Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

' hồn SÁCH CŨ / Lê Ký Thương ( tphcm) -- nguồn: www.vanchuongviet.org>

 


Hồn Sách Cũ
Lê Ký Thương

 

 

Tôi chẳng nhớ cái máu mê sách cũ đã ''lậm'' vào người mình lúc nào... Hễ có tiền trong túi là phần xác dắt phần hồn tôi đến các cửa hàng sách cũ rẻ tiền trong thành phố. Ở đó, tôi có thể tìm mua được những quyển sách năm xửa năm xưa mà mình cần hay mình thích, với giá hợp túi tiền khiêm tốn của mình. Những quyển sách này hiếm khi được đứng đàng hoàng trên kệ. Chúng thường nằm lăn lóc dưới nền nhà, bụi bám đầy ''người'', có khi thân hình còn nguyên vẹn, có khi rách một vài trang, có khi áo quần (bìa) nửa còn nửa mất, hoặc bị lột sạch, mùi ẩm mốc xông lên khiến mình có cảm giác không còn mũi để thở. Chúng giống như những đứa con rơi. Mà chúng bị bỏ rơi thật! Vì chủ nhân của chúng không cần chúng nữa, để trong nhà cũng vô tích sự, lại thêm chật nhà, chi bằng bán cho mấy bà ve chai được đồng nào hay đồng đó. Rồi mấy bà ve chai lại đem bán ký cùng giấy, báo loại cho các cửa hàng sách cũ ... Nhờ thế, những người mê sách cũ như tôi mới có duyên may gặp được... ''người tình trong mộng''.

 

Rước quyển sách về nhà, trân trọng đặt nó lên bàn, ngồi lật từng trang, cẩn thận vuốt những nếp nhăn cho thẳng, dán lại những chỗ rách cho lành, tôi thấy phảng phất trên đó một bàn tay ngà ngọc hay một bàn tay thư sinh đã từng lật từng trang để đọc với niềm say mê, những câu, những đoạn đắc ý thì gạch bút đỏ hay đánh dấu bên lề. Rồi tôi hình dung khuôn mặt thể hiện tình cảm vui, buồn, yêu, giận khi họ bắt gặp những tình tiết trong cuốn truyện... Những cuốn sách xưa, có lời tặng ghi trang đầu, cho tôi biết rằng ngày tháng năm đó có một chàng yêu một nàng mà không dám trực tiếp tỏ tình, bèn mượn sách đưa duyên... Mà chàng hay nàng đó bây giờ đã có cháu kêu bằng cố, nếu lập gia đình trễ cũng lên chức nội, ngoại, hoặc đã thành người thiên cổ. Mới hay thời nào sách cũng ''hỗ trợ tích cực'' cho những mối tình đầu, dù mối tình không thành, nhưng cũng là một kỷ niệm đẹp. Đúng là ''lật trang sách cũ, thấy hồn người xưa''.

 

Thật  đáng khâm phục trí tưởng tượng phong phú bằng nhà văn Trần Huiền Ân. Anh mua được một quyển sách cũ từ một bà ve chai - quyển ''Việt Nam tự điển'' của Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, in lại tại Pháp năm 1954, do Văn Mới xuất bản và phát hành tại Việt Nam. Chính hai câu ca dao: ''Có trầu mà chẳng có cau, làm sao cho đỏ miệng nhau mà làm'' viết trên trang đầu quyển sách cùng tấm thiệp chúc Xuân của một người đang ở trong Trại học tập cải tạo gởi về cho vợ con kẹp bên trong nó, đã gây niềm hưng phấn cho anh viết  truyện ngắn Người chứng ít lời in  trên báo Thanh Niên cách đây gần chục năm. Truyện vừa đến tay bạn đọc thì tòa soạn báo nhận được lá thư của một nữ độc giả nhận mình là cháu kêu bằng chú của nhân vật chính trong truyện, nhân vật đó cùng gia đình đã định cư ở Mỹ. Mặc dù truyện hoàn toàn hư cấu, nhưng lạ lùng thay, cuộc đời của nhân vật chính lại giống với cuộc đời thật của người chú cô độc giả kia! Đây không phải là một giai thoại mà là chuyện thật trăm phần trăm.

 

Sách cũ còn cho tôi biết được thời kỳ tiếng Việt còn phôi thai, cha ông chúng ta viết, học như thế nào. Giở bộ ''An Nam sử lược'' (2 quyển) của cụ Trần Trọng Kim, sách giáo khoa dành cho lớp sơ học, in lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1916, chúng ta sẽ thấy câu văn tuy dài lê thê, hết ''cái sự '' này đến ''cái sự'' nọ - có lẽ cách diễn đạt này bị ảnh hưởng tiếng Pháp thời bấy giờ - nhưng từng dấu phẩy, dấu chấm trong từng câu rõ ràng, dứt khoát, không hề có câu què. Bây giờ, thỉnh thoảng đọc vài cuốn sách hay bài báo của vài vị có học hàm, học vị, đang ngon trớn bỗng gặp một câu què hay chữ tắt, chữ ngược chận đường, tức cành hông, giống như mình đang say mê lái xe rượt theo một bóng hồng bất ngờ gặp đèn đỏ ở ngã tư đường! Lúc đó, đành tự trách mình không theo kịp ''đà tiến triển của tiếng Việt'' chứ sách báo ngày nay đều có người đứng tên biên tập hẳn hoi kia mà. Cái đèn đỏ có tội vạ gì đâu mà trách, nếu mình biết rõ luật đi đường?

 

Sách cũ cũng dạy cho tôi biết được nhân cách của người làm sách thời xưa. Cầm quyển ''Thơ Hậu Vân Tiên''của Nguyễn Bá Thời tân soạn, loại sách dành riêng cho giới bình dân thích truyện thơ, tuồng tích ngày xưa, đọc xong rồi vất, thấy ngay nơi trang bìa: tổng phát hành: Thuận Hòa, xuất bản: Phạm Văn Thình, bên lề trái ghi ''Nhà buôn Thuận Hòa -  54, đ. Tháp Mười - Cholon, bên lề phải ghi ''Bổn này ông Phạm-văn-Thình đã nhường đứt bản quyền lại cho tôi: Trần-văn-Sửu''. Nhà buôn Thuận Hòa của ông Trần Văn Sửu chuyên tổng phát hành ''các thứ thơ, tuồng hát bộ, bài ca, tiểu thuyết của nhà xuất bản Phạm Văn Thình''. Thật rõ ràng và trung thực, tuy lúc bấy giờ không có ''Luật xuất bản'' và ''Luật bản quyền''!

 

Bạn là người mê sách cũ, chắc chắn sẽ có khi mua được những quyển sách có bút tích, chữ ký (và cả triện son ) của tác giả đề tặng ông A bà B, cả những tác giả nổi tiếng và những người được đề tặng nổi tiếng. Khi gặp những quyển sách này, không phút giây chần chừ, tôi mua ngay, cho dù đã rách nát, hay đã có trong tủ sách. Tôi mua nó với ý nghĩ luôn nằm sẵn trong bụng là chỉ tốn vài ngàn, nhiều nhất là vài chục ngàn (hiếm khi), nhưng mình ''cứu vớt'' được linh hồn một quyển sách. Một quyển sách góp mặt với đời, ngoài danh xưng là đứa con tinh thần của tác giả còn có công sức đóng góp của nhiều người. Nào là người biên tập của nhà xuất bản, thợ xếp chữ, người sửa morasse, ''xếp ty-pô'' -  (bây giờ là nhân  viên ở khâu chế bản, bình phim), thợ nhà in, người làm ra giấy in, kim, chỉ khâu, keo, hồ dán, v.v... Tác giả hãnh diện vì nó, sung sướng ngồi viết tặng từng người đáng kính, từng người thân yêu, bạn bè mà không hề nghĩ rằng có một ngày nào đó, vì duyên cớ nào đó, nó bị vất ra cửa hàng sách cũ! Thật tiếc thương cho số phận những quyển sách đó và đáng trân trọng mang nó về tủ sách nhà mình...

 

Tháng 4 - 2002

Lê Ký Thương





nguồn: www.vanchuongviet.org > ( nguyễn hòa vcv)


==============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ