Trăm trứng Trăm trai / bài viết: Toan Ánh [ 1916- 2009 saigon] -- source: webblog Việt Văn Mới - Newvietart ( 09/ 09/2020 )
TRĂM TRỨNG TRĂM TRAI
L ĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, sau khi được Vũ Quỳnh hiệu chính vào năm 1492 đã xếp truyện Hồng Bàng lên đầu. Đây là một câu chuyện thần thoại xuất hiện có lẽ từ thủa sơ khai của dân Việt, liên quan tới triều đại đầu tiên của nước Việt.
Khi học giả Nguyễn Đổng Chi “Lược khảo về Thần Thoại Việt Nam” đã dành riêng chương VII trong quyển sách của ông để nói về Lạc Long Quân, trong đó có câu chuyện TRĂM TRỨNG TRĂM TRAI.
Câu chuyện Trăm trứng trăm trai, trong nhiều sách giải trí bậc tiểu học có nhắc tới, và ngay cả trong những sách sử ký trước đây cũng không bỏ qua. Cụ Trần Trọng Kim trong “Việt Nam Lược Sử” trong mấy trang đầu sách cũng có nhắc lại.
Chúng tôi xin phép được nhắc câu chuyện thần thoại này. Vua Kinh Dương Vương lấy con gái thần Động Đình hồ, sinh Sùng Lãm tức Lạc Long Quân sau này một phần lớn được di truyền tính chất của mẹ.
Lạc Long Quân thay cha để trị nước, dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần tôn ty, có luân thường về phụ tử phụ phu.
Về sau Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ có thai, đến kỳ sinh ra được một bọc thịt; quá bảy ngày bọc nở ra trăm trứng, mỗi trứng nở ra một người con trai. Những đứa trẻ này đều chóng lớn và đều khỏe mạnh, trí dũng khác thường.
Một ngày kia Lạc Long Quân bảo vợ:
- Tôi vốn thuộc giống rồng mà nàng thì là giống tiên. Tính tình tập quán của hai bên kẻ ở cạn, người ở nước khác nhau, khó mà ăn ở với nhau một nơi lâu dài được. Bây giờ trong số các con, một nửa theo tôi về thủy phủ ở nơi Nam Hải, một nửa ở lại với nàng.
Âu Cơ chấp thuận ý kiến của chồng. Nàng cùng 50 con kéo nhau về Phong Châu, nơi trung tâm đất Lạc. Đất Lạc được chia làm nhiều khu vực, mỗi người con cai quản một nơi, ngoại trừ một số ở lại với mẹ, trong số đó có người anh cả được tôn làm vua gọi là Hùng Vương. Một chế độ mới dần dần được thành lập bắt đầu từ cung điện Phong Châu mà ra: vua có tướng văn tướng võ, có tôi tớ nô lệ con trai vua là lang, con gái là mệ nàng (mị nương), cha chết truyền ngôi cho con trưởng, người nào cũng đều lấy danh hiệu Hùng Vương.
Câu chuyện trên, đọc qua, chúng ta thấy đầy vẻ hoang đường, nào Lạc Long Quân là rồng, nào Âu Cơ là tiên, nào truyện sinh bọc trứng vv…, nhưng chúng ta chớ quên đây là một câu chuyện thần thoại.
Thần thoại là một loại truyện cổ tích trong đó hoặc vai chủ động là một vị thần, hoặc những sự việc xảy ra có phép thần, bao hàm ít nhiều chất hoang đường quái đản.
Theo Nguyễn Đổng Chi trong Lược khảo về Thần Thoại Việt Nam thì “cũng như ca dao, tục ngữ, thần thoại… thành một món văn nghệ”. Người ta dùng hình thức thần thoại để phô diễn một cách cụ thể tư tưởng, cảm tình và nguyện vọng của họ, đồng thời để trình bày ý kiến và quan niệm thô sơ của họ về vũ trụ và nhân sinh, ghi nhớ sự việc lịch sử xảy ra lúc đó” (trang 11)
Và ông cũng viết thêm:
Đặc điểm của thần thoại là “sự phản ảnh xã hội chất phác, ấu trĩ đời cổ” (trang 12)
Qua nhiều câu chuyện thần thoại chúng ta phải công nhận những lời của Nguyễn Đổng Chi là đúng, tuy nhiên nếu xét cho kỹ, đúng nhưng chưa phải là đầy đủ.
Gần đây, trên nguyệt san Văn và tạp chí Bách Khoa, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đề cập tới thần thoại với những ý kiến thật là mới mẻ.
Có học giả cho rằng thần thoại chính là lịch sử linh thiêng của dân tộc, là lý do của nền văn hóa, là chân lý tối cao của cuộc sống, là di ngôn của tổ tiên để lại cho muôn đời về sau.
Hôm nay đây với câu chuyện Trăm trứng trăm trai, chúng tôi muốn thử tìm hiểu di ngôn tiền nhân chứa đựng trong câu chuyện.
Trước hết, Lạc Long Quân là dòng dõi Rồng. Rồng là con vật ở cả khô lẫn nước, nhưng trên thực tế không ai trông thấy rồng. Rồng chỉ có trong tưởng tượng của người Việt, và đây là một con vật chúa tể anh hùng, không chịu thua bất cứ con vật nào, như Lạc Long Quân đã trừ được hết các loài yêu quái: Ngư tinh, Mộc tinh, Hồ tinh… chúng ta là con cháu Lạc Long Quân, chúng ta phải làm sao cho xứng đáng với tổ tiên, anh hùng dũng mãnh không thua kém dân tộc nào, nhưng đây phải là sự dũng mãnh của Rồng, sự dũng mãnh người ta chỉ có thể tưởng tượng mà không bao giờ biết đích xác, như người ta chỉ nghe nói rồng mà không bao giờ thấy rồng.
Là dòng dõi Rồng, chúng ta lại là dòng dõi Tiên qua bà Âu Cơ. Đã gọi là Tiên thì bất diệt, dân tộc chúng ta phải là một dân tộc bất diệt, muốn như vậy chúng ta phải khôn khéo và dũng mãnh. Dũng mãnh chúng ta thừa hưởng của loài Rồng, và khôn khéo, chúng ta được Tiên truyền lại.
Kể chuyện chúng ta là con Rồng, cháu Tiên phải chăng tổ tiên dân Việt muốn con cháu vừa anh hùng vừa khôn khéo để trường tồn với núi sông!
Trong câu chuyện Trăm trứng trăm trai, điểm đáng chú ý khác là việc chia con.
Con trưởng ở lại trị vì, 50 con theo cha xuống biển, 49 con theo mẹ lên núi.
Sự chia con như vậy, tất nhiên phải có một ý nghĩa, và trong câu chuyện thần thoại này, số một trăm con trai, phải chăng tượng trưng cho bách tính, trăm họ, nghĩa là cho toàn thể nhân dân ta hồi đó. Và sự chia con xuống biển và lên núi phải chăng đây là một di ngôn của tiền nhân để lại cho chúng ta. Như vậy nửa số con theo cha xuống biển có ý nghĩa gì, và nửa số con theo mẹ lên núi có ý nghĩa gì?
Nói xuống biển, đây là biển Nam Hải, và nhắc tới biển Nam Hải là nhắc tới phương Nam. Ta thường nói tiền rừng bạc biển, nghĩa là rừng và biển là tất cả của cải của thiên nhiên dành cho con người. Muốn sống, con người phải khai thác biển và rừng. Sự chia con xuống biển và lên rừng trước hết tiền nhân có ý nguyện chúng ta phải biết chia sức lực khai thác sự giàu có của rừng của biển để mưu sự sinh tồn cho dân tộc.
Ngoài ra, đi xuống biển có nghĩa là hướng về Nam. Tổ tiên chúng ta, theo truyền thuyết, đã từ vùng Triết Giang, trước sức bành trướng của Hán tộc, phải di cư xuống phương Nam, tạm định cư tại miền Bắc Việt. Tạm định cư tại nơi đây, vì dân số còn ít ỏi, nhưng các cụ già biết rõ về miền Nam còn đất đai phì nhiêu, con cháu muốn sống, muốn mạnh, muốn vươn lên phải hướng về Nam.
Hướng về Nam để tiến, để mở mang bờ cõi, nhưng nếu chỉ hướng về Nam không quay về Bắc, chúng ta sẽ không tránh được sự nhòm ngó của miền Bắc, và sức lan tràn của Hán tộc mà tổ tiên chúng ta đã kinh nghiệm. Bởi vậy, hướng về Nam, tiến về Nam, nhưng chúng ta luôn luôn canh chừng miền Bắc để ngăn ngừa sự ham tiến của Bắc phương. Năm mươi người con theo mẹ lên núi phân chia nhau thành bộ lạc, ngoài việc khai thác tài sản thiên nhiên của rừng núi, đây còn là những sức mạnh để kháng cự lại Bắc phương. Năm mươi con là nửa phần tính, tiền nhân muốn nhắn nhủ con cháu phải chống giữ miền Bắc cùng với một nhiệt tâm để giữ vững cương giới cũng như với nhiệt tâm đó con cháu phải hướng về Nam để mở mang bờ cõi.
Giữ vững miền Bắc, mở mang về miền Nam, đó là sách lược của dân tộc chúng ta, lịch triều hằng theo nên ngày nay đất nước chúng ta mới mở rộng được cho tới Cà Mau, trong khi biên giới miền Bắc ngày nay vẫn là biên giới từ ngày lập quốc. Chúng ta đã tuân theo di ngôn của tổ tiên trên phương diện này.
Ngoài hai ý nghĩa trên, với đoạn cuối của câu chuyện, chúng ta còn thấy một ý nguyện thầm kín nữa của tiền nhân:
Âu Cơ cùng năm mươi con kéo nhau về trung tâm đất Lạc ở Phong Châu. Đất Lạc được chia làm nhiều khu vực, mỗi người con cai quản một nơi và người con cả được tôn làm vua gọi là Hùng Vương.
Mỗi người con cai quản một khu vực, sống theo chế độ bộ lạc, rồi dần với thời gian, mỗi bộ lạc tới ngày nay mang một sắc tộc. Tất cả các sắc tộc miền rừng núi đều là đồng bào ruột thịt của chúng ta, cùng là ruột thịt, cùng chung sống trên một địa bàn, kinh hay thượng chúng ta đều là con Lạc cháu Hồng, con cháu Rồng Tiên! Có lẽ tiền nhân đã lo xa, sợ con cháu sau này, kẻ ở miền xuôi, người nơi miền ngược sẽ nhìn nhau bằng con mắt kinh thượng, nên đã thầm kín nhắn nhủ chúng ta qua câu chuyện Trăm trứng trăm trai này.
Và ở đây, chúng tôi tưởng cũng cần nhắc tới vai trò của người con trưởng ở lại nối ngôi cha làm vua.
Ngôi vua đây tượng trưng cho chính quyền trung ương. Nếu một nửa dân tộc hướng về Nam để mở mang bờ cõi, một nửa dân tộc lên miền Bắc để trấn giữ biên cương, không có một sự phối hợp điều hòa, một sự liên lạc mật thiết qua một chính quyền trung ương, ắt hẳn với thời gian, người miền Nam, kẻ miền Bắc sẽ không còn hiểu nhau nữa, có thể quên mình là đồng bào với nhau, trở thành thù địch. Nam Bắc vẫn hiểu nhau, người đường biển, kẻ đường rừng luôn luôn cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng đất nước và phát huy dân tộc, đó chính là có sự phối hợp và liên lạc chặt chẽ với nhau, qua chính quyền trung ương tượng trưng bởi người con trưởng trong câu chuyện thần thoại này.
Sài gòn, 28.3.1973
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ