Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

đọc thêm (3) : " về họa sĩ TẠ TỴ [ 1921- 2004 ] " ,/ Nguyễn Mạnh Trinh -- source; https://nguoitinhhuvo.wordpress.com>

 

TẠ TỴ

Tiểu sử

Tên thật là Tạ Văn Tỵ, ông sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội. Nhưng trong giấy khai sinh của ông lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn mất một năm.

Từ khi còn là một sinh viên, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm. Năm 1941, nhờ nhận một giải thưởng tranh, ông được đến thăm kinh đô Huế.

Năm 1943, ông tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Và cũng năm này, bức tranh “Mùa Hè” của Tạ Tỵ đoạt một giải thưởng của Salon Unique.

Năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Pháp, Tạ Tỵ cùng với nhiều hoạ sĩ Việt Nam khác, đã tham gia mặt trận Việt Minh chống Pháp và ông là người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3. Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai đoạn này.

Tháng 5 năm 1950, Tạ Tỵ rời khỏi vùng kháng chiến để trở về Hà Nội. Ông viết cho một người bạn rằng “Cách suy nghĩ của tôi không hợp với kháng chiến sau mấy năm chung sống với họ”.

Bắt đầu từ đầu thập niên 1950, ngoài tài vẽ chân dung hí họa, ông còn sáng tác trên nhiều lĩnh vực khác, như: truyện, thơ, kịch bản, bút ký…

Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.

Sau 1954, ông vào Nam và sống ở Sài Gòn. Ở đây ông đã phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng là trung tá trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị.

Năm 1956, ông triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng cũng ở nơi đó.

Năm 1975, sau thời gian học tập cải tạo, ông cùng vợ con vượt biển đến Malaysia và đến định cư tại Hoa Kỳ.

Trong thời gian sống tại nước ngoài, Tạ Tỵ lại tiếp tục sáng tác. Năm 2003 sau khi vợ ông qua đời tại Hoa Kỳ, ông quyết định trở về Việt Nam với ước vọng sống những ngày cuối cùng ở quê hương mình.

Vào 10 giờ sáng 24 tháng 8 năm 2004 (mùng 9 tháng 7 năm Giáp Thân), Tạ Tỵ đã từ trần tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, sau một cơn bệnh kéo dài do tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.

Tác phẩm:

Hội họa

Năm 1951: triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.

Năm 1956: cuộc triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn.

Năm 1961: Cuộc triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng ở Sài Gòn.

Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris.

Văn chương

Những Viên Sỏi (tập truyện), Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư 1962

Yêu Và Thù (tập truyện), Nhà xuất bản Phạm Quang Khai 1970

Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (nhận định văn học), Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư 1970

Phạm Duy Còn Ðó Nỗi Buồn, Nhà xuất bản Văn Sử Học 1971

Cho Cuộc Đời (thơ), Nhà xuất bản Khai Phóng 1971

Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Nhận định văn học), Nhà xuất bản Lá Bối 1972

Bao Giờ (tập truyện), Nhà xuất bản Gìn Vàng Gởi Ngọc 1972

Ý Nghĩ (tạp văn), Nhà xuất bản Khai Phóng 1974

Ðáy Ðịa Ngục (hồi ký), Nhà xuất bản Thằng Mõ 1985

Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Ði Qua Ðời Tôi (hồi ký), Nhà xuất bản Thằng Mõ 1990

Xóm Nhà Tôi (tập truyện), Nhà xuất bản Xuân Thu 1992

Theo Wikipedia


Tưởng Niệm Văn Thi Họa Sĩ Tạ Tỵ – (nhân ngày giỗ của ông 24 tháng 8). Nguyễn Mạnh Trinh

Nguyễn Mạnh Trinh

20120713015428!Tạ_Tỵ

(Chân dung Tạ Tỵ tự họa)

Tạ Tỵ họa sĩ. Tạ Tỵ nhà văn. Tạ Tỵ thi sĩ. Một chân dung nghệ sĩ đa dạng. Một vóc dáng tác giả lừng lẫy. Sự nghiệp văn chương và hội họa kéo dài hơn nửa thế kỷ và trải qua nhiều thời kỳ của lịch sử Việt Nam với nhiều tác phẩm của một chứng nhân biểu hiện cho những thời kỳ đặc biệt của dân tộc. Là người lính, ông đã trải qua những ngày quân ngũ và nhìn chiến tranh với tư cách của người trong cuộc. Là tù nhân sau cuộc chiến, tác phẩm của ông cũng biểu hiện những niềm đau thời thế của những người thua trận. Là người tị nạn, văn và thơ của ông cũng chất chứa nỗi niềm của người lưu lạc luôn hoài niệm về quê hương đã xa. Là một họa sĩ, thuộc lớp đầu tiên của những người khai phá xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, tranh của ông hiện nay được kể vào hàng quốc bảo, là tài sản của quốc gia và không được mang ra ngoại quốc.

Nhân ngày giỗ của ông (ngày 24 tháng 8) chúng tôi, xin phác họa một vài nét về chân dung một nghệ sĩ đích thực, tài hoa, đa diện của văn chương nghệ thuật Việt Nam.

Nếu có câu hỏi, chúng ta có nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Tạ Tỵ. Như vậy, chân dung nghệ sĩ nào tiêu biểu nhất cho tên tuổi ông?

Theo ý kiến riêng của cá nhân tôi, thì ở mỗi chân dung nghệ sĩ của tên tuổi Tạ Tỵ đều có những nét nổi bật riêng. Nếu tìm kiếm một chân dung tiêu biểu nhất thì tôi e rằng sẽ rất khó khăn. Tốt nhất, chúng ta hãy đi tìm chân dung đích thực nghệ sĩ qua từng bộ môn và sau đó sẽ tổng hợp thành một chân dung văn chương nghệ thuật đích thực.

Chúng ta nên phác họa con người nghệ sĩ Tạ Tỵ từ bộ môn nào? như một họa sĩ chẳng hạn và khởi từ những bước chân khai phá đầu tiên.

Có người nhận xét là Việt Nam là một nước nông nghiệp nghèo nên hội họa bị coi như là một trò chơi xa xỉ của những người giàu có. Thành ra, cho đến ngày hôm nay chúng ta chưa tìm được những chứng liệu hội họa nào quan trọng ngoài loại tranh mộc bản nhân gian thí dụ như tranh Đông Hồ chẳng hạn. Nhưng từ khi có một nhóm họa sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thì hội họa đã có nhiều chuyển động mới và có nhiều cánh cửa mở ra với hôi họa thế giới.

Có thể kể ra một số tên tuổi họa sĩ đi tiên phong trong sự chuyển động mới ấy mà họa sĩ Tạ Tỵ cùng thời với những tay cọ như Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Quốc Lộc, Lương Xuân Nhị, Mai Văn Nam… khi bắt đầu vẽ tranh sơn mài. Nhưng sau ông lại là người tiên phong trong hội họa lập thể và trừu tượng.

Năm 1948, khi còn trong khu kháng chiến, họa sĩ Tạ Tỵ cùng với các bạn là Văn Cao và Bùi Xuân Phái đã trưng bày triển lãm tranh. Ông thì trưng bày những tranh lập thể và trừu tượng còn Bùi Xuân Phái thì bày những bức tranh ấn tượng với những khu phố cũ cổ lỗ và những ngõ hẻm tối buồn hiu hắt của Hà Nội. Và chính những bức tranh này về sau được gọi là tranh Phố Phái đã thành những danh phẩm hội họa nổi tiếng.

Sau cuộc triển lãm này, các họa sĩ đã bị nhiều rắc rối. Từ những đợt thảo luận khuynh hướng của nghệ thuật để phục vụ kháng chiến, thì chiến dịch “phê bình và tự phê bình” được thực hiện với sự tổ chức và đôn đốc của các cố vấn Trung Quốc. Bùi Xuân Phái được yêu cầu phải giải thích rõ ràng cho những người phần đông là nông dân ít học thiếu kiến thức hội họa. Số đông đã áp đảo và dùng nhiều lời buộc tội họa sĩ là xa rời quan điểm của quần chúng và bắt buộc họa sĩ phải từ bỏ những quan niệm sáng tác cũ. Bị áp lực, các họa sĩ phải im lặng và chịu nhận khuyết điểm.

Năm 1950, họa sĩ Tạ Tỵ về Hà Nội và hai năm sau họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng rời bỏ vùng kháng chiến về sống ở thành phố này. Khi có cuộc di cư, họa sĩ Tạ Tỵ có rủ họa sĩ Bùi Xuân Phái di cư vào Nam nhưng ông từ chối. Sau này, hình như họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng có vẻ hối tiếc vì quyết định ở lại này… Về sau này, khi họa sĩ Tạ Tỵ đi tù cải tạo về có gặp lại họa sĩ Búi Xuân Phái và hai người bạn cố tri chỉ còn biết ôm nhau im lặng ứa nước mắt nhìn nhau…

Quan niệm thẩm mỹ về hội họa của họa sĩ Tạ Tỵ khác với quan niệm của Đảng mà Trường Chinh, một lãnh tụ Cộng sản đã tuyên bố “Chủ nghĩa lập thể, siêu thực, Đa Đa,… là những cái nấm độc trên cái thân gỗ mục ruỗng của nền văn hóa đế quốc. Không phải chỉ riêng ông, mà một nhà phê bình hội họa là Nguyễn Sỹ Ngọc đã dám phê phán “dốt mà dám phê bình mỹ thuật” khi nói về câu tuyên bố trên. Riêng họa sĩ Tạ Tỵ thì đã nói về thẩm mỹ quan của mình trong catalogue cuộc triển lãm Hôi Họa Hiện Đại năm 1951: “Cái Đẹp là… tiềm thức đã phải làm việc để nâng cao lên giá trị giữa mực sống bình thường… Cái Động của thiên nhiên quay theo với sức nóng của mặt trời cũng như luật tuần hoàn của kiếp sống. Thay đổi luôn luôn biến đổi từ vô hình đến hữu hình, từ Xanh đến Vàng, từ Hồng đến Tím và xê dịch với tốc độ của thời gian. Nghệ thuật chứa đựng trong lòng nó cái sức sống tiềm tàng của Đất, Trời. Tiếng nói của vũ trụ là Âm Thanh và Mầu Sắc. Phần Âm Thanh rung lên rồi tan đi. Mầu Sắc còn lại nói sự “cựa mình của Sự Vật…”

Tình cờ, tôi được đọc một “brochure” của một phòng triển lãm tranh thuộc hàng quốc tế ở Singapore giới thiệu tranh Tạ Tỵ bằng Anh ngữ mà tôi tạm dịch như sau:

“TẠ TỴ.

1922 : Sinh ở Hà Nội, Việt Nam.

1943 : tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.

1951 : triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.

1956 : cuộc triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn.

1961 : Cuộc triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng ở Sai Gòn.

Bên cạnh, ông còn là một nhà thơ và viết truyện ngắn nổi tiếng.

Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York, và Paris.”

Đó là một vóc dáng họa sĩ có tầm cỡ của thế giới. Còn ở Việt Nam, tranh của ông được trưng bày bên cạnh những bộ sưu tập họa phẩm của Tú Duyên, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Trần Lưu Hậu … và được coi là những tài sản văn hóa quí giá của dân tộc.

Đặc biệt, có những mảng tranh được nhiều người biết đến là những bức chân dung văn nghệ sĩ… Đó là những bức ký họa do Họa sĩ Tạ Tỵ phác họa. Mới đầu là 33 bức chân dung văn nghệ sĩ gồm các nhà văn nhà thơ thời tiền chiến và cả thời hiện đại được in trong phụ bản của tập hồi ký “Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi”. Về sau này ông cũng vẽ thêm nhiều bức chân dung tác giả nữa.

(Chân dung Văn Nghệ Sĩ qua góc nhìn của Tạ Tỵ)

Ông đã phác họa chân dung tác giả bằng những nét rất riêng chỉ đặc biệt ở con người thực hoặc con người văn chương. Thành ra, ngắm những nét phác họa, sẽ dễ dàng liên tưởng đến chân dung thực của người tác giả. Thí dụ như nhìn Vũ Hoàng Chương sẽ nhận ra ngay nét cá biệt của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhìn chân dung Mai Thảo sẽ nhìn thấy rõ từ con người nhà văn Mai Thảo. Ông vẽ ký họa bằng cả những hiểu biết về tác giả, từ đời thường đến đời sống văn chương…

Những chân dung tác giả của ông mà nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đã cho rằng có rất nhiều nét sáng tạo và lột tả được cá tính của từng người. Vẽ Đinh Hùng đặc biệt vóc dáng phiêu bồng thi sĩ. Vẽ Mai Thảo trầm ngâm lạnh lùng như khuôn mặt hiện hữu ngoài đời. Vẽ Vũ Hoàng Chương để hình tượng được cái trầm tư biểu lộ bằng đường nét. Mỗi người mỗi vẻ, màu sắc và đường nét phối hợp nhau để tạo được những liên tưởng mà chỉ riêng mỗi người mỗi cá tính. Hình như, trong phác họa có bàng bạc những nét thơ mộng của thi ca và điều ấy đã khiến sự suy tưởng của người nhìn ngắm có sự bềnh bồng lãng mạn hơn.


TaTy_VanNgheSi_pic2

(Chân dung Văn Nghệ Sĩ qua góc nhìn của Tạ Tỵ)

Tôi rất thích những bức chân dung văn nghệ sĩ phụ bản của “Những Khuôn Mặt Văn nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi”. 33 khuôn mặt, nhìn từ những góc cạnh mới lạ khám phá được những phần tiềm ẩn bên trong của nhân dáng con người. Dường như, là một cái duyên giữa người vẽ và người được vẽ thành những gì để lại cho đời sau. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một anh bạn văn nghệ cùng thời. Lúc đó chúng mình in sách mà được nhà xuất bản An Tiêm của thầy Thanh Tuệ và có phụ bản chân dung do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ thì cuốn sách tăng thêm ngàn vạn lần giá trị. Thế mà, bây giờ chỉ trong vài ngày trong một năm cả hai đã dắt tay nhau đi vào hư vô. Tháng Tám, một cái tháng của chia biệt. Thầy Thanh Tuệ, và họa sĩ Tạ Tỵ bây giờ không còn nữa để lại bao nhiêu là tưởng nhớ cho mọi người.

Những bức tranh ký tên Tạ Tỵ bây giờ vô giá. Theo những người sành về tranh thì những bức tranh ký tên Tạ Tỵ bây giờ có giá trị rất cao trong những bộ sưu tập. Hình như tranh của ông được xác nhận từ chính quyền trong nước là tài sản quốc gia và không được quyền mang ra nước ngoài. Thời Việt Nam Cộng Hòa, có bức tranh mang giá cả triệu đồng, như bức tranh được ngân hàng Chase Manhattan mua lúc đó. Bây giờ bức tranh ấy được trưng bày trang viện Bảo Tàng Nghệ Thuật thành phố Sài Gòn.

Lúc sinh thời, họa sĩ Tạ Tỵ mong muốn có một cuốn sách hội họa để đời và hai người con đã khổ sở vì ước muốn ấy sau khi đã khổ công gắng sức trong khả năng chuyên môn của mình. Bao nhiêu công khó để thực hiện một CD chứa đầy hình ảnh của những bức tranh tuyệt tác. Thế mà khi mang đi in thử ở hết nhà in này đến nhà in khác thì đều bị họa sĩ chê. Nào màu sắc không trung thực, nào lọc màu bị “defected”… Hai anh em muốn làm vui lòng người cha nhưng quá khó vì nghệ thuật được nâng lên tới mức khó thực hiện dù với kỹ thuật in ấn quá tiến bộ ở xứ sở này. Với con mắt khó tính của một họa sĩ, thêm cái tính cầu toàn phải hoàn hảo đến trăm phần trăm nên công việc không hoàn thành được. Thế nên hồi ký “Cuộc Đời và Hội họa” chỉ là tác phẩm “sẽ xuất bản” mà thôi. Nhưng biết đâu về sau, từ kỷ niệm của nhà họa sĩ tài ba, sẽ có một tác phẩm để đời sẽ in! và những bức tranh sẽ là những món quà vô giá cho hậu thế. Biết đâu, cái cơ duyên ấy…

Đã có một tuyển tập in những tác phẩm chọn lọc về văn – thơ – họa của ông in năm 2001. Tôi không thể nào quên buổi ra mắt sách đặc biệt của ông ở cà phê Factory. Với vị trí của một tác giả trên văn đàn thừa sức để có một cuộc giới thiệu sách trọng thể. Thế mà, một buổi sáng Chủ Nhật, một lão trượng tóc bạc phơ ngồi ký từng quyển sách cho một hàng người xếp hàng trước mặt. Giản dị chỉ có thế nhưng tôi biết ông sung sướng lắm khi nói chuyện và quây quần với bọn trẻ. “Tuyển Tập Tạ Tỵ” là một cuốn sách gửi gấm nhiều tâm tư của một nghệ sĩ đích thực cả đời nâng niu trân trong nghệ thuật văn chương. Đây là một hiến tặng quý báu cho đời sau, chủ quan riêng tôi nhận thức như thế. Tuy chưa đầy đủ hết cả những phần tinh lọc của sự nghiệp văn chương nhưng cũng chứa đựng những phần chính của sự nghiệp tác giả. Tôi nhớ lại nụ cười hào sảng, nhớ đến nét chữ mạnh mẽ của một người họa sĩ thích viết văn làm thơ. Bây giờ, giở lại cuốn sách, còn thấy bùi ngùi. Những cuốn sách với chữ ký rắn rỏi tài hoa, vẫn còn nguyên trên kệ sách. Những báu vật một đời.

Với riêng tôi, ngoài tình văn nghệ, tôi còn là bạn của con ông, nên được ông coi như người trong nhà. Trong giới văn nghệ, cách xưng hô thông thường vẫn là anh và em. Nhưng tôi vẫn gọi bác Tạ Tỵ, dù cả những khi đang làm phỏng vấn. Tôi trước sau đã phỏng vấn ông bốn năm lần và lần nào cũng tìm thấy được sự hứng khởi của một người yêu và trân trọng văn chương chữ nghĩa. Những buổi chiều, với máy ghi âm, tôi đã được nghe những kỷ niệm khắc sâu trong trí nhớ của một người có hơn nửa thế kỷ gần gũi với cọ sơn và bút mực. Những người bạn văn chương cùng thời được nhắc đến như một cách biểu lộ tình cảm của một tri kỷ với một tri kỷ. Và bàng bạc trên tất cả là nỗi niềm của những người đã trải qua nhiều biến cố của thời thế nhiễu nhương.

Những bài phỏng vấn ấy được phổ biến trên nhiều tờ báo và cả trong những cuốn sách nữa. Bài phỏng vấn Tạ Tỵ, tác giả tác phẩm do tôi phỏng vấn đã đăng trên tạp chí Văn Học. Bài phỏng vấn nhà văn Tạ Tỵ về nhà thơ Nguyên Sa, Đinh Hùng, Du Tử Lê đã in trong các cuốn “Nguyên Sa, tác gia & tác phẩm,” “Đinh Hùng, tác giả & tác phẩm”“Du tử Lê, tác giả & tác phẩm” trong Tủ Sách Tác Giả & Tác Phẩm của nhà xuất bản Đời do tôi chủ trương. Những bài phỏng vấn ấy với tôi như những kỷ niệm không quên…

Có nhiều chân dung nghệ thuật trong nhân dáng nghệ sĩ Tạ Tỵ. Với những tác phẩm đã xuất bản, hình như trong thơ của ông thấp thoáng có họa, trong họa của ông có bàng bạc chất thơ và văn là tổng hợp của những tinh túy từ thi ca và hội họa để tất cả thành một đồng nhất có tính nghệ thuật cao độ. Nói về thi sĩ Tạ Tỵ, không thể gạt bỏ ra con người họa sĩ và văn sĩ, bởi sự nhất quán cần có để nhìn thấy được toàn diện hơn con người nghệ sĩ…

Phác họa chân dung thi sĩ Tạ Tỵ, ý tưởng nào đầu tiên? Bên cạnh con người họa sĩ, là đích thực một thi sĩ Tạ Tỵ. Ngôn ngữ của thi ca, với ông, là tiếng nói chân thực của trái tim. Một tâm thức, trải qua bao nhiêu là biến cố trong đời sống, trải qua những khắc khoải của cuộc nhân sinh, được biểu hiện qua vần điệu để thành một biển trời bao la chữ nghĩa. Thơ của ông, có thịt da xương thịt thực sự của đời người và có khi là tiếng nói của cả một thế hệ đặc biệt Việt Nam qua những giai đoạn lịch sử qua phân chinh chiến.

Thời thế lịch sử đã ảnh hưởng thế nào trong thơ. Tâm sự ấy có nét chung mang của thế hệ đồng thời với ông.

Là một nghệ sĩ thì sự nhạy cảm với cuộc đời với thời thế là cố nhiên. Ông là người đã đi kháng chiến, trở về nhập ngũ vào quân đội VNCH, rồi sau năm 1975 vào tù Cộng sản, sau vượt biển sang tị nạn xứ người, hoàn cảnh ấy không phải riêng ông nên trong thi ca hoặc văn chương đều có nét riêng tư nhưng mà chung mang của nhiều người cùng thế hệ mà nhiều người nhận xét đó là mẫu số chung mang nhiều thời đại tính của những thế hệ.

Quả thật, khi đọc những bài thơ, tôi đã nghe man mác những nỗi niềm nghe như đồng vọng từ cuộc sống. Có phải từ những kinh nghiệm thẩm thấu riêng tư, thơ đã đi vào trong xúc cảm những rung động mà tưởng như hồi tưởng lại kỷ niệm lánh sâu trong ngày tháng. Bây giờ, thơ vỡ òa. Thơ như những lời thầm thì từ qúa khứ nào, cuộc đời nào… tâm sự ấy, lời thơ ấy, mang mang như một đoạn hồ trường. Theo tôi, thời đại tính đã chan chứa trong thơ và người đọc dễ rung cảm vì sự chia sẻ.

Tâm sự một đời người ấy chắc là những dằn vặt một đời khi bản thân thi sĩ đã trải qua bao nhiêu hoàn cảnh. Có lúc, thi sĩ đã trải lòng ra với những câu thơ mênh mang tâm sự. Thí dụ như:

“… Xa quá là xa vùng kỷ niệm

Mà sao lòng vẫn cứ vơi đầy

Cơm áo dư thừa đời trống rỗng

Ngựa xe nào đó nối đường dây

Rượu buồn uống cạn nhiều đêm trắng

Tóc bạc đan mau với tháng ngày

Muốn đem tâm sự phơi lòng giấy

Bỗng thấy xôn xao tiếng nọ này

Đành khép cô đơn vào băng giá

Thả mộng xuôi chiều gió lắt lay

Hoa héo đâu chờ tay người hái.

Ngọn đèn mờ tỏ có ai hay

Chí mong lấp biển san bằng núi

Nhưng sức còn thua ngọn cỏ may

Cắn bút lặng nghe lòng vỡ vụn

Từng dòng phẫn uất buốt đầu tay

Mực khôn làm máu anh hùng nhỉ

Bút chẳng làm gươm cứu nước đây

Đành mặc thời gian đưa đẩy mãi

Trăm năm nhược mộng cõi lưu đày.”

Có người nhận xét suy tư ấy, cảm hứng ấy hình như không phải riêng của một mình thi sĩ Tạ Tỵ mà còn là của chung những tâm hồn nhạy cảm với cuộc đời. Tâm sự ấy, sao buồn! Ai mà chẳng có lúc nhìn về quê xưa, nghe đời hiu hắt trôi đi ngày tháng? Ngôn ngữ thơ tự nhiên trở thành những sợi giây đàn ngân nga trong lòng những người sầu xứ.

Hình như trước đây cả nửa thế kỷ, thi sĩ Tạ Tỵ cũng đã sầu xứ rồi từ khi di cư vào Nam… Rời bỏ Hà Nội, rời bỏ Sài Gòn, như rứt bỏ một phần da thịt. Thương về năm cửa ô xưa, thơ đã thành nhạc để ngân lên trong lòng những người xa xứ mấy chục năm về trước. Lời giản dị, ý bồng bềnh tha thiết, thơ như một tâm tư thực giãi bày không cầu kỳ son phấn mà sao dư âm như tiếng sóng ngọn rạt rào. Những địa danh xưa cũ, nhắc lại sao nghe đứt ruột. Không gian nào, hiển hiện trong thương nhớ, hun hút nỗi chua xót không nhòa.

Thơ và nhạc có phải đã hôn phối với nhau để đồng vọng thành nỗi niềm thiên thu của những người mang lòng hoài niệm luôn ngóng trông về quê cũ vời xa?

Đọc những câu thơ này để tưởng nhớ lại một thời kỳ một đoạn kỷ niệm của đời người

“Tôi đứng bên này vỹ tuyến

Thương về năm cửa ô xưa

Quan Trưởng đêm tàn dẫn lối

Đê cao hun hút chợ Dừa.

Cầu Rền mưa phùn lầy lội

Gió về đã buốt lòng chưa?

Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ

Nhị Hà lấp lánh sao thưa

cầu Giấy đường hoa phượng vỹ

nhớ thương biết mấy cho vừa… ”

Thi sĩ Tạ Tỵ cũng là một thuyền nhân và có những bài thơ viết ở trại đảo về thân phận của người vượt biển tị nạn xứ người. Là một người tị nạn lưu lạc xứ người, trước cảnh trời nước bao la ở đảo tạm dung, người thi sĩ không dằn lòng được trước những sự kiện một đời đã trải. Bây giờ, Việt Nam quê hương đã xa lắm rồi. Xót xa nhớ thương, ơi những hình bóng cũ. Đời đã đẩy đưa để phải bắt đầu một hành trình đi tìm đất sống:

“… chúng ta ngồi đây, trên mỏm đá này, không thuộc về quê hương nước Việt

Đã xa rồi, xa thật rồi, những hình bóng thân yêu

Đã vĩnh viễn chia tay cùng phố phường thân thuộc

Việt Nam đó, bàn chân nào nghiêng nghiêng lối bước

Tà áo nào tha thướt phủ hoàng hôn

Mưa đêm về có làm ướt môi hôn

Và sương gió có đùa vui bờ vai nhỏ?

Chúng ta ngồi đây, trên mỏm đá này, ôm đầy nỗi nhớ

Theo sóng triều dào dạt tấp vào bờ cát đìu hiu

Từng nỗi buồn vui đã mất

Chúng ta nhìn xác những con tàu phơi mình trên bãi vắng

Như nhìn thấy bao nhiêu kiếp người trôi dạt nằm lại nơi đây, trên ngọn đồi Vĩnh Biệt…”

Tạ Tỵ cũng đã viết những tác phẩm nhận định văn học sâu sắc. Những tác phẩm có tính vừa biên khảo vừa tùy bút để phác họa lại chân dung những văn nghệ sĩ mà ông có quen biết và có nhiều kỷ niệm.

image

(Tác phẩm của Tạ Tỵ)

Với một thời gian dài cầm bút, ông đã viết nhiều cuốn sách nhận định văn học chất chứa nhiều chi tiết xác thực và phác họa lại được những thời kỳ văn chương đặc sắc. Những tác phẩm viết trước 1975 tại miền Nam như: Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ; Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn; Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay; hay tác phẩm viết sau này ở hải ngoại Những Khuôn Mặt Văn nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi, là những tài liệu văn học mà qua đó những người đi sau hiểu biết được vóc dáng những văn nghệ sĩ tiêu biểu cho một thời. Với cái nhìn của một họa sĩ, cùng với tâm cảm của một nhà thơ, cùng với kỹ thuật già dặn của một tiểu thuyết gia, chân dung ấy đã được lột tả bằng ký họa và tiểu luận cũng như hồi ký. Những nghệ sĩ đã sống lại trong một không gian, thời gian tuy đã qua nhưng vẫn còn sinh động trong sinh hoạt văn học.

Tại hải ngoại, ông có viết một tác phẩm nào như một hồi ký.

Về những tác giả là người bạn văn nghệ của ông trong “Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua trong đời tôi”“trong hơn 40 năm đằng đẵng biết bao nhiêu dữ kiện chủ quan cũng như khách quan đã làm cho những con người làm văn nghệ như bị bủa vây vào cơn huyễn mộng, ở đấy chỉ có hư ảo thắp sáng để soi đường cho từng bước đi lạc lõng. Nói cho đúng nền văn học nghệ thuật Việt Nam rất đa dạng và đông đảo. Nhưng tôi chỉ viết và nói đến các bạn bè đã cùng với tôi, có ít nhiều kỷ niệm, đã chia sẻ với tôi phần nào nỗi vinh nhục của lịch sử, từ thời bị trị bởi bàn tay của Thực Dân Pháp, tới hôm nay lại tan hoang dưới sự áp chế bạo tàn của Cộng Sản Việt Nam. Tôi viết về anh em, tôi vẽ chân dung họ bằng ngôn ngữ, đồng thời cũng tự họa. Nhưng cũng chính nhờ vào cơ may của bao nhiêu biến động trên mảnh đất quê hương, đã khổ lại càng khổ thêm, đã nghèo lại nghèo hơn nên những người làm văn nghệ mới có đề tài để sáng tạo nên biết bao nhiêu công trình nghệ thuật, dù muốn dù không nó cũng thuộc về gia tài của đất nước. Nhờ vào sự quen biết nhiều do hoàn cảnh tôi mới có cơ may viết nên cuốn sách này… ”

Ông cũng có nhiều tập truyện ngắn được đánh giá là có cá tính riêng phản ánh đời sống. Với tập truyện “Yêu Và Thù”, Lãng Nhân viết với một vài nhận định khá độc đáo:

“Cuốn Yêu và Thù này là 14 truyện ngắn tả những mối tình yêu có khi lãng mạn có khi sỗ sàng nhưng bao giờ cũng có sắc thái thiết tha uất ức vì nằm trong những hoàn cảnh mà cuộc chiến tranh quá dài đã làm cho dở dang hay ngang trái. Cốt truyện thường phác thực nên dễ rung cảm. Tác giả đã đem phương pháp của hội họa áp dụng một cách thấu đáo vào văn chương, mỗi truyện là một bức tranh linh hoạt, nói lên một cảnh não lòng…”

Văn chương của ông hình như để phác họa lại một đời sồng văn chương cũng như đời sống thường ngày. Ở từng thời gian nổi bật lên những không gian với những tên gọi không thôi cũng đủ gợi lại một trời ký ức. Hà Nội, thành phố của ấu thơ và thời kỳ vừa mới lớn. Sài Gòn, nơi trưởng thành và làm việc với biết bao nhiêu vui buồn. Trại đảo Bi Đông ở Mã Lai nơi đời sống rẽ đi những lối ngõ khác bắt đầu cho nỗi buồn lưu vong biệt xứ. Rồi San Diego, rồi quận Cam, Westminster, gậm nhấm nỗi buồn của một con hổ về già, nghe gió xào xạc bên tai tưởng tới bóng thẵm rừng già hùng vĩ. Đời sống ấy, có vui có buồn, nhưng bất cứ hoàn cảnh nào cũng là những ghi chép chân thực của một người luôn mơ mộng và lãng mạn.

Trong dòng văn chương mô tả hiện thực đời sống của những trại tù Cộng sản, Ông viết “Đáy Địa Ngục”. Có người cho rằng những cuốn sách viết về ngục tù Cộng Sản chỉ có tác dụng nhất thời về chính trị và không có nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn học. Tôi nhớ có lần viết về nhà văn Solzhenitsyn của “Tầng đầu địa ngục” và đã thắc mắc rằng những tiểu thuyết viết về ngục tù Gulag ấy đã được cả thế giới hâm mộ. Riêng với Tạ Tỵ và “ Đáy Địa Ngục” cùng với những “ Ánh Sáng và Bóng Tối” của Hoàng Liên, “Đại Học Máu” của Hà Thúc Sinh, “Thép Đen” của Nguyễn Chí Bình,… Tôi vẫn tìm được những chia sẻ cả về nhân thức chính trị lẫn ý thức thẩm mỹ văn chương. Chữ nghĩa, có một lúc đứng về cái thực để chống lại cái giả trá của chính thể độc tài. Tù ngục cộng sản không những tàn ác mà còn nâng cái kỹ thuật hành hạ con người và hạ thấp xuống từ nhân phẩm đến thân phận súc vật. Điều ấy, có lẽ nhiều người đã viết, đã nói, mỗi một cách thế khác nhau. Nhưng tựu chung, vẫn là tiếng kêu gọi làm người, và phơi bày những địa ngục có thật mà các tác giả đã trải qua…

Văn Sĩ –Thi Sĩ- Họa Sĩ- tất cả những vóc dáng ấy gói tròn trong con người nghệ sĩ Tạ Tỵ. Trong nhất thời một lúc, không thể nào nói hết được tất cả những đóng góp của ông cho văn hóa dân tộc và văn chương nhân loại. Người ta nói rằng “cái quan định phận”, thì đã qua sáu năm rồi ngày ông từ trần, trong ngày giỗ tôi xin ghi lại một phần nào những di sản của ông để lại cho đời. Và, biết đâu sẽ có sự hưởng ứng của những vị uyên bác hơn để có những nhận xét trung thực và chính xác hơn về một khuôn dáng nghệ sĩ lẫy lừng trong văn học sử Việt Nam. Không ngờ một câu nói trước đây của ông đã thành sự thực. Nếu có chết tôi sẽ trở về quê hương để gửi nắm xương tàn. Bây giờ, ông đã khởi hành vào chốn miên viễn hư vô. Chuyến song loan đã rời bến nhân gian. Những bức tranh, những cuốn sách của ông vẫn còn đời sống, vẫn hiện hữu hàng ngày. Chỉ có điều, bây giờ không còn nữa hình dạng nhà văn, nhà họa sĩ nổi danh một thời nữa. Nụ cười đôn hậu, tiếng nói sang sảng, mái tóc bạc phơ, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng chắc chắn, sẽ chẳng bao giờ lãng quên trong lòng những người Việt Nam yêu nghệ thuật…

Nguyễn Mạnh Trinh

Nguồn: https://nguoitinhhuvo.wordpress.com/2015/08/21/tuong-niem-van-thi-hoa-si-ta-ty-nhan-ngay-gio-cua-ong-24-thang-8-nguyen-manh-trinh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét