THỨ NĂM, 29 THÁNG 3, 2018
bài liên quan: "cuộc sống của những BÙI XUÂN PHÁI, GIANG QUÂN, THẾ PHONG ... thời HÀ NỘI BỊ TẠM CHIẾM " / lê văn ba -- source: daidoanket.vn/
29/03/2018
Cuộc sống của những Bùi Xuân Phái, Giang Quân, Thế Phong,... thời Hà Nội tạm chiếm
Đây là một chủ đề tôi quan tâm. Đã điểm tin ở đây hay ở đây. Đó là một khoảng trống khá thú vị trong hiểu biết chung của lứa chúng tôi - những người không biết đến chiến tranh, tạm chiếm, hội tề, dinh tê,... Có thể đọc Viên Linh nhớ lại ở đây (bài từ 2013). Dư âm của thời đó được lưu giữ bởi những Viên Linh sẽ khác với những Lê Văn Ba.
(các ảnh là của Fb Từ Khôi)
Một đoạn được Lê Văn Ba cho đăng trên báo Đại đoàn kết. Đem dán nguyên về đây.
GIAO BLOG
GIAO BLOG
---
08:15:00 - Thứ bảy, 02/12/2017
LÊ VĂN BA
Văn nghệ sĩ thời Hà Nội tạm chiếm đều nghèo, cuộc sống rất khó khăn.
-tờ "Tiểu thuyết thứ 7" (số 6, tháng 4/1949) có đăng các tác phẩm thơ, văn của những cây bút tên tuổi như Hoàng Cầm, Sơn Tùng, Vũ Bằng...
Nguyễn Bắc, Hoài Việt, Hoàng Công Khanh đều sống bằng nghề dạy thêm (kèm trẻ con học tại nhà) thu nhập mỗi tháng 300-600 đồng. Giá gạo lúc này 300 đồng /tạ.
Có lẽ ung dung hơn cả trong thời gian này là Băng Hồ, lương công chức của anh 6000 đồng/tháng. Không kể nhạc sĩ Đoàn Chuẩn công tử con nhà giầu hãng nước mắm Vạn Vân.
Để bớt chật vật các nhà văn thường kiêm luôn chủ nhà xuất bản, chủ hiệu sách (vợ đứng tên môn bài) kiêm tổng phát hành. Ngọc Giao, Giang Quân, Phạm Cao Củng,.. đều “đa tài “ như thế.
Thời buổi gạo châu củi quế, văn chương càng rẻ như bèo. Văn trinh thám của Phạm Cao Củng vẫn bán được nên ông phải tái bản “Nhà sư thọt”, “Thám tử Kỳ Phát giết người”... Ông viết thêm truyện trinh thám mới, hình sự, ma quái... và ký tên Đỗ Lệnh Hùng (truyện “Mũi kim tiêm”, “Thanh Tuyền”)… Ban đêm, Phạm Cao Củng thức rất khuya, viết phơi-ơ-tông cho các báo hàng ngày, viết truyện thiếu nhi cho báo Hiều học, Măng Mọc, ban ngày ông trông coi nhà xuất bản Thiên Nga, hiệu sách Thiên Nga (lấy tên bà Nga, vợ ông).
Thế Phong bị chủ nhà đuổi khéo vì thiếu tiền thuê mấy tháng đang ngồi trên phố Mai Hắc Đế thì gặp bạn. Ở đây có cửa hàng bánh mỳ và cà phê quen thường cho Thế Phong ghi sổ nợ. Nhưng quần áo mặc lúc này mới thật gay. Anh bạn hỏi: Không thể đến tiệm giặt là lấy quần áo sao? -Tao chịu họ những hai tháng rồi... Thôi cho tao về nhà mày tắm giặt ngay bây giờ vậy.
Ấy vậy nhưng hôm sau có tiền, hai anh em kéo nhau vào cà phê Hợp ở phố Bà Triệu uống cà phê và hút thưốc lá thơm “cho bõ lúc thèm khát”.
Thế Phong không phải cây bút xoàng. Từ 1953 anh đã là phóng viên báo Thân Dân, có thẻ hành nghề rất oách, lương tháng 1000 đồng. Nhưng chủ báo không đàng hoàng, đến trưa ba mươi tết năm ấy mới tạm ứng cho anh nửa tháng lương. Thế Phong về nhà anh Hợp, thư ký tòa soạn, chỗ thân tình. Chị Hợp cho biết với 500 đồng vào chiều ba mươi tết còn mua được cái gì đâu. Đón giao thừa, vợ chồng nhà báo anh Hợp cùng Thế Phong có thêm kịch tác gia Sỹ Tiến cùng ngồi ăn bữa cơm đạm bạc!
Nghèo nhất trong số anh chị em văn nghệ Hà Nội thời gian này là Tạ Vũ. Anh tá túc ở trại trẻ mồ côi Phật giáo, trong ngôi chùa phía sau ga Hàng Cỏ. Tạ Vũ ở đấy, ngày ngày đi theo “sư phụ” Phạm Cao Củng (theo ông xuống các trường học, đưa bài đến các tòa báo, đưa dón con ông Củng đi học), ngồi chầu rìa ở gánh cà phê Nuôi trên vỉa hè góc vườn hoa Cửa Nam. Ở đây có Hồ My, Nhật Tiến, Kiều Liên Sơn, Song Hồ, Vũ Anh Kiên…Nhà văn Phạm Cao Củng mặc com-lê nâu, đầu đội mũ phớt, chân mang giày da đen, điếu thuốc lá ngậm lệch trên miệng thủng thỉnh đi tới. Chính từ những ngày không quên ấy, tác phẩm đầu tay “Những ngày ở trại trẻ mồ côi” của Tạ Vũ ra đời in trên báo Quê Hương (1953).
*
Nghèo, khổ đã đành. Nhưng để tồn tại qua được những năm sống ngặt nghèo dưới ách chiếm đóng quân thù, không thể không nhắc tới những ngày anh em văn nghệ sĩ Hà Nội phải chui lủi để khỏi bị bắt lính, đi chết thay cho kẻ địch còn mang tiếng bắn giết lại đồng bào, phản bội tổ quốc... Cực nhục này chỉ những người trong cuộc thấm thía mà không thể nói ra được “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Kiều).
Giang Quân đã mấy tháng không ra khỏi cửa, chỉ quanh quẩn trong căn nhà hẹp, có ngách thoát lối cuối phố Khâm Thiên. Nhưng hôm ấy, anh bắt buộc phải đến nha thông tin để lấy tập bản thảo. “Sao mắt em sầu” đã được kiểm duyệt đóng dấu, cho phép xuất bản. Trên đường từ Bờ Hồ về nhà, Giang Quân ngồi xích lô, xe vừa đến ngã tư đầu chợ Cửa Nam thì nghe tiếng còi rít chói tai, giày đinh nện rầm rập, anh bị lùa thốc lên xe ô tô cùng khoảng hai chục thanh niên. Cũng nhờ gia đình chạy vạy (không biết tốn bao nhiêu tiền) Giang Quân “được” ngồi ở văn phòng, nghĩa là không phải ra trận ăn đạn.
Nhưng ngày nào Giang Quân cũng phải ngồi xích lô, úp xụp cái mũ vải lên mặt. Tới cổng trại từ rất sớm, anh lủi ngay qua vọng gác, mặc vội bộ quần áo lính và điều này thì không tránh được, là đứng nghiêm chào mỗi khi có quan trên tới.
Tháng 6/1954 Giang Quân trốn được về quê Cẩm Giàng (Hải Dương). Nghe kể lại khi bọn hiến binh tới nhà lùng sục, bà vợ trả lời: Hắn bỏ nhà theo gái vào Nam rồi!
*
Cuộc sống đầy vất vả khó khăn nhưng viết thế nào để góp mặt với đời, không trái với lương tâm, sứ mệnh người cầm bút, hướng về kháng chiến mà vẫn giữ được mình, không bị nhà cầm quyền gây khó dễ. Đây mới là cả một cuộc vật lộn ghê gớm, nỗi ưu tư vò xé con tim mỗi nhà văn, nghệ sĩ yêu nước trong thời điểm ngặt nghèo.
Vũ Bằng nhớ lại tâm trạng mình những năm tháng ấy: "thỉnh thoảng ngừng bút tự hỏi mình viết thế này có hớ không? Chính quyền nó có "chơi" mình không?... Văn chương của ta có phải là của ta? Ta đã đóng góp được gì cho cho lịch sử văn hóa dân tộc chưa?" (40 năm nói láo).
Phải luôn tỉnh táo để giữ mình. Còn như, quá say sưa mà thả cho giọng điệu mạnh mẽ lên thì chính là tự ký trát bắt mình vào sở mật thám liên bang.
Phải luôn tỉnh táo để giữ mình. Còn như, quá say sưa mà thả cho giọng điệu mạnh mẽ lên thì chính là tự ký trát bắt mình vào sở mật thám liên bang.
Lúc này là thời chiến! Đằng sau lưỡi kéo kiểm duyệt là lưỡi lê, không oong đơ gì cả!
Điểm lại, không ít văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm đã bị bắt vào sở mật thám, bị giam trong nhà tù Hỏa Lò.
phố Tràng Tiền thời Pháp tạm chiếm.
Họa sĩ Hoàng Tích Chù bị bắt vào sở mật thám giữa lúc đang có cuộc họp, gặp cán bộ kháng chiến “đặt hàng” vẽ minh họa cho báo. Ông ở trên gác, dưới nhà là cửa hàng thợ may Ngọc Đĩnh phố Hàng Trống rất đông khách. Họa sĩ đã dặn người nhà nói mình đi vắng, nếu có bất cứ ai đến hỏi. Nhưng khi bọn cảnh sát chìm trong vai những khách hàng lịch sự tới thì thằng cháu lô lô: ông nội đang ở trên gác! Chúng nó tra khảo dã man Hoàng Tích Chù ngay trước mặt mẹ và vợ, nhưng chẳng khai thác được gì thêm, cũng không thu thập được tài liệu, chứng cứ gì. Những “khách hàng” khả nghi thì không còn một bóng! Cuối năm, tất nhiên gia đình họa sĩ phải lo lót ít nhiều, thế là ông được thả. Không ai biết Hoàng Tích Chù là đảng viên cộng sản, sau 1954 họa sĩ được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng Nhì.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái bị bắt vào Hỏa Lò 15 ngày, ngay khi ông vừa chân ướt chân ráo cùng bầu đoàn thê tử hồi cư về Hà Nội, để chúng thẩm vấn có phải ông “về thành hoạt động kháng chiến”?
Sáng mồng Một tết nguyên đán 1953 anh em tù Hỏa Lò được ra sân vui tết khoảng hai giờ. Trên sân khấu liên hoan đầu xuân có Lương Danh Hiền (Lê Tám) đọc thơ. Thạch Anh (Lê Văn Ba) trong vai kịch Lý Toét. Đây cũng là hai người ngầm thảo sớ tấu cuối năm cho Táo quân Hỏa Lò đang áo mũ vàng bạc lấp lánh, (làm bằng giấy bạc, giấy màu cắt ra từ vỏ bao thuốc lá) quỳ đọc giữa “thiên đình” nhằm tố cáo chế độ khắt khe giam giữ tù nhân.
Dàn đồng ca trong đó có ca sĩ nổi tiếng Kim Tiêu(1) và Trần Khánh hát bài ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ tiếc Liên An không được tham gia biểu diễn dù đã từ án tử hình hạ xuống chung thân nhưng đang biệt giam chờ ngày đày ra Côn Đảo. Liên An đã sáng tác bài hát tiễn đưa các tử tù ra trường bắn “Ai quên những tiếng giày/ Ra đi lúc sớm ngày”… Buổi liên hoan mừng xuân năm ấy cũng vắng mặt hai người. Đó là Nguyễn Tân và Huyền Tâm. Các anh đều được tổ chức bố trí thoát khỏi trại giam một cách kín đáo.
1952-1953, là thời gian các hoạt động kháng chiến nội thành bị địch khủng bố dữ dội, là năm vỡ nhiều cơ sở, cán bộ cách mạng trong đó khá đông văn nghệ sĩ Hà Nội bị bắt, tra tấn, tù đày.
Tháng 10/1954. Thời điểm một ngày bằng 20 năm. Không phải ai cũng có diễm phúc sống trong lúc trời đất vỡ da vỡ thịt này. Giờ phút cuối cùng trước khi rút khỏi Hà Nội, kẻ thù hung hãn phá chùa Một Cột, tìm mọi cách “bàn giao” lại một Hà Nội không điện, không nước, rác ngập đường phố. …
Người Hà Nội thời ấy có bao giờ quên được những ngày ấy? Bầu trời trong xanh, mây trắng bay nhởn nhơ, phố phường đỏ rực cờ hoa. Nét mặt người rạng rỡ. Ngã tư đường phố về khuya mà vẫn rộn ràng bộ đội thiếu nhi nắm tay nhau nhảy vòng tròn hát son lá son “Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta”..
Nhìn lại, văn chương Hà nội những năm 1947-1954 đã để lại một "gia tài" đáng kể. Đó là hàng trăm tác giả nổi tiếng một thời, hàng chục nghìn tác phẩm giá trị, gồm hai “mảng” ; văn nghệ bí mật, kháng chiến góp phần đem lại ngày về thắng lợi “Trùng trùng quân đi như sóng, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời”, và mảng văn nghệ công khai hợp pháp lãng mạn, dân tộc, tình người, nhiều tác phẩm hôm nay vẫn được tái bản, trình diễn nhiều lần. ./.
Lê Văn Ba
http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/song-va-lam-van-nghe-trong-nhung-nam-ha-noi-tam-chiem-tintuc387507
[]
----------------------------------
trích lại từ GIAO BLOG
====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét