lòng gởi đến cho cụ ông, cụ bà Khai Trí và cầu nguyện cho hai cụ mãi mãi thong dong ở cõi yên bình.

    Từ trái sang phải: Giáo sư Trần Huy Bích, MC Thụy Vy, Thứ Nam Nguyễn Hùng Tâm (con ông Khai Trí)

    Trịnh Thanh Thủy

    Hoaxuongrong.org


    ==============

    0 Nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

    << Trang chủ