Nhà văn Nguyễn Tà Cúc nói về nhân vật nữ trong văn học miền Nam
Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Nhà phê bình, biên khảo văn học Nguyễn Tà Cúc vừa có một buổi thuyết trình về “Các nhân vật nữ trong tác phẩm của một số nhà văn miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Ðỗ và Viên Linh” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, vào chiều Thứ Bảy, 27 Tháng Chín.
Nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc (thứ hai từ phải) giữa bạn bè đồng môn Gia Long. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Phần lớn người đến tham dự là những người đã có nhiều năm trong sinh hoạt văn học nghệ thuật từ trong nước ra đến hải ngoại như Nhật Tiến, Huỳnh Hữu Ủy, Trần Phong Vũ, Ngọc Hoài Phương. Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, thành viên sáng lập và cố vấn của Viện Việt Học cũng có mặt trong suốt buổi sinh hoạt này.
Ngoài ra còn có khá đông các đồng môn Gia Long của nhà văn Nguyễn Tà Cúc.
Buổi thuyết trình của Nguyễn Tà Cúc cũng là buổi ra mắt tác phẩm mới nhất của bà là “Văn Học Miền Nam: Nhóm-Tạp Chí-Tác Giả.” Tuy nhiên, buổi ra mắt sách lại không có phần giới thiệu tác phẩm như thường thấy trong các buổi ra mắt sách khác.
Giới thiệu tác giả, nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí văn học Khởi Hành, hướng về việc thuyết trình của tác giả trong buổi sinh hoạt hôm nay nhiều hơn.
Ông nói ngắn gọn cũng như tác giả đã cho biết ngay trên bìa sách. Ở Sài Gòn, học Gia Long. Di tản qua Hoa Kỳ, học tiếp ở đại học Penn State University, tham gia ngay từ đầu khi tạp chí Khởi Hành tục bản ở hải ngoại. Năm 2009, tốt nghiệp cử nhân, năm 2010 đậu cao học. Luận án cao học của Nguyễn Tà Cúc là “Một nghiên cứu phong phú về nền văn học của một quốc gia đã mất: Nền văn học Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1975,” do nhà thơ Viên Linh giới thiệu.
Chỉ trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc đã lược qua các tác giả tiêu biểu mà bà đã chọn đã viết gì, nghĩ gì về những nhân vật nữ trong các tác phẩm của mình.
Với Bình Nguyên Lộc, qua nhân vật cô Chi trong “Chút Phận Ðàn Bà,” người đàn bà dưới chế độ nào cũng là “phận đàn bà,” chịu đựng những oan khiên. Như chế độ Cộng Sản rêu rao cái tiêu ngữ là “Giải Phóng Phụ Nữ” nhưng thực tế cô Chi, vị bác sĩ “nhảy dù” nghĩa là một bác sĩ không có học hành gì về y tế nhưng được “giải phóng” cho đi làm bác sĩ ở một trại mà Cộng Sản gọi là trại “Phục Hồi Nhân Phẩm” để thấy chẳng phục hồi được gì và cô chỉ còn biết than thầm là chút phận đàn bà.
Nhà văn Nguyễn Tà Cúc thuyết trình về nhân vật nữ trong các tác phẩm của một số nhà văn miền Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Qua Mai Thảo, một trong những nhà văn mà chế độ Cộng Sản gọi là những người viết trong một nền văn học đồi trụy đã “lột hết được cảnh thương tâm và tàn tạ của những cô gái nghèo, một sớm muốn thoát khỏi cảnh bó chân trong những xóm nghèo, đã chính tay châm diêm đốt cháy đời mình.”
Ðến Thanh Tâm Tuyền, cũng như Nguyễn Mạnh Côn, theo Nguyễn Tà Cúc, thì nhà văn lý luận về cái bình quyền tự do cho phụ nữ được khai sinh từ phương Tây, họ đưa ra những quan niệm tự do của phụ nữ là không thích làm vợ làm mẹ vì đó là những thứ gông cùm và đàn bà vẫn là “trò” của đàn ông và chỉ là “một lũ nô lệ của một ông chủ mắc bệnh thần kinh cho phép nô lệ đóng vai chủ để mình đóng vai nô lệ trong một vở tuồng tự do có giới hạn.”
Với Mặc Ðỗ, Nguyễn Tà Cúc đề cập đến hai tác phẩm của ông là “Siu Cô Nương” và “Bốn Mươi” để thấy các nhân vật nữ của Mặc Ðỗ qua những người đàn bà trong tầng lớp trên, trí thức đỗ đạt từ nước ngoài về.
Sau khi trình bày một số những quan điểm của các tác giả mà Nguyễn Tà Cúc đã chọn làm tiêu biểu, bà tâm tình: “Phê bình chỉ là người khảo cổ, nhờ cậy vào anh em đi trước và cả đi sau để có những tài liệu mà nghiên cứu lại cho chính xác.”
Nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc cũng cho biết, “Công trình phê bình với tôi không chỉ một sớm một chiều mà hoàn tất được, nhiều khi phải bỏ ra cả hàng năm trời để tìm kiếm những tài liệu do chính họ viết ra…”
Trong phần thảo luận với người tham dự, nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc cũng thú nhận “ân hận thì có nhưng nếu phải đi lại từ đầu thì vẫn không thay đổi.”
Về tác phẩm được ra mắt trong buổi sinh hoạt này, nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc đã khá dầy công biên khảo và nhận định về nhiều phần văn học miền Nam gồm có nhóm Văn Học và tạp chí Văn Học, Chiến Tranh Việt Nam: Hồi Ký Văn Học & Tù Ðầy, Kinh Thánh Tin Lành Việt Ngữ và một nghi án văn học thế kỷ 20, Văn Học Tự Do: Văn học miền Nam.
Tác phẩm dầy hơn 400 trang khổ sách lớn, in trên giấy quý. Hình bìa là một trình bày công phu, ý nghĩa của nhà thơ Viên Linh. Sách do nhà xuất bản Mẹ & Con ấn hành. Nhà xuất bản này là của năm mẹ con nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc và đây là tác phẩm đầu tay.
Quý độc giả muốn có sách có thể liên lạc tới PO Box 670, Midway City, CA 92655, hoặc nguyet.thuyhdong@gmail.com.
source: nguoi-viet.com>
==========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét