Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

bài đọc thêm (1) : " Khánh Ngọc trong đời nhạc sĩ Phạm Duy / bài viết: Lê Văn Nghĩa [1953 - ] -- nguồn báo Thanh Niên ( Tp. HCM)

  


  •  


  • Khánh Ngọc trong đời nhạc sĩ Phạm Duy

     0 THANH NIÊN
    Phạm Duy là một người đa tài, nổi tiếng nên khi người phụ nữ nào vướng vào chuyện tình ái với ông đều không phải dạng vừa đâu vì vừa tài hoa lại vừa xinh đẹp 'hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh'.
    Ca sĩ - diễn viên Khánh Ngọc	 /// Ảnh: Tư liệu
    Ca sĩ - diễn viên Khánh Ngọc
    ẢNH: TƯ LIỆU
    Mới đây trên Báo Văn Nghệ TP.HCM có đăng bài viết của nhạc sĩ Văn Lương về nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó nhắc đến mối tình của Phạm Duy và Khánh Ngọc: “Cho tới khi anh lâm nạn vì chuyện “ăn chè ở Nhà Bè” với cô Khánh Ngọc, một cơn địa chấn đối với anh, khi cả làng báo Sài Gòn rộ lên làm một cuộc “bề hội đồng” không thương tiếc! Bởi cái tên anh lớn. Sự kiện bi thảm này đã thực sự khiến anh mất tinh thần. Mặc dù sau khi tỉnh hồn, anh vẫn đáp trả lại công luận bằng sự đanh thép, gan lì của một nghệ sĩ không sợ gì ai cả, đó là bản nhạc Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!”.
    Thế hệ hậu sinh biết chuyện tình buồn này với hậu quả là một gia đình tan vỡ và một nhạc phẩm Nửa hồn thương đau để đời. Người ta chỉ biết Khánh Ngọc là vợ của Hoài Bắc Phạm Đình Chương, là một ca sĩ trong ban hợp ca Thăng Long nhưng thân thế và cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Khánh Ngọc ít được ai biết đến.
    Ăn chè ở nhà bè
    Nhà Bè thuở ấy vắng vẻ chứ chưa có nhà hàng bán cá chìa vôi và sốt đất như bây giờ. Và chắc chắn lại không có một quán bán chè hay cháo nào hết. Nhưng sau khi vụ án tình giữa Phạm Duy - Khánh Ngọc xảy ra thì cụm từ “ăn chè Nhà Bè” được nhắc đến nhiều.
    Theo báo chí ngày đó tường thuật thì nhạc sĩ Hoài Bắc đã nghi ngờ cuộc tình của vợ mình với người anh rể nên rắp tâm theo dõi (vợ Phạm Duy là ca sĩ Thái Hằng, chị ruột của Hoài Bắc Phạm Đình Chương). Một đêm xui cho đôi tình nhân này, Phạm Đình Chương và một vài người trong gia đình đã bám theo chiếc xe Studebaker chở Phạm Duy - Khánh Ngọc trên đường đi Nhà Bè. Do không kềm chế được cảm xúc nên Phạm Đình Chương đã cho chiếc xe Traction chặn đầu xe của Phạm Duy lại. Hiện trạng chỉ như thế chứ chưa kịp đi đến giai đoạn “nụ hôn ao ước” hay trong phòng tối sờ soạng. Cũng cần biết là thời chính quyền Ngô Đình Diệm chuyện “thuần phong mỹ tục” rất là gắt gao. Sau đó cả hai ra tòa và Khánh Ngọc được quyền nuôi dưỡng đứa con trai.
    Từ vụ án tình này, trên mặt báo cũng như ngôn ngữ đời thường thì hai chữ “ăn chè” được dùng để chỉ những cuộc tình vụng trộm với hàm ý châm biếm.
    Mối tình gắn kết từ phim ?
    Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Anh, sinh năm 1937 tại Hà Nội, là kết tinh của mối tình mẹ Việt cha người Minh Hương. Thuở nhỏ, Lan Anh theo học trường Tàu cho đến trung học thì quay qua học chữ Pháp. Đến năm 1951, Lan Anh theo gia đình vào Nam. Nhờ học nhạc khi còn là nữ sinh, được thụ giáo môn dương cầm dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Võ Đức Thu, Khánh Ngọc đi sâu vào ngành ca nhạc và được mời hát trên làn sóng điện của Đài phát thanh quốc gia và Đài Pháp Á Sài Gòn. Với giọng ca vàng của mình, Khánh Ngọc gia nhập ban hợp ca Thăng Long và đã hai lần theo ban hợp ca này ra Bắc trình diễn vào năm 1952 - 1953.
    Chưa thể so với giọng ca vượt thời gian Thái Thanh nhưng thời gian này Khánh Ngọc cũng là một giọng ca có hạng. Tuy vậy, Khánh Ngọc vẫn còn ước mơ xa hơn đó là vòm trời điện ảnh. Khánh Ngọc đã một lần tâm sự trên mặt báo: “Tôi mê thành diễn viên màn bạc từ lâu lắm, chẳng nhớ là từ bao lâu, nhưng có điều chắc chắn là ngay từ hồi bé tí tôi đã mê những Shirley Temple, Mickey Rooney, Deanna Durbin. Tôi thường vẫn nói với tụi bạn bè “ôn con” của tôi hồi đó: “Tao mê chúng nó quá biết bao giờ mình mới được đóng xi nê như thế nhỉ?” (Tuần báo Truyện Phim số 46 - 1958).
    Không biết vận may hay vận rủi cho đời bà khi “giấc mơ điện ảnh đã đến với tôi trong một đêm đẹp trời giữa lúc tôi không ngờ nhất”. Vào một đêm cuối năm 1955, sau khi trình diễn ca nhạc tại một rạp chiếu bóng ở Sài Gòn, Khánh Ngọc đã được các chuyên viên điện ảnh Mỹ và Philippines đại diện cho một hãng điện ảnh Philippines sang hợp tác với VN sản xuất bộ phim Exodus và đang đi tìm một nữ diễn viên. Sau đó, Khánh Ngọc đã được đạo diễn César Amigo chọn đóng chung với các nam tài tử Philippines. Trong phim còn xuất hiện hai chị em Thái Thanh, Thái Hằng và Phạm Duy. Rồi từ bộ phim này, Khánh Ngọc đi hẳn vào con đường điện ảnh bằng vai chính trong phim Đất lành đóng với Lê Quỳnh, Lê Thương và Kiều Hạnh, rồi tiếp theo là cuốn phim màu Chim lồng do chính Phạm Duy làm đạo diễn.
    Có lẽ cuộc tình của Phạm Duy - Khánh Ngọc bùng cháy sau cuốn phim Đất lành. Sau khi phim quay xong thì Phạm Duy và Khánh Ngọc được hãng phim mời đi Hồng Kông để chuyển âm. Nơi đất khách quê người, không gia đình dòm ngó nên cuộc tình “ngược dòng” của hai nhân tài đã bùng cháy…
    Được biết sau khi ly dị, Khánh Ngọc đã sang Mỹ tiếp tục theo học nghề điện ảnh và ca hát. Bà theo học Trường Pasadena Playhouse College (California) và học thanh nhạc với ông Tuttle. Trong một lá thư đăng trên Báo Kịch Ảnh năm 1962, Khánh Ngọc cho biết: “Tôi đã hát tại Los Angeles, Pasadena, San Francisco... trong những buổi trình diễn nhạc kịch và đã thâu một số dĩa như Danny boy, Smoke gets in your eyes, Never on Sunday… Tôi cũng có dịp hát tại Đài NBC bài Giấc mơ hồi hương của Vũ Thành…”. Vào tháng 7.1962, Khánh Ngọc về thăm lại Sài Gòn và hát trong Đại nhạc hội Kim-Vân-Khánh được báo chí tiếp đón, viết những bài báo rất thân thiện.
    Có thể cuộc tình Phạm Duy - Khánh Ngọc sẽ phôi phai theo thời gian nhưng vì bà đã dính vào tên của một nghệ sĩ mà “thiên tình cổ lụy” rất đa đoan. Mỗi khi nhắc đến đời tình ái nhiều tai tiếng, tréo ngoe cũng như bài hát Nửa hồn thương đau trong tam giác Phạm Duy - Khánh Ngọc - Phạm Đình Chương thì không ai lại không nhớ đến tên nữ ca sĩ và diễn viên điện ảnh tài hoa. Nhà văn Mai Thảo đã nhận định trong Báo Kịch Ảnh: “Tình yêu lớn đó gửi cho nghệ thuật cho quê hương nếu đích thực sâu rộng và đằm thắm ở Khánh Ngọc vẫn là những hiện tượng được che giấu kín đáo dưới bề ngoài lặng lờ gần như lạnh nhạt của một người trước hết đã dám sống đời sống của mình. Dầu phải đánh đổi bằng những cái gì thật quý giá, quý giá như chính lòng đam mê nghệ thuật và tình đất nước quê hương”.
    Sau này chẳng nghe tin bà trở về VN và theo báo chí thời xưa thì bà đã lập gia đình mới và mở quán ăn tại Mỹ chứ không theo con đường nghệ thuật nữa. ./.

    LÊ VĂN NGHĨA 
    ( nv 1953 -          )

    ============

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét