Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

bài đọc thêm (3) : ' Nhà văn Trần Hoài Thư * tác phẩm " Vă n Miền Nam Thời Chiến"/ Mặc Lâm phỏng vấn -- source: RFA

 

Nhà văn Trần Hoài Thư và tác phẩm “Văn Miền Nam Thời Chiến”

Chương trình Văn Học - Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu nhà văn Trần Hoài Thư, một cây bút quân đội quen thuộc với độc giả từ nhiều năm qua. Ông cũng là người âm thầm thực hiện một tác phẩm tập trung các cây bút Miền Nam trong thời chiến tranh Việt Nam.

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-07-05




Trần Hoài Thư tên thật Trần Quý Sách, sinh năm 1942 tại Ðà Lạt. Ông khởi viết từ năm 1960 về nhiều thể loại, trong đó có cả thơ. Những tác phẩm đã xuất bản gồm: Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang, Những Vì Sao Vĩnh Biệt, Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi, Một Nơi Nào Ðể Nhớ, Ra Biển Gọi Thầm, Về Hướng Mặt Trời Lặn, cũng như tập Thơ Trần Hoài Thư….

Nhà văn quân đội

Người đọc hải ngoại biết đến Trần Hoài Thư qua nhiều tác phẩm nói về đời sống quân ngũ cũng như những va đập mạnh bạo của chiến tranh khiến nhiều mảnh đời trôi nổi trong dòng chảy của cuộc chiến. Sau ngày từ trại giam trở về với đời sống, Trần Hoài Thư diễn tả tâm trạng của ông trong hoàn cảnh lúc đó qua bài thơ “Ta Bán Cà Rem, Hề!”. Ông lắc chuông ngoài phố như lắc nỗi buồn của thời đại mình và khắc khoải thông báo với nhân quần rằng ông đã trở về đời sống…

Sau 30 tháng 4, văn chương Miền Nam coi như bị bức tử, bị truy diệt, và coi như bị xóa tên, anh cũng biết rồi. Sách vở, có nhiều tác giả coi như là không còn thấy mặt đứa con tinh thần của mình nữa.

Nhà văn Trần Hoài Thư

 

Ta Bán Cà Rem, Hề!

 

Ta đã về ôm những nhánh tang thương

Cúi đầu bước đi giữa lòng phố cũ

Con phố của ta, ruột rà trăm ngõ

Sao bây giờ mỗi khúc mỗi đau

 

Ta đã trở về, bốn năm phù du

Hồn hóa đá, người thành dã thú

Ta dỗ dành ta tai trời ách nước

Thôi đã hết rồi, món nợ tiền khiên

 

Thì tại sao xin một chỗ chung thân

Cố xứ ơi, cây đào trước ngõ

Ngôi nhà ta, trời ơi bỗng lạ

Con đường xưa, thay đổi não nùng

 

Ngày xưa Từ Thức trở về, hương bưởi bâng khuâng

Đất trời quê hương dễ thương thế đó

Hôm nay ta trở về, đóng vai ông lão

Đi giữa lòng âm phủ trần gian

 

Ông lão buồn trong tuổi thanh niên

Ngày tháng lửa binh, già hơn quả đất

Sau cuộc chiến tranh làm tên sống sót

Sau cuộc tội tù đi bán cà rem

 

Ta bán cà rem hề, ta bán cà rem!

Lắc chiếc chuông đồng, khua vang thành phố

Ôi những hồi chuông lâu rồi đã ngủ

Bỗng hôm nay, choàng dậy, ngỡ ngàng

Quý vị vừa thưởng thức vài đoạn trong bài thơ Ta Bán Cà Rem, Hề! của Trần Hoài Thư qua giọng đọc của Việt Long.


Nhà văn Trần Hoài Thư: Tại sao tôi lại được đi vô đời văn chương này, thứ nhứt tôi bắt đầu viết văn, truyện đầu tiên của tôi là truyện "Nước mắt tuổi thơ" tôi gửi cho tạp chí Bách Khoa, tôi nhớ vào năm 1966. Đó là truyện đầu tay của tôi, bởi vì khi đó tôi đã là một sinh viên Đại Học Huế, vào học tôi thấy tấm hình chụp trận Bình Giã, trong đó có hình ảnh một em bé mà chiến tranh làm cho em mất cha mất mẹ, em đã khóc giữa bãi chiến trường như vậy đó, thành ra tôi xúc động quá và tôi viết truyện "Nước mắt tuổi thơ". Lúc đó tôi gửi ngay cho Bách Khoa mà sau đó tôi không ngờ tờ Bách Khoa lại in truyện đó. Kể từ đó tôi bắt đầu viết và sau đó thì tôi bị đi động viên. Tôi đi vào Đại Đội Thám Kích 405 của Sư Đoàn 22 Bộ Binh ở tại Bình Định. Qua những kinh nghiệm chiến trường, qua những gì mắt thấy tai nghe, sống thực trong chiến tranh, tôi đã cầm viết lại và vào khoảng năm 1969-1970 tôi mới bắt đầu in tác phẩm "Anh em ... thức" tại Phan Rang, in tác phẩm đầu tay của tôi là "Nỗi buồn bơ vơ" tại Hòa Vang. Cuốn đó là cuốn hoàn toàn quay roneo nhưng mà in như typo rất là đẹp. Và tôi nhớ không lầm thì cuốn đó in khoảng từ 1.000 đến 2.000 cuốn. Lần đầu tiên một cuốn sách ở tỉnh lẻ mà in như vậy mà bán hết thì đó là một hiện tượng lạ.

Những tác giả thời thế hệ chúng tôi họ viết một bài rồi có thể sau đó họ ngã gục trên chiến trường, không ai biết được. Có người mới gửi bản thảo về tòa soạn thì tòa soạn nghe tin tác giả đã không còn nữa và bản thảo trở thành bản di chúc cuối cùng.

Nhà văn Trần Hoài Thư

 

Quá trình thực hiện tác phẩm “Văn Miền Nam Thời Chiến”


Mặc Lâm: Mới đây ông đã sưu tập được một số lớn tác phẩm của các ngòi bút trước chiến tranh và chuẩn bị cho ra mắt. Quá trình sưu tập, chọn bài, đánh máy lẫn in thành sách như thế nào, thưa ông? Và quan trọng hơn cả là động cơ nào thúc đẩy ông đảm nhận công việc rất vất vả này?

Nhà văn Trần Hoài Thư: Sau 30 tháng 4, văn chương Miền Nam coi như bị bức tử, bị truy diệt, và coi như bị xóa tên, anh cũng biết rồi. Sách vở, có nhiều tác giả coi như là không còn thấy mặt đứa con tinh thần của mình nữa. Những tạp chí cũ như Bách Khoa, hoặc là Văn, Văn Học, Thời Tập, Nghệ Thuật hoặc là Khởi Hành, hoặc là Ý Thức chẳng hạn, coi như là rất khó tìm. Vấn đề may mắn là chúng tôi ở vùng Đông-Bắc (Hoa Kỳ) này gần những đại học như Đại Học Cornell, Đại Học Yale, hoặc xuống Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, thì không ngờ họ đã có đầy đủ những cái gì mà chúng tôi đã ao ước, chẳng hạn như những tập Bách Khoa, Văn, Ý Thức, Khởi Hành, hoặc Thời Tập chẳng hạn, hoặc Vấn Đề. Đó là một sự thiệt thòi lớn của các tác giả nếu như chúng tôi không làm thì đó là một điều rất là đáng buồn, vì vậy tôi đã cố gắng bằng hết sức mình và cũng cộng thêm một số anh em khuyến khích nữa, thưa anh, anh em khuyến khích lắm. Trước khi bộ Văn Miền Nam mà tôi sắp sửa hoàn thành thì chúng tôi đã làm được cả nguyên bộ Thơ Miền Nam gồm có Thơ Miền Nam Thời Chiến tập I, hơn 800 trang, Thơ Miền Nam Thời Chiến tập II gần 700 trang, Thơ Tự Do Miền Nam, Thơ Lục Bát Miền Nam, và Thơ Tình Miền Nam, tổng cộng tất cả khoảng 3.600 trang.

Anh thử tưởng tượng mình tự đánh máy, tự layout, rồi tự khâu, tự in lấy bằng tay không mà làm được, không phải dễ dàng, nhưng cũng khó khăn lắm anh ơi! Có điều tấm lòng của mình, mình cố gắng làm, bởi vì mình không làm thì ai làm đây? Mình làm thì có hai phần thưởng: thứ nhất là an ủi tấm lòng của mình, tinh thần của mình, và thứ hai là mình làm để cho con cháu mình thấy rằng "à văn chương Miền Nam là như vậy đó, tình người như vậy đó, nhân bản như vậy đó, cao cả như vậy đó. Nói về nghệ thuật thì rất có giá trị về nghệ thuật như vậy đó. Nếu mình không làm thì rất là uổng.

Mặc Lâm: Với cuốn “Văn Miền Nam Thời Chiến” thì ông dự định bao giờ ra mắt, thưa ông?

Nhà văn Trần Hoài Thư: Riêng cuốn Văn Miền Nam Thời Chiến chúng tôi dự trù vào Tháng Mười là in xong, dày khoảng chừng 1.500 trang. Không thể ngờ là khi chúng tôi loan báo thực hiện bộ này thì anh em đã sốt sắng, bạn bè đã sốt sắng, độc giả của chúng tôi đã sốt sắng đến không thể ngờ: người thì đánh máy giùm, người thì sưu tập giùm, thành ra đến bây giờ cuối Tháng Sáu mà đã gần 1.500 trang rồi. Anh tưởng tượng mọi người đánh máy giùm, thật là một niềm cảm động vô biên, đó là sự cảm thông vô bờ bến mà chúng tôi nhận được. Tôi nghĩ rằng không bao giờ làm được bởi vì đánh máy quả là một công trình. Thơ thì mình ham thích mình đánh máy được, nhưng không thể nào 1.500 trang mà một tay có thể đánh máy được.

Mình làm thì có hai phần thưởng: thứ nhất là an ủi tấm lòng của mình, tinh thần của mình, và thứ hai là mình làm để cho con cháu mình thấy rằng "à văn chương Miền Nam là như vậy đó, tình người như vậy đó, nhân bản như vậy đó, cao cả như vậy đó.

Nhà văn Trần Hoài Thư

Mặc Lâm: Xin được hơi tò mò một tí, tại sao ông giới hạn các tác giả trong thời gian chiến tranh? Có phải lúc đó hoàn cảnh tạo cho họ có thêm nhiều kinh nghiệm đau thương mà trong thời bình không thể có, phải không ạ?

Nhà văn Trần Hoài Thư: Giới hạn trong thời chiến bởi vì anh thấy rằng những tác giả trong thời chiến tranh bị thiệt thòi nhứt, bởi vì trong chiến tranh họ đâu có ở Sài Gòn đâu, họ mang balô ra mặt trận, vừa đánh giặc vừa viết. Có người viết một hai bài đăng trên báo, nhưng không có cơ hội để xuất bản, thành ra đây là điều ưu tư nhứt của tôi. Tôi muốn lấy lại danh dự cho họ. Tôi cố gắng sưu tập trong giới hạn những năm trong chiến tranh, vào khoảng năm 1960 vì từ năm này bắt đầu cuộc chiến cho tới năm 1975. Thật ra chúng tôi bây giờ không thể nhớ được, tôi thấy vẫn còn thiếu nhiều lắm. Những tác giả thời thế hệ chúng tôi họ viết một bài rồi có thể sau đó họ ngã gục trên chiến trường, không ai biết được. Có người mới gửi bản thảo về tòa soạn thì tòa soạn nghe tin tác giả đã không còn nữa và bản thảo trở thành bản di chúc cuối cùng. Thành ra không thể nào tôi có thể nói được, có thể sắp đặt được đầy đủ.

Mặc Lâm: Ông chọn tác giả theo tiêu chuẩn nào? Đã có tác phẩm hay chỉ là những bài viết đã được xác định bởi các tờ báo uy tín?

Nhà văn Trần Hoài Thư: Chúng tôi đã xét lại cái chuyện nổi tiếng. Nổi tiếng có phải là có tác phẩm nhiều? Nhiều khi một thi sĩ có một bài thơ, chỉ có một bài thơ mà nổi tiếng suốt cuộc đời. Thành ra vấn đề đặt ra quá bao quát, tuy nhiên, chúng ta nên nghĩ đến vấn đề đặt ra là sự cô đơn và sự bất hạnh của người viết ở hoàn cảnh đó. Và thứ hai nữa khi họ đăng báo, nhứt là trên tạp chí thời gian bấy giờ, thì các vị chủ bút cũng như thư ký tòa soạn, họ đã có một ban tuyển lựa, họ đã chọn kỹ rồi. Vấn đề đặt ra là chúng tôi đọc lại, chẳng hạn một người có 9-10 bài thì chúng tôi chọn một bài mà chúng tôi nghĩ rằng thích hợp với chúng tôi, tuy nhiên chúng tôi nghĩ độc giả cũng sẽ thích bởi vì trước đó các vị chủ bút cũng như các vị thư ký tòa soạn của các tạp chí đó đã đọc và đã tuyển chọn rồi.

Nhà văn Trần Hoài Thư cũng như nhiều người yêu văn chương khác đang âm thầm cống hiến công sức của mình để trả lại cho nền văn học tuy ngắn ngủi nhưng không kém sinh động vì thực chứng một giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử cận đại. Nền văn chương này nói như Trần Hoài Thư là cải tử cho nó sau khi bị truy diệt tận tình trong những ngày sau 30 tháng 4…  ./.


MẶC LÂM thực hiện


source:  RFA


                                                ==============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ