Giải mã Chân Dung Nhà Văn – Nhật Tuấn

Posted: 12/07/2019 in Nguyễn Mạnh TrinhTùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

   Nguyễn Mạnh Trinh

Chân Dung Nhà Văn là một tác phẩm văn học đã gây ra nhiều dư luận không những trong giới cầm bút mà còn trở thành những giai thoại trong dân gian. Trong một xã hội bị bưng bít nghẹt thở về mọi mặt của chế độ xã hội chủ nghĩa, những chân dung nhà văn tượng trưng cho giai cấp kẻ sĩ được nhìn ngắm từ đời thường và tác phẩm đã lột tả được một thế thời điên đảo của một đất nước bị xiết chặt và kiểm soát của một hệ thống thư lại nhiều chất đàn áp con người đến mức vô cảm.

“Chân Dung Nhà Văn” của nhà thơ Xuân Sách viết về 100 khuôn mặt văn chương của văn học trong nước trước 1975 và hiện đại trong nước sau này với sự khắc họa từ tác phẩm và chính cuộc đời họ nhưng không nêu tên tác giả. Nhà văn Nhật Tuấn đã từ những phác họa bằng thơ của Xuân Sách để thành những bài viết nêu đích danh và tiết lộ thêm những chi tiết khá thú vị về những khuôn mặt văn chương ấy?


Xuân Sách (1932-2008)

Nhà văn Xuân Sách (1932-2008) có một thời làm biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội, có lúc làm Phó Giám đốc nhà xuất bản Hà Nội và sau cùng là Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Xuân Sách đạt thành tựu trong cả văn xuôi và thơ trữ tình nhưng nổi tiếng nhất với tập thơ Chân Dung Nhà Văn. Ðây là 99 ký họa nhà văn và cùng một bài tự họa của chính ông, đã lột tả thần thái của nhiều trong số những tác giả quan trọng của nền văn học Việt Nam trước 1975 ở miền Bắc và sau 1975 ở trong nước. In xong thì cả nhà xuất bản và tác giả không ngờ đến được phản ứng của những người được đề cập đến. Những nhà văn lớn, có bản lĩnh, họ im lặng chịu đựng. Nhưng những nhà văn tầm tầm thì lồng lộn gay gắt đòi Bộ Văn Hóa kiểm điểm tác giả và thu hồi tác phẩm.

Có rất nhiều nhận xét về tập thơ Chân Dung Nhà Văn.

Nhà văn Thanh Thảo kể lại: “Tập thơ (Chân dung Nhà văn) được hâm mộ tới mức ngay trong thời bao cấp khó khăn mà người ta đã truyền tay nhau những bản photo copy để vừa đọc vừa tủm tỉm hay vỗ đùi đen đét trước những nét vẽ tài hoa. Ðúng Xuân Sách là người rất hóm hỉnh và rất sắc sảo. Nhưng với riêng tôi (Thanh Thảo) tôi lại nhớ về ông như một nhà thơ đàn anh đôn hậu, một biên tập viên thơ đầy trách nhiệm với những cây bút trẻ”

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng nhận xét: “Tính tự trào của thơ Xuân Sách đặc biệt bộc lộ qua tập Chân Dung Nhà Văn. Ông đã nắm bắt tính cách các nhà văn rất sắc sảo và tinh te… Dòng thơ chân dung nhà văn có lẽ sẽ không phát triển nhiều. Một người khác làm cả một tập thơ tiếp tục Xuân Sách hay có thể nổi danh hơn Xuân Sách, chưa có.”

Như một cách tự trình bày những ẩn ức văn chương của mình khi phác họa lại một thời văn học mà ông đã sống và đang sống, Nhà thơ Xuân Sách đã nói về tập thơ Chân Dung Nhà Văn của mình:

“Trước đây khi còn là lính ở địa phương, cái xã hội nhà văn đối với tôi đầy thiêng liêng bí ẩn. Ðây là những con người dị biệt rất đáng ngưỡng mộ rất đáng yêu mến, dường như họ là một siêu tầng lớp trong xã hội. Mỗi cử chỉ, mỗi hành động lời nói của họ có thể trở thành giai thoại, và cả tật xấu nữa dường như cũng đứng ngoài vòng nhận xét thông thường… Tóm lại đó là thế giới đầy sức hấp dẫn đối với người say mê văn học và tấp tểnh nuôi mộng viết văn như tôi….

Khi tôi được về Hà Nội vào cơ quan văn nghệ dù là ở quân đội (hoàn cảnh nước ta quân đội có vị trí đặc biệt trong xã hội kể cả lĩnh vực văn chương) tôi bắt đầu đi vào cái thế giới mà trước kia tôi mơ ước. Ðiều tôi nhận ra là ngoài cái phần tôi hiểu trước đây thì thế giới nhà văn còn có những chuyện khác. Ðó là cái mặt đời thường, cái mặt rất chúng sinh, và chúng cũng góp phần quan trọng làm nên các tác phẩm và tính cách nhà văn. Khi tôi đã tìm hiểu được những ứng xử những tính cách của những nhà văn, ngoài những tác phẩm mà tôi thường ngưỡng mộ tôi còn băn khoăn tự hỏi: Sao thế nhỉ, với bề dầy tác phẩm như thế, với vị trí trong xã hội như thế, trong lòng người đọc như thế, sao họ còn ham muốn những thứ phù phiếm đến thế. Một chức vụ, một quyền lực, một chuyến đi nước ngoài… mà đã ham muốn thì phải mưu mẹo, phải dối trá và nhất là phải sợ hãi. Vì vậy chân dung của họ không thể bỏ qua. Hơn nữa nếu vẽ được chính xác những chân dung đó thì bộ mặt xã hội thời đại mà họ đang sống cũng qua đó mà hiện lên.”


Nhật Tuấn (1942-2015)

Như một cách chia sẻ, nhà văn Nhật Tuấn đã viết về Chân Dung Nhà Văn mà ông gọi là Chân Tướng Nhà Văn.
“Chính với “cảm hứng chủ đạo” có phần thất vọng về phẩm chất nhà văn, tuy Xuân Sách gọi là viết “chân dung” nhưng thực ra ông đã vạch những “chân tướng nhà văn” vậy…

Ðọc Xuân Sách trước tiên ta cảm phục sự dũng cảm của ông. Văn học Việt Nam vào những năm “trời đất nổi cơn gió bụi”, những năm thập kỷ 1970 xã hội còn chìm đắm trong nền kinh tế bao cấp, văn hóa văn nghệ bị “quản lý” đến nghẹt thở vậy mà Xuân Sách cả gan vạch trần chân tướng của tất cả những văn thi sĩ đang cúc cung tận tụy hiến dâng tài năng và tâm huyết cho…Ðảng, cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ðầu sổ là nhà thơ Tố Hữu, chủ soái của văn hóa nghệ thuật của Ðảng, Xuân Sách vẫn không sợ vẫn xỏ xiên bằng những câu thơ phác họa rất chính xác chân tướng ông quan to nhà thơ này. Với nhà thơ Chế Lan Viên, thi sĩ “nghĩ trong những điều Ðảng nghĩ” Xuân Sách thẳng tay ra đòn không e ngại. Trước 1945, nhà phê bình Hoài Thanh nổi tiếng với cuộc tranh luận “vị nghệ thuật vị nhân sinh?” từ sau cách mạng chỉ còn là một anh hề đồng “ca ngợi cấp trên” nên Xuân Sách hạ bút rất độc trong Chân Dung Nhà Văn.

Nhà văn Nguyễn Tuân trước cách mạng nổi đình đám với “Vang Bóng Một Thời” nhưng từ sau cách mạng ông tự tước bỏ gai góc xù xì để trở thành một nhà văn chỉ “ngợi ca chế độ”. Nhà thơ Lưu Trong Lư “con nai vàng” đã vờ ngơ ngác để leo lên tới chức vụ Vụ Trưởng Vụ Văn Nghệ, Nhà thơ Huy Cận ngày xưa với Lửa Thiêng từ sau khi đi theo cách mạng ông cũng “nói dối”.

Như vậy nhà thơ Xuân Sách đã “sờ gáy” hầu như tất cả các quan to văn nghệ của văn học xã hội chủ nghĩa rồi. Và những phản ứng mà ông đã phải gánh chịu khi tác phẩm ra đời là một điều dễ hiểu. Rồi nhà văn Nhật Tuấn lại “giải mã” thêm để những cái xấu trong đời thường và trong văn chương lại được dịp phô bầy ra một cách thật hiện thực và sự thật ấy ít khi được đề cập vì sự nể nang quyền lực hoặc cách ứng xử chủ hòa vi quý.

Chưa hết, nhà văn Nhật Tuấn còn kể thêm nữa. Như nhà văn Nguyễn Ðình Thi tuy làm quan cách mạng nhưng vẫn viết “Con Nai Ðen” ngụ ý xỏ xiên. Nhà văn Tô Hoài chỉ được “con dế mèn” từ thời trước cách mạng sau đó “ tàn phai” trong những tác phẩm phục vụ cách mạng. Nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng với “Bỉ Vỏ”, đi với cách mạng viết khá nhiều tiểu thuyết “đồ sộ” về số trang nhưng chẳng mấy giá trị. Nhà văn Nguyễn Công Hoan ngày xưa với “Kép Tư Bền”, từ sau cách mạng thì …hết lộc trời còn lại chỉ viết truyện lăng nhăng. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ngày xưa nổi tiếng làm thơ bí hiểm với câu thơ” “nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm”. Than ôi từ ngày đi theo cách mạng ông “làm công tác Hội” hơn là làm thơ. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết mấy cuốn tiểu thuyết dày cộp cũng chỉ rặt một màu đỏ cách mạng. Cứ như vậy, không chừa một ai, từ những cây đại thụ trong rừng văn chương cách mạng cho tới những thế hệ sau, chỉ bằng một khổ thơ ngắn bằng những cái tựa sách, Xuân Sách đã tạc nên bức chân dung chân thực hơn bất cứ một luận đề tâng bốc của mấy anh phê bình văn học “ăn leo nói leo”…

Chân Dung Nhà Văn được khởi in từ tập thơ “Lên Chùa” của Xuân Sách cũng gồm lai rai những nhân vật đã được đề cập suốt trong những năm sinh hoạt văn học khởi từ thập niên 50. Khi tướng Trần Ðộ đến thăm Xuân Sách ở Vũng Tàu năm 1992, ông đã đọc hơn một trăm bài thơ này và tỏ ra rất hâm mộ. Nhà văn Hoàng Lại Giang, lúc đó là Trưởng Chi Nhánh Nhà xuất bản Văn Học tại Sài Gòn được nghe cuốn băng thu âm 100 bài thơ và đề nghị Xuân Sách cho xuất bản.

Ðầu sổ những “quan văn nghệ” là lãnh tụ văn chương của Ðảng. Xuân Sách viết:

“Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
mắt trông về tám hướng phía trời xa
chân dép lốp bay vào vũ trụ
lúc trở về ta vẫn là ta!
Từ ấy trong tôi bừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng Lộng Gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường Hoa ở đây.”

Xuân Sách đã dùng tên nhan đề những tập thơ: Ta Ði Tới, Việt Bắc, Gió Lộng, Việt Nam Máu và Hoa.. để nói về tác giả của nó: tham vọng, thủ đoạn, giả dối, chức thì lớn nhưng thơ thì nhạt, bởi cái tâm không tốt. Vậy nhà thơ này là ai?


Tố Hữu (1920-2002)

Nhà văn Nhật Tuấn chỉ đích danh: nhà thơ Tố Hữu. Mở đầu thập kỷ 1960, thập kỷ của “sóng Duyên Hải, gió Ðại Phong, trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất, thập kỷ “hồ hởi phấn khởi” sắn tay xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn miền Bắc, ông trùm thơ cách mạng Tố Hữu khoái trá hạ bút:

“Chào 61! Ðỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
… Ðời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng
rũ sạch cô đơn, riêng lẻ bần cùng”

Thi ca của ông này chỉ có mục đích phục vụ cho đường lối chính trị mà ông ta theo đuổi và bắt ép cả giới văn học nghệ thuật tuân theo. Ông làm thơ cổ võ ồn ào minh họa cho các chủ trương đường lối của Ðảng, ca ngợi lãnh tụ quá đáng đến nỗi thờ phụng. Nếu xét về nghệ thuật thì chẳng có giá trị gì. Nhạc sĩ Văn Cao đã nói thẳng vào mặt Tố Hữu đại ý thơ kiểu hò vè ca dao của Tố Hữu thì có giá trị gì mà đọc và chính vì câu nói này mà bị hành hạ suốt cả đời.

Chắc có nhiều người cũng đồng tình với thơ “vịnh” Tố Hữu và “giải mã của nhà văn Nhật Tuấn? Câu trả lời: “Có rất nhiều! Thí dụ như nhà văn Lại Nguyên Ân viết:

“Thơ Tố Hữu có những vết nhơ không thể tẩy xóa, như đoạn thơ “yêu biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi “ Stalin”! Ý thơ ấy ngay tầm gần đã trái hẳn lẽ thường nhân loại, trẻ con tập nói thì gọi “mẹ” chứ đâu đã biết ai xa lạ? Trẻ Việt làm sao tập nói được cái từ đa tiết xịt xoạt như thế kia? (Bài đăng tạp chí Văn Nghệ 1953 là “Tiếng đầu lòng nó gọi Ông Lin”, bản in vào sách Việt Bắc, 1955 sửa thành “Tiếng đầu lòng con gọi Stalin”). Lại nữa, người đàn bà Việt dân quê làm sao có thể “Thương cha thương mẹ thương chồng/Thương mình thương một thương Ông (Stalin) thương mười(!?!). Ðây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ (thường được xem là kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái , lương thiện) lại ngợi ca “công đức” một Bạo Chúa, một Hung Thần, một Ðộc Tài khét tiếng, một Ðao Phủ Thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại…”

Nhưng có một nhà văn mà nhiều người gọi là nhà phê bình văn học lại có ý binh vực Tố Hữu. Người đó là nhà văn Ðặng Tiến.

Có thể ông này có phản ứng giống như cả một đội ngũ bồi bút trong nước hiện đang ca tụng say sưa Tố Hữu trong những cuộc hội thảo được liên tiếp tổ chức? Và ông có nghĩ rằng Tố Hữu yêu dân tộc, tranh đấu cho tự do thoát vòng nô lệ lại tôn sùng những tên tội đồ của nhân loại như thế…

Về những câu mà Ðặng Tiến cho là “vần vè tuyên truyền qúa khích” thì Lại Nguyên Ân viết: “Trên mạng internet bây giờ đôi khi còn thấy người ta cho rằng Tố Hữu là tác giả đoạn thơ khủng khiếp này:

“Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Ðảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt…”

Tôi thấy lạ với đoạn thơ này vì dường như chưa từng gặp nó trong các tập thơ Tố Hữu đã đọc. Vậy nhân đây đề xuất với giới nghiên cứu, nhất là các giáo sư đã từng “ăn lộc” nhiều ở thơ Tố Hữu (như Hà Minh Ðức, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Ðình Sử…) hãy tìm ra ngọn nguồn đoạn thơ này và thông tin lại cho bạn đọc, nếu nó không phải là thuộc ngòi bút Tố Hữu thì cũng là may cho ông, tuy vẫn thật buồn cho giới làm thơ của chúng ta. Lọt sàng xuống nia, nó vẫn là của một ngòi bút Việt Nam nào đó. Vượt ra ngoài chuyện xác định “tác quyền” cụ thể, đoạn thơ này thông báo rằng còn có cả một dòng thơ quần chúng sắt máu đầy hận thù giai cấp từng được Ðảng khơi lên, từng được sáng tác và lưu truyền ra ngoài dân chúng. Đó là văn thơ có cả kịch chèo phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, xuất hiện vào khoảng năm 1951 và tự tắt đi vào khoảng năm 1956. Rất nhiều tên tuổi nhà thơ nhà văn quen thuộc có góp tác phẩm vào mảng thơ văn này kể cả Nguyễn Tuân, kể cả Nguyễn Bính, kể cả Hữu Loan… tất nhiên số đông hơn vẫn là những tác giả quần chúng ít tên tuổi. Cho đến nay, về cải cách ruộng đất thì ít nhiều đã có những công trình, luận án sử học, nhưng mảng văn thơ cải cách ruộng đất thì vẫn chưa hề có một sưu tập, tuyển tập tác phẩm, cũng chưa có một công trình nghiên cứu, luận án hay luận văn nào đề cập tới. Cố tình hay vô ý của giới nghiên cứu văn học chính ngạch ta đây? Hãy chờ nghe trả lời từ những người đang phụ trách các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của nhà nước. Nhưng dù sao thì cũng đừng nghĩ rằng hễ giới nghiên cứu làm bộ quên thì mảng văn thơ này sẽ dần dần biến mất; tốt hơn là nên tiếp cận bằng các sưu tập và công trình nghiên cứu, tức là nhắc lại nó như một kinh nghiệm đau xót của một nền văn học từng sa vào những giọng điệu và tinh thần phi nhân đáng hổ thẹn này..”

Nhà văn nào đã được Xuân Sách phác họa bằng bốn câu thơ cô đọng và chứa chất nhiều tâm sự:

“Vang bóng một thời đâu dễ quên
Sông Ðà cũng muốn đẩy thuyền lên
Chén ruơụ tình rừng cay đắng lắm
Tờ hoa lại chút lệ ưu phiền”


Nguyễn Tuân (1910-1987)

Ðó là nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Nhật Tuấn đã “giải mã”:

“Ngày 26 tháng 12 là cái ngày gì? Hỏi mười người chắc cả mười không biết nó là cái ngày quỷ gì? Vậy hãy nghe nhà văn Nguyễn Tuân trả lời: “Toàn thể văn nghệ sĩ Việt Nam cũng như toàn thể nhân dân chúng tôi rất hân hoan sung sướng đón mừng ngày sinh nhật của Chủ Tịch vĩ đại. Trong dịp này chúng tôi đã nhận được từ khắp nơi gửi tới những sáng tác văn nghệ của quần chúng gửi tới mừng thọ Chủ Tịch…”

Chủ Tịch nào vậy? Chắc không phải là Hồ Chủ Tịch, sinh ngày 19 tháng 5.

“Công tác văn nghệ của chúng tôi cũng theo phương hướng văn nghệ nông công binh do Chủ Tịch vạch ra…”

“… Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác- Lênin- Stalin, của Chủ Tịch và Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nguyện vĩnh viễn đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc chúng tôi, cho tình hữu nghị vĩ đại giữa các dân tộc…”

Chủ tịch được tung hô, xếp trên cả Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có thể là …Chủ Tịch Mao Trạch Ðông.

Những đoạn trên trích trong” Thư Hội Văn Nghệ Việt Nam kính gửi Mao Chủ Tịch do nhà văn Nguyễn Tuân, Tổng thư ký hội Văn Nghệ Việt Nam ký vào ngày 26 tháng 12 năm 1952- 1953 gì đó…Những chuyện đó xưa lắm rồi, từ thời cải cách ruộng đất lận, nhắc lại cho vui vậy thôi. Còn thời chiến tranh chống Mỹ…

Ðã có rất nhiều bài viết về cái ngông của bác Nguyễn. Sau cách mạng năm 45, cái “ngông”, cái văn chương “nhâm nhi tỉ mẩn” thời trước trong những Hương Cuội, Thả Thơ, Ðánh Thơ, Những Chiếc Ấm Ðất, … mang vào sáng tác cho quần chúng công nông binh chẳng hiểu bác Nguyễn phải uốn éo thế nào đây? Thật đáng lo thay. Sau này Nguyễn Tuân tâm sự:

“Giả sử bây giờ tôi còn trẻ, có lẽ tôi xin đi học ngành y làm thầy thuốc vì cái nghề làm văn này sợ lắm!…”

Sợ thật đấy chứ, dường dường một đấng phù thủy chữ nghĩa “ma thuật ngôn từ” theo cách mạng được Ðảng tín nhiệm đưa lên ghế Chủ Tịch Hội Văn nghệ Việt Nam, vậy phải “nông công binh ngòi bút sao đây” để lãnh đạo tin cậy cho dù trong lớp chính huấn đã bày tỏ lập trường rũ bỏ con người cũ bằng cách … treo cổ mớ bản thảo ngày xưa, từ bỏ những đứa con tinh thần vốn làm bác nêu danh.

Thế là Nguyễn Tuân xắn tay áo lên “nhả chữ” mở đầu cách mạng bằng tập Tùy Bút Kháng Chiến trong đó tiêu biểu là Ðuốc dân công tiếp vận. Ðể tăng khí thế, bác viết: “Hôm nay tôi kể chuyện một con đường thóc đêm đêm rầm rập bước chân người bần cố nông gánh gạo về ngàn. Thật là vĩ đại Không biết bao nhiêu là con số trên vai mỗi người còn đèo thêm một bó đuốc… Tôi cảm thấy đây là lần đầu tiên nước Việt Nam chúng ta đốt đuốc đi đêm một cách vĩ đại huy hoàng…” Thật là vĩ đại thật là huy hoàng, chỉ tiếc là nó mới hô lên từ… cổ họng, đại ngôn để xuê xoa cái nghèo nàn cảm xúc. Cũng theo cách đó ông mạt sát dân “vùng tề”: “Tôi nghĩ đến một con lốc khổng lồ lật ngửa những mái gianh đang úp vào mặt bùn kia hút ngược bao nhiêu nhố nhăng kia lên giời và quét sạch cái không khí dịch tễ của nơi này đi…”. Và chửi Pháp: “Chiều tà Việt Bắc rừng rực lên những đồn pháp, chiếu ống nhòm như những mâm cà độc dược như những kim tự tháp loét ngọn…”

Không còn “ngông”, cũng chẳng còn “nhâm nhi”. Tùy Bút Kháng Chiến của Nguyễn Tuân “quả đầu mùa” cho cách mạng sau này được hai giáo sư “mao nhiều hơn cả dân mao-ít” Phan Cự Ðệ và Hà Minh Ðức reo mừng: “Sau Tùy Bút Kháng Chiến, ta có một công dân Nguyễn Tuân bên cạnh một Nguyễn Tuân nghệ sĩ, một cán bộ Nguyễn Tuân hòa hợp với một nhà văn Nguyễn Tuân”.

Thế là khỏi lo “con bò trắng răng”, Nguyễn Tuân- chàng lãng tử ngông nghênh đã bỏ thói “nhâm nhi tí mẩn” mài nhẵn xù xì gai góc dọn giọng hót cho bần cố nông nghe trở thành “nhà văn cán bộ” vượt quá yêu cầu của Ðảng…”

Nhà văn Nhật Tuấn nhắc đến việc Nguyễn Tuân đấm ngực tự phê tự kể tội chính mình và từ bỏ tác phẩm của mình: “Tháng 3 năm 1953 sau đợt học tập chỉnh huấn Nguyễn Tuân viết bản thu hoạch “Nhìn rõ sai lầm” đạt kết quả… vượt cả mức Ðảng yêu cầu. Không những rũ bỏ con người cũ ông còn lên án nặng nề những đứa con tinh thần: “Cuốn sách ấy – Vang Bóng Một Thời – là những tang chứng đầu tiên về tội lỗi của tôi với dân tộc. Trong “Vang Bóng Một Thời” tôi đã đứng về phía bọn phong kiến bóc lột thống trị nhân dân lao động mà đưa ra một cái nhân sinh quan phản tiến bộ của bọn quan lại địa chủ tiêu dao hưởng lạc bất lực trước nhiệm vụ lịch sử. Truyện dài “Thiếu Quê Hương” in năm 43 là một tội lỗi nữa về sáng tác cũ. Tập “Nguyễn” in sau ngày Tổng Khởi Nghĩa, tôi tự truyền thần cái tôi thối nát và phá hoại đó… tự dối mình cho là tâm hồn mình vẫn thanh cao mặc dù thân thể tắm vào bùn nhơ của ruơụ, thuốc phiện, dâm ô…

Kết tội, vùi dập tác phẩm của mình quyết liệt tàn nhẫn vậy, phải chăng Nguyễn Tuân chịu sức ép của cán bộ Ðảng? Không hẳn thế, nếu không xác tín, không tự nguyện, không viết từ con tim thì không thể có những lời lẽ cháy bỏng như vậy. Chính vì lẽ đó, Nguyễn Tuân viết về Ðảng với giọng hào sảng “Chân lý của Ðảng đưa tôi sang một chỗ đứng mới. Từ chỗ đó tuy còn non yếu tôi sẽ cố gắng bước dần lên. Ðảng và nhân dân dìu dắt tôi dần lên…”

Hỡi ôi Nguyễn Tuân! Bị “nắm gáy” thế thì tại sao cứ tự nhận mình là nhà văn tiên chỉ của nền văn học xã hội chủ nghĩa nhỉ? Loại văn nô tay sai mới chủ trương: “Văn học nghệ thuật là vũ khí của Ðảng, mỗi một nhà văn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa… văn học phải phục vụ chính trị.”

Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: Tác giả gửi



=============