bài đọc thêm: " nhà thơ THANH NGUYÊN : Hãy nghĩ mình đang cùng mọi người leo núi " -- nguồn : tạp chí Kiến Thức Ngày Nay ( Tp. HCM)
Từ lâu, người yêu thơ biết đến Thanh Nguyên với “Ngày xưa có mẹ“, “Khi biết yêu người ta bắt đầu nói dối“... Dù thành công ở nhiều thể thơ, nhưng phần đông bạn đọc vẫn tâm đắc với những vần thơ lục bát - vốn là thể thơ rất kén người viết và khó hay, thế mà dưới ngòi bút của chị, những “Lỗi hẹn cùng ca dao“, “Xuôi dòng“... bao giờ cũng để lại nơi lòng người nhiều ấn tượng và đầy cảm xúc.
Thanh Nguyên công tác tại Trung tâm Văn hoá quận 3 (TTVH Q3) và là Uỷ viên thường trực Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, chuyên mảng văn học thiếu nhi. Tháng 7/2007, chị trình làng tập “Hát thơ”. Đây là tập thơ thứ 5 sau 30 năm “chung tình” với thơ, dù đó chỉ là con số khiêm tốn, nhưng cũng đủ thấy chị không chú trọng “lượng” mà cốt để “cái chất” làm nên tác phẩm.
Nhiều độc giả ấn tượng với bài “Ngày xưa có mẹ” của chị. Chắc hẳn phải có kỷ niệm rất sâu đậm với mẹ, chị mới viết được những vần thơ xúc động như thế?Khoảng năm 1980, khi tôi đang học nội trú ở ngoại thành, cuối tuần, các bạn đều về sum họp với gia đình, chỉ còn tôi ở lại, bỗng thấy cô đơn và nhớ mẹ da diết; đó là lúc Ngày xưa có mẹ ra đời. Mẹ mất năm tôi 16 tuổi. Trước đó, mẹ hứa nếu đỗ cấp 3 sẽ may cho tôi chiếc áo dài xanh. Thế nhưng, mẹ tôi không kịp may chiếc áo như đã hứa. Quả thật, nếu ví tuổi thơ mỗi người như một câu chuyện cổ tích thì những câu chuyện ấy đều có bóng dáng của mẹ. Nói cách khác, mỗi bà mẹ đã làm ra cổ tích cho con mình bằng chiếc đũa thần “tình thương vô bờ”.
Có một thời “Khi yêu người ta bắt đầu nói dối” được đông đảo bạn trẻ yêu thích, nhưng họ tự hỏi không biết tình đầu của tác giả thế nào? Chị có ngại khi “bật mí” về chuyện tình thời nội trú?Tôi viết “Khi biết yêu người ta bắt đầu nói dối” hồi còn rất trẻ, sau đó gửi báo và được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Phải chăng mỗi chúng ta đều có ít nhất một lần nói dối khi yêu. “Ai lại dám tỏ bày niềm xúc động/Nên bất ngờ phải nói “có” thành “không”. Khi bắt đầu yêu, một ai đó thường không muốn tiết lộ vì sợ bị “việt vị” hoặc bị bạn bè… chọc quê. Tình yêu đầu đời bao giờ cũng đẹp và tôi cũng không ngoại lệ. May mắn là tất cả đều trở thành những kỷ niệm đẹp. Nhưng nếu được đề nghị “tiết lộ thêm chi tiết”, tôi vẫn phải nói lại câu: … “Bạn bè ơi, đừng tìm hiểu gì hơn”!
Nhiều người nhận xét, thế mạnh của Thanh Nguyên là thơ lục bát. Chị cho rằng nhận xét đó đúng hay sai?Chỉ biết là tôi rất yêu thơ lục bát vì tiết tấu êm ả như hát và tự hào vì đó là thể thơ riêng của người Việt. Với lục bát, tôi có thể có thêm vốn từ trong lúc tìm chữ để “ráp vần”, thú vị lắm! Nếu thật có nhiều người cho đây là thế mạnh, tôi cũng xem như đó là thành công nhất định trong cuộc hành trình “hát thơ” của đời mình…
Chưa bao giờ mảnh đất thơ, nhạc Việt Nam lại cho ra đời nhiều nhà thơ, nhạc sĩ như hiện nay. Hiện tượng “đột biến và nở rộ” này là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo?Thơ và nhạc ví như cây cỏ mọc ra từ mảnh đất cuộc sống. Có quá nhiều nhạc sĩ hay nhà thơ không phải là điều đáng lo, nếu không nói là cũng nên vui mừng. Riêng chuyện “chất lượng” lại phụ thuộc vào tài năng mỗi người. Rất may là còn lực lượng thứ ba, người thưởng thức, lực lượng này sẽ giữ thế cân bằng cần thiết.
Chị có nghĩ quy luật đào thải trong văn học đau đớn hơn bất kỳ sự đào thải nào khác?Văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật là điều bất biến. Người làm ra tác phẩm đều đáng trân trọng, nhưng vẫn chỉ là một trong nhiều yếu tố không mang tính bền vững. Quan niệm thế để thấy quy luật đào thải trong văn chương là đương nhiên như mọi quy luật khác. Hãy nghĩ mình đang cùng mọi người leo núi, cố hít thở và hưởng lấy niềm vui trong lúc leo… Chớ nghĩ mình đã đến đỉnh mà lấy làm buồn và tiếc khi phải hạ sơn… Mà trong văn chương làm sao biết thế nào là “đỉnh”?
Được biết, chị chuyên mảng văn học thiếu nhi. Với trách nhiệm và vai trò người mẹ, chị thấy thơ, văn, truyện tranh thiếu nhi hiện nay có gì đáng quan tâm?Nhiều phụ huynh than vãn nhưng rồi đều tự giải thích được về vấn nạn thiếu nhi xứ mình ngày càng xa rời văn hóa đọc; còn truyện tranh thu hút được chúng phần lớn là của nước ngoài. Rất nhiều nhà văn nước ta vẫn cặm cụi và tâm huyết viết cho thiếu nhi, nhưng để “bắt mạch” tâm lý và thị hiếu của bọn trẻ bây giờ không phải là chuyện dễ. Giới trẻ ngày nay tự chủ với cuộc sống rất sớm, chúng ta có thể mua tặng con mình những quyển truyện hay nhưng không chắc chúng có thích đọc chứ chưa nói đến việc bắt chúng thấm nhuần.
Chị có muốn nhắn nhủ với những người viết trẻ điều gì?Tôi quan tâm trước nhất tới môi trường sống. Tôi biết mình không sống đến lúc trái đất bị rơi vào kỷ băng hà hay thời kỳ sa mạc hóa nhưng cảm giác thân phận con người trước vòng xoáy cuộc sống - càng hiện đại càng bất an toàn. Tôi mong lớp nhà thơ, nhà văn trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn về điều đó thay vì cùng nhau đào xới mãi thân phận đơn lẻ của con người.
Chị xác định gắn bó với TTVH Q3 đến cuối đời. Chất kết dính này không dễ tìm, càng không dễ mua. “Thuỷ chung như nhứt” này xem ra cũng nặng như nghĩa vợ chồng?
Tôi quan niệm, làm công chức ở một cơ quan tốt cũng như làm vợ một người đàn ông mà mình hết lòng yêu thương, kính trọng. Công việc bàn giấy hơn hai mươi năm nay ngoài chuyện sinh kế thường nhật còn giúp tôi cân bằ
ng được cuộc sống bên ngoài thơ, giúp tôi có những tứ thơ tỉnh táo, rất “đời”. ./.
(tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY )
(Tp. HCM)
=============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ