Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

gheorghiu : lối thoát cuối cùng ( lá bối xuất bản) -- dịch giả : hằng hà sa & bích ty -- source: vietmessenger.com/

 Viet Messenger

hello guest!
Monday 03-29-2021
ebooks - truyên việt nam
Truyện Dịch » Constantin Virgil Gheorghiu » Lối Thoát Cuối Cùng[17020] 
 
Rating:   7.0/7 - 2 votes
view comments COMMENTS  
 
 

Lối Thoát Cuối Cùng

Constantin Virgil Gheorghiu

Lối Thoát Cuối Cùng



MỤC LỤC [−]


 

Nguyên văn tiếng Pháp: La Seconde Chance

Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty



Tiểu sử tác giả

Virgil Gheorghiu

Constant Virgil Gheorghiu sinh ngày 15- 9 - 1916 tại Lỗ Ma Mi, Constant Virgil Gheorghiu nghiên cứu triết học và thần học ở Gucarest và Heidelberg trước khi trở thành ký giả, rồi khâm sứ tại Bộ Ngoại giao Lỗ.

(Gheorghiu tên thật là Constantin Virgil Gheorghiu, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1916 tại Valea Albă, một làng trong cộng đồng Războieni, quận Neamţ, xứ Romania. Cha ông là một linh mục Chính thống giáo.)

Chống đối chế độ cộng sản, ông sang Pháp ở vào 1948. Cuốn tiểu thuyết đã làm thế giới tự do biết danh ông là "Giờ Thứ Hai Mươi Lăm "; ông lại càng nổi danh hơn nhờ một cuốn khác viết về cuộc tái chiếm đóng xứ Bessarabie. Ông sang Mỹ sống một thời gian, sau đó trở lại Pháp. Ông đã dùng ngòi bút để chống đối mãnh liệt cái thời đại phi nhân của chúng ta hiện nay trong hầu hết các tác phẩm của ông (La Seconde chance, La Cravache, Les Mendiants de miracles ...). Ngày 23- 5 - 1963 V. Gheorghiu được tấn phong linh mục Giáo hội chính thống.



Vài lời của nhà xuất bản

Ngòi bút của Virgil Gheorghiu quả thật là chua chát và mỉa mai; bởi vì tác giả chống tất cả những chủ trương phi nhân. Các nhân vật của V. Gheorghiu sau những đày ải lần lượt chết đi dưới những vị kỷ khắc nghiệt được ngụy trang rất khéo léo bằng những chủ nghĩa hoa mỹ. Nhưng tất cả phải chết đi để cho ý thức nhân bản trong mỗi con người, mỗi xã hội được sống. Làm sao mà không chua chát và mỉa mai cho được khi mà hơn 20 năm sau, cuộc thế chiến hãi hùng, con người vẫn đang còn bơ vơ, lạc lõng, lo sợ trước những tranh chấp chủ nghĩa, trước những đe dọa đang đẩy họ vào những đường cùng không lối thoát. Và phải chăng V. Gheorghiu cũng đag viết về sự bế tắc của con người đau đớn trên xứ sở Việt Nam thân yêu.

L.B



Phần Mở Đầu

Người ta không thể sống trần truồng. Có thể là người ta sống nghèo khổ rách rưới nhưng mày không còn một manh áo rách để mặc. Mày không còn gì nữa cả.

Pierre Pillat nhìn bộ quân phục bằng kaki của Boris Bodnar, rồi tiếp tục:

"Sau ba tháng, cảnh binh sẽ lột hết áo quần mày và trả lại cho nhà trường. Mày sẽ không còn gì để mặc nữa. Kể cả chiếc áo sơ mi. Kể cả một đôi giày. Không còn gì nữa. Mày sẽ trần truồng như lũ mọi lùn Papou. Mày sẽ là người trần truồng nhất thế giới . Mày muốn làm gì bây giờ?"

Pierre Pillat nhìn thẳng vào mắt bạn, nhưng Bodnar lại nhìn xuống đất.

" Người ta đã giao cho mày tờ giấy trục xuất chưa? " Pillat hỏi.

Boris Bodnar tiếp tục nhìn xuống đất của sân trường. Hắn bỏ tay vào túi để rút tấm giấy trục xuất. Bộ đồng phục có bốn túi. Nhưng người ta đã cắt hết túi của những học sinh bị trục xuất để làm nhục chúng.

Không tìm thấy túi ở vị trí thông thường, Boris Bodnar thò tay vào túi thứ hai ở ngực. Cũng đã bị cắt mất, và hai túi ở dưới cũng không còn nữa. Hắn đỏ mặt. Thì ra sáng nay, lúc 6 giờ, Boris Bodnar đã mặc bộ áo của những đứa bị trục xuất.

Từ lúc đó, hắn sờ mấy túi áo không biết bao nhiêu lần, như một cái máy. Hai tay hắn sờ các túi áo trên, rồi mấy túi áo dưới, sau cùng buông thỏng xuống vô thức, chịu đựng. Những túi áo bị cắt đứt là một trong những nhục nhã đầu tiên của Boris Bodnar. Hắn nhìn một lần nữa vào các túi áo. Không những bộ quân phục chỉ thiếu túi. Người ta còn cắt cái viền vàng trên cổ áo, các đường viền dọc theo quần. Sáu cái nút áo cũng bị đứt mất. Không còn những chiếc nút mà hắn phải đánh bóng mỗi chiều - như tất cả mọi học sinh trường võ bị hoàng gia Kichiey - đánh cho đến lúc chúng bóng như vàng. Thay vào đó, chỉ còn những hột nút bằng sắt, nhỏ và đã hoen rỉ. Những khuy áo trở nên quá to so với mấy hột nút sắt đó. Không có những cúc áo vàng, khuy áo thật như những trũng mắt mà người ta đã móc con mắt.

Không cần nhìn Pierre Pillat, Boris Bodnard cố tìm túi quần. Mỗi quần của bộ quân phục đều có bốn túi.

Tất cả đều đã bị cắt mất, Boris Bodnar tức giận thêm. Hắn có cảm tưởng người ta đã mất vài mảnh thịt của thân thể hắn chứ không phải của bộ quân phục. Hắn nhớ đến bốn cái túi bên trong thường để đựng giấy tờ.

"Mày muốn xem văn thư trục xuất của nhà trường giống cái gì hả"

Hắn hỏi Pillat một cách mỉa mai, xong hắn đưa cho Pillat một tờ giấy màu vàng gấp làm tư. Đó là mảnh giấy mầu lá úa, thứ mầu đặc biệt dùng cho những trường hợp trục xuất, tử tức hay bị giam giữ trong bệnh viện.

Pillat đọc:

" Chiếu nội quy của các trường võ bị hoàng gia Lỗ Ma Ni, Boris Bodnar đã bị đuổi khỏi trường và chỉ có quyền mặc quân phục hoàng gia trong ba tháng tiếp theo lịnh trục xuất này. Các viên chức công quyền phải thi hành lệnh này và trả lãi quân phục cho trường Kichiev sau thời hạn ba tháng".

Đọc xong, Pillat hỏi Boris:

"Mày làm gì sau ba tháng nữa? Trần truồng ư? Mày phải về nhà với ông già bà già mày. Không còn giải pháp nào nữa"

Pillat cầm văn thư trục xuất bằng tay trái. Tay phải đặt lên vai Boris. Áo Boris không còn cầu vai nữa. Không còn cái cầu vai có viền vàng mới dấu hiệu hoàng gia và con số của Hoàng đế Lỗ mã ni, người đỡ đầu cho trường võ bị. Không có cầu vai cái áo chỉ là một bộ đồ chết. Nói cho đúng, không phải là một bộ quân phục nữa, chỉ còn lại cái xác áo mà thôi. Chiếc áo không có cầu vai đó giống như một người đã bị chặt đầu. Vì thế trong lịch sử quân đội, cắt cầu vai cũng giống như kết án tử hình. Trước khi hành hạ, người ta cắt hết cầu vai trước mặt bạn bè. Cầu vai là cái đầu của một bộ quân phục.

Từ 6 giờ sáng nay Boris không còn mang cầu vai nữa, Pillat có cảm tưởng tay nó đang đặt trên một cái gì đã chết. Ngay cả vải áo cũng đã chết, không phải chỉ vì thiếu cầu vai mà thôi. Những sợi vải áo cũng đã chết. Mảnh vải đó đã bị giết chết trước khi bộ quân phục được giao cho những đứa bị đuổi. Những bộ quân phục như thế sẽ bị vứt xuống dưới hầm. Nhưng trước đó, người ta đã phải hấp đi để tẩy uế. Cùng với những con vi trùng người ta sẽ giết mất đời sống của tấm vải kaki, sẽ làm nó nhầu nát. Những sợi chỉ sẽ chết trong hơi nước, dưới áp lực của ống hơi và các chất sát trùng, như những tế bào của một sinh vật phải chết dưới từng ấy áp lực. Mỗi năm một lần, các bộ quân phục đó sẽ được gởi đến các xưởng để làm dẻ vụn. Năm nay có tất cả mười bốn bộ được để lại Boris phải mặc trong mười bốn bộ đó. Pillat nói:

"Nếu mày không về nhà bây giờ, mày sẽ lang thang ba tháng. Ông già bà già mày có giận dữ cũng vô ích. Cuối cùng rồi cũng phải nhượng bộ. Hai ông bà cũng không chém đầu mày đâu mà sợ. Họ sẽ cho mày áo quần khác. Trở về nhà đi cho rồi. Không còn giải pháp nào nữa đâu."

Pillat rút tay khỏi vai của Boris. Bộ áo của thằng bạn có đã bắt đầu có mùi tẩy uế, mốc meo và cằn cỗi. Pillat tiếp tục:

"Tao đã nói với bạn bè cả rồi. Chúng tao sẽ quyên tiền cho mày ra về". Boris nghiến răng. Hắn nói:

"Tao không có bạn. Mày học đệ ngũ, mày không còn là bạn tao nữa. Tao bị ở lại, không lên đệ ngũ được. Mà cũng không học lại đệ tứ được nữa. Những đứa ở lại không thể vào trường học. Như thế tao đâu còn bạn bè nữa!

Pillat vẫn nói: "Mày vẫn là bạn tao. Ngay cả khi mày không ở trong lớp. Tụi mình đã sống với nhau bốn năm trên cùng ghế nhà trường".

Giọng Boris run run: "Mày đã làm bạn với tao bốn năm rồi. Nhưng bây giờ không còn như thế được nữa. Cũng thường chứ gì."

Sân trường hình vuông, với những bức tường đầy màu xám, đã bắt đầu đông đúc. Năm trăm học sinh vừa mới ra chơi và nhìn vào mười bốn đứa thi rớt trong những bộ quân phục nhục nhã. Những đứa bị ở lại không có quyền vào lớp nữa, cũng không được vào phòng ăn hay phòng ngủ.

Chúng phải ở ngoài sân, dựa lưng vào trường, vào các cột sân bóng tròn, sân bóng rổ hay sân quần vợt.

Trong bộ y phục không còn cầu vai, bị cắt hết túi, không còn nút vàng, viền vàng, mười bốn đứa dựa lưng vào các cột, vào các cây dẻ của sân trường và các bức tường cao bằng đá. tất cả cúi gầm xuống đất.

Pillat hỏi: "Mấy giờ mầy đi".

Hỏi như thế để tan yên lặng, vì yên lặng tăng thêm khoảng cách giữa hai đứa.

Boris nhún vai. Năm trăm học sinh dạo chơi trong sân trường - Với nút áo vàng, giầy bóng loáng - nhìn những đứa bị đuổi mà không dám lại gần. Chúng nhìn trong sợ hãi: Chúng biết những đứa bị đuổi phải bị trình diện như thể để làm gương cho mỗi đầu niên học: rồi chúng sẽ được lính dẫn ra cổng trường, đến nhà ga và vào trung tâm thành phố.

Chúng là thứ cỏ dại người ta cần nhổ đi. Học sinh nhìn chúng bằng đuôi mắt, ở đàng xa mà không dám lại gần. Pillat đứng gần Boris. Chung quanh hai đứa là một khoảng trống. Chung quanh mỗi đứa bị trục xuất có một khoảng trống. Chung quanh mỗi đứa bị trục xuất có một vòng trống ác hại. Mấy đứa mang cầu vai hoàng gia sợ những đứa bị đuổi. Không đứa nào dám lại gần. Ngay cả những đứa trước kia rất thân nhau. Người ta đọc được trong cặp mắt chúng những cảm nghĩ tương tự như những người lái xe đến ngã tư thấy một chiếc xe bị nát bấy với một người bộ hành bị thương hay đã chết.

Vì thế mà chúng dửng dưng. Sợ hãi còn mạnh hơn cả lòng thương hại. Nhìn mấy đứa bị đuổi, chúng tự nguyện là sẽ chăm chỉ trong năm tới; như những người lái xe tự nhủ là sẽ cẩn thận lái xe lúc họ nhìn bên đường một chiếc xe vỡ nát vì húc phải cây cối hay trụ đèn.

Pillat hỏi: "Có gì đã xẩy đến cho mày? Tao không hiểu tại sao mày thi rớt?" Yên lặng. cặp mắt của Boris nhợt nhạt với những lông măng hiền lành cùng râu mép dưới mũi.

Boris ngước mắt nhìn trời. Những đám mây đen trôi trôi về phương đông, thật mau thật vĩ đại, đám này cuộn theo đám kia. Về phía Đông chừng hai mươi cây số là sông Dniestr và bên kia sông là Nga sô. Boris nhìn những đám mây đang bay qua trên trường học, trên đầu hắn và nghĩ rằng trong chốc lát chúng sẽ đến Dniestr, sau đó bay qua Nga sô.

Pillat nói: "Thật tao điên đầu, không thể nào hiểu nổi mày. Không một thằng bạn nào hiểu nổi điều đó. Mày vẫn là đứa giỏi toán nhất lớp. Mày đã giải nổi những bài toán mà không đứa nào làm được. Mày còn nhớ là tụi mình đã phải thi lại kỳ thi đó như một hình phạt cũng chỉ vì mình làm được bài toán và cho cả lớp chép. Nhưng không ngờ rằng chính mày - một thằng đứng đầu về toán, một nhà toán học - trời sinh lại không làm nổi bài thi kỳ này. Nói cho tao nghe đi, thầy giáo bảo là mày đã nộp giấy trắng. Mày đã không viết được một giòng nào cả. Có gì đã xảy ra cho mày, hả?"

Trong giây lát Boris tiếp tục nhìn mây đen bay về phương Đông. Rồi hắn nhìn những hột nút vàng trên bộ áo của Pillat; sáu hột nút phản chiếu bộ mặt nhợt nhạt của hắn như hắn đang nhìn vào sáu tấm gương lồi.

Boris hỏi: "Tại sao mày lại hỏi tao như thế? " Hắn trở nên nghi ngờ.

" Dĩ nhiên như thế - Pillat trả lời - Mỗi chúng tao đều hỏi như thế. Bởi vì có một điều lạ lùng, bất thường nào trong đó chứ"

Hết giờ chơi. Chuông reo inh ỏi. Học sinh liếc nhanh một lần chót những đứa bị trục xuất và hấp tấp vào lớp, để cho đúng giờ, để đừng bao giờ bị trể để khỏi trở thành những đứa ở lại lớp phải mang những bộ áo quần nhục nhã.

Năm trăm học sinh cùng nghĩ như thế lúc chen lấn nhau vào lớp học. "Để chuyện đó đừng bao giờ xẩy đến cho mình ..."

Pillat lại bảo: "Bây giờ đến giờ La Tinh. Tao bỏ học. Mày đi với tao ra sau đống gỗ, tụi mình nói chuyện yên ổn hơn".

Sân trường vắng vẻ.

"Không". Boris trả lời. (Hai tay bám vào bức tường đá đang dựa lưng) "Mầy thừa biết rằng học sinh trường Trung học Hoàng gia không có quyền nói chuyện với mấy đứa bị trục xuất. Ngay cả lúc đã rời trường mầy cũng không được liên lạc - dù chỉ là bằng thư từ - với chúng. Thôi, mày vào học giờ La tinh đi, nếu không người ta sẽ giam mày đấy".

Pillat cầm tay hắn kéo về cuối sân trường và núp sau đống gỗ.

Boris nói: " Không có nghĩa lý gì để nói nữa. Tụi mình xa cách nhau mãi rồi. Tụi mình đã là một đôi bạn tốt, thật như vậy; nhưng bây giờ thì hết rồi. mày sẽ là một sĩ quan, mặc đồng phục hoàng gia. Mày sẽ là một kẻ ưu tú của đất nước, của thành phần các sĩ quan: như người ta thường dạy như thế vào các giờ luân lý.

"Không ai có thể chia cách con đường tụi mình cả" Pillat nói như thế và xiết chặt tay Boris. "Tụi mình đã là bạn là bạn tốt với nhau và cứ tiếp tục như thế. Cho dù có bị cấm đoán chăng nữa, tụi mình cũng cứ viết thư cho nhau. Không cần ký tên vào dưới bức thư. Tao biết mặt chữ của mày. Mày nhớ viết thư cho tao đều đặn nghe"

Sĩ quan trực quan sát sân trường. Núp sau đống gỗ hai đứa không thể bị phát giác. Sau khi đã nhìn những đứa bị trục xuất dựa lưng vào tường, vào gốc cây, vào các cột sân thể thao, sĩ quan trực bỏ đi.

Pillat bảo: "Cha mẹ mày giàu có. Họ sẽ gởi mày vào một trường học dân sự. Mày sẽ học nhảy hai lớp trong một năm ... "

Boris đỏ mặt. Trên bộ râu mép, hai lỗ mũi hắn phập phồng.

Hắn giận dữ: "Vào học giờ La Tinh đi và để cho tao yên"

Pillat bảo: "Lấy tư cách bạn bè tao nói chuyện với mày, tại sao mày lại giận dữ cơ chứ "

- Nếu mày tự nhận là bạn tao thì đừng nói về cha mẹ tao và cũng đừng nói chuyện tao nên trở về nhà nữa.

Pillat đặt tay lên vai của Boris, vai áo không còn cầu vai nữa. Nhưng Boris vẫn nhìn mây đen trên trời đang bay về phía Nga Sô.

- Tao không làm gì phiền mày. Boris ạ, tao chỉ khuyên mày nên trở về nhà. Chỉ vậy thôi. Đó là một lời khuyên hợp lý.

- Tao không cần mày khuyên, Boris vừa trả lời vừa nhìn trời. Mày biết là tụi mình sẽ không còn bao giờ thấy nhau nữa. Con đường tụi mình đã bị chia cách rồi. Có thể đây là lần cuối cùng tụi mình cùng nhau nói chuyện. mày có biết tại sao tao không thích nghe nói về cha mẹ tao và nhà cửa tao không ? Tao sẽ nói cho mày nghe. Có thể là một sự trả thù về phần tao ... Mày biết là tao còn một đứa em ?

- Boris run lên. Pillat hỏi :

- Mày còn một đứa em? Sao tao không bao giờ nghe mày nói đến cả. Tụi mình cùng ngồi trên một ghế bốn năm trời ở trường. Tao cứ nghĩ là tụi mình đã không giữ gì bí mật với nhau cả. Riêng tao, ít nhất tao cũng đã nói hết cho mày nghe về mọi chuyện.

Pillat có cảm tưởng bị phản bội. Nó tiếc đã tiếc vào học giờ La Tinh, đã ở lại với thằng bạn cũ của nó ở sân trường, thằng bạn đã nói láo với nó suốt bốn năm trời.

Pillat nhìn sân trường. Nó thích trở vào lớp, và để Boris ở lại một mình. Nhưng không được nữa. Trễ quá rồi. Nó phải đợi giờ chơi sắp đến.

Pillat hỏi: "Tại sao mày không bao giờ nói là mày còn một đứa em?", tiếng nói của nó có vẻ chua chat. "Tao có bao giờ giữ bí mật chuyện gì với mày đâu".

- Thì tao nói với mày bây giờ đây: Tao có một đứa em, tên là Angelo. Chính thảm kịch xảy ra từ đó. Chính vì thế mà tao không thể trở về nhà. Mày hiểu không? Chỉ vì tao có một đứa em!

Boris nhìn vào đôi mắt của Pillat như muốn chọc thủng chúng ra.

"Angelo nhỏ hơn tao ba tuổi" Boris nói tiếp. Nhưng Pillat không còn quan tâm đến những lời nói của thằng bạn cũ nữa. Điều chính yếu là Boris đã dấu nó một điều gì, là Boris đã thiếu thành thật với nó.

"Lúc tao được ba tuổi, có một chuyện xảy ra đã làm thay đổi hết đời tao. Mày muốn hiểu tại sao không?"

Pillat nhún vai. Boris tiếp tục:

"Câu chuyện chỉ có vài câu thôi. Nếu mày muốn nghe, mày sẽ hiểu tại sao tao đã giữ bí mật với mày. Hồi đó tao được ba tuổi. Tao đang ở sân chơi. Trước nhà tao có một cái sân với nhiều cây có hoa trắng, tao chỉ có ba tuổi nhưng tao nhớ rõ các chi tiết. tao mặc áo vải sợi màu trắng. mẹ tao bảo tao phải coi chừng đừng làm bẩn áo mới. Sau đó, bà để tao chơi trong sân dưới bóng cây. Angelo lúc đó mới được có mấy tháng. Nó ở trong xe, dưới ánh nắng. Mẹ tao bảo tao coi chừng nó. Không bao giờ tao ở một mình với Angelo. Lúc nào cũng có mẹ tao. Tao chưa hề nhìn kỹ nó bao giờ cả. Lúc bấy giờ, được ở một mình với Angelo, tao đến gần xe và tò mò nhìn nó. Một đứa bé, thật là một cái gì mới mẻ đối với tao, như một món đồ chơi.

Tao nhìn đôi chân nó. Sờ những bàn chân hồng hào. Tao thích thú nghe nó la lên lúc tao bóp mạnh vào chân nó như thể tao ấn mạnh tay vào con búp bê. Rồi tao khám phá ra cái đầu, một cái đầu hồng hào, tròn như một trái bóng. Em tao đang nhắm mắt vì mặt trời chói. Thỉnh thoảng nó mới mở mắt ra và tao thấy rõ nó có đôi mắt thật xanh. Nhưng nó không chịu mở mắt hoàn toàn. Tao lấy tay banh mắt nó ra. Như thế tao mới hài lòng. Chúng thật đẹp, trong sáng và tao thích ngắm chúng lắm. Tất cả những gì mà Angelo có tao thích nhất là cặp mắt. tao thích mở chúng ra bởi vì Angelo cứ nhắm mắt lại thật chặt. Thấy nó không biết gì, tao bỏ nó và đi chơi đến đóng rác gần đấy. Lúc Angelo khóc, tao lại đến gần nó và banh mắt nó ra. Tao đã nhìn thấy một cái đinh trong cát. Và cũng tại tao mở mắt nó bằng ngón tay không được, tao đã dùng cái đinh để mở mắt nó ra mà nhìn. Nó khóc thét lên và vùng vẫy. Rồi thì tao ấn mạnh cái đinh vào mắt của Angelo. Mày hiểu không, tại tao muốn mở mắt mà nó cứ muốn khép lại. Tao lại thích đôi mắt quá, tao muốn ngắm chúng thử xem sao.

"Tiếng thét của Angelo vang dội cả sân. Tao không còn biết chuyện gì xảy ra sau đó. Lúc mẹ tao đến, chiếc xe của Angelo đã đầy máu, áo trắng của tao đã đầy máu, tay tao đầy máu, má của Angelo cũng đầy máu. Với cây đinh tao đã đâm thủng mắt bên phải của Angelo, con mắt mà tao ưa thích ghê gớm. Mẹ tao la lên: Đồ sát nhân. Bây giờ tao vẫn còn nghe rõ: Đồ sát nhân.

Mẹ tao bất tỉnh, nằm dài trên lối đi. Láng giềng chạy đến; đàn ông, đàn bà, sân nhà đầy cả người. Cha tao, vị mục sư cũng chạy đến; có cả một bác sĩ và ông chủ quán nữ .

"Ký ức tao không còn rõ ràng nữa. Hồi đó tao dính đầy máu. Đó là tất cả gì tao còn nhớ. Đức cha và bác sĩ mang mẹ tao vào nhà. Chỉ còn lại những bộ mặt xa lạ. Một đám đông. Sau đó mẹ tao lại hiện ra. Hai người đàn bà lạ mặt cầm tay mẹ tao. Bà la to lên là phải treo cổ tao bởi tao là một kẻ phạm tội, một quân sát nhân trời sinh".

Boris nhìn xuống đất.

"Tất cả chỉ có thế. Từ ngày đó, nghĩa là ngày tao được ba tuổi, cuộc đời chấm dứt với tao. Tất cả mọi người, ở nhà, trong làng, tại trường học, ai cũng gọi tao là đứa sát nhân. Đối với tất cả tao là thằng phạm tội.

"Từ ngày đó, bạn bè, thầy giáo, linh mục, hang xóm, cha tao, mẹ tao, lúc nào cũng xem chừng tao, không ngừng. Họ rình từng cử chỉ tao, từng hành động tao, từng lời nói tao, để cố khám phá ra những ý định tội lỗi.

"Nếu vì cô ý tao đụng cùi chỏ vào một đứa bé, nếu tao bắn ná, nếu tao ném một hòn sõi, nếu cầm một con dao, một cái đinh, một vật bén nhọn, người ta sẽ kết tội tao là có ý định tội lỗi."

Trên trời, mây đen vẫn bay về phương Đông.

"Angelo lành bệnh, nhưng con mắt phải không còn nữa. Tao đã đâm thủng tròng mắt nó bằng cái đinh. Và con mắt xanh đã hỏng. Vòng mắt trở nên trống rổng. Mi mắt sụp hẳn xuống. Đó là một hình phạt khi tao phải luôn luôn nhìn trước mặt taotrong nhà, trước sân - vòng mắt trống rổng của Angelo. Tao nhìn con mắt trái còn lại của nó, thật xanh, thật đẹp, như một hòn đá quý, nhưng độc nhất. Bởi vì như tao đã nói, tao chưa bao giờ thấy một con mắt xinh và sang như con mắt trái của Angelo …

"Tao không thể tự tha thứ cho mình đã dung đinh phá hủy mất ánh sáng của con mắt em tao.

"Cũng từ đó, bắt đầu những ngược đãi đối với tao. Cha tao không còn cho tao hưởng gia tài nữa. tao không được ngồi ăn cùng bàn với Angelo và cha mẹ tao; tao phải cùng ăn với tôi tớ trong nhà. Tất cả gia tài đều mang tên Angelo. Tao đã được đối xử công minh như thế trong nhà. Angelo càng lớn lên, dân làng càng ghét tao. Mùa hè năm đó, tao đứng nói chuyện với một cô gái trước nhà. Chỉ nói được hai câu thôi. Nàng hỏi tao: "Anh có thích đôi mắt tôi không?" Tao trả lời có chứ. Tức thì, nàng lấy tay che mắt và bảo tao: "Nếu thích thì đừng chọc thủng mắt tôi". Và nàng ù té chạy.

"Lúc tao đến trường, bọn trẻ lấy tay che mắt và la lên: "Coi chừng cặp mắt tụi bây ơi, Boris sẽ móc mắt đấy".

- Thôi tha thứ cho tao, Pillat bối rối nói. Đừng nói nữa, tao van mày thứ lỗi cho tao.

- Tại sao lại phải tha lỗi cho mày?

- Tao đã hận mày vì mày đã dấu không cho tao biết là mày có một đứa em. Nhưng bây giờ tao mới biết mày không nói là phải.

Pillat đặt tay lên vai áo không có cầu vai của Boris

"Suốt thời kỳ tao còn trẻ, mẹ tao đã cầu trời cho tao mang bệnh, sốt tinh hồng nhiệt hay đậu lào, hay một bệnh đáng sợ nào đó để tao chết đi. Ai cũng mong tao chết đi. Người ta gửi tao đi kiếm nấm ở trong rừng bắt tao nếm thử với hy vọng tao sẽ nếm phải một chất độc và chết đi. Trong làng, trong nhà, trong xã hội, tao là đứa cần được khai trừ.

"Từ năm ba tuổi, tao đã phả tự kiểm điểm mọi cử chỉ, vì một cử chỉ tầm thường nhất có thể bị xem như là một cử chỉ tội lỗi khiến người ta giận dữ. tao sống như thế đó, cô đơn, sợ hãi, bị khinh bĩ.

"Mấy đứa trẻ thường vật tao xuống đất, lục túi xem thử tao có giữ đinh, dao, hay một vật bén nhọn nào không. Bởi vì tất cả cái gì tao có đều nguy hiểm. Và mỗi lần như thế chúng đánh tao. Không bao giờ tao giữ một con dao nhỏ. Tao phải cắt thịt bằng răng trong bữa ăn".

Pillat nói: "Boris, tao thương hại mày quá, nếu tao biết như thế…

Nhưng Boris bỗng hỏi: "Mày biết tại sao tao thi trượt không? Nếu mày muốn biết, tao sẽ nói với mày bây giờ. Bởi vì tao không thể học hành gì suốt mùa hè. Tao không có can đảm nói với cha mẹ tao là tao sắp thi toán. Để họ khỏi nghi ngờ tao phải học ban đêm. Nếu không thì đã lắm chuyện xảy ra! Họ đã xem tao như một thằng con nít ngu si. Đêm tối, thức giấc, họ thấy tao ngồi giải toán đãi số. Họ bèn cho tao một bài học như thế này: "Trời sinh ban đêm là để cho người ta ngủ, những sinh vật bình thường đều ngủ về đêm". Tức thì tao đốt hết sách vở và không thể nào học nữa. Đó là lý do tao thi rớt và bị đuổi khỏi trường là thế".

Boris thôi kể lể. Sau một hồi im lặng, hắn nói tiếp :

- Bây giờ mày biết hết chuyện rồi đó, mày còn khuyên tao trở về nhà nữa không ?.

Pillat nhìn ra xa, Boris lại nói :

- Gia đình tao chỉ chờ một cớ nhỏ để đuổi tao. Bây giờ họ có rồi đó. Trông thấy tao trong bộ y phục này, với mãnh giấy trục xuất này, họ đủ yếu tố để chứng minh tao là một đứa xuống dốc, một thằng phạm tội. Và họ sẽ hung dữ hơn nữa. Vả lại họ không cho phép tao trở về nhà nữa đâu, cho dù chỉ về trước sân nhà thôi. Trong làng cũng không ai cho tao tạm trú. Như vậy thì còn lý do gì nữa để tao trở về, mày thấy không, không còn lý do gì nữa cả.

Một thứ yên lặng nặng nề tiếp theo ? Pillat nhấc ống quần lên một chút, rút một bao thuốc lá dấu trong giầy ra trao cho Boris, Boris vấn thuốc, tay run run.

Pillat nói : « Chưa bao giờ tao nghe nói hay đọc được một câu chuyện đau lòng như câu chuyện của mày. Cũng chưa quen biết một ai phải chịu khổ sở như mày. Làm sao mày có đủ nghị lực để dấu kìn nổi cô đơn đó, Boris. Tao chưa hề đoán được như thế. Không đứa nào bạn bè, thầy giáo đoán được câu chuyện của mày. Một điều duy nhất mà tụi tao biết được là mày bắt đầu gầy đi và bực bội khi hè đến. Tao đã ngạc nhiên là chưa bao giờ mày có một lá thư ở nhà. Mày là đứa duy nhất không có thư; trong bốn năm, không có một lá thư. Có đúng là chưa bao giờ mày nhận thư, phải không Boris nhỉ ?

Mắt Boris ươn ướt, hắn không trả lời Pillat. Chỉ nhìn mây bay

Hắn thích nhìn những cuộn mây bay ngang trên đầu hắn. Về phương Đông. Duỗi chân ra hắn châm một điếu thuốc. Bỗng hắn chú ý đến đôi giầy đang mang. Đôi giầy của những «đứa bị đuổi » cũng không thành đôi nữa :chiếc bên trái to và sẩm hơn.

Pillat hỏi : « Có bao giờ mày tìm nguồn an ủi nơi Chúa trời không ? bởi Chúa là một nguồn an ủi lớn lao cho những ai quá đau khổ ».

Hai đứa ngồi xuống cát, hút thuốc. Boris yên lặng.

- Mày có bao giờ cố gắng tìm về với Chúa ?

- Tao đã cố thử. Trong hoàn cảnh tao, khi mà không thể đến gần bất cứ ai trên trần gian thì dĩ nhiên tao phải tìm đến với Chúa. Khi lần đầu tiên tao nghe có một kẻ ở bên kia thế giới - ở trên trời - biết tha thứ, tao đã nhảy vào long người với tất cả đam mê.

- Tao tin là không một đứa trẻ nào cầu Chúa với nhiều nhiệt thành như tao. Tao không thể yêu Chúa với một tình yêu nào cao hơn nữa. Bởi tao đang cần một người biết tha thứ. Và người ta thường bảo Chúa tha thứ hết cho mọi người. Tao phải nói chuyện với Ngài luôn luôn, không ngừng, như nói với một người bạn. Tối đến tao cầu nguyện hang giờ, vừa khóc vừa cầu nguyện.

- Nhưng Chúa có trả lời mày không? Pillat hỏi.

- Có chứ! Nhưng mà cũng trả lời tao như mọi người thôi. Hình như Ngài cũng muốn kéo tao vào một cạm bẩy. Cho nên sau đó tao đã hết sức trốn ngài như tao đã trốn tránh loài người vậy. Chúa đã hiện hữu cạnh tao. Tao nhận được hơi thở của Ngài. Thế mà từ hồi mới sáu tuổi, tao đã chắc chắn là không nên cầu nguyện, nên tao đã tránh xa Ngài và tao phải ở vậy, cô đơn.

- Mày không cầu nguyện nữa từ hồi sáu tuổi?

- Không, Boris bảo hồi sáu tuổi tao đã lánh xa Chúa trời. Chỉ vì một cuộc phiên lưu tầm thường. Một buổi chiều, lúc tao đi học về không thấy cha mẹ tao ở nhà. Họ đã ra phố với Angelo. Không ai ở nhà cả. Mọi cánh cửa đều khóa kín. Tao phải ở một mình ngoài sân như mấy lần trước. Đêm đến tao vừa buồn ngủ vừa đói. Lại phải còn làm bài tập cho ngày hôm sau. Ngỡ là cha mẹ tao không trở về nhà đêm đó, tao cố tìm cách mở cửa để vào nhà. Tao cô đơn trong lạnh lẽo và sợ hãi. Cầm một sợi dây sắt, tao cố mở cửa, nhưng khó quá, tao mới có sáu tuổi thôi. Tao bèn quỳ xuống trước cửa và cầu xin Chúa giúp đỡ cho tao được vào nhà, cho tao đừng ở ngoài trời suốt đêm. Tao phải cầu xin, bởi một mình tao không thể nào mở cửa được.

- Và Chúa đã phù hộ mày?

- Vâng, Chúa đã phù hộ tao. Tao đã hết sức cầu nguyện, đã cầu nguyện bằng nước mắt để Ngài giúp tao mở cửa. Tao có cảm tưởng là Ngài đến bên tao, giúp tao. Trong chốc lát, tao mở được cửa vào nhà. Trời ấm quá. Sung sướng đến độ không cần không cần thấp đèn tao quỳ xuống cám ơn Ngài. Lần đầu tiên tao chắc chắn là mình không còn cô đơn trên đời. Tao đã có bạn: Chúa trời. Pillat ạ, mày không tưởng tượng nỗi sung sướng của một kẻ tìm thấy bạn trong lúc mọi người đang ghét bỏ mày. Và tao đã có bạn, một người bạn mà tao có thể gọi đến bất cứ lúc nào: tao không còn cô đơn nữa. Tao ở với Chúa, ở như thế rất lâu trước bàn thờ. Không thể xa rời, người bạn đó nữa. Bởi vì đó là báu vật duy nhất của tao khi tao đã không còn ai nữa cả - không cha, không mẹ, không bạn bè - lúc nào cũng thấy toàn kẻ thù khắp nơi, những kẻ chỉ mong tao chết đi…

- Bây giờ đã có một kẻ không gọi tao là thằng phạm tội và sẵn sang giúp đở tao. Kẻ đó là Chúa. Đêm đó tao không có gì ăn cả, nhưng tao vẫn sung sướng, quên ăn, quên bài tập, quên mệt nhọc, quên cô đơn, quên luôn cả những niềm đau đ ớn của mình. Tao sung sướng quỳ gối trước tượng Chúa, trước người bạn duy nhất của tao, suốt đêm.

- Nhưng lúc đó cha mẹ tao và Angelo trở về, trong những bộ y phục dạo mát. Chắc là họ đã đi ăn ở nhà hang và đã đi xem chớp bóng.

- Mới bước vào nhà, họ đã vội nổi nóng khi thấy tao quỳ trước bàn thờ. Chưa kịp thắp đèn cha tao đã hỏi to: "Thằng phạm tội đâu rồi". Sau đó tao không còn biết gì nữa. Cha tao nhào xuống, đạp tao bằng đôi giày còn mới tinh của ông; mẹ tao cũng đến tiếp tay. Cha tao lại la lên: "Thằng phạm tội, mày tưởng là tao nuôi mày để bẻ ổ khoá, để chỉ cách cho người ở vào nhà trong lúc tao đi vắng hả?

- Họ đánh đập tao tàn nhẫn, người tao be bét máu. Tao phải bỏ ra ngoài nhà và ngủ trên chiếc ghế dài.

Thân thể tao đầy cả thương tích và máu me. Nghĩ đến đức Chúa trời, bạn tao, tao bảo thầm: "Lạy Chúa, Ngài biết trước tất cả những gì xẩy ra cho con như thế này, tại sao Ngài còn giúp con mở cửa làm gì? Hình như tao nghe Ngài trả lời này: "Boris. Con đã cầu xin và Ta đã giúp đỡ con hết lòng". Nhưng lạy Chúa, Ngài thừa biết những gì con cầu xin là trái phép. Ngài thấy không người con bây giờ bầm tím và đầy cả máu. Ngài thấy họ đánh đập con. Nếu Ngài đừng giúp con mở cửa sẽ không xẩy ra như thế này. Sự phù hộ của Ngài không thể là sự giúp đỡ thật lòng của một người bạn tốt được. Ở địa vị Ngài, con sẽ không giúp đở cho một ai hoàn thành một điều gì xấu xa" - Ta luôn luôn chấp nhận những gì, con người cầu xin - Chúa trả lời như thế. "Nhưng thưa Ngài, con mới có sáu tuổi, con chưa phân biệt được xấu tốt như thế nào. Tối nay xin Ngài giúp con mở được cửa con tưởng là một điều tốt: Nhưng chuyện đã xảy ra như một điều xấu. Còn với Ngài, Ngài biết rõ đâu là tốt và đâu là xấu.

"Chúa không trả lời tao nữa hay là Ngài trả lời tiếp mà tao không nghe nữa, vì đã quá mệt. Tao đả khóc trong giấc ngủ. Tao không hận Chúa, nhưng tao sợ phải cầu xin một điều gì xấu xa. Từ đó tao không cầu xin gì nữa. Nếu tao cầu nguyện, tao sẽ nói thật giản dị - "Lạy Chúa, con xin Ngài một điều, hãy giúp con điều gì Ngài muốn."

Ngay cả mùa hè này tao cũng không hề cầu nguyện cho kỳ thi"…

- Mày không xin Ngài cho mày thi đỗ? Pillat hỏi.

- Không, tao đã xin Ngài giúp tao nếu Ngài thấy thi đỗ là một điều tốt. Nhưng ngược lại, nếu tốt hơn nên để tao thi trượt …

- Thi trượt chắc chắn không thể là một điều tốt được. Mày nói như thế thì quá đáng rồi. Trong trường hợp này, tốt với xấu khác nhau quá xa.

- Panait Istrati đi Pháp và trở thành một văn sĩ lừng danh, cũng nhờ lúc làm bồi cho quán Braïla, ông đã bị chủ nhà đánh đập và tống cổ ra khỏi cửa. Nếu chủ quán đừng đuổi ông ta ra khỏi nhà thì ban đêm Istrati đã không mặc độc một chiếc sơ mi rời xứ sở và đã không trở thành văn sĩ như bây giờ. Ông ta sẽ tiếp tục làm bồi cho quán Braïla và biết đâu lại chẳng trở thành một chủ quán tầm thường như trăm nghìn người khác. Thế đó, trong mỗi điều xấu biết đâu lại chả có điều tốt. Chỉ vì chúng ta không biết đâu là điều tốt đâu là điều xấu mà thôi.

- Mày muốn đi ra ngoại quốc? Pillat hỏi.

Boris ngước mắt nhìn mây bay về phương Đông.

- Làm sao mày biết được điều đó nhỉ! Vâng, tao muốn đi. Cũng không phải tao muốn nữa, mà tự nhiên phải vậy. Bỏ đi là một điều bắt buộc. Không còn giải pháp nào nữa. Tao muốn đi và làm lại cuộc đời. Đi đến một nơi không ai biết tao là Boris Bodnar một thằng đâm thủng mắt đứa em; một nơi không có ai nghi ngờ tao, mà các thiếu nữ mỗi lần gặp tao không còn che mắt la lên: "Anh thấy đôi mắt tôi đẹp chỉ vì anh thích đâm thủng chúng". Pillat, tao không phải là đứa hung bạo. Tao không hề muốn đâm thủng mắt ai cả. Đó chỉ là một tai nạn … Tao chỉ là một đứa bé … Tao không phải là một kẻ phạm tội.

- Mày muốn đi đâu? Pillat hỏi.

- Qua Nga sô, bởi vì Nga gần hơn cả. Chỉ vài giờ đi bộ tao sẽ đến sông Dniestr, sau đó tao bơi qua sông.

Boris yên lặng trong chốc lát rồi tiếp tục: "Nội trong đêm nay, tao sẽ có mặt ở Nga sô. Vì thế tao không cần tiền. Nhưng dù sao tao cũng cám ơn mày đã cho tao tiền.

Pillat nói: "Mày không biết sự khủng bố đang bao trùm trên đất Nga hay sao? Mỗi mùa đông mày có thấy những người tỵ nạn vượt băng giá trên song Dniestr cho dù có thể bị giết chết hay sao?

- Tao biết chứ, nhưng sự khủng khiếp mà tao phải chịu đựng ở đây còn lớn hơn gấp bội. Vì ở đây, chỉ một mình bị khủng bố mà thôi; còn ở Nga sô, nếu thực sự có khủng bố, thì đó là một chuyện tập thể. Thực là một điều lớn lao nếu mình có được bạn đồng hành, ngay cả đồng hành trong sự đau khổ. Sự cô đơn là nỗi đau đớn lớn nhất trần gian. Người ta có thể cùng chung chịu đựng sự khủng bố lớn lao nhất, nhưng cô đơn thì chết được. Với tao, tao không nghĩ là cuộc đời tao ở Nga sô sẽ khổ hơn ở đây. Từ hồi ba tuổi đến giờ, tao chỉ biết có rình mò, nghi ngờ, kết tội nhục nhã và đố kỵ …, Với tất cả điều đó, tao tin ở Nga sô tao sẽ được tự do hơn.

- Tại sao mày muốn bỏ quê hương mà đi. Cứ ở đây và đừng về nhà?

Ở Lỗ Ma Ni, tao luôn luôn phải tự nhận là tao bị trục xuất khỏi trường học, tao là một đứa phạm tội đã chọc thủng mắt em. Ở xứ này, cha mẹ tao, láng giềng, bạn bè ai cũng có thể gặp tao cả. Ở xứ này, con mắt Angelo và sự kết án của mọi người theo tao suốt đời. Trái lại ở Nga sô, không ai phải lấy tay che mắt lúc gặp tao đi ngoài đường; đó là lý do chính khiến tao ra đi.

Boris nói tiếp: "Có thể tao bị giết khi vượt qua sông Dniestr, vì biên giới được canh gác rất cẩn thận. Nhưng ý nghĩ chết chóc không làm tao sợ hãi. Tao đã quen với ý nghĩ đó hơn là ý nghĩ được sống. Nhiều lúc tao nghĩ là thà lính gác bắn tao ở biên giới đó cho khoẻ!

- Đừng nói nhảm. Pillat bảo, và vấn thêm một điếu thuốc, vừa nhìn đồng hồ.

"Còn 15 phút nữa mới đến giờ ra chơi" Rồi Pillat bỏi Boris thêm:

- Nhưng tại sao mày đã dấu kín chuyện đó? Nếu mày tâm sự với tao mày sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Biết đâu tao lại không giúp được gì cho mày. Mày lầm lẫn lớn khi cố tình giữ bí mật chuyện đó, đáng lý nên nói với tao là hơn.

- Nếu tao kể cho mày nghe, biết đâu mày chẳng coi chừng tao để xem thử tao có phải là một "quân sát nhân trời sinh" hay không?

- Dĩ nhiên là không?

Boris nhìn mấy mảnh giấy và ít tiền trong bao thuốc của Pillat. Pillat bảo:

"Tao muốn làm bất cứ điều gì cho mày, bất cứ điều gì mà mày thích"

- Tao không muốn đòi hỏi gì ở mày cả. Mà thật ra tao đòi hỏi gì ở mày bây giờ chứ và hắn tiếp tục nhìn vào bao thuốc lá. Pillat lập lại:

- Tao sẽ làm bất cứ điều gì mà mày muốn.

- Tao thấy mày có một chiếc ảnh trong bao thuốc (Boris đỏ mặt). Chắc là ảnh của một đứa con gái. Mày có thể cho tao hay không nhỉ?

- Tao sẵn sàng cho mày đấy, Pillat nói thế, và rút tấm ảnh ra, chiếc ảnh một nữ sinh loại nhỏ như ảnh căn cước, nhỏ bằng một con tem mà thôi.

- Có phải bà con của mày không? Boris vừa hỏi vừa cầm tấm ảnh, nhìn cô gái trong bộ đồng phục cổ trắng.

Đó là ảnh một thiếu nữ trạc tuổi chúng, đang còn vị thành niên. Pillat trả lời: "Đó là một nữ sinh trường âm nhạc, tên Eddy Thall. Tao cũng chỉ biết có thế mà thôi. Không phải nàng cho tao tấm ảnh, tao tìm thấy nó trong một cuốn sách ở thư viện trưởng.

Cả hai đứa cùng ngắm vẻ đẹp ngây thơ của Eddy Thall. Pillat bảo:

- Nàng đẹp lắm. Đang theo học khiêu vũ và nghệ thuật diễn xuất.

- Mày yêu nàng lắm hả? Boris hỏi.

- Tao chưa có dịp nói chuyện nhưng tao yêu nàng vô cùng. Tao chỉ thấy nàng đi với bạn bèn ngoài phố vào một dịp nghỉ hè.

Người con gái trong ảnh mỉm cười. Pillat nói:

- Tao cho mày đấy, mày có thể cầm lấy.

- Không, tao không lấy đâu. Boris trả lời, và đưa trả tấm ảnh cho Pillat. Pillat hỏi: "Mày không thích hay sao?’’

- Thích lắm chứ, với lại nàng đẹp lắm, Boris ngập ngừng chốc lát, tao thích đem ảnh này theo lắm. Có nó tao cũng bớt cô độc, ít nhất tao cũng còn một tấm ảnh bên mình.

- Thì mày lấy đi.

Tấm ảnh của Eddy Thall vẫn ở giữa hai đứa, trên cát.

"Tao sẽ bơi qua sông Dniestr. Nếu tao mang theo, nó sẽ hư mất. Rút cục, tao cũng không có nó lúc qua bên kia sông ; tao cũng vẫn cô độc. tấm ảnh lại cũng mất đi. Như thế tao mang nó theo là phi lý. Tao từ chối là phải. Tuy nhiên trong thâm tâm tao vẫn thích cô nó bên mình’’

Đến giờ ra chơi, Pillat cầm lấy tấm ảnh, bọc lại trong một mảnh giấy dầu và bỏ vào bao thuốc. Pillat nhét bao thuốc vào giày xong, bèn lẫn vào đám đông đang tràn ngập sân trường võ bị Hoàng gia Kichiev.

Boris ở lại một mình, cúi gầm xuống đất. Hắn thầm nhủ : ‘’ Đến không còn cả một tấm ảnh bên mình. Mình không mang theo tấm ảnh của cô nữ sinh trường âm nhạc đó, nhưng mình sẽ mang tên cô ấy theo. Và với tên nàng trong lòng, mình sẽ bơi quan bên kia sông Dniestr ?’’

Khi người ta không còn gì nữa cả. Hoàn toàn không còn gì cả, thì chỉ một tên người con gái biết được nhờ một tấm ảnh mà thôi cũng là một điều đáng kể rồi. Chỉ cái tên thôi. Tên rất đẹp. Thật đẹp. Và boris thấm gọi : ‘Eddy Thall’ Vừa thầm gọi tên nàng vừa mỉm cười ; hắn lập lại : ‘Eddy Thall’ … 


(...)


source: vietmessenger.com>


======================


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét