Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

bài đọc thêm (1) : Vĩnh biệt anh Hoàng Hoài Sơn ( 1960- 2013) / bài viết: Nguyễn Thông -- nguồn ; báo Thanh Niên (Tp.HCM)

 

Vĩnh biệt anh Hoàng Hoài Sơn

 16
Đầu giờ chiều 16.9. Cả tòa soạn cắm cúi ai vào việc nấy, bận bịu tất bật. Thứ hai đầu tuần nào chả vậy bởi phải cùng lúc chuẩn bị cho cả tờ báo hằng ngày lẫn tờ tuần san. Bỗng ai đó thảng thốt “anh Sơn mất rồi”. Tất cả bàng hoàng lặng ngó nhau dù biết rằng cái thông tin khủng khiếp đó sớm muộn gì cũng sẽ phát lên.

Vĩnh biệt anh Hoàng Hoài Sơn
Nhà báo Hoàng Hoài Sơn - Ảnh: Gia đình cung cấp

Tôi biết nhà báo Hoàng Hoài Sơn hơi muộn, chỉ từ khi anh đầu quân về Báo Thanh Niên. Nhưng trước đó đã đọc bài của anh khá nhiều, nhất là trên tờ Thể thao & Văn hóa. Sơn là cây bút chủ lực của tờ báo ấy, đặc biệt những bài về nghệ thuật nước ngoài. Gia nhập Thanh Niên, anh chứng tỏ sức nghề chuyên nghiệp, cầm tờ Tuần san suốt nhiều năm liền. Sau đó, lãnh đạo báo chuyển anh về chức Phó ban Văn hóa - Nghệ thuật. Đến lúc anh lâm bệnh, chỉ trừ thời gian vào bệnh viện, anh vẫn chả ngơi nghỉ bao nhiêu, vừa trực bài vở báo ngày, vừa viết bài dịch bài đều đặn cho tuần san, ngay cả khi trên giường bệnh.

Những ai có dịp gần gũi Hoàng Hoài Sơn (tuổi Canh Tý, 1960) đều ấn tượng về con người nho nhã ấy. Điềm đạm, nhỏ nhẹ, hầu như chẳng to tiếng với người khác bao giờ. Nhiều bạn bè chơi với anh, làm việc cùng anh suốt bao năm liền mà vẫn không hề biết cái người luôn cười luôn vui và cực kỳ khiêm tốn ấy có một lý lịch hoành tráng lắm. Sơn con nhà nòi văn nghệ, ba anh là cụ Giáo sư Hoàng Châu Ký, chuyên gia số 1 về nghệ thuật tuồng, từng đàm đạo về tuồng, về ông tổ tuồng Đào Tấn với cụ Hồ, với ông Phạm Văn Đồng; chị là nhà thơ nữ nổi tiếng Ý Nhi, anh là nhà văn Hoàng Trọng Dũng. Cái chất người xứ Quảng ưa văn hóa văn nghệ thấm đẫm trong Sơn nên dù học gì, làm gì anh cũng hướng vào nghệ thuật. Nhiều bạn bè chỉ biết Sơn như một phóng viên tài năng, một “sĩ quan” cần mẫn trong nghề chứ chưa biết Sơn từng du học 6 năm tại Moscow (Liên Xô) chuyên về ngành nhân văn học, có bằng thạc sĩ sử học, lưu trữ, và là một tay tiếng Nga cự phách. Sơn như con dao pha, chặt gì cũng được nhưng lại như lưỡi dao mổ lách vào được cả những chi tiết thật nhỏ, sâu kín, với sự khám phá vừa dữ dội vừa tinh tế.

Cuối tháng 12.2012, từ bệnh viện ung bướu xạ trị về, anh ghé tòa soạn chơi cùng bạn bè. Hai chúng tôi ngồi với nhau. Căn bệnh ung thư quái ác từng cướp của cơ quan tôi khá nhiều người nên khi nghe Sơn bị ung thư các bạn bè đồng nghiệp đều thương cảm, ái ngại. Trái với sự thương cảm của chúng tôi, Hoài Sơn luôn xuất hiện với gương mặt lạc quan, tươi tắn. Tôi nghĩ dường như anh cố, nhưng không phải cố cho anh mà cho chúng tôi, để động viên bạn bè. Sơn bảo “trời kêu ai nấy dạ, ông ạ. Chả có gì phải buồn, mình cứ phải cố lên thôi”.

Cách nay chưa lâu, Hoài Sơn gọi điện khoe đã tự biên soạn, xin giấy phép ra được ấn phẩm K+ Sức khỏe số đầu tiên, giãi bày kinh nghiệm trong quá trình điều trị bệnh của mình. Theo anh, ấn phẩm không phải để nêu ra những bài thuốc chữa ung thư, bởi ung thư thế giới cũng đang còn bó tay nữa là, mà để truyền cho những ai đồng bệnh, cùng hoàn cảnh như anh niềm lạc quan tươi trẻ, yêu đời, vượt lên cả nỗi đau bệnh tật. Thật tiếc, ấn phẩm số 2 mà anh đã dụng công chuẩn bị chưa kịp ra mắt thì anh đã ra đi.  ./

NGUYỄN THÔNG


Chia buồn

Được tin nhà báo Hoàng Hoài Sơn, sinh năm 1960 tại Hà Nội, nguyên Trưởng ban Thanh Niên tuần san, Phó ban Văn hóa - Nghệ thuật Báo Thanh Niên, từ trần lúc 15 giờ 02 ngày 16.9.2013 (nhằm ngày 12.8 năm Quý Tỵ), hưởng dương 54 tuổi; Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM, số 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM; Lễ viếng bắt đầu từ 13 giờ ngày 17.9.2013; Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 19.9.2013 (nhằm ngày 15.8 năm Quý Tỵ), sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Ban Biên tập cùng toàn thể phóng viên, biên tập viên, cán bộ công nhân viên Báo Thanh Niên xin chia buồn cùng gia quyến nhà báo Hoàng Hoài Sơn.

 Thanh Niên



======

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét