Bóng hồng của "Nửa hồn thương đau"
Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 5478
Những tình khúc Nửa hồn thương đau, Người đi qua đời tôi... của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã quá quen thuộc với công chúng từ hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, hoàn cảnh ra đời các ca khúc tuyệt vời này lại thấm đẫm một nỗi buồn...
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Cha ông là một nghệ sĩ đàn tranh, còn mẹ ông là nghệ sĩ đàn bầu. Cả hai chơi đàn rất tuyệt.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi vừa 18 tuổi. Hầu hết những sáng tác của ông trong giai đoạn này có phong cách tươi trẻ, hùng tráng như Hò leo núi, Sáng rừng, Trăng rừng, Trăng Mường Luông, Ra đi khi trời vừa sáng (viết chung với Phạm Duy)..
Phạm Đình Chương và ca sĩ Thái Thanh - Ảnh: Tư liệu
Năm 1951, Phạm Đình Chương chuyển vào Nam, và ban hợp ca Thăng Long được thành lập với những thành viên là anh chị em ruột trong gia đình gồm: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh), đôi khi còn có sự góp mặt của ca sĩ Khánh Ngọc. Ban hợp ca này mau chóng trở nên nổi tiếng. Trong khoảng gần 10 năm tiếp theo, Phạm Đình Chương đã sáng tác được nhiều ca khúc tuyệt vời như Tiếng dân chài, Được mùa, Đợi chờ, Xóm đêm, Ly rượu mừng, Đón xuân... đặc biệt là trường ca Hội Trùng dương (Tiếng sông Hồng, Tiếng sông Hương và Tiếng sông Cửu Long).
Trước đây, nhiều người từng cho rằng Phạm Đình Chương thật đáng tự hào khi là “sở hữu chủ” của một giai nhân kiều diễm và có một thân hình bốc lửa như nữ ca sĩ Khánh Ngọc (biệt danh “ngọn núi lửa”). Danh tiếng của Khánh Ngọc nổi như cồn trong khoảng 5 năm (từ 1955-1960), không chỉ trong lĩnh vực ca nhạc mà cả trong điện ảnh, cô nổi tiếng trước cả Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương... Sau biến cố được cho là do vợ ngoại tình, Phạm Đình Chương ly dị vợ, và ông được quyền nuôi đứa con trai (lúc đó khoảng 4-5 tuổi).
Thời gian này, Phạm Đình Chương không còn tâm trí để cùng biểu diễn với ban hợp ca Thăng Long được nữa. Ông sống khép kín, ít giao thiệp với bên ngoài. Cũng từ đây, những bản tình ca ai oán của Phạm Đình Chương đã ra đời trong nước mắt. Những nốt nhạc là kết tinh của những cơn đau thương, của những hoài niệm xót xa, với những ca từ bi thiết, đó là những ca khúc: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu...
Riêng với 2 ca khúc Người đi qua đời tôi và Nửa hồn thương đau thì trong tâm trạng đau đớn tột cùng bởi gia đình tan nát, chia lìa, Phạm Đình Chương đã tìm thấy sự đồng cảm từ bài thơ của Trần Dạ Từ: “Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu. Mưa mù lên mấy vai, gió mù lên mấy trời. Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt. Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên. Bàn tay mềm khói sương, tiếng hát nào hơ nóng. Và ai qua đời tôi, chiều âm vang ngàn sóng, trên lối về nghĩa trang... Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người... Em đi qua đời anh, không nhớ gì sao em” (Người đi qua đời tôi). Đặc biệt, từ bài thơ Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền, ông đã viết thêm ý rồi đổi tựa để thành ca khúc Nửa hồn thương đau bất hủ: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ. Hay chỉ là giấc mơ thôi, nghe tình đang chết trong tôi, cho lòng tiếc nuối, xót thương suốt đời. Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau. Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau, hay ta còn hẹn nhau kiếp nào. Anh ở đâu? Em ở đâu? Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu. Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất, và tiếng hát, và nước mắt... Đôi khi em muốn tin... Ôi những người... Khóc lẻ loi một mình”.
Ca khúc Nửa hồn thương đau được người em ruột của ông là ca sĩ Thái Thanh trình bày khiến những ai đã nghe qua khó thể quên được. Nhưng nếu trong một cơn say nào đó được chính tác giả hát lên thì người nghe mới thật sự xúc động. Giọng ca của Hoài Bắc vốn trầm và dội, sau cú sốc tình cảm quá lớn lại như có ướp thêm men rượu. Nếu như ai đã từng quen ngồi phòng trà Đêm màu hồng - tên một bản nhạc của Phạm Đình Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền tại Sài Gòn vào những năm trước 1975, chắc chắn từng bắt gặp Phạm Đình Chương tay cầm ly rượu và điếu thuốc cháy dở, hát đơn ca bằng một chất giọng nhừa nhựa rất phiêu.
Thực ra đây là ca khúc ông viết cho phim Chân trời tím. Đến lúc bộ phim sắp hoàn tất, bị nhắc nhở vì trễ hẹn và trong men say chếnh choáng Phạm Đình Chương đã trút hết nỗi đau của mình vào Nửa hồn thương đau.
Khánh Ngọc sang Mỹ từ năm 1961 để học thêm về điện ảnh và đã có gia đình mới, nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ trần tại California (Mỹ) năm 1991. ./.
theo thanhnien.com
===========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét