Thập niên 1950 – 1960 tại Sài Gòn, khi thi ca miền Nam vẫn còn mang đẫm không khí của thời tiền ᴄhιến, với lời thơ lãng mạn và trau chuốt như: “em đẹp bàn tay ngón thon thon”, “mắt xanh lả bóng chiều hoang dại”, “em đi áo mỏng buông hờn tủi”, “em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây”… thì có một thi sĩ mới mang bút Nguyên Sa lại dẫn các “con chó ốm”, “con mèo ngái ngủ”, “con cá ươn” vào gia nhập cuộc chơi.

Những hình ảnh đó được Nguyên Sa ghi trong 1 bài thơ có tựa đề là “NGA”, viết cho cô bạn học tên là Thúy Nga, người sau đó trở thành vợ của ông:

Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển…

Thi sĩ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1 Tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội, là nhà thơ, nhà báo, và là một giáo sư triết học nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975.

Trước đó, vào năm 1949, ông du học Pháp và ở tại Provins. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp và lên Paris để ghi danh học triết tại Đại Học Sorbonne. Thời gian du học ở Pháp, có nhiều buổi chia ly đã trở thành nguồn cảm hứng để Nguyên Sa viết thành các bài thơ được phổ thành bài hát nổi tiếng là Mai Tôi Đi (nhạc sĩ Anh Bằng), Paris Có Gì Lạ Không Em (nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên), Tiễn Biệt (nhạc sĩ Song Ngọc phổ thành bài hát Tiễn Đưa).

Bút danh Nguyên Sa được ông sử dụng ngay trong những ngày đầu làm thơ ở Pháp, với ý nghĩa là ông tự cho rằng mình chỉ là một con số không, như là một hạt cát nguyên sơ (Sa nghĩa là cát).

Ngày 17 tháng 12 năm 1955, Nguyên Sa lập gia đình với bà Trịnh Thuý Nga ở Paris, chỉ trước khi về nước có vài ngày. Ông giải thích rằng phải làm đám cưới để có thể cùng nhau hồi hương được thuận tiện hơn.

Về sinh sống ở Sài Gòn, ông là giáo sư Trần Bích Lan dạy môn triết tại trường Trung Học Chu Văn An, trường đại học Văn Khoa Sài Gòn và nhiều trường tư thục khác là Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền, Võ Trường Toản. Ngoài ra ông và vợ cũng mở 2 trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi. Trước đó Trần Bích Lan cũng có dạy môn Pháp văn, nhưng sau này bỏ dạy ngoại ngữ, chỉ chuyên tâm dạy triết.

Không những nổi tiếng về dạy học, Nguyên Sa còn nổi tiếng nhờ những bài thơ tự do, thơ tám chữ đăng trên tờ Gió Mới của hội giáo chức từ các năm 1958, nổi tiếng nhất là Áo Lụa Hà Đông, sáng tác năm 1957.

Năm 1960, Nguyên Sa chủ trương thực hiện tạp chí Hiện Đại, là 1 trong 3 tạp chí sáng tác hàng đầu của văn học miền Nam là Sáng Tạo, Hiện Đại và Thế Kỷ 20.

Nguyên Sa còn bút bút danh khi viết báo là Hư Trúc, dựa theo tên nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Kim Dung. Khi lấy bút danh này, ông nói rằng Hư Trúc trong tiểu thuyết không phải là một nhà tu hành nghiêm túc, là một người có 2 bản ngã, có hai cuộc đời: Ban ngày thì sống cuộc đời tu hành nghiêm chỉnh, giữ vững đạo hạnh, nhưng đêm về lại là người vô thức với những giấc mơ trở thành kẻ đãng tử với những chuyện tình ái, truy hoan. Cũng giống như giáo sư Trần Bích Lan, tức thi sĩ Nguyên Sa, cũng sống với 2 phần đời. Một mặt, ông một nhà giáo khoác lên cái áo rất mô phạm, khép mình vào khuôn khổ, vào kỷ luật đạo đức học đường chi phối vô thức, làm ông bị lôi cuốn như phần đời vô thức của Hư Trúc. Ở khía cạnh khác, ông lại là một thi sĩ lãng mạn, một nhà báo sắc sảo.

Sách triết do giáo sư Trần Bích Lan biên soạn

Có thể nói vào thập niên 1950, khi làng thơ miền Nam vẫn còn mang đậm không khí của thời tiền ᴄhιến, thì những câu thơ tự do, phóng khoáng của Nguyên Sa mang từ Pháp trở về đã làm thay đổi sự cảm nhận thi ca của đa số thanh niên miền Nam thời đó.

Về phương pháp làm thơ, Nguyên Sa có thuyết riêng, với quan niệm cho rằng nếu bài thơ có vần luôn luôn thật sát và chặt chẽ thì sẽ sinh ra nhàm chán. Vần của thơ không cần sát hẳn, thậm chí lạc vận nhưng nếu biết sử dụng đúng cách, đúng chỗ, vẫn ra một bài thơ hay. Ông lấy ví dụ 2 câu thơ lục bát nổi tiếng trong Truyện Kiều không tuân thủ chặt chẽ về vần ở chữ thứ 6, nhưng vẫn trở thành trác tuyệt:

Cỏ non xanh rợn chân TRỜI
Cành lê trăng điểm một VÀI bông hoa

Nguyên Sa lý giải:

“TRỜI và VÀI thì xa xôi, nhưng khi được những chữ khác của 2 câu 6-8 bắt vào nhau thành một nền âm thanh có phối hợp làm cho câu thơ sáng lên, vần của 2 câu 6-8 cũng là sự tổng hợp mới, hiếm có, hay chưa từng có.

HOA rất gần với TRỜI và VÀI, không cùng loại, nhưng rất gần làm ngắn lại khoảng cách âm thanh giữa TRỜI và VÀI”


Click để nghe Duy Trác hát Áo Lụa Hà Đông năm 1974

Thi sĩ Nguyên Sa lấy ví dụ bài thơ nổi tiếng nhất của ông là Áo Lụa Hà Đông, không tuân thủ chặt chẽ niêm luật về vần như sau:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.

Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa.

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.

Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt.

…”

“Tôi nhiều khi thêm một chư trắc ở một chỗ nào đó trong câu 2 để cho nền âm thanh có kiến trúc đủ chặt chẽ để cho những âm bằng có đủ hỗ trợ bay lượn trong những không gian riêng làm thành phối hợp khác lạ:

ĐÔNG và CÙNG được ÁO và vọng âm MÁT làm cho gần lại, NẮNG tiếp nối chặt chẽ, TRẮNG lại được tăng cường bởi LẮM làm cho khoảng cách giữa QUANH và DUNG, vần không bị mòn, được khoả lấp. CHUNG và DUNG còn làm thành vần phụ vượt khuôn khổ niêm luật, khoảng cách giữa QUANH và DUNG càng được gần hơn cửa được bắt với hai chữ bữa, HỒN và NON tương đối không xa, không làm cho một chữ nào ở giữa câu bắt vần với câu trên hiện ra như một nhu cầu, sự phối âm đã chặt chẽ.”


Click để nghe Thái Thanh hát Paris Có Gì Lạ Không Em

Ngoài ra, Nguyên Sa cũng giải thích về sự “lạc vần” trong 1 bài thơ nổi tiếng khác là Paris Có Gì Lạ Không Em như sau:

“Paris có gì lạ không EM?
Mai anh về em có còn NGOAN
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Em có đứng ở bên bờ SÔNG?
Làm ơn che khuất nửa vừng TRĂNG
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng…”

“NGOAN với EM là vần ép, SÔNG và TRĂNG thì lạc vận không còn gì để nghi ngờ. Tôi chấp nhận. Tôi nghĩ nếu có trách cứ về những vần cưỡng ép và vần lạc thì cũng đúng thôi, tôi không có gì để biện minh. Tôi chọn lựa nền âm thanh, chọn lựa sự xuất hiện của hàng loạt những tiếng đồng âm, tạo thành một nền âm thanh, để cho những vẫn chỉ có từ thông vận đến lạc vận, bay nhảy.

Tôi vẫn nghĩ là tôi có nhiều may mắn. Tôi không thấy người đọc nào than trách về những sử dụng vần điệu vượt ra ngoài khuôn khổ của vần điệu, hoàn toàn xây dựng trên sự mơ ước sáng tạo, sự phối hợp âm thanh của cả đoạn, của nhiều đoạn, của cả bài.

Chỗ dung thân của thơ phải chăng là sự bao dung có tên là tình yêu?”

Nhà báo Mặc Lâm của RFA đã có những nhận định rất hay về thơ của Nguyên Sa thời kỳ thập niên 1960 như sau:

“Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những giòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới.

Nguyên Sa đem cái hồn phách của Châu Âu tái sinh sau khi thế ᴄhιến thứ II chấm dứt về Sài Gòn và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang theo hơi hám của sông Seine của nhà thờ Notre Dame về lại Sài Gòn nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.”

Đặc biệt, có lẽ là thơ của Nguyên Sa đã có sẵn nhiều nhạc tính, nên đã đi vào âm nhạc một cách tự nhiên. Các nhạc sĩ không cần phải sửa chữa quá nhiều câu chữ trong bài thơ khi phổ thành nhạc.

Những bài hát nổi tiếng nhất được phổ từ thơ Nguyên Sa là:

Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tình Khúc Tháng Sáu, của Ngô Thuỵ Miên, Nếu Vắng Anh, Mai Tôi Đi của Anh Bằng, Tháng Sáu Trời Mưa, Cần Thiết… của Hoàng Thanh Tâm, Vết Sâu của Phạm Duy, Màu Kỷ Niệm của Phạm Đình Chương, Tiễn Đưa của Song Ngọc…

Có lẽ như là một định mệnh, thơ của Nguyên Sa thường gắn liền với nhạc của Ngô Thụy Miên, và ngược lại. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng nói về sự gặp gỡ giữ thơ và nhạc này như sau:

“Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông.

Chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn giòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình.”

Thập niên 1960, có lẽ không có cô cậu học sinh, sinh viên nào mà không từng mơ mộng về thành Ba Lê, là kinh đô ánh sáng, xứ sở của tình yêu. Chính những văn nghệ sĩ từng du học ở Pháp trở về như Nguyên Sa, Phạm Duy hay Cung Trầm Tưởng đã mang hơi thở, mang không khí của Paris về xứ Việt, và yếu tố tình yêu của Paris đã gắn liền với những mộng mơ của giới trí thức Sài Gòn khi đó, qua những bài thơ, bài nhạc nổi tiếng. Họ đã chép thơ Nguyên Sa để tặng nhau thay cho lời tỏ tình, thơ của ông đầy ắp trong những cuốn lưu bút tuổi học trò. Có lẽ không thi sĩ nào mô tả tà áo của nữ sinh hay hơn Nguyên Sa trong 4 câu thơ này:

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mâ
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay

Thơ của Nguyên Sa như là một thảo nguyên nhỏ với dòng nước mát lành, tinh khiết, để ru tình, ru người vào những giấc mơ đời. Những cô nữ sinh nhiều thế hệ hẳn sẽ thấy rất sung sướng khi đọc được những vần thơ tỏ tình như “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, hoặc là những vần thơ rất lãng mạn này đã được Ngô Thuỵ Miên viết thành nhạc trong bài hát Tuổi Mười Ba:

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím…


Click để nghe Thái Thanh hát Tuổi Mười Ba

Cô nàng tuổi 13 trong bài thơ này tên là Trịnh Thuý Nga, cùng quê ở Hà Nội với Nguyên Sa, và họ gặp gỡ nhau tại Pháp. “Nga” cũng là người đã biến chàng thư sinh Trần Bích Lan trở thành thi sĩ Nguyên Sa:

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn, ngoan nhé đừng ngờ
Tôi phải dỗ như là tôi đã lớn…

Thi sĩ Nguyên Sa và bà Nga, hình chụp khi họ còn là học sinh ở Hà Nội

Họ cưới nhau chỉ vài ngày trước khi trở về nước. Hình ảnh “Nga” gần tràn ngập trong tất cả những bài thơ tình của Nguyên Sa… Ông đã làm một bài thơ có tựa đề duy nhất 1 chữ Nga như là một món quà đính hôn, trích đoạn như sau:

Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển…

Bà Nga khi là hiệu trưởng trường Văn Học ở Sài Gòn

Bà Nga sau này trở thành một nữ giáo sư rất xinh đẹp của Sài Gòn và được kính trọng. Trong hồi ký Nguyên Sa, ông đã kể về cuộc tình của đời mình rất tự nhiên, như là hơi thở, như là cuộc sống của mình.

Họ kết hôn vào ngày 17 tháng 12 năm 1955, và họ phải về nước trước ngày Giáng Sinh, nên phải làm 1 đám cưới gấp gáp để hồi hương thuận tiện, một đám cưới mà họ không có tiền để thực hiện linh đình đúng kiểu ngày trọng đại như bao người.

Đám cưới, Nguyên Sa mặc chiếc quần jeans quen thuộc của hàng ngày, còn Nga mặc bộ đồ suite mới, ông viết trong hồi ký nói rằng đó là món quà cưới duy nhất mà họ phải đi nhiều ngày, mũi dán vào cửa kính bao nhiêu lần để làm những phép cộng trừ nhân chia mệt nghỉ mới mua được, khi còn phải cân nhắc những chi phí để hồi hương, để bắt đầu cuộc sống ở quê nhà.

Nguyên Sa và bà Thúy Nga trong vườn Lugxemburg

Lễ cưới của họ tối giản nhất có thể để cắt giảm tối đa chi phí. Sau phần nghi lễ diễn ra cấp tốc, đôi vợ chồng mới đã rời bỏ đại sảnh ngay và cùng bạn bè thân kéo nhau vào quán làm ly cafe. Nguyên Sa nói rằng những nghi thức rườm rà trong lễ cưới không cần thiết, mà tình yêu mới là cái chính yếu, hôn nhân chỉ là cái phụ thuộc nó, hôn nhân không làm thành tình yêu, cũng không phải là biểu tượng của tình yêu. Tình yêu mới là chính, những nụ hôn trao nhau mới là chính.

Và họ đã như vậy trong suốt cuộc hôn nhân hạnh phúc, cuộc hôn nhân bắt đầu bằng 1 lễ cưới không nhẫn đeo tay, không tiệc, không bánh, nhưng đó là cuộc hôn nhân mơ ước của biết bao nhiêu người trên đời này.

Năm 1966, Nguyên Sa nhập ngũ và tốt nghiệp trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức khoá 24, phục vụ trường Quốc Gia Nghĩa Tử từ năm 1967 đến 1975.

Năm 1975, gia đình Nguyên Sa bỏ sang Pháp định cư, và chỉ 3 năm sau thì chuyển sang Mỹ ở cho đến khi ông qua đời vào ngày 18 tháng 4 năm 1998.

Thời gian ở Pháp, ông cùng với nữ thi sĩ nổi tiếng Minh Đức Hoài Trinh và nhà văn Trần Tam Tiệp vận động thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Sang đến Hoa Kỳ, Nguyên Sa tiếp tục hoạt động văn học, văn nghê, làm chủ nhiệm và chủ bút tạp chí Đời, Phụ Nữ Việt Nam và tuần báo Dân Chúng. Ông cũng thành lập trung tâm băng nhạc mang tên Đời và đã phát hành được gần 30 băng nhạc.

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com