" mừng anh Bùi Minh Quốc về thăm Sài Gòn "/ Ngô Thị Kim Cúc [ 1951 - ] (tphcm) -- nguồn: Văn Việt
VĂN 18 THÁNG MƯỜI, 2020
MỪNG ANH BÙI MINH QUỐC VỀ THĂM SÀI GÒN…
Ngô Thị Kim Cúc
Nhiều năm rồi, anh Bùi Minh Quốc không về Sài Gòn gặp bạn bè. Nhân sinh nhựt anh tuổi tám mươi, Văn Việt muốn có cuộc gặp gỡ thiệt đông vui với nhà-thơ-từ-Đà-Lạt. Không ai nghĩ cuộc gặp sẽ không thành, vì một lý do nghe-qua-tưởng-giỡn: thành phố khai mạc đại hội đảng, nên nhiều người bị ngăn cản, không cho ra khỏi nhà.
Không ai có thể hiểu được vì sao hai việc này lại có liên quan: đại hội đảng và một sinh nhựt cá nhân. Các anh Hoàng Dũng, Hoàng Hưng, Nguyễn Viện… thì không nói làm gì, nhưng chị Ý Nhi, vốn phải chăm sóc anh Nguyễn Lộc bệnh đã nhiều năm, lâu lâu mới cà phê cùng Văn Việt mà lần nào cũng xin về sớm nhứt, vậy mà chị cũng bị canh nhà cả mấy hôm…?!
Anh Bùi Minh Quốc mang theo món quà rất quý để tặng bạn bè: tập thơ Mẹ Việt Nam – Thơ tuyển tuổi tám mươi, có đầy đủ thơ của anh qua nhiều giai đoạn: từ Lên miền Tây viết năm mười tám tuổi và được đưa vào sách giáo khoa cho tới những bái thơ mới nhứt, viết như rứt từ thịt da, tươm máu ra mà không thể bắt mình dừng được…
Ngay từ tháng ba năm 1975, tôi đã gặp ở số 10 Gia Long (vốn là trụ sở Hội Việt Mỹ, đã trở thành cơ quan của Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ) những nhà-văn-Việt-cộng từ rừng trở về, trong đó có anh Bùi Minh Quốc. Tôi vẫn nhớ các anh đều mặc quân phục dù thuộc cơ quan dân sự. Anh Quốc dong dỏng cao, có tướng đi cứ chúi về phía trước, và người phụ nũ mà anh đã làm nhiều bài thơ ngợi ca đôi mắt đẹp: chị Mai Nhung-vợ anh.
Sau này, khi chuyển vào Sài Gòn, làm báo Thanh Niên, tôi còn chung tòa soạn với con gái anh: Bùi Dương Hương Ly, cái tên đã được anh ký dưới những bài thơ thời chiến đầy chất lãng-mạn-cách-mạng, mà nổi nhứt là Bài thơ về hạnh phúc, bài thơ về một tình yêu chồng vợ hòa quyện trong tình yêu đất nước thời binh lửa, mà một trong hai người đã phải trả giá bằng mạng sống, ở tuổi thanh xuân.
Tôi còn nhớ, khi anh Bùi Minh Quốc bị kỷ luật khai trừ đảng vì đã tham gia chuyến đi xuyên Việt lấy chữ ký để yêu cầu đổi mới báo chí xuất bản, người đàn anh cùng cơ quan Văn Nghệ Khu 5, anh Thu Bồn, vẫn cười, đùa mỗi khi nhắc tới đồng chí đàn em: “Đảng nói đổi mới là đảng nói giỡn thôi, ai biểu Quốc cứ tưởng thiệt nên làm thiệt…”.
Khi anh Bùi Minh Quốc đang trong thời gian bị “cấm vận”, không được tiếp xúc với bên ngoài, tôi đã tìm cách đến thăm anh. Và hai anh em đã ra ngồi cà phê ở Khu Hòa Bình, để nếu ai có nhu cầu theo dõi thì sẽ rất thuận lợi cho họ. Anh Quốc đã tặng tôi tập thơ Ru xa khá mỏng mới được ấn hành, có chụp cả ảnh để sau-này-làm-bằng-cớ.
Có lẽ anh Bùi Minh Quốc sinh ra để làm thi sĩ, và vì là thi sĩ nên có gì đó cứ ngây thơ, bộc phát. Là thi sĩ nên sau bao nhiêu đoạn trường thử thách, anh vẫn tiếp tục viết, để đi trọn con đường của mình, vẫn những cảm xúc mạnh mẽ giống ngày xưa, nhưng không phải để ngợi ca mà đanh thép những lời giận dữ… Như trong…
BÀI THƠ THÁNG TÁM
Các anh – những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi – thấm mệt rồi chăng?
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán
"Thế sự du du…"
thật giả nhập nhằng…
Có lẽ nào?
Có lẽ nào?
Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng Nhân Dân?
Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi
Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình
Và thế cứ dấn thân vào lửa dội
Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?
Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành
Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi
Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời
Các anh đâu rồi, những người Tháng Tám
Chẳng lẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản
Dân tộc này bị vỗ nợ Tự Do
Dân tộc từng sống chết chẳng so đo
Quyết không làm nô lệ
Sao hôm nay Người đành cam chịu thế
Mặc thân phận mình dưới ách tà gian?
"Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than"
Câu hát cũ lòng tôi rỉ máu
Kìa em gái Trường Sơn hiện hồn về nhìn tôi đau đáu
Tháng Tám ơi Tháng Tám nước non mình…
Tôi lại đi lầm lũi cuộc hành trình
Chỉ có thơ thôi
THƠ
với cường quyền
đối mặt
Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Đang thét đòi món nợ
TỰ DO!
Đà Lạt, 19 tháng 8. 1994
BÙI MINH QUỐC
Ngô Thị Kim Cúc
============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ