VĂN HÓA
Đọc “Ngọn gió qua vườn” mới hiểu Ý Nhi đứng ở bậc thang cuối để quan niệm ý nghĩa cùng tận của việc làm thơ dù “chỉ có ích cho một người, Thơ đã xứng đáng để tồn tại”. Một thi tuyển chưng cất hương vị trí tưởng, mùi thơm tư duy, ánh sáng tinh khôi hay le lói ngôn ngữ, bọc lót trong những tứ thơ lộng lẫy, diễm tuyệt bất chợt khám phá bởi một ngọn gió phi thời tiết thổi qua khu vườn yên tĩnh tuyệt đối để lắng nghe từ đó những đối thoại vô hình tới hữu hình của hạt sương đến vũ trụ.
1. Tôi vừa nhận được bộ ảnh của nhà sưu tập (*) gửi tặng chụp nữ sĩ Ý Nhi những năm 1985. Cùng một lúc là tuyển thơ - truyện ngắn "Ngọn gió qua vườn" (Nxb Phụ Nữ) dày hơn 800 trang như tập hợp một hành trình làm nghệ thuật của Ý Nhi. Nhìn tấm ảnh chụp tác giả thời hoàng kim, trẻ đẹp nhất của đời người cùng lúc đọc những câu thơ đầy triết lý, ý thức thân phận và trách nhiệm của một nghệ sĩ bỗng trong tôi dâng lên hình ảnh cân đối hai vế Thi - ảnh đó: "Chút gì như/ Bóng dáng đời ta" khi đi qua kiếp tha nhân trên mặt đất này.
Thực ra câu thơ này cũng nằm trong một bài hát của nhạc sĩ Dương Thụ và ông cũng chưa bao giờ đề tên xuất xứ. Cũng như rất nhiều hình ảnh cùng một số câu khác từa tựa như thơ Ý Nhi bàng bạc trong lời của Dương Thụ. Tôi đã từng viết trên facebook đặt thắc mắc này. Dương Thụ đã gọi điện ngay cho tôi và cho biết đúng là ông đã lấy thơ hay dựa vào thơ Ý Nhi trong một số lời ca khúc ông. Đơn cử như mấy bài "Bây giờ biển mùa đông" và "Bay vào ngày xanh". Tuy nhiên ông không để tên thơ Ý Nhì vì ông và bà là bạn bè thân (!?), đã từng chơi với nhau từ thưở hàn vi cực khổ. Ông từng mời bà làm giám đốc salon Văn học của Cà phê Thứ bảy Và nữa, ông không muốn mọi người nghĩ Dương Thụ kém như vậy vì... phổ nhạc từ thơ người khác(!?). Tôi lại không nghĩ như vậy! Một minh chứng hoàn toàn ngược lại là nhạc sĩ Phú Quang cả một đời gần như phổ thơ của người khác nhưng chú thích rõ ràng vị trí của ông có kém phần sang trọng đâu? Hay nhạc sĩ Trần Tiến chỉ dùng ba chữ "Lá diêu bông" của thi sĩ Hoàng Cầm mà đã trân trọng để tên ông trong phần lời ca khúc "Sao em nỡ vội lấy chồng?" đâu có ảnh hưởng gì đến tên tuổi ông thậm chí còn nâng tầm cả hai ông lên nữa!
Vậy thì, lý do gì Dương Thụ không làm điều đó? Mà lại lấy nguyên cả những câu thơ Ý Nhi trong bài hát của mình? Những câu thơ - triết - học mà cả đời chắt chiu gạn lọc kiếp nhân sinh ngỡ phù du của một người đàn bà ngồi đan viết ra? Những câu thơ không hề dễ dàng như chính bà chiêm nghiệm là "Những đối cực/ đã tuyệt vời hài hòa (...)/ những tiếng kêu bi thương/ cuồng nộ/ đã tan/ trong lặng thinh kỳ bí" (Đắc đạo). Để đi đến tổng kết bi tráng mà hiu quạnh "Chút gì như/ Bóng dáng đời ta" (Quê hương).
Rồi Dương Thụ còn nói với tôi, ông đã từng viết về việc này nhưng chưa công bố ở đâu, sẽ in sách trong năm nay (!?). Và ông xin tôi địa chỉ email để gửi cho tôi xem bài viết đó. Nhưng sau tất cả những gì Dương Thụ nói, tôi đều thấy không thuyết phục được tôi. Chỉ trừ một ý thấy ông có vẻ có lý. Đó là Ý Nhi là bạn thân của ông. Có thể khi ông phổ bài thơ sử dụng 1, 2 câu trong thơ Ý Nhi bà đều vui lòng thông qua, không chấp nhất gì! Tuy nhiên, vấn đề đã không đơn giản khi tôi tìm thấy trong tập "Ngọn gió qua vườn" đã có giới thiệu lại bài thơ này (Quê hương - trang 220) và chỉ đề tên Ý Nhi. Không đả động gì đến lấy ý hay sử dụng ca từ của Dương Thụ. Như thế, về mặt văn bản học, nếu không làm rõ là có vấn đề. Bởi sau chừng vài nhát thời gian mọi thứ xóa dấu vết hết thì ai đang mượn của ai? Nếu đã là những nghệ sĩ, tri thức lớn và ưu việt của xứ sở này thì điều đầu tiên tôi nghĩ trong sáng tạo phải có sự trung thực và tôn trọng lẫn nhau! Tôi còn tìm thấy dấu vết bài hát "Họa mi hót trong mưa" cũng đã xuất hiện trong bài thơ "Chuyện ở vườn" của Ý Nhi và nhiều bài khác nữa! Nhưng thôi, tạm gác câu chuyện này lại!
2. Đọc “Ngọn gió qua vườn” mới hiểu Ý Nhi đứng ở bậc thang cuối để quan niệm ý nghĩa cùng tận của việc làm thơ dù “chỉ có ích cho một người, Thơ đã xứng đáng để tồn tại”. Một thi tuyển chưng cất hương vị trí tưởng, mùi thơm tư duy, ánh sáng tinh khôi hay le lói ngôn ngữ, bọc lót trong những tứ thơ lộng lẫy, diễm tuyệt bất chợt khám phá bởi một ngọn gió phi thời tiết thổi qua khu vườn yên tĩnh tuyệt đối để lắng nghe từ đó những đối thoại vô hình tới hữu hình của hạt sương đến vũ trụ.
Trong Diễn từ nữ sĩ đã đọc tại lễ nhận giải thưởng Cikada của Thụy Điển năm 2015, một giải thưởng danh giá được lập nên vào năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson (giải Nobel văn học 1974), Ý Nhi đã nói lên được điều cần nhất của một người làm nghệ thuật, một thi sĩ, hay một lời cảnh báo trước những đe dọa có thể dẫn tới diệt vong của xã hội: “Tôi vẫn nghĩ, có thể nhiều người không cần thơ mà họ cần trước hết lương tri của nhà thơ, tiếng nói của nhà thơ…”. Trong rất nhiều tác phẩm lớn của Rabindranath Tagore, Luis Borges, Pablo Neruda, HarryEugenio Montale, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky, Octavio Paz, Wislawa Szymborka, Tomas Tranströmer… chúng ta đều tìm thấy ánh lửa ấy!
Và phải chăng, qua cảnh báo của Ý Nhi người yêu thơ Việt cũng được thức tỉnh, lay động bởi ánh lửa lương tri? Vì mỗi cá thể thi sĩ chỉ một lần, và duy nhất đi qua cuộc đời này và để lại câu thơ như hạt giống tư duy, lộng lẫy kiêu hãnh không kém xao xuyến mơ hồ “Chút gì như bóng dáng đời ta…” .
(Sài Gòn, mùa Corona, 18.3.2020)
NHHM
Ý Nhi ngoài là một Nữ sĩ có vị trí quan trọng trên Thi đàn Việt Nam hiện đại, bà còn là một cây bút viết truyện ngắn nổi tiếng. Như nhận xét của nhà văn, dịch giả Vũ Thành Sơn "truyện ngắn Ý Nhi đã có ý thức đổi mới và có thành tựu rõ rệt"
(Ảnh: Bộ sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp)
====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét