Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

' Đặng Nguyệt Anh [ 1948- ] với những vần thơ da diết nỗi đời "/ Nguyễn Văn Hòa ' -- nguồn: https://songkhoeplus.vn>

 


Đặng Nguyệt Anh với những vần thơ da diết nỗi đời

Nguyễn Văn Hòa


Thơ chọn (Tập 1) của Đặng Nguyệt Anh tập hợp 101 bài thơ với nhiều đề tài, chủ đề khác nhau trong hành trình sáng tạo của chị. Tất cả đều xoay quanh về cuộc sống, con người, tình yêu dưới cái nhìn của người đàn bà đã đi qua bao thăng trầm của cuộc đời và thời cuộc. Dù viết về điều gì thơ Đặng Nguyệt Anh vẫn mang nét dịu dàng, nữ tính: da diết nỗi đời, nỗi người, nỗi nhân tình thế thái. Thơ chị là tiếng lòng thành thật giúp cho bạn đọc soi mình qua những triết lý thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái. Sóng còn hát với trùng khơi/ Gió hoang còn hát bên đồi nữa không/ Ta thầm thì với mênh mông/ Giữa không là đất/ giữa không là trời.../ Vì em Thánh Thiện/ em ơi/ Nhân gian hát khúc:/ Con người yêu nhau (Vì em thánh thiện).

bia-tap-sach-tho-chon-1-cua-nha-tho-dang-nguyet-anh-1630569982.jpg
Bìa tập "Thơ chọn" (tập 1) của Đặng Nguyệt Anh (NXB Hội Nhà văn, 2020)


Thơ Đặng Nguyệt Anh thể hiện cái tôi mang nhiều nỗi niềm hoài niệm. Thế giới hoài niệm mà Đặng Nguyệt Anh nhắc đến trong thơ là thế giới của những gì đã qua, ở đó có cả niềm vui - nỗi buồn,  sự hạnh phúc lẫn khổ đau. Bao mơ ước, khát vọng cứ lóe lên lại chợt tắt, cứ đến rồi đi, đôi lúc có những điều ập đến bất ngờ không cưỡng lại được. 


Đặng Nguyệt Anh mang trong mình những ký ức sống động về vùng đất quê hương nơi chị đã sinh ra và lớn lên, gắn với không biết bao nhiêu kỉ niệm ở đó. Nam Định là đất mẹ đã nuôi dưỡng cả phần xác lẫn phần hồn, nên có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến hành trình sống và sáng tạo của nhà thơ. Vùng đất này đã trở thành điểm tựa để thi nhân luôn hướng về với một niềm tin yêu bất diệt. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trái tim của người con xa quê như Đặng Nguyệt Anh vẫn ưu ái dành một phần lớn về đất mẹ. Vàng thêm chút nữa thu ơi/ trong thêm chút nữa khoảng trời quê hương! (Về thăm Nam Định).


Dòng sông thơ mộng, trữ tình mang đậm hồn cốt quê hương Nam Định của chị đó là sông Ninh. Dòng sông ấy, nhiều lần xuất hiện trong thơ Đặng Nguyệt Anh với những tình cảm sâu lắng. Ngày đi sông hãy còn trinh/ nay về hát khúc huê tình tặng sông/ Tôi đi nam bắc tây đông/ vẫn da diết nhớ dòng sông quê nghèo (Sông Ninh ơi).
Dòng sông Ninh trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng,  “nỗi niềm thương nhớ” cứ chập chờn, ẩn hiện trong tiềm thức nhà thơ. Dù ở đâu, dòng sông quê vẫn cứ miệt mài chảy, tưới tắm, làm dịu đi những “cơn buồn” nơi đất khách. Ngày đi xa/ ta gửi lại nửa vầng trăng dưới đáy sông Ninh/ gửi lại nửa đời con gái/ gửi lại dấu chân ta thơ dại/ trên bãi cói phù sa/ con cáy, con còng chui vào làm tổ// Lớn lên/ ta nghe kể về sông Ninh như huyền sử/ năm tháng thương đau/ nước sông hòa nước mắt/ sông mở lòng che chở những đứa con.


Đặng Nguyệt Anh bộc lộ tình cảm dạt dào, sâu lắng của mình đối với quê hương. Nhà thơ cũng dành tình cảm thiêng liêng nhất đối với những người thân yêu, ruột thịt. Mẹ là người mà thi sĩ hay nhắc đến. Cuộc đời chính mình nếm trải, có hình bóng của mẹ. Sự tảo tần, chắt chiu, dồn hết tình thương cho chồng cho con của mẹ làm cho chị yêu thương mẹ nhiều hơn gấp bội phần.  Ngày Đặng Nguyệt Anh quyết định rời bục giảng, từ biệt quê nhà để vào Nam, tiện chăm sóc cho chồng (chồng chị lúc đó đang công tác ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam) là một quyết định táo bạo. Đêm ở Trường Sơn, lòng chị ngổn ngang trăm mối: Con nhìn một vì sao xa/ trong muôn vàn vì sao của dải Ngân hà/ con nhớ quê nhà/ con nghĩ trăm quê/ con nhớ mẹ/ con thương bao bà mẹ/ đêm đêm nằm nhớ con// Mẹ ơi lòng dạ bồn chồn/ phía sau đỉnh núi/ trăng non lên rồi/ con nhớ không nguôi/ mái trường xưa lưu luyến/ các em nhỏ nhìn con trìu mến/ mắt đen tròn long lanh.../ Mẹ ơi!/ bao nhiêu nỗi nhớ thương/ gói trong đêm Trường Sơn/ giang tay trong cách trở/ muốn ôm choàng quê hương!... (Đêm Trường Sơn). Dù nhớ quê, nhớ mẹ, dù thực tại khó khăn trăm mối nhưng không làm cho chị chùn bước, chị vẫn hướng về những điều tốt đẹp, sẽ cùng đồng đội hành quân trên những cung đường Trường Sơn... Sâu thẳm đêm Trường Sơn/ bập bùng ánh lửa/ con nằm không ngủ/ nhớ về mẹ quê nhà/ nhìn ánh lửa gần/ nghĩ đến chiến trường xa/ lòng rạo rực mong trời mau sáng/ để ngày mai/ đồng đội cùng con/ lại hành quân/ Đêm trường Sơn mênh mông...


Trong thơ Đặng Nguyệt Anh, nếu người đọc tinh ý sẽ nhận thấy nhà thơ dành tình cảm rất đặc biệt cho “anh” - người đàn ông mà chị sẵn sàng đánh đổi cả thanh xuân, tự nguyện hi sinh cả đời mình cho “người tình” đó. Phải thừa nhận rằng hiếm có mối tình nào đầy thi vị và có vụ mùa dài “bội thu” như mối tình của người thi sĩ họ Đặng này. Không phải người phụ nữ nào cũng “gan lì” và đủ can đảm để thân chinh vượt Trường Sơn theo tiếng gọi của tình yêu như Đặng Nguyệt Anh. Có lẽ “anh” sẽ biết, sẽ hiểu, sẽ yêu thương, sẽ luôn đồng hành cùng chị suốt cuộc hành trình ở cõi nhân gian này. Bởi chị là một người đàn bà rất tâm lý, rất “hoàn hảo” với “anh”: Nếu anh biết được.../ chiều nay/ gió từ đâu thổi đến gầy cành mai/ Một đời gió có vì ai/ xô nghiêng chiều tím ra ngoài hoàng hôn!...// Suốt đời/ sóng cứ xôn xao/ ngàn năm/ sóng vẫn khát khao gọi bờ// Em nâng niu những ước mơ/ nếu anh biết được là thơ bồi hồi (Nếu anh biết được...)

 

anh-chan-dung-nha-tho-dang-nguyet-anh-1630570183.jpg
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh 


Đọc thơ Đặng Nguyệt Anh, người đọc hình dung ra thế giới tâm hồn của chị. Nhà thơ sống đến tận cùng mọi cung bậc cảm xúc, tâm trạng. Với trái tim nhạy cảm, tràn đầy yêu thương, Đặng Nguyệt Anh không chỉ sống cho riêng mình mà chị luôn dõi theo, luôn quan tâm đến người khác, cảm thông và san sẻ nỗi lòng với họ.  Viết cho Yến - người bạn có hoàn cảnh bất hạnh: góa chồng, nuôi năm con thơ với hai lần đò dang dở... Lời thơ như mũi kim châm và nghe có tiếng nấc nghẹn. Tiếng nấc nghẹn vì xót xa và cả sự cảm thông của nhà thơ dành cho người cùng giới với mình. Đêm nay xin giun, dế đừng kêu nữa/ trận mưa rào đừng trút xuống nhà em/ gió đông bấc đừng rít hoài bên cửa/ kẻo khuya rồi... đôi mắt lại cay thêm!

Với Đặng Nguyệt Anh, người phụ nữ phần lớn chịu nhiều thua thiệt hơn so với cánh đàn ông và nhất là trong con đường tình ái, dù có giỏi giang, đức hạnh nhưng chưa chắc gì vượt qua được “phận mỏng nữ nhi”: Xin lau lách đừng phủ đường nhan sắc/ Bão giông ơi đừng lấp lối nhu mì/ Và đức hạnh: thiên đường hay địa ngục? Cứu em nào qua phận mỏng nữ nhi (Khái niệm chưa đặt tên).


Thơ Đặng Nguyệt Anh là tiếng thơ của người phụ nữ đã đi qua những năm tháng thăng trầm của đất nước. Bản thân chị đã nếm trải nhiều đắng chát hơn là những dư vị ngọt ngào. Mà con người ta khi đã sống cùng với những khổ đau, thiếu thốn, gian khó thì họ mới cảm nhận hết được sự quý giá của tình thân, tình người. Đọc bài Tết tha phương, lòng lại nhói đau khi hình ảnh người con xa xứ vào dịp Tết đến xuân về mà  không được trở về quê cũ. Có nhiều lý do, nhưng dù lý do gì cũng đều làm cho lòng người xốn xang và đau đáu – của “kẻ thiếu quê hương”: Ta thương kẻ tha phương/ hai mươi năm không có Tết/ đốt nén nhang trước bàn thờ tổ tiên./ Ta thương Cha cơn đau/ con gái không ở bên/ để dâng Người chén thuốc/ Ta thương Mẹ/ tuổi tám mươi mòn mỏi/ hai mươi năm chờ đợi/ một đôi lần gặp con.
Ở phương trời xa, Đặng Nguyệt Anh thành thật giãi bày trong sụt sùi nước mắt: Tết nhất nườm nượp xe cộ/ pháo đốt mù trời/ nước mắt riêng ta/ sụt sùi dài ngắn/ vị nào đắng hơn vị đời/ cho ta nốc cạn một hơi cũng đành. 
Hai mươi năm không được trở về quê cũ, xa quê đã nửa cuộc đời, tưởng những khi trở về sẽ bị “chối bỏ”, ấy vậy mà đất và người quê mẹ vẫn đầy nhân ái, bao dung.
Xa quê đã nửa đời người/ nay về ai cũng gọi mời thân thương/ em đi hết dãy Trường Sơn/ Sài Gòn hoa lệ càng thương quê nghèo/ dẫu đời lam lũ gieo neo/ người quê mình vẫn trong veo tâm hồn. 


Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh đã làm cuộc hành trình để gặp mình, tìm mình, tự vấn, tự thoại với chình mình. Để hiểu một cách đầy đủ, tường tận về con người và cuộc sống thực tại bằng tất cả những nỗi niềm gan ruột của người đàn bà luôn sống nghĩa tình và có trách nhiệm công dân. Trong Thơ chọn (1), Đặng Nguyệt Anh có rất nhiều bài viết về những vùng đất chị đặt chân đến. Nếu trước đây chỉ là những địa danh của Nam Định, những tuyến đường Trường Sơn trong thời đạn lửa, hay cũng chỉ quẩn quanh nơi phố thị Sài Gòn thì giờ đây đã khác. Đặng Nguyệt Anh có điều kiện đi đến nhiều nơi cả trong và ngoài nước. Mỗi nơi chị đi qua đều được ghi lại bằng những lời thơ đầy ắp nỗi niềm. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu trăn trở, suy tư được ký gửi vào đấy.

Thơ Đặng Nguyệt Anh, khi viết về những sự vật, hiện tượng tưởng chừng như xưa cũ nhưng bao gờ cũng tạo ra những nét mới. Một biển Vũng Tàu đẹp, đượm màu thương nhớ như “chạm vào miền hoa sứ trắng rơi”; Một Đà Lạt sương trắng giăng mờ đỉnh núi, những ô đất bậc thang, xanh rì hoa trái, thung lũng Tình Yêu chín vàng nỗi nhớ làm cho người lữ khách rưng rưng không muốn rời xa; Một Sapa xứ sở của những nàng tiên núi với mảnh trăng đầu núi, vó ngựa đèo cao, có phiên chợ tình lung linh màu sắc... để rồi người khách ấy hồn say mềm trong men Sapa; Một Paris ngỡ ngàng, đắm đuối; Một Hà Lan êm ả, hiền hòa; Thành Roma nơi có Tòa Thánh Vatican linh thiêng chúa trời cao ngất; Một Vạn Lý Trường Thành công trình vạn kỷ, đến đây để lắng nghe đời luận công, luận tội: Tần Thủy Hoàng minh quân?/ Tần Thủy Hoàng bạo chúa?...


Bên cạnh cái tôi đời tư – thế sự thì cái tôi trữ tình chiêm nghiệm - triết lý cũng được thể hiện khá rõ nét trong thơ Đặng Nguyệt Anh. Bởi hơn ai hết, nhà thơ đã từng chứng kiến và nếm trải bao cảnh đời dâu bể, bao biến cố thời đại dội về. Vì thế, bức tranh đời sống hiện lên trong thơ với nhiều nhức nhối, bất an. Bây giờ đồng bạc khôn/ con vẫn dại/ Đồng bạc đảo điên/ lòng người lún mãi/ Chỉ có đồng bạc mới/ mẹ mừng tuổi ngày xưa/ là nguyên vẹn đến bây giờ (Tết tha phương). ...


 Nguyễn Văn Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét