Trước khi nhận định toàn bộ về con người Ngô Đình Diệm và chế độ của ông ta, chúng tôi xin ghi lại những giây phút cuối cùng của cuộc đời một tổng thống “Việt Nam Cộng hòa”. 


Nhân dịp tiếp các phái đoàn quân chính trong ngày 26-10-1963, Tổng thống Diệm, bằng một giọng ai oán, thoáng buồn ông nói:


 “Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm cũng còn hơn nhiều chế độ khác...”.


 Đó là một trong những đoạn trích nguyên văn trang 6 cuốn sách Ai giết anh em Ngô Đình Diệm của Nhà Xuất bản (NXB) Thanh Niên, nhưng đây cũng là đoạn nguyên văn ở trang 16 tập 1 cuốn Làm thế nào để giết một tổng thống? của Lương Khải Minh và Cao Vị Hoàng (tức Cao Thế Dung) đã xuất bản tại Sài Gòn năm 1970.


Bìa  cuốn Ai giết anh em Ngô Đình Diệm của NXB Thanh Niên ghi tên tác giả là Quốc Đại biên soạn (!?) (*) nhưng thực chất đây là một cuốn sách ăn cắp bản quyền với phần nội dung gần như nguyên xi cuốn sách Làm thế nào để giết một tổng thống?. Ngoại trừ một số đoạn, một số từ trong cuốn sách Làm thế nào để giết một tổng thống? có nội dung ca ngợi Ngô Đình Diệm và chế độ họ Ngô, nói xấu chế độ cộng sản... được lược bớt hoặc cắt bỏ khi đưa vào cuốn sách Ai giết anh em Ngô Đình Diệm của NXB Thanh Niên, còn lại phần lớn nội dung câu chữ, tít tựa từng chương, từng mục đều giống nhau hoàn toàn. Ngay cả đoạn văn sau đây với giọng điệu của một tác giả tâm lý chiến chế độ Sài Gòn trước đây, vẫn được NXB Thanh Niên “biên tập” bê nguyên xi vào:


 “Ngày 2-11-1965, ngày giỗ đoạn tang Tổng thống Diệm và ông cố vấn Nhu, chiến cuộc đã bắt đầu gia tăng. Chỉ một tuần lễ cuối tháng 10-1965 số quân nhân thương vong lên đến 1.600 người, tính trung bình mỗi ngày có trên 200 quân nhân hy sinh về chiến cuộc... (trang 571 - Ai giết anh em Ngô Đình Diệm).


Nhà biên soạn Quốc Đại (!?) và NXB Thanh Niên dù có cắt bỏ, lược bớt một số đoạn, có thay thế một số từ ngữ nhưng cuốn sách Ai giết anh em Ngô Đình Diệm? vẫn còn nguyên vẹn tư tưởng “phù Ngô”, chống cộng của hai tác giả Lương Khải Minh (từng phụ việc trong Dinh Gia Long cho Ngô Đình Diệm) và Cao Vị Hoàng (tức Cao Thế Dung).


 Được biết, Cao Thế Dung, hiện đang sống tại Hoa Kỳ, còn có các bút danh khác như: Hà Nhân Văn, Hà Nhân, có nhiều bài viết chống nước CHXHCN Việt Nam. Trên tờ báo Dân tộc - cái gọi là “cơ quan ngôn luận của chính phủ lâm thời Việt Nam tự do” ở hải ngoại, Cao Thế Dung được giới thiệu là “cố vấn đặc biệt thủ tướng chính phủ lâm thời Việt Nam tự do”, từ ngày 19-1-2003, cùng với tiểu sử có bề dày của y trong việc tham gia và giữ những chức vụ quan trọng trong các tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam  XHCN từ năm 1980 đến nay.

Sau cuốn sách Chuyến xe ma quái của NXB Văn Học ăn cắp bản quyền truyện ma của tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn, từng bị dư luận phê phán, đây là trường hợp thứ hai một NXB lớn đã  sao chép  một cuốn sách từng được xuất bản trước năm 1975. Nghiêm trọng hơn, nội dung của nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tình cảm của người đọc hiện nay trong nước. NXB Thanh Niên và cơ quan quản lý xuất bản sẽ nói gì về “sự cố” này?  ./.


-------------

(*)  - bút hiệu khác của Phan Kim Thịnh . (Bt)


Ân Thông

( báo người lao động ( tp. hcm)


==============