Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

' tập biên khảo " Trịnh Công Sơn - Vết Chân Dã Tràng" được phép phát hành trở lại "/ source; RFA

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Tập biên khảo “Trịnh Công Sơn - Vết Chân Dã Tràng” được phép phát hành trở lại

UBND tỉnh Bình Định đã ký quyết định ngày 13 tháng 8 đình chỉ việc phát hành cuốn sách mang tên Trịnh Công Sơn - Vết Chân Dã Tràng của tác giả Ban Mai vì có nội dung xuyên tạc lịch sử trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên mới đây quyển sách lại được cho phép phát hành sau khi cục xuất bản xét thấy nhận xét của tỉnh Bình Định là không chính xác.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-08-29
Email story
Comment on this story
Share
Print story

trinh-cong-son-200.jpg
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng ở Sài Gòn. AFP Photo
Chương trình VHNT kỳ này có sự góp giọng của Khánh An trình bày bài viết của Ban Mai và được Mặc Lâm ghi nhận sau đây.

Tập biên khảo “Trịnh Công Sơn - Vết Chân Dã Tràng” của tác giả Ban Mai, tức Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy được tác giả biên tập lại, tu chỉnh, bổ sung từ luận văn cao học của mình viết về Trịnh Công Sơn vào năm 2006. Tác giả Ban Mai sinh năm 1963 hiện công tác tại trường Đại Học Quy Nhơn và chị cho biết đây là tác phẩm đầu được in thành sách do nhà xuất bản Lao Động phối hợp với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ở Hà NộiĐến tháng 10/2008 tập biên khảo “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” mới hoàn thành và đến tay bạn đọc.

Sách lưu hành chưa bao lâu thì một độc giả tên Nguyễn Hoàn tung bài viết lên mạng phê phán chương IV, phần Trịnh Công Sơn và Chiến tranh Việt Nam. Nguyễn Hoàn đề nghị Cục xuất bản thu hồi sách, và yêu cầu tác giả Ban Mai viết lại theo đúng quan điểm mà ông ta đưa ra. Kết quả là UBND tỉnh Bình Định ra lệnh cấm lưu hành tác phẩm này.

Lai căng, bội tình

Chương 4 của tập biên khảo “Trịnh Công Sơn - Vết Chân Dã Tràng” thật ra nhìn dưới đôi mắt văn học là chương hay nhất trong toàn bộ cuốn sách. Tác giả đã dụng công chứng minh Trịnh Công Sơn sử dụng ca từ nhằm nói lên tâm thức của một trí thức nhìn cuộc chiến không theo cách nhìn của cả hai chế độ Nam Bắc. Ông dùng âm nhạc như một khí giới nhân bản kêu gọi cả hai phía chấm dứt cuộc phiêu lưu trên máu xương đồng bào ông. Tác giả Ban Mai dùng bài hát nổi tiếng “Gia Tài Của Mẹ” để làm nền cho một lập luận vững chắc, thuyết phục người đọc quay lại thời mà bài hát được phổ biến nhằm vẽ lên trong tâm trí của họ những âm thanh thiết tha của dân tộc trước cuộc thanh toán hận thù do ngoại nhân mang vào tàn phá quê hương.

Tác giả Ban Mai viết:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ để lại cho con

Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.

Chính quan điểm này đã làm cho chính quyền Miền Bắc e ngại ông. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu của thời hậu chiến, có người quá khích ở chiến khu đã tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ “xử tử” Trịnh Công Sơn. Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi.

Lai căng là phụ thuộc ngoại bang từ bên này hay bên kia, bằng cách này hay cách khác. Bọn lai căng đó trở thành một lũ bội tình dân tộc, vì luôn luôn đứng sát với ngoại bang để bóc lột, mưu cầu quyền lợi, hãm hại đồng bào mình.

Tác giả Ban Mai

Ban Mai không ngần ngại đặt vấn đề: Trịnh Công Sơn muốn đưa thông điệp gì trong bài hát qua các câu:

Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu

Một trăm năm nô lệ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ, một bọn lai căng,

Gia tài của mẹ, một lũ bội tình…

Chị viết:

Sự xuất hiện của hai chữ lai căng trong ca từ mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Lai căng tức là từ bỏ con người văn hóa dân tộc của mình để biến thành một người khác. Lai căng là phụ thuộc ngoại bang từ bên này hay bên kia, bằng cách này hay cách khác. Bọn lai căng đó trở thành một lũ bội tình dân tộc, vì luôn luôn đứng sát với ngoại bang để bóc lột, mưu cầu quyền lợi, hãm hại đồng bào mình. Lời mẹ dặn con chớ quên màu da vàng, dặn con giữ gìn màu da vàng chính là một cách phản kháng tâm thức nô lệ, một hình thức chống lại những khuynh hướng lai căng đang đe dọa.

Trong đoạn văn này người đọc nhận thấy hai vấn đề mà tác giả đặt ra khá rõ: thứ nhất là lai căng, thứ hai là bội tình. Hai vấn đề này đụng đến những bài học lịch sử mà cả hai miền đều từng bị lên án. Lai căng được Ban Mai dẫn chứng như một thuộc tính dẫn đến bội tình và từ bội tình dẫn đến việc bóc lột chính đồng bào mình. Nhận xét của Ban Mai không mới nhưng nó có hiệu ứng vào chính thời điểm mà trong nước đang có những vấn đề được gọi là nhạy cảm với người láng giềng phương Bắc. Nơi từng đóng vai trò khiến miền Bắc trở thành lai căng, và hôm nay lại từng bước lò dò tới bờ vực bội tình.

Một cuộc nội chiến

Ban Mai vô tình hay cố ý không phải là điều mà quan chức văn hóa tỉnh Bình Định bận tâm. Bằng cách nào đó, những nhận xét này trở thành nhức nhối cho một bộ phận rất lớn từng từ chối một cách dứt khoát rằng việc đánh nhau với người đồng Việt ở miền Nam là một cuộc nội chiến. Ban Mai bới tìm trong dòng nhạc Trinh Công Sơn mang soi rọi dưới ánh sáng hơn ba mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt để thấy rằng hai từ “nội chiến” mà ông dùng trong nhạc phẩm Gia Tài Của Mẹ là hoàn toàn chính xác. Ban Mai dùng hình ảnh tan nát của những gia đình Việt Nam của cả hai miền để làm bàn cân, cân những nhận xét của mình. Chị viết:

Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì... phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chiến, đều hô hào cổ võ một cách trịnh trọng.

Tác giả Ban Mai

Là một trí thức, ông ý thức được thân phận nhược tiểu của đất nước mình trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng của các thế lực quốc tế. Cảm nhận được nỗi đau mất mát ấy, cho nên dù đang ở trong cái thế chống đối nhau, tự trong thâm tâm của người dân Việt, họ vẫn thấy yêu nhau, gần nhau:

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam

Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm,

Gọi tên anh, tên Việt Nam,

Gần nhau trong tiếng nói da vàng.

Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt. Trong thực tế cuộc đời, có khi họ là anh em, cha con, là người yêu của nhau, nhưng vì khác chiến tuyến, nên nhìn nhau xa lạ. Khi người Việt đó: Bỏ xác trôi sông, chết ngoài ruộng đồng / Chết rừng mịt mùng, chết lạnh lùng / Mình cháy như than, chết cong queo / Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu / Chết nghẹn ngào, mình không manh áo

Cùng cầm súng như nhau nhưng người lính hai miền khác nhau. Bản chất con người không hề khác nhưng chủ trương và cách tận dụng ngôn ngữ sắt lạnh để chiến thắng thì khác hoàn toàn. Ban Mai tìm được nơi những trang sách nhàu nát trước chiến tranh của các tác giả mà chị hoàn toàn không thể ngờ lại diễn tả cuộc chiến một cách khá hài hước như vậy. Nguyễn Bắc Sơn và Hà Thúc Sinh là hai trong số đó. Nguyễn Bắc Sơn từng nổi tiếng với cách dụng chữ bất ngờ và ý tưởng luôn vượt thoát những rào cản cũ kỹ của nền văn chương phải đạo. Ban Mai gọi Nguyễn Bắc Sơn là đang ngất ngưỡng với bộ đội miền Bắc. Việc dùng thơ Nguyễn Bắc Sơn và Hà Thúc Sinh phủ nhận vai trò được xem là cao cả của người lính trong cuộc chiến cũng là một chiếc gai nhọn đâm vào tính cao ngạo của nhiều người.

Không chỉ riêng Trịnh Công Sơn, hầu như người dân miền Nam nào cũng sống trong bi kịch ấy. Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưỡng:

Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình

Ăn muối đá và điên say chiến đấu

Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu

Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo

Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo

Xem chiến cuộc như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước

Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi

Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị

Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”...

“Những đứa xăm mình”, những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì... phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chiến, đều hô hào cổ võ một cách trịnh trọng. “Kẻ thù ta ơi” là một thế hệ tươi sáng, họ là những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở đây đồng nghĩa với ý thức về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu nước ở đây đã gắn liền với một thể chế. “Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh những quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng”

Với Trịnh Công Sơn, trên xác chết anh em sự vinh quang phải giấu mặt. Không ai ca khúc khải hoàn trên thịt xương của cùng người Việt Nam.

Tác giả Ban Mai

Hai thái độ trong cùng một cuộc chiến dưới ngòi bút phân tích của Ban Mai đã phần nào nghiêng hẳn con thuyền tranh luận về một phía. Nếu miền Bắc sắt máu như thế để dành được thắng lợi thì việc thua cuộc của miền Nam có ý nghĩa gì khi các nhà thơ chỉ nhìn kẻ thù bằng những đôi mắt ngất ngưỡng như của Nguyễn Bắc Sơn? Ban Mai trả lời câu hỏi này bằng cách chứng minh rằng “Với Trịnh Công Sơn, trên xác chết anh em sự vinh quang phải giấu mặt. Không ai ca khúc khải hoàn trên thịt xương của cùng người Việt Nam.”

Vấn đề không chỉ nằm ở nhận thức cuộc chiến của hai phía mà Ban Mai còn đẩy xa hơn khi cuộc chiến kết thúc vào ngày 30 tháng 4 qua nhạc phẩm “Nối Vòng Tay Lớn”

Ban Mai viết rất từ tốn ở đoạn này nhưng lời lẽ của chị chắc chắn sẽ khiến nhiều người đau buốt, chị viết:

Rồi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến tranh chấm dứt, người ta nghe tiếng ông hát Nối Vòng Tay Lớn trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Nhiều người miền Nam sửng sốt và thấy bị tổn thương như bị phản bội khi mà trái tim họ vốn đã tan nát khi Sài Gòn vừa thất thủ.

Và một nghịch lý đã xảy ra: Người dân bên nào cũng đều thích hát nhạc của ông, nhưng trớ trêu thay, chính quyền bên nào cũng đều cấm đoán. Tại sao chính quyền phải run sợ trước những lời ca phản chiến?

Câu hỏi của Ban Mai đã được trả lời. Người ta run sợ lời ca phản chiến của Trịnh Công Sơn vì chúng sẽ vô hiệu hóa những huyền thoại, những chiến tích anh hùng. Còn đối với những ai từng cho rằng các bài hát phản chiến này đưa đến sự đầu hàng của miền Nam thì e rằng quá đề cao Trịnh Công Sơn bởi ông chỉ là người hát rong, than thở số phận da vàng bằng những lời ca tuyệt vọng…


source : RFA


==========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét