Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

bài đọc thêm (2) : " Võ Phiến, Nhà văn tự nhận là " Xuân Tóc Đỏ" của Văn Học Miền Nam "/ bài viết: Nguyễn Tá Cúc -- source: gio-o.com>

  


Nguyễn Tà Cúc

Võ Phiến,
Nhà Văn Tự Nhận Là

"Xuân Tóc Đỏ" Của Văn Học Miền Nam



Cách đây vài tháng, nhà xuất bản Nhã Nam, Việt Nam cho phát hành tác phẩm của một nhà văn Miền Nam hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Đó là cuốn Quê hương tôi của Tràng Thiên. Việc này sẽ không có gì để bàn đến nếu một số tùy bút trong cuốn này không được trích ra từ cuốn Đất nước quê hương mà hai lần xuất bản trước đây, lần đầu tại Miền Nam (Lửa Thiêng, Sài gòn, 1973) và tái bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ [Nhà Xuất bản Người Việt (thuộc Nhật báo Người Việt), 1976], đều có tên tác giả là Võ Phiến. Những câu thơ sau đây, diễn tả tâm sự thê thiết của nhà thơ Thanh Nam, một người lưu xứ sang Hoa Kỳ từ năm 1977, không ngờ nay lại ứng một cách oái oăm vào  trường hợp “hai đời” bút hiệu Võ Phiến và Tràng Thiên trong “một kiếp” nhà văn Võ Phiến của cái “dĩ vãng” Miền Nam kia:

Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa […]
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
Thân phận không bằng đứa mãng phu…
(Thanh Nam, Thơ xuân đất khách)

Tràng Thiên vốn là một bút hiệu chung của vài tác giả hợp tác với Tạp chí Bách Khoa (1957-1975) sau được Võ Phiến sử dụng cho các tác phẩm chuyển ngữ như Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (Stefan Sweig), 1963 vv. Bản thân Võ Phiến không coi trọng bút hiệu này chính vì nó đã bị nhiều người, kể cả Vũ Hạnh, sử dụng (1). Trong một bức thư gửi cho họa sĩ Võ Đình ký ngày 11 tháng 4.1987, ông bầy tỏ ý rẻ rúng ấy rất rõ ràng như sau: “Cái bút hiệu. Tôi cũng đã gặp trường hợp ấy. Có một độ tôi ký hai bút hiệu: VP dành cho các sáng tác, còn Tràng Thiên dành cho các loại dịch thuật phê bình vv.., dành cho những công việc ‘thuật nhi bất tác’. Sau đó, có một thời lạm phát phi mã, tôi viết lung tung đủ thứ, và ký không biết bao nhiêu là bút hiệu. Cuối cùng, về già, bây giờ in lại sách cũ, tôi chán các trò bày vẽ lăng nhăng phiền phức. Chỉ hai con đường: nếu xài được, in lại được, thì cùng tập hợp dưới một bút hiệu V P; nếu không xài được thì vứt luôn, không nhìn nhận nữa, quên tuốt.” (2)

Nhưng sự việc không giản dị như thế. Dù sách đã in ra cũng có thể “quên tuốt” nhưng không thể trá bằng một bút danh khác, nhất là một bút danh kém quan trọng hơn hay không đại diện hoàn toàn được cho tác giả đó.  Sự “trá hình” này dẫn người viết trở lại một nghi vấn đã không ngừng theo đuổi nhà văn Võ Phiến trong gần mười lăm năm nay. Phải chăng chứng cớ mới nhất đó giúp người viết, vẫn theo dõi văn nghiệp của Võ Phiến, nay có thể kết luận rằng ông-- vốn được một số thân hữu nhiệt liệt ca ngợi về những thành tích “chống Cộng” và tư cách văn chương gồm cả sáng tác và phê bình—không những không phải là một người có bất cứ một lập trường chính trị nào mà chính tiểu sử chống Cộng và thành tích đời văn vẫn được rao truyền qua nhiều bài viết của những thân hữu ấy cần được kiểm điểm lại một lần chót? Tâm điểm của sự xét lại này là vai trò của ông trong Tạp chí Bách Khoa cũng như bộ 7 cuốn phê bình Văn học Miền Nam mà Võ Phiến hoàn tất vào năm 1999. Hơn thế nữa, một khi xác định được sự chính xác hay không, và nếu cần, chủ ý của tác giả qua của bộ sách đó, người viết sẽ có thể cung hiến một thẩm định  đúng đắn và sau cùng về sự đóng góp của ông vào Văn học Miền Nam và Văn học Việt nam Hải ngoại. 

Để giúp cho sự xác định ấy được công bằng và đầy đủ, ngoài tài liệu của chính mình (3), người viết cũng sẽ giới thiệu (và phân tích nếu cần) về tài liệu của mọi phía, kể cả từ phía khen  như Nguyễn Hưng Quốc cho tới phía chê như Thụy Khuê và Hoàng Nguyên Nhuận. Nghĩa là người viết sẽ trả lời câu hỏi ấy bằng cách tổng kết mọi tài liệu mà người viết có được liên quan đến hoạt động sáng tác và cộng đồng văn chương của Võ Phiến sau 1975. Tại sao lại cần xét lại hoạt động trong “cộng đồng văn chương” của nhà văn Võ Phiến? Vì với tất cả các tác giả thành danh từ Miền Nam, kể cả Võ Phiến, đã chọn sự lưu vong để tỵ nạn Cộng sản, người viết tin rằng chính sự chọn lựa về mặt chính trị đã khiến họ không thể thoát khỏi một sự nhận xét, thậm chí phán xét gắt gao, về hoạt động của họ liên quan đến cộng đồng văn chương tỵ nạn mà họ là một thành phần hiển nhiên trong đó.  Trường hợp Võ Phiến còn rõ ràng hơn nữa khi ông đã tự nhận là “Xuân tóc đỏ” (4) của cộng đồng văn học  Miền Nam, văn học tỵ nạn cộng sản rồi hải ngoại.

 

I-SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG CỦA NHÀ VĂN VÕ PHIẾN TRONG VĂN HỌC MIỀN NAM RỒI VĂN HỌC HẢI NGOẠI QUA TẠP CHÍ BÁCH KHOA &  BỘ SÁCH 7 TẬP PHÊ BÌNH VĂN HỌC MIỀN NAM

1- Võ Phiến không phải là thành viên từ đầu hay quan trọng nhất của Bách Khoa

A-Tạp chí Khởi Hành (Bộ mới, Hoa Kỳ) xác định vị trí các nhân sự liên hệ của Tạp chí Bách Khoa

Bốn năm sau bài Tạp bút không phải là Phê bình Văn học (Nguyễn Tà Cúc)-- chỉ ra những bất toàn trong bộ sách phê bình Văn học Miền Nam của Võ Phiến và sự trả lời quanh co (cho “dư luận”) về những khuyết điềm ấy trong một cuộc “phỏng vấn” trên Tạp chí Văn Học vào tháng 5, 2000--, Tạp chí Khởi Hành (Bộ mới, Hoa Kỳ) mở một loạt nghiên cứu đặc biệt về Tạp chí Bách Khoa. Qua sự quen biết của Chủ nhiệm&Chủ bút Viên Linh với Huỳnh Văn Lang, ông đã đồng ý để được phỏng vấn và sẵn sàng nhận phản bác từ những nhân chứng liên hệ và quan trọng nhất lúc bấy giờ hiện vẫn còn sống như Lê Ngộ Châu (Chủ nhiệm&Chủ bút Bách Khoa 1963-1975/Qua đời năm 2011),  Nguyễn Văn Trung,Võ Phiến và Đặng Tiến. Huỳnh Văn Lang là chủ nhiệm sáng lập Bách Khoa và đã điều hành nó từ năm 1957 cho đến năm 1963 trước khi giao cho Lê Ngộ Châu. Sở dĩ cần có sự bảo đảm đó vì Tạp chí Khởi Hành không dung thứ những phát biểu không có bằng cớ và không dám đối chất trong các vấn đề liên quan đến văn học. Người viết, người phụ trách phê bình cho Khởi Hành, nhận trách nhiệm thu thập tài liệu và đặt câu hỏi để sau cùng, sẽ có một tổng kết công bằng dưạ trên những tài liệu và phát biểu của họ. Người viết đã phỏng vấn Huỳnh Văn Lang dựa trên các phát biểu của Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Văn Trung và Đặng Tiến (5). Ngoài phần nhân chứng vì là chủ nhiệm sáng lập, Huỳnh Văn Lang còn lên tiếng đả phá những nguồn tin cho rằng “Lê Ngộ Châu là linh hồn của Bách Khoa” (theo Nguyễn Văn Trung) hay “Bách Khoa là của Võ Phiến” (theo Võ Phiến),   kèm theo bản sao nguyên văn những phát biểu của họ. Đây là  vài đoạn quan trọng trong bài trả lời ấy:

-“Tôi đọc lại đoạn văn anh Trung viết: ‘Sau 1975, khi Võ Phiến đi rồi, còn ít anh em ở lại, tôi vẫn đến BK (Bách Khoa) hoặc nói chuyện với đôi ba người cộng tác viên cũ hoặc riêng với anh Lê ngộ Châu. Gần đây tôi liên lạc được với anh Huỳnh văn Lang nêu thắc mắc và anh trả lời: cứ đọc tập một trong 3 cuốn hồi ký của anh vừa xuất bản “Nhân chứng một chế độ” mà anh gửi cho tôi nói về tạp chí Bách Khoa (từ trang 418). Một cách công khai, Bách khoa là của anh Huỳnh văn Lang. Sau 1963, vì anh bị rắc rối tù đày, nên trao cho anh Lê ngộ Châu điều hành cho đến năm 1975. Nhưng thực ra ngay từ đầu Lê ngộ Châu đã là “linh hồn” của tờ báo, anh không viết gì nhưng lại mời được người viết thuộc nhiều giới lập trường khác nhau viết bài. Ðiều khó khăn hơn cả mà anh làm được là yêu cầu người viết thêm bớt và được vui vẻ chấp nhận. Do đó có thể nói Bách khoa là Lê ngộ Châu và chắc anh Lang cũng đồng ý như vậy.

Ðọc đoạn văn trên, chị hay một ai khác, nếu không tin thì cũng có cảm tưởng là Huỳnh văn Lang hoặc giả cướp công cướp của  của Lê ngộ Châu hay ít nhứt là bù nhìn để anh Châu làm hết (linh hồn) để rồi “công khai” nói là của mình, như thế cũng có thể gọi HVL bất lương hay gian lận ít nhiều sao đó. Trước hết tôi xin xác nhận là BK có hai thời kỳ “linh hồn” và thể xác của BK rất khác nhau. Thời kỳ I là từ khi cưu mang (1955), dự bị (1956) và sinh ra (15.07.1957) cho đến năm 1963. Tôi giới hạn những khẳng định của tôi sau đây trong thời gian thời kỳ I và thời kỳ I thôi cho “linh hồn”.

Anh Trung viết: “thực ra ngay từ đầu Lê ngộ Châu đã là linh hồn của tờ báo”. Linh hồn là gì? Anh Trung giải nghĩa: ‘Anh Châu không viết nhưng lại mời được người viết thuộc nhiều giới (và) yêu cầu người viết thêm bớt’, như thế có thể hiểu “linh hồn” là nhiệm vụ Chủ nhiệm (mời) và Chủ bút (thêm bớt). Hai điều anh Trung viết trên đều sai cả hai. […] Anh Châu ở đâu và cương vị nào mà “ngay từ đầu” mời họ? Tại sao anh Trung không hỏi xem các chứng nhân còn sanh tiền, ai đã mời họ viết cho BK, trước khi  anh hạ bút viết như trên? Tôi nghĩ anh Trung còn quen biết năm ba người viết cho BK “ngay từ đầu” như anh Võ Phiến, anh Ðặng Văn Nhâm, anh Vũ Hạnh, chị Thảo, BS Dương Quỳnh Hoa còn sanh tiền, anh Trung nên hỏi xem lại. Chủ bút? Có phải anh Châu một hai tuần đã mang đến, phần lớn là tới nhà riêng hơn là VHÐ cho HVL đọc tất  cả những bài sắp đem nhà in và anh chỉ đem đi xuống nhà in những bài HVL đã đọc và có ghi là “được” cũng có những bài HVL đề nghị sửa chữa cũng gọi được là  “thêm bớt”, nhứt là những bài có dụng ý “xỏ xiên” hay chỉ trích chính quyền, động chạm  quá rõ. Ðó là việc liên lạc thường xuyên giữa tôi và anh Châu, khi tôi đi vắng thì anh Tuynh thay thế và như thế “ngay từ đầu” và bốn năm năm liên tiếp. Chắc chắn mỗi lần anh Châu lên gặp HVL không bao giờ nói cho anh Trung hay biết.[…] Nói như trên chị thấy là giải thích linh hồn BK có đủ chưa? Hay là “linh hồn” của anh Trung còn có nghĩa gì cao siêu khác nữa, mà tôi không thấu hiểu nổi? Ngoài ra tôi có một lý do khá vững để bênh vực BK. Có lần trước mặt TT Diệm và anh TCThành, bộ trưởng Thông Tin, tôi có nói về một truyện ngắn của Võ Phiến có tính cách chỉ trích chính quyền :”Xin để cho BK tập tành cái quyền thứ  4”. TT Diệm, làm thinh và xem ra suy nghĩ, để rồi bảo anh Thành :”Ðể đó”, như thế là chủ trương của BK đã được hai người Anh Em (ông Diệm và ông Nhu) thông cảm phần nào. Nhờ thế mà BK vẫn tiến hành đều đều cho đến khi tôi phải giao lại cho anh Châu. Còn về tài chánh thì để giải quyết vấn đề tòa soạn như  đã nói trên, tôi đã bỏ ra, nếu nhớ rõ là 170.000 đồng để sang căn phố số 160 đường Phan đình Phùng mà anh Châu còn ở đó cho tới bây giờ. Cho nên, tôi chưa bao giờ nghe ai khác nói BK là của mình. Chính anh Châu như tôi nghĩ cũng chưa bao giờ nói BK là của anh hay anh là linh hồn của BK, nhứt là “ngay từ đầu” và “đã là”. Còn như  “chắc anh HVL cũng đồng ý như vậy” thì nếu có đồng ý là đồng ý phần nào về thời kỳ thứ hai, chớ đâu có đồng ý “ngay từ đầu” và “đã là” được. Chỉ đồng ý phần nào ở thời kỳ II vì nếu không có thời kỳ I thì làm sao có được thời kỳ II để mà bây giờ nói là “của ai”?! Theo bản chụp hai bài chị gửi cho tôi thì anh VP viết: “Giữa khoảng thời gian ra đời của Sáng Tạo (1956) và Văn Hóa Ngày Nay (1958) tờ Bách Khoa xuất bản số đầu vào tháng 1- 1957. Thoạt tiên là tờ báo của hai nhân vật trong chính quyền: các ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh. Về sau các ông này rút lui ra khỏi chính quyền, rồi tờ Bách Khoa cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu [...] Sau này trong ‘Ngày Võ Phiến’ tổ chức tại California vào hôm 14. 9. 85 thi sĩ Nguyên Sa có một nhận định khái quát về văn học Miền Nam trước tháng 5- 1975. Theo ông ‘văn chương MN gồm bốn khối lón: nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo, nhóm Ðất nước của Nguyễn văn Trung, nhóm Bách Khoa của Võ Phiến và nhóm thứ tư gồm những nhà văn nhà thơ độc lập...”  (Võ Phiến, Văn học Miền Nam tổng quan, trang 238 và 243) Tôi thấy tôi đã trả lời chị quá đầy đủ trong phần về anh Trung và Ô. Tiến nên không cần lập lại cho thêm dài dòng vì những điều trên cũng tương tự như vậy thôi.” (Nguyễn Tà Cúc, “Huỳnh Văn Lang trả lời phỏng vấn của Khởi Hành về Tạp chí Bách Khoa”, Khởi Hành số 94, trang 13-16. Tháng 8. 2004, Hoa Kỳ)

Đó là loạt bài duy nhất về Bách Khoa mà người ta có thể tin cậy vào sự trung thực của nó vì hai lẽ. Thứ nhất, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc loạt bài trong vòng 2  tháng, Lê Ngộ Châu vẫn còn sống, được thông tin đầy đủ và được mời mà không lên tiếng. Như thế có nghĩa là Lê Ngộ Châu công khai công nhận những sửa sai của Huỳnh Văn Lang dành cho Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Văn Trung và Đặng Tiến. Thứ hai, đây là lần đầu tiên người chủ nhiệm sáng lập Huỳnh Văn Lang có được cơ hội trên một tạp chí văn học để  nhận xét về những nguồn tin mà cho tới nay ông mới được biết tường tận. Bởi thế, ngoài lời chứng của chính mình, ông đã có thể trình bầy một Bách Khoa hoàn toàn khác biệt với chân dung mà nhiều người khác, kể cả Võ Phiến đưa ra. Một trong những tiết lộ quan trọng nhất là chính Huỳnh Văn Lang, chứ không phải Lê Ngộ Châu, mới là người tiếp tục giữ sinh mạng Bách Khoa không chỉ trong thời kỳ đầu mà còn ở thời kỳ sau. Là Viện trưởng Viện Hối Đoái dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và một thương gia thành công rực rỡ trong thương trường Miền Nam, ông đã thu hút được các quảng cáo hậu hĩ dư sức giúp Bách Khoa đứng vững ngay cả sau khi ông ra đi. Một tiết lộ khiến người ta, nhất là giới nhà văn Miền Nam—sửng sốt, là Toà soạn Bách Khoa & tư gia Lê Ngộ Châu chính ra thuộc về Huỳnh Văn Lang. Ông đã bỏ tiền ra sang lại căn phố này và tặng cho Lê Ngộ Châu. Như vậy, sự thành công—về mặt sống lâu của Bách Khoa—tùy thuộc rất lớn vào túi tiền của Huỳnh Văn Lang chứ không phải vào tài quản trị của Lê Ngộ Châu như bấy lâu vẫn được xác nhận qua bài viết của Võ Phiến, Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến và dĩ nhiên, sự im lặng của Lê Ngộ Châu.  

Trong những người được người viết cung cấp tài liệu để Huỳnh Văn Lang trả lời, chỉ có một người duy nhất lên tiếng phản bác sau khi đã đưa ra nhiều tin tức có khi sai lạc cả về Bách Khoa lẫn Huỳnh Văn Lang. Người đó là Nguyễn Văn Trung. Có lẽ muốn kiểm chứng cho chắc chắn, Nguyễn Văn Trung đã gửi bài phản bác của ông (qua email) về cả cho Lê Ngộ Châu cùng lúc cho Tạp chí Khởi Hành. Riêng người viết, cũng đã gửi về Việt Nam cho Lê Ngộ Châu một bản gồm 10 câu hỏi qua đường Bưu điện (Huỳnh Văn Lang cung cấp địa chỉ). Trước sau, Lê Ngộ Châu đều im lặng. Im lặng vì ông biết không thể chối cãi những bằng chứng do Huỳnh Văn Lang đưa ra như vẫn phải đem bài đến cho Huỳnh Văn Lang duyệt xét trong thời kỳ đầu, sau khi được Huỳnh Văn Lang nhận vào làm thì kết hôn với cô Nghiêm Ngọc Huân (người vợ thứ hai, vốn là nhân viên Bách Khoa và cháu của Giáo sư Huỳnh Minh Tuynh-người cũng đã góp phần tích cực vào bước đầu của Bách Khoa) khiến dẫn đến việc gia đình cư ngụ ngay tại tòa soạn Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang bỏ tiền ra mua, dựa hoàn toàn vào sự che chở của Huỳnh Văn Lang dưới thời Ngô Đình Diệm để Bách Khoa có thể sử dụng “đệ tứ quyền” và tiếp tục nhận quảng cáo của thân hữu Huỳnh Văn Lang cho tới 1975 (6). So với các tạp chí khác mà người chủ nhiệm hay chủ bút phải lo lắng về sinh kế và về các tổn phí xây dựng tòa báo thì sự thành công của Lê Ngộ Châu—một người được cung cấp phương tiện quá đầy đủ (có lúc dư dả nữa) và được thừa hưởng một nền tảng quá vững chắc với bao nhiêu tác giả cộng tác như Ngiuễn Ngu Í rồi Nguyễn Hiến Lê và Đoàn Thêm- thì không đáng là một sự ngạc nhiên, thậm chí phải khen ngợi quá đáng (như Nguyễn Hiến Lê hay Đặng Tiến đã làm). Nhưng may mà sự tiết lộ về tài chánh của Huỳnh Văn Lang chỉ xẩy ra sau khi Nguyễn Hiến Lê qua đời. Nguyễn Hiến Lê vốn thậm ghét chế độ Ngô Đình Diệm, luôn gọi trống không là “Diệm” (nhưng vẫn kính trọng, một điều ông Hồ, hai điều Ông Hồ) nhưng ông đã vô tình cộng tác lâu dài với một tờ báo được nuôi dưỡng và chủ trương của Huỳnh Văn Lang, một người từng giữ chức Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt đảng Cần Lao!

Loạt bài này còn xác nhận thêm một nghi ngờ mà người viết đã có từ lâu về Võ Phiến: Võ Phiến đã cố tình bỏ qua không những một số nhà thơ gốc Miền Bắc trong cuốn Thơ-Văn học Miền Nam mà còn triệt hạ  một vài nhà văn góp phần quan trọng hơn Võ Phiến trong Bách Khoa để nhân câu nói của Nguyên Sa mà đoạt tạp chí này một cách công khai. Một trong những người đó là Nguiễn Ngu Í. Người đọc không cần tinh ý cũng nhận ngay ra rằng Võ Phiến viết sai tên Nguiễn Ngu Í trong cuốn Văn học Miền Nam Tổng Quan, biến chữ “i” trong “Nguiễn” thành “y”. (7) . Người khác có thể nhầm hay viết sai theo thói quen nhưng một nhà văn Miền Nam có tiếng là đang viết sách về văn sử Miền Nam lại đã cùng có mặt với Nguiễn Ngu Í tại Bách Khoa lâu năm như Võ Phiến thì không.

B-Nguiễn Ngu Í, một nhà văn chủ yếu hơn Võ Phiến của Tạp chí Bách Khoa

Trong các tác giả của Văn học Miền Nam, phải kể đến ký giả, nhà nghiên cứu kiêm nhà thơ và nhà văn Nguiễn Ngu Í. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Ngư (1921-1979). Ngoài vài bài viết về ông của một số thân hữu, điển hình là của nhà văn Tùng Long, người đọc trong hay ngoài nước đều sẽ không tìm thấy tài liệu hay được đọc bài của ông một cách dễ dàng so với số bài phỏng vấn, tường thuật và sáng tác đồ sộ đã xuất hiện trên Bách Khoa, tạp chí mà ông cộng tác hầu như lâu dài và chuyên cần nhất. Một nhà văn Miền Nam như Võ Phiến-- người đặc biệt có dịp đọc tận mắt các loạt bài của ông trên Bách Khoa và thay ông viết tin sinh hoạt sau này-- thì  nhắc đến ông rất sơ sài trong Văn học Miền Nam tổng quan. Nếu một độc giả nào đó tò mò hơn cố tìm đọc sáu cuốn sau đó về Văn học Miền Nam cũng của Võ Phiến thì có thể ngạc nhiên mà nhận thấy rằng một tác giả đa dạng và có tài như Nguiễn Ngu Í đã không có tên. Ông như một ngôi sao băng, lướt qua nền trời lấp lánh. Nhưng có phải ngôi sao ấy quả đã biến đi vào nơi miên viễn? Người viết tin rằng là không. Cái di quang của ngôi sao ấy vẫn còn đủ chói lọi để soi rọi một khoảng thời gian chưa hẳn mất, phản ảnh không những sự nghiệp và con người ông mà còn của những tác giả xuất hiện cùng với ông trong mảnh trời còn sáng rực ấy.

Trong khoảng thời gian nửa thế kỷ --căn cứ vào bài “Nguyễn Văn Vĩnh 1882-1936”, bài cũ nhất của ông mà người viết có được, ký năm 1948-- và không gian đấy bất trắc cả về chính trị trong khoảng 1940-1960 lẫn lòng người đồng nghiệp vô tình hay cố ý bỏ quên, Nguiễn Ngu Í đã hành nghề làm báo hay viết nghiên cứu một cách tận tâm và đầy sáng kiến nhưng lúc nào cũng với một thái độ chính trị không thay đổi. Ông chống lại người Cộng sản một cách quyết liệt, thể hiện qua hầu hết mọi bài mà ông ký tên dù là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lý hay Tân Fong Hiệb… Thái độ chính trị ấy là một sự kiện hiển nhiên mà bất cứ người đọc nào, chứ đừng nói tới người phê bình như Võ Phiến, cũng phải nhận thấy vì nó xuất hiện thường trực và quả quyết trong từng bài một. Ông cộng tác với Tạp chí Bách Khoa ngay từ đầu với tư cách của một người trong ban điều hành, khi ấy chưa có Lê Ngộ Châu, nhưng có những người như bà Phạm Ngọc Thảo nhũ danh Phạm Thị Nhiệm. Ông quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ quan trọng hàng đầu như Nguyễn Hiến Lê, giúp đặt nền móng cho Tạp chí Bách Khoa trở thành một tạp chí có tính văn nghệ nhiều hơn là chuyên môn. Nếu căn cứ vào loạt bài viết thường trực của ông về sinh hoạt văn nghệ và về các vấn đề liên quan trực tiếp đến văn học nghệ thuật trong khoảng mười năm đầu của Bách Khoa và sự quy tụ ấy, người viết có thể quả quyết rằng ông đã góp phần rất lớn cho sự nghiệp chủ nhiệm và chủ bút của Lê Ngộ Châu khi ông Châu chính thức đảm nhận hai vai trò đó sau này; đồng thời với lúc ông Châu thừa hưởng Toà soạn (số 160 đường Phan Đình Phùng) làm tư gia và các mối quảng cáo do chủ nhiệm sáng lập Huỳnh Văn Lang tạo dựng. Có ít nhất là hai tài liệu của Nguyễn Hiến Lê chứng minh nhận xét về vai trò quan trọng của Nguiễn Ngu Í nêu trên.

Tài liệu thứ nhất là lời thuật của Nguyễn Hiến Lê về các nhân sự cộng tác với Bách Khoa. Chính Võ Phiến cũng nhắc lại tài liệu này nhưng không trích dẫn nguyên văn để dễ bề có lợi cho mình. Tài liệu thứ hai là phần Nguyễn Hiến Lê viết về nguyên uỷ sự hợp tác của chính ông với Bách Khoa. Nguyễn Hiến Lê mở đầu đoạn hồi ký ấy như sau:

-“Năm 1957, tạp chí Bách Khoa ra được hai số thì nhà văn Nguyễn Hữu Ngu (Ngu Í) dắt bà Phạm Ngọc Thảo lại giới thiệu với tôi để nhờ tôi viết giúp tờ Bách Khoa mà chồng bà có chân trong tòa soạn. Tôi không hề quen bà Thảo, chỉ do Nguyễn Hữu Ngư mà biết bà là em ruột giáo sư Phạm Thiều hồi đó đã tập kết ra Bắc […]Tôi cũng không biết người sáng lập tờ Bách Khoa là ai, tòa soạn gồm những ai…”(Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê, Đời viết văn của tôi, Văn Hóa xuất bản, Việt Nam, không rõ năm xuất bản-khoảng cuối những năm 1990, trang 187).

Phần Võ Phiến, ông không hề nhắc đến Nguiễn Ngu Í mà tự tôn mình vào vị trí “cây bút chủ yếu” của Bách Khoa, nại Nguyễn Hiến Lê ra làm chứng: “Tuy vậy kể là cây bút chủ yếu của Bách Khoa từ trước đến sau vẫn là hai người: Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê (xem hồi ký Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê).” (Võ Phiến, Văn học Tổng quan Miền Nam, trang 240).  Phần khác, cũng trong cuốn này, Võ Phiến chỉ sử dụng các loạt bài của Nguiễn Ngu Í để lấy tài liệu mà viết cho mình chứ không hề nhắc đến sự quan trọng hay công lao và sáng kiến của người đã tạo ra chúng.

Trường hợp Võ Phiến là một thí dụ điển hình cho thấy sự nguy hiểm của việc nhận định hay viết văn sử (hoặc hồi ký) mà bất cẩn đến nỗi dựa trên một trí nhớ có thể đã không còn tráng kiện (chưa xét đến hậu ý khả nghi) khiến những người muốn trích dẫn tài liệu về Văn học Miền Nam từ ông, nhất là những nhà phê bình xuất thân từ Miền Bắc hay từ các thế hệ sau này, rất cần được cảnh giác. Đó cũng là một bài học, rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, sự nghi ngờ tài liệu của những người đi trước —dù họ có danh tiếng tới đâu-- là điều kiện đầu tiên để tránh được những thảm họa cho chính mình. Một người phê bình dĩ nhiên có thể có nhận định sai lầm (chính người viết cũng có khi đã phạm phải) nhưng sai lầm vì chủ quan và vì thiếu tài liệu còn có thể được tha thứ và sửa chữa nhưng sai lầm vì nhất định đặt hết lòng tin mù quáng vào chỉ một người thì sẽ là cái bẫy, sập xuống bất cứ lúc nào và sập xuống luôn luôn trong đời người phê bình ấy.  

 Trong trường hợp này, Nguyễn Hiến Lê không bao giờ viết rằng ông và Võ Phiến lại là hai “cây bút chủ yếu của Bách Khoa từ trước đến sau” cả. Trong phần viết về Bách Khoa trong Đời viết văn của tôi (trang 140-151, Nhà Xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ), Nguyễn Hiến Lê liệt Võ Phiến vào một danh sách chung các nhà văn “nòng cốt” đã cộng tác thường xuyên với Bách Khoa mà “chính nhờ hợp tác với Bách Khoa mà nổi tiếng”. Ông nói rõ tên tuổi và lối viết của các nhà văn ấy trong bản danh sách đó:

-“(Tờ báo) tập hợp được một số cây bút có kinh nghiệm làm nòng cốt như Võ Phiến, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc… […] Ngu Í chuyên về phỏng vấn, từng trải, có nhiệt tâm, văn có duyên. Võ Phiến còn ký tên là Tràng thiên, Thu Thủy…”(Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 142-143).

Ngươc lại, Nguyễn Hiến Lê chỉ nhắc đến riêng ông và Võ Phiến trong câu này: “Tôi với Võ Phiến là hai người cộng tác với Bách Khoa đều nhất, lâu nhất…” (Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 145).  Dĩ nhiên một nhà văn như Võ Phiến thì không nên nhầm “đều nhất, lâu nhất” với “chủ yếu”. Điều đó (“chủ yếu”) chỉ có thể đúng với Nguyễn Hiến Lê và Nguiễn Ngu Í hay người khác chứ không thể đúng với Võ Phiến. Võ Phiến không phải là người tham dự trực tiếp trong sự điều hành từ đầu của tờ báo như Nguiễn Ngu Í hay có các loạt bài viết phong phú và có giá trị nhiều mặt như Nguyễn Hiến Lê và Nguiễn Ngu Í. Võ Phiến, như Nguyễn Hiến Lê làm chứng, là một tiểu thuyết gia. Xưa nay, chưa có tạp chí nào sống hoàn toàn được nhờ tiểu thuyết. Huống chi, lúc ấy Võ Phiến không phải là người duy nhất có truyện trên Bách Khoa. Một danh sách đông đảo các tác giả khác, nhất là nữ giới sau này, đã góp phần giúp Bách Khoa bắt gần kịp được với các tạp chí văn học nghệ thuật khác. Công đó phải dành cho Lê Ngộ Châu, người đã (dám) cho đăng Vòng tay học trò từng kỳ khi Nguyễn Thị Hoàng mới bắt đầu góp mặt với giới văn chương Sài gon.

Sau hết, Nguyễn Hiến Lê sẽ chấm dứt mọi nghi vấn về vấn đề nhà văn nào là “chủ yếu” của Bách Khoa khi ông viết như sau cũng trong Đời viết văn của tôi:

-“Một buổi tối khi còn ở hẻm hãng sáo, một người thấp gầy, lưng hơi khòm, lại chơi tôi, tự giới thiệu là nhà văn, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Hữu Ngư, bút hiệu là Ngu Í; vợ là cô Dung cùng dậy trường Aurore với nhà tôi[…] Ông viết giúp tờ Phương Đông của Hồ Hữu Tường. Tờ này đương làm một cuộc phỏng vấn các nhà văn Bắc Nam, mỗi nhà đăng trên một số báo vào ngày chủ nhật. Lần đó ông lại phỏng vấn tôi, và tờ báo đầu tiên nhắc tới tôi là tờ ông cộng tác[…]Tính tình tốt, hay giúp đỡ người; nhờ ông việc gì ông cũng tận tâm, dù giữa trưa cũng gò lưng đạp chiếc xe cũ mà đi liền […] Năm 1944-1945 giúp việc cho tờ Thanh Niên, nên quen nhiều người sau làm cách mạng, theo kháng chiến như Lưu Hữu Phước, Huỳnh Tấn Phát. Có tài về phỏng vấn: bao nhiêu bài phỏng vấn văn nghệ sĩ đăng trên Bách Khoa đều do ông viết cả, vì trong toà soạn không ai quen biết nhiều nhà văn như ông […] Những bài hay nhất đã được gom lại thành một cuốn nhan đề Sống và Viết với…do ông tự bỏ vốn ra xuất bản năm 1966…”(Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 88-89-Người viết gạch dưới)

Nguyễn Hiến Lê còn chú dưới trang 109 (do Văn học xuất bản-Cuốn do Văn nghệ xuất bản không có chú thích này) rằng bài Nguiễn Ngu Í phỏng vấn ông trong loạt “Sống và Viết với…” đăng trên Bách Khoa số 215-216, ngày 15-12-1965 và ngày 1-1-1966 chỉ là bài thứ hai.  Như thế đã quá rõ ràng: Nguiễn Ngu Í mới là người đầu tiên giới thiệu Nguyễn Hiến Lê với làng báo Sài gòn khi ông vừa chân ướt chân ráo rời Long Xuyên lên đây lập nghiệp. Ngược lại, sự nghiệp của Nguiễn Ngu Í không bắt đầu từ Bách Khoa mà chính tạp chí này đã được hưởng sự giao du rộng rãi và uy tín của ông cả với hai bên anh em Miền Nam khiến họ bằng lòng cộng tác. Trường hợp Nguyễn Hiến Lê là bằng chứng hùng hồn nhất. Ông thổ lộ rằng khi mới cộng tác với Bách Khoa, ông không hề biết cả Huỳnh Văn Lang lẫn Lê Ngộ Châu mà chỉ biết tới “cái cầu” Nguiễn Ngu Í.

Đối chiếu các tài liệu mà ngưới viết có được –tuy không đầy đủ hết, nhất là các bài viết đã xuất hiện trên Bách Khoa-về sự hợp tác của Nguyễn Hiến Lê, Ngiuễn Ngu Í và Võ Phiến với tạp chí này, người viết có thể đưa ra một kết luận mà không sai lầm lắm như đã nêu trên: chính Nguyễn Hiến Lê và Nguiễn Ngu Í mới quan trọng hơn Võ Phiến cho nội dung của riêng tạp chí này và cho lịch sử văn học Văn học Miền Nam. Theo Nguyễn Hiến Lê, ông có 242 bài trong 426 số Bách Khoa với 159 nhan đề (sđd, trang 381).

Phần Nguiễn Ngu Í, ông đã thực hiện nhiều loạt phỏng vấn nhà văn, nhạc sĩ và hoạ sĩ hay các người lãnh đạo tôn giáo.  Lấy chủ đề “Sống và viết với …”, ông đã hàn huyên, vui buồn cùng Nhất Linh, Lê Văn Trương, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Văn Siêu, Doãn Quốc Sỹ, Đông Hồ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê và Hồ Hữu Tường vv   Ngoài “Sống và Viết với…” mà được nhiều người biết đến vì Nhà Nga`y Xanh cho xuất  bản lần đầu vào năm 1966, ông còn làm loạt “2 giờ với…” như “2 giờ với Hồ Hữu Tường-Trong khám và trong nhà” (Bách Khoa, số 167, trang 99-108, tháng chạp. 1963), “2 giờ với ông Văn Phú, Chánh thư kí Ban Thường vụ Lâm thời Hòa Hảo” (Bách Khoa, số 173, trang 31-44), “2 giờ với vài vị chức sắc Đại đạo Tam Kì Phổ Độ” (Bách Khoa, số 175, Kỳ 1, trang 85-97), hay “2 giờ với Lê Thương về Nhạc Trẻ em” (Bách Khoa, không rõ số hay năm phát hành) vv. Tuy tiếng là “2 giờ” nhưng ông sẵn sàng dành khá nhiều thời gian để “sống” với đối tượng được tìm hiểu, như đã lặn lội về Châu Đốc rồi ngủ qua đêm tại Cái Vồn về việc tìm hiểu về đạo giáo Hoà Hảo và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Ông còn phụ trách loạt khảo cứu quan trọng như “100 năm Lịch sử Báo chí “(Bách Khoa T. Đ., số 217) hay “Nhớ và nghĩ về bài Quốc ca Việt” (Bách Khoa T. Đ., số 244, trang 33-39 và số 245, trang 35-40). Nhờ bài này, chúng ta biết rõ lai lịch lời của bản quốc ca Việt Nam Cộng hoà qua các giai đoạn thay đổi tuy vẫn là nhạc của Lưu Hữu Phước.  Có lẽ ông là người có thẩm quyền nhất để viết về các lời nhạc đã thay đổi ra sao vì ông là bạn của Lưu Hữu Phước khi cùng mới gia nhập phong trào chống Pháp tại Nam bộ và từng ra Hà nội khi bài nhạc này mới được phổ biến. Ngoài ra, ông là người đại diện Bách Khoa tường thuật sinh hoạt báo chí hay xã hội lúc bấy giờ như “Sách vỉa hè” (Số 97, trang 224-233), “Lễ trao giải Trước thuật 1961 của Liên đoàn Công chứ Cách mạng Quốc gia” (Số 121, trang 256-258),  “Sinh viên với Báo chí” (Số 94, trang 97-99) vv. Dưới bút hiêụ Ngê Bá Lí, ông làm loạt “Tình hình Xuất bản Sách trước và sau biến cố Tết Mậu thân 1968” (Bách  Khoa T. Đ., Số 289-Số 295). Dưới bút hiệu Tân Fong Hiệb, ông viết loạt khảo cứu như bài “Nguyễn Văn Vĩnh 1882-1936” (Bách Khoa số 32, trang 43-56) hay “Bạch Thái Bưởi 1874-1932” (Bách Khoa số 62, trang 47-54, tháng 8. 1959) hoặc “Về Nguyễn Phan Châu” ((Bách Khoa T.Đ. số 201, trang 59-63)

Cho nên, truyện hay tùy bút của Võ Phiến không thể nào lại có thể quan trọng hơn được những loạt bài đó của Ngiuễn Ngu Í trong khi ông lại đang bị cạnh tranh bởi một cộng đồng nhà văn đông đảo bấy giờ tại Miền Nam, nhất là với nhóm nhà văn nữ quá thành công lúc đó như Nguyễn Thị Hoàng (Vòng tay học trò) cũng ngay trên Bách Khoa.

Sau khi đã có chứng cớ rõ ràng và chứng minh được về vị trí khiêm nhượng của Võ Phiến tại Bách Khoa qua những công bố mới nhất của chủ nhiệm sáng lập&Thời kỳ I Huỳnh Văn Lang và thí dụ Nguiễn Ngu Í, nay người viết sẽ xét đến thành tích trong của ông sau 1975: bộ 7 cuốn phê bình Văn học Miền Nam

 

2- “TẠP BÚT” KHÔNG PHẢI LÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Tháng chín năm 1999, mười ba năm sau khi cuốn Văn Học Miền Nam- Tổng Quan (1.1986) ra đời, nhà văn Võ Phiến hoàn tất công việc này bằng sáu cuốn dành cho các bộ môn sáng tác: ba cho truyện (50 tác giả, tổng cộng 1306 trang), một cho Tùy Bút&Kịch (4 tác giả phần Tùy bút và 10 tác giả phần Kịch, 417 trang), một cho Ký (22 tác giả, 418 trang) và một cho Thơ (32 tác giả, 416 trang). Nếu làm cẩn thận, đây là một việc làm tốt đẹp cho những ai- nhất là những người đi sau- muốn tìm đọc và khảo cứu về văn chương miền Nam vì có phần văn thơ tiêu biểu cho những tác giả này đính kèm. Võ Phiến đã hình dung được vài phản ứng của độc giả khi không thấy những tác  giả mà số độc giả đó yêu chuộng:

-… Những trách cứ như thế, chúng tôi có nghĩ đến, có đóan thấy, và rất lấy làm ái ngại. Nhưng thật khó tránh khỏi. Một phần vì thiếu sót vẫn là chuyện thường xẩy ra, mà tuyệt hảo là cái bất khả.” (Võ Phiến, “Lời nói đầu”, Truyện, Tập I, trang 506, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1999).

Trên nguyên tắc, độc giả chỉ mong ước mà không đòi hỏi sự “tuyệt hảo” ở các nhà phê bình văn học, nhưng chắc chắn điều mà họ đòi hỏi là sự chính xác và công tâm. Nhất là ở trường hợp Võ Phiến, một nhà văn kỳ cựu xuất thân từ chính nền văn học ấy. Dĩ nhiên, bất cứ bộ sách nào có tính cách ghi lại –dù chỉ khái quát—một nền văn học từng là mục đích để bị tiêu diệt của một nhà cầm quyền thì đều đã được người đọc chờ đợi và sẵn sàng dung thứ những khuyết điểm thế nào cũng phải có. Người đầu tiên có tham vọng ghi lại thời kỳ ấy của Văn học Miền Nam và cũng là người đầu tiên thất bại một cách thảm hại là Võ Phiến. Đó là một sự thất bại hết sức bất ngờ với nhiều độc giả vì ông có quá nhiều điều kiện để ít nhất thì cũng có thể viết được một cách tương đối thành công nếu ông thành thực và có công tâm: ông vốn xuất thân từ Văn học Miền Nam và nhiều tác giả như ông hiện vẫn còn sống ngay tại Hoa Kỳ.

Ngoài sự không thành thực vì thiếu hay cố tình cắt xén tài liệu, và thiếu công tâm biểu lộ bằng một tinh thần kỳ thị những tác gia xuất thân Miền Bắc di cư vào Nam mà ông đã bầy tỏ một cách quá lộ liễu, Võ Phiến còn thất bại vì hai nguyên do chính yếu nữa. Nguyên do thứ nhất, trái với sự tin tưởng của nhiều người, Võ Phiến không có một kiến thức đầy đủ về nền văn học này giản dị chỉ vì ông là một nhà văn ngồi nhà hay “ăn cắp giờ trong sở” (lời chính Võ Phiến) để viết thuê cho các tạp chí.  Bởi thế không những ông hoàn toàn không có sự tiếp xúc rộng rãi và một khả năng bao quát để phân tích sâu xa nhất là về những nhà văn đồng thời cũng là nhà báo trong một nền văn học mà báo chí đóng góp một cách hết sức mạnh mẽ, mà lại còn bỏ qua một đoàn thể góp phần rất lớn vào sự lớn mạnh của Văn học Miền Nam: giới dịch giả. Nền văn học này sở dĩ mà tiến bộ được vượt bực chỉ trong hai mươi năm là nhờ cánh cửa mở rộng sang văn chương thế giới ấy. Thứ hai, sự phê bình của ông hầu như dựa trên cảm tính nên những bới móc về đời riêng người khác (thí dụ Nguyễn Thị Hoàng) hay nhận xét không liên hệ đến tài văn (về chữ viết của Đinh Hùng) khiến cho sự sai lần của ông càng không thể được dung thứ. Thêm vào đó, ông lại áp dụng cái lối viết có khi rất tủn mủn, sử dụng thứ chữ nghĩa có khi quá thô lậu, đôi khi có thể nói là đê hạ nữa, vẫn dùng để vung vẩy đầy ra trong tạp bút khiến bộ sách này cuối cùng chỉ còn giá trị như một tài liệu để tham khảo những tác phẩm mà ông trích ra.

Riêng đối với người viết thì vấn đề không chỉ ở chỗ Võ Phiến đã viết sai ra sao mà còn cần tìm hiểu lý do những sai lầm đó.   Ở trường hợp Võ Phiến, người vẫn tỏ lòng lo lắng cho văn học miền Nam trước sự cố tình trù dập của nhà cầm quyền cộng sản, sự sai lầm của ông càng đáng phân tích hơn. Khi cộng sản loại bỏ văn chương và nhà văn miền Nam, người ta biết ngay là sự loại bỏ ấy nhân danh bạo lực. Nhưng sự loại bỏ nhiều tác giả một cách vô lý của ông cùng những phần phê bình thiếu xác thực vì không dẫn chứng tài liệu, mà nhất là theo sự yêu ghét cá nhân còn nguy hiểm hơn vì ông làm việc này nhân danh văn chương và nhân danh luôn cả một nền văn học đang bị bôi xóa một cách rất ồn ào trong sự cổ võ của một số tay em như Lê Tất Điều và Nguyễn Hưng Quốc trong cộng đồng Xuân tóc đỏ của riêng ông.

Nếu không làm sáng tỏ, người ta có thể tưởng nhầm rằng ở nhiều bộ môn, văn học miền Nam cũng tầm thường, cũng chỉ là một sự hoa mỹ, huê dạng vì có tác phẩm hoặc vì có tác giả không xứng đáng mà vẫn được khen ngợi; rằng nhà văn và độc giả (miền Nam) sẵn sàng chấp nhận những sự không lương thiện, huênh hoang, bịa đặt. Ngược lại, những tinh hoa, những đăc sắc của nền văn học ấy lại bị bỏ xó hoặc nguy hiểm hơn, bị ông bầy ra một cách hết sức thiệt hại cho họ. Sự sai lầm này sẽ trầm trọng hơn khi ông bàn đến các nhà văn (hay nhà thơ) chống lại cộng sản hay những nhà văn có hoạt động đi ngược lại chủ trương (chính trị) của chính Võ Phiến.

Về bộ sách 7 cuốn này, không phải là vô tình mà người viết trình bày về phần Bách Khoa trước để nhận định về sự nghiệp của Võ Phiến. Thí dụ Bách Khoa cho thấy sự khó khăn để chứng minh một cách hữu hiệu sự không ngay thẳng và nham hiểm của Võ Phiến khi ông cố tình không trích dẫn nguyên văn tài liệu và không cung cấp toàn cảnh nhân sự để người khác có thể kiểm chứng. Nhưng khó khăn không phải là không thể làm được vì sớm muộn gì những tài liệu gốc cũng có lúc đến tay các người nghiên cứu khác và dù không, sự phê bình theo cảm tính của ông đã quá lộ liễu đến nỗi không thể tránh khỏi nhiều sự xét lại, ngay từ chính những người đã từng khen ngợi ông. Vì sự giới hạn của bài viết, người viết sẽ chỉ đưa ra hai thí dụ điển hình chứng minh cho thái độ nham hiểm ấy vì phải cần cả ngàn trang mới có thể trình bày đủ về những sai lầm, từ vô tình không kiểm chứng đầy đủ cho tới cái thói cố tính cắt xén tài liệu, thậm chí bịa đặt để dễ bề vu cáo cho các tác giả khác hòng phục vụ cho những ý đồ riêng của Võ Phiến khi soạn bộ sách này. Tiếp đó, người viết sẽ trích dẫn thêm sự chỉ trích của các người nghiên cứu khác để cho thấy người viết, có thể là người đầu tiên đã phê bình Võ Phiến một cách quy mô và nhiều chứng cớ nhất, nhưng sẽ không phải là người duy nhất đặt dấu hỏi về giá trị của bộ sách của ông.

 

A- Cắt xén tài liệu để vu khống Vũ Hoàng Chương

Trong phần viết về nhà thơ Đinh Hùng, Võ Phiến dẫn Vũ Hoàng Chương như một thí dụ  bênh vực cho nhận xét rằng thơ Đinh Hùng hoặc không được “đề cập tới” hoặc “chỉ nói qua loa”(Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Thơ, trang 2840, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1999, Hoa Kỳ):

-“[…]Muốn vượt qua sự hững hờ của kẻ bên trong đối với người bên ngoài lề, tôi cố tìm hiểu thái độ người bạn thân thiết Vũ Hoàng Chương và đó không phải chuyện dễ. Ông Vũ nói về cái tình mật thiết với bạn thì nhiều, nhưng về cái hay cái đẹp của thơ bạn thì rất ‘thận trọng.’ Trong cuộc nói chuyện tại Trung tâm Văn bút Việt Nam để tưởng niệm Đinh Hùng, ông ngại phạm phải lỗi chủ quan, ông tự nhủ mình:”Thận trọng đấy nhé! Thận trọng và thận trọng hơn nữa!” Tìm mãi không thấy lời ca ngợi, rốt cuộc tôi chỉ gặp cảnh Vũ chê thơ Đinh…” (Võ Phiến, trang 2840- 2841, sđd)

Cũng trong đoạn trên, Võ Phiến nại ra một câu chuyện do Thanh Nam kể lại trong hồi ký nhưng không ghi rõ hồi ký đó xuất hiện ở đâu và cuộc đối thoại giữa Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng xẩy ra trong trường hợp nào. Ngược lại, Võ Phiến hoàn toàn biạ đặt: không hề có chuyện “Vũ chê thơ Đinh” như Võ Phiến đã gán cho Vũ Hoàng Chương:  chủ đề bài nói chuyện của Vũ Hoàng Chương là về thân thế, chứ không về thơ (mà người đảm trách là Bàng Bá Lân), nghĩa là chỉ cắt nghĩa về những hoàn cảnh sống nào đã tạo nên thơ Đinh Hùng. Nguyên văn bài nói chuyện có đoạn Võ Phiến trích trên đã được đăng lại trong cuốn Loạn Trung Bút của Vũ Hoàng Chương do nhà Khai Trí xuất bản tại Sàigon năm 1970.:

-. “Sự phân công thật rõ rệt: tôi sẽ nói về thân thế, và văn hữu Bàng Bá Lân, tiếp đó, sẽ nói về văn nghiệp ĐINH-HÙNG[…]Nhưng lần này được chỉ định nói về thi sĩ họ Đinh, tôi lại thấy ngại ngùng, muốn chối từ mà chẳng dám… E rằng quá thương em xót bạn, tôi sẽ không tự kiểm soát được lòng mình…Nhưng từ chối không thể được, tôi đành phải tự nhủ: ‘Thận trọng đấy nhé! Thận trọng và thận trọng hơn nữa! …Đừng chủ quan, chớ thần tượng hóa một con người, kể cả trường hợp con người ấy mình vẫn coi là thần tượng’” (Vũ Hoàng Chương, trang 166, 167,168, sđd)

Như thế, Võ Phiến đã cố tình cắt xén nguyên văn để hướng dẫn sai độc giả. Cứ dở lại Loạn Trung Bút (nhà Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ tháng 8, 1991) một lần nữa sẽ được đọc ngay những lời Vũ Hoàng Chương phê bình (khen ngợi) thơ người bạn thân thiết Đinh Hùng:

-…”tác giả ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ không những thiện dụng thơ ca mà còn chế biến cả từ điệu…, đề nghị một thế giới ảo diễm đầy nhạc đầy hương, và đấy cũng là một chiều hướng sáng tác của Thi ca hôm nay. Văn minh cơ khí càng đắc thắng đời sống tinh thần của nhân loại càng bị bóc lột; Con Người mỗi ngày một nghèo đi. Mộng giải thoát sẽ cứu vớt người máy…” (Vũ Hoàng Chương, “Bàn Tay Lực Sĩ (Một Vài ý nghĩa về Thơ-Hôm-Nay)”, trang 99- 100, sđd)

Còn nếu cắt nghĩa rằng không cố ý “bẻ quẹo”, chỉ không thể hiểu nổi (đến nỗi hiểu lầm) một bài nói chuyện khóc người thi sĩ em rể rất rõ ràng như của Vũ Hoàng Chương thì làm sao còn vào nổi tâm thức thơ của các thi sĩ mà đòi phê bình?

 

B- Tấn công đời riêng người khác: Trường hợp Nguyễn Thị Hoàng và Kim Lefèvre

Để phê bình cách viết của Nguyễn Thị Hoàng, Võ Phiến đưa ra một sự so sánh giữa Nguyễn Thị Hoàng và Kim Lefèvre (một nhà văn không thuộc Văn học Miền Nam):

-Tình cờ mà Nguyễn Thị Hoàng với Kim Lefèvre cùng sinh vào năm 1939, cùng học ở Nha Trang, về sau cùng là văn sĩ tiếng tăm. Vào thập niên 50, ở Nha Trang có xẩy ra hai mối tình thày trò. Hai nữ sinh yêu thày mỗi người phản ứng một cách. Người “tây” hơn cả, người có hẳn một nửa lượng máu Tây phương trong huyết quản, lại khuất phục theo truyền thống Á Đông, cúi đầu chịu trận đòn dữ dằn trong gia đình, bỏ Nha Trang đi nơi khác trốn lánh sự đay nghiến của dư luận. Còn người kia…Vậy thái độ cương cường, dõng dạc trước dư luận, đâu phải lúc nào cũng là một thái độ …tây!” (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Truyện 2, trang 1095, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1999)

Sau này sẽ bàn đến chuyện Vỏ Phiến đã nại cớ phê bình văn học để “đánh dưới vòng eo”, một điều tối kỵ cho mọi giới, nhất là cho cái giới tự hào cầm được cây bút. Ngay bây giờ hãy xét xem tin tức dùng để chê ấy có đúng không. Nghĩa là mối tình thày trò mà Võ Phiến nhắc đến có phải là lý do duy nhất hay lý do chính để Kim Lefèvre (8) phải “bỏ Nha Trang đi nơi khác”? Ông không chỉ ra là đã căn cứ theo tài liệu nào nên nguời đọc bắt buộc phải tìm câu trả lời ở những tài liệu khác. Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, trong “Nửa Dòng Máu Việt”, một bài viết rất công phu, thì khác với Nguyễn Thị Hoàng, Kim Lefèvre (và mẹ bà) trải qua một thời thơ ấu cực kỳ đau khổ vì là Kim là con lai:

-…Sinh tại Hà-nội, có lẽ vào năm 1937: Kim không có khai sinh thực sự. Kim là con vô thừa nhận …  Kim đã giành được một địa vị trong xã hội: tốt nghiệp hạng ba trường Đại học sư phạm và được bổ nhiệm ngay tại Saigon. Mấy tháng sau được học bổng sang Pháp (1960) Kim đã chọn ở lại Pháp... Năm 1989, Kim cho ra đời cuốn Métisse Blanche ...-Đâu là sự thực?…Ở Saigon, ai làm gì mọi người đều biết, ở Paris mạnh ai nấy sống, không ai có thì giờ dòm ngó đến ai. Lòng ưa chuộng tự do của Kim đã thể hiện ngay từ khi Kim hứa với mẹ sẽ xin đi dậy học ở tỉnh nhà (Tuy Hòa) song lại nộp đơn xin dậy ở Saigon, vì tự biết ở Saigon không bị gia đình kiềm thúc…”(Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Lối Xưa Xe Ngựa,  trang 279, 280, 281, 288, 289, An Tiêm xuất bản lần thứ nhất, 1995, Paris, Pháp)

Bởi thế sự bỏ Tuy Hòa rồi Việt Nam của Kim Lefèvre không thể chỉ căn cứ trên một mối tình không toàn vẹn (?) như Võ Phiến đã viết mà không hề chỉ ra tài liệu, nhân chứng ở đâu để độc giả dễ dàng kiểm chứng hay so sánh. Quan trọng hơn, trừ phi cần thiết phải phân tích, điều cấm kỵ nhất cho một nhà phê bình hay khảo cứu là lôi đời riêng ra mà xoi mói, chưa kể là lôi đời riêng của một tác giả chỉ với thâm ý nham hiểm là tàn hại người khác. Trong trường hợp này của Kim Lefèvre, sự nhắc đến “một nửa lượng máu Tây phương trong huyết quản” của bà có thể lại còn là một sự vô phép khi động chạm đến vệt thương riêng của thân mẫu bà. Bổn phận nhà phê bình là lần bước theo những ngõ ngách bầy ra trong tác phẩm, chứ không phải là một viên phán quan chăm chắm vào những ngõ ngách đời riêng tác giả một cách quá lộ liễu và đê tiện như suýt xoa về các “trận đòn dữ dằn” (có thực không?) mà Võ Phiến làm như đã có mặt tận nơi chứng kiến.

 

C-Nhận định của các tác giả khác

Sau đây là một số nhận xét của vài tác giả khác:

-Nhận xét của Thụy Khuê, Pháp:

“[…] Bộ Văn Học Miền Nam, rất đồ sộ và công phu của Võ Phiến, rất tiếc là đã không làm được công việc hướng dẫn người đọc. Trong phần Tổng quan, Võ Phiến đã vẽ ra một cách rất sống động và đầy đủ những sinh hoạt văn học miền Nam, với những giai thoại, những nhận xét dí dỏm về nhóm này, nhóm kia, nhưng ông không vẽ được nội dung tư tưởng của những xuhướng văn học thời ấy. Về phần tuyển tập (6 tập), sự lựa chọn các tác giả và các tác phẩm, còn nhiều điều để bàn cãi. Ngay cách phê bình và cách lựa chọn tác phẩm của ông cũng rất đặc biệt. Chẳng hạn, về thơ Thanh Tâm Tuyền, ông chọn một bài thơ ngắn không có gì đặc sắc, và bảo: "Ðây không phải là bài thơ tiêu biểu của tác giả. Không phải là bài làm tác giả nổi danh. Cũng không phải là bài được tác giả lựa chọn. Chẳng qua là bài tôi thích ý." Và để phê bình thơ Thanh Tâm Tuyền, ông viết gọn lỏn: "Về dòng thơ ấy [thơ Thanh Tâm Tuyền], hãy nhường lời cho những vị có đầy đủ tư cách, tức những vị thực lòng yêu mến nó, thấu cảm nó." (Văn Học Miền Nam, Thơ, Văn Nghệ, 1999, trang 3077). Về văn của Vũ Khắc Khoan, ông đánh giá: "Nó phảng phất lối viết văn của Nhất Linh thời "Hồng nương! Hồng Nương!"" và ông mượn lời của Uyên Thao để xác nhận "Mai Thảo và Vũ Khắc Khoan là những tay văn chương ưỡn ẹo". Về kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan, ông dẫn lời Cao Huy Khanh: "Ông Vũ giống hệt Thành Cát Tư Hãn" rồi ông lại dẫn lời Vũ Khắc Khoan mô tả Thành Cát Tư Hãn "sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác" để đi đến kết luận của Võ Phiến: "Ôi! Hãi quá! Người sao mà khủng khiếp quá thể." (Văn Học Miền Nam, sđd, trang 1748). Tóm lại là ông ít đưa ra ý kiến của riêng ông mà hay dùng những ý kiến của người này, người kia để chế diễu, châm biếm những đối tượng văn học mà ông không thích. Ở Bình Nguyên Lộc, ông cho Bình Nguyên Lộc là một "tác giả tốt bụng, có hảo ý muốn làm vui người đọc" và còn thêm: "hảo ý không thuộc về nghệ thuật", ông mượn lời Cao Huy Khanh để nói cuốn Ðò Dọc là "sự thành công duy nhất và quá hiếm hoi của Bình Nguyên Lộc". Ở Nhật Tiến, ông mượn lời Nhật Tiến trả lời phỏng vấn "tôi chỉ là nhà giáo hơn là một nhà văn" để xác định: Nhật Tiến nói đúng, ông chỉ là nhà giáo.
 Lối viết châm biếm, mỉa mai (đời), ưu điểm của tùy bút nơi ông, lại trở thành châm biếm, mỉa mai (cá nhân), điều tối kỵ trong phê bình văn học. Một cách phê bình như thế, không những không giúp gì cho sự tìm hiểu văn học miền Nam, mà lại còn có hại cho sự nghiệp văn học của Võ Phiến.” 
(Thụy Khuê, Vấn đề đoạn tuyệt với quá khứ để lên đường, http://thuykhue.free.fr/thumucindex.html) (9)

 

-Nhận xét của Nguyễn Văn Lục, Canada:

 […]Văn học dịch kể như không có trong mắt một số nhà văn, nhất là một số người làm công tác phê bình văn học nghệ thuật. Nhà văn Võ Phiến có bộ sách dày gần 2.000 trang về Văn học miền Nam nhưng đối với mảng Văn học dịch thì ông hà tiện lắm: vỏn vẹn có hai trang. Trong hai trang đó, ông lại dành để nói lên cái nỗi lo sợ của một số người làm văn hóa lúc bấy giờ vì sự tràn ngập sách dịch ở miền Nam vào cuối những thập niên 60 và đầu 70. […] Phải chăng sách dịch là thứ văn hóa ngoại lai không đáng được nói tới? Vậy mà cái thị phần sách dịch theo Võ Phiến đã có một thời vào năm 1970 chiếm đến 60% và đến năm 1972 đã lên đến 80% toàn bộ đầu sách xuất bản ở miền Nam. Trần Trọng Đăng Đàn, trong Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975 cũng đưa ra con số chính xác như Võ Phiến. Cũng theo Trần Trọng Đăng Đàn, sau kết quả điều tra, tiến hành vào tháng 7-1976, số sách dịch của miền Nam trong 20 năm bao gồm: Đức 57 đầu sách, Ý 58, Nhật 71, Anh 97, Mỹ 273, Pháp 499, Đài Loan và Hương Cảng 358, Nga 120, còn lại các nước khác 38 [1]. Những con số vừa nêu trên đáng để ta suy nghĩ lắm chứ? […]Trong số những người trên, Trần Phong Giao đã để tâm dịch thuật khá nhiều về các tác giả Hiện Sinh. Công của ông không nhỏ. Người ta cũng nhận thấy, ít khi nào có sách dịch ngay từ khi cuốn sách mới được xuất bản ở nước ngoài. Nó mất cái thời tính, cái trào lưu và sự cập nhật thông tin. Nó là những sản phẩm quá date. Trong phạm vi dịch thuật, chúng ta tụt hậu từ 50 năm đến 100 năm. Chẳng hạn, cho đến bây giờ mà dịch giả uy tín của miền Bắc, Dương Tường còn mang Camus ra dịch lại. Dịch lại L’étranger mà trước đó 40 năm đã có ba dịch giả trong miền Nam dịch rồi. Nếu mục đích dịch là để cho người đương thời tìm hiểu một tác giả, một giai đoạn văn học thì còn tạm được, nhưng nếu dịch để cho độc giả bây giờ đọc để giải trí thì đúng là lỗi thời. […] Dù gì đi nữa, sách dịch đóng góp không nhỏ vào thị trường sách vở miền Nam. Nó bù vào chỗ cái thiếu của nhà văn VN. Thiếu về sự đa dạng, thể loại, về tầm cỡ, về tư tưởng thời đại. Nếu về kinh tế, xuất cảng là đầu ra của sự thịnh vượng, thì về văn học, dịch thuật là đầu vào của một sinh hoạt văn học đa dạng và phong phú. Còn nếu cái sinh hoạt đó như thế nào, hay hay dở, phần quy trách vẫn là phía các người làm văn hoá, nghệ thuật, các nhà văn, nhà thi sĩ. Nếu họ viết không tới, không đáp ứng được tính đa dạng của nhu cầu người đọc, trách nhiệm về họ.
Trong bất cứ trường hợp nào, người đọc bao giờ cũng có lý. Nhưng đừng quên rằng, trước 1954 cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, chưa thể nói đến một nền văn học dịch. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh chẳng hạn không chú trọng đến phần dịch thuật. Cuốn duy nhất của nhóm này đã dịch là cuốn Le Chemin du bonheur của Victor Pauchet. Trong Nam, trước 54, cái người có công lớn nhất trong việc dịch thuật là ông Phạm văn Tươi, tức nhà xuất bản Phạm văn Tươi, vào năm 1950 đã dịch và cho xuất bản lọai sách Học làm người (Culture humaine, hay Selt improvement) […]. Lần đầu tiên ở miền Nam mà thôi, nhờ dịch thuật mà thế giới văn chương nước ngoài được du nhập vào VN. Nghĩ lại 20 năm miền Nam là cả một trời văn học dịch. Thật khó có một thời điểm nào phong phú và đa dạng hơn nó nữa. Sự phủ nhận nó là một điều tồi tệ.”
 (Nguyễn Văn Lục, 20 Năm Văn học Dịch thuật Miền Nam 1955-1975, Diễn đàn trên mạng Việt Nam Thư quán http://vnthuquan.net/diendan/)

 

Như vậy, người viết đã chưng ra một vài thí dụ để chứng minh hai điều. Trước hết, bộ sách này có quá nhiều khuyết điểm. Thứ hai, người viết dùng chữ “thủ đoạn nham hiểm” với Võ Phiến là không quá đáng: ông có tài liệu rõ ràng nhưng chỉ sử dụng nó để “qua mặt” độc giả về sự bất khả tín của những kết luận do ông đưa ra. Không độc giả nào lại có thể ngờ rằng một nhà văn như Võ Phiến lại ác độc đến nỗi vu cáo cho Vũ Hoàng Chương ngay trong bài nhà thơ này tưởng niệm sự qua đời của người em Đinh Hùng và chắc chắn nếu không được đọc tận mắt như người viết, chưa chắc ai có thể tin chính tay Võ Phiến đã viết –rồi cho in--những dòng quá đỗi tệ hại về cả Nguyễn Thị Hoàng và Kim Lefèvre như đã dẫn. Sự nham hiểm ấy đầy dẫy: Đây là một đoạn điển hình khác khi Võ Phiến tự vinh danh mình bằng cách luồn hai nhận xét đi cạnh nhau một cách xem ra rất bình thường nhưng đầy ác ý:

-“Thơ Thanh Tâm Tuyền được nhắc nhở rộng rãi có lẽ một phần cũng là vì những câu tối tăm trong ấy “có vẻ” ngụ một ý nghĩa triết lý trông “hình như” có thể suy diễn ra một ý nghĩa triết lý, vì đọc “nghe như” hàm ngụ nhiều tư tưởng. Truyện và kịch của Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan (những cuốn Phù thế, Ảo ảnh, Thành Cát Tư Hãn, Người Viễn Khách thứ mười vv…) có khuynh hướng triết lý.”(Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Tổng quan, In lần thứ nhất, trang 123)

Như vậy có phải tác phẩm Thanh Tâm Tuyền chỉ “có vẻ”, “nghe như”, “hình như” “hàm ngụ tư tưởng” “ý nghĩa triết lý” chứ chính Võ Phiến mới có “khuynh hướng triết lý” (đích thực) chăng?! Nhưng cái trò tiểu xảo này của Võ Phiến không qua mắt được ai vì sự kèn cựa các tác giả khác lộ ra quá rõ ràng  trong các tập khác. Như trong phần ông viết về các tác giả di cư từ Miền Bắc vào và nhất là về nhóm Quan Điểm:

-...Còn Vấn Đề (số 1, tháng 4- 1967) là báo củaVũ Khắc Khoan với Mai Thảo, và những bạn bè trong nhóm Quan Điểm. Tức là những trí thức tiểu tư sản làm cách mạng. Làm cách mạng bằng lý luận, bằng kịch, bằng tiểu thuyết mãi không xong; nản lòng, xoay ra làm dáng. Sau Vấn Đề, rồi tới Ý Thức (số 1, năm 1970) cũng từa tựa như vậy.” (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Tổng Quan, trang 273, Văn Nghệ tái bản, 2000, Hoa Kỳ)

Chưa tới bẩy năm (tháng chạp, 2004) sau  khi Võ Phiến vu cáo  nhóm Quan Điểm “làm cách mạng” trên cuốn Tổng quan xuất bản lần thứ nhất (1987) và lập lại ở lần tái bản, ông sẽ bị trừng trị đích đáng bằng lời đánh giá của nhà văn kiêm dịch giả Mặc Đỗ, thành viên duy nhất còn sống của nhóm này.

-“Đến như Mai Thảo, như Thanh Tâm Tuyền vv thuở suy tư trên Sáng Tạo và lúc dạn dày trên các trang nhật trình phong cách thật khác xa.”( Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Tổng Quan, trang 273, Văn Nghệ tái bản, 2000, Hoa Kỳ)

Như thường lệ, cũng không thấy Võ Phiến dẫn chứng là tác phẩm nào của hai tác giả trên đã phô ra sự dầy dạn của họ. Nhưng đoạn viết sau đây với cách dùng chữ nhắm hạ nhục người được nói đến (“vô tích sự”, “xinh xắn”) mới cực tả được cái ác và cái ty tiểu của Võ Phiến (rời Miền Nam mươi ngày trước khi nó thất thủ) khi viết về Nguyễn Đình Toàn (và các bạn của ông), một nhà thơ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng từng phụ trách chương trình “Nhạc Chủ đề”, (những) người không thoát ra khỏi Miền Nam cho tới thập niên 1990: 

-...Hãy tưởng tượng những nhân vật như vậy xúm xít nhau ở Hà Nội: làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, đấu qua tán lại v.v..Ít lâu, Hà Nội mất. Họ kéo nhau vào Sài Gòn xúm xít nhau ngày ngày làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, tán qua đấu lại v.v..[,,,]Những nhân vật thông minh như thế, xinh xắn như thế, tài hoa như thế, lành như thế và vô tích sự như thế, rốt cuộc họ khổ cực điêu đứng. Tội nghiệp quá chừng. Thương ơi là thương.” (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Kịch & Tuỳ bút, “Nguyễn Đình Toàn”, trang 2504)

(Đúng là hết chỗ nói: viết với lách.) Ngoài ra, không hiểu tại sao Võ Phiến không ưa cả Thanh Nam, một nhà văn, sau có tập thơ Đất Khách nổi tiếng, rất nghệ sĩ. Võ Phiến hạ một chữ rất hiểm (“hới hám”) khi viết về Thanh Nam

-“(Thanh Nam ) Lời lẽ có hơi hám tiền chiến”(Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Thơ, “Thanh Nam”, trang 3066)

Nhưng người cần được báo động trong trường hợp này lại không phải là Thanh Nam (ông đã mãn phần) mà là  nhà văn Trùng Dương. Bà hết lời ca ngợi Võ Phiến, rằng ông (và một ông khác) là “vì sao sáng và là niềm hãnh diện của nền văn học Việt Nam tự do, không chỉ vì danh mục tác phẩm đồ sộ của một đời cầm bút của mỗi người, mà còn vì tinh thần bất khuất trong sáng của những người cầm bút chân chính, tôn trọng sự thật và yêu thương chữ nghĩa” vv và vv (Trùng Dương, “Ghi chú bằng hình: Mùa thu đi thăm Võ Phiến, Diễn đàn Thế Kỷ 21”, Tháng 11. 2011). Nhưng chỉ mới 2 năm trước đó thôi, bà đã oán trách công khai ông Nguyễn Q. Thắng--người xuất bản một cuốn sách về nhiều tác giả Miền Nam, nghĩa là làm một công việc tương tự như Võ Phiến-- là dùng chữ “hơi hám” cho chính bà:

-“Tôi đọc phần ông Thắng viết về tôi mà thương cho người cầm bút ở nhà. […] Cuối cùng ông in lại nguyên truyện ngắn “Mưa Không Ướt Đất” của tôi, với lời giới thiệu: “Sau đây là truyện ngắn mang hơi hám tác giả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi vẫn nghĩ là phải là “hơi hướm” hay “hơi hướng” mới đúng, chứ chữ “hơi hám” làm tôi có cảm tưởng mình … lâu ngày không tắm!” (Trùng Dương, Câu chuyện Văn học Miền Nam: Tìm ở đâu, Tháng 9. 2009,  http://www.hopluu.net/).

Không hiểu đọc xong câu này của Võ Phiến về Thanh Nam, bà Trùng Dương còn có thì giờ để mà …thương tới người cầm bút của Văn học Miền Nam như tiếp tục trích dẫn dưới đây? Hay là bà còn bận đếm “một ông sao sáng, hai ông sáng sao…”?

-“(Đinh Hùng) Ai sao ông vậy, [...] say sưa rượu chè, lang thang đàng đúm, gái ghiếc, thuốc phiện, nhảy nhót, huênh hoang khoác lác vv.” (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Thơ, “Đinh Hùng”, trang 2837)

-“ ‘Khoan tôi’ không ngần ngại xuất hiện […] Ông đã giữ phần chủ động trong suốt màn hai. Giờ đây màn ba khai diễn. Màn ba là của tôi, của chúng tôi.” – Cũng được màn ba của ông cũng được đi. Tiếc thay màn tư là một màn thảm hại”( Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Tổng Quan, trang 262)

-“(Bấy giờ nếu có ai dám bảo trong Nam chàng [VKK] chuyên vô hẻm nọ với hẻm kia tìm rượu với khói huyền, gươm thần tức được vung lên ngay)” (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Kịch&Tùy bút, trang 2754, sđd)

Bời thế, cũng qua những dẫn chứng trên, người viết muốn tìm được nguyên nhân của sự ác cảm của Võ Phiến với nhiều tác giả di cư từ Miền Bắc hay cao vai vế hơn Võ Phiến vì không thể nào có một kết luận chính xác về sự nghiệp của Võ Phiến nếu không giải được những lý do ấy.

 

II-GIẤC MƠ THỦ LÃNH CỘNG ĐỒNG VĂN CHƯƠNG HẢI NGOẠI CỦA VÕ PHIẾN?

Khi một nhà văn thoát ra ngoài nước mà lại viết nguyên một bộ sách có những tin tức bịa đặt, thậm chí vu cáo các đồng nghiệp khác bằng những thủ đoạn tinh vi và tàn tệ thì đương nhiên người ấy phải có một mục đích. Mục đích của Võ Phiến, theo người viết, rất giản dị: ông muốn độc chiếm ngôi vị thủ lãnh của cộng đồng văn chương Việt Nam tỵ nạn để ghi lại tên tuổi trong văn sử Việt Nam. Muốn vậy, ông đã làm hai điều: thứ nhất, loại hẳn một số tác giả ra khỏi văn sử Miền Nam và thứ hai, hạ thấp giá trị một số tác giả chống Cộng khác nếu có chọn họ để chứng tỏ sự chống Cộng của ông là tinh xảo hơn họ.

1-Các tác giả vắng mặt trong bộ sách của Võ Phiến

Có một điều đặc biệt không thể chối cãi được là Võ Phiến đã loại ra nhiều nhà thơ xuất thân từ Miền Bắc di cư vào Nam lại phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Người đọc nhận ra ngay sự vắng mặt của Hà Thượng Nhân (trung tá chủ nhiệm Nhật báo Tiền tuyến), Cao Tiêu (Đại tá Cục trưởng Tâm lý chiến), Hữu Phương (Phó đề đốc Hải quân) vv. Chưa hết, trong danh sách vắng mặt còn có Cung Trầm Tưởng (trung tá Không quân), Hà Huyền Chi (thiếu tá Nhẩy dù) và Du Tử Lê (đại uý Bộ binh). Võ Phiến (và những người đồng ý với ông) giải nghĩa ra sao về sự không có mặt của các nhà thơ này? Chắc chắn là không thể giải nghĩa được.

2-Hà Thúc Sinh: Một bi kịch của Võ Phiến

Sự mâu thuẫn hiển nhiên giữa chủ trương (chống Cộng) mà Võ Phiến tự nhận và những bài viết trong cuốn Văn học Miền Nam-Thơ về những tác giả chống Cộng quyết liệt (như nhà thơ Hà Thúc Sinh)  mà ông không dám  trực diện khi trả lời tờ Văn Học như sau này sẽ bàn đến, là sự xác nhận đã có sự hiện diện của một “động cơ” nào đó. Không những thế, động cơ ấy lại phải liên quan đến vấn đề chính trị. Không đâu trong bầy cuốn sách của ông mà động cơ chính trị lại rõ ràng hơn là trong bài viết về Hà Thúc Sinh. Để sửa soạn cho ý định (thúc đẩy bằng động cơ ấy), ông đã sửa soạn rất kỹ để cuối bài, hạ một câu như sau:

-“Tôi vừa bào chữa cho Hà Thúc Sinh về một chỗ đáng trách đấy chăng? Không phải đâu. Chúng ta đang nói chuyện văn chương đâu phải lập trường chính trị, tôi vất vả thân tôi làm chi?” (Võ Phiến, “Hà Thúc Sinh”, trang 2889, sđd)

Tại sao một nhà văn công chức chỉ chống Cộng bằng những bài tạp luận, ngay cả viết “Văn Học Miền Nam-Tổng Quan” cũng bằng một tài khoản trợ cấp từ Hoa Kỳ lại phải “bào chữa về một chỗ đáng trách” cho “lập trường chính trị” của một người cống hiến hết đời bằng những hoạt động cụ thể để chống Cộng như Hà Thúc Sinh?

Trước  1975,  Hà Thúc Sinh, xấp xỉ ba mươi, đã giữ chức Chỉ Huy Phó Trung Tâm Tiếp Vụ và là người chịu trách nhiệm về “Câu Lạc Bộ Nổi” tại bến Bạch Đằng thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Nếu binh chủng Không Quân có Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc thì Hải Quân có nơi này để tiếp tân, bảo trợ những sinh hoạt của binh chủng hay văn học nghệ thuật như triển lãm tranh. Sau 1975, ông vào tù rồi vượt biển sang Hoa Kỳ. Tại đây, ông cho xuất bản cuốn Đại Học Máu-cuốn hồi ký về nhà tù cộng sản gây sôi nổi và  sáng lập phong trào Hưng Ca  để vừa gây quỹ giúp “Phong Trào Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển” (do Trung Tá Phan Lạc Tiếp, Bộ Tham Mưu Hải Quân khởi xướng), vừa tạo một sinh hoạt hát cộng đồng ở hải ngoại mà cho đến  nay vẫn chưa có ai hay phong trào khác thay thế được. Sau khi bỏ Hưng Ca, ông là đồng tác giả của cuốn “Năm mươi năm Vi Phạm Nhân Quyền tại Việt Nam” (Red File-nguyên văn tiếng Anh) từng được coi là cẩm nang của giới trẻ hoạt động chống lại CS. Ông từng chủ trương Nguyệt san Tân Văn tại California trong các thập niên 1980 và 1990. Ông là một nhà văn sở trường về truyện ngắn và một dịch giả có tiếng (trước 1975). Ông cũng chủ trương Đồng Dao, nhà xuất bản đã xuất bản cuốn “Chiến tranh và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn.

Để chứng minh Hà Thúc Sinh tuy là một người lính nhưng lại “tỉ tê thân thiết với bộ đội cộng sản, lời lời ngọt xớt, cứ ta ta chú chú: Ta cũng người như chú…Vì nói thật cùng chú… Chú cứ ăn cho đủ…” (trang, 2887, sđd), Võ Phiến đã bỏ lửng một chữ “mày” rất quan trọng trong bài thơ đã dẫn có tựa Nghinh địch Hành. Bốn câu trong đoạn đầu của bài thơ này có chữ chú mày khác hẳn với “ta ta chú chú” (một đằng là kẻ cả; một đằng là tương ứng hàn huyên) mà Võ Phiến lọc ra trong các câu sau để trình cho người đọc. Nguyên văn 4 câu đầu có chữ “chú mày” mà Võ Phiến khéo không trích ra như sau:

 Giao thừa đâu mà vội

Hãy khoan đã chú mày

Cứ đóng xa vài dặm

Mà ăn uống cho say … (Hà Thúc Sinh, Nghinh địch hành)

để giúp Võ Phiến tiếp tục dẫn dắt người đọc tới một kết luận cuối cùng hết sức nham hiểm về lập trường chính trị của Hà Thúc Sinh:  “không phải là kẻ kiên định một thái độ một tình cảm lâu dài”, “không có sự căm thù chế độ nào”, “bất  nhất”, “thoắt thù thoắt bạn” ,“đổi thay thoăn thoắt theo giai đoạn theo hoàn cảnh” vì “bị hành hạ tàn nhẫn“, vì “chạm mặt với cái xấu cái ác” vv và vv… Nếu thế thì không riêng gì Hà Thúc Sinh mà chính Tô Thùy Yên cũng có đủ những “đặc tính” trên. Sau 1975, sau hàng ngàn ngày trong tù, “phóng chạy qua Mỹ, bệnh hoạn xác xơ, trong tay không còn một tấc sắt... ” (mượn lời Võ Phiến), Tô Thùy Yên đã nói rất rõ, không phải một lần mà ít nhất là ba lần:

- "... Đặc biệt trong tình huống cực kỳ chông chênh, nghiệt ngã, sinh tử mà chính con người đã bị đày đọa, dìm đắm vào đó, bị đặt để trước nguy cơ thường trực của sự trấn lột chính cái nhân phẩm còn sót lại của mình, thơ, hơn bao giờ hết, đã chứng tỏ một cách mãnh liệt   cái khả năng siêu tuyệt gần như tôn giáo của thơ... Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm qua về cái bản chất của thế giới tù đày đó. Trong thế giới đó, những con người thất trận của một cuộc chiến, một cuộc chiến đã tạm thời phải ngã ngũ như vậy đó, những con người bất hạnh đã bị tước đoạt gần như tất cả mọi sở hữu tối thiểu của mình, từ đất đứng, danh vị, thậm chí đến cả sinh mạng của mình, chỉ còn lại mỗi một phần duy nhất tạm thời chưa thể bị tước đoạt hoàn toàn, đó là nhân phẩm và niềm tin của chính mình. Chúng tôi, mỗi người một cách, đều phải ý thức một cách rõ ràng rằng đó mới chính là nỗi sinh tử cốt tủy, đích thực của chính mình, rằng không thể để cho con người trong chúng tôi bị bức tử ô nhục, rằng đó chính là cái phần mà chúng tôi bắt buộc phải gìn giữ, bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bằng mạng sống của mình. Lúc đó, một số không nhỏ chúng tôi đã phải kêu cầu đến sự trợ lực của văn nghệ, trong hoàn cảnh cực kỳ thắt ngặt lúc bấy giờ của chúng tôi, văn nghệ, dễ hiểu thôi, chỉ còn hai hình loại: nhạc và thơ, cái cặp vợ chồng rất cổ sơ sau  này đã ly tách. Và với nhạc và thơ, chúng tôi đã tìm thấy được một sự trợ lực thần thánh... (Tô Thùy Yên, Bài nói chuyện tại Thư viện Seattle, ngày 26. 7. 97)

Thơ, với nhà thơ bị cầm tù, và cả nhạc nữa ở trường hợp Hà Thúc Sinh, không chỉ giản dị là  phản ảnh của môi trường bên ngoài như Võ Phiến ám chỉ. Mà phản ảnh cái phần sâu thẳm nhất trong tâm linh con người khi người ta không còn lý do gì để sống đọa đầy (Tô Thùy Yên tự tử suýt chết, cổ tay vẫn còn vết sẹo và Hà Thúc Sinh đã từng nghĩ đến “một cái đinh, một lưỡi dao lam” để hủy đời mình. Ở cái thế giới tù đày mà Hà Thúc Sinh và bao nhiêu người bạn của họ đã đi qua, đã bỏ mình hay sống sót, thơ và nhạc không chỉ là những phương tiện để người ta giải bớt những u sầu cay độc của một hoàn cảnh sống khắc nghiệt mà đích thực là cái bóng từ bao lâu vẫn lẽo đẽo ẩn tàng để rồi khi cái hình tưởng chừng như ngã quỵ thì cái bóng ấy vực lên. Thơ, như thế, hoàn toàn vượt lên khỏi cái chỗ hẹp người ta đương đứng, không còn ỉ eo duyên tình gì với chính trị nhất thời và phân định, tách lìa ra khỏi hẳn cái thơ và nhạc “phản chiến” mà Võ Phiến gán cho nhạc Hà Thúc Sinh trước 1975. Thơ nhạc phản chiến vốn chỉ là phản ứng nhất thời của văn nghệ khi hoàn cảnh xui khiến người ta đồng ý hay không đồng ý với một thể chế chính trị-như miền Nam- tuy bất toàn nhưng vẫn còn cho người ta đủ tự do để phản đối nhưng chắc chắn không phải là “thơ”, là sự cưu mang rồi cứu rỗi để người ta có thể nếu cần dùng ngay chính mạng sống của mình để bảo vệ nhân phẩm lúc ấy không còn là của riêng một cá nhân, mà của cả hết cái tập thể bất hạnh đã thua trận một cách rủi ro. Kẻ thắng trận, người cộng sản, không hề hài lòng chỉ với một Miền Nam trù phú và cái danh nghĩa “thống nhất đất nước”. Cái sẽ làm họ hài lòng hơn hết thảy, cái mà họ muốn tước đoạt hơn hết thảy là nhân phẩm, niềm tin của tập thể đó mà đại diện là những nhà thơ nhà văn bị cầm tù. Võ Phiến chẳng thể hiểu nổi điều này, vì ông không phải là nhà thơ để có được cái nung nấu  làm nhẩm những câu thơ có thể dẫn đến cái chết vô danh giữa đêm khuya khoắt  và không phải là một người tù trong tù cộng sản Việt Nam, không  hề phải đương đầu với sự “trấn lột nhân phẩm”, sự băng hoại niềm tin, sự khánh kiệt tinh thần và sức người, sự cô lập ngặt nghèo và hoàn toàn với thế giới có sách và có thông tin bên ngoài để có thể hiểu được cái “trợ lực thần thánh” của thơ, của nhạc mà Hà Thúc Sinh và Tô Thùy Yên đã được nhận.

Trong những trường hợp như Hà Thúc Sinh, Võ Phiến đã viết để triệt hạ, triệt hạ những người mà sự nghiệp chống Cộng vượt xa Võ Phiến. Ông đã làm như thế với các nhà văn trước 1975 như nhóm Quan Điểm thì dĩ nhiên phải làm như thế với một số nhà văn khác sau 1975  mà Hà Thúc Sinh là một trường hợp điển hình.

 

III-CỘNG ĐỒNG XUÂN TÓC ĐỎ

Thái độ “thủ lãnh chống Cộng” của Võ Phiến làm những người viết khác bất bằng. Một trong những người đó là Hoàng Nguyên Nhuận. Ông viết một bài có tựa “Sư không ra sư, văn nô không ra văn nô?” (mượn nguyên văn một câu Võ Phiến dùng để nguyền rủa Phạm Thiên Thư trong phần viết về nhà thơ này trong cuốn Văn học Miền Nam-Thơ, trang 3021) để chất vấn về thành tích chính trị (chống Cộng) của Võ Phiến:

-“Hình như thơ chỉ là cái cớ để Võ Phiến trừng trị Phạm Thiên Thư về cái tội khác. Tội chính trị! Phải, tội chính trị. […]Võ Phiến không ưa Phạm Thiên Thư nên ghét luôn thơ của ông thầy tu đa tình nầy chỉ vì, theo Võ Phiến: ... sau tháng Năm 1975, nghe nói có một độ ông toan vung bút làm sáng tỏ cách mạng giải phóng. Và rồi Phạm thiên Thư đã thất bại trong mưu toan đó nên Võ Phiến quả quyết cho ông xuống địa ngục A Tỳ vì tội: ‘Làm văn nô không thành văn nô, làm sư cũng không hẳn ra sư.’  Hú hồn hú vía! Chỉ mới nghe nói Phạm thiên Thư toan vung bút thôi chứ chưa hề vung thật mà đã khện người ta nhừ tử thế, nếu tận mắt thấy Phạm thiên Thư vung bút thật thì biết đâu Võ Phiến đã theo chân các anh hùng quang phục quê hương vượt biên ngược về Sài Gòn trị tội nhà tu văn nô không ra văn nô, sư không ra sư nầy rồi. Hơi văn của Võ Phiến khi viết những dòng tố khổ đó thật còn nồng nặc hơn nước đái quỷ. Và bản lai diện mục của độc tố đó là chính trị. Phải chính trị! […]Võ Phiến dùng búa tạ chính trị để đập Phạm thiên Thư nát ngướu như người ta đần khô mực để nhậu. Nhưng Võ Phiến nhân danh chính trị nào, đã sống chết từ bao giờ và như thế nào với chính trị đó? Võ Phiến trốn lọt khỏi nước ngày 22.4.1975, tám ngày trước khi Sài Gòn thất thủ […]Trước khi ba chân bốn cẳng bò ra tàu Mỹ chực vớt ngoài khơi, Võ Phiến có rủ Phạm thiên Thư theo không và trước đó có tổ chức cho Phạm thiên Thư cùng đi với không? Là người còn chịu khó giữ được cả những bài thơ làm hồi 1943, thế nào Võ Phiến cũng còn đủ bài vở đã viết cho Đài Mẹ Việt Nam hay Gươm Thiêng Ái Quốc. Thế nhưng, phần tiểu sử cũng như phần liệt kê tác phẩm của Võ Phiến đã không hề nhắc một câu một chữ về thành tích văn học chính trị sáng tạo dưới sự chỉ đạo của ông Edward X và được Tòa Đại Sứ Mỹ liệt vào ưu tiên thứ tư sau Bộ Trưởng, Tướng Lãnh nầy! […] Cũng về chống cộng, Võ Phiến liên tục làm việc cho báo Bách Khoa từ 1957 đến 1975 và cùng san sẻ bút hiệu Tràng Thiên với Vũ Hạnh, một cán bộ cộng sản trường kỳ mai phục trong tòa soạn Bách Khoa. Làm việc bao nhiêu năm với Vũ Hạnh, nếu Võ Phiến không biết Vũ Hạnh là ai thì có phải Võ Phiến đã vô tình nối giáo cho giặc? Nếu Võ Phiến biết Vũ Hạnh là ai mà vẫn làm việc chung thì Võ Phiến có thể bị kết tội đã bao che, bị dựt dây, bị lợi dụng, và đã nhận ân huệ của cộng sản không? Ân huệ như khi Vũ Hạnh viết bài ca tụng văn tài của Võ Phiến chẳng hạn. Võ Phiến trả lời sao về những chuyện thật đã xảy ra, hay toan xảy ra đó.” [Hoàng Nguyên Nhuận, “Sư không ra sư, văn nô không ra văn nô?”, Phồn Hoa Kinh, trang 277-294, Nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ, 2003 (hay giaodiemonline.com)]

Cho tới nay, cả Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc và Lê Tất Điều nữa chưa bao giờ trả lời những người phê bình từ Thụy Khuê cho tới Hoàng Nguyên Nhuận. Nhưng cộng đồng Xuân Tóc Đỏ đã có phản ứng ngay với bài “Tạp bút không phải là phê bình văn học” (Nguyễn Tà Cúc) mà sẽ được trình bày sơ qua sau đây. Dù phản ứng bằng cách không dám nêu đích danh hay nhắm tấn công vào đời riêng người viết, cộng đồng Xuân Tóc Đỏ này chỉ chứng minh một điều đã hiển nhiên: bộ sách của Võ Phiến thất bại vì nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là sự thiếu liêm khiết trí thức và khả năng nghiên cứu của tác giả. Không những thế, những thái độ phi văn nghệ ấy còn cho thấy không có công trình nghiên cứu về Văn học Miền Nam nào sẽ tránh được sự thẩm định của ngay cả cộng đồng đã tạo ra nó dù là ở bên này hay bên kia bờ đại dương.

 

1 - Phản ứng của Võ Phiến

Hơn nửa năm sau khi bộ sách về Văn Học Miền Nam được xuất bản, Võ Phiến, qua một cuộc gọi là phỏng vấn trên tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác vào tháng năm, 2000, đã cần đến gần 10 trang, nghĩa là hơn nửa cuộc phỏng vấn, để thống trách cái “dư luận nêu ra, công khai hay ở chỗ riêng tư” đã phê bình ông. Sự bào chữa (với “dư luận” nghĩa là những người vô danh!) của Võ Phiến không có gì mới: ông chỉ lập lại, có điều nóng giận và thô tục hơn, những điều ông đã viết về lý do chọn lựa những tác giả có mặt và thể văn đã dùng.

Nhưng có thể vì nóng giận mà Võ Phiến lần này buột miệng nói ra một điều ám ảnh ông: “Đã không thấy có động cơ xấu là được rồi. Còn chọn sai, chọn đúng, cái ấy người viết lãnh đủ. Anh ta sẽ chịu trận với đời, không trốn tránh đi đâu.” Thực thế, “nếu không trốn tránh đi đâu” sao cần có sự biện bạch dài dòng? Mà biện bạch với người vô danh? Phải chăng vì chính Võ Phiến cũng cảm nhận ngay được rằng ở bộ Văn Học Miền Nam này, vấn đề mấu chốt không nằm ở chỗ  người được chọn  có xứng đáng  không mà ở cái “động cơ” (xấu hay không xấu) khi chọn lựa và viết về họ. Một điều không thể được bỏ qua, như đã chứng minh nhiều lần, là Võ Phiến rất ít khi chịu đề rõ xuất xứ những nơi trích dẫn để tiện bề gán ghép hay thậm chí có khi ngụy chứng tài liệu để hướng dẫn sai độc giả, nhất là ở thời này, khi Võ Phiến biết không phải độc giả nào cũng có một sự hiểu biết rõ ràng hay có cơ hội đọc biết những tài liệu về Văn học Miền Nam. Để chứng minh một lần nữa cho sáng tỏ hơn cung cách phê bình sai lầm của Võ Phiến, người viết sẽ phân tích ngay một số câu trả lời của ông trên Văn Học:

-“...Số dư luận được quý báo thu nhận và nêu ra có ba điểm chính. Ba điểm chính cùng chung một hướng là hướng chê bai cả. Trong lớp nhà văn tiền chiến người ta nhận thấy phê bình mà chỉ nói đến cái hay có Hoài Thanh, chỉ nói đến cái sai cái quấy là Nguyễn Văn Tố. Cái dư luận quý báo ghi nhận đây thuộc khuynh hướng Nguyễn Văn Tố.” (Võ Phiến, Văn học Phỏng Vấn Nhà Văn Võ Phiến về Bộ Sách Văn Học Miền NamVăn Học số 169, tháng 5. 2000, trang 10)

Không may cho Võ Phiến, khi trả lời phỏng vấn, ông có nhắc đến cuốn Cuốn Sổ Tay của Người Chơi Cổ Ngoạn (Vương Hồng Sển) nên người đọc có thể tìm taì liệu gốc để xem sự thực ra sao: Có phải học giả Nguyễn Văn Tố “chỉ nói đến cái sai cái quấy” như Võ Phiến nhận xét không? Những thế hệ đi sau và cả thế hệ này nữa, nếu không có dịp được biết về Nguyễn Văn Tố sẽ tin ngay. (Nhưng ngay bây giờ thì chắc cả cái cộng đồng trong và ngoài nước hẳn phải sửng sốt về nhận xét của Võ Phiến dành cho một trong những học giả hàng đầu của Việt Nam). Nhưng ngay chính trong cuốn sách mà Võ Phiến đã dẫn, có một đoạn rất dài nói khác về Nguyễn Văn Tố mà Võ Phiến chắc chắn đã phải đọc. Đoạn sau đây là của Bác sĩ Đào Huy Hách, nguyên giáo sư trường Y Khoa Hà-nội (ancien prosecteur à la faculté), trích trong thư viết ngày mồng một, tháng chạp, năm 1971 cho Vương Hồng Sển, đăng lại trong Cuốn Sổ Tay của Người Chơi Cổ Ngoạn:

-“Đọc bài của Nguyễn Thiệu Lâu, làm cho tôi sống lại cả một thời kỳ dĩ vãng, thời kỳ niên thiếu vô tư và học hỏi. Nguyễn Thiệu Lâu chia Nguyễn Văn Tố ra làm ba nhân vật: ông Hội trưởng Hội Trí Tri, Nhà Khảo cứu tạp trí Tri Tân  và Viện Bác cổ, và sau cùng là nhà Cách Mạng. […]Trong thời ấy đã xẩy ra một chuyện vui làm cho không khí yên tĩnh phòng thí nghiệm Viện Cơ-thể-học nhộn lên một lúc. Nguyên là bên Đại học Khoa học, một gíao sư Vật lý người Pháp có tiếng, cho xuất bản một cuốn sách nhỏ...Tôi cũng không nhớ trong những điều kiện nào cụ Tố đã đọc và đã chê bản ấy...Chắc là cụ Tố không ác ý nhưng tác giả, giáo sư X, có lẽ hơi tự ái, ngượng và ngụy biện sao đó, nên cụ Tố đã thẳng thắn cho một “chùy” khá nặng, nào là sách tham khảo sai, nào là viết mất luật vv...Độc giả tất còn nhớ Nguyễn Thiệu Lâu đã viết ông bị cụ Tố sửa ra sao, và cụ Tố đã sửa cả G. Coedès, giám đốc Viễn-đông bác cổ. Vậy thì một hôm giáo sư Huard đến phòng thí  nghiệm Viện Cơ-thể-học..., và ông bảo tôi: “- Lão X vừa bị ông Tố cho một vố đau lắm...Anh đưa tôi cái bản thảo về sách tham khảo luận án của  anh, về ‘Ngón chân người Giao Chỉ’  Tôi sẽ đưa cho ông Tố chữa chiều nay. Như thế cho chắc ăn hơn..” Hai bản sách tham khảo ấy có độ tên 100 cuốn, tôi đã cho đánh máy rồi, nên đưa ngay cho ông Huard. Mười hôm sau bản đó trở lại với tôi và đúng như Nguyễn Thiệu Lâu đã viết, chi chít chữ cụ Tố sửa từ đầu đến cuối, bằng mực đỏ...cụ Tố sửa lại hết, còn chua thêm cả sách in năm nào tại đâu...Thì ra, nếu tìm ra sách ở viện Bác cổ, cụ Tố đã không ngại gì tra và đọc! Tôi phục lăn ra...Nhận được thư trả lời của cụ, ông Huard lại hềnh hệch cười và đưa tôi xem. Vẫn thứ chữ nhỏ, rõ ràng và nắn nót ấy...và sau cùng kết luận bằng câu mà tôi còn nhớ mãi: “Je ne suis qu’un rat de bibliothèque” ý khiêm tốn nói rằng tôi chỉ là một con chuột (gặm sách) trong thư viện! Giáo sư Huard cũng là hạng chơi chữ đã trả lời cụ Tố và kết luận rằng: “Vous êtes un tigre de bibliothèque” (ông thật là con hùm [xám] trong[ rừng sách] thư viện!) NTL có nói đến cụ có khuyên ông Lâu đừng thành con mọt sách, câu chuyện trên chỉ làm sáng tỏ thêm hình ảnh cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố và những con mọt sách kiểu Nguyễn Văn Tố thực  hiếm có vậy! Sau này ông Huard đã sáng lập và làm hội trưởng Hội khảo cứu về Người (Société pour l’Étude de l’Homme). Sáng lập viên hội ấy có G. Coesdès, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp và mấy anh em chúng tôi trong Viện Cơ-thể -học, trong ấy có kẻ viết bài nầy. Sự thật thì GS Huard, khi lập ra hội, muốn phải có hội viên, vả lại chúng tôi ở viện ít ra cũng có công đo mấy trăm cái xương khô,...ấy là không kể đi đo vòng số 1, số 2 và số 3, và các vòng khác của mấy chục cô đầm lai viện mồ côi Hàng Kèn Hà- nội, công tác mà thường khi được G.S. Huard phái đi, chúng tôi không thoái thác. Những bài khảo cứu về Nhân-hình-học (Anthropologie, chúng tôi làm đã được vài năm, công việc sửa chữa và lập lại những sách tham khảo, lẽ tất nhiên phải qua cụ Tố[…]Theo ý kiến ông Huard thì việc khảo cứu cần nhất ở bản sách tham khảo (bibliographie).Lập được bản này đã làm được nửa công việc và giúp ích rất nhiều cho người sau khỏi mất công tìm kiếm. Bởi vậy ông Huard phải lôi cho kỳ được cụ Tố...Ngày khai mạc Hội trên cũng là ngày tôi thấy cụ Tố lần cuối...Cụ Tố thì vẫn bộ quốc phục trắng muôn thuở với cái khăn xếp vải trắng...Giữa cái đám hơn hai chục bộ âu phục và binh phục sậm màu, bộ  quốc phục trắng của cụ nổi bật như một khiêu khích. Cụ vẫn giản dị, nhưng đầu giữ cao, đôi mắt thoáng có những tia sáng miệt thị![…]Và cái khăn xếp vải trắng ấy đã che một trong những bộ óc thông minh và uyên bác nhất của Việt Nam hiện đại.”(Trích trong thư Bác sĩ Đào Huy Hách viết ngày mồng một, tháng chạp, năm 1971 cho Vương Hồng Sển, đăng lại trong Cuốn Sổ Tay của Người Chơi Cổ Ngoạn, Vương Hồng Sển, trang 336-340, không rõ nhà xuất bản và năm in, nhưng lời tựa của  tác giả đề ngày 6  tháng giêng, 1972)        

Đó là một thí dụ cho thấy cái kiến thức tuy thiếu sót nhưng cùng lúc rất nham hiểm của Võ Phiến. Ông (và Nguyễn Hưng Quốc) cũng cực lực bào chữa lối viết “tùy bút” kiểu Xuân Tóc Đỏ đã được dùng trong bộ sách này. Về sự thanh minh, biện bác ấy chỉ cần mấy câu ngắn gọn của Thụy Khuê cũng đã tạm giải quyết được:

-,,,Lối viết châm biếm, mỉa mai (đời), ưu điểm của tùy bút nơi ông, lại trở thành châm biếm, mỉa mai (cá nhân) điều tối kỵ trong phê bình văn học...(Thụy Khuê, Hợp Lưu số  68, trang 37).

Hay chính lời phát biểu sau đây của Võ Phiến: “...vú bà Triệu Ẩu đích thực dài đúng mấy thước…” (Phỏng Vấn Nhà Văn Võ Phiến về Bộ Sách Văn Học Miền Nam, Văn Học số 169, tháng 5. 2000, trang 19). Thiệt là ...Xuân Tóc Đỏ hết chỗ nói! Và cũng thiệt là hên mà chưa thấy Võ Phiến đề cập tới Thụy Khuê hay người viết bài này!

Cả Võ Phiến và tờ Văn Học đều không đề cập đến việc ông đem đời riêng của Nguyễn Thị Hoàng và Kim Lefèvre lên sách (và bị phê bình) mà lại cố ý bẻ quẹo đi khi Văn Học đặt câu hỏi rằng “dư luận” đã cho rằng Võ Phiến phê bình một cách “gay gắt”. Không ai lại ngớ ngẩn đến nỗi đặt vấn đề “gay gắt” trong phê bình cả, chỉ có phê bình đúng hay sai mà thôi.

Cho nên, Phan Lạc Tiếp (một trong những tác giả viết bài ca ngợi Võ Phiến trong chủ đề Võ Phiến do Tạp chí Thế Kỷ 21 hình thành) nhầm to về tư cách phê bình của Võ Phiến: “Can đảm, vì ông đã không ngần ngại đưa ra những nhận định rất đanh thép đối với một số tác giả, tác phẩm…” (Phan Lạc Tiếp, “Võ Phiến: Một cây thông lúc nào cũng xanh tươi”, Thế Kỷ  21 số 78, trang 31, Tháng 10.1995).  “Nhận định đanh thép” ấy, thiếu giáo dục thay, lại về đời riêng của một nữ đồng nghiệp (Nguyễn Thị Hoàng) và sự “can đảm” ấy, khôi hài thay, lại dành cho một nhà văn còn ở lại Việt Nam (Phạm Thiên Thư). Nhưng sự sai lầm và có chỗ trí trá của Võ Phiến lại được thể hiện ở hai người tuy thuộc thế hệ sau nhưng sự ngụy biện và ngoa ngôn lại có khi không thua Võ Phiến: một là Lê Tất Điều và một kia là Nguyễn Hưng Quốc.

 

2-Phản ứng của Kiều Phong Lê Tất Điều

Lê Tất Điều là “chỗ thân thiết” với Võ Phiến (qua bài “Khắc trong tâm người”, trang 44, Thế Kỷ 21, sđd), thậm chí “thương nhau” (qua Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Ký, “Lê Tất Điều”, trang 1942) thì dĩ nhiên nếu Lê Tất Điều có bênh vực cho Võ Phiến cũng là điều nên và phải làm. Lê Tất Điều vốn dùng bút hiệu Kiều Phong trước 1975 để viết phiếm. Võ Phiến đã hết lời ca ngợi sự nghiệp Kiều Phong này, như sau: “Trong những năm cuối của Miền Nam hỗn loạn mục nát, trên khắp mặt báo chí, Kiều Phong với lối viết cực kỳ thông minh sắc bén đã ‘đánh đuổi’ tới cùng những phường bất lương, bất chấp mọi nguy hiểm vẫn đe doạ các người cầm bút quả cảm.” (Võ Phiến, sđd, trangg 1941). Được đọc những lời quảng cáo long trọng như thế, người viết quả có mừng thầm, rằng, rồi ra, chính mình và độc giả (cùng giới nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn thiết tha với Văn học Miền Nam) hẳn sẽ được Kiều Phong giải mã về những vấn đề rất khó hiểu này, nhất là khi Hoa Kỳ không có “mối đe doạ” nào như hồi còn ở Miền Nam. Nhưng thực là một sự thất vọng lớn lao mà được thấy Kiều Phong Lê Tất Điều của Võ Phiến hoàn toàn khác với Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung. Kiều Phong của Kim Dung hảo hớn bao nhiêu thì Kiều Phong của Võ Phiến lại ra vẻ “nụy nhân nô nhan” bấy nhiêu. Không thể dùng lý luận bác bỏ được những chứng cớ do người viết đưa ra trong “Tạp bút không phải là phê bình văn học”, Lê Tất Điều nhiều lần đề cập đến chuyện gia đình riêng và bạn hữu của người viết bằng một thứ chữ nghĩa hết sức thô bỉ. Một trong những người vô can bị tấn công là nhà văn Đỗ Tiến Đức, hiện là chủ nhiệm&chủ bút Nhật báo Thời Luận (Los Angeles, California). Điều đó hóa ra lại là một điều hay: tác phong văn chương của Lê Tất Điều nay được tái thẩm định một cách chính xác hơn sau khi nhiều người (kể cả người viết) đã có lần khen ngợi ông trước đó.

 

3-Phản ứng của Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc khởi sự viết sau 1975, xuất hiện ở một lĩnh vực mà văn học Việt Nam hải ngoại còn thiếu người: phê bình.  Khi mới bắt đầu, ông tỏ ra có sáng kiến, cũng tạm gọi là có chữ nghĩa và còn biết nhũn nhặn. Khi ấy, ông chưa bị cái học của/từ phương Tây làm cho lóa mắt nên người đọc không đến nỗi phải khó chịu. Những cuộc tranh luận do ông gây ra tuy chỉ lôi cuốn được một số rất ít người, cũng góp phần rất lớn vào việc tạo cho ông một phần nào tên tuổi nhất là khi so sánh với những khuôn mặt lạ ở hải ngoại. Có một lúc bài phê bình của ông xuất hiện trên bốn tạp chí văn học ngoài nước: Văn Học, Văn, Hợp Lưu và sau này thêm tờ Việt do ông làm chủ bút (được mươi số thì đình bản). Nhưng dần dà, ông có lối viết chủ quan, đặt quá nặng vấn đề so sánh giữa và phương Tây và Việt Nam mà người  đọc có nhiều lý do để kết luận rằng ông chưa đủ kiến thức thâm sâu về cả hai đủ để phán đoán cho chính xác dẫn đến hai lỗi lầm khiến chưa gượng lại được và sẽ khiến ông sẽ phải mất rất nhiều thời gian và cố gắng trước khi lấy lại được phần nào cái danh nghĩa “nhà phê bình”. Bài này chỉ đề cập đến lỗi thứ hai, là cuốn Võ Phiến. Nói cho công tâm, ông đã quá ỷ y vào uy tín và sự đạo đức của nhà văn này cho nên đã phạm vào điều cực kỳ nghiêm trọng mà lại là sơ đẳng nhất của ngành phê bình: không kiểm chứng tài liệu do Võ Phiến giao cho hay người khác viết dẫn đến những sai lầm không tha thứ được.

Cũng như Võ Phiến và Lê Tất Điều, Nguyễn Hưng Quốc không thể phản bác người viết bằng chứng cớ cụ thể nên đành áp dụng những thứ võ mà chính ông miệt thị: “không nói lý được thì cãi cù cưa; không cãi cù cưa được thì chửi đổng, không chửi đổng được thì từ xa xa lấy đá ném rồi bỏ chạy.” (Nguyễn Hưng Quốc, “Cần có văn hoá tranh luận”, Hợp Lưu số 53, trang 14). Cũng như Võ Phiến trong bài phỏng vấn thượng dẫn, Nguyễn Hưng Quốc đã “không nói lý” được  nên  “chửi đổng” những tác giả “vô danh” và “từ xa xa” lấy đá ném cái “dư luận” không có mặt mũi để diễn một vở kịch mà ông Quốc viết tuồng, làm đạo diễn kiêm luôn kép độc. Người viết trích ra đây một đoạn dài trong bài phản bác (những người vô danh) có tựa Phê bình phê bình của ông Quốc để người đọc tiện theo dõi:

-“Trong một cuộc tán gẫu về văn học quanh một bàn nhậu ở Việt Nam, dịp tôi về thăm nhà vào cuối năm 2000, một người nghe đâu cũng làm thơ hỏi tôi: “Nghe nói hình như anh có viết một cuốn sách về Võ Phiến?” Tôi gật đầu xác nhận. Người ấy nói tiếp:“Tôi không hiểu tại sao anh lại mất thì giờ như vậy. Tôi thấy Võ Phiến viết xoàng lắm.” Tôi kiên nhẫn: “Anh có đọc Võ Phiến nhiều không?” “Không. Trước năm 1975, tôi chỉ đọc vài bài viết của ông ấy trên báo thôi.”“Còn sau năm 1975 thì sao?” “Không. Tôi không đọc gì của ông ấy cả.”

Tôi nói cho qua chuyện: “Sau năm 75, qua Mỹ, Võ Phiến viết nhiều lắm. Mới đây ông ấy cho in bộ sách về văn học miền Nam dày đến 7 tập.” Nhà thơ nọ bỗng lên giọng, gay gắt: “Tôi thấy ổng chỉ viết linh tinh.” Tôi ngạc nhiên: “Ủa, anh đọc rồi hả?” Nhà thơ nọ đáp, đầy tự tin: “Chưa. Tôi không có bộ sách đó. Nhưng tôi có đọc mấy câu Võ Phiến phê bình Vũ Khắc Khoan được trích trong một bài báo đăng trên tờ gì đó ở Mỹ.”

Thành thực mà nói, tôi không quan tâm đến việc nhà thơ vô danh nọ không đồng ý với tôi hay coi thường Võ Phiến. Một phần, qua buổi trò chuyện, tôi không đánh giá cao sự hiểu biết cũng như khả năng phán đoán của nhà thơ ấy cho lắm; phần khác, quan trọng hơn, cho dù sự bất đồng ấy đến từ một người thông minh và nhạy cảm hơn, tôi cũng cho là chuyện bình thường. Trong phạm vi văn học, có lẽ chỉ có những điều vớ vẩn nhất, tức những điều ngay cả những người không biết đọc và không biết viết cũng biết, mới hy vọng có thể được mọi người đồng ý. Tuy nhiên, tôi vẫn không ngớt ngạc nhiên về thái độ của nhà thơ ấy, một thái độ thô bạo và ngây thơ lạ thường. Thô bạo ở chỗ sẵn sàng công kích bất cứ ai nói khác điều mình nghĩ, và ngây thơ ở chỗ cả tin vào một vài câu trích dẫn bâng quơ đâu đó đến độ suồng sã nhảy xổ ra tranh luận về những cuốn sách anh chưa hề đọc. Thái độ thô bạo và ngây thơ như vậy, tôi ngờ là xuất phát từ một sự ngộ nhận về phê bình và dẫn đến hậu quả là làm cho công việc phê bình các hoạt động phê bình cứ loanh quanh mãi trong vòng đàm tiếu vu vơ và vô bổ. Điều đáng ngạc nhiên và cũng đáng lo ngại hơn là thái độ thô bạo và ngây thơ như vậy hình như lại khá phổ biến.

Vài ba tháng trước khi tình cờ gặp nhà thơ kể trên, tôi được một nhà văn thuộc loại khá có tiếng tăm ở California chuyển cho xem một xấp tài liệu của một diễn đàn văn nghệ được tổ chức qua hệ thống internet. Nội dung của xấp tài liệu ấy là cuộc thảo luận tập trung vào một bài phê bình bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến. Đọc các ý kiến được trình bày trong cuộc thảo luận, tôi thấy rõ một điều: những người tham gia đều là những trí thức loại khá. Nhìn chung, ai cũng có vẻ am hiểu tình hình sinh hoạt văn học miền Nam trước năm 1975 và văn học hải ngoại sau năm 1975. Họ có lối lập luận khúc chiết, một lối diễn đạt mạch lạc và đặc biệt, một thái độ nghiêm túc, lịch sự và đầy nhiệt tình. Tuy nhiên, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là cả những người đồng ý và bênh vực bài phê bình lẫn những người không đồng ý và phản đối bài phê bình ấy đều thú nhận là họ chưa hề đọc bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến. Chưa hề đọc bộ sách, tất cả những cứ liệu người ta dùng để thảo luận với nhau một cách say sưa và… uyên bác là một số câu trích dẫn cụt đầu cụt đuôi trong bài phê bình nọ, một bài phê bình vốn đầy ác ý đối với Võ Phiến và được viết bởi một người, theo tôi, có một trình độ hiểu biết và cảm thụ văn học khá tầm thường. Chỉ dựa trên một nguồn tài liệu cực kỳ nghèo nàn và chắp vá như thế, những người tham gia vào diễn đàn nhiều khi phải suy diễn thêm, phải kết hợp với một số tin đồn họ thu nhận được đâu đó, cuối cùng, cuộc thảo luận càng lúc càng đi xa những gì Võ Phiến thực sự viết.” (Nguyễn Hưng Quốc, “Phê bình phê bình”, Hợp Lưu số 61, trang 24- 38)

Hẳn bây giờ thì ông Quốc phải cay đắng (và xấu hổ?) mà nhận ra rằng những lời thóa mạ vu vơ, sự nóng nẩy đến nỗi “sẵn sàng công kích bất cứ ai nói khác điều mình nghĩ” này lại ứng vào chính bản thân đương sự. Trong bài nói trên, tại sao ông Quốc không nêu đích danh được cái nhà thơ vô tích sự và rất phi văn nghệ kia để cho cả làng văn nghệ biết? Phải chăng ông Quốc phải làm một việc phi văn nghệ như vậy vì ông có thể dối độc giả được chứ ông không thể dối chính ông? Còn những điều mà ông Quốc cho là “tin đồn” thì là sự thực có nhân chứng còn sống hoặc chính do Võ Phiến nói ra. Những việc đã được kiểm chứng này nhiều vô số kể. Thí dụ như việc Võ Phiến đào nhiệm ra đi từ giữa tháng Tư, việc ông không phải là Phụ tá Giám Đốc Nha Điện Ảnh như Nguyễn Hưng Quốc thuật lại (trang 23 trong cuốn Võ Phiến), việc ông ăn cắp giờ trong sở để viết trộm, việc ông giao hảo với Vũ Hạnh (một cán bộ Cộng sản nằm vùng) vv… Chưa kể, nếu đã ca ngợi Võ Phiến về “sự nghiệp chống Cộng”, sao không thấy ông Quốc hỏi han gì –như Hoàng Nguyên Nhuận đã lên tiếng yêu cầu--về những bài mà Võ Phiến đã viết trong thời gian làm cho Đài Mẹ Việt Nam? Khó hiểu hơn nữa, tuy Võ Phiến từng là hội viên của Hội Văn Bút Việt Nam, từng được hưởng bổng lộc triều đình (được gửi ra ngoại quốc trong phái đoàn đại diện VNCH tham dự cuộc họp của Văn Bút Quốc Tế) mà tại sao Võ Phiến lại ngụy chứng để vu khống Vũ Hoàng Chương, người từng là Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam?

Bởi thế, người đọc có thể căn cứ và đối chiếu những tài liệu trên để kết luận rằng (mượn hoàn toàn ngôn ngữ của ông Quốc trong bài thượng dẫn) cuốn Võ Phiến là “một việc làm vô cùng nhảm nhí”. Không những “nhảm nhí”, cái thái độ “chửi đổng”, “thô bạo”, “ngây thơ”, “suồng sã nhẩy xổ ra tranh luận” về những tài liệu “anh chưa hề đọc”, hay viết lách theo kiểu “ngồi lê đôi mách” vì không dám nêu đích danh tác giả, tờ báo, diễn đàn nào đó đã phê bình anh (phải chăng những chuyện anh thuật lại là do chính anh bịa ra hay bẻ quẹo đi cho hợp với lý luận một chiều?)  là một thái độ “vừa phản văn học vừa bất lương”, “là một hành động nói leo vụng về”, “tin cậy một cách nhẹ dạ vào những điều hoàn toàn chưa được kiểm tra”, không “bảo vệ được văn hóa phê bình”, không “giúp được phê bình giữ được tính chất trí thức và trách nhiệm của nó” (những chữ đao to búa lớn, bù lu bù loa và có lúc rất “mất gà” này đều mượn của Nguyễn Hưng Quốc trong Hợp Lưu, sđd).

Còn những đoạn ông Quốc viết lăng nhăng về “tính chủ quan” trong phê bình để bênh vực cho những thiếu sót của Võ Phiến thì không thể áp dụng được trong riêng trường hợp này vì một lẽ rất giản dị: khi đã một tay viết văn sử còn tay kia phất cái cờ “chính nghĩa”  ồn ào như Võ Phiến đã làm với Văn học Miền Nam thì anh không có quyền “chủ quan” ở cái nghĩa loại nhiều nhà thơ quan trọng như Cung Trầm Tưởng hay cắt xén tài liệu, ngụy chứng để vu khống hàng loạt các tác giả mà anh không ưa hay không phục.  Ở trường hợp sau, lại là một sự bất lương văn nghệ cần phải được công bố vì người đương thời với Võ Phiến và Nguyễn Hưng Quốc không thể để cho sự thực bị khuất lấp chỉ vì e ngại sẽ phải đụng chạm hay đương đầu với thứ thái độ và ngôn ngữ “ngụy trí thức”, “ngụy văn nghệ”, “ngụy đạo đức” mà ông Quốc thường rất sính dùng để lòe độc giả.

Riêng người viết có lời công khai khuyên một người kể ra là cũng còn có hy vọng để …nên người phê bình: Lãnh vực phê bình là một lãnh vực khó khăn, không phải kẻ yếu bóng vía nào cũng tham dự được vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là vấn đề tài liệu. Tương tự như ngành khảo cổ, người phê bình sẽ phải điều chỉnh một khi có những tài liệu mới có lúc mâu thuẫn với điều mình đã kết luận chỉ mới vài phút trước đó. Cho nên, sự thông cảm và hỗ trợ nhau là điều cần thiết vì không ai trong ngành này dám kiêu ngạo đến nỗi khoe rằng họ có chút sự nghiệp nào hay khám phá được điều gì mới mà không học hỏi từ cả thành công lẫn thất bại của người cùng ngành. Lẽ thứ hai là đừng quên kết hợp cả văn lẫn sử. “Sử” trong trường hợp này là bối cảnh Miền Nam và các nhân chứng của nó. Khi Võ Phiến tự nhận rằng ông từng là Phụ tá Giám đốc của Nha Điện ảnh Việt Nam Cộng hòa thì chính cái “sử” còn sống là nhà văn Giám đốc Nha Điện ảnh Đỗ Tiến Đức đã xác định rằng Võ Phiến (qua Nguyễn Hưng Quốc) nói sai:

-“Chị đã hỏi thì tôi mới nói, chứ thực ra tôi cũng chẳng muốn nhắc đến vì có gì là quan trọng với tôi. Anh Võ Phiến không thể là “Phụ tá giám đốc” Nha Điện ảnh được vì một lẽ hết sức giản dị: trong sơ đồ tổ chức của Nha Điện ảnh, chỉ có chức Giám đốc (Cười) Trước khi tôi làm giám đốc thì Miền Nam chỉ có Trung tâm Điện ảnh Quốc gia làm phim thời sự 10 phút và có một ông Chánh sự vụ coi sóc. Khi tôi làm Giám đốc Nha Điện ảnh thì tôi phải trông coi việc kiểm duyệt, sản xuất và xuất nhập cảng phim ảnh. Nếu có ai viết rằng anh Võ Phiến làm “Phụ tá giám đốc Nha Huấn luyện” như chị hỏi tôi thì lại càng sai vì chức của anh ấy là “Chánh sự vụ Sở Huấn luyện Cán bộ” thuộc bên Thông Tin. Khi mà anh ấy bị lôi thôi về vụ ký kiến nghị thì tôi có thương tình và cố gắng can thiệp để anh Võ Phiến có thể về trú chân ở Nha Điện ảnh dưới quyền tôi. Nhưng mà rút cục đâu lại hoàn đấy (Cười). Giơ cao đánh sẽ, chị ạ, vì chế độ Miền Nam tuy thế mà rất trọng văn nghệ sĩ. Thực ra, vì hồi đó chị còn nhỏ nên chắc là không rõ lắm, nhưng cái bản kiến nghị ấy có rất nhiều người ký tên, kể cả những anh phục vụ trong quân đội. Ở trường hợp đó, họ rất có thể bị phạt nặng nhưng họ vẫn ký. Trường hợp anh Võ Phiến thì vì anh ấy huấn luyện cán bộ, người ta không thể để cán bộ làm loạn nên mới phải thuyên chuyển anh Võ Phiến vào một chỗ không …huấn luyện ai làm loạn được nữa. Đấy, sự thực thì bao giờ cũng giản dị.” (Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn Đỗ Tiến Đức).

Chỉ một câu trả lời này của Đỗ Tiến Đức hy vọng sẽ cho những Nguyễn Hưng Quốc tương lai hiểu rằng khi viết phê bình, lời lẽ hoa mỹ không bằng sự khả tín của nhân chứng và có ngoa ngôn thế nào cũng không thoát được sự đối chiếu với tài liệu nhiều chiều.

 

TỔNG KẾT

Đầu năm 1997, người viết sau khi đọc sơ qua cuốn Văn học Miền Nam-Tổng Quan có viết thư cho Võ Phiến đặt dấu hỏi về đoạn ông viết về Tạp chí Khởi Hành (bộ cũ, Việt Nam) hay Thời Tập “có sống được bao lâu đâu” so với Bách Khoa. Về Khởi Hànhtuy ra mắt vào tháng 5, 1969 và chấm dứt phát hành vào đầu năm 1973 (Chủ nhiệm & Chủ bút: Đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng, Thư ký Toà soạn: Viên Linh) nhưng nó là tuần báo nên ra được gần 160 số, là một số đáng kể, nhất là khi nó quy tụ hầu hết những tác giả của Văn học Miền Nam lúc bấy giờ. Khởi Hành cũng có những bài phỏng vấn văn nghệ hay chính trị, ghi lại một phần lịch sử Miền Nam. Dàn hoạ sĩ của Khởi Hành (nơi xuất thân họa sĩ Choé) cộng thêm tài trình bày của Viên Linh là ưu điểm mà Bách Khoa không có. Còn Thời Tập thì bắt buộc phải đóng cửa vào tháng tư, 1975 khi chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh tỵ nạn Cộng sản tai Hoa Kỳ. Bởi thế, nếu viết rõ hơn được như thế thì chính xác hơn. Nhà văn Võ Phiến có trả lời bằng một bức thư ký ngày 20.7.1997.

Nhưng khi tái bản Võ Phiến vẫn giữ như cũ. Sau đó, có dịp đọc lại kỹ hơn, người viết thấy càng có quá nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ cho Văn học Miền Nam nên đã viết nhiều bài liên tiếp phân tích về bộ sách của Võ Phiến và sau đó, về thái độ của ông cũng như của hai người thân tín ông như đã dẫn. Qua những tài liệu càng lúc càng nhiều, nay người viết nhận thấy hai điều có thể kết luận được về Võ Phiến và bộ sách phê bình Văn học Miền Nam. Thứ nhất, hào quang chống Cộng sau 1975 do Nguyễn Hưng Quốc, Lê Tất Điều giúp dựng lên là vô căn cứ nhất là khi so với việc ký giả Từ Chung bị thảm sát và nhà văn Chu Tử bị ám sát hụt ở Sàigòn:

Hình hài kia., gầy gò biết mấy
Mà dùng chi súng đạn với bạo quyền
Anh không có kẻ thù ngoài Cộng sản cuồng điên…

(Hoa Từ ChungGiữ Thơm Quê Mẹ, Xuân Bính Ngọ, đăng lại từ Nhật báo Chính Luận số 531, ngày 7.1.1966)

Thứ hai, sở dĩ Võ Phiến có thái độ đã trích dẫn về một số đồng nghiệp là vì có lẽ ông biết ông không thể so sánh với họ được. Trái với công chức Võ Phiến, những nhà văn như trong nhóm Quan Điểm hay Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương đều là những nghệ sĩ ngoài vốn trí thức của họ. Đó là chưa kể họ từng là chủ nhiệm hay chủ bút của các tạp chí văn học (một điều Võ Phiến không có) và giao du rộng rãi (như Nguiễn Ngu Í hay Bình-Nguyên Lộc). Trong khi ông chỉ được biết đến như một nhà văn trong nhiều nhà văn của nhóm Bách Khoa và không có hoạt động văn nghệ gì đáng kể thì họ gây xôn xao bằng những hoạt đông văn nghệ và chính phong cách của họ. Để đánh giá Võ Phiến cho chính xác hơn, người ta không thể không xét đến hai người—một người Nam là Bình –Nguyên Lộc, một người Bắc là Mặc Đỗ-- có thẩm quyền xét đoán Võ Phiến một cách công bằng vì biết Võ Phiến từ Sàigòn. Đây là phát biểu của Mặc Đỗ (1917-), thành viên nhóm Quan Điểm, cũng là người sáng lập và ký giấy phép xuất bản Nhật báo Tự Do Được vài năm, ông và các bạn tự đình bản để tờ báo khỏi lọt vào tay Chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau này, tên Tự Do tái xuất hiện nhưng với Phạm Việt Tuyền và dàn nhân sự hoàn toàn khác: :

-“Chúng tôi không làm cách mạng (như ông Võ Phiến buộc vô bằng) […] Thí dụ, từ Plato với cuốn Republic đến Thomas Moore với cuốn Utopia, và sau đó bao nhiêu người khác, dùng sách đưa quan điểm chính trị, xã hội, ra đều làm cách mạng, lập hội kín chăng. […] Anh em trong nhóm Quan  Điểm có những người có một quá khứ riêng nếu đem gom những hoạt động TRƯỚC KHI THÀNH NHÓM và bảo rằng của nhóm thì sai. Chúng tôi ngồi lại với nhau vì là bạn và thấy đồng một quan điểm, mạnh ai người ấy phát huy quan điểm (thật ra quan điểm của Quan Điểm chẳng riêng gì của Quan Điểm, nó là của chung của đa số người Việt Nam, chúng tôi chỉ có tham vọng tập đại thành quan điểm chung đó)  Điểm rõ nét của nhóm Quan Điểm, anh em chúng tôi chẳng ai giống ai. Chúng tôi ngồi lại với nhau được vì ai cũng biết trọng tự do của người khác. Có một điểm giống, ai cũng tin nơi cái lẽ THAM Phật dậy;  con người sinh ra để tham cho nên không thể nào vô sản, nhưng ấn định cái mức có như thế nào thì chưa ai trên mặt đất này định được, nhất là thực hiện cái mức lý tưởng đó. Còn tham con người còn khổ, viết để mô tả nỗi khổ. Khi cầm bút chẳng ai giống ai được, vả lại nếu hai người viết giống nhau thì một người phải vội vàng vứt bút đi[…] Cho tới nay, tôi chưa hề đọc những đại luận văn học của nhà văn Võ Phiến. Ông bạn Võ Thắng Tiết có hảo ý gửi cho cùng với mấy cuốn khác mới ra lò của nhà xuất bản Văn Nghệ trong số có cuốn đầu trong bộ phê bình văn học lừng danh. So tư cách tác giả (tôi biết khá rõ) với bề dầy của công việc toan làm tôi đã không muốn đọc nhưng cũng thử xem chú-thợ-giầy-của-La Fontaine-muốn-leo-cao-hơn-giầy-dép có tự đánh giá cao không, đọc mươi trang thấy quả là có, tôi buông sách và từ đó không bao giờ biết có bộ sách danh tiếng, mãi khi đọc Tà Cúc trên Khởi Hành tôi mới thấy nó to quá. 

Tôi chỉ đọc một ít trang, vì tôi tò mò thử xem Võ Phiến luận về Võ Phiến ra sao cho nên sau đó, trả lời thư một ông nhờ tôi lựa một số truyện ngắn các tác giả Việt Nam để dịch ra Anh văn (chắc hẳn rấp ranh có một vụ grant nào đó), tôi trả lời rằng tôi cũng viết truyện ngắn nếu tôi lựa hay không lựa truyện của tôi sẽ lâm cái nạn Võ Phiến-thẩm- định-về-Võ Phiến, tốt hơn nên nhờ một vị giáo sư đứng ngoài vòng. Đọc thư phỏng vấn của Tà Cúc, tôi mới biết Võ Phiến không những chê tôi làm dáng còn chê chung cả bọn. Viết truyện không hiểu nghề viết truyện lại đòi phê bình người khác. Tôi từng đọc thấy qua lời viết của một số con-chiên hiểu cụm từ làm dáng qua giáo huấn của “thày” Thanh Tâm Tuyền, nay được biết đại văn hào cũng là con chiên của “thày” đó. Thái độ của tôi như vậy nhưng tôi sẵn sàng, và vui, đứng bên Tà Cúc trong công việc Tà Cúc đang theo đuổi. Về trường hợp viết sách phê bình tôi nghĩ rằng làm ngự sử văn học cần nhiều điều kiện kiến thức và tư cách (làm thơ viết văn có thể do có khiếu và cũng chịu học tập kỹ). Kiến thức của ông nhà văn quèn, công chức tỉnh nhỏ học hành đến đâu, lương tâm chức nghiệp (phê bình) có tương xứng không, liệu có đủ tin? Tư cách hạng bét mà dám đứng ra xin tiền để làm một công việc xét định về tác phẩm của bao nhiêu người khác, xét định không những về tác phẩm mà còn về con người và đời sống, hoạt động của những người khác (làm vậy là định bôi xấu, vu cáo người chứ không phải phê bình văn học). Người chẳng có bao nhiêu kiến thức vớ được tiền ăn xin tức thì nhẩy lên địa vị phê bình để phê bình toàn thể người cùng nghề với mục đích rõ rệt đội mình lên địa vị độc tôn với ý mong sử sách sau này ghi nhận mãi. Tham cỡ đó chẳng đổi được, chỉ khi nào bị đau quá tỉnh ngộ vội nhờ cõng vô emergency để y sĩ giải phẫu cắt cái tham đi.   Chúng ta có một lợi điểm rất nặng: bọn viết báo viết sách đó THIẾU TƯ CÁCH để làm việc đó. Thí dụ có người viết 'hồi kí' nhưng tuổi tác và thân-phận-thật có tư cách gì  để BIẾT bao nhiêu sự việc trong 'hồi kí'. Đại văn hào vỗ ngực chịu ảnh hưởng Proust nhưng nhìn vào sự nghiệp của ổng không thấy một lông chân của Proust. Từ tuổi lớn, đi học, Proust khâm phục Freud và thuyết phân tâm của Freud, vì bịnh Proust lui về vùng quê, để áp dụng triệt để phân tâm vào tác phẩm, gốc gác của Proust là giai tầng quý-phái Pháp, môi trường truyện cũng là đó. Mơ hồ về Proust thì làm sao hiểu nổi bao nhiêu người viết khác để phê bình.  Hơn nữa không ai phút chốc nhẩy tót lên bàn vỗ ngực nhận là phê bình gia, phải học nhiều lắm, kinh nghiệm nhiều lắm!” (Nguyễn Tà Cúc, Văn học Miền Nam, tờ Tự Do, nhóm Quan Điểm và Văn học Hải ngoại: Mặc Đỗ trả lời Nguyễn Tà Cúc, Tạp chí Khởi Hành, Bộ mới-Tục bản tại Hoa Kỳ, trang 16, số 98, 12.2004) 

Sự sát phạt của nhà văn-dịch giả Mặc Đỗ cho thấy Võ Phiến không phải là một nhà văn có thanh thế gì lắm trước 1975. Một tiết lộ của nhà văn Bình-Nguyên Lộc càng làm cho người ta suy nghĩ về một con người Võ Phiến đó. Trong một bức thư ký ngày 14 tháng 10.1986 và đóng dấu cùng ngày, ông thổ lộ như sau với một bạn văn (mà chúng tôi tạm chưa nêu tên):

-“Năm đó Phạm Thái làm giám đốc báo chí. Tôi có quyển sách do nhà Nam Cường xin xuất bản, mà Phạm Thái không chịu ký tên cho phép. Nam Cường giao cho tôi vận động. Trước khi vận động, tôi hỏi 1 người bạn cũng làm ở sở Kiểm duyệt dưới quyền Phạm Thái[…]Anh bạn đó cười  ngất và nói lại: thằng Võ Phiến, chính nó kiểm duyệt sách của anh rồi phúc trình như sau: ‘sách này dở quá, không nên cho ra.’[…]Chắc anh đã thấy ngay cái bỉ ổi và cái độc tài của người làm phúc trình…”

Bình-Nguyên Lộc còn viết một câu hết sức bí ẩn: “Và điểm này, xin anh giữ kín, tôi chết rồi, mới nên công bố, vì hễ tôi xì ra thì tôi sẽ là ‘kẻ biết quá nhiều’ trước mắt Võ Phiến, và số mạng của kẻ biết quá nhiều sẽ ra sao, chắc anh đã rõ.”

Người viết xin dừng ở đây để cùng suy ngẫm về Văn học Miền Nam, một lãnh vực mà như đã thấy qua trường hợp Võ Phiến, không phải ai cũng có thể có khả năng hay tài liệu để phán xét một cách hấp tấp. Riêng ở ngoại quốc, vấn đề thiếu thốn tài liệu sẽ là trở ngại lớn nhất. Bù lại, còn một số nhân chứng sẽ là những tài liệu vô giá nếu được sự hợp tác của họ. Nhưng thời gian không đứng về phía các nhà phê bình ở ngoại quốc vì thế hệ nhà văn thuộc Văn Học Miền Nam sẽ lui dần vào với lịch sử và sự hợp tác của họ phải nói là hiếm hoi. Nhưng một người hết sức cố gắng cũng có thể phối hợp số tài liệu và nhân chứng tuy ít ỏi mà vô cùng quan trọng này để không chỉ làm công việc phê bình cho nghiêm chỉnh mà còn thêm một phần quan trọng nữa: chính người phê bình đó sẽ nhận trách nhiệm cung cấp tài liệu qua bài viết của mình bằng những nhận xét và phán đoán căn cứ trên dữ kiện, tác phẩm và nhân chứng đã thu thập được. Đó là một  trách nhiệm đòi hỏi một thứ can đảm khác: sự  can đảm để tìm kiếm và công bố những tìm kiếm ấy dù có đi ngược lại sự tin tưởng và thói quen của người khác. Nhưng viết đã luôn luôn là một sự can đảm duy người phê bình cần tới hai lần can đảm: can đảm để có một cách nhìn riêng và can đảm để nhận sự phê bình của người khác dù đúng hay sai [NTC] ./.

Nguyễn Tà Cúc



Nguyễn Tà Cúc sinh năm 1953 tại Vụ Bản, Nam Định. Cùng gia đình di cư vào Nam và cư ngụ tại Sài gòn rồi tỵ nạn tại Hoa Kỳ từ tháng 5. 1975

Ngoài 50 tuổi đi học lại ở Penn State University để hoàn tất Cử nhân, ngành Hoa kỳ Học (American Studies) vào năm 2009 và Cao học vào năm 2010.
Luận án của bà có tựa “Literary Friends and Foes: The Story of Vietnamese Writers in Exile in the United States” "Bạn và Thù Trong
Văn Chương, Câu Chuyện Về Các Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong Tại Hoa Kỳ"


Cùng nhà thơ Viên Linh (Chủ nhiệm, Chủ bút, sáng lập), bà giúp tục bản Tạp chí Khởi Hành Bộ Mới, vào tháng 11. 1995. Giữ chức Thư ký Tòa soạn
cũng như đảm nhiệm phần phê bình cho tạp chí này cho đến nay.

Nguyễn Tà Cúc chuyên về Văn học Miền Nam, Văn học Hải ngoại và một số vấn đề liên quan đến Phụ nữ.

Bài phê bình về nhà văn Võ Phiến là bài thứ nhất Nguyễn Tà Cúc gửi đến cho gio-o.com vào tháng 10 năm 2012.

 

Chú thích:

1-Võ Phiến xác nhận tin tức này qua Nguyễn Hưng Quốc, một người đã được ông trao cho nhiều tài liệu cá nhân để hoàn thành cuốn Võ Phiến (Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1996, Hoa Kỳ). Trong số Đặc biệt về Văn nghiệp Võ Phiến (Tạp chí Văn học số 150&151. Tháng 10&11. 1998), Nguyễn Hưng Quốc xác nhận Võ Phiến và Vũ Hạnh đã sử dụng chung bút hiệu Tràng Thiên trong phần “Tài liệu tham khảo về Võ Phiến”: “Đặng Tiến và Vũ Hạnh (dưới bút hiệu Cô Phương Thảo hoặc Tràng  Thiên khi Tràng Thiên còn là bút danh chung của Ban biên tập tạp chí Bách Khoa” (“Niên biểu của Võ Phiến”, sđd, trang 10-11)              

2-Trước đây, khi còn sinh tiền, sau khi đọc loạt bài về Tạp chí Bách Khoa trên Khởi Hành, họa sĩ Võ Đình có vài lần bàn với người viết qua điện thoại về một số vấn đề liên quan đến cuốn Văn học Miền Nam Tổng Quan mà ông từng nhận dịch sang tiếng Anh  có nhan đề Literature in South Vietnam:1954-1975 (ký tên thật “Vo Dinh Mai”, xuất bản tại Australia, 1992)). Một trong những vấn đề đó là bút hiệu Tràng Thiên. Nay ông đã qua đời, người viết xin cảm ơn bà quả phụ Võ Đình đã cho phép được trích ra từ di cảo của ông để khỏi mang tiếng “khẩu chứng vô bằng”.

3-Một số bài được viết từ cuối năm 1999 cho tới 2012 đã được sử dụng để trích dẫn (và hoàn chỉnh) khi viết bài này là “Tạp bút không phải là phê bình văn học” (cuối năm 1999), “Người tự nhận Xuân tóc đỏ trong văn chương Miền Nam” (Khởi Hành số 84, trang 24-30. Tháng 10.2003), “Phê bình phản phê bình” (Khởi Hành số 85, trang 34-36,39-45. Tháng 11.2003), “Tạp chí Bách Khoa, Nhà văn và Lịch sử Văn học” (Khởi Hành số 94, trang 17-21) và “Huỳnh Văn Lang trả lời phỏng vấn của Tạp chí Khởi Hành về Bách Khoa” (trang 12-16. Tháng 8.2004), “Thư của Nguyễn Văn Trung, Võ Phiến sau chủ đề Tạp chí Bách Khoa của Khởi Hành/Huỳnh Văn Lang trả lời Nguyễn Văn Trung/Nguyễn Tà Cúc trả lời Võ Phiến”, “Văn học Nằm vùng và Văn học Nhầm vùng” (Khởi Hành số 95, trang 12-20),“Sống và Viết với tác giả&chiến sĩ Nguiễn Ngu Í- Một người tỉnh giữa rất nhiều người điên” (Khởi Hành số 190, trang 14-20. Tháng 8.2012) vv.

4- Để trả lời Lê Quỳnh Mai trong một cuộc phỏng vấn về sự “may mắn”, Võ Phiến đã nói nguyên văn như sau: ” Nếu tôi có được một số độc giả chú ý, chẳng qua cũng như anh chàng Xuân Tóc Đỏ trong truyện ấy thôi.” (Lê Quỳnh Mai, Tác giả, với chúng ta, Phát thanh trên chương trình Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam, Montreal, ngày 29.10.2000, trang 14, Khôi Nguyên xuất bản 2004, Canada)

5-Các tài liệu đó là: Nguyễn Hiến Lê, Đời viết văn của tôiVăn Nghệ-Võ Thắng Tiết xuất bản, Hoa Kỳ, 1985, trang 141-145) Độc giả ở Việt Nam cũng có thể tìm đọc cuốn này do Văn học xuất bản, trang 187-198; Võ Phiến, Văn học Miền Nam tổng quan, Văn nghệ xuất bản Lần thứ nhất, trang 189-193 hay Lần thứ hai, Hoa Kỳ, trang 238-242; Nguyễn Văn Trung, Bản thảo phổ biến cho thân hữu hay http://www.viet-studies.info/NguyenVanTrung_VanHoaVanNghe.htm và Đặng Tiến, “Điểm cuốn Văn học Tổng quan Miền Nam”, Việt Mercury, Tuần thứ 44, 2000, San Jose, Hoa Kỳ.

6-Trên nguyên tắc, người viết không quan tâm đến những chi tiết liên quan đến đời riêng. Nhưng nếu những chi tiết ấy giúp sáng tỏ một vấn đề quan trọng liên quan đến văn sử (mà vẫn không xâm phạm đến những lãnh vực tuyệt đối không được đề cập đến tỷ dụ như các liên hệ cá nhân còn trong vòng bí mật vv) thì người viết sẽ sử dụng. Trong trường hợp này, cho tới nay, theo người viết, những người như Đặng Tiến và Võ Phiến vẫn cố tình muốn xóa đi công lao to lớn của Huỳnh Văn Lang và của nhiều người khác nữa. Bởi thế, người viết trích thêm một đoạn sau đây trong cuốn Ký ức, Tập II để độc giả không còn hồ nghi về những khúc mắc nay đã được tháo gỡ liên quan đến những hiểu lầm to lớn nhất về Bách Khoa: “Cũng như cho Hội Văn hoá Bình dân, tôi đã mở ở Ngân hàng Cahrtered Bank, một Chương mục riêng cho tạp chí Bách Khoa, chỉ một chữ ký của Chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang, khi vắng mặt thì chữ ký của anh Tuynh sẽ có giá trị. Khi anh Tuynh không làm việc cận kề bên tôi thì anh Bùi Bá Lư thay thế. Qua năm 1963, tôi mới giao chương mục này cho anh Châu đứng tên[…]Tôi rất sung sướng khi thấy chi thu quân bình là cuối năm 1958. Khi có dư thì tất cả hoàn toàn là bonus cho gia đình anh Châu, sau khi lên lương cho nhân viên văn phòng và nhứt là tu bổ toà soạn cho khang trang hơn. Vì từ khi về 160 đường Phan Đình Phùng thì anh Châu và cô Huân đã thành vợ chồng rồi! Từ hồi nào, tôi hoàn tòan không hay biết[…]Tôi bất chấp, vì nhiệm vụ tôi giao phó được thi hành tốt đẹp là tôi thỏa mãn rồi! Nhưng nhiều khi cũng thấy khó chịu một chút …rồi cũng phải bỏ qua đi!” (Huỳnh Văn Lang, sđd, trang 182, Chú thích số 7). Nghiêm Ngọc Huân là thư ký được mướn vào làm trước Lê Ngộ Châu và cùng với bà Phạm Thị Nhiệm (em gái của giáo sư Phạm Thiều, một lý thuyết gia Cộng sản) quản lý Tòa soạn Bách Khoa ngay từ đầu. Có thể nói rằng nếu bà Phạm Thị Nhiệm không theo chồng (Đại tá Phạm Ngọc Thảo) về Vĩnh Long, nếu không xẩy ra cái chết của chồng bà, nếu Nguiễn Ngu Í còn ở lại Bách Khoa thì tạp chí này sẽ không dễ dàng biến thành một nơi “đậu” nhiều hơn “xôi” như sau này xẩy ra đã được chứng minh với sự tham dự của cán bộ Cộng sản nằm vùng Vũ Hạnh và sự bất lực của những tác giả như Võ Phiến.

7-Mới đây, Đỗ Hồng Ngọc (cháu của Nguiễn Ngu Í) đã yêu cầu Trần Văn Nam, một tác gia xuất thân Miền Nam, phải sửa cho đúng chữ “I” này khi Trần Văn Nam viết sai (không khác gì Võ Phiến). Trong thư ghi ngày 19.7.2012 gửi cho Nguyễn Hoà, chủ biên Diễn đàn Vanchuongviet trên mạng, ông yêu cầu như sau:  “Nguiễn Ngu Í, nên được viết đúng như thế ( không dùng chữ Y dài). Ngay trên cuốn sách Sống và Viết với… do Xuân Thu tái bản tại California sau 1975 cũng ghi rõ tác giả là NGUIỄN NGU Í thay vì NGUYỄN NGU Í”.

8-Độc giả muốn biết rõ thêm về nhà văn (kiêm kịch sĩ và dịch giả) Kim Lefèvre có thể đọc bài Nguyễn Nam Anh (tức bút hiệu khác của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng)  phỏng vấn bà tại Paris có tựa “Đi xa với nhà văn nữ Kim Lefèvre” (Văn Học số 104, trang 10-19, Tháng 12.1994, Hoa Kỳ)

9-Để giúp người đọc có thể kiểm chứng các nguồn tài liệu mà người viết sử dụng, người viết sẽ chú bằng các xuất xứ từ Internet nếu có.

 

© gio-o.com 2012


=================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét