Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

bài đọc thêm: " Nhà văn Võ Ý trình làng tuyển tập về đời lính " / bài viết: Huy Phương -- source : www.nguoi-viet.com>

 


Nhà văn Võ Ý trình làng tuyển tập về đời lính

Sau Tháng Tư, 1975, ra hải ngoại, có nhiều nhà văn không chuyên, trước đây chưa hề cầm bút, đã xuất hiện với những tác phẩm khá phổ biến, nhất là trong giới quân nhân.

Qua chiến tranh, những kỷ niệm không quên, những trận chiến để đời, chia ly, tù đày, tình chiến hữu… đã để lại những dấu ấn, cần phải ghi lại, như là một thôi thúc, trăn trở của một đời người, nhất là thời gian mà người ta cho là cuối đời. Đoạn đời mà nhà thơ Cao Tần đã tự hỏi: “Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”

Võ Ý là một trường hợp như thế.

Sinh năm 1940, tốt nghiệp Khóa 17 Võ Bị QGVN, Võ Ý phục vụ trong binh chủng Không Quân VNCH, là cựu trung tá Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 (Quan Sát) thuộc Sư Đoàn VI Không Quân Pleiku.

Sau năm 1975, ông đã bị tập trung trong các trại “cải tạo” của Cộng Sản 13 năm, đến Hoa Kỳ theo diện H.O. định cư tại Missouri và sau đó là Nam California.

Ở Hoa Kỳ, Võ Ý đã xuất bản hai tác phẩm: “Lý Lịch Dọc Ngang của Thảo” (2003) và “Tổ Ấm Bay Về” (2013.) Võ Ý còn là một nhà thơ, sinh hoạt trong nhóm Cội Nguồn (San Jose) do Song Nhị chủ trương.

Tháng Mười Một, 2018, Võ Ý đã cho ấn hành “Tuyển Tập Võ Ý,” sách dày 400 trang, gồm hai phần: Không Quân Ngoại Truyện và Truyện (sáng tác).

“Không Quân Ngoại Truyện” chính là phần Võ Ý viết về những nhân vật không quân xuất sắc một thời, nơi đây chúng ta có thể biết về tình chiến hữu huynh đệ chi binh, sinh hoạt một thời chinh chiến của người lính không quân, mà thời trước đã được xem như là những người lính hào hoa.

Ngoài những cấp chỉ huy như Tư Lệnh KQ Trần Văn Minh, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Võ Ý đã viết về nhân vật Trần Dật, người chủ trương quỹ tương trợ “Không Gian Ân Tình” không bỏ anh em, không bỏ bạn bè, để giúp đỡ cho những anh em Không Quân ngày còn ở lại quê nhà. Trần Dật chính là người nổi tiếng nhất trong Không Quân, được chiến hữu biết đến hơn là ông tổng hội trưởng KQ thời đó.

Trong “Không Quân Ngoại Truyện,” Võ Ý đã nhắc đến hai người nghệ sĩ, một thơ là thi sĩ Cung Trầm Tưởng, một nhạc là nhạc sĩ Trần Duy Đức, cùng những người bạn dã hy sinh, chia sẻ những gian nguy ngoài mặt trận cùng nhau.

Võ Ý không quên nhắc đến những trang sử hào hùng của quân lực miền Nam qua những tác phẩm “Dấu Binh Lửa” của Nhảy Dù Phan Nhật Nam, “Trên Vùng Trời Lửa Đạn” của Không Quân Vĩnh Hiếu, “Tàn Cơn Binh Lửa” của Biệt Kích 81 Lê Đắc Lực.

Bên đó là những nhân vật chỉ huy xuất sắc như Đại Tá Trần Ngọc Huyến đã tạo một sinh khí và tinh thần chỉ huy mới cho sinh viên Võ Bị Đà Lạt, ý kiến Kamikazé của nhóm Diều Hâu đánh vào hạm đội của Trung Cộng tại Hoàng Sa năm 1974 và những chuyện bi thảm trong “Đi Tìm Xác Rơi” về những chuyến bay không có cơ hội trở về… Và cả cao nguyên Pleiku “đi dăm bước đã trở về chốn cũ…” của một thời súng đạn.

Đọc “Tuyển Tập Võ Ý” để thấy thương yêu người lính VNCH hơn, dù họ chiến đấu trên không, ngoài biển cả hay trong rừng rậm Trường Sơn. Qua tuyển tập này chúng ta cũng biết đến tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng và tình bạn chiến trường của một thời khói lửa, nhiễu nhương của đất nước, những điều rất khó quên hay cần nhớ lại của những người đã bỏ đất nước ra đi.

Buổi giới thiệu “Tuyển Tập Võ Ý” (Phi Đoàn Trưởng Bắc Đẩu 118) sẽ được tổ chức tại nhà hàng Golden Sea (góc đường Brookhurst và Katella) vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 27 Tháng Giêng, 2019. (Huy Phương)  ./.


source: www.nguoi-viet.com>


======================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ