Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

bài đọc thêm (2) : " bóng thời gian, đọc thơ MAI TRUNG TĨNH / Lê Văn Phúc ( Mỹ) -- source: Internet

 

BÓNG THỜI GIAN  ĐỌC THƠ MAI-TRUNG-TĨNH  (1)

Lê Văn Phúc

Mai Trung Tĩnh nổi tiếng từ khi được giải thưởng văn  chương toàn quốc 1960-1961, cùng với Vương Đức Lệ về bộ môn Thơ.

Mỗi người đóng góp 20 bài, làm nên tác phẩm 40 Bài Thơ.

Trong phạm vi loạt bài này, tôi chỉ xin nói đến thơ Mai Trung Tĩnh mà thôi. Một dịp khác, sẽ  đề cập đến thơ Vương Đức Lệ.

Mai Trung Tĩnh là bút hiệu của Nguyễn Thiệu Hùng, sinh năm 1937 tại Hanoi, cựu học sinh Chu Văn An, Cử nhân giáo khoa triết học Tây phương và Văn Chương, làm thơ từ năm 15 tuổi, sĩ quan trừ  bị khóa 16 Thủ Đức, đại úy tại Cục Tâm Lý Chiến đặc trách Chương Trình Tiếng Nói Dạ Lan, giáo sư văn chương và triết học.

7 năm cải tạo, 4 năm tù đầy, tháng- 95 cùng gia đình qua Mỹ theo chương trình HO, định cư tại vùng Maryland.

Tình trạng sức khỏe suy yếu trầm trọng, Mai Trung Tĩnh  đang nằm trong một Nursing Home,  tỉnh tỉnh mê mê bất thường.

Tháng 5- 2001, một số bạn cũ như Uyên Thao, Vương Đức Lệ, Hoàng Song Liêm, Ngô Hữu Liễn, Lê Bảo Hùng đến thăm thì anh không nhận được ra ai, chỉ một thoáng nhắc đến Ngô Hữu Liễn.

Tháng 7- 2001, Hoàng Hải Thủy cùng vài bạn tới thăm thì anh tỉnh táo hoàn toàn, gọi tên từng người, trò chuyện đứt quãng nhưng thân tình, vui vẻ.

Dịp may hiếm hoi này, tôi hỏi anh tại sao lại có bút hiệu là Mai Trung Tĩnh  thì anh trả lời:

-  Mai Trung Tĩnh là Yên tĩnh trong rừng mai. Vậy thôi!

Trong lúc anh lâm trọng bệnh, nhóm bạn cũ có ý định in một tập gom lại từ 3 tập thơ để anh còn chút niềm vui.

Ngày 10 tháng 6, tại vùng Hoa Thịnh Đốn đã có buổi lễ ra mắt tập thơ này với sự tham dự của một số đông văn nghệ sĩ và thân hữu yêu mến anh.

Tại các thành phố lớn khác như  San Jose, bắc Cali; Santa Ana, vùng nam Cali;  Houston, vùng TX; Toronto, vùng Canada..cũng  dự tính tổ chức nhữngbuổi ra mắt tương tự.

Sự săn sóc ân cần của mọi người dành cho Mai Trung Tĩnh không phải chỉ vì anh có  tài làm thơ với nhiều ý tưởng mới lạ, mà chính vì anh còn có  tư  cách đàng hoàng,  chân tình  và điềm đạm, không làm mất lòng ai.

Anh có một  đời sống riêng, một cõi thơ riêng, chỉ mình anh cưu mang trong câm nín cuộc đời .

Con người Mai Trung Tĩnh  đầy ắp yêu thương, khát khao hạnh phúc nhưng không tìm được giây leo hạnh phúc.

Trong  lời Tựa, Uyên Thao nhận  xét  về thơ Mai Trung Tĩnh :

...Tuy không vượt nổi cái thân phận hữu hạn bị trói buộc giữa muôn ngàn hệ lụy, Mai Trung Tĩnh vẫn tự hào tìm được cho mình một lối thoát để có thể tạm rời xa ngôi nhà ngục hoang mang u uất. Những ưu tư  giăng mắc bám theo anh như hình với bóng nhưng không xé nát tâm tư anh và những hoài vọng không thể hiện hình thành thực tế vẫn không trở thành những ngọn roi chí tử. Trong khoảnh khắc thời gian nào đó, Mai Trung Tĩnh vẫn tìm được thư thái cho tâm hồn qua một ánh sáng buổi sáng, một bông hoa đang hé nở, mọt nụ cười chan chứa yêu thương hoặc một hơi ấm từ bàn tay bè bạn...

...Mai Trung Tĩnh vẫn có được bóng mát của sự bình yên do thái độ thản nhiên chấp nhận mọi sự hiện hữu trên đời, bất kể đó là mất mát, là điên cuồng, là ngược ngạo.

Đây cũng chính là điều khiến thơ Mai Trung Tĩnh ít hiển hiện bóng hình sôi nổi của thời đại mà anh đang sống, một thời đại in hằn dấu vết  những tai ương khốc liệt. Có lẽ trước mắt Mai Trung Tĩnh, thời đại nào cũng chỉ là một khoảnh khắc phù du so với thời gian vô cùng của cuộc sống. Cho nên, mọi tai ương đều chỉ là cát bụi trước cái Hữu Hạn bi thảm mà con người phải gánh chịu từ kiếp này qua kiếp khác. Không một tai ương nào đủ tầm vóc đọ nổi với cảnh ngộ lạc hướng của con người trên đường truy lùng ánh sáng trí tuệ có thể soi tỏ dung nhan Hạnh Phúc và Chân Lý.

Mai Trung Tĩnh không thể rời khỏi thời đại của mình, nhưng anh đã đặt mọi thời đại vào dòng sống miên viễn để đối mặt với cuộc đời muôn thuở. Đây là cuộc đối mặt từng dày vò tâm tư không biết bao nhiêu con người, nhưng với riêng Mai Trung Tĩnh, anh đã giữ được nụ cười gánh chịu mọi thương đau.

Tiếng thơ Mai Trung Tĩnh đã trở thành tiếng thơ của một tâm hồn chứa đầy ước vọng nhưng biết nhận phận mình để thản nhiên đi giữa những tai ương...

...Một con người mang thân phận bi thảm của kiếp người với nỗi khát khao tuyệt vọng kéo dài từ vạn kỷ sống giữa một thời đại khốc liệt mà hình hài vương đầy thương tích của một thân phận nạn nhân.

Nhưng đó là con người không ngừng thiết tha yêu thương cuộc sống và vẫn bình thản đi tới kể cả khi hình hài đang phản bội chính mình.


 (Uyên Thao)


Một tập thơ đầy ắp thân tình

Trong khi Mai Trung Tĩnh nằm trên giường bệnh, bạn bè anh  đã góp lại những bài thơ  của anh  trong  40 Bài Thơ, Ngoài Vườn Địa Đàng & Những Bài Thơ Xuôi và Những bài thơ sau 30-04-1975, gom thành một tập lấy tên Thơ Mai Trung Tĩnh.

Tập thơ do Tiếng Quê Hương ấn hành, bìa mầu của Đinh Cường, phụ bản của Đằng Giao (tranh sơn mài) và Lê thị Kim ( tranh sơn dầu), chân dung tác giả qua ống kính Huy Phương (1995) và nét vẽ Tạ Tỵ ( 1969).

Tập thơ gồm 73 bài thơ qua các thể điệu: Thơ 5 chữ, thơ lục bát, thơ 7 chữ, thơ tự do và thơ xuôi.

Phần cuối tập thơ là vài hình ảnh của tác giả với bạn bè và bạn bè viết về Mai Trung Tĩnh (10 người). Tôi nghĩ vì thời gian cấp bách, bằng hữu ở xa xôi nên liên lạc trễ nải, chứ nếu có thời giờ dái hơn hẵn đã có cả trăm bạn bè bầy tỏ cảm nghĩ  trước hoàn cảnh ngặt nghèo của một người bạn quý.

Nhưng với sự săn sóc ân cần và tiếp tay nồng nhiệt thì điều đó cũng đủ nói lên tấm lòng  thiết tha yêu mến  của bạn bè dành cho  anh.

Tập thơ hoàn thành, Vương Đức Lệ đem đến Nursing home trao tay cho Mai Trung Tĩnh. Anh cảm động gần như muốn khóc.

Tập thơ Mai Trung Tĩnh đã được gửi đến bằng hữu, các nhà sách, giới thiệu trên báo chí, đài phát thanh...

Công việc của tôi hôm nay là  đọc thơ, thấy có nét đẹp nào đặc biệt, những tâm tình nào dấu kín trong thơ, những cảm nghĩ của tác giả về   cuộc đời, về thế giới chúng ta, cảm nghĩ của bằng hữu xa gần...thì tôi nhón lấy lạm bàn hoặc trình độc giả thưởng lãm.


Đọc thơ, ngâm thơ

Những bài thơ tự do hay thơ xuôi của Mai Trung Tĩnh  ẩn dụ nhiều  khúc mắc cuộc đời , nhiều ý tình nồng đắm thiết tha. Những bài thơ gieo vần thì dễ hiểu, Nhưng tựu trung, bài thơ nào cũng mang một âm điệu, nhạc điệu và tình ý mênh mông tác giả muốn gửi gấm.

Thế nên, khi thưởng thức một bài thơ mà muốn thông cảm với nhà thơ, với mầu sắc hình ảnh âm thanh thì không gì thú vị bằng cách  lên tiếng đọc  thơ  hoặc ngâm những lời thơ đó.

Không cần phải có cả một Ban Tao Đàn với những giọng ngâm Quách Đàm, Hồ Điệp, Hoàng Oanh. Không nhất thiết phải có Thanh Hà hoặc Tô Kiều Ngân thổi sáo hay một hai nghệ sĩ đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tranh...

Bạn  đừng e ngại ngượng ngùng, cứ đọc to lên, ngâm nga thế nào tùy ý, miễn là bạn muốn diễn tả lời thơ theo ý bạn. Bạn sẽ thấy hồn thơ nhập vào mình để cùng rung cảm với nhà thơ. Bạn sẽ cảm thông hơn với tác giả và tạo cho mình một sự sảng khoái đầy thú vị. Không ai trách bạn đâu mà ngược lại còn chịu bạn là người biết thưởng thức văn chương gấm vóc nữa không chừng. Bạn đâu có phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp ngâm thơ, trình diễn giữa công chúng hay trên đài phát thanh đâu mà sợ người ta phê bình chỉ trích khen chê? Vậy xin bạn chịu khó nghe tôi, cứ đọc to, ngâm to lên nhé!

Cái thú đọc thơ, ngâm thơ là ở như chỗ đó!

***

Khi bình minh lấp ló ngoài song là lúc anh trở dậy, bước ra lan can nhìn cuộc đời dưới kia, sinh hoạt ồn ào căng đầy sức sống. Một cuộc sống reo vui thân thiết như thế mà sao anh úp mặt khóc đêm qua?

Phải chăng, anh nhìn cuộc đời như nhìn trong đêm tối, không ánh sáng, không hiện tại, không tương lai. Tất cả là một màn đêm bao phủ. Mai Trung Tĩnh viết:


Buổi sáng

Buổi sáng anh trở dậy ra lan can nhìn xuống đường
Anh nhìn cuộc đời ở dưới ấy
Không khí trong lành đất trời cỏ cây chim chóc
Và tiếng nói của người vào châu thành
Tâm hồn anh đã ngủ giữa đêm ồn ào
Con ngựa khỏe lành gõ móng nhịp đầu buổi mai
Người thợ rảo chân trong gió sớm
Mỗi ngã tư như hội học trò
Chao! Tương lai như gần gũi
Buổi sáng anh trở dậy ra lan can nhìn xuống đường
Để quên mình úp mặt khóc đêm qua



Đất nước chúng ta là những ngày dài chinh chiến đau thương. Thành phố tiêu điều, làng mạc  hoang sơ, thân phận con người bơ vơ, hắt hủi. Tôi  mở mắt nhìn đời, nhìn anh, nhìn em, nhìn những cuộc tình không dám nghĩ. Cuộc đời như một định mệnh, một định mệnh  mình tôi gánh chịu.

Mời bạn đọc:

Lịch sử

Tôi mở mắt và nghe mình nhỏ lệ
Những trận giặc kéo dài qua nhiều năm
Nhân loại đau buồn kể lể
Thành phố bị chiếm tiêu điều
Làng mạc héo khô trong cơn điên cuồng tàn bạo
Tôi mở mắt nhìn
Anh là người hậu chiến hồn hắt hủi bơ vơ ngoài phố
Thương bằng hữu bỗng trở thành những kẻ tử tù
Hay chết giữa công trường một sớm mai
Sớm mai hồng miệng còn muốn nói
Lời ca ngợi mặt trời
Và những bộ mặt hãi hùng hiện lên trong giấc mơ
(cho xin thêm niềm phẫn nộ)
Em là người hậu chiến mất nhiều hy vọng
Tìm tuổi trẻ ngác ngơ như kẻ dọn chiến trường
Quán rượu từng trận buồn đổ xuống
Những cuộc tình duyên không dám nghĩ bao giờ
Lồng ngực gầy vàng hơi thở


Em là bóng ma hay tiếng vang
Đâu con đường dài thơ ấu
Bóng mát  hàng cây  sông nước mặn mà
ruộng vườn trinh khiết
Như tuổi thơ như chút sương
Ôi đau thương như nàng
Một sớm mai tôi sực tỉnh bàng hoàng
Nghe cuộc đòi mình gánh chịu
Định mệnh nằm trong tay
Tôi nhận niềm đau vô lý ấy.


  Có một lần, nhà thơ đưa đám tang đứa trẻ nhỏ ra nghĩa địa,  trở về buổi trưa nắng sáng trong trong mà mắt lại nặng trĩu đầy chì. Anh nghĩ, người ta chết thật thản nhiên như lúc sống.

Và ban đêm, ban đêm anh lắng nghe một tiếng đàn than thở...

Xin trích đoạn cuối bài thơ xuôi:

Tiếng khóc

...Tôi vẫn trờ về xóm đêm đêm nghe tiếng đàn than van kể chuyện chiều xưa mẹ chết anh bỏ đi, em bơ vơ chịu lấy một mình đau khổ. Em lớn lên mang theo từng hồ lệ khóc khong hết ngày xanh.

Bao cung bậc nức nở như lòng anh rạn nứt.

Người ôm đàn còng lưng gói tròn tâm sự riêng tây, giây chùng nỉ non như trái tim bị hắt hủi.

Người ta muốn xót thương và cần sự tội nghiệp của kẻ khác ư? Cuộc đời phải chăng là một chuỗi dài tội nghiệp. Đêm đêm người ta vẫn đàn vọng cổ tiếc cho ngày xưa dù có hay không. Nghĩa là một dĩ vãng, kỷ niệm nào.

Nghĩa là tôi muốn cho mắt khóc. Cuộc đời là những câu vọng cổ dài. Đời mình là những chuỗi nhớ thương tiếc nuối.

Người muốn thế nên không cưỡng được.


Trên đây là vài bài thơ tự do và thơ xuôi trong tập 40 Bài Thơ .

Người đọc thấy Mai Trung Tĩnh  ẩn dấu một tâm hồn cô đơn cùng cực, một tâm sự đắng cay về cuộc đời. Tác giả nhìn chung quanh mình, nơi nào cũng  là hắt hủi, chán nản tận cùng. Ngày mới bình minh cũng nhuốn mầu âm u buồn bã và cuộc đời mình là gánh chịu, bi thương.

Qua đến tập Ngoài Vườn Địa  Đàng và Những Bài Thơ Xuôi, chúng ta thấy rõ nét hơn một Mai Trung Tĩnh  vững vàng với cách nhìn cuộc đời, nhìn thế cuộc đầy khát vọng và khắc khoải.

Trong tuyển tập Thi Ca và Thi Nhân (1969),   Cao Thế Dung  nhận xét về Mai Trung Tĩnh như sau:

Thơ Mai Trung Tĩnh là tất cả cái khuôn dáng của một kẻ đơn hành, đơn điệu và cuộc đời như một gánh nặng làm đau nhức đôi vai  mà kẻ đơn hành kia vẫn phải gánh nó, đường thì thật dài bất trắc, chói chang...Ông tìm đến sự sống không phải là sống  với đời để tìm thấy sự sống. Ông sống với sự sống trong một thế giới suy tư. Song thế giới suy tư của ông  phần lớn là những suy tư  rất  tự nhiên  vì nó đã trút bỏ được cái vỏ cứng nhắc của trí thức trường học và thơ ông bầy tỏ rõ cái Tôi suy tư của ông...Một cái Tôi cụ thể và hữu hạn...

(Cao Thế Dung).

Bài thơ 5 chữ bắt gặp trong phần hai của tập thơ, Mai Trung Tĩnh  diễn tả nỗi sầu miên man, diệu vợi. Cuộc đời  là mỏi mệt, tế bào như rũ liệt, cành khô trong nắng tàn, ngó mình cũng tan hoang. Nhà thơ đi trong chiều  buồn lủi thủi.

Thầm nhủ

Sách vở sẽ nhầu nát
Từng trang và từng trang
Khuôn mặt người có khác
Tôi vẫn sầu miên man

Tôi đi thăm buổi chiều
Nghe giọngđời mỏi mệt
Trong dáng điệu quanh co
Tế bào chừng muốn liệt

Tôi muốn dơ tay vẫy
Cành khô rũ nắng tàn
Chiều đi không ngó lại
Tôi lủi thủi lầm than

Trở về nơi trú ngụ
Hoang vu đầy hai vai
Những đêm mơ nằm ngủ
Giấc mộng đốt hình hài

Buổi mai tôi thức dậy
Ngó mặt mình đỡ quên
Tôi vẫn nhìn tôi vậy
Còn em, ai ngó em?


Bị trói gò trong  khuôn khổ cuộc sống chật hẹp  như trong một trường đua, quanh mình đầy nghi ngờ rình rập, bon chen nghiệt ngã, nhà thơ muốn thoát ly khỏi cái giới hạn chông gai hầm hố đó. Vì  chúng ta chỉ như những con ngựa chạy đua trên một dòng vô định miệt mài, hai bên cây cỏ lá hoa cũng chẳng khác gì những nạn nhân, chứa muôn hồ lệ.

Đây, con ngựa đã chạy để thoát khỏi cảnh trường đua, thoát khỏi những bon chen, tranh lấn với đời. Và cuộc đời đi về đâu, nhà thơ đâu cần biết nữa...

Giải thoát

Tôi bỏ tất cả lợi phẩm dù nhỏ nhoi của đời tôi  ra đi. Bởi cuộc đời là một bãi trường đua không giới hạn, không người đánh cá, mà Thượng Đế là khán giả độc quyền hả hê dõi mắt nhìn lũ ngựa bị ném vào đang chen lấn lùa nhau tìm ngả thoát ra.

Chúng ta chạy đua trên một dòng vô định mải miết đến muôn năm, chạy theo con đường hầm hố chông gai, cây cối trĩu oằn khắc khổ, lá hoa thì trùng cong chứa  muôn hồ lệ. Còn sỏi đá là những viên  lửa nhỏ âm muu toan đốt chân loài nhập cuộc. Tôi đã chạy nên chân tôi những nốt phỏng  bỗng mưng dần.

Với  tháng ngày qua, tôi hiểu tôi chỉ là một loài thụ tạo bị ném xuống trần gian trống trải. Một sớm cô đơn hoảng kinh tôi đi tìm đồng đội. Nhưng chẳng gặp ai nên thấy mình trở thành đấng quyền năng với tất cả những gì mình có, không còn ai cản ngăn cấm đoán.  

Nên tôi bỏ đi chẳng cần biết đến nơi đâu, để thấy cuộc  đời là cánh rừng bao la đầy trái cây bí nhiệm phải chối từ.    
        

Có lúc, nhà thơ ví thân phận mình không khác gì con muỗi sa vào trong nghiên son cuộc đời, cánh đập cũng không thoát khỏi sa lầy, chân quẫy cũng thành vô vọng.

Trong tột cùng tuyệt vọng ấy, con muỗi mơ hồ nhìn chung quanh lửa bốc lớn dần, kinh hãi  kiếm nơi ẩn tránh, tìm chui vào một giếng nước sâu. Nhưng tìm cũng chẳng ra, nên ngó lại quanh  mình đều tàn tích hủy thiêu và thân xác mình cũng thay dạng đổi hình thê thảm.           

Cuộc sống

Tôi ngẩng cao đầu ngoi nhìn bốn phía
Chẳng cạnh bờ nào cho ngón tay tôi  bấu vịn
Cuộc đời thản nhiên trơn như vết dầu loang
Đẩy tôi đi trên những đường vô định

Trong nghiên son, tôi con muỗi mắt đã sa vào
Cánh đập từng hồi, chân quẫy đã tê gân
Hết sức bình sinh dướn lên, tôi lấy đà hớp thở
Chỉ một hồi tôi lại sắp mệt nằm yên
Mơ hồ thấy đồng bọn cũng chập chờn ngắc ngoải

Và ngày tháng nhìn lửa bốc trong tôi, khắp ngả to dần
Hốt kinh tôi bỏ chạy đi tìm một chiếc giếng sâu
Tôi trốn vào đậy nắp, rồi dấn mình cho nước vã đầy thân
Dập tắt khối tinh vân bừng hung hãn

Nhưng chẳng tìm ra nên tôi vẫn vật vờ dốc thở
Ngó lại tôi xem giờ nơi ghi tàn tích cuộc hủy thiêu
Tôi kéo lê thân để mọi người trông khủng khiếp
Em cũng nhìn tôi, xong vội vã lánh nhanh đi.


Theo Mai Trung Tĩnh trong những dòng thơ tự do và thơ xuôi, chúng ta lại bắt gặp một bài thơ ngắn 5 chữ, gồm hai đoạn, mỗi đoạn 4 câu.

Nhà thơ đối diện với cuộc đời, nhìn hiện tại thì hiện tại mịt mờ, nhìn tương lai thì tương lai u ám. Hạnh phúc trong tầm mắt nhưng đã vượt khỏi tầm tay. Như mang một vết tím bầm rút về dưỡng thương băng bó. Ngày xanh có quay lại thăm, hẳn cũng nhăn mày lệ rỏ.

Đây là một trong số ít bài thơ đắc ý của Mai Trung Tĩnh. Khi theo học khóa 16 Thủ Đức năm 1963, anh thường đọc bài thơ này cho bạn tôi Lê-Bảo-Hùng và tôi nghe khi di hành lên đồi 29, 30 học chiến thuật.

Chúng tôi vốn không hiểu mấy về thơ văn nhưng nghe cũng thấy rung động và cảm thấy có một chút gì thấm thía. Nên tác giả chỉ đọc một hai lần là chúng tôi thuộc nằm lòng.


Giáp mặt

I
Hạnh phúc chẳng đăng quang
Tương lai đôi cánh mỏi
Tôi nghe tôi não nề
Đã qua tầm tay với

II
Vết thương lên tím bầm
Tôi rút về băng bó
Ngày xanh quay lại thăm
Cũng nhăn mày lệ rỏ


Ghi chú:  Câu thứ hai của đoạn I, có một chữ in sai:

        Tương lai đôi cánh mỏng

thực ra là :

            Tương lai đôi cánh mỏi

vì chữ mỏi vần với cuối câu bốn với và ý tưởng cũng diễn tả đúng hơn.

Khi thăm Mai Trung Tĩnh  tại Nursing home, tôi có hỏi lại cho chắc thì anh xác nhận rằng chữ mỏi là đúng. Vậy xin bạn đọc có tập thơ, vui lòng sửa lại dùm  ở trang 60 cho được hoàn hảo.

  Trở lại với sở trường của Mai Trung Tĩnh qua thơ tự do, chúng ta có cảm nghĩ gì khi trông thấy một người nằm ngủ trong mùng? Chắc không mấy ai có ý tưởng lạ lùng, so sánh kinh dị như tác giả bài thơ sau đây.

Bình thường, ở Việt-Nam người ta nằm ngủ giăng mùng cho khỏi muỗi cắn. Nhất là trong  quân ngũ, binh sĩ nằm trên giường vải với chiếc mùng cá nhân.

Chúng ta hãy nghe nhà thơ Mai Trung Tĩnh ví von qua cái nhìn rất hiện sinh, rất triết học, nhìn mình qua hình ảnh một người  trong giấc ngủ cô đơn trong chiếc quan tài, chung quanh chỉ là những bủa vây của kiếp đời nghiệt ngã.

Người ngủ

Màn đã buông, người thu gọn vào trong, bốn đỉnh treo lên bốn góc quan tài

Thân nhỏ lại, cánh tay dần mất dấu, chân cũng yên

Tai nghe ngóng chỉ mơ hồ hỗn loạn
Mắt cố  nhìn nguyên tảng khối đen bủa vây quanh

Như bó cô đơn, tôi ngã xuống
Và những ngón tay tôi loại giây buộc chẳng bền vừa rãn mỏi

Lợi phẩm của ngày đã thừa cơ trôi mất xa
Giờ, tôi con lõi chỉ hết sợi nằm trơ trần
Tôi chờ Định Mệnh kêu vang hồi mãn kiếp

Hoặc giả chưa đến kỳ nên lưu dụng tôi phiên sau.(Nghĩa là tôi lại tiếp tục quay thêm vòng bất hạnh cho sợi phiền đau vương thắt mãi)

Thôi, thây bất động, còn có chi đáng tiếc
Cả chút thở phập phồng kia cầm nhịp rồi cũng bỏ ngực tôi mà thoát ra

Tôi sẽ bị xô nhanh vào vô tâm trống trải
Thoắt kinh hoàng, tôi la hét tuyệt vọng âm thầm

Nhưng ai đè nặng trong đầu, tôi biến đi.


Đọc bài thơ, tôi liên tưởng  đến  tình trạng sức khỏe kiệt quệ của  Mai Trung Tĩnh hiện nay.

Đoạn  giữa, như một lời tiên tri  số mạng:

...Giờ, tôi con lõi chỉ hết sợi nằm trơ trần
Tôi chờ Định Mệnh kêu vang hồi mãn kiếp...


Định mệnh chưa kêu vang nhưng những phutù giây ngắn ngủi chắc không còn được bao lâu. Bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra trong dòng  tử sinh  phù thế.

Mai Trung Tĩnh sinh trưởng tại Hà-Nội. Năm 1961, anh làm bài thơ Ngó lại tại miền Nam, nhớ lại cuộc đời mới ngoài hai mươi mà đã lắm phong trần.

Tuổi thơ ngây trôi quá nhanh, anh lớn lên trong thành phố nhà cửa ngổn ngang đổ vỡ, đêm đêm nghe ròn tiếng nổ ngoại ô. Rồi anh vào Nam, bỏ lại sau lưng nhiều kỷ niệm. Anh ước mơ Hòa Bình, tự Do, Dân Chủ nhưng chẳng bao giờ có được  một niềm mơ ước nhỏ nhoi.

Rồi súng lại nổ, máu  xương lại tơi bời, thần chết lại hiện hồn  khua  lưỡi hái dài làm rách nát quê hương. Mai Trung Tĩnh viết:


Ngó lại

Ngó lại đời tôi lăn lóc mãi
Ngoài hai mươi năm, hờø!
Cuộc sống xẻ chia ra từng khúc ngắn dài
Mỗi đoạn tôi không sao đoán được

Thời ấu thơ thói thường kỳ mộng mị
Chưa biết buồn trời đất tôi đi trong lảnh lót tiếng chim ca
Một dạo bỗng nuôi sầu mới lạ
Bước trên đường tôi chợt thấy âm thầm trôi hết cả thơ ngây

Tôi lớn lên trong Hà-Nội gạch ngói ngổn ngang cửa nhà đổ nát
Là chứng nhân, tôi  đi mỗi sớm mai hoặc chiều về phải ngó
Đêm đêm tôi chong đèn nghe ròn tiếng nổ ngoại ô
Tôi biết tuổi tôi đi bên cảnh bạo tàn
Nhân loại điềm nhiên trên những thi thể đám mồi ngon

Rồi, thảng thốt tôi cũng vào Nam ngày chia cắt.  Bỏ lại sau lưng nhiều kỷ niệm với căn nhà thừa tự của người cha

Trên cuộc phiêu lưu, tôi ôm nỗi ám ảnh Hòa Bình tự Do Dân Chủ

Phận thuyền con sóng cả, tôi kiếm vịnh dung thân

Nhưng phải chăng tự bao giờ lịch sử như mặt biển kia chỉ xanh tươi một hồi sóng lặng
Sau bão giông vì quá sợ sự im lìm nên lại xô về tiêu táp hung hăng
Bây giờ súng lại nổ vang, những hình thù ló ra. Tôi ngủ chẳng còn yên ổn nữa
Và niềm riêng ôm ấp cũng mong manh

Hiện tại chiếu soi trên đớn đau cùng tuyệt vọng
Gã lặng câm giận hờn, tôi xuống đời nghe ngóng cuộc vần xoay.


(...)


LÊ VĂN PHÚC


=============


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ