Nhà thơ Ý Nhi – An nhiên sống trong khu vườn nhỏ
- Từ "Người đàn bà ngồi đan" thời bao cấp, cho đến "Vườn" đương đại hiện nay, có gì khác biệt với Ý Nhi hay không, thưa chị?
+ Thực ra thì chắc cũng không có khác biệt gì nhiều bởi bản chất của một người thường là bất biến. Người đàn bà ngồi đan lặng lẽ ấy cũng chính là người đang quanh quẩn trong khu vườn nhỏ của mình. Tất nhiên, thời gian, những kinh nghiệm sống, những được/mất trong đời chắn chắn có ảnh hưởng đến thơ . “Vườn” dường như an nhiên tự tại hơn, “an phận” hơn.
- Chị đã từng cho biết, thơ cần phải gắn với đời sống chứ không phải là sự mơ mộng hão huyền. Ở thời điểm này, sau 11 tập thơ và cả truyện ngắn nữa, chị vẫn giữ quan điểm đó, phải không?
+ Vâng, vẫn như vậy thôi. Không có đời sống, không gắn với đời sống, thơ lấy gì để sống. Có điều, cách nhìn, cách nghĩ, cách “gắn” của mỗi người mỗi khác, mỗi thời mỗi khác.
- Chồng chị, Giáo sư Nguyễn Lộc có "chia lửa" cùng chị như thế nào trong nghề nghiệp và cuộc sống?
+ Là người nghiên cứu và giảng dạy văn học và là người thầy, ông xã hiểu rất rõ công việc của tôi. Ông là người “chịu” đọc tôi và luôn có những nhận xét xác đáng. Những khi bị chê, tôi thường phải xem lại và tìm cách thay đổi. Đôi khi, xóa luôn phần việc đó.
“Lộc trời Thơ”
- Lý do gì một nhà thơ "chung thuỷ" như Ý Nhi gần đây lại chuyển sang viết văn xuôi?
+ Người ta bảo thơ là lộc trời. Khi trời không cho nữa thì đành chịu. Nói cách khác, thơ đòi hỏi một năng lượng sáng tạo mạnh mẽ. Khi không còn đủ năng lượng, thì phải biết dừng lại. Có thể dừng lại hẳn, cũng có thể tiếp tục bằng một việc khác. Tôi chọn truyện ngắn.
- Chị đã từng viết rất nhiều về tình bạn, trong đó có những gương mặt nữ cùng thế hệ trên văn đàn. Chuyện đó cho đến giờ vẫn chỉ có Ý Nhi là làm được. Ngoài cái tình với nhau ra, chắc cũng chỉ vì ... cái tình mà chị thực hiện công việc này?
+ Tôi có những bài viết về các nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ, trong đó có những người bạn nữ như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Minh Khuê…. Thực ra, tôi chỉ muốn qua những trang viết, bày tỏ lòng biết ơn của mình về những gì tôi nhận được từ họ.
- Là con gái lớn của nhà nghiên cứu Hoàng Châu Kỳ, chị đã bị ảnh hưởng thế nào từ người cha nổi tiếng của mình?
+ Từ khi còn nhỏ, chị em chúng tôi đã học được từ ba tôi tình yêu sâu sắc với nghệ thuật sân khấu dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật hát bội. Ông cũng dạy cho chúng tôi niềm say mê lao động, đã làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn và không ngừng học hỏi.
- Đồng nghiệp đánh giá Ý Nhi là người phụ nữ đôn hậu và sống rất chân thành với các đàn em trong nghề. Nghe nói chị đã dành nhiều thời gian để đọc nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ và đóng góp ý kiến giúp họ. Chị nghĩ thế nào về xu hướng viết của giới trẻ hiện nay?
+ Khoảng cách tuổi tác là một trở ngại lớn cho một người ở vào tuổi tôi có thể thấu hiểu những nhà thơ trẻ và sáng tác của họ. Tuy nhiên, quan niệm của tôi là ủng hộ những tìm tòi mới mẻ của họ, sự tìm đường của họ. Có lẽ nhờ vậy mà tôi có nhiều những người bạn vong niên trong nghề.
Lại làm vườn, dọn dẹp nhà cửa và viết!
- Xin ra khỏi Hội Nhà văn và sau này rút vào cuộc sống lặng lẽ, yên bình trong gia đình, phải chăng Ý Nhi đang trở về bản ngã thực sự của "người đàn bà ngồi đan" thời hiện đại?
+ Không phải bây giờ mà từ khi còn trẻ, tôi đã biết quý trọng cuộc sống gia đình. Việc chăm nom chồng con chu đáo, sau này thêm việc chăm nom các cháu nữa, luôn khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi quen sống lặng lẽ, ít tiếp xúc với bên ngoài nên hầu hết thời gian chỉ dành cho gia đình và công việc
- Giải thưởng thơ Cikada do Thuỵ Điển trao tặng 2015 vừa qua đã mang đến cảm xúc gì cho chị?
+ Tiêu chí của giải thưởng Cikada là: dành tặng cho những vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống. Một tiêu chí đẹp đẽ và nhân bản. Điều này khích lệ người nhận giải và những người yêu thơ, quan tâm đến thơ. Tôi cảm thấy rất xúc động và bất ngờ về giải thưởng này.
- Trong thời "gạo châu củi quế", nhưng có vẻ như tình yêu thơ ca vẫn tràn ngập khắp nơi. Bằng chứng là trong rất nhiều bình luận của các bài báo trên các trang mạng, người ta thường thể hiện bằng thơ ca. Vậy, theo chị, tình trạng "cơm áo không đùa với khách thơ" đã có thể chấm dứt được chưa?
+ Theo quan sát của tôi thì có chút mâu thuẫn: trong lúc các nhà thơ có phần lo lắng vì sự lạnh nhạt của người đọc đối với thơ thì thơ lại xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Thực ra thì Cơm Áo vẫn “không đùa với khách thơ”, nếu khách thơ đích thực là nhà thơ.
- Chị sẽ ăn mừng với giải thưởng thơ vừa đạt được như thế nào? Và sau giải thưởng này, chị sẽ quay trở lại với thơ chứ?
+ Tôi đem biểu tượng của giải thưởng (bằng gốm) đặt vào tủ sách, ngăn dành cho Thơ, xếp tấm bằng và những giấy tờ liên quan vào một chiếc phong bì lớn, cất vào chỗ các tư liệu cá nhân, và, tiếp tục công việc của mình: dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, làm vườn, đọc và viết.
Yên Minh (thực hiện)
=====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét